Monthly Archives: May 2017

7 nguyên tắc tư duy, sáng tạo như Leonardo da Vinci

Leonardo da Vinci được biết đến như một trong những thiên tài xuất chúng của thế giới, ông vừa là một nhà kiến trúc, một nhạc sĩ, kĩ sư, nhà toán học cũng như nhà phát minh đại tài mà ai cũng phải ngưỡng mộ.

Một trong những điều được người đời tương truyền nhiều nhất về ông chính là khả năng sáng tạo vô bờ bến, thứ đã giúp ông tiến rất xa cả trong lĩnh vực nghệ thuật lẫn trong việc phát minh, sáng chế.

Vậy phải làm như thế nào để bạn có thể trui rèn được khả năng sáng tạo của mình giống như Leonardo da Vinci?

Michael Gelb, một nhà nghiên cứu, chuyên gia tư vấn đã viết 13 cuốn sách về sự sáng tạo và phát triển. Nổi tiếng nhất trong số đó là cuốn “Làm Thế Nào Để Suy Nghĩ Như Leonardo da Vinci: 7 Bước Để Trở Thành Một Thiên Tài” đã gây được ấn tượng mạnh với rất nhiều độc giả.

Một trong những điều được người đời tương truyền nhiều nhất về ông chính là khả năng sáng tạo vô bờ bến, thứ đã giúp ông tiến rất xa cả trong lĩnh vực nghệ thuật lẫn trong việc phát minh, sáng chế.

Vậy phải làm như thế nào để bạn có thể trui rèn được khả năng sáng tạo của mình giống như Leonardo da Vinci?

Michael Gelb, một nhà nghiên cứu, chuyên gia tư vấn đã viết 13 cuốn sách về sự sáng tạo và phát triển. Nổi tiếng nhất trong số đó là cuốn “Làm Thế Nào Để Suy Nghĩ Như Leonardo da Vinci: 7 Bước Để Trở Thành Một Thiên Tài” đã gây được ấn tượng mạnh với rất nhiều độc giả.

Hãy cùng nhau điểm lại những ý chính được đúc rút ra từ cuốn sách này để biết được bạn cần phải làm những gì nếu muốn có được sự sáng tạo tuyệt vời như của Leonardo da Vinci.

Khuyến khích sự tò mò

Khi còn là một đứa trẻ thì tò mò là một trong những bản năng tự nhiên của chúng ta, thế nhưng khi trưởng thành, cá tính này lại dần trở nên phai nhạt.

“Hầu hết mọi đứa trẻ đều đặt ra rất nhiều câu hỏi. Và đó là cách mà chúng học hỏi trong suốt 5 năm đầu đời. Thế nhưng sau khi chúng ta gửi chúng tới trường học, nơi coi trọng câu trả lời của chúng nhiều hơn là các câu hỏi.” Gelb nói. Để có thể trở thành thiên tài như da Vinci, bạn phải duy trì được sự tò mò cho bản thân mình trong suốt cả cuộc đời.

“Khi bạn làm việc với một tổ chức nào đó, bạn có thể thấy được sự cần thiết của cá tính này, đặc biệt là khi bạn là người ngoài, giống như tôi, được thuê tới làm cố vấn cho các công ty chẳng hạn. Tôi rất muốn biết được xem mọi người ở đây làm việc như thế nào chẳng hạn hay họ có thể cho tôi biết những điều thú vị gì về công ty”

Rèn luyện khả năng suy nghĩ độc lập

Sự đa dạng trong suy nghĩ là một yếu tố cần thiết để phát triển sự sáng tạo và nó thể hiện ở khả năng tìm kiếm những hướng đi, những góc nhìn khác của bạn về các vấn đề được đặt ra.

“Vấn đề là khi một người ở vị trí càng cao thì người đó sẽ càng có suy nghĩ cho rằng mọi người xung quanh đều sẽ phải đồng tình với mình. Vì thế, càng ở vị trí cao thì bạn càng phải cố gắng tìm ra những ý kiến khác biệt, có khả năng suy nghĩ độc lập, khách quan”, Gelb cho biết.

Rèn luyện sự cảm nhận của bản thân

Trong kinh doanh, bạn có thể hiểu yếu tố này có nghĩa là bạn hãy học cách lắng nghe cũng như quan sát. Đây là một lời khuyên khá đơn giản nhưng lại ít người làm được trong thế giới ngày càng phức tạp hiện nay.

“Người Ý có cụm từ la dolce vita, nghĩa là một cuộc sống ngọt ngào, thú vị. Người Pháp thì có cụm từ joie de vivre để chỉ về niềm vui sống. Và tại Mỹ thì chúng tôi dùng từ Happy Hour để chỉ những giây phút vui vẻ.”

