Monthly Archives: January 2017

Ngân hàng top 1 đồng loạt lãi to năm 2016, sẽ tiếp tục thắng lớn năm 2017?

Dưới đây là ý kiến của một công ty chứng khoán về kết quả kinh doanh của 3 ngân hàng top 1 và những dự đoán cho lơi nhuận năm 2017.

Ngân hàng top 1 đồng loạt lãi to năm 2016, sẽ tiếp tục thắng lớn năm 2017?

Năm 2016 trôi qua có thể coi là một năm thành công của ngành ngân hàng khi lãi suất được duy trì khá ổn định, tăng trưởng tín dụng cả năm 18,71%, nợ xấu chỉ còn 2,46% góp phần giúp GDP tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.

Lãi suất ổn định giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động, từ đó tạo ra lợi nhuận cho chính mình và cũng trả được lãi vay cho các ngân hàng. Lợi nhuận các ngân hàng tăng lên chính là minh chứng cho sức khỏe của các doanh nghiệp, thể hiện rõ nhất qua 3 ngân hàng top 1: Vietcombank, VietinBank, BIDV.

Vietcombank đã công bố lợi nhuận 2016 đạt hơn 8.212 tỷ đồng, tăng trưởng tới 23,4% và là con số lớn nhất từ trước tới nay.

Tín dụng của Vietcombank đã tăng trưởng 18,9%, cao hơn so với kế hoạch. Tăng trưởng Vietcombank đạt được chủ yếu nhờ cho vay khách hàng cá nhân (tăng 48,8%) và doanh nghiệp nhỏ và vừa (tăng 39%).

Về phía huy động vốn, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đóng góp tích cực cho Vietcombank với mức tăng trưởng 51,3%.

Theo đánh giá của công ty chứng khoán, lợi thế của Vietcombank là chi phí huy động vốn thấp, chất lượng tài sản ưu việt và cấu trúc thu nhập tốt. Vietcombank có thể sẽ dễ dàng chuyển đổi theo yêu cầu của Basel 2 và lợi nhuận có thể sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Lợi nhuận Vietcombank được dự đoán sẽ lên tới 11.176 tỷ đồng, tăng trưởng 33,7%.

So với Vietcombank, lợi nhuận của VietinBank thậm chí còn cao hơn, khi thông tin trên báo chí cho biết ngân hàng này lãi tới 8.250 tỷ đồng, tăng trưởng 12%.

Trong cơ cấu tăng trưởng tín dụng, VietinBank cho vay khách hàng cá nhân tăng 35%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 29% và doanh nghiệp FDI tăng 34%.

Nợ xấu của VietinBank liên tục giảm, từ 0,92% cuối năm 2015 hiện chỉ còn 0,82%. Trong năm 2017, lợi nhuận của VietinBank được dự đoán có thể tăng lên trên 9.200 tỷ đồng. Mặc dù vậy, ngân hàng này có một số khó khăn như phải trả cổ tức bằng tiền mặt, khiến nguồn lực suy giảm hay các vấn đề tồn đọng xoay quanh vụ Huyền Như phải xử lý trong năm tới.

Về phía BIDV, lợi nhuận nhà băng này là 7.507 tỷ đồng, tuy giảm nhẹ so với năm trước, nhưng là do ngân hàng mới nhận sáp nhập MHB hồi năm 2015 và đang hòa nhập bộ máy để phát triển.

Nợ xấu của BIDV hiện chỉ còn 1,47% và đã giảm đáng kể so với con số 2,03% cuối quý 3/2016 do ngân hàng quyết liệt xử lý nợ.

Tính đến cuối năm 2016, tài sản của BIDV đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm trước và chiếm tới 14% tổng tài sản toàn ngành ngân hàng. Quy mô tài sản này đưa BIDV thành ngân hàng số 1, cao hơn 20.000 tỷ đồng so với Agribank. BIDV mới đây còn được chọn là ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam năm thứ 3 liên tiếp do The Asia Banker bình chọn.

