Monthly Archives: October 2017

6 điểm chung của người thành công

Tất cả mọi người đều mong muốn thành công. Có gì bí mật phía sau những người thành công? Họ có thói quen gì khác biệt? 

1. Luôn giữ thái độ tích cực

Những người thành công luôn giữ một thái độ tích cực, ngay cả khi họ gặp phải khó khăn thì điều này cũng giúp họ tỉnh táo hơn trong khi suy nghĩ và tìm ra cách giải quyết vấn đề. Hơn nữa, họ cũng dành thời gian cho những người có thái độ tích cực bởi vì môi trường xung quanh cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ của mỗi chúng ta.

Những người có thái độ tiêu cực sẽ chỉ làm mất thời gian quý báu của họ để than phiền về những thứ vô ích và lo lắng không đâu.

2. Tự tin vào bản thân

Bất cứ ai cũng đều có ước mơ, hoài bão riêng nhưng không phải ai cũng đủ kiên trì để thực hiện và không phải ai cũng tự tin hoàn toàn vào bản thân mình để không từ bỏ giữa chừng. Và nếu trong quá trình thực hiện ấy, giấc mơ có dang dở thì họ sẽ không bỏ phí một giây để than vãn mà nhìn nhận, đánh giá xem yếu tố nào gây thất bại và tiếp tục đứng lên.

Khi còn trẻ, Abraham Lincoln đã từng được đề bạt lên giữ chức chỉ huy song ông đã từ bỏ và quay trở về quê nhà nghèo nàn của mình. Ông đã thử nhiều lọai hình kinh doanh nhưng tất cả đều thất bại. Sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng ông vẫn nuôi giấc mơ trở thành một luật sư thành công. Ông đã mất rất nhiều thời gian để có thể vận hành một văn phòng riêng và sau đó là vượt qua vô vàn khó khăn trở thành vị tổng thống nổi tiếng của Hoa Kỳ.

3. Chấp nhận bị phê bình

Người thành công luôn sẵn sàng chấp nhận những nhận xét chân thành, cũng như những lời phê bình từ người khác. Họ tiếp nhận một cách tích cực những phản hồi ấy và nỗ lực hoàn thiện bản thân một cách tốt hơn.

Walt Disney từng bị đánh giá “không đủ sáng tạo” trên một bài báo và thậm chí đánh mất quyền sở hữu nhân vật hoạt hình đầu tiên của mình. Đó là chú thỏ may mắn trong bộ phim Oswald the Lucky Rabbit. Khi đó, công việc kinh doanh của ông gần như phá sản.

Khi Disney bắt đầu suy nghĩ về việc làm một bộ phim hoạt hình dài, hầu như không ai nghĩ đây là một ý tưởng tốt. Ông thậm chí đã phải thế chấp căn nhà của mình và đi vay tiền để hoàn thành Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Khi bộ phim ra đời, nó đã được các nhà phê bình đánh giá cao và thu về 8 triệu USD, trở thành bộ phim hoạt hình thành công nhất được thực hiện vào thời điểm đó.

4. Hình dung ra thành công

Có thể nhiều người cho rằng điều này thật huyễn hoặc hay mơ tưởng quá xa vời, nhưng việc hình dung ra bản thân sống trong thành công với mục đích dù ngắn hạn hay dài hạn sẽ nhắc nhở bản thân họ cần phải làm gì. Đôi khi mọi việc có thể xảy ra không theo ý muốn nhưng việc này sẽ động viên, kích thích họ tăng cường năm lấy các cơ hội hơn.

5. Khiêm tốn và bác ái

Những người thành công luôn khiêm tốn và thực tế, họ không bao giờ khoe khoang về thành quả của mình và tiếp tục sống cuộc sống thường ngày. Ngoài ra, họ thường xuyên tham gia vào các hoạt động từ thiện nhằm cải thiện cuộc sống cho những người nghèo khổ, khó khăn. Họ luôn cho rằng những gì họ có được do xã hội mang lại. Khi giành được những thành công, họ luôn muốn chia sẻ với xã hội.

