Category Archives: Marketing

Sáng tạo để tìm chiến lược kinh doanh mới

Sáng tạo, tìm ra cái mới là một trong những yếu tố quyết định việc tồn tại và phát triển của mọi doanh nghiệp. Thực tế đã có một số công ty ngày trước khá nổi tiếng nhưng nay bắt đầu suy yếu mà nguyên nhân là do không bắt kịp yêu cầu sáng tạo, đổi mới chiến lược kinh doanh của thời đại.

Ngược lại cũng có không ít các dự án khởi nghiệp, quy mô ban đầu không lớn lại nhanh chóng phát triển thành những công ty hàng đầu, nhờ vào tư duy sáng tạo trong xây dựng chiến lược kinh doanh. Đã gọi là sáng tạo thì không thể có sẵn mô hình nào. Bài viết chỉ xin gợi ý một vài hướng đi có thể giúp tìm ra những chiến lược kinh doanh mới.

Đột phá

Ngay trong nghĩa của từ này đã gợi ra rằng có thể tìm ra những hướng đi mới bằng cách phá vỡ, vượt qua những nguyên tắc hiện tại. Tìm hiểu và làm theo những điều được coi là nguyên tắc kinh điển đã khó rồi, nhưng tìm hiểu để từ đó vạch ra những điều mình có thể làm khác đi, mang lại kết quả tốt hơn thì càng khó bội phần. Nhưng đó chính là con đường có thể giúp tìm ra các chiến lược kinh doanh mới, mang tính đột phá.

Ví dụ, khi mở một cửa hàng, ta thường được khuyên là phải tìm mặt bằng càng gần trung tâm, vị trí đắc địa càng tốt, sau đó khi “sống” được rồi thì sẽ mở thêm các chi nhánh. Nhưng có phải nên luôn theo cách đó không? Tại sao không thử nghiệm bằng cách mở cửa hàng nhỏ ở xa trung tâm trước? Hơn nữa, có nhất thiết phải có điểm bán cụ thể để khách hàng đến tận nơi hay là khách ngồi nhà vẫn có thể xem và thậm chí thử hàng trước khi mua? Ngay cả khi cần thanh toán thì có nhất thiết phải qua ngân hàng không?… Cách đặt các câu hỏi để thách thức những điều được coi là chuẩn mực đã cho ra đời nhiều hình thức bán hàng kiểu mới. Chẳng hạn, sự ra đời và phát triển ngày càng mạnh của các hình thức như bán hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến, ứng dụng gọi xe, giao hàng nhanh…

Biến khiếm khuyết thành cơ hội

Bài tập kinh điển trong xây dựng chiến lược kinh doanh là phân tích SWOT để tìm các cơ hội, thách thức, cách khắc phục các điểm yếu và phát huy các điểm mạnh. Nhưng không phải lúc nào cũng có đủ nguồn nhân lực và vật lực để khắc phục các điểm yếu. Cho nên, có thể nghĩ khác đi bằng cách vận dụng những bước đi sáng tạo để biến khiếm khuyết thành cơ hội. Ví dụ, khi mới bước vào thị trường thì Tesla khá yếu về mạng lưới cửa hàng. Nhưng thay vì ra sức mở những cửa hàng hoành tráng ở vị trí đắc địa, Tesla đã chọn cách xây dựng các cửa hàng trực tuyến kiểu Apple Store nhưng có nhân viên bán hàng hưởng lương theo doanh số để tư vấn cho khách mua. Các cửa hàng trực tuyến của Tesla mở cửa 24/7, lúc nào cũng có nhân viên sẵn sàng trợ giúp, có thể bán theo giá thống nhất và chỉ chuyên bán xe điện, trong khi các cửa hàng bình thường phải bán giá khác nhau tùy theo chi phí mỗi nơi và thường phải bán kèm nhiều loại xe khác để có thêm khách.

Lẽ thường không ai muốn đặt ra điều kiện để tự giới hạn hoạt động kinh doanh của mình. Nhưng cũng có trường hợp tự áp đặt những giới hạn như là một cách để tạo ra các chiến lược kinh doanh mới. Dễ thấy một số nhà hàng, nhãn hiệu thực phẩm tự đặt ra tiêu chí chỉ sử dụng nguyên liệu sạch. Giới hạn trong việc sử dụng nguyên vật liệu và phương thức sản xuất là những thách thức rất lớn nhưng đồng thời cũng có những hướng phát triển rất tiềm năng. Có thể thấy, thời gian qua các doanh nghiệp với các dòng sản phẩm sạch ra đời ngày càng nhiều hơn.

