Monthly Archives: April 2017

Thao túng lãi suất Libor – bê bối lớn nhất thị trường tài chính toàn cầu

Vụ bê bối thao túng lãi suất liên ngân hàng Libor đang trở thành một trong những scandal ầm ĩ trong lịch sử ngành ngân hàng thế giới. 

Libor, lãi suất liên ngân hàng London, là chỉ số lãi suất chính và quan trọng nhất của thế giới, có thể chi phối hàng loạt tiền tệ phổ biến nhất như Bảng Anh, USD, Euro.

Vào mỗi buổi sáng, trước 11h theo giờ London, các chuyên gia định giá từ mỗi ngân hàng toàn cầu sẽ gửi một mức lãi suất cho vay theo họ là hợp lý đến Hiệp hội Ngân hàng Anh (BBA). Tại đây, lãi suất Libor sẽ được tính toán theo công thức tính trung bình. Và vào lúc 11h15, lãi suất Libor chính thức sẽ được gửi trả lại các ngân hàng…

Mức lãi suất chuẩn này được sử dụng rộng rãi như một mức lãi suất cơ bản bởi các tập đoàn tài chính trên toàn thế giới. Vì vậy, lãi suất Libor tác động tới hầu hết những người tham gia trong thế giới tài chính, từ sinh viên đi vay, người cho vay, chủ doanh nghiệp nhỏ cho đến những công ty và những ngân hàng lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên mới đây, hãng tin BBC đã công khai trong chương trình truyền hình của mình đoạn băng ghi âm một cuộc điện thoại diễn ra nhiều năm trước giữa 2 nhân viên Ngân hàng Barclays.

Thông tin mấu chốt trong đó là những gì họ nói với nhau lại vô tình khẳng định một điều mà từ trước đến nay người ta vẫn bán tín bán nghi vai trò của Ngân hàng trung ương Anh (BOE) ở đâu trong thời điểm từ 2005 đến 2009, giai đoạn các ngân hàng bắt tay nhau thao túng lãi suất Libor, làm tổn thất hàng nghìn tỷ USD trên thị trường phái sinh và thị trường tín dụng thế giới.

Từ trước đến nay và kể cả sau thông tin trên, BOE vẫn luôn khẳng định không có chuyện lãi suất Libor được áp dụng tại Anh vào thời điểm đó, tức là nếu có chuyện các ngân hàng áp dụng Libor, lách luật và nằm ngoài phạm vi kiểm soát của ngân hàng trung ương. Nhưng theo những nội dung qua điện thoại giữa 2 nhân viên Barclays, không phải Ngân hàng Trung ương Anh không biết, mà thậm chí còn chỉ đạo Barclays phải áp lãi suất Libor của mình ở mức nào.

Trước thông tin trên, Ngân hàng Trung ương Anh chỉ bình luận là những tài liệu cần thiết đã được chuyển sang cho Cơ quan điều tra chống gian lận của Anh từ năm 2012. Trong khi đó, Barclays lại từ chối đưa bình luận của mình.

Vụ bê bối thao túng lãi suất liên ngân hàng Libor là một trong những scandal ầm ĩ trong lịch sử ngành ngân hàng thế giới. Điều tra được mở ra từ năm 2012, liên quan đến gần 20 định chế tài chính lớn nhất trải dài từ Mỹ, sang Anh, Thuỵ Sĩ, Đức… Thậm chí đến giờ vẫn còn một số ngân hàng Mỹ ở vào diện bị điều tra.

Tại Anh, vụ việc đã lắng xuống sau khi Barclays và một số ngân hàng khác thừa nhận có tham gia thao túng lãi suất. Nhưng Cơ quan điều tra chống gian lận Anh vẫn để mở hồ sơ vụ bê bối nghiêm trọng này.

Với những gì mới rò rỉ, rất nhiều chính trị gia đang yêu cầu mở lại một cuộc điều tra toàn diện để xác định vai trò giám sát của Ngân hàng Trung ương Anh trong giai đoạn đó.