Ở tuổi 26, ông chủ Facebook đã làm một việc rất ý nghĩa khi tặng số tiền 100 triệu USD để cứu hệ thống trường công lập Newark Public Schools tại bang New Jersey. Mark Zuckerberg cũng có tên trong quỹ The Giving Pledge do Warren Buffett và Bill Gates thành lập với cam kết đóng góp ít nhất một nửa số tài sản cho hoạt động từ thiện.

3 bài toán “phụ thuộc” mọi startup cần tránh

Bài toán mà các startup ngày nay luôn phải chú ý mang tên “ngừng phụ thuộc”: ngừng phụ thuộc vào khách hàng, ngừng phụ thuộc vào giám đốc điều hành và ngừng phụ thuộc vào nhân viên.

Sau khi “thay tướng” (Uber bổ nhiệm giám đốc điều hành mới, Dara Khosrowshahi, thay cho nhà sáng lập Travis Kalanick vào tháng 8/2017), có vẻ khó khăn vẫn chưa thôi đeo bám Uber. Cụ thể, cuối tháng 9 vừa qua, giới chức quản lý giao thông ở thành phố London (Anh) đã quyết định không gia hạn giấy phép kinh doanh cho Uber, đồng nghĩa với việc Uber sẽ bị cấm hoạt động tại một trong những thành phố giàu có nhất thế giới này. Lý do chính được đưa ra là để bảo vệ an toàn cho người dân.

Tất nhiên, trong thời gian tới, giới phân tích cho rằng Uber có thể có nhiều cách khác nhau để giải quyết tình hình, như chấp nhận chia sẻ dữ liệu khách hàng, cải thiện khả năng hợp tác với chính quyền, trả tiền phạt theo các điều khoản của London… để xóa bỏ lệnh cấm trên, hay tiếp tục kháng cáo tới cùng để hãng được hoạt động.

Tuy nhiên, vụ việc của Uber phần nào gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những nhà khởi nghiệp, đó là không nên bỏ hết trứng vào cùng một giỏ, dù doanh nghiệp khởi nghiệp của bạn có ý tưởng hoàn hảo đến đâu đi nữa.

“Khởi nghiệp là bắt đầu một điều gì đó mới mẻ, tuy nhiên, sự mới mẻ luôn gặp phải những rào cản, và Uber cũng không phải là ngoại lệ. Dù ở London, Uber tạo ra 40.000 việc làm, với 3,5 triệu người đã sử dụng, nhưng chẳng có gì đảm bảo rằng hãng có thể tiếp tục xuất hiện ở thành phố này” – Andrew Beattie, nhà phân tích của trang Investopedia.comBusiness Insider, bình luận – “May mắn là Uber đã và đang hoạt động ở 700 thành phố khác nhau, nên họ sẽ không bị ảnh hưởng quá nặng nề vì việc này. Và đây cũng chính là điểm sáng, là bài toán mà các startup ngày nay phải luôn chú ý, bài toán mang tên ngừng phụ thuộc”.

Phụ thuộc vào khách hàng

Theo Andrew Beattie, khó khăn đầu tiên với nhiều startup đó là thường bị phụ thuộc quá nhiều vào một số khách hàng nhất định.

Cụ thể, nếu một khách hàng hoặc một phân khúc khách hàng chiếm hơn một nửa thu nhập của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp khi ấy thực sự giống như một nhà thầu độc lập hơn là một thể chế tài chính độc lập. Và doanh nghiệp khi ấy không chỉ nhận tất cả rủi ro kinh doanh trong lĩnh vực của mình, mà còn phải nhận thêm rủi ro kinh doanh của đối tác.

Vì vậy, đa dạng hóa khách hàng là điều quan trọng đầu tiên để chúng ta có thể phát triển kinh doanh, dù cho đây có thể là điều rất khó khăn ban đầu, khi nguồn vốn, tiềm lực kinh doanh và thậm chí là kinh nghiệm, đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp còn đang rất mỏng.

“Đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ, có được một khách hàng sẵn sàng trả tiền đúng và đủ theo thời hạn là một sự may mắn hiếm có. Bởi không phải khách hàng nào cũng có sự nhất quán lâu dài và tình trạng kinh doanh luôn ổn định. Tuy nhiên, thế giới kinh doanh đang ngày một thay đổi và tốt hơn hết doanh nghiệp nên có một cơ sở khách hàng đa dạng. Hãy tin vào chính mình, chứ đừng phụ thuộc vào một hoặc hai khách hàng, dù họ có thân thiết và có uy tín đến thế nào” – Andrew Beattie nhìn nhận.