Kết hợp với đối tác và đối thủ

Kết hợp kinh doanh không phải là ý tưởng mới nhưng sáng tạo trong cách kết hợp có thể mở ra những hướng đi mới. Có thể kết hợp các sản phẩm/dịch vụ rất khác nhau, của những lĩnh vực gần như không có điểm chung, hoặc thậm chí là kết hợp với đối thủ trong cùng ngành nghề. Giày thể thao Nike và đồng hồ thông minh Apple Watch, hai sản phẩm tưởng như không liên quan gì đến nhau nhưng lại kết hợp được với nhau để tạo ra chiến lược kinh doanh mới hướng đến nhu cầu mà ai cũng cần là rèn luyện thể thao, bảo vệ sức khỏe.

Ví dụ khác, hai hãng xe hơi BMW và Daimler (Mercedes) đã công bố kế hoạch liên kết cùng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ như chia sẻ xe, xây dựng bãi đậu xe, các điểm sạc điện cho xe và cả bán vé các dịch vụ vận tải công cộng. Sự kết hợp này vượt ra ngoài ngành công nghiệp xe hơi truyền thống và mở ra những hướng phát triển mới cho cả hai hãng.

Nhiều chiến lược kinh doanh mới có thể bật ra khi ta dám thách thức, làm khác, làm ngược các chuẩn mực hiện tại, dám nhìn thẳng vào những khiếm khuyết, giới hạn để tìm cách biến nó thành cơ hội hay dám thử kết hợp với các đối thủ trong ngành hoặc đối tác ngoài ngành.

Công ty tìm nhân sự chiến lược cho công ty bạn

Theo BRVN.vn

IBM mở lối đi riêng cho digital marketing

Vào tháng 3/2017, Gartner đánh giá IBM iX là đơn vị dẫn đầu trong các công ty marketing kỹ thuật số toàn cầu. iX là một bộ phận được thành lập nhằm mở ra một hướng marketing mới trên nền tảng công nghệ thông tin của IBM.

Theo Business Insider, Gartner đánh giá cao IBM iX cho sự nhanh nhẹn, hợp tác, khả năng sáng tạo, thiết kế mạnh mẽ và chuyên môn trong phân tích dữ liệu. Sau 2 năm thành lập, IBM iX đã có mặt tại Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á – Thái Bình Dương với hơn 15.000 nhân viên. Khách hàng của iX gồm Volkswagen, Nestle, Unilever, Audi và General Motors.

Gã khổng lồ sang ngang

Bộ phận mới IBM iX đã tạo ra những luồng dư luận quan tâm trong lĩnh vực quảng cáo năm 2016 bằng việc mua lại 3 công ty quảng cáo gồm Ecx.io, Resource Ammirati và Aperto trong vòng một tuần.

Paul Papas

Ông Paul Papas – Giám đốc Toàn cầu của iX.

Trong bài phỏng vấn với Business Insider, Alison Clark – phụ trách Quan hệ Đối tác của iX cho biết: “iX không muốn hoạt động giống như cách các công ty quảng cáo truyền thống. Thay vào đó, iX muốn kết hợp các bộ phận IT của Công ty IBM và ứng dụng vào lĩnh vực sáng tạo”.

Theo hướng này, các công việc sáng tạo của doanh nghiệp sẽ được kết nối với các mảng kinh doanh khác của công ty. Đồng thời khách hàng chỉ cần quản lý tất cả thông qua một đối tác bên ngoài duy nhất. Đây cũng là lý do phần đông khách hàng tìm đến với iX.

Chia sẻ với Business Insider, Paul Papas – Giám đốc Toàn cầu của iX cho biết cách IBM iX hợp tác với đội bóng rổ Toronto Raptors là một ví dụ tốt về cách công ty quảng cáo tạo ra toàn bộ trải nghiệm cho ngành kinh doanh.

Sử dụng nền tảng nhận thức điện toán Watson và công nghệ màn hình cảm ứng của IBM, iX đã thay đổi cách Raptors quản lý các tuyển thủ. Cụ thể, các thành viên và đội ngũ quản lý của Raptors có thể đứng xung quanh trên một chiếc bàn có màn hình cảm ứng. Tại đây, họ có thể phân tích các thông số thực tế khác nhau giữa từng cầu thủ cũng như xem các kịch bản tình huống thiết lập khác nhau.

Raptors cũng áp dụng công nghệ này để xác định các vấn đề về tiền lương, thời hạn hợp đồng và các kết nối với người hâm mộ của đội bóng

Sự dịch chuyển về hướng các sản phẩm sáng tạo là điều tự nhiên của IBM, công ty vốn đã là một trong những nhà cung ứng hàng đầu trong thị trường phần mềm marketing đám mây và hệ thống quản lý khách hàng (CRM).