Báo cáo của một công ty chứng khoán mới đây cho rằng, BIDV có thể sẽ tiếp tục nâng vốn cấp 1 thêm khoảng 25% để nâng cao hệ số CAR lên 9,4% vào cuối năm 2017, với giả định tổng tài sản tăng tiếp 16-18% trong năm sau. Lợi nhuận BIDV năm 2017 được dự đoán khoảng 7.528 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, thông tin lợi nhuận các ngân hàng đã nhanh chóng được các nhà đầu tư đón nhận đầy tích cực. Những ngày đầu năm mới, cổ phiếu các ngân hàng đồng loạt tăng giá mạnh. Cổ phiếu của BIDV từ mặt bằng giá 14.000-15.000 đồng/cổ phiếu đã tăng lên 16.000-16.500 đồng/cổ phiếu và góp phần kéo thị trường chứng khoán khởi sắc đầu năm mới.


Biểu đồ giá cổ phiếu BID 1 tháng qua

Biểu đồ giá cổ phiếu BID 1 tháng qua

Cũng trong những ngày đầu của 2017, ngành ngân hàng liên tục có những thông tin tích cực, như tỷ giá giảm, ngân hàng nhà nước mua ròng ngoại tệ, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia. Các ngân hàng đang rục rịch lên sàn và sẽ nâng cao tính minh bạch với nhà đầu tư, khởi đầu là VIB và trong tương lai có thể là VPBank, Techcombank, Maritimebank, Kienlongbank…

Cuộc họp 6 tiếng, 2,4 tỷ USD, hồi sinh và giấc mộng đánh bại Baidu, Alibaba, Tencent

“Kẻ thách thức” đến từ Trung Quốc đã chính thức hồi sinh và tìm được một đồng minh mới, để chuẩn bị cho một cuộc chiến chống lại 3 gã khổng lồ Internet Trung Quốc.

Cuộc họp 6 tiếng, 2,4 tỷ USD, hồi sinh và giấc mộng đánh bại Baidu, Alibaba, Tencent

LeEco , một công ty công nghệ Trung Quốc được sáng lập bởi tỷ phú Jia Yueting, chính là kẻ thách thức hàng loạt gã khổng lồ công nghệ thế giới. Từ Apple, Google, Netflix, Amazon, Uber, Tesla đến Oculus, tất cả những công ty công nghệ hàng đầu thế giới này đều bị LeEco lớn tiếng thách thức kể từ sự kiện ra mắt hoàn tráng tại Mỹ cách đây hơn 3 tháng.

LeEco ra mắt một loạt các sản phẩm công nghệ, từ smartphone, TV đến xe ô tô điện, cùng với các dịch vụ giải trí, truyền hình cho đến ứng dụng đi nhờ xe. Tuy nhiên không lâu sau khi công bố những tham vọng đó, “kẻ thách thức” đến từ Trung Quốc bắt đầu rơi vào khủng hoảng vì thiếu tiền mặt.

CEO Jia Yueting cũng phải thừa nhận rằng LeEco đã phát triển và mở rộng quá nhanh, dẫn đến khủng hoảng khi thiếu hụt nguồn tiền đầu tư và duy trì các hoạt động của công ty. Khi đó, một chiến dịch kéo dài hàng tháng trời để tìm kiếm nguồn vốn đầu tư mới đã được triển khai, nhưng có vẻ như không một nhà đầu tư nào muốn mạo hiểm.

Hôm thứ 6 tuần trước, tỷ phú Jia Yueting đã có một buổi họp kín với Chủ tịch Sun Hongbin của tập đoàn Sunac Trung Quốc. Cuộc họp diễn ra hơn 6 tiếng đồng hồ và sau khi kết thúc, CEO của LeEco tuyên bố một cách dõng dạc:

“Cơn bão cuối cùng cũng kết thúc. Chúng tôi sẽ sử dụng tiền để đánh bại các công ty internet lớn nhất tại Trung Quốc hiện nay. Đó chính là Baidu, Alibaba và Tencent”.

