Monthly Archives: May 2018

Khởi nghiệp có cần nghiên cứu thị trường?

Các startup thường bị đứng giữa 2 luồng quan điểm: Một là, mới khởi nghiệp, nghiên cứu thị trường chỉ lãng phí; Hai là, nghiên cứu thị trường càng kỹ càng tránh được nhiều sai lầm.

Khởi nghiệp có cần nghiên cứu thị trường?

Câu hỏi có nên nghiên cứu thị trường hay không thường làm các startup đau đầu. Ảnh: Coach Eduardo Corrêa

Nhà khởi nghiệp nên chọn theo hướng nào? Hãy phân tích:

Nghiên cứu thị trường chỉ là một sự lãng phí thời gian, công sức và chi phí ?

Những người theo quan điểm này cho rằng:

a/ Khách hàng không thật sự biết điều họ thật sự cần

Nếu ngày xưa Henry Ford hỏi khách hàng của ông họ cần gì, họ sẽ không nói rằng họ cần một chiếc xe ô tô mà sẽ nói rằng họ cần… một con ngựa có 5 chân và chạy nhanh hơn.

Steve Jobs không tin vào nghiên cứu thị trường nhưng ông và Apple đã tạo ra các sản phẩm làm thay đổi thế giới như iPod, iPhone, iPad… Những sản phẩm này dường như đến từ “trực giác thiên tài” của những “gã điên muốn thay đổi thế giới” hơn là từ kết quả của bất cứ bản khảo sát thị trường nào.

b/ Thị trường biến động quá nhanh và trong khi bạn đang nghiên cứu thì thị trường đã dịch chuyển sang một trạng thái khác rồi

Các công ty công nghệ thường chỉ lập kế hoạch cho vài tháng, không đến 1 năm; những kế hoạch kinh doanh 3 năm được lập ra có lẽ chỉ là một phần của “trò chơi” gọi vốn; còn những “ảo vọng” như kế hoạch đổi mới 5 năm lần thứ nhất, lần thứ hai… thì đã chứng minh mức độ hiệu quả của nó bằng thực tế.

c/ Nghiên cứu thị trường cần phải làm đúng cách, nếu không, chỉ mang lại hậu quả, mà khởi nghiệp thì chưa biết cách, hoặc không đủ tiền thuê đơn vị biết cách

Thực tế, có rất nhiều yếu tố gây ảnh hưởng và làm chệch độ chính xác của một bản market research: lấy mẫu quá ít, chọn đối tượng khảo sát không đúng, phương pháp phỏng vấn không phù hợp, thiết kế câu hỏi / loại câu trả lời không chính xác…

Thậm chí có những lý do mà thoạt nghe có vẻ hài hước, như người phỏng vấn có tác phong… thấy ghét nên gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả trả lời của khách hàng, khảo sát về một loại bia nhưng cô gái tiếp thị bia quá đẹp làm cho các quý ông trả lời… thiếu trung thực…

Nếu thuê ngoài, chi phí của các Market Research Agency hàng đầu hiện nay có thể lên đến vài chục ngàn đô la Mỹ, hoàn toàn không phù hợp với một startup.

Kết quả là các doanh nghiệp này “lờ đi” việc nghiên cứu và khảo sát thị trường, nhắm mắt nhắm mũi làm, “sai đâu sửa đấy”, trông chờ vào cái gọi là “may mắn”. Họ thuộc tuýp người thiên về trực giác (hoặc họ tin là như vậy) nhưng lại quên mất rằng họ chưa có đủ trải nghiệm để tôi luyện trực giác của mình. Họ có sự dũng cảm và nghị lực, nhưng còn thiếu sự khôn ngoan cần thiết để gia tăng tỷ lệ thành công cho startup.

Cần đầu tư rất nhiều để nghiên cứu thị trường?

Không ít startup quan niệm rằng phải đầu tư rất nhiều công sức, thời gian và cả tiền bạc cho công đoạn nghiên cứu thị trường. Những người này thuộc tuýp người có năng lực trí tuệ cao, khi đi học hay đạt điểm số cao và thường tin vào sức mạnh của tính logic.

