Monthly Archives: April 2019

5 Điều Phải Biết Trước Khi Xem Game of Thrones Season 8

Winter is coming! Vậy là sau 2 năm chờ đợi, ngày 15/4 vừa rồi, một lần nữa khúc nhạc bi hùng của Ramin Djawadi lại vang lên. Báo hiệu season 8 của Game of Thrones đã bắt đầu. Đi kèm với sự phấn khích, háo hức của người xem là cảm xúc tiếc nuối. Vì đây sẽ là season cuối cùng của series chính kịch đình đám.

Bài viết sẽ tóm tắt một cách ngắn gọn nhất những diễn biến bạn cần nắm rõ trước khi xem Game of Thrones season 8. Nhìn chung, cho đến season 7 ta tạm thời có thể tóm tắt diễn biến ở Westeros thành 5 tuyến nhân vật.

1. White Walker:

Season 7 khép lại với khung cảnh không thể oách hơn với việc Night King cưỡi rồng zombie và khạc bay một mảng của The Wall. Vậy là tấm lá chắn bảo vệ Westeros và thế giới loài người suốt hàng nghìn năm đã bị phá hủy. Mở đường cho đạo quân hơn 100.000 White Walker tiến về phương Nam.

2. Jon Snow và Dany:

Nhưng đừng lo lắng, Jon Snow (Vua phương Bắc) đang quay về Winterfell cùng với Dany – Mẹ Rồng (Daenerys Targeryan). Và họ không đi một mình.

Về quân đội, theo sau họ là:

  • 2 con rồng.
  • Đạo quân Memories of The North.
  • Đạo quân Unsullied, The Second Sons.
  • Và các man tộc, chủ yếu là người Dothraki.

Về nhân sự, cặp đôi có:

  • Gendry, con hoang của vua Robert.
  • Varys vị thái giám dễ thương.
  • Ngài Davos – hiệp sĩ hành.
  • Và Tyrion Lannister – cánh tay của Daenerys – chàng lùn thông thái.

3. Jaime và Cersie:

Cùng tiến về phương Bắc lúc này là Hiệp Sĩ Jaime Lannister. Trong trường hợp bạn quên, Jaime là người đã đâm cha của Dany và đẩy Bran té từ trên tòa tháp. Jaime đã rời bỏ nữ hoàng Cersie sau khi phát hiện cô nói dối tất cả mọi người về việc đồng ý đề nghị đình chiến trên toàn Westeros.

Với sự ra đi của Jaime, Cersie ở lại Kinh Đô một mình, không con cái, không gia đình. Những người thân duy nhất của Nữ Hoàng hoặc chết hoặc đã rời bỏ bà ra đi. Điều này phần nào phản ánh về tính cách “điên loạn” của Cersie trong phim. Chiến đấu bên cạnh nữ hoàng có:

  • Tàn quân còn sót lại của nhà Lannister.
  • Đội Vệ Vương
  • “Zombie” Ngọn Núi.
  • Và Euron Greyjoy người đang hướng đến Essos để tìm kiếm 20.000 Hoàng Kim Binh với đứa cháu Theon bám theo nhằm giải cứu chị mình – Yara.

4. Nhà Stark:

Trong khi đó, Sansa người có lẽ trải qua nhiều biến cố nhất trong suốt series cuối cùng đã đoàn tụ với những thành viên còn lại trong gia đình và trị vì Winterfell thay cho Jon. Đồng thời, cô cùng Arya quyết định số phận của Ngón Tay Nhỏ vì những gì đã gây ra. Nếu nhìn lại từ đầu series đến giờ, Baelish có lẽ là người liên quan đến nhiều cái chết và cuộc xung đột ở Westeros nhất. Đáng đời!

Arya và danh sách “những cái tên” của cô bé lúc này đã ngắn bớt. Cô cũng đã đoàn tụ với “phần còn lại” của gia đình mình. Do đó Arya quyết định dùng kĩ năng “vô diện” của mình để giúp đỡ anh trai Jon và ở lại Winterfell.

Bran sau khi trở về từ phía bên kia bức tường đã trở thành Quạ Ba Mắt và có năng lực nhìn thấu tương lai và quá khứ cùng lúc. Cả Bran và Arya vẫn chưa gặp được Jon kể từ season 1, quả là một cuộc chia ly dài đằng đẵng.