Thực tế, năm 2012, Phó Thống đốc BOE lúc đó là ông Paul Tucker cũng từng phải trả lời điều trần về việc này. Ông Tucker khi đó phủ nhận việc tạo áp lực cho ngân hàng trong quy định lãi suất Libor. Vụ việc đã dần khép lại, ngân hàng bị xử phạt và vai trò của Ngân hàng Trung ương không được nhắc đến. Thông tin rò rỉ lần này có thể làm vụ bê bối thao túng lãi suất nóng trở lại.

Bí quyết lập nghiệp: Hãy “tước đoạt” kiến thức của người khác!

Hãy học cách “tước đoạt” kiến thức của người khác, và “tước đoạt” của càng nhiều người càng tốt, đó là thông điệp được các doanh nhân – diễn giả đưa ra tại buổi giao lưu doanh nhân – sinh viên tại Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn vào sáng 11/4.

Với chủ đề “Tự tin lập nghiệp”, buổi giao lưu là hoạt động nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.

Hàng trăm sinh viên ĐH Công nghệ Sài Gòn đã được lắng nghe những câu chuyện khởi nghiệp kinh doanh thú vị và những kinh nghiệm thực tiễn từ các doanh nhân – diễn giả: ông Tạ Minh Tuấn – Chủ tịch TMT Group, bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food, ông Võ Thái Hòa – Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam và ông Huỳnh Công Thắng – người điều phối chương trình, Giám đốc điều hành VICGO, huấn luyện viên tại iStartX – hệ sinh thái Internet tập trung vào hoạt động của Khu Công nghệ Phần Mềm (ITP) ĐH Quốc gia TP.HCM và GS-TS-Nhà nông học Võ Tòng Xuân – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo GTTNLVC.

Hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, các doanh nhân – diễn giả đã mang đến cho buổi giao lưu nhiều phần chia sẻ phong phú và bổ ích, giúp sinh viên ĐH Công nghệ Sài Gòn có cái nhìn tổng quan và đa chiều hơn về con đường khởi nghiệp, lập nghiệp và hoàn thành mục tiêu cuộc đời. Theo đó, một trong những thông điệp được nhấn mạnh nhất là: kiến thức là nền tảng quan trọng cần phải được trau dồi thật kỹ lưỡng, và dù làm thuê hay làm chủ, để không bị “lỗ” và thành công trên con đường sự nghiệp, người trẻ cần phải học tập thật tốt, phải biết cách “tước đoạt” những kiến thức của người khác và biến nó thành của mình.

Có hơn 30 năm gắn bó với nghề thực phẩm, bà Lê Thị Thanh Lâm cho biết, bí quyết để giữ lửa nghề chính là phải có mục tiêu cuộc đời. Đây chính là yếu tố giúp bà luôn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết để có thể làm việc không mệt mỏi. “Bi kịch cuộc đời của một người không phải là không thực hiện được mục tiêu mà là không có mục tiêu để hướng đến”, bà chia sẻ về một câu nói tâm đắc. Còn với ông Hòa, bí quyết thành công của ông gói gọn trong từ “niềm tin”. “Bạn phải có niềm tin vào đồng nghiệp, vào công ty, vào các kế hoạch mình đã đề ra”, ông nhấn mạnh với sinh viên.

Khởi nghiệp từ năm 2 đại học, sớm nếm mùi thất bại khi công ty bị đối tác “quỵt tiền” dẫn đến phá sản, rồi sau đó đứng dậy và lại tiếp tục khởi nghiệp với lĩnh vực y tế và nhiều lĩnh vực khác, ông Tuấn nhận định: “Khởi nghiệp là một con đường, bạn nên khởi nghiệp sớm, nhưng đừng vội… Điều quan trọng bạn nhận được là “thành nhân”. Nó giúp bạn hoàn thiện bản thân mình hơn. Do đó, hãy để khởi nghiệp thay đổi mình”.

