Monthly Archives: April 2017

Sau Vinasun, đến lượt Mai Linh than khó vì Uber và Grab

Mở đầu báo cáo thường niên năm 2016 mới được công bố, ban lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh nhấn mạnh, năm 2016 là một năm cực kỳ khó khăn đối với tập đoàn.

Nguyên nhân do Uber, Grab hoạt động tràn lan, nhất là ở hai thành phố lớn như Tp.HCM và Hà Nội khiến thị trường taxi cạnh tranh khốc liệt, trong đó sự bất bình đẳng về thuế và các điều kiện kinh doanh khác đã gây thiệt hại lớn về doanh thu cho Mai Linh cũng như các hãng taxi truyền thống.

Theo số liệu chính thức, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, số lượng taxi Uber và Grab ở Tp.HCM đã lên tới 21.000 xe, nếu kể cả xe chạy “lụi” không đăng ký ước tính phải đến 25.000 xe (trong khi qui hoạch taxi của Tp.HCM đến nay chỉ cho phép tổng cộng 11.000-12.000 xe) làm trật tự giao thông đô thị bị phá vỡ, kẹt xe nghiêm trọng, nhà nước thất thu thuế…

Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, các công ty taxi khác mới ra đời đã phá điểm, phá giá để tranh giành thị phần cũng gây nhiều khó khăn cho các đơn vị chi nhánh của Mai Linh.

Kết thúc năm tài chính 2016, doanh thu của Mai Linh vẫn tăng trưởng mạnh 32,3% so với năm 2015, đạt 3.730 tỷ đồng do tập đoàn đẩy mạnh đầu xe.

Lợi nhuận Mai Linh sụt giảm vì mất thị phần.

Doanh thu từ hoạt động taxi/tổng doanh thu năm 2016 là 86,22%; tỷ lệ này tăng so với năm 2015 (80,29%) cho thấy hoạt động taxi tiếp tục đóng vai trò là hoạt động kinh doanh chủ lực, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu toàn hệ thống tập đoàn.

Mặc dù doanh thu tăng đáng kể, nhưng do các khoản chi phí tài chính và chi phí quản lý tăng khiến lợi nhuận trước thuế năm 2016 giảm 62% so với năm trước, đạt 61,12 tỷ đồng.

Trong năm 2016, Mai Linh đã đầu tư 2.096 xe và thanh lý 789 xe, đưa tổng số phương tiện taxi của toàn hệ thống tính đến ngày 31/12/2016 là 14.358 phương tiện.

Về tình hình thực hiện thu lao, trong năm qua, công ty đã dự toán thù lao và chi phí hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát tối đa là 3,5 tỷ đồng.

Trong đó, 5 thành viên Hội đồng quản trị nhận 2,4 tỷ đồng, tương đương với mỗi thành viên nhận về 40,5 triệu đồng một tháng. 3 thành viên Ban Kiểm soát nhận 715 triệu đồng. Như vậy người sẽ nhận 20 triệu đồng một tháng.

Năm 2017, Mai Linh đặt mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận 68 tỷ đồng; đầu tư 2.404 xe và thanh lý 810 xe; xe cuối kỳ đạt 15.839 xe.

Kiều Linh
* Nguồn: VN Economy

United Airlines mất hơn nửa lợi nhuận

Hãng bay Mỹ vừa công bố báo cáo tài chính quý I, trong bối cảnh đang phải giải quyết scandal kéo lê hành khách gốc Việt ra khỏi máy bay tuần trước.

Công ty mẹ của United Airlines – United Continental đã công bố báo cáo với lợi nhuận giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, những con số này còn khả quan hơn dự kiến khi mà trước đó, các chuyên gia tại Wall Street từng dự báo mức giảm lên tới 70%, do hai khoản chi phí lớn nhất của United tăng mạnh.

Giá nhiên liệu đã tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí nhân công của hãng cũng tăng 7% do các thỏa thuận đắt đỏ với công đoàn. Dù vậy, doanh thu của hãng vẫn tăng 3% lên 8,42 tỷ USD.