Bằng những miêu tả này, Gelb đã đưa ra lời khuyên rằng hãy gạt bỏ những bộn bề suy nghĩ sang một bên, thử chú tâm vào những thứ đơn giản ở ngay gần bạn. Đó là một cách để tận hưởng cuộc sống và cũng là cách để bạn trở nên sáng tạo hơn.

Gelb đã giúp rất nhiều doanh nhân rèn luyện sự cảm nhận của mình bằng cách hướng dẫn để họ thưởng thức được những thứ tốt đẹp trong cuộc sống. Ông đã làm được điều này bằng cách cho họ nghe nhạc, thưởng thức nghệ thuật, thử suy ngẫm về vị của những thứ như rượu, chocolate hay thưởng thức những bài thơ hay.

Bằng việc thưởng thức và hưởng thụ cuộc sống, bạn sẽ trui rèn được khả năng cảm nhận của mình và từ đó cũng sẽ trở nên sáng tạo hơn rất nhiều.

Thích thú với những điều mới mẻ, bất ngờ

Khả năng giữ vững sự tự tin khi đối mặt với những điều bất ngờ là một trong những nguyên tắc cơ bản cần có của một người lãnh đạo. Bạn cần phải giữ được cho mình sự thoải mái với những điều mới mẻ, bất ngờ xuất hiện trong cuộc sống, có vậy thì những ý tưởng sáng tạo mới có chỗ để sinh sôi.

“Một nhân tố tạo nên sự sáng tạo chính là những điều bất ngờ, là việc tìm hiểu về những điều mới lạ mà bạn chưa từng biết đến. Đây là nhân tố chính để tạo nên những sự bùng nổ, phát triển. Nếu bạn chỉ làm mãi những công việc cũ, bạn sẽ chẳng bao giờ học được thêm những điều mới mẻ. Luôn có những thứ khiến cho bạn cảm thấy ngại ngùng trước những điều nằm ngoài khả năng hiểu biết của bản thân mình và càng cảm thấy thích thú với những điều mới mẻ này, bạn sẽ càng giúp bản thân mình trở nên sáng tạo hơn.”

Cân bằng giữa trí tưởng tượng và khả năng suy luận logic

Hẳn là bạn đã từng nghe tới việc phân loại xem bạn thuộc tuýp người dùng não bên phải (đại diện cho sự sáng tạo, khả năng tưởng tượng) hay bạn thuộc tuýp người dùng não phải (đại dienj cho khả năng phân tích, suy luận logic) nhiều hơn? Hôm nay, lời khuyên được đưa ra đó là hãy cân bằng cả 2 thứ trên.

Để giúp mọi người có thể phát triển cả hai yếu tố ở trên một cách phù hợp, Gelb đã dạy họ cách tạo ra những sơ đồ tư duy, một cách để bạn tổng hợp lại những ý kiến dựa trên sự tưởng tượng và cả suy luận logic, từ đó có thể nghĩ ra được những ý tưởng mới trong thời gian nhanh nhất có thể.

Để làm được điều này, bạn cần bắt đầu bằng cách vẽ những nhân tố đại diện cho vấn đề mà bạn đang quan tâm. Từ đó, bạn sẽ mở rộng ra những hình ảnh khác từ một hình ảnh đã vẽ ở trung tâm. Ví dụ như khi bạn vẽ phác hình một củ hành, bạn nghĩ tới rau cỏ nên bạn sẽ vẽ… một củ cà rốt, từ củ cà rốt bạn nghĩ tới con thỏ, rồi từ con thỏ bạn nghĩ tới con mèo… cứ thế bạn sẽ vẽ ra được một loạt những thứ khác từ trí tưởng tượng của mình.

Theo sự hướng dẫn của Gelb thì bạn đừng quá quan trọng vào việc phải vẽ cho đẹp, cho giống thật, hãy cứ vẽ một cách đại khái thôi cũng được.

“Bạn có thể bắt đầu với những hình vẽ đơn giản như là của trẻ con thôi cũng được. Điều quan trọng là khi làm như thế này, bạn sẽ đánh thức những phần não bộ đại diện cho sự sáng tạo đã bị ru ngủ trong suốt thời gian trước đây. Điều này sẽ giúp kích thích tăng khả năng sáng tạo của bản thân bạn lên rất nhiều.”

Tạo sự cân bằng giữa cơ thể và tinh thần

Bạn có thể không biết rằng Leonardo thực chất là một vận động viên, ông thậm chí còn được biết đến như người đàn ông khỏe nhất tại Florence, thông thạo cả đấu kiếm lẫn cưỡi ngựa.