Đi ngược đám đông

Clark cũng cho biết iX đi ngược với các công ty quảng cáo truyền thống trong hợp tác với khách hàng. Theo đó, iX ưu tiên các khách hàng đến từ mảng dịch vụ IT của IBM để tránh các buổi thuyết trình đấu thầu phổ biến hiện tại giữa các công ty quảng cáo truyền thống.

Cùng với đó, iX cũng không tuyển các cá nhân muốn được làm việc tại IBM như thông thường. Bộ phận này chỉ tuyển các chuyên gia sáng tạo từ các công ty quảng cáo thuộc nhóm năm công ty quảng cáo và thiết kế lớn của thế giới.

Clark từng làm việc tại công ty quảng bá thương hiệu RAPP, do WPP sở hữu; trước đó cô là quản lý đối tác tại Havas Helia. Giám đốc Marketing Kỹ thuật số đầu tiên của IBM – Bob Lord được tuyển về từ công ty quảng bá thương hiệu nổi tiếng của Pháp là Razorfish, thuộc sở hữu của Publicis. Tại IBM, Bob làm việc trực tiếp với CEO Ginni Rometty và khởi xướng xu hướng phát triển mới tập trung vào trí tuệ nhân tạo.

Đầu năm nay, IBM tuyên bố sẽ sử dụng hệ thống trí thông minh nhân tạo Watson cho các khách hàng mua gói quảng cáo hiển thị tự động. Với tất cả những nền tảng công nghệ hiện tại, điều duy nhất IBM cần chính là khả năng sản xuất các sản phẩm sáng tạo, và đây chính là mảng iX đảm nhiệm.

Thep Papas, câu chuyện kinh doanh hiện tại không còn là cuộc chơi của phát triển sản phẩm, mà doanh nghiệp phải cung cấp những trải nghiệm tương xứng cho khách hàng, đối tác kinh doanh và nhân viên.

IBM không phải là đơn vị duy nhất nhận ra nhu cầu áp dụng kỹ thuật số vào công ty quảng cáo từ các doanh nghiệp khách hàng. Công ty quảng cáo có trụ sở đặt tại Pháp, Publicis Groupe, là một ví dụ, đã mua lại công ty tư vấn marketing kỹ thuật số của Mỹ là Sapient với giá 3,7 tỷ USD vào năm 2014. Thương vụ này nhằm xây dựng nền tảng lớn nhất và tối ưu nhất trong chuyển đổi công nghệ marketing hiện tại.

“Các công ty quảng cáo đang cố gắng tìm hiểu về kỹ thuật số. Các công ty tư vấn truyền thống thì đang cố tìm hiểu về sáng tạo và thiết kế. Còn chúng tôi thì xây dựng cả hai điều đó từ điều mình có”, Papa cho biết.

Lâm Nghi / Business Insider
* Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn

GĐ Marketing Lazada Việt Nam: Công thức tối giản tạo nên tối ưu

Gặp Thông vào bữa ăn theo kiểu fast food để chàng trai giữ vị trí quan trọng tại Lazada Việt Nam kịp họp vào đầu giờ chiều ngày cuối tuần, mới thấy “độ nóng” của sức trẻ lan toả đến người đối diện mạnh như thế nào.

Câu chuyện mà Thông chia sẻ khá đơn giản nhưng rồi hấp dẫn, lôi cuốn người nghe lúc nào không hay. Ba mươi tuổi, Thông được đề bạt giữ vị trí then chốt tại một công ty toàn cầu, chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý thương hiệu, lập chiến lược hỗ trợ bán hàng, tiếp thị, quảng cáo và trực tiếp điều hành phòng marketing với 36 nhân viên.

Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế, Thông đầu quân về Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, sau đó là Vinamilk, P&G ở Thái Lan. Tính đến thời điểm này, sau 8 năm ra trường, Thông đã có kinh nghiệm làm việc tại nhiều công ty trong nước cũng như tập đoàn đa quốc gia. Thú vị hơn khi chàng trai sinh năm 1986 này cũng đã từng là đồng sáng lập và sở hữu một công ty thương mại điện tử chuyên về ngành trang trí nội thất.

Hoạch định mục tiêu cá nhân

Trao đổi với Thông liên quan đến vấn đề nhảy việc của cá nhân và sau đó là quan điểm của anh khi nhân viên, cộng sự vừa quen việc lại có ý định đi nơi khác, Thông cho rằng nhảy việc là điều không mới với giới trẻ nhưng quan trọng là nhảy như thế nào để đó là bước nhảy tiến. Trước khi quyết định nhảy thì phải có câu trả lời cụ thể: “Đó có phải là bàn đạp giúp bản thân tiến bước đến gần mục tiêu cá nhân hay không”.