Bên cạnh đó, giá vé của hãng không đổi so với năm ngoái. Đây là tin tốt với cả hãng bay và ngành hàng không. Do giá vé nhiều hãng lớn khác đang giảm vì dư thừa công suất. Delta là hãng bay lớn đầu tiên của Mỹ thông báo giá giảm 0,5% tuần trước. Chốt phiên hôm qua, cổ phiếu United Continental Holdings tăng 2,4%.

United Airlines giảm lãi đáng kể vì chi phí nhân công và nhiên liệu tăng mạnh. Ảnh: AFP.

Dù vậy, United vẫn lo lắng cuộc khủng hoảng truyền thông hiện tại sẽ khiến nhà đầu tư quay lưng với họ. Đầu tuần trước, đoạn video cho thấy một hành khách của hãng bị kéo lê khỏi máy bay đã khiến cổ phiếu United lao dốc. Việc này có lúc khiến vốn hóa công ty mất một tỷ USD. Từ đó, mã này đã hồi phục đáng kể, nhưng vẫn chưa về mốc trước sự kiện trên.

“Từ các sự kiện gần đây, rõ ràng là chúng tôi cần làm tốt hơn nữa để phục vụ khách hàng”, CEO Oscar Munoz cho biết trong một thông báo, “Việc này sẽ là một bước ngoặt với công ty. Chúng tôi đang quyết tâm hơn bao giờ hết trong việc đặt khách hàng làm trung tâm trong mọi trường hợp”.

Munoz đã bị phản ứng mạnh vì các tuyên bố ban đầu, tỏ ý bênh nhân viên và chỉ trích khách hàng, khi sự việc mới diễn ra. Sau đó, ông đã thay đổi quan điểm và nhận toàn bộ trách nhiệm.

Hà Thu / CNN
* Nguồn: VnExpress

Vì sao CEO nên “xóa mù” mạng xã hội?

Giáng sinh 2016, CEO dịch vụ đặt phòng, căn hộ Airbnb Brian Chesky đã làm một điều bất thường, đó là dành nhiều giờ trên Twitter để thực hiện một nghiên cứu thị trường, có thể giúp cho các chiến lược của công ty trong năm 2017.

Anh bắt đầu bằng câu hỏi đơn giản: Nếu @Airbnb ra mắt thứ gì đó năm 2017, nó sẽ là gì?

Hàng trăm ý tưởng được gửi đến, từ các sản phẩm dễ hiện thực hóa như bổ sung dịch vụ lau dọn, đặt bữa cho đến nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như giảm tình trạng phân biệt đối xử, quyên góp từ thiện nhiều hơn. Thậm chí, có người còn đề xuất dịch vụ cho thuê trên… Sao Hỏa.

Người dùng Twitter không bỏ lỡ cơ hội đưa ra gợi ý của mình và quan trọng hơn, họ biết rằng suy nghĩ đó đang được lắng nghe, đánh giá bởi người đưa ra quyết định cuối cùng của công ty. Còn phải xem nghiên cứu của Chesky hiệu quả đến đâu, song động thái có lẽ đã làm cho lòng trung thành với nhãn hiệu tăng lên.

Câu chuyện này dạy cho chúng ta bài học CEO dùng mạng xã hội để củng cố nhận thức nhãn hiệu đối với công chúng như thế nào, nó đồng thời truyền tải thông điệp mạnh mẽ rằng các lãnh đạo biết giao tiếp tốt trên mạng xã hội bộc lộ nhiều ưu điểm, khiến họ trở thành người cầm quân tốt hơn.

Trong nghiên cứu High Resolution Leadership của DDI, kỹ năng lãnh đạo của 250 ứng cử viên được phân tích và đối chiếu với hoạt động của họ trên mạng xã hội. Kết quả cho thấy, so với những người đồng cấp không tích cực trên mạng, các ứng cử viên còn lại: tốt hơn 89% trong việc trao quyền cho người khác; tốt hơn 52% trong thuyết phục; 46% có ảnh hưởng hơn; 36% nuôi dưỡng mạng lưới tốt hơn; 19% đam mê hơn và 16% ra quyết định tốt hơn.

Hình bản quyền bởi StockUnlimited.