5. Samwell Tarly:

Chàng béo của chúng ta cuối cùng cũng quay về Winterfell sau 7 season học tập miệt mài để tìm ra cách đánh bại White Walker. Và theo những gì Sam học được, bạn cần 1 trong 3 thứ sau để tiêu diệt Bóng Trắng:

  • Dragon Glass (Kính Rồng).
  • Thép Valyrian.
  • Lửa của rồng – rất rất nhiều lửa.

Tuy nhiên phát hiện quan trọng nhất của Sam chỉ được tìm thấy khi anh gặp Bran. Cùng nhau, họ đã tìm ra được một sự thật kinh thiên về Jon:

  • Jon không phải con hoang, cậu là người thừa kế hợp pháp của Ngai Báu Sắt.
  • Jon là con của chị gái Ned Stark.
  • Tên thật của Jon là Aegon Targaryen.
  • Và Mẹ Rồng là là dì ruột của Jon.

Trong trường hợp bạn quên, Jon đã ngủ với Dany trong season 7 và sau đó quỳ gối gọi cô là Nữ Hoàng. Đậm chất Game of Thrones nhỉ..

Trên đây là tóm tắt ngắn gọn những điều quan trọng bạn cần biết trước khi xem Game of Thrones season 8. Hy vọng bạn sẽ có những giây phút thưởng thức season cuối của series thật hào hứng.

Nguồn ảnh: Internet

Lửa Bao Trùm Nhà Thờ Đức Bà Paris Tối Ngày 15/4/2019

Tối hôm qua ngày 15/4, một ngọn lửa bất ngờ đã nổi lên và thiêu cháy phần mái Nhà Thờ Đức Bà Paris. Rất may mắn linh cứu hỏa đã cứu được phần cấu trúc bằng đá tránh khỏi sụp đổ.


Phần mái nhà thờ Đức Bà Paris, biểu tượng của Cơ Đốc giáo ở Pháp và trên toàn thế giới, bị lửa bao trùm chiều tối ngày 15/4.
Hỏa hoạn xảy ra khi công trình kiến trúc 856 năm tuổi đang trong quá trình tu sửa.

Lính cứu hỏa phun vòi rồng lên phần mái nhà thờ tối 15/4.

Người dân Paris quỳ xuống đường cầu nguyện cho công trình biểu tượng không bị ngọn lửa tàn phá.

Lửa và khói bốc lên từ Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 15/4. 
Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân vụ cháy có thể do sơ suất trong quá trình trùng tu nhà thờ.

Lửa thổi bùng qua giàn giáo dựng trên nóc nhà thờ tối 15/4, xung quanh là vòi rồng của lính cứu hỏa đang nỗ lực kiểm soát ngọn lửa.

Lính cứu hỏa lắp vòi rồng để lấy nước từ sông Seine gần Nhà thờ Đức Bà Paris tối 15/4 khi ngọn lửa nhấn chìm mái nhà thờ.

Đám đông quan sát lửa và khói cuồn cuộn bốc lên phía nhà thờ từ bên kia bờ sông Seine ngày 15/4.
Tòa thánh Vatican chia buồn với nước Pháp về vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris. “Chúng tôi chia sẻ với người Công giáo Pháp và người dân Paris. Chúng tôi cầu nguyện cho những người lính cứu hỏa và cho tất cả những người đang cố gắng hết mình để giải quyết tình hình”, một phát ngôn viên nói.

Người dân Paris tập trung theo dõi lực lượng cứu hỏa kiểm soát ngọn lửa đang bao trùm phần mái của nhà thờ.

Hình ảnh chụp từ trên cao tối 15/4 cho thấy nhà thờ chìm trong biển lửa đỏ rực.
Ngọn lửa đã làm ngọn tháp nhọn cao nhất đổ sụp xuống đất và gây nhiều thiệt hại cho di sản văn hóa này, song lính cứu hỏa đã cứu được phần kiến trúc bằng đá, giúp công trình khỏi bị tàn phá nghiêm trọng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) đi cùng Thị trưởng Paris Anne Hidalgo (thứ ba từ trái sang), Thủ tướng Pháp Edouard Philippe (ngoài cùng bên trái) Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester (thứ hai từ trái sang) và Tổng giám mục Paris Michel Aupetit (áo đen bên phải) khi ông phát biểu tại Nhà thờ Đức Bà Paris sau trận hỏa hoạn.
Macron khẳng định rằng nước Pháp và cả thế giới sẽ cùng nhau tái thiết Nhà Thờ Đức Bà Paris và cũng bày tỏ sự vui mừng là tình hình tệ hại nhất đã đi qua và tránh được việc toàn thể thánh đường sụp đổ.