Phụ thuộc vào giám đốc điều hành

Andrew Beattie nhận định, ở nhiều startup ngày nay, giám đốc điều hành chẳng khác nào hình ảnh bà mẹ trông con mọn. Anh ta phải lên công ty, giải quyết mọi việc gần như từ đầu tới cuối. Nếu một ngày anh ta không ở đấy, có lẽ công ty sẽ chẳng thể nào vận hành.

Đây cũng là vấn đề thứ hai của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, chủ yếu ở phía nhà quản trị, khi ôm đồm quá nhiều việc. Mấu chốt thường là do nhà quản trị khi giao việc đã không giao quyền hạn phù hợp cho nhân sự của mình, khiến nhân sự không thể tự quyết bất cứ việc gì, nếu không hỏi qua ý kiến của sếp.

“Khi giao quyền, bạn đang phải thỏa hiệp. Bạn phải thỏa hiệp với nhân viên của mình, để anh ta nhận lãnh một số công việc và đổi lại một số vai trò trong doanh nghiệp. Đây là một hành động khiến giảm sự ảnh hưởng của mình, nên nhiều nhà quản trị hoàn toàn không thích. Thế nhưng hãy nghĩ đến thời điểm bạn buộc phải rời khỏi doanh nghiệp vài ngày và nó sẽ hoạt động ra sao? Chỉ đạo từ xa thường không phải là một biện pháp tốt. Theo tôi, để đi nhanh, bạn nên đi một mình, nhưng để đi xa, bạn nên đi cùng nhau” – Andrew Beattie nhìn nhận.

Phụ thuộc vào nhân viên

Robert Glazer – Giám đốc điều hành của Công ty Tiếp thị Acceleration Partners cho rằng, một trong những đặc điểm nổi bật của startup là sự linh hoạt trong môi trường, cơ cấu, yêu cầu đối với các phòng ban, nhân viên. Sự linh hoạt này là một trong những chiếc sàng thanh lọc nhân sự khắc nghiệt nhất, nếu không muốn nói là chỉ rất ít nhân viên có thể trụ vững ở một doanh nghiệp từ khi nó hình thành cho tới khi thực sự đạt được thành tựu nhất định.

“Sự phù hợp không chỉ là đặt đúng người vào đúng ghế, mà còn đặt họ vào đó đúng thời điểm. Và để tránh phụ thuộc vào bất cứ nhân sự nào, hãy luôn nhớ rằng, không ai là không thể thay thế” – Robert Glazer chia sẻ trên trang Harvard Business Review.

Theo đó, Robert Glazer đã thực hiện một trong những quyết định nhân sự để đời, đó là sa thải nhân viên chuyên về quan hệ khách hàng, người đã theo công ty của anh từ khi nó vừa chập chững những bước đi đầu tiên.

“Anh ta (nhân viên của Robert Glazer) có thái độ tốt, gắn bó lâu năm với công ty, nhưng hoàn toàn không phù hợp với vai trò và vị thế mới của công ty. Anh ta hoàn toàn không thể theo kịp sự phát triển của các mô hình mới và đã làm chúng tôi lỗ không ít tiền vì việc đó. Khi quyết định ngừng phụ thuộc vào anh ấy, chúng tôi thực ra đã giúp anh ấy chuyển sang một công ty khác mà ở đó họ có thể sử dụng kỹ năng của anh ấy tốt hơn. Nếu chúng tôi cố gắng buộc anh ta tiếp tục với chúng tôi, không chỉ bản thân anh ấy sẽ chán và không có động lực làm việc, mà chúng tôi cũng gặp không ít rắc rối. Tất nhiên, cuộc chia tay này không mấy êm đẹp, nhưng nếu bạn không chịu đối mặt với thách thức, bạn sẽ không thể dừng phụ thuộc” – Robert Glazer kết luận.