Ngoài việc cho thấy hành vi lãnh đạo mạnh mẽ, các ứng cử viên CEO mạng xã hội cũng có các điểm tương đồng về tính cách để đưa ra phán xét tốt hơn. Không ngạc nhiên khi họ có tính xã hội cao hơn và tương tác với người khác nhiều hơn. Họ cũng ít tranh cãi, ít né tránh, có khuynh hướng hành động hơn. Họ không cố trở nên hoàn hảo, tránh được các sai lầm nhỏ trong quản lý hoặc chỉ trích người khác quá đáng. Tuy nhiên, nhược điểm là họ có xu hướng tìm kiếm sự chú ý hơn người khác, tức là yêu cầu phản hồi nhiều hơn.

Bất chấp mối liên hệ tích cực giữa lãnh đạo và hiện diện trên mạng xã hội, các CEO ngày nay còn khá e dè với mạng xã hội. Trong phân tích 100 CEO có năng lực nhất của Harvard Business Review, ngay cả tiêu chí thấp nhất để được cho là “có tính chất xã hội” là có ít nhất một bức ảnh đại diện và kết nối trên LinkedIn và/hoặc Twitter, kết quả khá thất vọng: chỉ 20% CEO làm được.

Trong số này, 18 dùng LinkedIn, 7 dùng Twitter và chỉ có 4 dùng cả 2 nền tảng. Tương tự, các nhà nghiên cứu của Đại học Bắc Calirona cho hay, chỉ có khoảng 8% đang dùng Twitter và khoảng 70% chủ động cập nhật.

Trong tương lai, mạng xã hội sẽ là lĩnh vực quyền lực, giúp các công ty xác định được CEO nào đã chuẩn bị kỹ càng để điều hành doanh nghiệp.

Du Lam / CNBC
* Nguồn: ICT News

Tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh trong quý 1/2017 đạt mức cao kỷ lục nhờ vào mùa Tết

Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) toàn quốc trong quý đầu tiên của năm 2017 đã đạt mức tăng kỷ lục trong suốt vài năm trở lại đây, với mức tăng trưởng dương, đạt 9.6% so với mức tăng trưởng 5.3% cùng kỳ năm trước.

Điều này được ghi nhân là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ba năm qua. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ mức tăng 8.5% từ tăng trưởng sản lượng, theo báo cáo Market Pulse Qúy 1, được công bố bởi Nielsen Việt Nam – công ty toàn cầu về thông tin và đo lường hiệu quả kinh doanh.

Báo cáo Market Pulse của Nielsen dựa trên kết quả đo lường bán lẻ của ngành hàng tiêu dùng nhanh, trên những nhóm sản phẩm chính, để theo dõi liên tục việc lưu thông sản phẩm thông qua các kênh thương mại và cửa hàng bán lẻ được xác định. Các chỉ số bán lẻ được sử dụng sử dụng trong bài viết cho thấy nỗ lực của nhà sản xuất và các nhà bán lẻ cũng như sức tiêu thụ của người tiêu dùng.

Theo báo cáo, khi quan sát tổng quan ở 6 ngành hàng lớn (nước uống-bao gồm bia, thực phẩm, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thuốc lá) sự phục hồi tăng trưởng đang diễn ra ở tất cả các ngành hàng. Đặc biệt, có 3 trong số 6 ngành hàng lớn đã có sự tăng trưởng 2 chữ số trong quý này. Những ngành hàng lớn đó là Thực Phẩm, Sản Phẩm Chăm Sóc Gia Đình và Sản Phẩm Chăm Sóc Cá Nhân, với 13.9%, 12.4% và 12.2% tương ứng. Theo sau, ngành hàng Sữa đạt mức tăng trưởng 10.3% và ngành hàng Nước Uống đạt 9.1%. Cuối cùng, Thuốc Lá tăng 5.6% trong quý này.

Đáng chú ý, ngành hàng Nước Uống tiếp tục là ngành hàng dẫn đầu trong việc đóng góp vào doanh số FMCG trong quí này, đóng góp khoảng 45% doanh số. Thuốc Lá và Thực Phẩm đóng góp vào tổng doanh số khoảng 19% và 13% tương ứng.