Nguồn: VnExpress

Uống rượu trước buổi phỏng vấn ngoại ngữ giúp cải thiện kết quả

Tại sao uống rượu trước buổi phỏng vấn ngoại ngữ giúp cải thiện kết quả? Đa số chúng ta đều chuẩn bị rất kĩ trước buổi phỏng vấn về thông tin, kiến thức, tình huống và tâm lý. Tuy nhiên, rất nhiều bạn mặc dù đã chuẩn bị kĩ càng trước đó nhưng ngay thời điểm khi mở cửa bước chân vào phòng phỏng vấn và đối mặt với nhà tuyển dụng thì lại bối rối và bị sự hồi hộp làm mất tự tin. Điều này thật khó chịu vì nó có thể ảnh hưởng đến sự thể hiện của bạn trong buổi phỏng vấn.


Mẹo nhỏ dành cho những ai chuẩn bị bước vào một buổi phỏng vấn ngoại ngữ: Hãy uống một chút rượu. Nghiêm túc mà nói, đó không phải ý tưởng quá điên rồ.

Một nghiên cứu được thực hiện trên 50 người Đức đang theo học tại Đại học Maastricht, nằm ở Hà Lan gần biên giới với Đức được đăng trên tạp chí Journal of Psychopharmacology chỉ ra rằng. Lượng cồn tương đương một cốc bia hoặc một ly rượu vang có thể giúp làm giảm sự mặc cảm, tự ti khi giao tiếp, đồng thời có thể giúp cho một người dễ dàng vượt qua sự căng thẳng và tật nói ấp úng. Qua đó cải thiện khả năng trình bày trong buổi phỏng vấn.

Trong cuộc khảo sát, các nhà khoa học đã tận dụng một bài thi tiếng Hà Lan dành cho các sinh viên người Đức để thực hiện thí nghiệm của mình. Họ chia nhóm sinh viên ra làm hai. Một nửa được cho uống nước, trong khi nửa còn lại được cho uống đồ uống có cồn. Lượng cồn trong các đồ uống này được tính toán theo cân nặng của từng người. Với một nam sinh nặng trung bình 70 kg, nó tương đương với gần một cốc bia.

Sau khi đã uống nước hoặc đồ uống có cồn, các sinh viên được yêu cầu thực hiện bài thi với giám khảo như bình thường. Nhưng họ sẽ không chấm điểm các sinh viên ngay lập tức. Thay vào đó, toàn bộ cuộc trò chuyện được ghi âm lại và đưa cho hai giáo viên khác, những người nói tiếng Hà Lan bản địa. Để đảm bảo tính khách quan, không một giáo viên chấm bài nào được cho biết sinh viên đã uống gì.

Kết quả, ngay khi bài thi kết thúc, các thí sinh rời phòng và quay trở lại gặp các nhà nghiên cứu. Họ yêu cầu các sinh viên này tự đánh giá và chấm điểm bài thi của mình.
Thật bất ngờ, không có sự khác biệt nào giữa nhóm uống nước và đồ uống có cồn.Tất cả đều thể hiện sự tự tin và mức độ hài lòng với phần thi của mình như nhau. Điều đó chứng tỏ rượu (ở mức độ nhẹ) không tác động đến sự tự tin của chính thí sinh.
Nhưng nó thực sự có tác dụng lên kết quả khách quan của bài thi, được chấm bởi hai giáo viên nghe băng ghi âm.

Nhìn chung, họ đánh giá những sinh viên trong nhóm tiêu thụ đồ uống có cồn nói lưu loát hơn – đặc biệt là phát âm tốt hơn – so với những người chỉ uống nước. Ngoài ra, không có sự chênh lệch ở điểm ngữ pháp, từ vựng và lập luận giữa hai nhóm.
Lý giải kết quả thí nghiệm, các nhà khoa học nói rằng tiêu thụ đồ uống có cồn, ở mức độ từ thấp đến vừa phải, có thể giúp làm giảm cảm giác lo lắng về mặt ngôn ngữ của các thí sinh. Điều này có thể đã giúp họ nói ngoại ngữ trôi chảy hơn.

