Category Archives: C.E.O

20 phẩm chất làm nên nhà lãnh đạo lớn- phần 2

Tiếp theo phần 1: 20 phẩm chất làm nên nhà lãnh đạo lớn- phần 1

11. Sẵn sàng tiếp thu

Daymond John – CEO Shark Branding and FUBU: “Một trong những lời đồn phổ biến nhất là mọi doanh nhân lãnh đạo giỏi đều là những người nhìn xa trông rộng với độ quyết tâm mãnh liệt bám đuổi mục tiêu bằng bất cứ giá nào. Thật vớ vẩn! Sự thật là, người lãnh đạo cần có cái nhìn phóng khoáng, hành động mềm dẻo, và thay đổi khi cần thiết. Khi một công ty đang còn trong giai đoạn startup, người ta quá quan trọng hóa việc lên kế hoạch và tạo dựng một mục tiêu chắc chắn. Mối cam kết của bạn phải là vào việc đầu tư, phát triển, và duy trì các mối quan hệ tốt”.

Daymond John

12. Quyết đoán

Scott Hoffman – Giám đốc Folio Literary Management: “Thời phổ thông và đại học, để kiếm tiền, tôi thường làm trọng tài cho những trận bóng rổ giải trí. Người hướng dẫn của tôi cho các học trò của ông ấy một lời khuyên mà tôi cho rằng cũng rất hữu dụng trong môi trường làm việc chuyên nghiệp: ‘Hãy ra quyết định nhanh, hét quyết định đó lên to nhất có thể, và không bao giờ ngoảnh đầu lại’. Trong những tình huống éo le, một quyết định sai nhưng quyết đoán thường mang lại kết quả tốt hơn và đội nhóm vững mạnh hơn về lâu dài, hơn là quyết định nửa vời dù sau đó có được chứng minh là đúng”.

13. Hòa đồng

Lewis Howes – tác giả sách bán chạy nhất “The School of Greatness” do New York Times bình chọn: “Mỗi người chúng ta đều mang lại một điều gì đó cho thế giới, và chúng ta cũng có khả năng nhanh chóng đánh hơi được một người giả tạo. Bạn càng đề cao mối liên kết chân thật giữa người với người, tìm cách giúp đỡ người khác khi có thể – thay vì chỉ quan tâm đến việc họ có thể giúp gì cho bạn – hình ảnh của bạn trong mắt mọi người sẽ càng trở nên đẹp đẽ và bạn sẽ trở nên gần gũi với họ hơn. Điều này không chắc chắn giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, nhưng nó cần thiết để trở thành một lãnh đạo được kính trọng, thứ sẽ tạo nên khác biệt cho doanh nghiệp bạn”.

14. Phân chia công việc và quyền lực

Shannon Pappas, phó chủ tịch cấp cao Beachbody LIVE: “Phần lớn các triết lý lãnh đạo của tôi có được từ kinh nghiệm làm vận động viên thể thao. Đội nhóm thành công nhất của tôi không phải lúc nào cũng là nhờ có được những tài năng giỏi nhất, mà nhờ có một sự kết hợp kỹ năng, điểm mạnh, và sự tin tưởng lẫn nhau hoàn hảo từ các thành viên. Để xây dựng một đội nhóm có động lực tiến lên, bạn cần ủy nhiệm trách nhiệm và quyền lực. Phân công nghĩa vụ không phải dễ dàng. Điều này có khi còn khó hơn là tự bản thân thực hiện mọi thứ, nhưng với lựa chọn dự án đúng đắn và sự ủng hộ của đội nhóm, sự ủy nhiệm sẽ khiến mọi thứ tiến hành trơn tru hơn. Đó là cách để bạn tìm hiểu và nắm rõ khả năng của đồng đội mình và thúc đẩy năng suất làm việc của họ lên mức cao nhất”.

15. Lạc quan

Jason Harris – CEO Mekanism: “Để có thể vươn tới những điều to lớn, bạn cần tạo ra một văn hóa lạc quan. Con đường tới thành công có nhiều thăng trầm, nhưng sự lạc quan sẽ giúp doanh nghiệp tiếp tục tiến lên phía trước. Hãy lưu ý: Bạn cần phải thật sự gan dạ. Bạn phải thật sự tin vào khả năng biến điều không thể thành có thể”.

Jason Harris

16. Kiên trì

Noah Kagan – Chief Sumo, appsumo: “Một nhà lãnh đạo giỏi từng nói với tôi, ‘Tính bền bỉ luôn luôn đánh bại sự chống cự’. Và sau khi làm việc tại cả Facebook, Intel, Microsoft và tự thành lập công ty riêng, tôi đã học được hai bài học quan trọng: Mọi thứ vĩ đại đều cần thời gian mới có thể tạo dựng lên được, và bạn cần kiên trì theo đuổi chúng bằng bất cứ giá nào. Đó là bước tiến cần thiết để trở thành nhà lãnh đạo giỏi: sẵn sàng tiếp tục tiến về phía trước tại nơi mà những người khác đã chấp nhận dừng chân”.

17. Sáng suốt

Raj Bhakta – nhà sáng lập WhistlePig Whiskey: “Một cái nhìn sáng suốt bao giờ cũng cần thiết, giúp bạn tách biệt những điều thật sự quan trọng từ tất thảy thứ đang xảy ra xung quanh bạn. Nó cũng giống như là sự khôn ngoan – bạn có thể cải thiện nó theo thời gian, nhưng nó phải ăn sâu vào tâm trí bạn. Nó là một thứ cố định mà bạn vốn phải có. Nếu sự sáng suốt của bạn đúng, bạn sẽ trông giống như một thiên tài vậy. Và nếu sự sáng suốt ấy sai, bạn sẽ trông như một kẻ ngốc”.