“Tin vui là tiêu dùng trong mùa Tết đã đạt được mức tăng cao kỷ lục trong nhiều năm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải chú ý đến sự tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh trong năm 2017. Sau khi tăng trưởng ấn tượng mức 18,7% vào tháng Giêng âm lịch, sự tăng trưởng của tháng Hai và tháng Ba đã giảm xuống chỉ còn 8,6% và 2,1% tương ứng. Đây có thể là một dấu hiệu sớm của sự chậm lại, hoặc chỉ là do mùa thấp điểm sau Tết.” ông Nguyễn Anh Dũng, Giám Đốc, Trưởng Bộ Phận Dịch Vụ Đo Lường Bán Lẻ Nielsen Việt Nam cho biết.

Vùng nông thôn đã được nhắc đến như là một nguồn tăng trưởng mới cho nhiều nhà sản xuất. Câu chuyện này một lần nữa được nhìn thấy rõ rệt trong quý đầu tiên của năm 2017. Báo cáo cũng cho thấy rằng vùng nông thôn tăng mạnh trở lại trong quý này ở mức 12.4%, đóng góp 51% vào tổng doanh thu ngành hàng tiêu dùng trên toàn quốc, trong khi khu vực thành thị chỉ tăng ở mức 6.5%. Điểm sáng trong báo cáo lần này là sự tăng trưởng của cả khu vực thành thị và vùng nông thôn chủ yếu đến từ tăng trưởng sản lượng.

“Mặc dù khu vực nông thôn đã tăng trưởng chậm lại do sự bất lợi về thời tiết và những thách thức trong năm vừa qua, nhưng thực tế cho thấy sự tăng trưởng trong nông thôn đã phục hồi trở lại với sự tăng trưởng ở tất cả các ngành hàng lớn” ông Dũng nhấn mạnh. “Vẩn có hơn 60% dân số Viêt Nam sống ở khu vực nông thôn và có rất nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất ở thị trường này. Người tiêu dùng nông thôn đang có mức thu nhập tăng lên và có tiếp cận tốt với nhiều thông tin hơn thông qua việc kết nối với internet, điện thoại thông minh để biết thêm thông tin sản phẩm và chất lượng. Với tầm quan trọng của thị trường nông thôn, các nhà sản xuất nên nắm bắt cơ hội ở thị trường này bằng cách trang bị cho mình những kiến ​​thức cập nhật về thị trường mới nổi này như nhu cầu của người tiêu dùng và xu hướng thị trường”.

* Nguồn: Nielsen

IBM mở lối đi riêng cho digital marketing

Vào tháng 3/2017, Gartner đánh giá IBM iX là đơn vị dẫn đầu trong các công ty marketing kỹ thuật số toàn cầu. iX là một bộ phận được thành lập nhằm mở ra một hướng marketing mới trên nền tảng công nghệ thông tin của IBM.

Theo Business Insider, Gartner đánh giá cao IBM iX cho sự nhanh nhẹn, hợp tác, khả năng sáng tạo, thiết kế mạnh mẽ và chuyên môn trong phân tích dữ liệu. Sau 2 năm thành lập, IBM iX đã có mặt tại Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á – Thái Bình Dương với hơn 15.000 nhân viên. Khách hàng của iX gồm Volkswagen, Nestle, Unilever, Audi và General Motors.

Gã khổng lồ sang ngang

Bộ phận mới IBM iX đã tạo ra những luồng dư luận quan tâm trong lĩnh vực quảng cáo năm 2016 bằng việc mua lại 3 công ty quảng cáo gồm Ecx.io, Resource Ammirati và Aperto trong vòng một tuần.

Paul Papas

Ông Paul Papas – Giám đốc Toàn cầu của iX.

Trong bài phỏng vấn với Business Insider, Alison Clark – phụ trách Quan hệ Đối tác của iX cho biết: “iX không muốn hoạt động giống như cách các công ty quảng cáo truyền thống. Thay vào đó, iX muốn kết hợp các bộ phận IT của Công ty IBM và ứng dụng vào lĩnh vực sáng tạo”.

Theo hướng này, các công việc sáng tạo của doanh nghiệp sẽ được kết nối với các mảng kinh doanh khác của công ty. Đồng thời khách hàng chỉ cần quản lý tất cả thông qua một đối tác bên ngoài duy nhất. Đây cũng là lý do phần đông khách hàng tìm đến với iX.