Trước đây, cũng đã từng có một nghiên cứu khác cho thấy uống một lượng nhỏ đồ uống có cồn đã giúp những người Mỹ học tiếng Thái Lan phát âm chuẩn hơn. Hiệu ứng có thể liên quan đến tâm trạng của người học sau khi tiêu thụ đồ uống.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học lưu ý rằng lượng cồn được sử dụng trong nghiên cứu chỉ ở mức thấp. Tiêu thụ nhiều hơn có thể không đem lại lợi thế.
Uống quá nhiều thậm chí còn gây hại, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp ngoại ngữ, khiến bạn chỉ nói được ở tốc độ chậm, ngắc ngứ vì không còn tỉnh táo để nhớ được từ mới.

Hy vọng mẹo nhỏ trên đây có thể giúp các bạn tăng khả năng chiến thắng vòng phỏng vấn của mình. Nếu đang là nhân viên chính thức và bạn muốn tìm hiểu làm cách nào để phát triển sự nghiệp của mình cao hơn, hãy tham khảo series bài viết sau đây của Headhunt Vietnam nhé. Chúc các bạn may mắn!

Nguồn: GenK

Ảnh: Internet

20 phẩm chất làm nên nhà lãnh đạo lớn- phần 2

Tiếp theo phần 1: 20 phẩm chất làm nên nhà lãnh đạo lớn- phần 1

11. Sẵn sàng tiếp thu

Daymond John – CEO Shark Branding and FUBU: “Một trong những lời đồn phổ biến nhất là mọi doanh nhân lãnh đạo giỏi đều là những người nhìn xa trông rộng với độ quyết tâm mãnh liệt bám đuổi mục tiêu bằng bất cứ giá nào. Thật vớ vẩn! Sự thật là, người lãnh đạo cần có cái nhìn phóng khoáng, hành động mềm dẻo, và thay đổi khi cần thiết. Khi một công ty đang còn trong giai đoạn startup, người ta quá quan trọng hóa việc lên kế hoạch và tạo dựng một mục tiêu chắc chắn. Mối cam kết của bạn phải là vào việc đầu tư, phát triển, và duy trì các mối quan hệ tốt”.

Daymond John

12. Quyết đoán

Scott Hoffman – Giám đốc Folio Literary Management: “Thời phổ thông và đại học, để kiếm tiền, tôi thường làm trọng tài cho những trận bóng rổ giải trí. Người hướng dẫn của tôi cho các học trò của ông ấy một lời khuyên mà tôi cho rằng cũng rất hữu dụng trong môi trường làm việc chuyên nghiệp: ‘Hãy ra quyết định nhanh, hét quyết định đó lên to nhất có thể, và không bao giờ ngoảnh đầu lại’. Trong những tình huống éo le, một quyết định sai nhưng quyết đoán thường mang lại kết quả tốt hơn và đội nhóm vững mạnh hơn về lâu dài, hơn là quyết định nửa vời dù sau đó có được chứng minh là đúng”.

13. Hòa đồng

Lewis Howes – tác giả sách bán chạy nhất “The School of Greatness” do New York Times bình chọn: “Mỗi người chúng ta đều mang lại một điều gì đó cho thế giới, và chúng ta cũng có khả năng nhanh chóng đánh hơi được một người giả tạo. Bạn càng đề cao mối liên kết chân thật giữa người với người, tìm cách giúp đỡ người khác khi có thể – thay vì chỉ quan tâm đến việc họ có thể giúp gì cho bạn – hình ảnh của bạn trong mắt mọi người sẽ càng trở nên đẹp đẽ và bạn sẽ trở nên gần gũi với họ hơn. Điều này không chắc chắn giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, nhưng nó cần thiết để trở thành một lãnh đạo được kính trọng, thứ sẽ tạo nên khác biệt cho doanh nghiệp bạn”.