Thỏa thuận hợp tác giữa LeEco và Sunac Trung Quốc cũng được công bố với giá trị khoảng 16,8 tỷ Nhân dân tệ (2,4 tỷ USD). Trong đó, 10 tỷ Nhân dân tệ được trả cho CEO Jia Yueting để đổi lấy cổ phiếu của ông tại LeEco.

Với số tiền đầu tư khổng lồ từ Sunac Trung Quốc, “kẻ thách thức” LeEco đã chấm dứt cơn khủng hoảng vì thiếu tiền mặt của mình và hồi sinh. Tuy nhiên, sự hồi sinh lần này của LeEco mang một ý nghĩa khác và có thể khiến công ty Trung Quốc này thay đổi chiến lược của mình.

“Với Sunac Trung Quốc, LeEco sẽ không còn chiến đấu một mình nữa”, CEO Jia Yueting chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên LeEco giới thiệu một cổ đông lớn thứ hai, và vì vậy đây là một bước ngoặt vô cùng quan trọng”.

LeEco và Sunac, liên minh mới thách thức 3 gã khổng lồ Internet Trung Quốc

Tỷ phú Jia Yueting không tiết lộ chính xác số tiền đầu tư của Sunac sẽ được dùng vào những việc gì, nhưng ông cũng chia sẻ rằng: “Số tiền này sẽ nhằm giải quyết các vấn đề của LeEco. Hầu hết trong số đó sẽ được dùng để cung cấp vốn cho các công ty con”.

LeEco sẽ bắt đầu một cuộc chiến mới tại Trung Quốc.
LeEco sẽ bắt đầu một cuộc chiến mới tại Trung Quốc.

Trong đó, có khả năng lớn là công ty sản xuất xe điện Faraday Future và LeShi Internet Information & Technology, được mệnh danh là Netflix của Trung Quốc. Chính CEO Jia Yueting cũng đã thừa nhận LeEco và Sunac sẽ là một liên minh mới thách thức 3 gã khổng lồ Internet Trung Quốc là Baidu, Tencent và Alibaba.

Vì vậy có lẽ sau khi đổ một khoản tiền khổng lồ vào LeEco, Sunac đã trở thành cổ đông lớn thứ 2 của công ty công nghệ này và sẽ chuyển hướng kinh doanh tập trung vào thị trường internet Trung Quốc. Trong đó, quan trọng nhất sẽ là công ty con chuyên về nền tảng video trực tuyến và truyền hình LeShi Internet Information & Technology.

“Ngày hôm đó, tôi và Sun đã có một cuộc nói chuyện kéo dài hơn 6 giờ đồng hồ. Đó là một cuộc thảo thuận thân thiện, hiệu quả và chúng tôi đã trở thành những người bạn tốt. LeEco đã có một đồng minh về mặt chiến lược và tài chính để có thể chiến đấu với Tencent, Baidu và Alibaba”, CEO Jia Yueting phát biểu.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giới truyền thông Trung Quốc sẽ tiếp tục tốn “giấy mực” cho một cuộc chiến mới sắp nổ ra.

Những điều hối tiếc lớn nhất của mỗi người khi nhìn lại cuộc sống

Hầu hết chúng ta đều sống và làm việc mỗi ngày mà quên đi điều gì mới khiến chúng ta hạnh phúc, hay đâu mới là điều chúng ta thật sự muốn làm. Để rồi nhìn lại, chúng ta cảm thấy tiếc nuối.