18. Khả năng giao tiếp

Kim Kurlanchik Russen – cộng sự TAO Group: “Nếu người khác không biết được những dự định của bạn, và không thể đáp ứng đúng nhu cầu cho bạn, đó là lỗi của bạn vì đã không diễn tả được hết ý cho họ. Những người mà tôi làm việc cùng luôn luôn trong trạng thái giao tiếp, có khi đến nhức cả đầu. Nhưng giao tiếp là một hoạt động cần thiết cho sự cân bằng. Có thể bạn có một mong muốn, nhu cầu cụ thể nào đó, nhưng để thực hiện nó thì sự hợp tác là đặc biệt cần thiết và quan trọng. Chúng tôi luôn khuyến khích nhân viên chia sẻ suy nghĩ và ý tưởng cá nhân – đó là lý do mà chúng tôi có được những người tài năng làm việc cho mình”.

19. Nhận trách nhiệm

Sandra Carreon-John – Phó chủ tịch cấp cao M&C Saatchi Sport & Entertainment: “Đổ thừa lỗi lầm chắc chắn là dễ hơn nhiều việc tự nhận trách nhiệm. Nhưng nếu bạn muốn biết cách để chịu trách nhiệm một cách đúng đắn, hãy học hỏi chuyên gia tài chính Larry Robbins. Ông viết một lá thư với sự khiêm tốn chân thành gửi cho những nhà đầu tư của mình, nhận lỗi về những đánh giá sai lầm của mình đã khiến cho khoản đầu tư của họ bị lãng phí. Sau đó ông cho tạo ra một khoản quỹ mới, hoàn toàn không có luật lệ quản lý và lệ phí thực hiện – chưa từng có trên thế giới – đó là hedge fund. Đây mới đúng là một hành động chuẩn mực. Đây chính là cách nhận trách nhiệm. Không chỉ là nhận lỗi lầm suông, mà còn phải tiến hành bước kế tiếp để sửa chữa những sai sót đó”.

20. Mở rộng tìm kiếm

Nick Woolery – Giám đốc Marketing toàn cầu Stance Socks: “Một lãnh đạo thực sự giỏi là người có khả năng tìm ra điểm mạnh ẩn sau mỗi cá nhân trong đội nhóm, và sau đó mở rộng tầm nhìn, tìm kiếm những thứ có thể liên kết mọi người lại. Nên biết rằng chỉ những cá nhân trong một nhóm sẽ không thể mang lại đáp án cho mọi thứ, bởi vì nếu bạn nghĩ mình đã có đủ câu trả lời, có nghĩa là bạn vẫn chưa hỏi hết những câu hỏi cần thiết”.

Are you looking a CEO job ? => headhuntvietnam.com

Nhiệm kỳ chớp nhoáng của CEO

Vì sao các CEO mới nhậm chức thường ra đi trong ê chề?

Gần 50% CEO cho biết vai trò CEO là trách nhiệm “mà họ không hề trông đợi trước đó”. Đó là kết quả rút ra từ các cuộc phỏng vấn 20 cựu CEO và CEO đương nhiệm của các công ty đại chúng lớn trong đó có Bupa, Husky Energy, Standard Chartered, ATCO và Lloyds Banking Group, do các nhà nghiên cứu Harvard Business Review thực hiện gần đây. Mục tiêu là nhằm nhận diện một số thách thức và những phương pháp có thể giúp CEO làm tốt vai trò mới.

Những CEO có nhiệm kỳ rất ngắn cho đến những nhà lãnh đạo thành công đều thừa nhận có sự khác biệt lớn giữa những gì tưởng tượng và hiện thực phũ phàng khi đứng ở vị trí CEO. Điều này có thể là lý do vì sao nhiệm kỳ trung bình của CEO tại các doanh nghiệp S&P 500 chỉ là 5 năm vào cuối năm 2017, giảm từ mức 6 năm của năm 2013. Trong suốt giai đoạn 5 năm đó, có hơn 280 CEO trong S&P 500 đã ra đi.


Hầu hết các CEO cho biết quá trình chuyển giao là thách thức rất lớn, thậm chí đối với những nhà lãnh đạo gạo cội. Theo họ, có nhiều yếu tố các CEO mới cần cân nhắc: quản lý hiệu quả năng lượng và thời gian, thiết lập một khung rõ ràng cho việc quản lý mối quan hệ với hội đồng quản trị và các cổ đông bên ngoài và đảm bảo rằng thông tin truyền tải trong và ngoài tổ chức là chính xác, không bất nhất.

Quản lý năng lượng

“Bị sức ép về thời gian là một chuyện nhưng quan trọng là quản lý năng lượng của bản thân. Tôi nhận thức rất rõ mình đang phân bổ năng lượng của mình như thế nào, vào đâu, lấy lại năng lượng ra sao, điều gì khiến mình mất năng lượng”,

StuartFletcher,cựuCEOBupa,chobiết.

Lấy ví dụ, tất cả các CEO đều dành nhiều thời gian xây dựng và phát triển mối quan hệ gắn kết với hội đồng quản trị. Nhiều CEO nhận ra rằng xem các thành viên ban quản trị như một nguồn cố vấn và cung cấp thông tin sâu, thay vì một nghĩa vụ đã giúp họ biến trải nghiệm làm việc với ban quản trị từ một nguồn lấy đi năng lượng thành một nguồn cung cấp năng lượng. “Điều đó cho tôi cảm giác như có nhiều người ủng hộ mình”, một CEO cho biết.

Đối với hầu hết các CEO, một yếu tố khác giúp họ quản lý tốt thời gian và năng lượng là sớm lập một đội ngũ điều hành cấp cao có năng lực. Nhiều CEO tiếc nuối cho biết họ ước gì đã sắp xếp, bổ nhiệm người vào các vị trí quan trọng ngay từ đầu. “Tôi đã bỏ ra quá nhiều thời gian nhảy vào nhiều vai trò khác nhau trong khi đáng lẽ tôi nên tuyển dụng những người mới có năng lực để hỗ trợ mình”, Paul Foster, CEO của Sellafield, nói.