Hãy cân nhắc xem mình có thể học được những gì ở chỗ cũ, học được những gì ở nơi mới, nếu chỗ mới thực sự tốt hơn thì quyết định nhảy việc là điều cần khuyến khích. Ở vai trò quản lý, chuyện đào tạo nhân sự và đối diện với việc nhân sự thay đổi là chuyện thường ngày. Công việc của người quản lý là làm việc với con người, nhân sự có thay đổi cũng là cơ hội cho người quản lý thử thách vai trò của mình.

* Thông là tuýp người yêu thích cái mới?

– Cũng tuỳ. Trong công việc, tôi thấy hứng thú với các chiến dịch mới và những gì chưa có quy trình. Tôi yêu thích và muốn gắn bó lâu dài với nơi làm việc cho tôi cảm giác như đang học một văn bằng thứ hai. Còn trong cuộc sống, tôi lại cảm thấy hài lòng với những gì thuộc về thói quen, chẳng hạn như tôi thường đọc đi đọc lại một quyển truyện yêu thích, mặc đi mặc lại một màu áo mà cảm thấy thoải mái.

* Thông có thể chia sẻ về hành trình làm thuê trước khi đến vị trí điều hành cấp cao tại Lazada Việt Nam khi vừa 30 tuổi?

– Tôi đi làm 8 năm và trải qua khoảng 8 công ty, như vậy chắc cũng được xem là nhảy việc (cười). Nhưng như tôi chia sẻ, trước khi đến một công ty mới, tôi luôn tự đặt câu hỏi ở nơi mới tôi sẽ học được gì hơn so với nơi cũ. Có thể nói, tôi may mắn được làm việc với nhiều công ty chuyên nghiệp nên thu thập được khá nhiều kiến thức.

Chẳng hạn như lúc làm ở Vinamilk, tôi tham gia trực tiếp các chiến dịch Quỹ sữa Việt Nam, ba ly sữa mỗi ngày, hay khi làm ở P&G Thái Lan, là một trường học rất bài bản về truyền thông, xây dựng thương hiệu từ ngay chính dữ liệu khách hàng. Hay như tại Lazada Việt Nam, tôi đã đi từ vị trí thấp nhưng may mắn là đã có điều kiện đi nhanh, để trước khi giữ vai trò điều hành, tôi đã làm việc qua hầu hết các phòng ban trong bộ phận marketing.

Tôi nghĩ đó là một trong những điểm mạnh giúp tôi được Tập đoàn chọn. Tôi hiểu rõ vai trò và cách làm việc của các bộ phận tôi đang điều hành vì đã trải qua các vị trí này. Thêm vào đó là những gì mình làm đều tạo ra những thay đổi, kết quả thấy được qua bảng báo cáo bằng con số. Tôi cũng cần cộng sự như thế, nên tuyển nhân viên theo tiêu chí linh động, nhiều năng lượng, vì ngành thương mại điện tử thay đổi rất nhanh, phải luôn biết cách thử và điều khiển cái mới.

* Sau thời gian dài làm tại Lazada, Thông đã học được những gì và đến giờ còn thấy mình vẫn được học?

– Vẫn vừa làm vừa học. So với những công ty thương mại lớn nhất trên thế giới thì mình còn thua, cho nên phải biết dựa vào đâu để lập nên cái chuẩn mà so sánh và phấn đấu. Từ tháng 4/2016, Lazada Việt Nam đã có sự góp sức của ông khổng lồ Alibaba, cùng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ, tôi thấy Lazada Việt Nam đang có những bước tiến nhanh.

Năm 2015, trong vòng 4 ngày với chiến dịch Cách mạng mua sắm, Lazada Việt Nam đạt doanh thu khoảng 4,2 triệu đô la Mỹ. Tương tự, năm 2016, chỉ trong vòng một ngày (11/11), chiến dịch này đã đạt 6,6 triệu USD, tăng gần gấp rưỡi so với toàn chiến dịch năm ngoái. Nhưng nếu so sánh với 17,6 tỷ USD mà Alibaba đạt được cũng trong ngày 11/11/2016 thì quá thấp. Cho nên đó là những điều mà mình cần phải tiếp tục học hỏi.

Thương mại điện tử không chỉ có việc vận hành trên website mà còn có chuỗi dịch vụ đi kèm, như hàng hóa, giao vận, chăm sóc khách hàng, hậu mãi, đổi trả. Khi người mua sử dụng dịch vụ và cảm nhận tốt về khâu vận chuyển, thanh toán mới là quan trọng, chứ không chỉ ở sản phẩm và giá cả. Tôi cho rằng Lazada Việt Nam đang đi đúng hướng.