Những điều hối tiếc lớn nhất của mỗi người khi nhìn lại cuộc sống

Một số người cho rằng, mọi việc xảy ra đều có lý do, do đó chúng ta không cần phải hối tiếc. Nhưng thực tế, ai trong chúng ta cũng từng nhìn lại quá khứ và ước ao giá ở thời điểm đó mình đã hành động khác đi. Không ai mà không một lần phạm sai lầm. Đây là những hối tiếc phổ biến nhất của mỗi người khi nhìn lại cuộc sống của họ.

Tình yêu

Chúng ta thường hối tiếc vì đã không yêu trọn vẹn, hối tiếc vì đã không hồi đáp lại những tình cảm đẹp mà mình nhận được, và sau này vĩnh viễn không thể nào gặp được người tương tự như thế.

Gia đình

Đối với những người làm cha mẹ, một số người do áp lực cuộc sống thường trì hoãn việc sinh con cho tới khi “đủ điều kiện thích hợp”, sau đó lại phải hối tiếc vì đã không sinh con sớm hơn. Khi còn trẻ và có sức khỏe, họ lầm tưởng rằng chuyện sinh con cũng dễ dàng đạt được, chỉ cần nỗ lực phấn đấu như trong sự nghiệp, để rồi đến khi gặp phải những khó khăn trong việc sinh con, họ mới cảm thấy hối hận.

Đối với con cái, nhiều người con thừa nhận cảm thấy hối tiếc vì đã không dành nhiều thời gian hơn cho cha mẹ khi cha mẹ còn trẻ và khỏe. Họ không nhận ra cha mẹ mình đang ngày một già đi. Để rồi khi cha mẹ qua đời, họ hối hận vì đã không gần gũi với cha mẹ mình hơn.

Ngược lại, nhiều bậc phụ huynh cũng hối tiếc vì đã không dành nhiều thời gian hơn cho các con. Họ đã bỏ lỡ cơ hội chứng kiến trọn vẹn từng giai đoạn trưởng thành của con cái. Nhiều người lao đầu vào công việc vì nghĩ rằng đó là mục tiêu và trách nhiệm để cải thiện cuộc sống mà không biết rằng, đối với một đứa trẻ, việc có cha mẹ ở bên quan trọng đến nhường nào.

Tài chính

Nhiều người trong chúng ta thường quá lo lắng về chuyện tiền bạc, về những chi tiêu cho cuộc sống, chúng ta lao đầu vào công việc mà chẳng để cho bản thân một ngày nghỉ ngơi. Để rồi khi nhìn lại, chúng ta hối tiếc vì đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong cuộc sống. Chúng ta bỏ lỡ những chuyến đi du lịch, những mối quan hệ, bỏ lỡ quãng thời gian tuổi trẻ đẹp đẽ nhất mà chúng ta không bao giờ lấy lại được.

Học vấn

Rất nhiều người trong chúng ta từng phải nuối tiếc vì đã không học hành đến nơi đến chốn, hoặc không cố gắng theo đuổi chuyên ngành mình yêu thích, mà lại chạy theo những toan tính, bon chen, để rồi hối tiếc. Thực tế, những người dám theo đuổi ước mơ lại chính là những người thành công hơn cả.

Sự nghiệp

Giống như học vấn, đó là những hối tiếc về việc không dám theo đuổi mơ ước và đam mê, không dám liều mình để thay đổi, vì sợ rủi ro nên đã chọn con đường an toàn, và cuối cùng hối hận vì mọi thứ không như mình mong muốn.

Sức khỏe

Chúng ta coi thường việc chăm sóc sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần vì nghĩ mình còn trẻ, còn khỏe, đến khi muốn có lại thì đã quá muộn. Sức khỏe tốt cho bạn sự tự do mà bạn khó lòng nhận ra và trân trọng, cho đến khi bạn không còn sự tự do đó nữa.

Tình bạn

Nhiều người bị cuốn vào công việc và cuộc sống riêng mà vô tình quên đi bạn bè, không còn duy trì liên lạc với họ và dần dần nhận ra cuộc sống có quá ít những người bạn đích thực. Đôi khi, một người bạn quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Thế nhưng, chúng ta thường nhận ra điều đó khi đã quá muộn.