“Chúng ta thường nghĩ rằng cải thiện sự sáng tạo chỉ diễn ra trên phương diện tinh thần, nhưng thực chất thì nó đòi hỏi rất nhiều năng lượng. Học cách kiểm soát cơ thể, sức sống, năng lượng của chính bản thân mình cũng chính là một phần trong việc cải thiện sự sáng tạo của bản thân”

Thực tế thì trong cuộc sống thường ngày, cải thiện sức khỏe cũng sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn rất nhiều.

Sáng tạo thêm những sự liên tưởng mới

Đối với những người đang làm công việc đòi hỏi sự logic cao như kĩ sư, nhà phân tích, khoa học gia… thì việc tạo cho mình những suy nghĩ mới, những sự liên tưởng mới sẽ khá khó khăn.

Tuy nhiên, một lần nữa thì Gelb lại khuyên bạn hãy sử dụng sơ đồ tư duy để rèn luyện kĩ năng này cho mình và hãy làm mọi thứ theo một trật tự nhất định. “Đầu tiên bạn sẽ cảm thấy việc vẽ sơ đồ tư duy thật vớ vẩn… hãy bỏ qua hết đi và để trí não của mình được tự do và rồi nghĩ ra thật nhiều từ ngữ nhất có thể cùng các hình ảnh đại diện cho chúng và vẽ ra theo các hướng khác nhau.” Cách làm này sẽ giúp bạn tạo được khả năng liên tưởng giữa các hình vẽ, giữa những thứ mà bạn nghĩ ra với nhau theo một trật tự nhất định.

Khoa học giải thích vì sao càng lớn người ta càng thích cà phê

Lớn lên rồi mà bạn vẫn không thích cà phê? Mọi người sẽ quay sang bảo bạn là kẻ sociopath.

Hầu hết những đứa trẻ uống cà phê lần đầu tiên và ghét nó. Bạn cũng vậy. Cà phê đắng và chẳng hiểu sao những người lớn có thể yêu thích nó.

Nhưng rồi khi lớn lên, chúng ta một lần nữa nhận ra cà phê ngập tràn ở mọi nơi, mọi chốn. Cà phê có mặt trong phòng họp, trên bàn làm việc, và cả những cuộc gặp mặt bạn bè.

Lớn lên rồi mà bạn vẫn không thích cà phê? Sẽ có người quay sang bảo bạn là kẻ sociopath, một người rối loạn nhân cách và chống đối xã hội.

May mắn thay, ngay cả khi chưa từng uống cà phê lần thứ hai trong đời và vẫn còn ghét nó, bạn luôn có những sự lựa chọn khác. Ở tuổi thanh thiếu niên, chúng ta bắt đầu gọi Frappuccino, một dạng sinh tố cà phê nhẹ.

Rồi bạn sẽ bắt đầu thích nó. Bẵng qua một thời gian khi đã trưởng thành hơn, Frappuccino lại trở thành quá khứ. Đến tuổi trung niên thì mọi người sẽ chỉ còn gọi Espresso, và nghiện cái vị đắng đậm đà của loại cà phê này.

Cuối cùng, những đứa trẻ bây giờ lại ngước nhìn bạn và tự hỏi: Tại sao người lớn có thể thích cà phê đắng đến vậy? Một vòng lặp không bao giờ kết thúc.

Nhiều người nói rằng khi trưởng thành hơn, trải qua nhiều biến cố hơn, chúng ta sẽ nhận ra cuộc đời mình vấn vương vị đắng như một ly cà phê. Họ vì thế mà thích nó. Nhưng liệu có cần lãng mạn quá như vậy? Nghiên cứu khoa học có thể giải thích tại sao càng lớn, con người càng thích cà phê.

Năm 2013, một bài báo đăng trên tạp chí Current Biology chỉ ra: Đường và chất béo là hai thứ mà những đứa trẻ yêu thích, từ khi chúng được sinh ra trên đời. Và thật trùng hợp, một cốc Frappuccino cũng đầy đường và chất béo. Nhưng dĩ nhiên, nó vẫn có thêm một chút cà phê.

Vậy là ở vị thành niên, bạn bắt đầu chấp nhận được một chút vị đắng trong Frappuccino, chỉ cần nó vẫn chứa đầy đường và sữa. Frappuccino trở thành đồ uống quen thuộc của bạn.

Nhưng không ai uống Frappuccino mãi mãi được. Một ngày, bạn cũng bắt đầu chán ngấy nó và muốn chuyển sang một loại đồ uống nhiều cà phê hơn chút.

Biến số 1, Hiệu ứng này xảy ra dựa trên một nguyên lý được gọi là: “Sự lờn thuốc” (Habituation).

Christy Spackman, một nhà khoa học nghiên cứu thực phẩm tại Đại học Harvey Mudd giải thích: “Bộ não của chúng ta liên tục thu nhận thông tin về thế giới xung quanh. Nếu có những thứ gì đã trở thành quen thuộc, nó ngừng đặt sự chú ý đặc biệt vào đó”.