Quản lý các mối quan hệ trong, ngoài

Các CEO nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc tạo dựng niềm tin và gắn kết với các cổ đông, theo đó ưu tiên tập trung vào thành viên hội đồng quản trị, nhà đầu tư, giới truyền thông và các mối quan hệ liên quan với chính phủ. Trong số các CEO được phỏng vấn bởi Harvard Business Review, hầu hết dành trung bình 50% thời gian quản lý các mối quan hệ trong ngoài.

Gần phân nửa trong con số 50% thời gian đó là dành cho hội đồng quản trị. Gần như tất cả các cựu CEO mà không tập trung phát triển quan hệ với các thành viên hội đồng quản trị cho biết họ ước gì đã sớm làm điều đó. Khi không được kết nối tốt với CEO, các thành viên hội đồng quản trị có thể bị ảnh hưởng bởi nhà đầu tư hoặc các nguồn truyền thông mà chỉ chăm bẵm vào mục tiêu ngắn hạn, cổ xúy các chiến lược mà cho ra các kết quả trước mắt nhưng gây tổn hại cho chiến lược tạo giá trị lâu dài cho doanh nghiệp. Rủi ro này đặc biệt cao ở hội đồng quản trị không thực sự hiểu chiến lược kinh doanh hoặc các cơ hội tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.

Các CEO thành công nhất cho biết họ dành thời gian đáng kể vào việc duy trì mối quan hệ gắn khít với từng thành viên ban quản trị. Nhưng việc xây dựng mối quan hệ với nhà đầu tư và các cổ đông bên ngoài khác (như khách hàng, giới truyền thông, các mối quan hệ trong ngành, cơ quan nhà nước…) thường khó khăn hơn và mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Bill Winters, CEO Standard Chartered, lưu ý quá trình này thường là trải nghiệm cá nhân của CEO, vì thế không thể trông cậy vào sự hỗ trợ từ các nhà điều hành khác.


Bill Winters

Các CEO như Peabody thừa nhận mối quan hệ tốt với các cổ đông bên ngoài là “con đường hai chiều”. Những CEO thường xuyên kết nối với nhà đầu tư có thể dựa vào ý kiến phản hồi của họ để cải thiện “giao tiếp” trong các báo cáo trình bày, tài liệu của công ty và trong các cuộc trả lời phỏng vấn với giới truyền thông.

Những CEO dành thời gian giao tế với các cơ quan chính quyền thường dễ nhận biết những thay đổi về quy định, chính sách mà có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh sau này, giúp CEO kịp thời đưa ra các thay đổi về mặt chiến lược.

Quản lý dòng chảy thông tin

Khi được giao vị trí CEO, nhiều người cảm thấy rất khó đưa ra các quyết định mà không hiểu chi tiết các hoạt động hằng ngày như khi họ còn giữ các vị trí giám đốc sản xuất, hay quản lý các bộ phận. Chìa khóa để vượt qua thách thức này là tạo một cơ cấu và một văn hóa mà theo đó thông tin sẽ được truyền tải trong nội bộ doanh nghiệp một cách chính xác cũng như khi được truyền tải cho hội đồng quản trị và các cổ đông khác.

Nhiều CEO cho biết, các thành viên hội đồng quản trị ít khi nào ủng hộ một quyết định mà dựa vào trực giác, bản năng. Vì thế, CEO nên giải thích các lý lẽ đằng sau quyết định được đưa ra và trình bày quyết định đó giúp công ty đạt các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn như thế nào. Rõ ràng, cách truyền tải thông tin là rất quan trọng.

Truyền tải thông tin bất nhất thường gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa CEO với các cổ đông bên ngoài. Giá cổ phiếu thường biến động một phần do thông điệp một CEO truyền tải cho các nhà đầu tư, chuyên gia phân tích và giới truyền thông. Học cách kiểm soát dòng chảy thông tin này là một yếu tố quan trọng quyết định liệu nhiệm kỳ của CEO đó dài hay ngắn.

Headhunt Vietnam là công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao, đã từng thành công các vị trí C.E.O ( Giám đốc điều hành) tại các công ty đa quốc gia có trụ sở ở Việt Nam

5 bí quyết thành công của một nhà đầu tư Shark Tank

Những người thành công đều có một đặc điểm chung, đó là họ yêu công việc của mình – theo nhà đầu tư Shark Tank Daymond John, tỷ phú sở hữu thương hiệu thời trang FUBU trị giá 6 tỷ USD.

Bạn phải thiết lập mục tiêu. Nếu không biết mình muốn gì, bạn sẽ không bao giờ có được nó.

Chia sẻ trên kênh CNBC, doanh nhân Daymond John – nhà sáng lập thương hiệu quần áo FUBU trị giá 6 tỷ USD, đồng thời là nhà đầu tư trên chương trình Shark Tank cho biết, thành công ông có được ngày hôm nay nhờ vào hàng loạt vấp ngã, sai lầm cộng với lòng quyết tâm và kiên trì.

Ông từng bị từ chối nhiều lần, mất mát không ít và đôi lúc bế tắc, không tìm thấy lối ra. Tuy nhiên, chặng đường gian khổ ấy đã giúp John nhận ra sự dũng cảm được sinh ra khi bạn buộc phải đứng lên và leo qua bức tường thử thách.

Dưới đây là 5 bí quyết đầu tư thành công được tỷ phú Daymond John đúc kết từ sự nghiệp kinh doanh của mình:

1. Thiết lập mục tiêu

Bạn không thể đạt mục tiêu nếu bạn không biết mình đang theo đuổi điều gì.