Đông đảo sinh viên ĐH Công nghệ Sài Gòn tham gia buổi giao lưu và hào hứng đặt câu hỏi với các diễn giả.
Từ trái sang: ông Tạ Minh Tuấn, bà Lê Thị Thanh Lâm, ông Võ Thái Hòa và ông Huỳnh Công Thắng.
GS-TS-Nhà nông học Võ Tòng Xuân khuyên người trẻ cần phải có đam mê, ước mơ và biết tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường để khi ra trường sẽ dễ dàng hiện thực hóa ước mơ.
Sinh viên liên tục đặt câu hỏi cho các diễn giả.
Đến tham dự buổi giao lưu và chia sẻ về bí quyết giúp người trẻ tự tin hơn khi xin việc, ông Phan Công Chính – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Giải pháp doanh nghiệp Toàn Cầu (GESO) cho biết, ứng viên cần tìm hiểu kỹ xem vị trí mình ứng tuyển đang đòi hỏi những kỹ năng gì, đồng thời cần phát huy thế mạnh riêng và điều chỉnh những điểm còn chưa phù hợp với doanh nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Thị Kim Dung – Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn, Trưởng Ban tổ chức GTTNLVC 2017 (thứ 2, từ phải sang) và PGS-TS. Cao Hào Thi – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (ngoài cùng bên trái) tặng hoa cảm ơn các diễn giả, doanh nhân tham dự buổi giao lưu.

Để tự tin, sinh viên cần nắm vững kiến thức

Sáng 1/4, hàng trăm sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đã tham gia buổi giao lưu cùng các doanh nhân – diễn giả xoay quanh chủ đề “Tự tin lập nghiệp”.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2017 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.

Các doanh nhân – diễn giả giao lưu cùng sinh viên ĐH Ngân hàng TP.HCM gồm: ông Trần Hải Linh – Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ, ông Đinh Khắc Hoàng – Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bến Thành, ông Ngô Vi Đồng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT, ông Nguyễn Anh Toàn – Cố vấn tài chính Hội đồng Quản trị chuỗi cà phê Javi, và ông Huỳnh Công Thắng – Giám đốc điều hành VICGO, huấn luyện viên tại iStartX – hệ sinh thái Internet tập trung vào hoạt động của Khu Công nghệ Phần Mềm (ITP) ĐH Quốc gia TP.HCM.

Trả lời thắc mắc của nhiều sinh viên xoay quanh chủ đề làm thế nào để có đủ tự tin khi bắt đầu lập nghiệp, các doanh nhân khuyên trước hết sinh viên – bao gồm sinh viên thuộc khối ngành Tài chính – Ngân hàng – nên dành thời gian bổ sung kiến thức chuyên ngành thật tốt. Song song đó, các sinh viên cần chú tâm rèn luyện kỹ năng giao tiếp, xây dựng thái độ học tập tích cực và học cách lập kế hoạch cho cuộc đời.