Cảm giác ghét là một sự chú ý đặc biệt. Và bởi đó là lần đầu bạn uống cà phê, não bộ đặt sự chú ý rất cao vào mùi vị của nó. Ngược lại, khi bạn đã quen dần với Frappuccino ở tuổi vị thành niên, chút đắng nhẹ nhàng của cà phê dần trở nên dễ chịu hơn.

Hiệu ứng quen lờn giúp não bộ bạn giải phóng được dung lượng, giúp nó có chỗ để chứa các cảm giác và kích thích khác. Điều này xảy ra khi chúng ta tương tác với vị của thực phẩm, nhất là những thực phẩm quen thuộc và có hương vị đặc biệt.

Spackman cho biết vị giác của con người là thứ gì đó có thể uốn nắn được. Nó giống như một phương trình 3 biến số. Bằng cách thay đổi mỗi biến, vị giác của mỗi người sẽ thay đổi. Có một số biến là hằng số, được quyết định bởi gen. Nhưng cũng có biến số dễ dàng thay đổi, ví như sự ảnh hưởng từ xã hội, tập quán, văn hóa.

Biến số đầu tiên trong phương trình vị giác là bản chất sinh lý của bạn. Một phần, nó thuộc về yếu tố di truyền. Nghiên cứu năm 2006 chứng minh rằng những cặp song sinh cùng trứng có sở thích giống nhau hơn, so với các cặp song sinh khác trứng.

Bạn có bao nhiêu nụ vị giác trên lưỡi? Độ nhạy của chúng, với những hợp chất hóa học có trong thực phẩm, khác nhau ở mỗi người. Lối sống, chẳng hạn như hút thuốc, cũng có thể thay đổi vị giác của bạn. Và ngay cả những người không hút thuốc cũng bị suy thoái vị giác khi họ già đi. Điều này đặc biệt đúng với đàn ông.

Biến số thứ 2, thú vị hơn, là nơi mà bạn lớn lên và trưởng thành. Từ khi bạn sinh ra và bước vào thế giới này, bạn ăn gì, trong một nền văn hóa thế nào là một câu hỏi quan trọng.

Nghiên cứu năm 2002 đã phát hiện thức ăn trong thời sơ sinh ảnh hưởng đến sở thích và vị giác của bạn sau này. Chẳng hạn như các loại sữa khác nhau đã khiến những đứa trẻ lớn lên thích hoặc không thích súp lơ xanh hơn.

Biến số cuối, đó là những mối liên hệ cảm xúc của chúng ta với thực phẩm. Thử nhớ lại một lần bạn bị ngộ độc, món ăn đó và quán ăn đó gần như sẽ là nơi bạn không bao giờ trở lại.

Ở phía tích cực, Spack cho biết: “Đôi khi mọi thứ trở nên ngon hơn từ lúc bạn chia sẻ chúng với bạn bè”. Chẳng hạn, thực phẩm đông lạnh hoặc hải sản là thứ bạn chẳng bao giờ dụng đến. Nhưng bên một ngọn lửa trại, nó lại trở nên ngon tuyệt.

Trở lại với những ly cà phê. Cho dù bạn không phải là người hay cắm rễ ở một quán quen nào đó. Những quán cà phê cũng không nắm giữ được hết kỷ niệm của bạn.

Thế nhưng, rõ rằng đó vẫn là một nơi ấm áp vào một ngày mưa, hoặc một nơi mát lạnh điều hòa trong một ngày nắng. Có quán cà phê nào là nơi bạn gặp gỡ bạn bè cả triệu lần trong đời? Có quán nào là nơi yên tĩnh để bạn thư giãn và thưởng thức những ngụm cà phê đắng?

Suy cho cùng, hầu hết chúng ta đều ghét cà phê trong lần đầu tiên uống thử. Nhưng rồi lớn lên, mọi người vẫn đặt nó trên mặt bàn làm việc, ghé thăm quán xá đều đặn mỗi tuần, và gọi cà phê ngày một đậm đặc hơn.

Tỷ phú Jack Ma: Muốn sống đơn giản, đừng làm lãnh đạo

“Nếu muốn sống một cuộc đời đơn giản thì đừng làm lãnh đạo”. Câu nói nổi tiếng của tỷ phú Jack Ma đã truyền cảm hứng đến nhiều người, trong đó có nữ doanh nhân trẻ Alexa von Tobel.

Ở tuổi 32, Alexa von Tobel là nhà sáng lập, CEO của Learn Vest – hãng tư vấn trực tuyến trong việc lập vốn, xác định lãi và quy hoạch tài chính trước nghỉ hưu. Công ty này đã được tập đoàn bảo hiểm Northwestern Mutual (Mỹ) mua lại cách đây 2 năm.

