Monthly Archives: March 2017

Đưa ra quyết định với nguyên tắc 10/10/10

Quá khó chọn lựa? Không thể đưa ra quyết định để nắm bắt cơ hội đổi đời vì nhiều lý do khác nhau? Hãy sử dụng nguyên tắc 10/10/10 và bạn sẽ có câu trả lời chính xác nhất.

Bạn vừa có được một cơ hội công việc tuyệt vời. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ có thu nhập tăng và có nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp bản thân. Phản ứng đầu tiên hình thành trong tâm trí bạn là chẳng có lý do gì để mà từ chối cơ hội hiếm có như vậy.

Tuy nhiên, để đảm nhận vị trí này bạn phải chuyển đến một nơi ở khác. Một suy nghĩ khác lóe lên trong đầu bạn rằng bạn sẽ phải rời bỏ cuộc sống hiện tại. Hai suy nghĩ giằng co trong tâm trí.

Một cơ hội thế này có thể chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong đời nhưng làm thế nào bạn có thể rời bỏ cha mẹ già, bạn bè, tất cả mọi thứ đã trở thành quen thuộc chỉ để có được cơ hội phát triển sự nghiệp.

Một quyết định khó khăn. Ở lại hay ra đi. Dù đã cân nhắc ưu và nhược điểm nhưng để có được một quyết định đúng đắn quả thật không dễ dàng gì.

Khi đối mặt với một quyết định khó khăn, tốt nhất bạn hãy nhấn nút tạm dừng vào thời điểm này để áp dụng nguyên tắc 10/10/10. Công thức đơn giản này có thể giúp bạn có những suy nghĩ rõ rằng hơn trước những tình huống khó khăn.

Nguyên tắc 10/10/10

Là một nhà bình luận, cựu biên tập viên của Harvard Business Review và đồng thời cũng là một người mẹ, Suzy Welch, tạo ra và áp dụng nguyên tắc 10/10/10 để giúp bà cân bằng giữa công việc bận rộn của mình và với gia đình. Bà sử dụng nguyên tắc này như một công cụ gỡ rối khi phải đối mặt với các tình huống khó khăn.

Trước khi đưa ra quyết định hãy nhấn nút tạm dừng và tự hỏi bản thân 3 câu hỏi sau:

1. Sau 10 phút chúng ta cảm thấy thế nào về quyết định của mình?

2. Sau 10 tháng thì sao?

3. Sau 10 năm thì thế nào?

Ba khung thời gian này khéo léo buộc chúng ta phải nhìn nhận lại quyết định của mình.

Bởi lẽ không phải đưa ra quyết định ngay tức khắc, quyết định dễ bị chi phối bởi cảm xúc nhất thời, Welch nhận thấy mình có cách giải quyết vấn đề dễ dàng hơn.

Áp dung nguyên tắc 10/10/10 để đưa ra quyết định quan trọng trong cuộc sống của bạn như hôn nhân. Bạn tin rằng cuối cùng bạn đã tìm được người bạn đời đích thực. Ngay lập tức bạn muốn kết hôn với người đó. Nhưng hãy dừng lại một chút. Tự hỏi lại bản thân mình bạn cảm thấy thế nào về quyết định này sau 10 phút. Sau đó nếu 10 tháng sau thì sao? Rồi 10 năm sau mối quan hệ của bạn vẫn tốt hay đó là một quyết định sai lầm.

Quy tắc 10/10/10 giúp cảm xúc trở nên ổn định. Cảm xúc nhất thời rất mạnh mẽ và quyết liệt, tuy nhiên, sẽ giảm dần theo thời gian.

Sự khác biệt này tạo nên áp lực lớn vào thời điểm hiện tại bởi sự dâng trào của cảm xúc. Quy tắc 10/10/10 buộc chúng ta phải thay đổi góc nhìn, đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về những quyết định của mình.

Nguyên tắc 10/10/10 được xem như công cụ giúp cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn.

Tự lãnh đạo bản thân – nền tảng của thành công

“Bạn chỉ có thể trở thành nhà lãnh đạo tài ba khi bạn có thể tự lãnh đạo tốt bản thân mình” (You can only be a great leader when you can lead yourself well first) – nhà thần học Richard Norris.

Tự lãnh đạo bản thân là gì? Đó là khả năng tự làm chủ bản thân.

