Monthly Archives: November 2018

HTC quyết không từ bỏ mảng di động

HTC sẽ không từ bỏ hoạt động kinh doanh di động, với kế hoạch giới thiệu một thiết bị mới trước khi kết thúc năm 2018 này cũng như tiếp tục chiến lược đổi mới vào năm 2019.

Theo GSMArena, công ty có trụ sở tại Đài Loan này được cho là sẽ tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và 5G vào sản phẩm tương lai nhằm tăng cường danh mục đầu tư di động của mình.

Báo cáo cho biết, HTC nhiều khả năng sẽ ra mắt biến thể mới của HTC U12 Life với RAM 6 GB và bộ nhớ trong 128 GB vào giai đoạn gần cuối tháng 12 tới. Hiện tại điện thoại này chỉ có sẵn với biến thể RAM 4 GB và bộ nhớ trong 64 GB. Thiết bị cũng hỗ trợ mở rộng qua khe cắm thẻ nhớ microSD, tuy nhiên đây là một dạng khe cắm SIM lai.

HTC vẫn sẽ tiếp tục phát triển điện thoại cao cấp kế nhiệm U12? Ảnh: Digitaltrends.

Cùng với đó, HTC sẽ tiếp tục xây dựng nền tảng VR/AR và cung cấp nhiều nội dung hơn. Hãng ghi nhận tai nghe và điện thoại di động là những công nghệ liên quan đến VR/AR nên không muốn từ bỏ các mảng này. Để đảm bảo trải nghiệm VR/AR với độ trễ thấp, công ty sẽ đưa công nghệ 5G vào sản phẩm của mình.

Đối với blockchain, Exodus 1 được lên kế hoạch xuất xưởng vào tháng tới. Chiếc smartphone này được đi kèm nhiều tính năng phần cứng và phần mềm liên quan đến tiền ảo và được nhắm vào những người đam mê. Tuy nhiên người dùng chỉ có thể thanh toán để mua nó bằng tiền ảo.

Kiến Văn

Từ người bán giấm thành chủ chuỗi nhà hàng triệu USD

Ông Tanaka đã gây dựng một chuỗi nhà hàng sushi khắp Nhật Bản nhờ 26.000 USD đi vay hơn 40 năm trước.

Khi bán giấm cho các nhà hàng sushi ở miền tây Nhật Bản, ông Kunihiko Tanaka đã nhận ra một cơ hội để thay đổi cuộc đời mình. Đó cũng là thời điểm các nhà hàng sushi bùng nổ những năm 1970.

Ông Tanaka đã thấy nhiều vấn đề bất cập của các nhà hàng khi ấy, như các đầu bếp quản lý chất lượng món ăn kém, chặt chém khách hàng, hay giá thành không phù hợp với người bình dân… Vì vậy, ông quyết định mở cửa hàng sushi của riêng mình vào năm 1977 bằng 26.000 USD đi vay. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời của công ty Kura 18 năm sau đó.

Hiện tại, doanh nghiệp này sở hữu một chuỗi công nghệ hiện đại nhằm đưa sushi đến với nhiều khách hàng. Kura là chuỗi nhà hàng phục vụ sushi trên băng chuyền lớn thứ hai tại Nhật với hàng trăm cửa hàng. Thương hiệu này có giá trị thị trường khoảng 1,2 tỷ USD.

Ông Kunihiko Tanaka. Ảnh: Bloomberg.

“Tôi từng nghĩ sushi băng chuyền sẽ giúp giữ gìn di sản sushi. Và tôi đã đúng”, ông Tanaka trả lời phỏng vấn tại trụ sở chính của Kura ở Osaka (Nhật Bản) mới đây.

Chuỗi nhà hàng này sử dụng robot trong nhà bếp ở một số công đoạn, thay vì đầu bếp với mức lương cao và đôi khi xử lý thực phẩm bằng tay không đều. Tại Kura, sushi sẽ được đặt trên các băng chuyền để tới tận bàn của thực khách.

Kura cũng khác biệt với đa số nhà hàng sushi tại Nhật khi không sử dụng chất phụ gia và bảo quản trong đồ ăn. Kura bán sushi khá rẻ, hầu hết có giá 108 yen (gần 1 USD). Mức giá này hầu như không thay đổi suốt ba thập kỷ, trong khi các đối thủ của chuỗi nhà hàng này đều tăng giá.