Nói về hành trình trở thành lãnh đạo của mình, Alexa cho biết, có những ngày công việc này khiến cô thấy mình thật tuyệt vời nhưng cũng có những ngày cô mất phương hướng, “không biết bản thân thuộc về nơi nào”. “Đó là lý do tôi luôn sẵn sàng học hỏi và tự đặt ra thử thách để phát triển bản thân”, Alexa nói.

Một trong những cách nâng cao khả năng lãnh đạo của Alexa là học hỏi kinh nghiệm lãnh đạo từ những người đi trước. Và cô cho biết đã rút ra ba bài học cốt lõi từ vị doanh nhân nổi tiếng – tỷ phú Jack Ma qua bài phát biểu gần đây của nhà sáng lập Alibaba. Đó là:

1. Bạn phải yêu thích công việc lãnh đạo

Jack Ma đã nói về 3 loại chỉ số cần có đối với mọi nhà lãnh đạo, đó là IQ, EQ và LQ (Love Quotient – tình yêu thương). Nhà lãnh đạo phải thực sự yêu thương đồng nghiệp và công việc mà mọi người đang làm. Bởi khi công ty ngày càng phát triển, thế giới kinh doanh cũng ngày càng khắc nghiệt và tình yêu thương là thứ biến mục đích kinh doanh trở nên lớn lao, vượt ra khỏi những hoạt động diễn ra hằng ngày trong văn phòng.

Vì lẽ đó, nhà lãnh đạo nên yêu thương đội ngũ nhân viên của mình vì xét trên thực tế, cuộc sống của hai bên “nằm trong tay” nhau. Nhà lãnh đạo là người “phục vụ” từ người lao công cho đến nhân tài trong công ty, phải hiểu được nguyện vọng của nhân viên, đảm bảo họ luôn đạt được thứ họ cần. Có như vậy thì mọi chương trình, kế hoạch của công ty mới đi được đến đích một cách tốt đẹp.

2. Làm lãnh đạo không hề vui vẻ

Jack Ma là người lãnh đạo hàng chục ngàn nhân viên. Dù ông khiến việc đó trông có vẻ dễ dàng, nhưng cuộc sống của ông không phải thế. Ông chỉ nói đơn giản: “Nếu bạn muốn cuộc sống của mình đơn giản thì đừng làm lãnh đạo”.

Alexa chia sẻ, dù quy mô công ty của cô nhỏ hơn nhiều so với Alibaba nhưng áp lực trong công việc lãnh đạo thì cũng tương tự thế. Nhà lãnh đạo sẽ phải hy sinh cuộc sống cá nhân vì công việc, họ phải giải quyết vấn đề ở mọi lúc mọi nơi, bất kể là trong giờ làm việc, ngày nghỉ hay trong lúc dự tiệc sinh nhật của bạn bè.

“Trong những ngày đầu vận hành Learn Vest, tôi là người dọn dẹp văn phòng công ty. Tôi không muốn cảm thấy xấu hổ khi người khác chứng kiến văn phòng của mình bừa bộn”, cô nói.

Một nhà đầu tư của Alexa trong một lần tình cờ ghé thăm công ty đã trông thấy nữ CEO đang lau nhà tắm. Cô ấy mỉm cười và nói với Alexa: “Nhà lãnh đạo là người không ngại xắn tay áo lên để hoàn thành mọi việc”.

3. Nhà lãnh đạo là người thúc đẩy người khác

Khi đối mặt với những vấn đề khó khăn, Alexa nhớ đến một câu nói nổi tiếng của Jack Ma mà cô vô cùng tâm đắc: ‘Ngày hôm nay thật khó khăn, ngày mai sẽ còn tệ hơn, nhưng ngày kia mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp”.

Nhà lãnh đạo là người truyền cảm hứng đến người khác trong lúc khó khăn. Hãy là người tiên phong, thực hiện đổi mới. Để làm được điều đó, nhà lãnh đạo nên là người biết thúc đẩy người khác vượt qua giới hạn bản thân. Khả năng của nhiều người sẽ chưa bộc lộ ngay vào hôm nay hay ngày mai mà cần thêm chút thời gian sau đó. Nhà lãnh đạo phải hiểu điều đó và tạo ra môi trường để cấp dưới phát huy năng lực tiềm ẩn của mình.

Người thông minh sẽ làm 9 điều này trong ngày nghỉ

Bạn có biết khi làm việc nhiều hơn 55 giờ một tuần, hiệu quả công việc không còn tăng? Chính vì lý do đó, khoảng thời gian nghỉ ngơi hay những ngày nghỉ phải được dành cho những hoạt động ngoài công việc.