Làm chủ bản thân là một việc không đơn giản, nhưng chắc chắn là nó rất quan trọng, nếu không thì John Maxwell – một học giả về lãnh đạo, trong quyển sách “Phát triển nhà lãnh đạo trong bạn” đã không viết: “Dại thời muốn chinh phục cả thế giới / Khôn thời chỉ muốn thắng bản thân mình” (When we are foolish we want to conquer the world. When we are wise, we want to conquer ourselves).

Chiến thắng bản thân luôn là một cuộc chiến thách thức và quan trọng nhất trong sự nghiệp của người thành đạt. Thành công hay không đa số đều khởi nguồn từ đây. Việc làm đúng ngay từ đầu của nhà lãnh đạo/CEO/ khởi nghiệp gia cũng vì thế, nên bắt đầu từ đây.

Làm sao để làm chủ bản thân mình một cách tốt nhất? Sau đây là những điều quan yếu nhất tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ đang lập nghiệp:

Hiểu rõ về mình

Binh pháp có nói: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Trong đó “biết ta” là yếu tố cơ bản, dễ khai thác nhất nhưng lại thường bị xem thường, bỏ qua nhiều nhất.

Biết mình muốn gì. Hoài bão, mơ ước, tầm nhìn của mình là gì? Những sứ mệnh nào mình muốn gánh vác? Những giá trị cốt lõi nào mình đang tôn thờ? Hay nói nôm na là biết mình đang ở đâu, muốn đi về đâu và định đi đến đó như thế nào, bằng cách nào, với những nguồn lực nào.

Xác định rõ đích đến/điều mình muốn đạt là điều vô cùng quan trọng để định hướng cho mọi hoạt động, mọi nỗ lực của mình trong mọi việc. Đây chính là chiếc la bàn không thể thiếu trên đường lập nghiệp.

Nếu như bạn vẫn còn mơ hồ về điều mình mơ ước, hãy bình tĩnh ngồi xuống, lấy một cây viết ra và suy nghĩ thật kỹ trước khi trả lời các câu hỏi sau: “Mình muốn trở thành người như thế nào sau 10/15/20 năm?”. Có sự nghiệp thành đạt? Có gia đình hạnh phúc? Có sức khỏe tốt?…

Tại sao mỗi dịp xuân về, các công ty dịch vụ thường hay gửi đến khách hàng của họ lời chúc “Một năm mới có thật nhiều sức khỏe, thành công và hạnh phúc”? Bởi vì ba yếu tố sức khỏe, thành công và hạnh phúc tuy 3 mà 1, chúng có quan hệ mật thiết và tương hỗ lẫn nhau.

Người thành đạt là người có tư duy chiến lược, sự minh mẫn, nhạy bén trên thương trường, sự kiên trì, dũng cảm trong chiến đấu/cạnh tranh… Tất cả những yếu tố đó đều đòi hỏi một “phần cứng” vô cùng nền tảng, đó chính là một cơ thể khỏe mạnh. Sức khỏe của bạn đã đủ tốt chưa – cả về thể chất lẫn tinh thần? Bạn có giữ được sự dẻo dai và sáng suốt đều đặn trong 8 giờ làm việc mỗi ngày không? Năng suất làm việc của bạn bị giảm dần khi thời gian trôi qua trong ngày hay theo năm tháng?

>> Làm chủ bản thân, tạo sự khác biệt

Bạn đã ăn uống điều độ, đúng giờ không? Trong tình hình an toàn thực phẩm có nhiều vấn đề như hiện nay, ngoài ăn uống điều độ, ăn đủ chất ra, chúng ta còn phải biết cách chọn lựa thực phẩm sạch khi ăn uống.

Bạn có đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ 8 tiếng đồng hồ không? Chất lượng giấc ngủ là quan trọng nhất, nhưng số giờ ngủ cũng không nên xem thường. Khi chúng ta ngủ, não sẽ tự tiến hành sắp xếp, điều chỉnh lại những lệch lạc, thay đổi trong cơ thể (như máy tính defragment vậy) để điều hòa lại mọi thứ cho ổn định, góp phần quan trọng cho việc giữ gìn sức khỏe. Nếu sau khi ngủ dậy mà chúng ta còn cảm giác lừ đừ, mệt mỏi, nghĩa là giấc ngủ đó chưa tốt, cần phải tìm hiểu ngay lý do để phòng ngừa tái phát.

Bạn có tập thể dục đều đặn không? Đây là câu hỏi rất ít người trả lời “có”. Ai cũng biết tập thể dục là vô cùng quan trọng và cần thiết, nhưng không nhiều người có được nếp tập luyện đều đặn, nhất là giới trẻ lại càng ít xem trọng việc này.