Tanaka cho biết, ông giữ được mức giá thấp nhờ tiết giảm chi phí vận hành, ví dụ như sử dụng tự động hóa trong quá trình dọn dẹp. Tại chuỗi nhà hàng này, khách hàng ăn xong có thể đặt đĩa vào một ví trí định sẵn trên bàn, từ đó nó sẽ tự động được chuyển đến máy rửa bát, sau đó lấy hóa đơn. Nhờ đó, công ty không cần thuê nhiều nhân viên phục vụ. Kura sở hữu 31 bằng sáng chế trong việc phát triển những hệ thống độc đáo của nhà hàng.

Nhân viên Kura chế biến sushi trong bếp. Ảnh: Bloomberg.

Kura hiện có hơn 420 cửa hàng khắp nước Nhật, 19 cửa hàng tại Mỹ và 15 cửa hàng tại Đài Loan (Trung Quốc). Cổ phiếu của chuỗi nhà hàng này đã tăng gấp 4 lần kể từ khi IPO năm 2014, hiện chiếm 20% thị phần tại Nhật Bản – đứng thứ hai sau chuỗi của Sushiro Global Holdings với 26%. Giới phân tích nhận định, thị trường sushi tại Nhật ngày càng phát triển nhanh và tạo ra nhiều thách thức với các doanh nghiệp như Kura.

“Kura không nhắm đến các thương vụ thâu tóm trong nước. Thay vào đó, chúng tôi tập trung vào phát triển ở thị trường nước ngoài”, Tanaka khẳng định. Kura đặt mục tiêu mở ít nhất 10 nhà hàng mỗi năm tại Mỹ và Đài Loan. Đồng thời, ông Tanaka cũng hy vọng có thể IPO chuỗi nhà hàng này tại Mỹ vào năm 2020.

Đến nay, Tanaka đã trải qua một chặng đường dài từ lúc còn là một người bán giấm. Số cổ phần gia đình ông nắm giữ tại Kura trị giá hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, ông vẫn chưa bằng lòng với những gì đã làm được. “Tôi vẫn chưa đạt được điều mình mong muốn. Mọi việc giờ mới chỉ bắt đầu”, ông Tanaka chia sẻ.

Tú Anh / Bloomberg

CEO Coca-Cola: Thâu tóm Costa Coffee không để cạnh tranh với Starbucks

CEO Coca-Cola nhận định rằng thị trường cà phê trị giá khoảng 500 tỷ USD vẫn còn nhiều lỗ hổng để khai thác.

Mới đây, Chủ tịch kiêm CEO của Coca-Cola, ông James Quincey cho biết thương vụ mua lại chuỗi cà phê Costa của Anh với giá 5,1 tỷ USD không phải là nỗ lực của công ty trong việc cạnh tranh với Starbucks mà để tạo ra trải nghiệm cà phê mới cho khách hàng.

Theo ông, ngành cà phê nói chung đã chia ra thành ba phân khúc: Phân khúc đồ uống đóng chai, đồ uống mang đi và đồ uống sử dụng ngay tại cửa hàng. Vị CEO đánh giá phân khúc lớn nhất và tiềm năng nhất trong số đó chính là đồ uống dùng tại cửa hàng.

Sau thương vụ thâu tóm, Coca-Cola đã nhận được một số chỉ trích vì trả quá nhiều tiền cho Costa, một công ty con từng thuộc Whitbread với gần 4.000 quán cà phê ở nhiều nơi trên thế giới nhưng tập trung chủ yếu tại Anh.

James Quincey

CEO của Coca-Cola – ông James Quincey.

Mặc dù vậy, ông Quincey nhận định rằng thị trường cà phê trị giá khoảng 500 tỷ USD vẫn còn nhiều lỗ hổng để khai thác. Một ví dụ đơn giản là hiện vẫn chưa có đơn vị nào tiến hành đưa cà phê chất lượng tốt tới một số địa điểm như trạm xăng và cửa hàng tiện lợi.

Ông chia sẻ: “Kế hoạch của chúng tôi không phải là đối đầu với Starbucks hay Nestle – công ty đã trả hơn 7 tỷ USD vào tháng 5 vừa qua để được bán cà phê Starbucks. Dịch vụ này giống như máy bán hàng tự động cao cấp cung cấp loại cà phê được pha chế cho dù là ở cửa hàng tiện lợi, trạm xăng hay nơi làm việc. Chúng tôi có cơ hội lớn để hợp tác với cửa hàng của người khác trong việc bán loại cà phê thực sự có chất lượng”.