Có những người mang trong mình khả năng làm mọi thứ chớp nhoáng, họ thậm chí còn chẳng dùng tới ngày cuối tuần để làm việc nhưng vẫn vượt trội người khác từ 10 tới 20 giờ làm việc mỗi tuần. Nhóm người này là những người thông minh trong công việc, một thứ mà các nhà tuyển dụng rất ưa thích.

Thế nhưng, không nhất thiết phải sinh ra với một bộ óc hoàn thiện mới có thể đạt được khả năng này, một nghiên cứu mới đây tại Đại học Stanford cho thấy những người lao động bình thường giảm hiệu quả công việc đáng kể khi mà họ làm nhiều hơn 50 giờ mỗi tuần. Khi đạt mức 55 giờ, toàn bộ những gì họ làm không còn gía trị và họ chẳng thể làm được nhiều hơn.

Chính vì lý do đó có những người làm việc tới 70 tiếng/tuần chẳng có hiệu quả khá khẩm hơn những người làm 55 giờ, đó là mức giới hạn của chúng ta.

Những người thông minh, làm việc hiệu quả biết cách sử dụng ngày nghỉ, thời gian rảnh rỗi để tái tạo khả năng lao động, tăng sức lao động làm việc trong tuần. Ngoài ra họ còn thực hiện 9 điều dưới đây:

1. Ngắt kết nối

Ngắt kết nối là một trong những yếu tố quan trọng nhất chúng ta cần thực hiện vào ngày cuối tuần. Lý do vì sao ư? Những thiết bị điện tử giống như sợi dây xích níu kéo con người với công việc, những email, cuộc điện thoại hay lịch nhắc việc luôn xen lẫn vào cuộc sống chúng ta.

Để điện thoại, tiếp cận với kết nối khiến con người luôn bị dính chặt lấy công việc và không có thời gian nghỉ ngơi, tái nạp năng lượng. Nếu đang làm việc trong một môi trường mà bạn không nhất thiết phải làm cả tuần, hãy tự cho mình những khoảng thời gian nghỉ, cuối tuần là khoảng thời gian nên tắt điện thoại, thoát email.

Ngoài ra, việc ngắt kết nối cũng phải được thực hiện cả ở trong suy nghĩ, hãy dừng nghĩ tới công việc và tập trung tận hưởng những phút giây bên gia đình, bạn bè vào ngày cuối tuần.

2. Tối giản những công việc nhà

Cuối tuần, chúng ta thường dành thời gian để dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cây hay những thói quen khác. Thế nhưng, những hành động tưởng chừng thư giãn này lại mang tính chất của công việc. Nó chiếm mất khoảng thời gian thư giãn, nghỉ ngơi của bản thân hơn thế nữa nó cũng mang lại những áp lực không cần thiết mỗi khi bạn không thực hiện theo đúng lộ trình đặt ra ban đầu.

Để tối giản hoá những công việc này, có nhiều thời gian hơn, hãy thực hiện chúng trong ngày. Giả sử nếu cả tuần bạn không dọn nhà, dành ra cuối tuần để làm nó, hãy bỏ ra 15 phút mỗi ngày cho việc dọn dẹp. Vào cuối tuần có lẽ nhà đã đủ sạch nên bạn không cần dọn lại nữa.

3. Tập luyện, tập thể dục

Theo thống kê, mỗi tuần chúng ta có tới 48 giờ để tập thể dục nếu biết sắp xếp hợp lý. Thêm vào đó, tập thể dục chỉ 10 phút thôi sẽ giúp cơ thể sản sinh ra GABA, một hợp chất thần kinh giúp làm giảm stress. Tập thể dục cũng giúp mang tới cho con người thêm nhiều ý tưởng mới trong công việc.

Hãy cứ xem những người làm sáng tạo hay những người thành công, họ luôn tham gia những hoạt động ngoại khoá và luôn có nhiều ý tưởng mới từ những chuyến đi này.

4. Đối chiếu những gì đã thực hiện được

Tự đối chiếu bản thân vào dịp cuối tuần là cơ hội tuyệt vời để cải thiện chính mình. Sử dụng ngày cuối tuần để sắp xếp công việc, tham chiếu lại những thành tựu trong tuần là thứ tuyệt vời và nên được áp dụng rộng rãi.

Nếu như bạn làm nó vào những ngày trong tuần, những xao nhãng sẽ xuất hiện và bản thống kê của bạn chẳng thể nào chính xác.

5. Theo đuổi những thú vui, đam mê

Bạn sẽ bất ngờ về lợi ích của thú vui đem lại cho bản thân vào ngày nghỉ. Bạn thích đạp xe, đi câu cá hay đơn giản là ngồi nghe nhạc trong một căn phòng yên tĩnh? Đừng ngần ngại làm điều đó vào ngày nghỉ vì nó sẽ mang lại cho bạn trí óc minh mẫn hơn, góc nhìn vấn đề mới hơn.