Cần hiểu rằng việc tập thể dục đều đặn không chỉ đơn thuần giúp chúng ta rèn luyện sức khỏe thể chất từ đó tác động đến tinh thần, mà còn giúp chúng ta rèn luyện một ý chí kiên cường, tự chủ. Chính việc tự mình “bắt” mình mỗi ngày hoặc tuần 3 ngày phải tham gia tập luyện đều đặn một môn nào đó đúng giờ giấc sẽ rèn luyện khả năng tự chủ của mình, nghĩa là mình làm chủ được bản thân mình, không để cho sự lười nhác, ham vui, ngại khó chiến thắng bản thân mình. Khả năng làm chủ bản thân đa phần được tôi luyện từ đây.

Gia đình hạnh phúc và sự thành đạt

Mối quan hệ với mọi người trong gia đình là một chất xúc tác quan trọng khi chúng ta ra ngoài lập nghiệp. Một gia đình trên dưới thuận hòa sẽ là một hậu phương vững chắc, giúp bạn yên tâm khi làm việc và có động lực phấn đấu. Ngược lại, bạn sẽ không thể yên tâm để tập trung vào công việc và động lực cũng dễ bị mất đi từ đó.

Chúng ta thấy rõ 3 yếu tố trên có liên quan mật thiết với nhau: Phải có sức khỏe tốt, có gia đình hạnh phúc thì mới có sự thành đạt.

Dale Carnegie – tác giả quyển sách nổi tiếng Đắc nhân tâm đã từng nói: “Thành công là có những gì mình thích; Hạnh phúc là thích những gì mình có”. Tôi định nghĩa sự thành đạt như thế này: “Thành đạt là đạt được những gì mình thích nhưng không phải đánh đổi những thứ mà sau này không thể mua lại bằng tiền”. Đó chính là sức khoẻ và hạnh phúc!

Biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình

Điểm mạnh là vốn liếng quan trọng để thành công nên cần phải phát huy tối đa. Điểm yếu là rào cản ngăn lối đến thành công nên cần phải khắc phục và cải tiến.

Làm chủ bản thân là biết rõ mình mạnh cái gì để gia tăng sự tự tin và hiểu mình yếu cái gì để khắc phục.

Làm chủ bản thân là luôn có thái độ lạc quan, tích cực trên thương trường: tự tin vào điểm mạnh của mình và không khiếp sợ trước điểm mạnh của đối phương; không tự ty về điểm yếu của mình, luôn tìm cách cải thiện và tìm điểm yếu của đối phương để có sách lược tiến công hiệu quả.

Biết rõ những giá trị mà mình theo đuổi

Giá trị là những niềm tin bền vững và lâu dài về những điều được coi là quan trọng trong các tình huống khác nhau. Niềm tin này định hướng các quyết định và hành động của chúng ta. Nói cách khác, giá trị chính là nhận thức về những điều tốt hay xấu, đúng hay sai.

Giá trị là cơ sở để hình thành nên văn hóa doanh nghiệp, vì thế hãy hiểu rõ, chọn lựa, kiến tạo và duy trì những giá trị tích cực bạn đang có liên quan mật thiết đến ngành nghề doanh nghiệp bạn cần phát triển.

Có tính kỷ luật

Tính kỷ luật là yêu cầu không thể thiếu để làm chủ chính mình. Soạn giả Joseph Joubert từng nói: “Hãy hiền dịu bao dung với tất cả mọi người trừ chính mình”.
Làm chủ bản thân là biết “ép” mình vào khuôn khổ kỷ luật, biết nhập gia tùy tục, thích ứng mọi sự thay đổi để đạt được mục tiêu của mình.

Tính kỷ luật sẽ giúp chúng ta tăng thêm sức mạnh của bản thân, như triết gia Lucius Amaeus Seneca đã nói: “Người có sức mạnh lớn nhất là người biết kiểm soát bản thân mình”.

Tóm lại, nền tảng của mọi thành công đều bắt nguồn từ việc biết tự lãnh đạo bản thân mình. Để có thể làm chủ doanh nghiệp thành công, phải biết làm chủ chính mình trước đã. Muốn làm chủ chính mình phải hiểu thật rõ về mình, đồng thời không ngừng lắng nghe và học hỏi.

Một sự khởi đầu đúng cách là đã thành công một nửa!