14. Phân chia công việc và quyền lực

Shannon Pappas, phó chủ tịch cấp cao Beachbody LIVE: “Phần lớn các triết lý lãnh đạo của tôi có được từ kinh nghiệm làm vận động viên thể thao. Đội nhóm thành công nhất của tôi không phải lúc nào cũng là nhờ có được những tài năng giỏi nhất, mà nhờ có một sự kết hợp kỹ năng, điểm mạnh, và sự tin tưởng lẫn nhau hoàn hảo từ các thành viên. Để xây dựng một đội nhóm có động lực tiến lên, bạn cần ủy nhiệm trách nhiệm và quyền lực. Phân công nghĩa vụ không phải dễ dàng. Điều này có khi còn khó hơn là tự bản thân thực hiện mọi thứ, nhưng với lựa chọn dự án đúng đắn và sự ủng hộ của đội nhóm, sự ủy nhiệm sẽ khiến mọi thứ tiến hành trơn tru hơn. Đó là cách để bạn tìm hiểu và nắm rõ khả năng của đồng đội mình và thúc đẩy năng suất làm việc của họ lên mức cao nhất”.

15. Lạc quan

Jason Harris – CEO Mekanism: “Để có thể vươn tới những điều to lớn, bạn cần tạo ra một văn hóa lạc quan. Con đường tới thành công có nhiều thăng trầm, nhưng sự lạc quan sẽ giúp doanh nghiệp tiếp tục tiến lên phía trước. Hãy lưu ý: Bạn cần phải thật sự gan dạ. Bạn phải thật sự tin vào khả năng biến điều không thể thành có thể”.

Jason Harris

16. Kiên trì

Noah Kagan – Chief Sumo, appsumo: “Một nhà lãnh đạo giỏi từng nói với tôi, ‘Tính bền bỉ luôn luôn đánh bại sự chống cự’. Và sau khi làm việc tại cả Facebook, Intel, Microsoft và tự thành lập công ty riêng, tôi đã học được hai bài học quan trọng: Mọi thứ vĩ đại đều cần thời gian mới có thể tạo dựng lên được, và bạn cần kiên trì theo đuổi chúng bằng bất cứ giá nào. Đó là bước tiến cần thiết để trở thành nhà lãnh đạo giỏi: sẵn sàng tiếp tục tiến về phía trước tại nơi mà những người khác đã chấp nhận dừng chân”.

17. Sáng suốt

Raj Bhakta – nhà sáng lập WhistlePig Whiskey: “Một cái nhìn sáng suốt bao giờ cũng cần thiết, giúp bạn tách biệt những điều thật sự quan trọng từ tất thảy thứ đang xảy ra xung quanh bạn. Nó cũng giống như là sự khôn ngoan – bạn có thể cải thiện nó theo thời gian, nhưng nó phải ăn sâu vào tâm trí bạn. Nó là một thứ cố định mà bạn vốn phải có. Nếu sự sáng suốt của bạn đúng, bạn sẽ trông giống như một thiên tài vậy. Và nếu sự sáng suốt ấy sai, bạn sẽ trông như một kẻ ngốc”.

18. Khả năng giao tiếp

Kim Kurlanchik Russen – cộng sự TAO Group: “Nếu người khác không biết được những dự định của bạn, và không thể đáp ứng đúng nhu cầu cho bạn, đó là lỗi của bạn vì đã không diễn tả được hết ý cho họ. Những người mà tôi làm việc cùng luôn luôn trong trạng thái giao tiếp, có khi đến nhức cả đầu. Nhưng giao tiếp là một hoạt động cần thiết cho sự cân bằng. Có thể bạn có một mong muốn, nhu cầu cụ thể nào đó, nhưng để thực hiện nó thì sự hợp tác là đặc biệt cần thiết và quan trọng. Chúng tôi luôn khuyến khích nhân viên chia sẻ suy nghĩ và ý tưởng cá nhân – đó là lý do mà chúng tôi có được những người tài năng làm việc cho mình”.

19. Nhận trách nhiệm

Sandra Carreon-John – Phó chủ tịch cấp cao M&C Saatchi Sport & Entertainment: “Đổ thừa lỗi lầm chắc chắn là dễ hơn nhiều việc tự nhận trách nhiệm. Nhưng nếu bạn muốn biết cách để chịu trách nhiệm một cách đúng đắn, hãy học hỏi chuyên gia tài chính Larry Robbins. Ông viết một lá thư với sự khiêm tốn chân thành gửi cho những nhà đầu tư của mình, nhận lỗi về những đánh giá sai lầm của mình đã khiến cho khoản đầu tư của họ bị lãng phí. Sau đó ông cho tạo ra một khoản quỹ mới, hoàn toàn không có luật lệ quản lý và lệ phí thực hiện – chưa từng có trên thế giới – đó là hedge fund. Đây mới đúng là một hành động chuẩn mực. Đây chính là cách nhận trách nhiệm. Không chỉ là nhận lỗi lầm suông, mà còn phải tiến hành bước kế tiếp để sửa chữa những sai sót đó”.