Đông đảo sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM và ĐH Kinh tế – Luật đến tham dự buổi giao lưu sáng 1/4.
Từ trái sang: ông Huỳnh Công Thắng, ông Đinh Khắc Hoàng, ông Ngô Vi Đồng, ông Nguyễn Anh Toàn, ông Trần Hải Linh.
Sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM thắc mắc làm thế nào để thăng tiến trong công việc, đồng thời cách duy trì tính kỷ luật trong cuộc sống.
Là một cựu sinh viên trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ông Nguyễn Anh Toàn chia sẻ câu chuyện 4 năm đi làm thêm tại các công ty tài chính và ngân hàng nhằm tích lũy kinh nghiệm trước khi ra trường. Tuy nhiên, ông thừa nhận việc vừa học vừa làm cũng ảnh hưởng khá lớn đến kết quả học. Và một trong những phương pháp giúp ông vượt qua giai đoạn khó khăn đó là tận dụng kỹ năng giao tiếp có được nhờ đi làm để làm quen với các anh chị khóa trên, qua đó giúp đỡ ông học tập tốt trở lại.
Từ kinh nghiệm sống của bản thân, ông Ngô Vi Đồng khuyến khích người trẻ nên phát huy khả năng nắm bắt thông tin nhanh – nhạy vào trong lĩnh vực học tập và rèn luyện thái độ sống tích cực. Ông còn khuyên sinh viên nên học cách thiết lập mục tiêu cuộc đời, tự chọn lý tưởng sống cho bản thân và điều quan trọng nhất là đừng bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn.
Sinh viên lắng nghe lời khuyên chân thành của các doanh nhân liên quan đến phương pháp nâng cao kiến thức chuyên môn, chú trọng rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng học tập và bí quyết duy trì động lực trong cuộc sống.
Có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ nhưng ông Đinh Khắc Hoàng lại xuất thân từ môi trường điện ảnh chuyên nghiệp và từng là nhà sản xuất phim. Để có thể tự tin “lấn sân” sang lĩnh vực bảo hiểm và gắn bó lâu năm với nghề, ông tiết lộ, chính là nhờ tinh thần không ngừng học hỏi, và luôn cố gắng bổ sung kiến thức chuyên ngành. Giải đáp thắc mắc của sinh viên liên quan đến phát triển nghề nghiệp, ông Hoàng khuyên, nghề bảo hiểm cần nhiều đến kỹ năng thuyết phục và đọc vị người khác. Để đạt được điều này, người trẻ cần thời gian trải nghiệm, rèn luyện bên cạnh việc nâng cao kiến thức chuyên môn.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Luật và ĐH Ngân hàng TP.HCM nhờ các vị doanh nhân – cũng là các giám khảo của GTTNLVC 2017 tư vấn cách xây dựng đề án kinh doanh, và bí quyết đạt điểm cao khi tham dự cuộc thi.
Các diễn giả nhiệt tình giải đáp từng thắc mắc của thí sinh, khuyến khích tinh thần sáng tạo, ham học hỏi của thí sinh thể hiện trong đề án.
Sinh viên thắc mắc làm thế nào để tự tin trong giao tiếp và hòa nhập không khí đám đông.
Trả lời vấn đề này, ông Trần Hải Linh khuyên sinh viên hãy thử “tạm quên mình là ai” để phá vỡ rào cản tâm lý sợ khác biệt với số đông. Ông cho biết, bất cứ một cộng đồng hay một nhóm người nào cũng có cách giao tiếp, ứng xử riêng với nhau. Do đó, việc học cách “giả vờ” sẽ giúp bạn quan sát tốt hơn và hòa nhập nhanh hơn vào cộng đồng đó.
Ông Ngô Vi Đồng – Phó trưởng BTC GTTNLVC 2017 (bìa trái) tặng hoa cảm ơn các diễn giả và đại diện trường ĐH Ngân hàng TP.HCM.

Người trẻ hãy biết tận dụng mặt tích cực của tình yêu

Sinh viên hãy tận dụng mặt tích cực của tình yêu để học tốt hơn và cùng hỗ trợ nhau hiệu quả hơn trên con đường lập nghiệp!

Đó là thông điệp từ các diễn giả tại buổi giao lưu Doanh nhân – Sinh viên với chủ đề “Tự tin lập nghiệp” tại ĐH Kinh tế – Luật sáng 30/3. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2017 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.

Tại sự kiện này, các sinh viên ĐH Kinh tế – Luật đã được gặp gỡ và giao lưu cùng các doanh nhân – diễn giả, được nghe tư vấn về những kiến thức cần tích lũy, những kỹ năng cần chuẩn bị để bắt đầu chặng đường lập nghiệp sau này. Song song đó là những kinh nghiệm, câu chuyện thực tế về một vấn đề rất được sinh viên quan tâm, đó là tình yêu thời sinh viên.

Nên hay không nên có người yêu khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường? Trong mối quan hệ đó, làm sao hai người có thể hỗ trợ nhau học tập tốt hơn? Quản lý, phân chia thời gian để học tập, yêu đương và tham gia các hoạt động khác sao cho hiệu quả?