4 cách cải thiện mối quan hệ với sếp

Có thể bạn đã từng nghe ai đó nói rằng đừng quá bận tâm về việc xây dựng quan hệ tốt với sếp, chỉ cần làm tốt công việc mà mình được giao là đủ.

Tuy nhiên, một lời khuyên hay được chia sẻ bởi các chuyên gia tư vấn nghề nghiệp là: làm cho bản thân mình trở thành người được tin cậy là chưa đủ, mà hãy biến mình trở thành người không ai thay thế được. Hãy nhớ rằng, chỉ được đánh giá là “kết quả công việc đạt yêu cầu” thì không đủ để cho bạn được thăng chức đâu.

Việc xây dựng quan hệ với sếp không phải chỉ là việc giao tiếp cá nhân, mà còn là cách bạn thể hiện mình trong công việc.

Để trở thành người không ai thay thế được trong mắt sếp, hãy thử xem xét 4 phương pháp sau đây:

1. Chủ động làm một việc quan trọng dù chưa được yêu cầu

Trong công việc, bạn sẽ rất dễ bị cuốn vào guồng quay của những việc phải làm hàng ngày, và không nghĩ tới chuyện gì khác ngoài làm đủ và kịp những việc đó. Một khi hoàn tất dự án cũ, bạn chuyển sang dự án tiếp theo với hy vọng sẽ được sếp khen ngợi về những gì đã hoàn thành và được hướng dẫn thêm cho dự án mới. Nhưng rốt cuộc là chả có gì xảy ra cả, và bạn bắt đầu thấy lo lắng cho con đường thăng tiến của mình.

Giải pháp ở đây là bạn cần chủ động tìm kiếm một việc nào đó nằm ngoài trách nhiệm hiện tại của bạn, nhưng có thể mang lại nhiều lợi ích cho công ty. Thông thường, các vị sếp sẽ để ý đến những nhân viên có nhiều ý tưởng, biết dám nghĩ dám làm một cách có hệ thống, ngay cả khi không ai yêu cầu.

Thách thức ở đây là bạn cần phải tìm một việc gì đó mà kỹ năng và thời gian của bạn đủ đáp ứng, nhưng nó có thể sẽ không khó khăn như bạn nghĩ đâu. Bạn có thể bắt đầu từ những việc đơn giản như tìm được cách sắp xếp lịch họp hiệu quả hơn, hay tìm ra được cách tiết kiệm chi phí cho bộ phận của bạn.

Sếp có thể sẽ không có thời gian đánh giá hết các dự án mà bạn tham gia, nhưng vị sếp nào cũng luôn chủ động tìm kiếm những người biết mang lại lợi ích cho công ty, và những người như thế sẽ có ngày được tưởng thưởng xứng đáng.

Có một điều bạn cần ghi nhớ, đó là khi đề xuất cải tiến một điều gì đó thì đừng trực tiếp công kích cách làm hiện hành. Bạn có thể đưa ra đề nghị một cách tế nhị kiểu như: “Tôi đang muốn xem xét cách chúng ta trả lời phản hồi của khách hàng trong thời gian gần đây, sếp nghĩ sao về chuyện này? Tôi có một vài ý tưởng để làm cho quy trình trở nên suôn sẻ hơn”.

Một khi nhận được sự ủng hộ của sếp, hãy bảo đảm là bạn làm đúng những gì đã hứa. Khi đó, bạn sẽ được mọi người xung quanh nhìn nhận một cách tích cực hơn, và có thêm cơ hội được đề bạt lên những vị trí cao cấp hơn.

2. Chủ động đào tạo đồng nghiệp và cấp dưới

Hãy thử dìu dắt và chỉ bảo tận tâm cho một nhân viên mới hay một nhân viên dưới quyền trong nhóm của mình. Lợi ích đầu tiên bạn đem lại là nhân viên đó sẽ được huấn luyện và tiến bộ nhanh hơn so với những gì sếp của bạn mong đợi. Thứ hai, điều đó sẽ giải phóng thời gian cho sếp đảm nhận các nhiệm vụ khác.

Một điều tuyệt vời nữa là kỹ năng lãnh đạo của bạn sẽ có cơ hội được tỏa sáng, thông qua việc chia sẻ các kinh nghiệm và giúp các nhân viên khác phát triển kỹ năng của mình.

Không phải ai cũng có khả năng lãnh đạo bẩm sinh, và không phải ai có kỹ năng lãnh đạo cũng có cơ hội để được thể hiện. Việc chủ động dìu dắt một thành viên trong nhóm là cách tuyệt vời để tự tạo cho mình cơ hội và gây được sự chú ý.