Người tiêu dùng đến với Lazada cần có thời gian thử, cảm nhận rồi đến tin tưởng. Thời gian sắp tới thì việc marketing của Lazada cũng như thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam sẽ rất khác. Đã đến lúc phải kết hợp với nhiều thương hiệu lớn, phối hợp nhiều hơn marketing truyền thống để hỗ trợ cho các chương trình từ TVC, billboard ngoài trời và cùng sử dụng nguồn tài nguyên marketing của đối tác.

Còn nếu đứng mỗi một mình sẽ không thể nào đủ sức. Kết hợp, tận dụng sức mạnh của nhau cũng như khai thác tối đa tính ưu việt của từng công cụ truyền thông, quảng bá, tôi tin sẽ mang lại kết quả cao trong thời buổi phải chạy đua với thời gian.

* Sẽ không phiền nếu Thông chia sẻ thêm về công ty riêng?

-Start up này là một công ty thương mại điện tử bán đồ trang trí nội thất, hiện vẫn đang hoạt động tốt. Công ty cũng đã có showroom. Nhưng tôi chỉ giữ một phần nhỏ gọi là cổ đông sáng lập. Chính việc mở công ty này là bước đệm để ngày hôm nay tôi có thể làm tốt tại Lazada.

Tổng hợp và tối giản

Học quản trị kinh doanh Trường Đại học Kinh tế, nhảy việc có chọn lọc, xây dựng và phát triển một công ty start up để được trải nghiệm nhiều hơn nữa, có thể thấy Thông tự xây dựng kiến thức từ việc cọ xát thực tiễn. Ba mươi tuổi, Thông đã khẳng định vai trò cá nhân ở lĩnh vực thương mại điện tử tại một tập đoàn đa quốc gia với hơn một ngàn nhân viên. Những con số tăng trưởng của Lazada Việt Nam trong thời gian gần đây cũng phần nào khẳng định công thức Thông thực hiện đang giải được bài toán khó.

* Lịch làm việc mỗi ngày của Thông?

7 giờ 30 đến 8 giờ 30: gym và ăn sáng.

9 giờ: xem lại lịch công việc trong ngày, xử lý email.

10 giờ: nhận báo cáo kinh doanh đầu ngày và báo cáo tổng kết ngày hôm trước.

11 giờ: gặp các trưởng bộ phận cập nhật tình hình.

12 giờ: ăn trưa tại văn phòng cùng đồng nghiệp hoặc ra ngoài cùng đối tác.

13 giờ: trao đổi với các phòng ban liên quan về diễn biến của các chiến dịch và hoạt động thương mại.

14 giờ: quan sát thị trường.

15 giờ: trao đổi với văn phòng cấp khu vực, cập nhật tình hình và kế hoạch mới.

16 giờ: họp giao ban cập nhật tình hình giữa các cấp quản lý.

17 giờ đến khi nào hết việc: xử lý các công việc tồn đọng, xem xét kết quả kinh doanh trong ngày.

* Ngắn gọn nhất, làm marketing tại Lazada Việt Nam là làm gì?

– Làm cho người tiêu dùng Việt Nam biết, thử, tin tưởng, yêu thích và thường xuyên mua sắm tại Lazada.

* Vai trò của marketing trong sự phát triển của Lazada Việt Nam?

– Marketing là một trong những bộ phận quan trọng nhất đóng góp vào sự phát triển của Lazada, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh và tăng trưởng thông qua truyền thông, chương trình khuyến mãi, quảng cáo trực tuyến.

* Ở Lazada, KPI để đo thành công một chiến dịch marketing được xây dựng như thế nào?

– Doanh số bán và số khách hàng mua hàng trên Lazada là những chỉ tiêu cơ bản nhất. Song song đó là những chỉ tiêu về hiệu quả marketing, như chi phí để tìm kiếm một khách hàng mới, chi phí marketing trên tổng doanh thu (ROI).

* Quan điểm cá nhân về phong trào khởi nghiệp của các bạn trẻ?

– Khởi nghiệp là một trường học lớn, mang lại nhiều thử thách và trải nghiệm thú vị. Việc trang bị cho bản thân một bệ phóng vững chắc về kinh nghiệm, kiến thức, mối quan hệ và nguồn lực là rất quan trọng để khởi nghiệp thành công. Tôi cũng giống như các bạn trẻ, luôn hứng thú với cái mới. Nhưng như chia sẻ, luôn phải đủ tỉnh táo để trả lời một câu hỏi đơn giản, quen thuộc của bản thân: Mục tiêu cá nhân dài hạn là gì? Việc làm này có là bàn đạp để mình tiến lại gần mục tiêu cá nhân không?

Đại dương xanh hay đỏ?