Cổ phiếu của Coca-Cola hiện đạt mức cao nhất trong 52 tuần trong phiên giao dịch ngày 16/11, tăng 0,86% lên 50,17 USD/cổ phiếu. Báo cáo lợi nhuận quý III của công ty vào cuối tháng 10 đã gây ấn tượng với Phố Wall với mức tăng trưởng lợi nhuận 30% và doanh số bán hàng tăng gấp đôi.

Cuộc chạy đua trở thành các siêu ứng dụng ở Việt Nam

Các ứng dụng kết nối cung cấp dịch vụ trên nền tảng chia sẻ như Zalo, Grab, Momo, Go-Jek không còn cung cấp dịch vụ đơn lẻ mà đang dần dịch chuyển để hình thành các Super App bằng cách liên kết tích hợp nhiều dịch vụ, nhiều người dùng dịch vụ khác nhau trong một ứng dụng.

Trong khi vụ kiện lùm xùm giữa Vinasun và Grab mà tòa án hai lần hoãn chưa đưa ra phán quyết thì Grab vẫn rầm rộ đổ tiền tung ra một loạt dịch vụ mới trên ứng dụng của mình. Xuất phát điểm từ Grab taxi đến nay Grab đã phát triển mạnh dịch vụ xe máy, giao hàng, giao hàng ứng tiền, dịch vụ cho thuê xe hơi và mới đây nhất là dịch vụ giao đồ ăn nhanh Grab Food.

Grab cũng vừa tiết lộ tính năng chuyển tiền xuyên biên giới thuộc Grab Financial, sản phẩm chính thức tung ra vào đầu năm 2019. Grab đang hoạt động tại Indonesia, Singapore, Malaysia, Việt Nam và sắp tới là Philippines. Các thị trường này sẽ được sử dụng tính năng chuyển tiền xuyên biên giới chuẩn bị ra mắt của Grab.

Tại thị trường Việt Nam, ngày 20/11/2018, Grab đã chính thức tung ra tính năng chuyển tiền trên ứng dụng qua ví điện tử Grab by Moca. Việc Grab mua lại ví điện tử Moca được dự báo trước cho mục tiêu của hãng này sẽ hướng đến một Super App (siêu ứng dụng) ở thị trường Việt Nam.

Grab mua Moca nằm trong chiến lược phát triển Super App ở Việt Nam. Ảnh: Grab.com.

Vài năm trước thị trường chứng kiến sự bùng nổ của những App cung cấp dịch vụ chia sẻ, kết nối trên nền tảng công nghệ như Uber, Grab, Now, Lala, Food delivery, hay các ứng dụng chia sẻ phòng như Booking, Agoda và các ví điện tử cung cấp các dịch vụ thu hộ, chi hộ, chuyển tiền, mua thẻ điện thoại… như Momo, Moca, ZaloPay, VTC Pay

Nhưng đến nay thị trường ứng dụng chia sẻ này không còn cung cấp dịch vụ đơn lẻ mà đang dần dịch chuyển để hình thành các Super App bằng cách liên kết tích hợp nhiều dịch vụ, nhiều người dùng khác nhau trong một ứng dụng. Thay vì cung cấp các dịch vụ riêng rẽ tại nhiều ứng dụng khác nhau cho người dùng iPhone hoặc Android, tại các Super App này con người có thể hoạt động từ sáng đến tối, có thể sử dụng để di chuyển, mua đồ ăn, mua vé xem phim, đặt phòng, chat với bạn bè, mua sắm online, đọc sách, chơi game và chi trả các chi phí hóa đơn, mua vé máy bay, mua hàng và thanh toán trực tuyến ngay trên ứng dụng.

Ông Trường Bomi, CEO và là nhà sáng lập của Ahamove đã có thời gian nghiên cứu về xu thế phát triển kinh tế số ở Trung Quốc và Mỹ. Ông Trường Bomi cho rằng, WeChat, Grab và Go-Jek là các ví dụ điển hình cho xu hướng mới được gọi là “Super App”. Các Super App đang thay đổi khả năng giao tiếp, mua sắm online, đọc sách, chơi game, giao nhận đồ ăn và chi trả ở châu Á.

Grab và Go-Jek là hai app “thần thánh” có sức mạnh ở thị trường Đông Nam Á. Tại Việt Nam, Grab đã thôn tính Uber và trở thành ứng dụng đặt xe số 1 ở Việt Nam với số lượng người dùng ngày càng lớn. Go-Jek dù mới vào Việt Nam cũng đã thu hút được phân khúc người dùng xe máy và bắt đầu khai thác mảng taxi. Dù đều xuất phát điểm là nền tảng gọi xe nhưng Grab và Go-Jek nhanh chóng phát triển thành ứng dụng cung cấp nhiều dịch vụ khác xoay quanh ứng dụng của mình.