Họ có khả năng “lượng hóa” tất cả mọi thứ. Họ quan niệm rằng mọi thứ cần phải hoàn hảo, khởi nghiệp cũng vậy. Họ muốn có những số liệu, từ nhỏ nhất trong tay. Triết lý mà họ theo là “Do the right thing at the first time” (Hãy làm đúng ngay từ lần đầu tiên).

Kết quả là sau một thời gian, những vị “giáo sư” này làm cho cỗ máy startup của mình không thể tiến về phía trước vì mãi cân nhắc các rủi ro.

Sự khác nhau giữa người thành công và người chưa thành công là ở khả năng tiên liệu trước các rủi ro và chuẩn bị các bộ giải pháp cho những rủi ro đó. Những người có thực tài không ngồi một chỗ chỉ để cân nhắc rủi ro, hoặc để cho tốc độ thử nghiệm của mình quá chậm và bỏ lỡ mọi cơ hội.

Vậy startup có nên làm market research khi khởi nghiệp không?

Thực tế, đã có nhiều startup thất bại vì không am hiểu về thị trường, hoặc coi thường việc nghiên cứu thị trường. Đây cũng là nhận định của nhiều nhà đầu tư trên thế giới lẫn Việt Nam. Tuy nhiên, cần đánh giá đúng sức mạnh của việc thử nghiệm.

Cho dù bạn có nghiên cứu thị trường kỹ bao nhiêu, thì có một thực tế là công ty nào đưa sản phẩm ra thị trường lần đầu sẽ là công ty hiểu về thị trường nhất.

Việc thử nghiệm bằng cách tung sản phẩm ra thị trường cũng là một cách làm nghiên cứu thị trường. Bạn cần phải nhanh chóng đưa ra những mẫu thử sản phẩm, có những tính năng tối thiểu mình muốn thử nghiệm (MVP – Minimum viable product) và thử nghiệm nó trên một nhóm nhỏ khách hàng mục tiêu.

Thay vì hỏi khách hàng nghĩ thế nào về sản phẩm thì hãy trao sản phẩm vào tay họ và quan sát họ sử dụng. Bằng cách đó, bạn sẽ thu nhận được nhiều thứ mà bạn đã chẳng nghĩ tới trong giai đoạn lập kế hoạch.

Điều quan trọng là hãy thử trên một mẫu nhỏ mà thôi. Vì sao? Vì bạn cần kiểm soát thương hiệu của mình ngay từ đầu.

Bài học quan trọng: Phân phối nguồn lực hợp lý

Startup khởi nghiệp theo phong cách “ném các đĩa spaghetti lên tường, đĩa nào còn dính lại thì đó là một cơ hội thật sự” sẽ đối diện với một nguy cơ là khi tìm ra một cơ hội thật sự thì đã hết thời gian hoặc hết nguồn lực để theo đuổi mục tiêu.

Còn startup đi theo phong cách “nghiên cứu bài bản, cẩn thận” thì nhìn thấy rất nhiều cơ hội nhưng lại không thực sự chớp được cơ hội nào cả.

Trong nhiều trường hợp, câu trả lời phù hợp là startup cần có cả hai: Nghiên cứu thị trường – lập kế hoạch – thử nghiệm để điều chỉnh kế hoạch liên tục. Điều quan trọng là startup cần chọn đúng tỷ lệ đầu tư nguồn lực (thời gian, chi phí, công sức) cho hai việc này.

Để chuẩn bị cho một trận đấu bóng đá kéo dài 90 phút, huấn luyện viên và các cầu thủ đã phải nghiên cứu về đối thủ và chuẩn bị kế hoạch từ trước rất lâu. Thật dại dột nếu bước vào trận đấu khi không có một phương án tác chiến nào.

Sự khác biệt giữa người khởi nghiệp thông minh và nhà khởi nghiệp thiếu khôn ngoan nằm ở chỗ: nếu xem “trận đấu startup” cũng chỉ có 90 phút, người khởi nghiệp thông minh chỉ dùng 10 phút cho việc nghiên cứu – lập kế hoạch, 80 phút còn lại là trải nghiệm thực tế để điều chỉnh kế hoạch đó; còn người khởi nghiệp thiếu khôn ngoan hoặc chẳng cần biết đối thủ là ai, hoặc mất đến 60 phút để chuẩn bị cho công đoạn nghiên cứu – lập kế hoạch và chỉ còn lại 30 phút để tác chiến. Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi nghiên cứu và kế hoạch là sai? Startup chỉ còn 30 phút để sửa sai. Tỷ lệ này là quá ít ỏi để tìm ra lời giải cho bài toán khởi nghiệp.