Các doanh nhân – diễn giả giao lưu cùng sinh viên ĐH Kinh tế – Luật gồm: Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – CEO Saigon Books, bà Đặng Thị Phương Ninh – Phó tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) và ông Huỳnh Công Thắng – điều phối viên chương trình, Giám đốc điều hành VICGO, huấn luyện viên tại iStartX – hệ sinh thái Internet tập trung vào hoạt động của Khu Công nghệ Phần mềm (ITP) ĐH Quốc gia TP.HCM.

Từ trái sang: ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, bà Đặng Thị Phương Ninh và ông Huỳnh Công Thắng.
Sinh viên ĐH Kinh tế – Luật thích thú trước những nội dung chia sẻ gần gũi và thiết thực của các doanh nhân về mối tương quan giữa tình yêu thời sinh viên và việc lập nghiệp sau này.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh kể về câu chuyện tình yêu thời đại học của mình. CEO Saigon Books cho biết, người bạn gái đó đồng thời cũng chính là cộng sự đắc lực, hỗ trợ ông rất nhiều trong việc tìm kiếm tư liệu học tập, làm nghiên cứu khoa học. Việc bạn gái học giỏi cũng là động lực giúp ông phấn đấu hơn. Ông Quỳnh kết luận: “Hãy tận dụng mặt tích cực của tình yêu để làm mọi thứ tốt hơn chứ đừng chỉ để mình rơi vào trạng thái đau khổ, giận hờn…”.
Nói về vấn đề này, nữ diễn giả duy nhất của buổi giao lưu chia sẻ, tình yêu thời sinh viên có sự lãng mạn, trong sáng rất khó kiếm ở những giai đoạn sau này của cuộc đời nên người trẻ cần trân trọng và cởi mở hơn. Bà nhấn mạnh, nếu biết điều tiết tốt cảm xúc, tình cảm đó sẽ là một dấu ấn sâu đậm trong suốt cuộc đời.
Ông Huỳnh Công Thắng kể câu chuyện tình yêu thú vị của mình: quyết tâm giành học bổng để có cớ nói chuyện với cô bạn mà mình muốn làm quen.
Sinh viên hào hứng đặt câu hỏi giao lưu với các diễn giả cũng như chia sẻ những câu chuyện thực tế, những băn khoăn của mình.
Các diễn giả vui vẻ giải đáp những thắc mắc của sinh viên. Một điểm chung thú vị của cả 3 người là: người yêu thời sinh viên cũng chính là bạn đời hiện tại của họ.
Một trong những thông điệp quan trọng ông Quỳnh nhấn mạnh là: Cuộc sống mỗi người bao gồm 5 yếu tố chính là tình yêu, gia đình, bạn bè, công việc và thú vui riêng. Đừng đặt 100% thời gian, công sức cho bất kỳ yếu tố nào, và cũng đừng bỏ qua bất kỳ yếu tố nào. Đó cũng chính là bí quyết để thành công và hạnh phúc trong cuộc sống nói chung và công việc, sự nghiệp nói riêng.
Cô Nguyễn Thị Mai Trang – giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh thay mặt sinh viên đặt câu hỏi với các diễn giả về bí quyết để nhận được cái gật đầu của nhà tuyển dụng và phương pháp giúp người trẻ quản lý tốt thời gian để cân bằng công việc và cuộc sống.
Sinh viên hưởng ứng phần giải đáp của diễn giả bằng một tràng vỗ tay lớn. Theo đó, tùy theo vị trí ứng tuyển, ứng viên cần chú trọng các yếu tố tương ứng mà nhà tuyển dụng có thể đòi hỏi như kiến thức, ngoại hình, thái độ, kỹ năng… Còn về vấn đề quản lý thời gian, theo bà Ninh, người trẻ cần tập trung toàn tâm toàn ý vào phần việc đang làm để có thể hoàn thành dứt điểm nó một cách hiệu quả trước khi bắt đầu một việc khác.
Ông Ngô Xuân Lộc – Chánh văn phòng Báo Doanh Nhân Sài Gòn (bìa trái), nhà báo Nguyễn Văn Ngữ – Thư ký tòa soạn Báo Doanh Nhân Sài Gòn, Ủy viên Ban tổ chức GTTNLVC 2017 (bìa phải) tặng hoa cảm ơn các diễn giả và đại diện trường ĐH Kinh tế – Luật.