3. Làm thật giỏi những công việc đơn giản nhất

Chuyện này nghe hơi có vẻ ngớ ngẩn, đúng không? Nhưng bạn thử nghĩ lại xem, nếu làm không tốt những công việc đơn giản hàng ngày thì sẽ dẫn đến rất nhiều rắc rối, không chỉ cho bạn mà còn cho sếp và nguyên nhóm của bạn. Chỉ cần một vài sai sót nhỏ là có thể làm cả nhóm bị mắc kẹt tiến độ.

Hãy bảo đảm rằng bạn bảo đảm được sự chỉn chu và cầu toàn trong từng chi tiết nhỏ. Điều đó sẽ giúp sếp an tâm rằng bạn luôn đem lại sự hoàn hảo trong mỗi nhiệm vụ, dự án mà bạn được giao, và sếp chẳng cần mất nhiều công sức kiểm tra lại. Bằng cách đó, bạn sẽ có thể yêu cầu được tham gia những dự án nhiều thách thức hơn, và sếp sẽ không có bất kỳ e ngại nào trong việc giao phó chúng cho bạn.

4. Suy nghĩ trước một bước (nếu được 3 bước thì càng tốt)

Đây là một trong những món quà tuyệt vời nhất bạn có thể dành tặng cho sếp.  Hãy chủ động nghĩ tới những gì sẽ diễn ra nối tiếp sau khi vai trò của bạn trong dự án đã kết thúc.

Quá nhiều người dần buông xuôi với dự án mà họ tham gia khi vai trò của họ gần hoàn tất, và đem lại kết quả không được hoàn hảo như kỳ vọng của những người đang chờ đợi. Là người biết suy nghĩ trước một bước, bạn không chỉ nghĩ cho mình mà còn cho những người sẽ nhận được kết quả công việc của bạn.

Bạn cần cho sếp thấy rằng mình là người có cái nhìn toàn cảnh. Hãy nghĩ ra cách để các công đoạn sau của dự án trở nên dễ dàng hơn. Chúng có thể là những sửa đổi nhỏ nhặt, nhưng nếu bạn có thể giảm tải phần việc của những người tiếp nối, bạn sẽ được cảm ơn vì điều đó.

6 cách tăng cường khả năng tập trung

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra sự phản tác dụng của việc làm nhiều thứ cùng lúc, hay còn gọi là đa nhiệm (multitask). Khi đa nhiệm, chúng ta thường cảm thấy bản thân làm được nhiều việc hơn, nhưng thực tế lại không phải như vậy: đa nhiệm một cách thường xuyên có thể làm suy giảm khả năng tập trung.

Tuy nhiên, nếu bạn là một người “mắc bệnh” đa nhiệm mãn tính, luôn cảm thấy khó tập trung, liệu có hi vọng nào cho bạn lấy lại được những gì đã mất?

Nhà thần kinh học Daniel Levitin, giáo sư tâm lý học tại Đại học McGill (Canada) và là tác giả của quyển sách This is Your Brain on Music: The Science of a Human Obsession (Đây là bộ não của bạn khi nghe nhạc) đã chỉ ra cho chúng ta vài phương pháp thú vị để cải thiện khả năng tập trung và làm việc hiệu quả hơn:

Bước 1: Hãy ngủ nhiều hơn

Levitin cho biết, ngay khi chúng ta nghĩ đến các vấn đề công việc cần sự tập trung, khả năng chú ý của chúng ta phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện sinh lý. Nếu bạn không ngủ đủ giấc hoặc cảm thấy căng thẳng tột độ, bạn sẽ cảm thấy rất khó khăn để duy trì sự tập trung.

Caffeine có thể làm tăng khả năng tập trung ở một số người, nhưng lại có thể làm suy yếu khả năng này ở một số người khác, do làm họ cảm thấy lo lắng hoặc “bồn chồn”. Hãy thấu hiểu các nhu cầu của cơ thể để có thể nghỉ ngơi đúng cách và duy trì khả năng tập trung.

Bước 2: Hãy liệt kê ra những gì khiến bạn mất tập trung

Khi ai đó cố gắng thiền lần đầu tiên, việc tâm trí của họ đi lang thang hoặc để những suy nghĩ mông lung len lỏi vào tâm trí là điều hết sức bình thường, Diana Raab – tác giả của cuốn Healing with Words: A Writer’s Cancer Journey (Chữa bệnh bằng ngôn ngữ) cho biết, “Chúng tôi gọi đó là tâm trí con khỉ (monkey mind) và hiện tượng tương tự cũng có thể xảy ra khi bạn dành thời gian để tập trung vào việc gì đó”.