Ví điện tử Momo đã tích hợp hơn 100 dịch vụ.

Ví điện tử MoMo, ứng dụng có hơn 1 triệu người dùng cũng là App khá thành công với 3,5 triệu lượt khách hàng giao dịch sau 11 năm phát triển. Momo đang cung cấp hơn 100 dịch vụ tiện ích 100 dịch vụ tiện ích, bao gồm chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mua vé máy bay, vé xem phim, thu chi hộ và thương mại trên di động… Đặc biệt, MoMo sở hữu mạng lưới hơn 5.000 điểm giao dịch tài chính trải rộng khắp 45 tỉnh thành trên cả nước, cho phép hơn 3,5 triệu khách hàng tại các vùng sâu vùng xa, nơi dịch vụ ngân hàng và điện thoại thông minh vẫn chưa phổ biến, được tiếp cận với các dịch vụ tài chính.

Bằng cách khai thác dữ liệu được tạo bởi người dùng ứng dụng đa chức năng, các hãng cung cấp app có thể hiểu rõ hơn về hành vi hằng ngày của người dùng, và triển khai thông tin đó để cung cấp thêm sản phẩm, dịch vụ mới. Đây là một trong các nền tảng quan trọng để xây dựng trợ lý kỹ thuật số và nhiều dịch vụ khác bắt đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo. Super App được cho là đang trở thành thứ không thể thiếu với các thành phố lớn, có dân số đông và hoạt động thương mại mạnh mẽ.

Zalo xuất phát điểm tử một mạng xã hội, tuy nhiên đến nay đang dần hướng đến một siêu ứng dụng với việc tích hợp gian hàng thương mại điện tử Zaloshop và mở rộng thanh toán hóa đơn trực tuyến trên ZaloPay.

Ở Trung Quốc, xuất phát điểm từ một mạng xã hội nhưng Wechat của Tencent Holdings được giới công nghệ đánh giá là ông hoàng “Super App”, với hơn 1 tỉ người dùng ít nhất một lần mỗi tháng. Sau Wechat, Meituan Dianping – ứng dụng giao đồ ăn đang nổi lên như là môt siêu ứng dụng thành công ở Trung Quốc.

Video quảng cáo đầu tiên do trí thông minh nhân tạo AI viết kịch bản

Đây là video quảng cáo đầu tiên trên thế giới được AI viết kịch bản hoàn toàn và được thực hiện bởi đạo diễn từng đoạt giải Oscar Kevin Macdonald.

Quảng cáo này được thực hiện cho dòng xe Lexus ES với nhan đề Driven By Intuition, có kịch bản hoàn toàn được viết bằng công nghệ AI, được đạo diễn bởi Kevin Macdonald, người từng đoạt giải Oscar cho phim tài liệu One Day in September vào năm 2000.

Để tạo ra AI chịu trách nhiệm về kịch bản, cơ quan sáng tạo của Lexus đã làm việc với đối tác kỹ thuật Visual Voice, những người đã sử dụng IBM Watson để phân tích một loạt các dữ liệu âm thanh, văn bản và hình ảnh bên ngoài, trích xuất thông tin chi tiết để điều hướng AI phác thảo kịch bản vừa có tính giải trí, vừa đảm bảo cảm xúc cho người xem.

Video quảng cáo Driven By Intuition được AI viết kịch bản.

Trong quá trình phát triển ý tưởng kịch bản, hệ thống trí tuệ nhân tạo còn nhận được sự trợ giúp của loạt dữ liệu được cung cấp bởi Unruly, một công ty quảng cáo chuyên tung ra các chiến dịch tập trung vào khía cạnh cảm xúc của con người.

Đó là lý do vì sao chỉ với mục đích giới thiệu hệ thống phanh khẩn cấp tự động của xe, Lexus lại tung ra video nhấn mạnh mối liên kết giữa con người và máy móc, có cả những khung hình nghẹt thở như cảnh phim hành động.

Với quảng cáo này, AI đã chứng minh được trí thông minh nhân tạo đang ngày càng trở nên giống con người, đã có thể thay thế những gì thường được xem như nhiệm vụ hoàn toàn của con người và còn sẽ có nhiều bước tiến “đáng gờm” hơn nữa trong tương lai.