Hiện đang có nhiều quan điểm trái chiều về lĩnh vực thương mại điện tử. Đây có phải là “cuộc chơi” của những công ty có đầy đủ tài lực, trí lực, nhân lực và cả thời gian chịu đựng? Thị trường thương mại điện tử phải chăng luôn đủ không gian cho các công ty trong ngành vẫy vùng? Và cuối cùng, “cuộc chơi” này đã và đang dành cho đối tượng nào?

– Làm việc tại Lazada Việt Nam, cá nhân tôi không quan tâm đến đối thủ. Vì nói một cách đơn giản, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam còn quá rộng, chỉ mới đạt 1% của toàn bộ thị trường bán lẻ.

Tôi chỉ quan tâm phải làm thế nào để người ta biết đến thương mại điện tử và bắt đầu sử dụng cũng như làm quen với nó. Là người đang làm trong lĩnh vực này, quan điểm của tôi hiện nay là tập trung để thay đổi thói quen người tiêu dùng hơn là cố lấy thị phần của đối thủ cạnh tranh, vì tất cả chỉ đang chiếm phần nhỏ.

* Thay đổi thói quen người tiêu dùng, có nghĩa là…

– Người tiêu dùng Việt Nam chưa quen với việc mua sắm trên mạng, mặc dù thời gian họ “sống” trên internet khá nhiều. Có nhiều lý do và đã được nhiều chuyên gia phân tích về hành vi mua sắm này. Nhưng theo tôi, cái chính là họ chưa thật tin và chưa thấy được tính tiện dụng của mua sắm online. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải làm sao cho người tiêu dùng Việt Nam cảm nhận được điều này một cách nhanh nhất. Đó cũng chính là lý do tại sao Lazada Việt Nam có câu “Thảnh thơi mua sắm”.

*Thương mại điện tử đang dần phân chia thị trường theo từng phân khúc khách hàng?

– Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, phần lớn người tiêu dùng vẫn đang ở giai đoạn làm quen. Việc phân chia phân khúc khách hàng chưa thật sự rõ nét, nhưng dần hình thành. Ví dụ khách hàng nhiều tiền tìm kiếm các trang có nhiều sản phẩm nhập khẩu, độc quyền. Có một điều chắc chắn, thương mại điện tử là tương lai gần của ngành bán lẻ.

* Bên cạnh Lazada, Tiki, Adayroi… có phải các trang khác như Chợ tốt, 5S… có hướng đi khác?

– Một bên là mô hình kinh doanh B2C, bên còn lại là mô hình kinh doanh C2C, trao đổi mua bán giữa người dùng với người dùng. Khi các mô hình kinh doanh C2C phát triển có nhiều khách hàng hơn, nhiều đơn hàng hơn, sẽ phải mở rộng kinh doanh và vận hành, kiểm tra nguồn hàng, tồn kho, giao hàng, chăm sóc khách hàng một cách quy mô hơn, lúc này đó chính là hình thức B2C.

Ở Lazada, việc đầu tư và xây dựng mô hình kinh doanh B2C không chỉ là bài toán ở việc nguồn hàng, chất lượng hàng hóa, mà còn là khâu giao vận, kho bãi, chăm sóc khách hàng và các dịch vụ hậu mãi. Khi các nhà bán hàng phát triển theo quy mô lớn hơn, ắt hẳn họ sẽ tìm đến B2C.

Nhưng như tôi đã nói, thị trường này vẫn còn rất rộng, có thể thoả sức thử và sửa sai để đạt được kết quả tốt nhất, trong khoảng thời gian ngắn nhất.

* Cám ơn về những chia sẻ của Thông!

Đầu tư vào marketing, Oppo đang hái quả ngọt khi đe dọa cả Samsung

Công nghệ đã khiến nhiều ngành thay đổi chóng vánh. Và đương nhiên, bản thân ngành công nghệ cũng đổi thay nhanh hơn bao giờ hết. Ngành di động cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Chỉ trong vòng 3 năm, thứ hạng các thương hiệu trên thị trường di động Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng.

Theo thống kê từ GfK, ngôi vương thị phần di động tại Việt Nam vẫn thuộc về Samsung. Thương hiệu đến từ Hàn Quốc ngày càng tỏ ra vượt trội các đối thủ khi tiếp tục mở rộng thị phần, tăng từ hơn 30% năm 2014 lên xấp xỉ 35% trong 5 tháng đầu năm 2016.

Tuy nhiên, vị trí số 2 là mới là tâm điểm của cuộc cạnh tranh, khi chứng kiến “tân binh” OPPO vượt mặt Microsoft (thương hiệu smartphone Lumia, trước đây là Nokia). Mấu chốt nằm ở chỗ, kết quả đã sớm ngã ngũ chỉ sau 3 năm Oppo vào Việt Nam và Nokia về tay Microsoft.

Thị phần di động bao gồm cả điện thoại cơ bản và smartphone. Nguồn: GFK.