Ông chủ Pizza Home lý giải vì sao các đại gia F&B “nhảy” vào trà sữa

Ông Hoàng Tùng, người sáng lập chuỗi Pizza Home đã có những chia sẻ về sự “bành trướng” của trà sữa cũng như khả năng tồn tại của mô hình kinh doanh này.

* Gần đây, mô hình kinh doanh trà sữa nhượng quyền nở rộ. Theo ông vì sao?

– Đầu tiên là nhu cầu về trà sữa của thị trường rất lớn, đặc biệt thu hút khách hàng là giới trẻ. Giới trẻ cũng chính là nhóm khách hàng tiềm năng mà các thương hiệu có thể khai thác.

Yếu tố thứ hai chính là mức chi phí để đầu tư một cửa hàng trà sữa khá vừa phải, nằm trong điều kiện, khả năng kinh tế của nhiều người.

Tiếp đó, giá bán của loại hình đồ uống này khá tốt, dao động 40.000-80.000 đồng mỗi ly. Khách hàng văn phòng gọi nhiều khiến doanh số/đơn hàng rất khả thi tạo nên tính khả quan trong doanh số cửa hàng so với mức đầu tư.

Cuối cùng, công thức làm trà sữa ngày càng trở nên dễ dàng so với ngành nghề khác. Mọi người có thể trải qua một khóa học ngắn là có thể nắm bắt được công thức tạo nên những loại trà sữa ưa chuộng. Chính điều này cũng giúp cho nhiều người có thể dễ dàng tạo ra sản phẩm, từ đó tự tin kinh doanh trà sữa.

* Năm 2010, trà sữa đã vào Việt Nam, và cũng như nhiều trào lưu kinh doanh khác nhưng đến năm 2017, cũng chính trà sữa lại trở lại tương đối mạnh mẽ, vì sao? Theo ông thì đâu là điểm khác biệt giữa hai giai đoạn?

– Thời gian đầu, khi trà sữa mới du nhập, cũng như bất cứ món đồ mới nào khi mới vào thị trường, nó sẽ cần phải có thời gian để thích ứng. Những món đồ ăn/đồ uống rất phổ biến ở nước ngoài những chưa chắc đã có thể điều khiển được khẩu vị của người dân bản địa và trở thành một phần của văn hóa ẩm thực bản địa. Bánh burger là một ví dụ rõ ràng cho chuyện này.

Ban đầu, trà sữa cũng vấp phải rào cản về thói quen tiêu dùng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là những “ông lớn” trong ngành trà sữa cũng chưa vào thị trường một cách mạnh mẽ. Điều đó khiến cho quá trình đưa sản phẩm vào đời sống người dân không nhanh chóng được.

Tuy nhiên, sau khi thấy được tiềm năng thị trường, một loạt ông lớn đã nhảy vào thị trường trà sữa. Và khi có được lực đẩy từ các ông lớn thì mức đáp ứng của thị trường là rất mạnh.

Theo tôi, điểm khác biệt chủ yếu của hai giai đoạn đó là sự tham gia của những tay chơi lớn, những thương hiệu trà sữa quốc tế vào thị trường này.

* Từng làm khởi nghiệp về cà phê và nhiều loại hình đồ ăn uống khác, ông thấy làm nhượng quyền trà sữa có những ưu nhược điểm gì so với làm những loại hình trên?

– Mức giá của nhượng quyền trà sữa khá tốt nếu so với việc nhận nhượng quyền của những thương hiệu quốc tế như McDonald’s, KFC, Lotteria… Ngoài ra, mức cam kết về vốn đầu tư và những điều kiện khác theo tôi cũng dễ dàng hơn so với việc nhận nhượng quyền từ những ông lớn về đồ ăn uống quốc tế.

Điều này thực ra cũng dễ hiểu, bởi những thương hiệu trà sữa nổi tiếng cũng chỉ có tuổi đời rất nhỏ so với các ông lớn kể trên, chưa kể tín nhiệm về thương hiệu ở mức độ toàn cầu cũng không thể nào sánh bằng.