Lòng nhân ái

Có lẽ ai trong chúng ta cũng một lần đi lướt qua một người, dù biết rằng người đó đang cần sự giúp đỡ. Chúng ta biện minh rằng chúng ta không có thời gian hay không giàu có, để rồi hối tiếc tại sao mình lại không mở lòng ra hơn và sống một cách có ý nghĩa hơn.

Sự cô đơn

Khi còn trẻ, chúng ta thường hay mắc căn bệnh tự mãn. Chúng ta nghĩ rằng mình biết tất cả mọi thứ và không cần sự giúp đỡ hay lời khuyên từ người thân, bạn bè. Cuối cùng, bạn hối tiếc khi nhận ra không có ai ở bên quan tâm và ủng hộ.

Bản thân

Chúng ta luôn ước rằng mình đã sống vì bản thân nhiều hơn thay vì cố gắng chạy theo những chuẩn mực mà người khác và xã hội đặt ra.

Chúng ta thường không trân trọng những gì mình đang có cho đến khi nó mất đi. Thời gian đã đi qua sẽ không bao giờ lấy lại được. Vì vậy, bạn đừng chần chừ nữa, hãy sống trọn vẹn từng phút giây.

Ngắm nhìn “Siêu thị của tương lai” với công nghệ thông tin đột phá, không lo hàng kém chất lượng không rõ xuất xứ

Nếu phổ biến sẽ sớm không còn chỗ cho nguồn hàng chất lượng kém đầu độc người tiêu dùng nữa.

Ngắm nhìn "Siêu thị của tương lai" với công nghệ thông tin đột phá, không lo hàng kém chất lượng không rõ xuất xứ

Khi mua đồ thực phẩm ở một cửa hàng tạp hóa thông thường, chúng ta chỉ có thể đánh giá sơ qua nhờ vào ngoại hình bên ngoài mà không thể chắc chắn chất lượng thực sự ra sao, vì mỗi thứ đồ lại bị tác động bởi hàng loạt các yếu tố tự nhiên và nhân tạo kéo dài suốt từ khi được nuôi trồng, phát triển và thu hoạch.

Thiết kế “Siêu thị tương lai” sẽ giúp bạn có được một cái nhìn toàn cảnh về mọi khía cạnh đó. Cụ thể, cuối tháng 12 vừa qua, công trình siêu thị Coop ra đời bởi Senseable City Lab của MIT đã chính thức được mở cửa tại Milan. Nó áp dụng công nghệ thực tế tăng cường cùng các cảm biến tùy chỉnh khác

Carlo Ratti, giám đốc Senseable City Lab, đồng sáng lập nên Carlo Ratti Associati, đã lãnh đạo dự án này. Ông cũng chia sẻ rằng mình dự định mở thêm nhiều cơ sở tương tự trong tương lai.

Hãy cùng ghé qua và tận mắt chứng kiến sự độc đáo của siêu thị trong mơ này:

Thiết kế bởi MIT, “Siêu thị của tương lai” tọa lạc chính thức tại Milan.

Cách sắp xếp và tổ chức bố cục hàng không hề giống như những gì chúng ta thường thấy.

Những đồ thực phẩm làm từ cùng nguyên liệu gốc được để chung với nhau, chẳng hạn như nho và rượu, hay khoai tây tươi và khoai tây đóng hộp.

Nhiều màn hình hiện đại được trang bị ngay phía trên quầy hàng.

Mỗi khi khách hàng cầm một vật lên, các cảm biến nhận biết chuyển động và công nghệ của Microsoft Kinect sẽ làm nhiệm vụ của mình, từ đó hiển thị lên một bảng thông tin về chất dinh dưỡng, giá cả, lượng chất hóa học tác động cũng như các yếu tố khác trong quá trình chuyển về đây.