Chia sẻ với Business Insider, Paul Papas – Giám đốc Toàn cầu của iX cho biết cách IBM iX hợp tác với đội bóng rổ Toronto Raptors là một ví dụ tốt về cách công ty quảng cáo tạo ra toàn bộ trải nghiệm cho ngành kinh doanh.

Sử dụng nền tảng nhận thức điện toán Watson và công nghệ màn hình cảm ứng của IBM, iX đã thay đổi cách Raptors quản lý các tuyển thủ. Cụ thể, các thành viên và đội ngũ quản lý của Raptors có thể đứng xung quanh trên một chiếc bàn có màn hình cảm ứng. Tại đây, họ có thể phân tích các thông số thực tế khác nhau giữa từng cầu thủ cũng như xem các kịch bản tình huống thiết lập khác nhau.

Raptors cũng áp dụng công nghệ này để xác định các vấn đề về tiền lương, thời hạn hợp đồng và các kết nối với người hâm mộ của đội bóng

Sự dịch chuyển về hướng các sản phẩm sáng tạo là điều tự nhiên của IBM, công ty vốn đã là một trong những nhà cung ứng hàng đầu trong thị trường phần mềm marketing đám mây và hệ thống quản lý khách hàng (CRM).

Đi ngược đám đông

Clark cũng cho biết iX đi ngược với các công ty quảng cáo truyền thống trong hợp tác với khách hàng. Theo đó, iX ưu tiên các khách hàng đến từ mảng dịch vụ IT của IBM để tránh các buổi thuyết trình đấu thầu phổ biến hiện tại giữa các công ty quảng cáo truyền thống.

Cùng với đó, iX cũng không tuyển các cá nhân muốn được làm việc tại IBM như thông thường. Bộ phận này chỉ tuyển các chuyên gia sáng tạo từ các công ty quảng cáo thuộc nhóm năm công ty quảng cáo và thiết kế lớn của thế giới.

Clark từng làm việc tại công ty quảng bá thương hiệu RAPP, do WPP sở hữu; trước đó cô là quản lý đối tác tại Havas Helia. Giám đốc Marketing Kỹ thuật số đầu tiên của IBM – Bob Lord được tuyển về từ công ty quảng bá thương hiệu nổi tiếng của Pháp là Razorfish, thuộc sở hữu của Publicis. Tại IBM, Bob làm việc trực tiếp với CEO Ginni Rometty và khởi xướng xu hướng phát triển mới tập trung vào trí tuệ nhân tạo.

Đầu năm nay, IBM tuyên bố sẽ sử dụng hệ thống trí thông minh nhân tạo Watson cho các khách hàng mua gói quảng cáo hiển thị tự động. Với tất cả những nền tảng công nghệ hiện tại, điều duy nhất IBM cần chính là khả năng sản xuất các sản phẩm sáng tạo, và đây chính là mảng iX đảm nhiệm.

Thep Papas, câu chuyện kinh doanh hiện tại không còn là cuộc chơi của phát triển sản phẩm, mà doanh nghiệp phải cung cấp những trải nghiệm tương xứng cho khách hàng, đối tác kinh doanh và nhân viên.

IBM không phải là đơn vị duy nhất nhận ra nhu cầu áp dụng kỹ thuật số vào công ty quảng cáo từ các doanh nghiệp khách hàng. Công ty quảng cáo có trụ sở đặt tại Pháp, Publicis Groupe, là một ví dụ, đã mua lại công ty tư vấn marketing kỹ thuật số của Mỹ là Sapient với giá 3,7 tỷ USD vào năm 2014. Thương vụ này nhằm xây dựng nền tảng lớn nhất và tối ưu nhất trong chuyển đổi công nghệ marketing hiện tại.

“Các công ty quảng cáo đang cố gắng tìm hiểu về kỹ thuật số. Các công ty tư vấn truyền thống thì đang cố tìm hiểu về sáng tạo và thiết kế. Còn chúng tôi thì xây dựng cả hai điều đó từ điều mình có”, Papa cho biết.

Lâm Nghi / Business Insider
* Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn