Hàng hóa sản xuất trong nước đang mất dần vị trí trong hệ thống siêu thị. Ảnh: Quốc Anh.
Hàng Thái xâm chiếm thị trường
Gần đây nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện ngày một nhiều các loại hàng hóa, vật dụng, đồ dùng Thái Lan. Nếu như trước đây, hàng Trung Quốc lấn át thị trường trong nước chỉ bởi ưu thế về giá cả và mẫu mã, thì nay với lợi thế cả về mẫu mã, chất lượng cũng như giá cả… các sản phẩm đến từ Thái Lan đang ngày càng nhận được nhiều sự ưu ái từ người tiêu dùng.
Chị Đỗ Thu Huệ, người dân ở phố Đội Cấn (Hà Nội) cho biết, chị vừa kết thúc một chuyến du lịch Đà Nẵng, nhưng quà mang về cho người thân ở nhà không phải là những món đặc sản của Đà Nẵng, mà là hơn một chục đôi dép Thái Lan.
“Chỉ với 60.000 – 80.000 đồng/đôi dép, vừa đẹp, vừa đảm bảo chất lượng, tôi nghĩ chẳng có lý do gì mà không sử dụng những sản phẩm này”- chị Huệ chia sẻ. Theo chị Huệ, nếu mua dép Trung Quốc giá rẻ hơn nhưng rất chóng hỏng. Còn mua dép “made in Việt Nam” thì sẽ không bao giờ có giá đó.
Chị Huệ chỉ là một trong số nhiều người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu sử dụng các sản phẩm tiêu dùng của Thái Lan. Đáng chú ý, trên thị trường hiện nay, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng từ vật dụng nhỏ như bàn chải đánh răng, kem đánh răng, khăn mặt, mỹ phẩm… cho đến các sản phẩm may mặc, đồ gia dụng như điện máy… đã có sự “đổi ngôi”. Lợi thế rẻ và chất lượng đang là những điểm mạnh để hàng hóa của Thái Lan có khả năng lấn át hàng Trung Quốc và hàng Việt tại Việt Nam.
Anh Trần Trường Giang- một người buôn hàng Thái Lan qua mạng cho biết, bán hàng Thái Lan qua mạng cũng “đắt như tôm tươi”. Chuyến hàng mỹ phẩm nào được đánh về chỉ rao trên mạng khoảng 1 tuần đã được bán hết.
“Hàng Thái Lan giá không cao hơn, thậm chí nhiều sản phẩm còn thấp hơn hàng Việt Nam. Hơn thế lâu nay hàng Thái Lan đã có tiếng về chất lượng, nên người tiêu dùng chọn mua nhiều. Trước đây tôi kinh doanh hàng xách tay từ Mỹ, Úc nhưng giờ chuyển sang hàng Thái vì phù hợp với phần lớn thu nhập của người Việt Nam”.
Như vậy, không chỉ đang lấn sân tại các chợ truyền thống, chợ cóc, đại lý bán lẻ… hàng tiêu dùng “made in Thái Lan” còn tấn công trên cả sàn thương mại điện tử.
Doanh nghiệp Việt cần hành động
Không phải bây giờ mà đã từ lâu, hàng Thái Lan đã được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Tuy nhiên, dư luận chỉ bắt đầu chứng kiến sự đổ bộ mạnh mẽ của hàng Thái Lan trong khoảng gần 2 năm trở lại đây.
Bắt đầu từ thời điểm tháng 6-2013, tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi bán lẻ Family Mart tại Việt Nam. Family Mart là chuỗi bán lẻ của Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam. Thời điểm trước đó, khi chưa rơi vào tay người Thái, hàng Việt Nam tại hệ thống bán lẻ này chiếm khoảng 70%. Nhưng khi thuộc về tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, con số 70% này được chuyển sang tay người Thái.
Và chỉ sau thương vụ mua bán, sáp nhập này một năm, tháng 8/2014, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan mua lại toàn bộ hệ thống bán sỉ Cash & Carry ở Việt Nam của Metro Group. Tới lúc này, những lo ngại về một làn sóng hàng hóa Thái Lan đã thực sự hiện hữu.
Theo giới chuyên gia kinh tế, sự có mặt của người Thái không chỉ dừng lại ở những sản phẩm đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, ngành bán lẻ mà họ tiếp tục lấn sang các ngành lớn hơn.
Lý giải cho sự xâm nhập khá dồn dập này của hàng Thái Lan, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, giống như Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan cũng có chung đường biên giới. Có lợi thế về vị trí địa lý, cả lợi thế về mẫu mã, đặc biệt giá cả, chất lượng lại phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam, do đó sự lựa chọn của người tiêu dùng với những sản phẩm vừa đạt được tiêu chuẩn về chất lượng cũng như giá cả là điều có thể hiểu được.
Theo ông Hải, vấn đề cần làm của các DN Việt hiện nay là nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm để có thể chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Việt.
“Chúng ta đã và đang triển khai tốt Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Từ cuộc vận động này, tâm lý tiêu dùng của người dân đã có sự chuyển biến đáng kể, xu hướng sử dụng hàng Việt ngày một nhiều hơn. Đây sẽ là cơ hội để các DN sản xuất cũng như các nhà phân phối tận dụng để có thể đưa hàng Việt đến gần hơn với người Việt”- ông Hải nhấn mạnh.
Giới chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ quan điểm, do thu nhập chủ yếu ở mức trung bình nên phần lớn tâm lý của người tiêu dùng Việt vẫn thiên về giá cả, do đó sự lựa chọn của họ luôn là giá cả phù hợp với túi tiền. Bởi vậy, các DN Việt Nam cần phải nắm bắt tâm lý này để lên kế hoạch cho chiến lược sản xuất kinh doanh của mình.
“Vấn đề mấu chốt hiện nay, là hầu hết các DN nhỏ của chúng ta ít vốn, công nghệ sản xuất không cao nên rất cần các DN phải liên kết với nhau thành một sức mạnh tập thể, sử dụng sản phẩm của nhau để tiết giảm chi phí. Khi có sự liên kết đó, tất yếu các DN sẽ tiết giảm được nhiều chi phí, giúp giảm giá thành sản xuất. Khi đó các sản phẩm hàng hóa của DN Việt đến tay người tiêu dùng mới có thể cạnh tranh với các sản phẩm đến từ Thái Lan hay Trung Quốc, cũng như các nước khác”- ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thị trường chia sẻ.