Raab khuyên thêm là hãy viết ra những suy nghĩ bỗng nhiên xuất hiện trong tâm trí của bạn, như vậy bạn có thể khiến cho những điều phiền nhiễu này trôi đi mất, hoặc lưu lại để còn nhớ và giải quyết chúng sau này.

Bước 3: Hãy tắt bớt những thiết bị gây phiền nhiễu

Giống như bất cứ việc gì khác, nếu muốn tăng cường sự tập trung thì bạn phải tạo ra các điều kiện giúp bản thân thành công dễ dàng hơn, đây là ý kiến của chuyên gia phát triển con người Benjamin Brooks – người sáng lập của PILOT. Hãy luôn chắc chắn bạn có đủ những gì cần thiết trong tay và dành ra một khung giờ riêng khi xử lý công việc.

Brooks cho biết thêm: “Hãy chắc chắn là bạn đã tắt thông báo từ email và các mạng xã hội khác”. Một khi các thông báo này được kích hoạt trên điện thoại thì chúng có thể điều khiển sự chú ý của bạn, gây tác động xấu đến việc tập trung.

Bước 4: Theo đuổi đến cùng những dự định của bản thân

Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng để có thể tập trung vào một điều gì đó, bạn phải cam kết với bản thân là sẽ làm điều đó. Levitin nói thêm, nếu không có những cam kết như vậy, bạn sẽ bị phân tâm bởi chính những suy nghĩ của bạn hoặc các nhu cầu khác của bản thân.

Bạn phải quyết định rằng đây là công việc bạn sẽ hoàn tất ngay bây giờ và bạn phải thực hiện ngay và luôn, mà không cần đoái hoài đến các việc khác.

>> 3 phương pháp tập trung để tăng hiệu suất làm việc

Bước 5: Chịu khó thực hành

Levitin cho biết, việc giành lại sự tập trung đòi hỏi phải thực hành rất nhiều.

Bạn có thể cần phải bắt đầu với bài tập 10 phút – buộc bản thân phải tập trung vào công việc trong đúng 10 phút. Sau đó, từng bước tăng thời lượng tập trung.

Mục tiêu ở đây là có thể giữ vững được sự tập trung vào công việc trong khoảng thời gian từ 25 đến 90 phút, thời lượng tập trung ở đây hoàn toàn tùy thuộc vào loại hình công việc và yếu tố tâm sinh lý của mỗi cá nhân.

Bước 6: Kết hợp giờ “nghỉ giữa hiệp”

Brooks cho biết, ở giữa các giai đoạn tập trung, việc nghỉ giải lao chút ít có thể giúp bạn tăng cường khả năng tập trung nhiều hơn.

Những loại hình nghỉ ngơi khác nhau sẽ mang lại hiệu quả khác nhau dành cho từng người, điểm mấu chốt ở đây là chuyển sang một thứ gì đó hoàn toàn khác so với những gì mà bạn đang làm trước đây.

Brooks lấy ví dụ: “Có thể dừng hoàn toàn công việc để đọc một cuốn sách về hàng không hoặc pha cho mình một tách cafe hay xem gì đó mới trên Internet, một cái gì đó hoàn toàn khác những việc bạn hay làm. Việc này cho phép tôi khởi động lại bản thân, nhờ vậy khi trở lại làm việc, tôi sẽ làm việc một cách hiệu quả chứ không phải bị chìm sâu vào mớ phân tâm hỗn độn”.

6 việc người “siêu năng suất” thường làm hàng ngày

Có một chuyện rõ ràng là mọi người đều có cùng số giờ làm việc trong một ngày. Vậy tại sao một số người lại làm được nhiều việc hơn hẳn? Họ nhanh hơn ư? Hay họ thông minh hơn? Họ có nhiều sự trợ giúp hơn chăng? Có lẽ là vậy, nhưng quan trọng hơn hết, họ có những thủ thuật tận dụng thời gian và loại bỏ những việc không quan trọng.

Dưới đây là 6 điều mà những người “siêu năng suất” làm hàng ngày để đạt được kết quả và thành công tối đa:

1. Khởi đầu ngày mới theo lịch trình cố định

Sự nhất quán và các thói quen tốt là hữu ích để bạn chủ động bắt đầu một ngày mới. Trong vô số những thứ ngổn ngang, người “siêu năng suất” sẽ tìm thấy một danh sách các việc cần làm và sắp xếp chúng thật khoa học.