Tuy nhiên, nhược điểm cũng từ đó mà ra. Đó là có thể những thương hiệu trà sữa bán nhượng quyền cũng chưa thực sự có quy trình, quy chuẩn và hành lang pháp lý đủ mạnh như những ông lớn quốc tế, mà việc một nhãn hàng trà sữa gần đây có tới vài đơn vị đều tự nhận là đơn vị nhận nhượng quyền chính hãng tại Việt Nam là rủi ro chúng ta đều có thể thấy rõ.

Ông Hoàng Tùng, người sáng lập chuỗi Pizza Home.

* Vậy mức độ rủi ro khi đầu tư làm trà sữa nhượng quyền so với các loại hình khác thì ra sao?

– Rõ ràng, xu hướng kinh doanh ngành trà sữa đang lên. Nhu cầu thị trường cũng đang rất lớn và sự sôi động là điều ai cũng có thể cảm nhận thấy được. Tại thời điểm này, đúng là kinh doanh trà sữa hay đầu tư trà sữa nhượng quyền có mức độ rủi ro thấp hơn nhiều so với các loại hình hàng quán khác.

Khi thị trường bùng nổ thì ai cũng có “quả ngọt”. Nhưng nhìn xa hơn, khi thị trường dần ổn định, cơn sốt qua đi thì sẽ có sự thanh lọc dần. Chỉ có những thương hiệu đủ mạnh, sản phẩm tốt mới tồn tại và phát triển được. Những thương hiệu không đáp ứng được hai điều trên sẽ dần bị thải loại.

* Theo ông, trà sữa có “chìm” một lần nữa trong tương lai gần hay sẽ còn tiếp tục tồn tại?

– Nhiều người cho rằng cơn sốt trà sữa là nhất thời nhưng nếu nhìn rộng ra trên bình diện khu vực thì đây sẽ là xu hướng phát triển “dài hơi”. Những thương hiệu ẩm thực lớn trên thế giới cũng đã để mắt đến việc kinh doanh trà sữa, có động thái cho món trà sữa vào menu hoặc phát triển thương hiệu trà sữa riêng, điều này cho thấy tiềm năng thực sự của dòng sản phẩm này.

Theo tôi, trà sữa sẽ không chết yểu như những trên ngắn hạn kiểu mỳ cay 7 cấp độ hay chè khúc bạch. Nó sẽ là xu hướng phát triển dài hạn và sẽ trở thành một phần thói quen tiêu dùng ẩm thực của người Việt, đặc biệt là giới trẻ

* Nếu thời điểm hiện tại được đầu tư nguồn lực, ông sẽ làm trà sữa chứ?

– Dĩ nhiên tôi sẽ tham gia ngành trà sữa khi có đủ nguồn lực. Bản chất của một người kinh doanh sẽ rất hứng thú và muốn có một phần trong một làn sóng kinh doanh đang đi lên. Trà sữa là một làn sóng như vậy.

Câu “tweet” tiết lộ khả năng marketing trời phú của Elon Musk

“Khi còn ở trường đại học, tôi đã muốn tham gia vào những công việc có thể làm thay đổi thế giới”, Elon Musk đã ​đề cập đến ước mơ thay đổi thế giới từ nhiều năm về trước. Tuy nhiên, có lẽ trong hành động gần đây của ông về việc xây dựng lại mạng lưới điện ở vùng Puerto Rico mới chứng minh được nó đúng hơn bao giờ hết.

Musk cho biết ông có thể xây dựng lại mạng lưới điện đã bị phá hủy do siêu bão Maria ở Puerto Rico bằng cách áp dụng năng lượng mặt trời hiện tại của Tesla hoặc công nghệ lưu trữ pin. Trong một bài tweet được đăng ngày 5/10, Musk cho biết: “Tesla đã làm điều này cho nhiều hòn đảo nhỏ trên thế giới mà không bị giới hạn khả năng mở rộng, vì vậy nó cũng có thể áp dụng cho Puerto Rico”.

Elon Musk “tweet” về việc xây dựng lại mạng lưới điện cho Puerto Rico sau siêu bão Maria

Trong vòng 12 tiếng đồng hồ, Thống đốc ​bang​ Puerto Rico đã phản hồi lại​ dòng​ tweet: “Chúng ta hãy cùng nói chuyện”. Có thể nói, trước khi bị siêu bão Maria phá hủy nặng nề, mạng lưới điện của Puerto Rico cũng đã không được tốt và một vài nhà dự báo thời tiết cũng cho biết họ sẽ có thể bị mất điện trong nhiều tháng.