Bí quyết đánh thắng trận của các vị tướng thành công là họ biết cách điều chỉnh kế hoạch của mình cho phù hợp với thực tế, chứ không cố ép thực tế để phù hợp với kế hoạch.

Cuối cùng, khởi nghiệp là một hành trình bao gồm cả khoa học lẫn nghệ thuật, có những lúc bạn cần tin vào trực giác của mình, nhưng bạn cũng cần học cách kiểm soát những gì có thể.

Khởi nghiệp thông minh

Về mặt nhận thức, cần hiểu rằng nghiên cứu thị trường trong khởi nghiệp giống với ngọn hải đăng, chứ không phải bản đồ chi tiết.

Một bản đồ chi tiết sẽ cho bạn biết đi thêm 100m đến ngã tư cần rẽ phải, đi tiếp 300 mét cần né 1 ổ gà bên phải, đi theo làn đường giữa – quẹo trái, đi thêm 5 cây số, bỏ 3 ngã tư 1 ngã ba… và rồi đến đích.

Nghiên cứu thị trường ở trong khởi nghiệp không phải là “cây đũa thần” như vậy. Nó giống một ngọn hải đăng sẽ soi cho bạn thấy một vài nơi có đá ngầm – những “cạm bẫy” khi khởi nghiệp (không xác định đúng độ lớn của thị trường từ đó hoạch định vốn không phù hợp dẫn đến mâu thuẫn về kỳ vọng với nhà đầu tư, hoặc không phân tích đúng khách hàng mục tiêu từ đó định vị sai thương hiệu, không hiểu về thị trường từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh sai …), nó giúp bạn an toàn hơn khi ra khơi. Ánh sáng của ngọn hãi đăng giúp cho người thủy thủ tìm được đường vào cảng, xác định được vị trí của mình trên biển, và có thể biết được hướng đi nào là phù hợp.

Nếu ngay từ đầu, bạn đã đi đúng hướng rồi, sau đó việc linh động, mò mẫm để vẽ ra bản đồ chi tiết và rồi đến đích thì sẽ hiệu quả hơn. Đó cũng là phong cách của khởi nghiệp thông minh!

 (*) Tác giả là Chủ tịch TMT Group, YUP Education

Khởi nghiệp không khéo là bước thẳng vào một đại dương đã nhuộm màu đỏ choé

Một trong những thứ mà startup cần làm nếu muốn mua thời gian và làm chậm quá trình sao chép của thị trường là phải biết tạo ra những “rào cản cạnh tranh” cho mô hình kinh doanh của mình mà thuật ngữ chuyên môn gọi là “entry barriers”

Bí quyết giảm uể oải sau 4 giờ chiều ở văn phòng

Một số cách để bạn chống lại sự mệt mỏi, uể oải và tiếp tục làm việc dù đã sắp đến giờ đi về rồi.

Bí quyết giảm uể oải sau 4 giờ chiều ở văn phòng

4 giờ chiều là khoảng thời gian mọi người đã chuẩn bị đi về hoặc hoàn thiện nốt những công việc còn thiếu, nhưng nếu bạn vẫn còn rất nhiều việc và chẳng thể nào tiếp tục được thì đây là 4 cách để vượt qua nó.

Khoảng thời gian buổi sáng có lẽ là thời điểm mà chúng ta năng động nhất, làm việc năng suất nhất mỗi ngày, càng muộn vào giờ chiều, đặc biệt sau 4 giờ chúng ta có xu hướng uể oải và những công việc cần hoàn thiện vào khoảng giờ này dường như dài hơn bao giờ hết.

Có ai ở đây tới 4, 5 giờ không nghĩ về những gì mình sẽ làm vào buổi tối hay nghĩ rằng mình chán làm, mệt mỏi tới mức nào? Thế nhưng, may mắn cho bạn, dưới đây là một số cách để bạn chống lại sự mệt mỏi, uể oải và tiếp tục làm việc dù đã sắp đến giờ đi về rồi.

1. Vận động một chút cho cơ thể thoải mái

Có thể bạn đã ngồi bàn làm việc từ 7 giờ sáng, ngồi quá nhiều khiến cơ thể trì trệ. Cà phê không phải lúc nào cũng là câu trả lời cho những lần mệt mỏi, hãy đứng lên đi lại quanh bàn làm việc hoặc đơn giản là ngồi tại bàn vươn chân, vươn tay để máu lưu thông tốt hơn.

Kết hợp với những động tác này, hít thở thật sâu để giả tác động của một lần tập thể dục. Hoạt động tưởng chừng vô nghĩa kia sẽ giúp bạn có được sự tập trung tức thì. Tất nhiên nó sẽ ngắn hạn thôi nhưng cũng đủ để bạn làm nốt công việc còn lại trước giờ đi về.

2. Nghe một chút nhạc

Có những người về sớm hơn bình thường, ở thời điểm sau 4 giờ chiều, văn phòng bắt đầu ồn hơn bình thường, tiếng lách cách tạo ra khi mọi người gói đồ có thể khiến bạn mất tập trung, nhìn người khác muốn về mà lòng như lâng lâng vì chưa xong việc. Đừng lo, đeo tai nghe vào, bật một bản nhạc ưa thích và tiếp tục làm việc thôi.

Tất nhiên, nếu có thể hãy chọn những bản nhạc nhẹ nhàng một chút, không lời thì càng tốt để tập trung vào công việc. Một bài hát quá rộn ràng sẽ khiến bạn tập trung tới lời cùng giai điệu nhiều hơn và quên mất rằng mình đang làm gì.

3. Khởi động chế độ “thoải mái”

Bạn có đang ngồi làm việc thoải mái hay không? Trời cũng có chút lạnh và giờ cũng cuối giờ rồi, đừng ngại khoác chiếc áo lên hay lôi chiếc chăn ngủ trưa quàng vào người cho cơ thể ấm lên. Pha cho mình một tách trà nóng, bật nhạc đeo tai nghe và hãy mường tượng rằng bạn đang ở nhà.

Nghe có vẻ buồn cười thế nhưng sự thoải mái sẽ giúp cho bạn hoàn thành công việc tốt hơn, mặc kệ người xung quanh nghĩ gì, bạn cần hoàn thành công việc và hãy làm mọi cách để làm xong nó. Thêm vào đó cũng gần đến cuối giờ rồi nên mọi người sẽ chẳng đánh giá bạn đâu.

4. Công việc nào dễ nhất để cuối cùng

Mặc dù thời gian làm việc không còn nhiều, thế nhưng nếu có những đầu việc đơn giản hơn như gửi email báo cáo hoặc sắp xếp lại bàn làm việc hay đặt phòng họp để ngày mai bắt đầu họp sớm… những thứ đơn giản đó hãy để lại cuối cùng.

Vì sao lại thế? Đơn giản thôi, những thứ quan trọng hãy hoàn thành trước, khi đó nếu có cảm thấy quá mệt mỏi và quyết định về sớm, bạn cũng sẽ không bị bận tâm bởi các công việc quan trọng chưa hoàn thành. Những công việc đơn giản, nhỏ gọn kia hoàn toàn có thể được sắp xếp trong ngày tiếp theo, phải không nào?

7 cách chế ngự “kẻ thù số một” luôn khiến cuộc sống và công việc của bạn bị trì trệ

Trì hoãn là kẻ thù trong tiến độ kế hoạch và kết quả làm việc của bạn. Dưới đây là những cách giúp bạn quản lý thời gian và hoàn thành công việc tốt nhất.

7 cách chế ngự "kẻ thù số một" luôn khiến cuộc sống và công việc của bạn bị trì trệ

Bạn vẫn chưa giặt quần áo hay nấu cơm xong? Còn việc ứng tuyển vào một công việc bạn vẫn mơ ước hay viết một cuốn sách về những điều bạn vẫn ấp ủ được triển khai tới đâu rồi?