Cha của John mất khi ông mới 10 tuổi. Mẹ ông phải làm mọi việc để kiếm sống và cho rằng ông cũng nên phụ giúp chi trả hóa đơn trong nhà. Joh được giao các việc lặt vặt như phát tờ rơi quảng cáo hay làm việc tại trung tâm thương mại tại thành phố New York – nơi ông lớn lên. 

Ông đã bắt đầu công việc kinh doanh khi còn là đứa trẻ: Ông trộm bút chì của những cậu bé trong trường mà ông không thích, sơn tên các cô bạn chung lớp lên sau đó bán chúng cho họ. Khi là thiếu niên, John đã cố gắng tổ chức một bữa tiệc khổng lồ trên thuyền. Ông đã dùng hết số tiền trong thẻ tín dụng, vay mượn thêm để có được 20.000 USD thực hiện sự kiện lớn đó. Về sau John thừa nhận, đó là một canh bạc thực sự.

Vì không đủ tiền thuê chiếc thuyền sang trọng Princess Cruise Line, ông thuê chiếc Circle Line giá rẻ hơn. Ông chi 8.000 USD để thuê DJ, 3.000 USD cho hệ thống âm thanh, 3.000 USD cho việc phát tờ rơi quảng cáo, 2.000 USD cho nhân viên trên thuyền và phần còn lại dùng để mua rượu. 

Cuối cùng, sự kiện đã thất bại thảm hại khi có rất ít khách đến dự. Bữa tiệc chỉ thu về 4.000 USD, và John lỗ 16.000 USD. Ông nhìn vào chiếc thuyền Princess Cruise Line kế bên tấp nập người ghé thăm mà không hiểu tại sao chương trình của mình lại thất bại.

“Thành công được hội tụ từ nhiều yếu tố. Ngày đó, tôi đã không biết rằng chỉ với việc phát tờ rơi và mạo hiểm mọi thứ mình có cũng không giúp tôi thành công được. Mãi nhiều năm sau tôi mới nhận ra ngoài đam mê làm giàu, thành công còn cần có niềm đam mê. Tôi thất bại vì tư duy của mình”, ông chia sẻ.

Lớn hơn một chút, ông không biết mình muốn gì. “Tôi không có ước mơ hay khát vọng nào vào thời điểm đó – John kể – Cho đến khi hip-hop bùng nổ và du nhập vào Queens”. John cho biết, đó là lần đầu tiên ông cảm thấy thích một thứ hơn tất thảy mọi thứ khác. Ông cho biết: “Tôi muốn trở thành một phần của hip-hop dù chưa biết làm thế nào. Nó ảnh hưởng mạnh đến tôi. Tôi sẽ sống, chết và thành công trong thế giới đó”.

Tuy nhiên, ước mơ đó có phần bất khả thi bởi John không thể hát rap, cũng không biết nhảy hip-hop. Dù vậy ông bị hấp dẫn bởi Russell Simmons, người mà theo John, là “một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất mà tôi được tiếp xúc trong cộng đồng hip-hop, kiếm tiền từ việc bán nhạc”. Russell Simmons là nhà đồng sáng lập hãng đĩa hip-hop Def Jam, người tạo ra thương hiệu thời trang Phat Farm. Russell được xem như người giàu thứ ba trong làng nhạc hip-hop với tổng tài sản là 325 triệu USD.

Một đêm nọ, khi  John đang tham dự một buổi biểu diễn hip-hop từ cánh gà, ông nhìn ra sân khấu và nhận ra rằng tất cả mọi người trong khán phòng đều mặc một loại đồng phục. Ông nhận ra mình vừa phát hiện một điều mới mẻ. Ông muốn thiết kế trang phục cho cả cộng đồng hip-hop. 

“Trước đó, cuộc sống của tôi chỉ toàn màu trắng và đen. Tôi đã không biết mình muốn làm gì trong đời nhưng nó chính là khoảnh khắc đó, lần thứ hai cuộc đời tôi thay đổi từ trắng, đen sang màu sắc sặc sỡ”, John nói. 

Khoảnh khắc nhận ra đó dẫn John đến với bí quyết thành công đầu tiên của mình: Bạn phải thiết lập mục tiêu. Nếu không biết mình muốn gì, bạn sẽ không bao giờ có được nó.

Khi nhận ra mục tiêu của mình là gì, John bắt đầu nỗ lực hết sức để đạt được nó. Ông gọi cho mẹ và nói: “Con muốn thiết kế quần áo cho dân chơi hip-hop. Họ rap, họ hát nhưng chẳng có ai may đồ đậm chất hip-hop cho họ cả. Con sẽ làm điều đó”.

2. Chuẩn bị mọi thứ

Bước đột phá đầu tiên của John trong việc kinh doanh là may và bán mũ. Mẹ ông đã biến mảnh vải giá 40 USD thành những chiếc mũ và ông kiếm được 800 USD từ việc bán chúng. Với số tiền lời lớn thế này, ông vui vẻ lái xe về nhà và đâm vào chiếc xe khác. Tai nạn đó chính xác đã tốn của John 800 USD. 

“Mùi vị thành công đầu tiên đi nhanh như lúc nó đến, nhưng tôi vẫn không quên cảm giác đó”, John cho biết. 

Sau này, khi sáng lập thương hiệu thời trang FUBU (viết tắt của cum từ “For Us, By Us”), thành công cũng nhanh chóng đến với John. Ông cầm 10 chiếc áo sơ mi đến những buổi quay video âm nhạc hip hop của các ca sĩ nổi tiếng. Ông từng ngồi lì trước nhà của LL Cool J và thuyết phục chàng ca sĩ rapper, diễn viên tài năng vốn kín tiếng này chụp một bức hình mặc áo sơ mi in thương hiệu FUBU.

Ông đem bức ảnh đó cùng các mẫu áo FUBU đến buổi trình diễn thời trang dành cho nam giới tổ chức một năm 2 lần tại Las Vegas để giới thiệu và tìm kiếm khách hàng. Tại đó, ông nhận được nhiều đơn đặt hàng với tổng trị giá 300.000 USD.

Sự thành công làm ông choáng váng: “Tôi có nhiều tiền! Tôi thật giàu! Tôi sẽ chuyển đến Tahiti”, ông tự nói với mình trên chuyến bay trở về nhà. 

Để có vốn lưu động sản xuất lô quần áo FUBU đầu tiên, John  đi vay nợ ngân hàng. Tuy nhiên, ông cho biết mình bị từ chối không dưới 27 lần. Sau đó, mẹ ông cầm cố ngôi nhà của gia đình tại Hollis, Queens với giá 100.000 USD để John xây dựng một nhà máy tạm thời.

Số tiền này nhanh chóng giảm còn 500 USD khi John mua thêm máy may và vải thô. Tuy nhiên, John không thể hoàn thành đủ số lượng áo sơ mi trong đơn đăt hàng. Trong nỗ lực gọi vốn cuối cùng, mẹ John đăng một mẩu quảng cáo trên báo địa phương và đại diện xưởng may của “gã khổng lồ” Samsung đã gọi cho John. Họ đề nghị tài trợ vốn cho ông với điều kiện ông phải kiếm được 5 triệu USD doanh thu trong vòng 3 năm tới.

“Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Tôi đã mất nhà. Tôi cũng cạn sạch tiền. Nhưng tôi cũng biết mình sẽ không thể nào tự bán được 5 triệu USD tiền quần áo chỉ trong 3 năm”, John nói.

Tuy nhiên, sau đó, nhờ nghiên cứu kỹ thị trường, chiến lược kinh doanh, ông tự tin mình có thể làm được. Và quả thực, ông đã bán được 30 triệu USD quần áo chỉ trong ba tháng đầu tiên. 

Những sự kiện xảy ra trong thời gian đầu ra mắt FUBU đã dạy John bài học về tầm quan trọng của việc lên kế hoạch kỹ càng. Khi ông chưa đầu tư nghiên cứu chi phí sản xuất và tìm hiểu công việc điều hành, ông gần như tự giết chết công ty và làm mất nhà của mẹ. Nhưng khi ông biết mình phải làm gì, dự trù được các khoản tài chính cần có, ông đã đồng ý hợp tác với Samsung, vì ông biết mình có khả năng làm được.

3. Yêu những gì mình làm

Thành công mà John có được là nhờ vào niềm đam mê sâu sắc của ông dành cho công việc, CNBC nhận định. John xác nhận điều này: “Tôi yêu những gì tôi làm. Và tôi biết những người thành công đều có một đặc điểm chung, đó là họ yêu công việc của mình”.

4. Bạn chính là đại diện thương hiệu của mình

Sau thành công của FUBU, John bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên truyền hình, chia sẻ về công việc kinh doanh cũng như hành trình đưa những chiếc áo sơ mi từ đường phố vào trung tâm thương mại tại Queens, và sau này phát triển thành một thương hiệu trị giá 6 tỷ USD. Với phong thái đĩnh đạc, cách thể hiện chân thành một cách thuyết phục, John đã được mời làm một nhà đầu tư trên chương trình khởi nghiệp Shark Tank.

John cho biết, tham gia Shark Tank giúp ông nhận ra một điều, đó là các nhà đầu tư không đầu tư vào công ty, họ đầu tư vào con người. Và trong thời đại kỹ thuật số, thương hiệu cá nhân là thứ đặc biệt quan trọng.

John khuyên mỗi người nên có riêng 2 đến 5 từ có thể miêu tả bản thân, bao gồm việc bạn là ai và bạn làm gì với cuộc sống của mình. Tuy nhiên, đó phải là những từ dễ nhận biết, không dành riêng cho bạn trong trường hợp bạn đang đứng trước các nhà đầu tư mạo hiểm. Các nhà đầu tư sẽ có những cách đánh giá khác nhau về bạn và công ty trước khi quyết định rót vốn. Do đó, bạn nên lựa chọn kỹ càng và kiên định với những từ miêu tả bản thân và công ty, dù là đang mời tài trợ, quảng cáo facebook hay gặp gỡ người mới.

5. Đừng từ bỏ

Bí quyết thành công cuối cùng của John được lấy hình tượng từ cô cá Dory trong loạt phim hoạt hình nổi tiếng Finding Nemo (tạm dịch: Truy tìm Nemo). “Bạn có thể nghĩ mình giống như cô cá xanh đãng trí Dory hoặc có thể không. Nếu bạn nghĩ rằng có nhiều thứ trong cuộc sống đang cố kéo bạn tụt lại phía sau thì tôi sẽ chia sẻ câu chuyện của mình. Tôi vốn mắc chứng khó đọc. Tôi còn lùn. Tôi lại nghỉ học giữa chừng, không học tiếp lên đại học. Tôi chẳng quen ai nổi tiếng, cũng không có họ hàng với bất kỳ ngôi sao nào. Tôi có thể nói mình là con trai của Elton John nhưng ai tin tôi chứ”, ông nói.

“Tôi không thể hát rap, cũng không biết ném bóng rổ, chơi bóng chuyền hay bất cứ thứ gì mọi người có thể chơi với một trái bóng. Nhưng tôi đã thành công và ngồi đây chia sẻ với bạn những điều này. Một phần vì tôi là người kiên trì”, John chia sẻ.

Ông cho biết, lý do khiến FUBU thành công trong những ngày đầu ra mắt là vì ông liên tục tìm thấy giải pháp giải quyết vấn đề vào những khoảnh khắc mà ai cũng có thể buông bỏ.

“Tôi từng thất bại nhiều hơn thành công. Dù vậy, cánh cửa thành công không bao giờ khép lại với những người luôn cố gắng và nỗ lực. Bạn phải luôn nỗ lực và đừng bao giờ từ bỏ”, nhà đầu tư Shark Tank Daymond John nhấn mạnh.

CEO Netflix tuyên bố công ty không là hãng công nghệ

CEO Netflix Reed Hastings vừa “chia tay” nhóm công ty công nghệ hôm 19.3 khi cho rằng doanh nghiệp thực sự là hãng truyền thông hơn là hãng công nghệ.

Theo Recode, trong khi nhiều hãng công nghệ lớn khác không tự gán mác doanh nghiệp là công ty truyền thông, thay vào đó là chọn hướng “các nền tảng” nơi người dùng cung cấp nội dung thì Netflix đi ngược lại.

Đơn cử, CEO Facebook Mark Zuckerberg nhiều lần chỉ ra sự khác biệt giữa doanh nghiệp của ông và các hãng truyền thông thông thường. Năm 2016, Zuckerberg cho hay: “Chúng tôi xây dựng công cụ, không sản xuất bất cứ nội dung nào”. Dù vậy, hãng có trả tiền để sản xuất một số chương trình gốc cho sản phẩm video Watch. Một số người cho rằng sự khác biệt giữa hãng công nghệ và truyền thông giúp giới doanh nghiệp thoái thác trách nhiệm với nội dung mà họ lưu trữ, quảng bá.

Song trong bối cảnh giới chính trị gia và các nhà quản lý chú ý hơn đến nhóm doanh nghiệp công nghệ, ông Hastings có cách tiếp cận khác khi gọi Netflix là công ty truyền thông. Bất chấp giá trị thị trường gần 159 tỉ USD rất giống một hãng công nghệ, Hastings cho hay việc phân phối chi tiêu giúp Netflix trở thành công ty truyền thông. Hãng chi 1,2 tỉ USD cho công nghệ, song chi đến 10 tỉ USD cho chương trình video.

CEO Netflix Reed Hastings. Ảnh: Reuters.

Hiện ứng cử viên tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ Elizabeth Warren, thượng nghị sĩ đến từ bang Massachusetts, đang kêu gọi Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google phải chia tách theo kế hoạch “chia nhỏ Big Tech”. Nếu được xem là một hãng công nghệ, Netflix có thể bớt bị chú ý hơn.

Cũng trong lần phỏng vấn hôm 19.3, ông Hastings cho hay dịch vụ phát trực tuyến hàng đầu thế giới sẽ không để chương trình và phim của họ có sẵn trên chương trình cung cấp video sắp tới của Apple. “Chúng tôi muốn khách hàng xem nội dung của chúng tôi trên dịch vụ của chúng tôi. Chúng tôi chọn không tích hợp với dịch vụ của họ”, CEO Netflix Reed Hastings cho hay.

Apple dự kiến tung dịch vụ truyền hình và video tại sự kiện diễn ra vào ngày 25.3 tới. Đây là động thái được cho là đẩy cao môi trường cạnh tranh với Netflix và nhiều dịch vụ khác cung cấp chương trình giải trí trực tuyến. Dịch vụ của Apple có thể bán lại các đăng ký từ CBS Corp, Viacom và nhiều doanh nghiệp khác. Walt Disney và WarnerMedia cũng có kế hoạch cung cấp dịch vụ phát trực tuyến thuê bao.

* Nguồn: Thanh Niên

Chân dung nhà sáng lập người Do Thái của Oracle

Do Thái là một dân tộc khá thần kỳ trên thế giới khi chiếm vô số vị trí trong bảng xếp hạng những người giàu nhất toàn cầu. Một trong số đó là Larry Ellison, nhà sáng lập tập đoàn Oracle nổi tiếng trên thế giới, người từng bỏ dở đại học tới 2 lần vì không đủ tiền đóng học phí và nay đứng thứ 7 thế giới về mức độ giàu có với 63,5 tỷ USD

Cậu bé Do Thái mồ côi nổi loạn

Lawrence Joseph Ellison sinh ngày 17/8/1944 tại Bronx, một quận của thành phố New York. Mẹ của ông, bà Florence Spellman là một bà mẹ đơn thân người Do Thái mới chỉ 19 tuổi.

Khi mới chỉ 9 tháng tuổi, Ellison mắc bệnh viêm phổi nên đã được mẹ gửi đến cùng chú dì là Lilian và Louis Ellison tại thành phố Chicago-Mỹ. Họ cũng trở thành cha mẹ nuôi của Ellison kể từ đó. Bản thân ông cũng không gặp lại mẹ ruột của mình cho đến tận năm 48 tuổi.

Nhớ lại thời gian đó, Ellison cho biết dì và là mẹ nuôi của mình rất ấm áp và tràn đầy tình yêu thương đối với ông, nhưng người chú lại có vẻ xa cách. Gia đình của ông lúc đó không quá giàu cũng chẳng nghèo. Cha nuôi của Ellison làm công chức nhà nước, kiếm được chút tiền đầu tư vào bất động sản nhưng hầu như mất trắng sau cuộc khủng hoảng kinh tế.

Ngay từ khi còn nhỏ, Ellison đã bộc lộ tính cách độc lập, nổi loạn của một cậu bé hiếu động. Tuy nhiên đi cùng với đó là năng khiếu toán học, khoa học. Chính sự tổng hợp này đã tạo nên một nhà tỷ phú đại tài, sẵn sàng mạo hiểm sau này.

Đến tuổi thành niên, Ellison theo học trường đại học Illinois và được đánh giá là một trong những sinh viên tiêu biểu của năm nhất. Bất hạnh thay, mẹ nuôi của Ellison qua đời khiến ông mất đi chỗ dựa tài chính và quyết định bỏ học năm thứ 2 để đi làm.

Dù khát khao với toán học và công nghệ nhưng Ellison lại phải bỏ dở việc học một lần nữa khi chuyển đến học tại đại học Chicago chuyên ngành máy tính.

Kể từ đây, Ellison đoạn tuyệt với con đường học hành và quyết tâm lập nghiệp để tìm kiếm thành công cho riêng mình.

Năm 1966, với chút tiền dành dụm, Ellison ở tuổi 22 chuyển đến California, gần thung lũng Silicon để lập nghiệp. Trong vòng 8 năm, Ellison đã trải qua rất nhiều công việc cũng như tự tích lũy kiến thức về vi tính, lập trình mà không qua một trường lớp bài bản nào. Từ vị trí kỹ thuật viên cho công ty dịch vụ tài chính Wells Fargo đến lập trình viên cho nhà sản xuất máy tính Amdahl.

Nhớ về quãng đời gian khổ đó, Ellison cho rằng chính những thử thách đã rèn luyện bản thân sự bền bỉ, nghị lực cũng như tích lũy kiến thức, quan hệ xã hội cho thành công sau này. Cũng chính quãng thời gian này, tỷ phú Ellison đã khám phá ra đam mê thực sự của đời mình: công nghệ máy tính.

Trong thập niên 1970s, khi làm cho công ty Ampex Corporation, Ellison đã tham gia 1 dự án xây dựng kho dữ liệu cho Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) mang tên Oracle và ông thực sự bị ấn tượng bởi hệ thống xử lý kho dữ liệu của dự án. Đây là bước tiền đề để Ellison thành lập nên thương hiệu Oracle nổi tiếng sau này.

Vào năm 1977, Ellison và đồng sự Bob Miner và Ed Oates thành lập công ty quản lý cơ sở dữ liệu có tên là Sofware Development Laboratories với số vốn ban đầu 1.400 USD, trong đó 1.200USD là do chính Larry tự bỏ tiền túi ra.

Hướng đi của công ty chịu ảnh hưởng bởi học thuyết của Edgar F. Codd – nhà khoa học máy tính nổi danh thuộc IBM, học thuyết đó xoay quanh một thứ gọi là “Mối quan hệ trong các cơ sở dữ liệu” – đó là cách mà các hệ thống máy tính lưu trữ và truy cập thông tin hết sức quen thuộc mà chúng ta hiện đang sử dụng hàng ngày hiện nay. Vào thời điểm thập niên 70’s thì đây là một học thuyết mang tính cách mạng lớn trong ngành công nghệ.

Vào năm 1979, công ty được đổi tên thành Ralational Software. Khi đó công ty của Ellison chỉ có 8 nhân viên bao gồm cả ông và 2 người bạn, còn doanh thu thì chẳng đến 1 triệu USD/năm.

Do nhiều yếu tố khách quan, Ellison bỏ qua Oracle 1 để tạo thẳng Oracle 2, phiên bản đầu tiên của hệ thống xử lý cơ sở dữ liệu. Đây là một bước đột phá khi thị trường này chưa có sự tham chiến của các ông lớn trong ngành.

Năm 1982, công ty đổi tên thành Oracle Systems Corpoảtion dựa trên sản phẩm chủ đạo Oracle 2 của mình và cái tên đó đã duy trì cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ cho đến ngày hôm nay.

Là một trong những start-up chọn hướng đi ban đầu đúng đắn, Oracle là một trong những cái tên phát triển nhanh chóng trong ngành công nghiệp máy tính. Năm 1986, Oracle lần đầu phát hành cổ phiếu, đưa doanh thu của công ty đạt mốc 55 triệu USD.

Suýt phá sản do thiếu kinh nghiệm

Tất nhiên, chặng đường lọt top 10 tỷ phú giàu nhất thế giới của Ellison chẳng dễ dàng đến thế, nhất là với một người rành công nghệ nhưng yếu kỹ năng quản lý.

Đầu thập niên 1990, Ellison đã cho phép những nhân viên bán hàng của họ trực tiếp đặt ra doanh số bán hàng trong các quý tương lai ngay trong quý hiện tại, điều đó tạo ra những doanh thu ảo và khiến cho toàn bộ những số liệu kinh doanh bị lệch một cách trầm trọng so với báo cáo.

Trước thông tin này, nhà đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu của Oracle, khiến tổng vốn hóa thị trường giảm 80%. Oracle trên bờ vực phá sản và họ phải sa thải 10% nhân lực khi đó (khoảng 400 người).

Chưa đến một thập kỷ sau khởi đầu trong mơ, Oracle đứng trước nguy cơ phá sản và trở thành “miếng thịt” béo bở khi các đối thủ cạnh tranh thi nhau “cắt xén” thị phần. Đây là sự kiện mà mãi về sau tỉ phú Larry Ellison mô tả là “một lỗi lầm kinh doanh đáng kinh ngạc” khi dính líu tới cả những vụ kiện tụng pháp luật.

Nhưng với bản lĩnh của một lãnh đạo giỏi và bộ óc quản lý, kinh doanh nhạy bén, tỉ phú Larry Ellison đã tiến hành một cuộc “thay máu” mạnh mẽ và toàn diện cho Oracle, phần lớn các nhân viên cao cấp ban đầu bằng các nhà quản lý có kinh nghiệm hơn.

Lần đầu tiên, ông giao việc quản lý kinh doanh cho các chuyên gia, và chuyển trọng tâm sang phát triển sản phẩm. Một phiên bản mới của cơ sở dữ liệu Oracle 7 phát hành vào năm 1992, đã “càn quét” thị trường phần mềm quản trị. Chỉ 2 năm, cổ phiếu của công ty đã tăng trở lại.

Trong thập niên 1990, Oracle và Ellison đã hưởng thụ đỉnh cao vinh quang khi đánh bại các đối thủ khác trong mảng dữ liệu trực tuyến. Thậm chí vào năm 1997, Ellison được bổ nhiệm làm Giám đốc của Apple Computer sau khi Steve Jobs quay trở lại làm CEO của hãng. Tuy nhiên ông đã phải từ chức vào năm 2002 do quá bận khi điều hành một lúc nhiều doanh nghiệp.

Một trong những nguyên nhân nữa khiến Ellison và Oracle làm ăn phát đạt là bong bóng dot com. Tên miền dot-com (.com) bùng nổ vào cuối những năm 1990 đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Oracle: Tất cả những công ty sử dụng tên miền “.com” cần cơ sở dữ liệu đều tìm đến Oracle.

Phải mãi đến khi Microsoft và IBM mở rộng kinh doanh ở mảng này thì công ty mới gặp được những đối thủ chân chính. Kể từ đó đến nay, Ellison tiếp tục thành công trong nhiều thương vụ đầu tư khác và được cả thế giới biết đến như một trong những tỷ phú giàu nhất toàn cầu.

Với nguồn tài lực khổng lồ và óc nhạy bén trong kinh doanh, Ellison chuyển hướng sang các mảng kinh doanh tiềm năng khác ngay trước khi cơn sốt tên miền “.com” hạ nhiệt. Vào năm 2009, Oracle mua Sun Microsystems, một công ty máy chủ khởi nghiệp cùng thời điểm năm 1982 với Oracle. Thương vụ thâu tóm này đem lại cho Oracle rất nhiều công nghệ quan trọng, bao gồm cả việc điều khiển cơ sở dữ liệu MySQL quen thuộc.

Vào năm 2014, Oracle thâu tóm nhà cung cấp phần mềm quản lý nhân lực PeopleSoft với giá 10,3 tỉ USD.

Kể từ năm 2010, tỉ phú Larry Ellison bắt đầu rút lui khỏi sân chơi của thế giới công nghệ, ông giao lại quyền điều hành cho những người tâm phúc của mình như Mark Hurd, Safra Catz,… để tập trung vào hưởng thụ cuộc sống xa xỉ hơn. Vào năm 2012, ông mua hẳn quyền sở hữu hòn đảo Lanai thuộc quần đảo Hawaii với mức giá khoảng 300 triệu USD.

Bí quyết thành công của tỷ phú thất học

Để có được những thành công đó, Ellison chắc chắn phải có những bí quyết riêng của mình. Nổi tiếng trong số đó là tính khí ngông cuồng mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được cái đầu “lạnh”, Ellison sẵn sàng nhục mạ không tiếc lời và thậm chí kiện tụng thẳng tay với các đối thủ của mình.

Vị doanh nhân này còn được ví như một con cáo già trong thương trường, ông thậm chí có thể xoay chuyển thế cục tài tình, từ một nguy cơ mất trắng toàn bộ trở thành một cú ăn đậm.

Tỷ phú Ellison cũng cho biết thành công chẳng bao giờ đến nhờ may mắn mà cần phải làm việc chăm chỉ, nỗ lực hết mình bên cạnh tài năng kinh doanh. Ông cũng là người phá vỡ quy tắc truyền thống khi coi bằng cấp không phải là tất cả hay học tập là con đường duy nhất dẫn đến thành công.

Quyết định táo bạo bỏ học giữa chừng của tỷ phú này đã chứng minh cho thế giới thấy một người quyết tâm làm điều gì thì có thể đạt được ngay cả khi bị mọi người cho là điên khùng, gàn dở.

Do vậy, ông còn từng khiến thế giới kinh ngạc khi hợp tác với Microsoft – đối thủ cạnh tranh lâu năm và củng cố lại mối quan hệ với CEO của Salesforce – Marc Benioff, khách hàng đồng thời là đối thủ lớn của Oracle.

“Trước khi bắt tay thực hiện những sáng kiến mang tính đột phá, bạn nên chuẩn bị tinh thần cho việc bị cả thế giới nói rằng mình gàn dở”, tỷ phú Ellison tiết lộ.

Tỉ phú Larry Ellison cũng là một người rất ghét những nhân viên chỉ biết phục tùng. Đối với ông, một nhân viên giỏi là người phải có chính kiến mạnh mẽ cũng như sẵn sàn phản bác lại cấp trên vì lợi ích phát triển chung.

Những nhà điều hành kỳ cựu trước đây của Oracle bao gồm Marc Benioff của Salesforce, Tom Siebel của Siebel Systems, Craig Conway của PeopleSoft và cựu Chủ tịch HP Ray Lane. Tất cả những người này sau này đều trở thành đối thủ của Oracle nhưng nếu không có họ thì tỉ Larry Ellison và Oracle không thể có ngày hôm nay.

Một trong những bí quyết thành công khác được ông Ellison chia sẻ đó là thường xuyên trò chuyện, quan tâm đến đội ngũ nhân viên. Để chiêu mộ và giữ chân nhân tài, tỷ phú Ellison trả lương và chia thưởng cho nhân viên khá hậu hĩnh.

Nhà sáng lập hãng phần mềm Oracle khiến nhiều người ngạc nhiên khi tuyên bố mức lương cơ bản 1 USD trong năm 2010 khi công ty gặp khó khăn. Ông Ellison sẵn sàng dùng tiền túi để điều hành hoạt động công ty, điều mà không phải ai cũng có thể làm được.

Mặc dù chỉ nhận mức lương tương trưng 1 USD/năm nhưng khối tài sản của vị tỷ phú này vẫn không ngừng tăng lên nhờ những khoản thưởng, trợ cấp/bổng lộc và quyền chọn cổ phiếu trị giá hàng chục triệu USD.

Với vai trò nhà lãnh đạo của cả 1 đế chế kinh doanh, Ellison nhiều khi cũng đưa ra quyết định sai lầm, nhưng cái đáng quý ở đây là ông biết cách nhận lỗi và sửa sai. Chính điều đó khiến Ellison trở thành một tỷ phú thất học gàn dở nhưng vẫn được lòng rất nhiều người, cũng như luôn nằm trong top 10 người giàu nhất thế giới qua thời gian.

AB
* Nguồn: Nhịp sống kinh tế