Không chỉ nói được mà còn làm được

Elon Musk không chỉ nói được mà ông còn làm được. Đó cũng là cách để một người hấp dẫn người khác. Họ không chỉ nói được, họ còn có thể truyền cảm hứng, thách thức chúng ta. Họ không ngại đặt câu hỏi, và làm thay đổi cách nghĩ của chúng ta.

Không quảng cáo, mà kết nối

Các thương hiệu lớn không chuộng xu hướng quảng cáo. Họ hấp dẫn người khác bằng giao tiếp, bởi mọi người thường không muốn kết nối với thương hiệu, mà họ muốn kết nối với người khác. Vì vậy, muốn hấp dẫn mọi người, các thương hiệu có thể tạo ra nhiều cơ hội để mọi người được kết nối với người khác.

Càng nhiều người muốn giao lưu với bạn, nói về bạn, học hỏi từ bạn, và đặc biệt là thông qua bạn để kết nối với người khác, thì giá trị thương hiệu của bạn càng lớn. Và thực tế là giờ đây, cả thế giới đang nói về dòng tweet của Elon Musk đến Puerto Rico.28

Khi các “ông lớn” Nhật Bản chìm vào khủng hoảng

Nhiều tên tuổi như Nissan Motor, Mitsubishi Motors, Toshiba và gần đây nhất là Kobe Steel đều vướng bê bối về hoạt động kinh doanh. 

Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng với các sản phẩm chất lượng, đồng đều với độ bền cao. Tuy nhiên, scandal làm giả số liệu mới đây nhất của Kobe Steel có thể khiến thương hiệu Made in Japan ảnh hưởng đáng kể.

Rắc rối của hãng thép lớn thứ 3 Nhật Bản bắt đầu từ cuối tuần trước, khi họ thừa nhận làm giả số liệu về chất lượng, độ cứng và độ bền của một số sản phẩm nhôm, đồng giao cho hơn 200 công ty. Trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Boeing, Nissan hay Toyota.

Hôm qua, Kobe Steel cho biết số công ty bị ảnh hưởng đã lên tới 500. Thông tin này khiến vốn hóa của hãng chốt tuần mất tổng cộng 1,8 tỷ USD.

Kobe Steel không phải trường hợp cá biệt. Vài năm gần đây, nửa tá công ty lớn của Nhật Bản thừa nhận làm sai số liệu và sai quy trình. Việc này đã làm dấy lên câu hỏi vì sao nó lại xảy ra và liệu có Nhật Bản có tồn tại một vấn đề hệ thống hay không.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân lớn là Nhật Bản tăng trưởng chậm lại từ thập niên 90. Việc này buộc các công ty thay đổi mô hình kinh doanh, và có vẻ đã gây ra tác dụng phụ.

“Các tập đoàn lớn từng hoạt động trong môi trường tăng trưởng tốt, dễ đoán và ổn định. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi. Và nhiều công ty phải tìm cách tiết kiệm chi phí”, Takuji Okubo – kinh tế trưởng tại hãng tư vấn Japan Macro Advisors giải thích.

Cho đến cách đây 20 năm, các công ty Nhật Bản vẫn tập trung vào chiến lược tăng trưởng. Tuy nhiên, khi nhận ra nền kinh tế trong nước không còn mạnh nữa, họ phải chuyển sang tái cấu trúc, cắt giảm chi phí và tối ưu hóa hiệu suất.

Trên BBC, Martin Schulz – nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Fujitsu tại Tokyo cho biết những điều chỉnh “đau đớn” này đã khiến nhiều công ty chật vật “thích nghi với luật chơi mới”. Bị thúc giục phải cải thiện hiệu suất, các lãnh đạo đã điên cuồng tìm cách đạt kết quả tốt.

Việc này khiến các nhân viên chủ chốt và quản lý phải căng mình làm việc. Trong một số trường hợp, họ phải làm quá giờ rất nhiều và tìm cách gian lận.