20. Mở rộng tìm kiếm

Nick Woolery – Giám đốc Marketing toàn cầu Stance Socks: “Một lãnh đạo thực sự giỏi là người có khả năng tìm ra điểm mạnh ẩn sau mỗi cá nhân trong đội nhóm, và sau đó mở rộng tầm nhìn, tìm kiếm những thứ có thể liên kết mọi người lại. Nên biết rằng chỉ những cá nhân trong một nhóm sẽ không thể mang lại đáp án cho mọi thứ, bởi vì nếu bạn nghĩ mình đã có đủ câu trả lời, có nghĩa là bạn vẫn chưa hỏi hết những câu hỏi cần thiết”.

Are you looking a CEO job ? => headhuntvietnam.com

Nhiệm kỳ chớp nhoáng của CEO

Vì sao các CEO mới nhậm chức thường ra đi trong ê chề?

Gần 50% CEO cho biết vai trò CEO là trách nhiệm “mà họ không hề trông đợi trước đó”. Đó là kết quả rút ra từ các cuộc phỏng vấn 20 cựu CEO và CEO đương nhiệm của các công ty đại chúng lớn trong đó có Bupa, Husky Energy, Standard Chartered, ATCO và Lloyds Banking Group, do các nhà nghiên cứu Harvard Business Review thực hiện gần đây. Mục tiêu là nhằm nhận diện một số thách thức và những phương pháp có thể giúp CEO làm tốt vai trò mới.

Những CEO có nhiệm kỳ rất ngắn cho đến những nhà lãnh đạo thành công đều thừa nhận có sự khác biệt lớn giữa những gì tưởng tượng và hiện thực phũ phàng khi đứng ở vị trí CEO. Điều này có thể là lý do vì sao nhiệm kỳ trung bình của CEO tại các doanh nghiệp S&P 500 chỉ là 5 năm vào cuối năm 2017, giảm từ mức 6 năm của năm 2013. Trong suốt giai đoạn 5 năm đó, có hơn 280 CEO trong S&P 500 đã ra đi.


Hầu hết các CEO cho biết quá trình chuyển giao là thách thức rất lớn, thậm chí đối với những nhà lãnh đạo gạo cội. Theo họ, có nhiều yếu tố các CEO mới cần cân nhắc: quản lý hiệu quả năng lượng và thời gian, thiết lập một khung rõ ràng cho việc quản lý mối quan hệ với hội đồng quản trị và các cổ đông bên ngoài và đảm bảo rằng thông tin truyền tải trong và ngoài tổ chức là chính xác, không bất nhất.

Quản lý năng lượng

“Bị sức ép về thời gian là một chuyện nhưng quan trọng là quản lý năng lượng của bản thân. Tôi nhận thức rất rõ mình đang phân bổ năng lượng của mình như thế nào, vào đâu, lấy lại năng lượng ra sao, điều gì khiến mình mất năng lượng”,

StuartFletcher,cựuCEOBupa,chobiết.

Lấy ví dụ, tất cả các CEO đều dành nhiều thời gian xây dựng và phát triển mối quan hệ gắn kết với hội đồng quản trị. Nhiều CEO nhận ra rằng xem các thành viên ban quản trị như một nguồn cố vấn và cung cấp thông tin sâu, thay vì một nghĩa vụ đã giúp họ biến trải nghiệm làm việc với ban quản trị từ một nguồn lấy đi năng lượng thành một nguồn cung cấp năng lượng. “Điều đó cho tôi cảm giác như có nhiều người ủng hộ mình”, một CEO cho biết.

Đối với hầu hết các CEO, một yếu tố khác giúp họ quản lý tốt thời gian và năng lượng là sớm lập một đội ngũ điều hành cấp cao có năng lực. Nhiều CEO tiếc nuối cho biết họ ước gì đã sắp xếp, bổ nhiệm người vào các vị trí quan trọng ngay từ đầu. “Tôi đã bỏ ra quá nhiều thời gian nhảy vào nhiều vai trò khác nhau trong khi đáng lẽ tôi nên tuyển dụng những người mới có năng lực để hỗ trợ mình”, Paul Foster, CEO của Sellafield, nói.

Quản lý các mối quan hệ trong, ngoài

Các CEO nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc tạo dựng niềm tin và gắn kết với các cổ đông, theo đó ưu tiên tập trung vào thành viên hội đồng quản trị, nhà đầu tư, giới truyền thông và các mối quan hệ liên quan với chính phủ. Trong số các CEO được phỏng vấn bởi Harvard Business Review, hầu hết dành trung bình 50% thời gian quản lý các mối quan hệ trong ngoài.

Gần phân nửa trong con số 50% thời gian đó là dành cho hội đồng quản trị. Gần như tất cả các cựu CEO mà không tập trung phát triển quan hệ với các thành viên hội đồng quản trị cho biết họ ước gì đã sớm làm điều đó. Khi không được kết nối tốt với CEO, các thành viên hội đồng quản trị có thể bị ảnh hưởng bởi nhà đầu tư hoặc các nguồn truyền thông mà chỉ chăm bẵm vào mục tiêu ngắn hạn, cổ xúy các chiến lược mà cho ra các kết quả trước mắt nhưng gây tổn hại cho chiến lược tạo giá trị lâu dài cho doanh nghiệp. Rủi ro này đặc biệt cao ở hội đồng quản trị không thực sự hiểu chiến lược kinh doanh hoặc các cơ hội tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.

Các CEO thành công nhất cho biết họ dành thời gian đáng kể vào việc duy trì mối quan hệ gắn khít với từng thành viên ban quản trị. Nhưng việc xây dựng mối quan hệ với nhà đầu tư và các cổ đông bên ngoài khác (như khách hàng, giới truyền thông, các mối quan hệ trong ngành, cơ quan nhà nước…) thường khó khăn hơn và mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Bill Winters, CEO Standard Chartered, lưu ý quá trình này thường là trải nghiệm cá nhân của CEO, vì thế không thể trông cậy vào sự hỗ trợ từ các nhà điều hành khác.


Bill Winters

Các CEO như Peabody thừa nhận mối quan hệ tốt với các cổ đông bên ngoài là “con đường hai chiều”. Những CEO thường xuyên kết nối với nhà đầu tư có thể dựa vào ý kiến phản hồi của họ để cải thiện “giao tiếp” trong các báo cáo trình bày, tài liệu của công ty và trong các cuộc trả lời phỏng vấn với giới truyền thông.

Những CEO dành thời gian giao tế với các cơ quan chính quyền thường dễ nhận biết những thay đổi về quy định, chính sách mà có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh sau này, giúp CEO kịp thời đưa ra các thay đổi về mặt chiến lược.

Quản lý dòng chảy thông tin

Khi được giao vị trí CEO, nhiều người cảm thấy rất khó đưa ra các quyết định mà không hiểu chi tiết các hoạt động hằng ngày như khi họ còn giữ các vị trí giám đốc sản xuất, hay quản lý các bộ phận. Chìa khóa để vượt qua thách thức này là tạo một cơ cấu và một văn hóa mà theo đó thông tin sẽ được truyền tải trong nội bộ doanh nghiệp một cách chính xác cũng như khi được truyền tải cho hội đồng quản trị và các cổ đông khác.

Nhiều CEO cho biết, các thành viên hội đồng quản trị ít khi nào ủng hộ một quyết định mà dựa vào trực giác, bản năng. Vì thế, CEO nên giải thích các lý lẽ đằng sau quyết định được đưa ra và trình bày quyết định đó giúp công ty đạt các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn như thế nào. Rõ ràng, cách truyền tải thông tin là rất quan trọng.

Truyền tải thông tin bất nhất thường gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa CEO với các cổ đông bên ngoài. Giá cổ phiếu thường biến động một phần do thông điệp một CEO truyền tải cho các nhà đầu tư, chuyên gia phân tích và giới truyền thông. Học cách kiểm soát dòng chảy thông tin này là một yếu tố quan trọng quyết định liệu nhiệm kỳ của CEO đó dài hay ngắn.

Headhunt Vietnam là công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao, đã từng thành công các vị trí C.E.O ( Giám đốc điều hành) tại các công ty đa quốc gia có trụ sở ở Việt Nam