Sự trì hoãn, chần chừ không những chỉ kìm chân chúng ta hoàn thành công việc mà còn cản bước chúng ta vươn đến những tầm cao xứng với tiềm năng của bản thân. Nếu bạn thấy mình không ổn hay hoàn toàn thất vọng về bản thân, thì ở đó, luôn có cơ hội để bạn đứng dậy làm lại từ đầu. Đó chưa phải là dấu chấm hết và chúng tôi muốn giúp bạn hiểu điều đó.

Hãy làm theo 7 cách sau đây để nói không với sự chần chừ.

1. Liệt kê tất cả những điều bạn cần phải làm nhưng chưa hoàn thành

Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách gạch đầu dòng các công việc vào một tờ giấy. Tờ giấy này chính là danh sách những điều bạn cần phải làm. Bước tiếp theo, bạn cần lựa chọn một trong số chúng và thực hiện. Sau khi hoàn thành từng việc, bạn hãy gạch bỏ nó khỏi danh sách.

Bạn nên mua một cuốn sổ tay lập kế hoạch, sổ ghi chép công việc hoặc tải các ứng dụng ghi chép, lịch trình trên điện thoại di động nếu bạn rành về công nghệ. Sử dụng chúng giúp bạn bám sát, sắp xếp công việc và có động lực hơn.

Mỗi khi một đầu việc trong danh sách được gạch bỏ đem đến cho bạn cảm giác sảng khoái nhất định và bạn biết rằng việc cần làm đã xong.

Tôi thích dùng sổ tay ghi chép công việc (bullet journal) và dùng những chiếc bút nhiều màu sắc ghi ra danh sách những công việc cần làm vì việc này cho phép tôi vạch ra kế hoạch làm việc theo cách của riêng mình. Cuốn sổ có phần giống như quyển nhật ký và giúp tôi xem lại những việc mình đã làm. Không chỉ vậy, tôi còn có thể ghi nhớ một ngày tôi có thể làm được bao nhiêu việc. Điều đó giúp cải thiện khâu lập kế hoạch công việc sau này khi tôi hiểu rõ nhịp độ làm việc của mình và những công việc chưa xong để thực hiện nốt.

Nhìn chung, bạn nên ghi ra danh sách những việc cần làm để không trốn tránh hay lo sợ sẽ quên mất chúng vì bạn đã có một bản cứng danh sách để từ đó sắp xếp lại công việc hoặc thay đổi thứ tự ưu tiên từng việc.

2. Chia công việc thành các hạng mục nhỏ và đặt ra thời hạn hoàn thành thực tế

Khi bạn có một dự án lớn phải hoàn thành, mọi chuyện dường như trở nên khó khăn hơn và khiến bạn tự hỏi mình phải bắt đầu từ đâu. Công việc sẽ dễ tiếp cận hơn khi bạn chia ra các hạng mục nhỏ hơn. Qua đó, bạn sắp xếp những việc cần làm theo thứ tự thời gian. Điều này sẽ giúp bạn vạch ra thời gian biểu theo đầu việc và thời hạn phải hoàn thành từng việc đó.

Tôi có một thói quen xấu là ước lượng chưa đúng thời gian thực tế cần thiết để hoàn thành dự án. Do đó, trước đây, tôi đã phải cố gắng gấp rút làm mọi việc chỉ trong một ngày, và do luôn cảm thấy lo lắng khi phải hoàn thành công việc theo đúng thời hạn mình tự đặt ra nên hiệu quả công việc bị giảm sút.

Để đảm bảo bạn hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất, hãy chú tâm vào công việc và đừng tự bắt mình phải vội vàng. Năng suất lao động không giống với việc bạn tham gia vào một cuộc đua.

3. Đừng lo lắng về chuyện phải làm mọi việc thật hoàn hảo.

Khi bạn cố đạt tới sự hoàn thiện tuyệt đối, bạn có thể trở nên thái quá đối với từng tiểu tiết. Do đó, bạn sẽ ngần ngại thực hiện bước tiếp theo và điều này sẽ cản bước tiến của bạn. Nói cách khác, quá tập trung vào kết quả trì hoãn những việc bạn có thể làm để tự cải thiện bản thân.

Tôi tự thấy mình là người theo chủ nghĩa hoàn hảo và thường xuyên lo lắng về việc phải làm mọi việc “chuẩn chỉ”. Mặc dù không bao giờ bỏ dở công việc giữa chừng nhưng tôi nhận ra rằng tôi đã bỏ ra khá nhiều thời gian để suy nghĩ về những mệnh đề “nếu – thì”, thay vì suy nghĩ cách thức cải thiện bản thân từ những kinh nghiệm sống thực tế đã trải qua.