Doanh nhân kiêm diễn giả nổi tiếng Gary Vaynerchuk – người từng làm nhà đầu tư hoặc cố vấn cho các công ty như Uber, Facebook, Twitter và Tumblr cho biết, ông luôn thức dậy vào lúc 6 giờ mỗi buổi sáng và tuân theo những thói quen đều đặn.

Gary nói: “Tôi bắt đầu ngày mới bằng cách tiêu thụ khá nhiều thông tin. Tôi truy cập vào ứng dụng Techmeme và đọc qua các bài viết. Tôi đọc bản newsletter của Jason Hirschhorn. Sau đó, tôi bắt đầu xem các trang tin tức, chủ yếu là trang tổng hợp Nuzzel để xem những bản tin mà bạn bè tôi thường chia sẻ”.

Sau khi cập nhật thêm thông tin trên Twitter và Instagram của mình, Gary Vaynerchuk đến phòng gym để tập thể dục cùng huấn luyện viên của mình; trở về nhà dùng bữa sáng với gia đình trước khi bắt đầu ngày làm việc; và rồi chuẩn bị tinh thần cho cuộc họp đầu tiên trong ngày. Gary cho biết: “Từ trước khi bước vào phòng họp, tôi đã thu thập được khá nhiều thông tin”.

2. “Khóa” thời gian cho các nhiệm vụ quan trọng

Người “siêu năng suất” hiểu sự khác biệt giữa các nhiệm vụ quan trọng và nhiệm vụ cấp bách. Trong khi những việc quan trọng thúc đẩy việc kinh doanh tiến về phía trước, thì những nhiệm vụ cấp bách đóng vai trò “dập lửa” ngay trước mắt.

Bạn sẽ dễ bị thôi thúc muốn lấp đầy ngày làm việc của mình với các nhiệm vụ cấp bách vì chúng có vẻ quan trọng hơn trong thời điểm đó. Tuy nhiên, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội sáng tạo và vươn xa hơn nếu như bạn không chịu khám phá các cơ hội mới.

Gary Keller – người sáng lập hãng bất động sản Keller Williams Realty kiêm tác giả cuốn sách bestseller The ONE thing, là chuyên gia hàng đầu về việc sắp xếp thứ tự ưu tiên công việc. Keller viết “Yếu tố quan trọng nhất ở đây là thời gian. Thành công được xây dựng theo tuần tự, mỗi thời điểm bạn phải tập trung vào một công việc”.

Để định hình xem công việc quan trọng nhất (the one thing) là gì, Keller nhìn vào các mục tiêu của mình trong năm nay và tự hỏi, “Nếu làm chuyện gì thì sẽ làm cho mọi việc còn lại dễ dàng hơn hay là thậm chí không cần thiết nữa?”. Sau đó, ông sử dụng 4 giờ đầu tiên của mỗi ngày để làm duy nhất chuyện đó.

Keller đã sử dụng kỹ năng đó trong việc viết sách và phát triển công ty của mình trở thành chuỗi kinh doanh bất động sản hàng đầu. Ông tin rằng cho đến khi công việc quan trọng hàng đầu của mình được hoàn tất thì mọi thứ khác đều là phiền nhiễu.

3. Tận dụng lịch một cách tối đa

Peter Bregman, tác giả của cuốn bestseller Four Seconds: All the Time You Need to Replace Counter-Productive Habits with Ones that Really Work (Bạn chỉ cần 4 giây để thay thế thói quen xấu bằng thói quen tốt), cho biết mặc dù việc lập danh sách những việc phải làm (to-do list) là cần thiết, thế nhưng những người “siêu năng suất” không chạy theo nó. Thay vào đó, Bregman đề xuất việc kê tất cả các công việc phải làm lên lịch và sử dụng nó để lên kế hoạch hàng ngày.

Bregman viết trên blog của mình: “Chủ động quyết định khi nào và nơi nào bạn sẽ làm việc gì, và như thế khả năng bạn hoàn tất việc đó sẽ gia tăng đáng kể”. Theo Bregman, lịch giúp bạn sắp xếp ưu tiên của mình: “Đâu là những việc cần hoàn thành trong ngày hôm nay? Có việc nào quan trọng bạn đã bỏ sót? Bạn có thể đặt chúng vào đâu trong lịch trình của mình?”.