6. Dành thời gian quý giá cho gia đình

Bỏ ra 2 ngày cuối tuần hay vài ngày nghỉ với gia đình chưa bao giờ là điều phí phạm. Hãy nhìn xem, bạn dành ra cả tuần trời cho công việc nhưng thời gian cho gia đình, những người quan trọng với bạn nhất lại chẳng là bao.

Đưa con cái đi chơi, xem phim cùng vợ hoặc đơn giản là đưa cha mẹ đi ăn một bữa ăn tử tế là những thứ hãy thử làm. Có thể họ không mang lại doanh số khủng hay hiệu quả công việc bạn vẫn ao ước, thế nhưng họ chính là liều thuốc tinh thần giúp cho tuần làm việc của bạn thêm phần khởi sắc.

7. Lên kế hoạch cho những chuyến du hành nhỏ

Thử nghiệm một chương trình ca nhạc mới, đi ăn ở một nhà hàng vừa khai trương hay đơn giản là đi bộ tới những vùng chưa từng nghĩ tới… những chuyến du hành mini này rất phù hợp để thư giãn, thử thách bản thân.

8. Cố gắng thức dậy đúng giờ

Mặc dù việc ngủ nướng cuối tuần thật là một điều tuyệt vời, thế nhưng nó lại không mấy tốt cho chúng ta. Không những lãng phí thời gian cho việc ngủ mà nó còn phá hỏng đồng hồ sinh học, nhịp ngủ của mỗi người và khiến ta khó thức dậy hơn trong tuần làm việc mới.

Hãy duy trì mọi thứ điều độ, đúng giờ và bạn sẽ có khả năng kiểm soát những thứ đến với mình. Nếu bạn muốn ngủ nhiều hơn vào dịp cuối tuần? Đơn giản thôi, hãy ngủ thêm vào buổi trưa hoặc ngủ sớm hơn vào tối trước đó.

9. Chuẩn bị cho những điều sắp tới

Ngày nghỉ là khoảng thời gian thống kê lại những gì đã làm, chuẩn bị cho hững gì sắp tới ở tương lai. Chỉ cần 30 phút lên kế hoạch sắp tới cho bản thân, bạn sẽ thấy mình làm việc hiệu quả hơn rất nhiều. Thực hiện theo bản kế hoạch này sẽ giúp bạn kiểm soát thời gian đơn giản ở tuần kế tiếp.

10 cách để trở thành người có sức hút

Sự thu hút của một người không nhất thiết bắt nguồn từ yếu tố bẩm sinh. Giống như nhiều loại kỹ năng khác, đây là điều có thể trau dồi hằng ngày.

“Điểm chung của những người có sức hút là họ dường như dễ dàng trở thành “chỉ huy” của một tập thể bất kỳ mà không cần phải cố gắng. Mọi người cảm thấy bị lôi cuốn bởi nguồn năng lượng từ họ và được thúc đẩy bởi cá tính mạnh mẽ của họ. Sự thu hút khiến bạn được yêu thích”, theo bài viết về sự phát triển cá nhân từ Tổ chức Hội đồng doanh nhân trẻ (YEC: Young Entrepreneur Council, nơi quy tụ những doanh nhân trẻ triển vọng nhất thế giới) trên Success.com.

Chia sẻ về bí quyết để phát triển thương hiệu cá nhân nói chung và nâng cao sức hút nói riêng, các thành viên của YEC đưa ra một số lời khuyên như sau:

1. “Quản lý” dây thần kinh của bạn

Khi những người có sức lôi cuốn nói chuyện, bạn có thể thấy họ dường như không hề căng thẳng. “Quản lý” các dây thần kinh không phải việc dễ dàng, nhưng có một số “chiêu thức” cơ bản để đảm bảo bạn luôn diễn đạt một cách trôi chảy với sự tự tin và thu hút. Chẳng hạn như sử dụng các loại “đạo cụ” trong quá trình nói để đưa bớt áp lực bên trong ra khỏi cơ thể. Đồng thời, thầm lặp đi lặp lại “câu thần chú”: “Cơ hội này quan trọng hơn bản thân mình”.

Kristopher Jones – nhà sáng lập, CEO LSEO.com

2. Biết cách lắng nghe

Khi nghĩ về một người lôi cuốn, chúng ta thường nghĩ về khả năng của họ trong việc trò chuyện và tương tác với người khác. Nhưng điều tạo ấn tượng sâu đậm với tôi là, họ là một người biết lắng nghe. Rất khó để giỏi kỹ năng này. Và trong một thế giới có guồng quay quá nhanh như nơi chúng ta đang sống, những người biết cách lắng nghe trở nên rất thu hút. Do đó, với tôi, người có sức hút là người biết lắng nghe chân thành và giúp bạn cảm thấy như thể những suy nghĩ của bạn có giá trị.