Thành thật mà nói, dù bạn có nghĩ mình đã chuẩn bị hay sắp xếp công việc kỹ càng như thế nào đi nữa, cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn và khó khăn, trở ngại, thất bại sẽ xảy ra. Qua nhiều năm, tôi đã học được rằng bạn không cần phải làm đúng mọi thứ ngay từ đầu. Và trên thực tế, điều đó khiến bạn chệch hướng chuyến tàu cuộc đời mình. Điểm mấu chốt là bạn có thể nhận ra điểm yếu của bản thân xuất phát từ hành động của chính mình, từ những sai sót, để giữ mình luôn khiêm tốn và can đảm bước về phía trước.

Nghi ngờ bản thân chính là kẻ thù lớn nhất của tôi đến tận bây giờ, nhưng tôi đã học cách chống lại nó bằng ý chí và nỗ lực đi tìm ý nghĩa những việc mình làm. Thật tốt nếu bạn làm việc có mục đích và cố gắng đạt được nó. Nhưng chờ đợi sự hoàn hảo sẽ cản bước bạn. Bạn bỏ lỡ cơ hội tiến lên. Không có gì tuyệt đối hay rõ ràng. Có những lúc bạn cảm thấy mơ hồ và gần như bỏ cuộc, nhưng nếu như bạn bỏ qua những điều đó thì bạn đã làm được.

4. Môi trường cũng khiến bạn làm việc hiệu quả hơn

Bạn có làm việc trong căn phòng với chiếc TV đang mở? Công việc của bạn có bị gián đoạn thường xuyên khi bạn nhận được các cuộc gọi hay tin nhắn? Trừ khi đó là cuộc gọi liên quan tới dự án bạn đang tham gia hoặc có việc khẩn cấp, bạn nhất định nên giảm tới mức tối đa mọi việc khiến bạn mất tập trung.

Dù mọi người có thể thường xuyên nhờ bạn giúp đỡ, sẽ không vấn đề gì nếu bạn từ chối khéo khi bạn cần ưu tiên hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm được giao. Nếu không, bạn sẽ mãi trì hoãn công việc của mình khi cứ phải cố gắng giúp đỡ người khác. Còn nếu bạn vẫn muốn giúp họ một tay, bạn có thể nói với họ rằng bạn sẵn lòng giúp họ sau khi công việc của bạn đã xong. Làm việc trong môi trường yên tĩnh khiến bạn suy nghĩ thông suốt hơn và từ đó nâng cao hiệu suất và hiệu quả công việc.

Mỗi người có không gian làm việc lí tưởng riêng. Tôi thích một căn phòng không quá nóng hoặc quá lạnh, bàn làm việc gọn gàng, sạch sẽ với đủ các vật dụng cần thiết và khoảng trống đủ cho tay di chuyển, làm việc thoải mái và một cửa sổ để mỗi khi cảm thấy đầu óc như muốn nổ tung, từ khung cửa sổ ấy nhìn ra ngoài, tôi thấy cuộc sống có nhiều thứ ý nghĩa khác ngoài công việc.

Tôi vẫn đang trong quá trình thiết kế và xây dựng không gian làm việc như ý muốn của riêng mình, nhưng hiện tôi vẫn đang làm việc với những gì mình có và tất nhiên, vẫn phải đảm bảo rằng nơi làm việc hiện tại không xảy ra những việc làm gián đoạn đến công việc. Không gian làm việc của bạn cũng quan trọng như công việc bạn làm. Ngày qua ngày, nó trở thành một phần trong cuộc sống của bạn.

5. Kể cho bạn bè, gia đình, đồng nghiệp về công việc bạn đang làm.

Bằng cách này, mỗi khi đi chơi, mọi người sẽ hỏi công việc của bạn tiến triển thế nào. Đây là dịp bạn cho mọi người biết về những tiến triển trong công việc của bạn, bạn sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn đối với nhiệm vụ bạn cần thực hiện. Nếu bạn bè của bạn thấy rằng bạn làm việc chưa được hiệu quả hoặc đang trì hoãn việc nào đó, chắc hẳn họ sẽ hỏi bạn tại sao việc đó chưa xong. Khi bạn suy nghĩ về những lời giải thích, tự bạn sẽ nhận thấy bản thân cần chủ động hơn.