Chiều cao của quầy hàng không quá lớn, vì họ muốn tạo điều kiện để người mua hàng giao tiếp, tương tác với nhau mà không bị che mặt, tạo nên không khí thân thiện.

Nhiều người có thói quen đến các cửa hàng tạp hóa để mua nhanh thứ gì đó, nhưng chắc chắn với đặc trưng như thế này thì họ sẽ nán lại lâu hơn rất nhiều.

Mọi thông tin được cung cấp sẽ giúp người mua đưa ra quyết định nhất quán nhất cho bản thân.

“Công nghệ tân tiến thời nay sẽ giúp chúng ta hiểu toàn diện hơn về thức ăn hàng ngày liên quan đến cơ thể chính mình,” Ratti cho biết.

Trong tương lai, Ratti mong muốn mở thêm nhiều siêu thị tương tự, không chỉ bán thực phẩm mà còn kinh doanh nhiều khía cạnh tiềm năng khác nữa.

“Nếu muốn, bạn vẫn có thể mua một quả táo nhanh như các cửa hàng bình thường. Nhưng trong trường hợp muốn tìm hiểu thêm rằng tối nay bạn đang nạp những gì vào cơ thể, hãy dành ra thêm 15 giây nữa là đủ,” Ratti chia sẻ.

Tài sản của 8 tỷ phú “ăn đứt” hơn nửa dân số thế giới

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Quốc tế Oxfam, 8 tỷ phú kiểm soát khối tài sản nhiều hơn 3,6 tỷ người nghèo nhất thế giới cộng lại.

Tài sản của 8 tỷ phú “ăn đứt” hơn nửa dân số thế giới

Ngày 15/1, tổ chức phi lợi nhuận chống đói nghèo và bất công Oxfam đã công bố, tổng tài sản của 8 tỷ phú gồm Bill Gates, Warren Buffett, Carlos Slim, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, Amancio Ortega, Larry Ellison và Michael Bloomberg vào khoảng 426 tỷ USD.

Trong khi, khối tài sản của một nửa dân số thế giới (khoảng 3,6 tỷ người) chỉ ở mức 409 tỷ USD.

Báo cáo của Oxfam cho hay, 1% giàu nhất đã sở hữu nhiều tài sản hơn so với phần còn lại của thế giới từ năm 2015. Tại Mỹ, những người giàu nhất kiếm soát 42% tiền bạc.

Con số này được đưa ra trước thềm Diễn đàn kinh tế thế giới được tổ chức tại Davos, Thụy Sỹ, bày tỏ sự lo ngại gia tăng bất bình đẳng kinh tế, gây ra bất ổn xã hội.

“Mặc dù các nhà lãnh đạo thế giới đã ký kết vào một mục tiêu toàn cầu để giảm sự bất bình đẳng, khoảng cách giữa người giàu và phần còn lại đang ngày càng kéo dãn”, báo cáo cho biết.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, vào giai đoạn 1988 và 2011, mức thu nhập của nhóm 10% nghèo nhất thế giới chỉ tăng lên 65$, trong khi thu nhập của nhóm 1% giàu nhất thế giới tăng lên tới 11,800$, gấp 182 lần.

Bên cạnh đó, báo cáo còn thể hiện sự chênh lệch giới tính lớn hơn. Trong số 1.810 tỷ phú đô la trên toàn thế giới, 89% là nam giới.

Danh sách 8 người giàu nhất thế giới năm 2016 do tạp chí Forbes thống kê:

1. Bill Gates: 75 tỷ USD

2. Amancio Ortega: 67 tỷ USD

3. Warren Buffett: 60,8 tỷ USD

4. Carlos Slim Helu: 50 tỷ USD

5. Jeff Bezos: 45,2 tỷ USD

6. Mark Zuckerberg: 44,6 tỷ USD

7. Larry Ellison: 43,6 tỷ USD

8. Michael Bloomberg: 40 tỷ USD