Nhu cầu mở rộng thị trường ra nước ngoài để đẩy cao lợi nhuận cũng làm nảy sinh các vấn đề khác với công ty Nhật, đặc biệt là chi nhánh ở nước ngoài. Florian Kohlbacher – Giám đốc Economist Corporate Network khu vực Bắc Á cho rằng một số công ty cố gắng tăng trưởng quá nhanh, bằng cách mở rộng ra nước ngoài khi chưa có quản lý đủ kinh nghiệm để giám sát.

Trước Kobe Steel, nhiều công ty tên tuổi của Nhật Bản cũng dính scandal, như Nissan Motor, Mitsubishi Motors và đại gia túi khí Takata. Takata đã phải nộp đơn xin phá sản hồi tháng 6, sau đợt thu hồi toàn cầu liên quan đến việc nổ túi khí, khiến 16 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Mới 2 tuần trước, Nissan Motor cũng phải thu hồi 1,2 triệu xe, vì chúng do kỹ sư không đủ thẩm quyền kiểm định. Còn Toshiba vẫn đang chật vật khắc phục hậu quả từ scandal thổi phồng lợi nhuận cách đây vài năm.

Giới quan sát cho rằng chất lượng sản phẩm và mức độ tuân thủ quy định tại Nhật Bản vẫn thuộc top thế giới. Tuy nhiên, scandal liên quan đến giả mạo số liệu và làm sai quy trình vẫn có thể xuất hiện nhiều trong tương lai.

Kohlbacher cho biết việc này một phần do các công nghệ mới, như Internet of Things và các loại cảm biến, giúp việc phát hiện sai sót dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, quá trình số hóa lại giúp lan truyền thông tin về việc này nhanh hơn.

Dù vẫn chưa rõ số liệu tại Kobe Steel đã bị phát hiện như thế nào, Schulz cho rằng “trong môi trường doanh nghiệp ngày càng minh bạch như hiện nay, các công ty cần thành thật về các sai sót càng sớm càng tốt”. Sau khi luật bảo vệ người tố giác có hiệu lực năm 2006, nhiều vụ lừa đảo và làm sai nữa có thể được công bố.

Trường hợp tiêu biểu nhất là của đại gia thiết bị y tế Olympus năm 2011. Khi ấy, chính giám đốc người Anh của công ty này – Michael Woodford đã cho biết công ty gian lận kế toán tới 1,4 tỷ USD. Olympus đã che giấu khoản các khoản lỗ đầu tư từ thập niên 90.

Woodford cho rằng văn hoá của Nhật Bản phần nào khiến những vấn đề của Olympus thêm trầm trọng. Sự tôn trọng những thành viên kỳ cựu tạo ra một môi trường khiến những quyết định quản lý yếu kém tồn tại suốt nhiều năm.

Dù vậy, nhiều người tin rằng các scandal gần đây cũng có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực. “Có vẻ ngày càng nhiều công ty nhận ra rằng chỉ tập trung vào chi phí và tăng lợi nhuận không phải là chiến lược cho tương lai”, Schulz cho biết. Kohlbacher thì kỳ vọng “các công ty sâu sát hơn với hoạt động của mình, và đảm bảo khắc phục bất kỳ vấn đề nào trước khi nó quá lớn”.

Tuy vậy, nhiều người cũng cho rằng cần có các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với công ty vi phạm. Vì việc tự kiểm điểm, tự giải quyết dường như không có tác dụng. Đại gia quảng cáo Nhật Bản – Dentsu tuần trước bị phạt hơn 500.000 yen (4.400 USD) vì vi phạm luật sử dụng lao động.

Thay vì nhấn mạnh vào vấn đề hệ thống tại Nhật Bản, ông Okubo cho rằng các sự việc xuất hiện ngày càng nhiều là bằng chứng cho thấy “quản trị doanh nghiệp tại Nhật Bản đang có tác dụng”. Vì các công ty đã dám công bố vấn đề nội bộ để giải quyết chúng.

Còn với những doanh nghiệp muốn tránh mắc phải scandal, Okubo khuyên “đã đến lúc mỗi công ty cần ngừng quảng bá mình là hàng Nhật Bản. Thay vào đó, họ nên bắt đầu xây dựng thương hiệu cho riêng mình”.