Kelsey Meyer – nhà đồng sáng lập Influence & Co.

3. Gắn kết càng nhiều càng tốt

Nội dung những chia sẻ của bạn nên có liên quan đến những người mà bạn đang trò chuyện cùng. Trong những câu chuyện bạn đề cập, hãy đặt bản thân mình ở vị trí mà hầu hết mọi người đều có thể thấy chính họ trong đó. Hãy sử dụng “kỹ thuật phản chiếu”, ví dụ như dùng đúng những từ, thuật ngữ mà mọi người dùng, và cố gắng tìm ra mặt bằng chung của mọi người để hỏi đúng câu hỏi.

Nicole Munoz – nhà sáng lập, CEO Start Ranking Now

>> Hãy là nhà lãnh đạo có sức hút

4. Nói về đam mê của bản thân

Đây là một chủ đề hợp lý có thể góp thêm năng lượng cho phần trò chuyện của bạn. Khi nghĩ về một điều gì đó gây chán nản, năng lượng của bạn sẽ ở mức thấp. Khi nói về một đam mê (như những điều khiến bạn trăn trở hằng đêm, những điều bạn muốn đóng góp để giúp thế giới tốt đẹp hơn…), nguồn năng lượng bên trong bạn sẽ được đánh thức. Niềm đam mê đó sẽ loại bỏ các cảm giác sợ hãi, tạo ra sự thuyết phục để người khác tham gia hỗ trợ bạn.

Alan Carniol – nhà sáng lập Interview Success Formula

5. Cho nhiều hơn nhận

Người có sức hút góp phần thúc đẩy và làm cho cuộc sống của những người xung quanh trở nên phong phú hơn. Khi bạn thực tâm giúp đỡ người khác, họ sẽ đặc biệt thích bạn. Chúng ta dễ bị lôi kéo về phía những người lo cho người khác trước khi nghĩ đến bản thân họ. Hãy cho nhiều hơn nhận và bạn sẽ trở nên lôi cuốn hơn.

Eric Mathews – nhà sáng lập, CEO Start Co.

6. Thêm “gia vị” hài hước

Nếu bạn có đủ tự tin để cố gắng và thành công trong việc làm cho người khác cười, bạn đã chiếm được cảm tình của họ. Sự hài hước và lôi cuốn thường đi song hành với nhau.

Yoav Vilner – nhà đồng sáng lập, CEO Ranky

7. Thích nghi với hoàn cảnh

Hầu hết mọi người nghĩ rằng sự tự tin tạo ra sự thu hút, nhưng tôi lại nghĩ sự thích nghi với hoàn cảnh mới là điều tạo ra sự thu hút. Hãy theo dõi để bắt kịp tin tức và các xu hướng của lĩnh vực mình đang hoạt động, và sẵn sàng đặt câu hỏi khi không hiểu một điều gì đó. Ở mọi trường hợp, mọi người sẽ cảm thấy vui khi giải thích chuyên môn của họ cho bạn.

Bryanne Lawless – nhà quản lý tại BLND Public Relations

8. Ghi nhớ những cái tên

Việc nhớ tên của một người có thể thu hút sự chú ý của họ ngay lập tức, khiến họ cảm thấy tầm quan trọng của bản thân và cảm thấy bạn “dễ thương” hơn. Dale Carnegie từng nói: “Đối với một người, tên của họ chính là âm thanh ngọt ngào nhất”. Dù là trong công việc hay cuộc sống cá nhân, hãy nỗ lực nhớ tên của những người bạn từng gặp gỡ.

Diego Orjuela – nhà sáng lập, CEO Cables & Sensors

9. Quan tâm chân thành

Những người có sức hút thường thực lòng quan tâm đến người khác. Hãy chủ động thể hiện sự nhiệt tình quan tâm đến người khác khi tham gia một cuộc trò chuyện. Hãy lắng nghe cẩn thận những điều họ nói trước khi đặt câu hỏi để có thêm thông tin hoặc đào sâu vấn đề. Hãy làm điều này và sức hút cá nhân của bạn sẽ được gia tăng.

Ajit Nawalkha – nhà đồng sáng lập, CEO Evercoach

10. Đặt nhiều câu hỏi

Mọi người thường thích nói về chính mình. Do đó, nếu bạn hỏi họ nhiều hơn và lắng nghe nhiều hơn, bạn sẽ trở nên thu hút hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên mở rộng vốn từ để phần trò chuyện của mình trở nên sôi động hơn.

Tommy Mello – đồng sở hữu Hãng A1 Garage Door Repair.