Khoảng dăm bảy năm trước, Nokia luôn là cái tên làm mưa làm gió trên thị trường di động tại Việt Nam. Dẫn đầu thị phần trong nhiều năm, người Việt luôn biết đến Nokia với cảm quan thương hiệu có độ bền cao & giá tốt.

Tuy nhiên, sau khi bị Samsung vượt qua vào đầu năm 2012, đặc biệt là sau khi bán mảng di động cho Microsoft năm 2013, thương hiệu điện thoại Nokia dần lu mờ và biến mất.

Thị phần di động của Microsoft nhanh chóng lao dốc sau khi thâu tóm Nokia, từ hơn 26% năm 2014, xuống 15,5% năm 2015.

Năm 2013, khi Nokia bán mảng di động cho Microsoft thì Oppo cũng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Bằng chiến lược gia nhập thị trường tốt, thương hiệu Trung Quốc này đã có bước tăng trưởng rất nhanh chóng.

Trong vòng 3 năm, từ 2014 đến 2016, thị phần của Oppo từ vỏn vẹn 7% đã tăng lên 15,1% (2015) và đạt 21,8% thị phần sau 5 tháng 2016.

Một điểm đáng quan tâm, đó là thị trường di động Việt Nam trong 3 năm qua vẫn tăng trưởng đều đặn. Năm 2015, thị trường tăng trưởng hơn 30%, từ 9,8 triệu máy lên gần 13 triệu máy. Từ đó, có thể thấy Oppo đã phát triển mạnh như thế nào. Con số 15,1% thị phần năm 2015, tương đương với gần 2 triệu điện thoại Oppo đã được bán ra tại Việt Nam.

Oppo “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, kết hợp với 1 chiến lược marketing rất khôn ngoan.

Có lẽ Microsoft/Nokia là nạn nhân lớn nhất của Oppo tại Việt Nam. Đây là hệ quả của vụ thâu tóm không đi đến đâu giữa Microsoft và Nokia. Kết quả là cả mảng smartphone và feature phone của doanh nghiệp này đều thất bại và dần biến mất khỏi thị trường. 5 tháng đầu năm 2016, thị phần di động tại Việt Nam của Microsoft chỉ còn chưa đầy 5%.

Oppo đã làm gì trong 3 năm tại Việt Nam?

Là thương hiệu điện thoại Trung Quốc, nhưng Oppo rất biết cách tấn công thị trường smartphone Việt thông qua việc liên kết với những ngôi sao trẻ “hot” nhất trên thị trường.

Từ năm 2014, người xem truyền hình Việt bắt đầu nhìn thấy Oppo ở khắp mọi nơi, đặc biệt là kênh truyền hình giải trí quốc gia – VTV3.

Oppo trở nên quen thuộc với khán giả với tư cách nhà tài trợ cho các chương trình thực tế/gameshow truyền hình giải trí trên VTV3, như Bố ơi mình đi đâu thế, The remix – Hòa âm ánh sáng (mùa đầu tiên có mặt Sơn Tùng MTP và Tóc Tiên – 2 gương mặt đại diện của Oppo), Táo quân 2015… Tất cả các chương trình này đều rating cao vút.

Năm 2014, bộ phim “Chàng trai năm ấy” (vai chính là ca sĩ Sơn Tùng MTP) do Oppo tài trợ đã “cháy vé” nhiều ngày sau khi ra rạp.

Chàng trai năm ấy

Poster phim “Chàng trai năm ấy”.

Ngoài Sơn Tùng, Oppo cũng kí hợp đồng được với một loạt sao “hot” được giới trẻ thần tượng như Tóc Tiên, Chipu, Hồ Ngọc Hà, Lý Quý Khánh…

Bên cạnh quảng bá là hoạt động phân phối, mạng lưới phân phối của Oppo được đầu tư phát triển khá mạnh với việc hiện diện ở hầu hết các điểm bán lẻ di động, siêu thị.

Xuất hiện với tần suất dày đặc, hãng điện thoại này đã tạo một làn sóng mới mà bất kì marketer nào cũng mong muốn tạo được cho thương hiệu của mình.

Quảng cáo hay việc tài trợ nhiều cho các chương trình trên truyền hình không giúp tăng doanh số trực tiếp. Nhưng sự xuất hiện thường xuyên của một thương hiệu mới như Oppo giúp thương hiệu được nhắc đi nhắc lại trong tâm trí người tiêu dùng.

Và khi đối thủ thất thế (ở đây, rất tiếc cho Microsoft), Oppo đã chiếm lĩnh thị trường, một cách chóng vánh. Thậm chí, ngay cả ông lớn như Samsung có lẽ cũng nên dè chừng “tân binh” vừa lắm tiền vừa khôn ngoan này đi là vừa.