Số phận những công ty sống ký sinh vào iPhone

Có ít nhất 6 công ty lớn sẽ sẽ sụt giảm giá trị thảm hại chỉ sau một công bố không sử dụng sản phẩm của họ từ Apple.

Thành công của iPhone là vô tiền khoáng hậu. Với hơn 1 tỷ chiếc iPhone bán ra trong suốt 9 năm qua, smartphone mang tính biểu tượng của Apple không chỉ thay đổi cách người ta sử dụng công nghệ và còn biến Apple thành công ty thành công và có ảnh hưởng nhất thế giới.

Trong suốt con đường đó, Apple và iPhone được xem là mỏ vàng cho hàng loạt công ty, vốn là đối tác sản xuất hoặc cung cấp linh kiện cho họ. Do đó, mặc dù iPhone giúp một số công ty đạt lợi nhuận khổng lồ, việc phụ thuộc quá nhiều vào Apple chính là một mối nguy.

Trường hợp của Imagination Technologies mới đây là ví dụ điển hình. Cổ phiếu của hãng này sụt giảm gần 70% sau khi Apple hé lộ thông tin tự thiết kế kiến trúc GPU mới cho iPhone.

Tương tự, cổ phiếu của Dialog Semiconductor giảm hơn 30% khi có báo cáo cho rằng Apple có hứng thú với việc tự phát triển con chip quản lý pin.

Statista mới đây đưa ra danh sách một loạt công ty được xem là “sống ký sinh” vào Apple. Theo đó, doanh thu từ việc sản xuất linh kiện cho Apple thường chiếm hơn 50% doanh thu hàng năm của họ.

6 công ty có mức độ phụ thuộc lớn vào Apple. (% doanh thu dựa trên báo cáo tài chính năm 2016). Nguồn: Company Fillings.

“Phụ thuộc vào một đối tác duy nhất là mối nguy lớn. Đó cũng là lý do Apple đối xử với các công ty này một cách kém công bằng hơn so với những công ty có danh sách khách hàng dồi dào hơn. Nó cũng đưa Apple lên vị thế cửa trên khi đàm phán hợp đồng. Ở đó, họ có thể yêu cầu các điều khoản có lợi cho mình”, Statista cho hay.

Trong bảng thống kê trên, có thể thấy Dialog Semiconductor có lý do để lo lắng nhất khi họ phụ thuộc quá lớn vào Apple. Mặc dù vậy, không phải đối tác nào cũng cần lo sợ như vậy. Chẳng hạn, Apple khó tìm kiếm được đối tác nào có năng lực sản xuất lớn hơn Foxconn để lắp ráp iPhone.

Tuy nhiên, bảng thống kê nói trên chỉ nhắc đến những công ty lớn, niêm yết rõ ràng. Trên khắp thế giới, có hàng nghìn những công ty khác được xem là sống gửi vào Apple, từ các đơn vị sản xuất phụ kiện, cửa hàng buôn bán sản phẩm Apple mà người ta chưa thể thống kê hết được.

Chẳng hạn mới đây, động thái yêu cầu dỡ bỏ bảng hiệu có liên quan đến thương hiệu Apple của đại diện pháp lý Apple tại Việt Nam hay việc dấy lên tin đồn Apple cấm việc sửa chữa iPhone từ các đơn vị không được ủy quyền cũng gây sóng gió lớn cho giới kinh doanh trong nước.

Thành Duy
* Nguồn: Zing News