Ông cho biết: “Lịch là hữu hạn và chỉ có một số khung giờ nhất định trong một ngày. Lập kế hoạch trên lịch giúp bạn nhận ra mình đang cố nhồi nhét quá nhiều thứ vào một không gian hữu hạn”.

4. Biết thời gian trôi qua từng phút, không phải từng giờ

Những người “siêu năng suất” luôn muốn vòng xoay công việc của mình thật hiệu quả, họ không muốn để từng phút từng giây bị trôi qua một cách lãng phí.

Grant Cardone, tác giả của cuốn The 10X Rule: The Only Difference Between Success and Failure (Quy tắc 10X: Khác biệt giữa thành công và thất bại), chia sẻ kinh nghiệm học được từ Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo đó, Greenspan bố trí lịch làm việc của mình theo từng cụm 15 phút, thay vì theo từng giờ.

Cardone cho biết khi bạn phân chia thời gian như vậy, bạn sẽ tìm được cách tận dụng hết thời gian có sẵn có: “Greenspan không để lại bất cứ khoảng trắng nào trên lịch vì ông ta biết rằng mỗi khoảng trắng là một lần lãng phí thời gian”.

Doanh nhân Gary Vaynerchuk cũng phân bố lịch trình của mình thành từng cụm nhỏ. Ông cho biết “Mỗi phút đều rất quan trọng, nên tôi lên kế hoạch cho từng giây một. Tôi không đùa đâu: Tôi đã từng và vẫn đang có những cuộc họp chỉ kéo dài ba hay bốn phút. Bạn phải tận dụng từng giây bạn có trong ngày”.

5. Không bị ám ảnh bởi email

Chúng ta đều biết rằng email có thể gây lãng phí thời gian nhưng dường như không mấy ai làm gì để cải thiện điều đó. Một nghiên cứu gần đây của hãng Adobe cho thấy bình quân chúng ta dành ra 7,4 giờ mỗi tuần để lên email.

Jason Jennings,  tác giả của cuốn Less is More: How Great Companies Use Productivity (Những công ty vĩ đại cải thiện năng suất như thế nào), cho biết những người làm việc hiệu quả không tự biến mình thành nô lệ của công nghệ. Ông phát biểu trên tạp chí Prevention: “Hầu hết họ chỉ kiểm tra email hai hoặc ba lần một ngày. Bạn hãy xác định thời gian kiểm tra email trên lịch của mình, và xử lý email trong một lượng thời gian cố định.”

Theo một nghiên cứu từ Đại học British Columbia, việc kiểm tra email thường xuyên chỉ khiến cho bạn mất thời gian cho việc trả lời thêm mà thôi. Trong thí nghiệm của đại học này, những người tham gia được chia thành hai nhóm, một nhóm kiểm tra email 3 lần/ngày và nhóm kia kiểm tra bao nhiêu lần tùy thích. Kết quả cho thấy những người chỉ kiểm tra email 3 lần/ngày tiết kiệm được 20% thời gian trong việc trả lời email, cũng như cảm thấy ít bị stress hơn so với trước đây.

6. Biết tự chăm sóc bản thân

Bạn không thể làm việc có hiệu quả nếu như không có sức khỏe. Nhà sáng lập Virgin Group là tỷ phú Richard Branson thức dậy đều đặn lúc 5 giờ sáng mỗi ngày để tập thể dục. Branson phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với FourHourBodyPress: “Tôi chắc chắn có thể đạt được thành công gấp đôi nếu giữ được cơ thể chắc khoẻ. Việc đó giúp cho não hoạt động tốt hơn”.

Ngoài việc tập luyện trước khi đến văn phòng, các bài tập trong giờ làm việc cũng mang lại hiệu quả không kém. Một nghiên cứu tại Đại Học Leeds Metropolitan ở Anh phát hiện ra rằng những nhân viên sử dụng phòng tập thể dục gần nơi làm việc sẽ mang lại năng suất cao hơn.

Những người thành công cũng chú trọng việc ngủ đủ giấc. Cả Bill Gates, Tim Cook, và Arianna Huffington đều giữ thói quen ngủ 7 tiếng một đêm. Các nhà nghiên cứu Phần Lan đã chỉ ra rằng những người ngủ không đủ giấc sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và phải xin nghỉ nhiều ngày hơn.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Sleep, dành ra 7 đến 8 giờ mỗi đêm cho giấc ngủ là khoảng thời gian tối ưu để tái tạo năng lượng sau một ngày dài làm việc.