Cuộc đời tôi đã trải qua nhiều biến cố, những đau buồn, thất vọng đã khiến tôi càng có thêm động lực và say mê hơn với công việc, đặc biệt là viết bài. Sau nhiều năm, tôi học được rằng để cảm xúc lấn át lí trí hoặc im lặng chịu đựng mọi chuyện đều sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm trí và khả năng suy nghĩ sáng suốt. Đến bây giờ, tôi vẫn phải tiếp tục học cách giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả hơn.

6. Thảo luận về những vấn đề bạn gặp phải đối để tìm ra giải pháp

Nếu có vấn đề làm bạn mất tập trung vào công việc của mình, chẳng hạn chuyện gia đình hay trục trặc trong các mối quan hệ, bạn hãy tìm cách giải quyết những vấn đề đó trước tiên. Khi bạn không thể tập trung vào công việc vì những phiền muộn, cảm xúc sẽ làm khuất lấp khả năng phán đoán của bạn. Do đó, hiệu quả công việc của bạn giảm sút và thời gian hoàn thành công việc sẽ bị kéo dài.

7. Việc hôm nay chớ để ngày mai

Chuyện của nay mai là thứ gì đó nghe thì thật dễ dàng, nhưng bạn đừng rơi vào bẫy của việc trì hoãn công việc đến ngày hôm sau. Thay vào đó, hãy tập trung vào hiện tại.

Chần chừ là một chu kỳ lộn xộn mà chúng ta giống như những bản ghi bị hỏng về quá trình cố gắng hoàn thiện công việc nào đó. Bạn không cần phải làm mọi thứ trong một ngày, nhưng hãy học cách tập trung hoàn toàn vào một việc trong một khoảng thời gian nhất định.

Càng nhìn vào tổng thể bức tranh lớn, bạn càng cảm thấy nó lớn lao và đáng sợ hơn, nhưng hãy nhìn thẳng vào những gì hiển hiện trước mắt. Đừng lo lắng về những chuyện chưa xảy ra.

Hãy vạch ra chiến lược hành động bạn có thể thực hiện ngay. Điều này sẽ khiến bạn bớt lo lắng và nghi ngờ khi bạn phóng đại những điều không có thực tại thời điểm hiện tại. Vì vậy, hãy tận hưởng thức uống yêu thích của bạn rồi bắt tay thực hiện ngay kế hoạch đã định. Bạn nhất định sẽ làm được!

Một ngày làm việc của triệu phú Tony Robbins có gì khác biệt?

Ở tuổi 57, tác giả sách bán chạy, triệu phú tự thân Tony Robbins thường xuyên làm việc 16 giờ mỗi ngày và chỉ ngủ 3 – 5 tiếng.

Một ngày làm việc của triệu phú Tony Robbins có gì khác biệt?

Tony Robbins trong một buổi thuyết trình. Ảnh: Business Insider

Tony Robbins từng viết nhiều sách về tài chính cá nhân và là chuyên gia tư vấn kỹ năng sống cho những khách hàng siêu VIP như cựu Tổng thống Bill Clinton hay tỷ phú Paul Tudor Jones…

“Sự giàu có nằm ở trí tuệ chứ không phải số USD bạn có trong tài khoản. Hãy học cách hài lòng với những gì bạn đang có. Nếu làm được điều đó, mọi thứ bạn có thêm được đều giống như một món quà”, Tony Robbins chia sẻ với CNBC.

Bên cạnh việc viết sách, Tony còn là một diễn giả nổi tiếng. Một năm, ông tham gia khoảng 60 sự kiện lớn nhỏ trên khắp thế giới đồng thời, phải dõi theo 33 công ty đang đầu tư cũng như làm việc với một danh sách dài các khách hàng VIP. Dù lịch trình có vẻ mệt mỏi là thế, song Tony Robbins luôn tỏ ra tràn đầy năng lượng.

Ông thường chỉ ngủ được vài tiếng mỗi đêm và dù ở tuổi 57, lịch làm việc của Robbins chỉ có tăng lên chứ không hề suy giảm. Và, để giúp duy trì năng lượng tích cực, vị triệu phú đã rèn luyện cho mình những thói quen tốt.

tony-robbins-thoi-quen-cua-tri-1831-5198

Ảnh: Business Insider.

Robbins thường thức dậy từ 7 đến 9 giờ sáng sau khi ngủ từ 3 đến 5 tiếng. Ông thường bắt đầu buổi sáng của mình với một bài tập nhẹ nhàng (yoga hoặc thiền) trong vòng 10 phút – ông sẽ tập bên ngoài nếu thời tiết đẹp. Công việc diễn giả đòi hỏi Robbins thường xuyên chạy nhảy xung quanh sân khấu, vì vậy anh ấy cần phải giữ dáng. Bốn năm trước, anh đã thuê một huấn luyện viên cá nhân toàn thời gian – Billy Beck III.

Sau khi rời phòng tập thể hình, Robbins sẽ dành một vài phút trong phòng tắm hơi trước khi ngâm mình trong một hồ nước lạnh. Bài tập này, theo Robbins, là để giúp tăng sức chịu đựng của nhịp tim và cải thiện trí óc. Trong cả 7 ngôi nhà của ông đều có phòng tắm nóng và hồ bơi lạnh.

Robbins không phải là một người quá coi trọng việc ăn uống. Vị triệu phú có xu hướng ăn những thứ tương tự nhau mỗi ngày. Do đó, Beck đã thiết kế cho Robbins một chế độ ăn uống lành mạnh với cocktail tốt cho thận ngay sau khi thức dậy; trứng và bánh mì dừa hữu cơ cho bữa sáng; rau cho bữa trưa, thịt cho bữa chiều; khoai tây nướng, măng tây, bông cải xanh, dầu dừa hoặc dầu ôliu nguyên chất cho bữa tối và thịt cho buổi đêm.

tony-robbins-thoi-quen-cua-tri-3778-9510

Ảnh: Getty Images.

Trước khi thực hiện bất kỳ buổi thuyết trình nào, Robbins đều dành thời gian xem qua tài liệu đã chuẩn bị trước. Và, nếu ông đang trên sân khấu, ông sẽ nhảy nhót trên một tấm bạt lò xo nhỏ để cho máu được lưu thông.

Khi làm việc, Robbins luôn nỗ lực hết mình. Vị diễn giả có thể diễn thuyết trước khán giả từ 9 giờ sáng đến tận 1 giờ đêm. Ông nói rằng thói quen mà ông luôn tuân thủ là ngồi lại với ekip của mình vào cuối mỗi ngày để nhìn lại những gì đã làm được và những gì chưa làm được. Robbins hầu như luôn làm việc với một nhóm từ 7 đến 10 người. Họ bao gồm trợ lý cá nhân, giám đốc điều hành trong các công ty của ông và Beck.

Ngoài việc tổ chức các cuộc hội thảo và các chuyến đi thuyết trình. Robbins đầu tư và tư vấn cho 33 công ty, trong đó ông trực tiếp điều hành 12 công ty. Gần đây ông vừa trở thành chủ sở hữu của đội MLS mới ở Los Angeles, LAFC.

tony-robbins-thoi-quen-cua-tri-2868-6184

Ảnh: LAFC

Robbins và người vợ – Sage Robbins – kết hôn từ năm 2001. Cô luôn đi cùng ông, thỉnh thoảng tham gia vào các sự kiện hoặc phỏng vấn của ông.

Robbins có một lượng nhỏ khách hàng VIP, trong đó có nhà đầu tư huyền thoại Paul Tudor Jones. Họ bắt đầu làm việc cùng nhau từ năm 1993. Jones trả cho Robbins một khoản phí hàng năm là 1 triệu đô la và một phần lợi nhuận không được tiết lộ mà ông kiếm được trong năm đó.

Tại nhà chính, Robbins chọn đồ nội thất quá khổ cho ngôi nhà của mình. Ông ngủ trên một chiếc giường lớn khoảng 2 hoặc 3 giờ vào buổi sáng – mặc dù giám đốc sáng tạo của ông ấy cho biết “4 giờ thì chuẩn nhất”