Ý nghĩa thương hiệu: Kim chỉ nam định hướng kinh doanh

Nếu như các chiến dịch truyền thông có thể thay đổi, bản thân sản phẩm thay đổi thì ý nghĩa thương hiệu dường như là bất biến và luôn gắn chặt với thương hiệu.

Khi tìm được một lý do thực sự để tồn tại, hành trình phát triển của một thương hiệu không chỉ có ý nghĩa với những người sáng lập, đội ngũ nhân viên mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến với các đối tượng công chúng mục tiêu khác. Ý nghĩa thương hiệu (Brand Purpose) là điều mà các chủ doanh nghiệp cần xác định rõ, trước khi bắt đầu thực hiện các hoạt động marketing và truyền thông.

Ông Thanyachat Auttanukune (Thann), Trưởng bộ phận marketing của Wirpo Unza, chia sẻ với chùng tôi về chủ đề này.

* Thương hiệu tồn tại vì điều gì? Ông có thể kể tên một thương hiệu đã thành công trong việc lựa chọn “ý nghĩa thương hiệu” cho mình được không? Bí quyết của họ là gì?

Một ý nghĩa phù hợp với thương hiệu đòi hỏi sự nhạy bén và nhận thức sâu sắc về thương hiệu đó. Nó sẽ giúp công việc kinh doanh được tập trung đúng hướng và phát triển đến độ hoàn hảo. Hầu hết những tập đoàn lớn trên thế giới đều sở hữu những thương hiệu giàu ý nghĩa, cho thấy đây là một yếu tố không thể thiếu trong giai đoạn hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày nay.

Dưới đây là một vài ví dụ:

  • Coca-Cola: Trải nghiệm hạnh phúc.

Ông Thanyachat Auttanukune (Thann), Trưởng bộ phận marketing của Wirpo Unza.

Thương hiệu này luôn thành công trong việc tìm ra những cách thức mới mẻ để khơi gợi niềm vui trong số đông khách hàng, trong khi chất lượng sản phẩm gần như không có gì thay đổi.

  • Nike: Nguồn cảm hứng thể thao và sự cải tiến không ngừng cho mọi người.

Những sản phẩm của Nike được sản xuất với mục đích hàng đầu là giúp vận động viên chuyên nghiệp cũng như tất cả những người đam mê thể thao đạt được phong độ tốt nhất. Tính thời trang chưa bao giờ là ưu tiên của Nike.

  • Google: Sắp xếp kho thông tin của toàn thế giới một cách hữu dụng và dễ dàng truy cập ở mọi nơi.

Lợi nhuận của Google đến từ việc bán quảng cáo, điều đó thể hiện sự bám sát ý nghĩa thương hiệu. Khi người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm thông tin, dịch vụ của Google khéo léo đề xuất những quảng cáo phù hợp và hữu ích cho khách hàng.

  • Apple: Tái tạo những trải nghiệm công nghệ tuyệt vời nhất thế giới.

Công ty này đã tái tạo lại nhiều ngành công nghiệp để đặt trải nghiệm của người tiêu dùng làm ưu tiên số 1 thay vì chuyên môn kỹ thuật.

  • Subway: Đồ ăn nhanh tốt cho sức khỏe.

Thực khách dùng bữa ở Subway luôn có cảm giác thực đơn của họ lành mạnh và an toàn hơn hầu hết những chuỗi cửa hàng ăn nhanh khác.

  • Nintendo: Hoạt động dành cho những gia đình năng động.

Ngay từ những sản phẩm đầu tiên, game của Nintendo luôn đi kèm với nhiều hơn một chiếc điều khiển. Kể cả những thiết bị điện tử cá nhân của Nintendo này cũng có khả năng kết nối với những người chơi khác, thể hiện đúng tôn chỉ của hãng: dành cho gia đình.

  • IKEA: Những ý tưởng cải thiện cuộc sống hàng ngày.

Trong quá trình thiết kế sản phẩm, IKEA chú trọng nhất đến yếu tố giá cả. Họ nỗ lực đem đến cho khách hàng những sản phẩm nội thất với mức giá phải chăng, giúp cho việc trang trí nội thất trở nên đỡ tốn kém và dễ dàng hơn, qua đó cải thiện chất lượng sống của con người.

  • Starbucks: Nuôi dưỡng và truyền cảm hứng đến con người – từng người, từng cốc cà phê, từng khu dân cư một.

Bên cạnh giá trị thương hiệu, hệ thống cửa hàng và đội ngũ nhân viên là những điều quyết định thành công của Starbucks. Họ tập trung đầu tư vào việc đào tạo nhân viên và thiết kế không gian quán tạo cảm giác thoải mái nhất cho khách hàng (dù khá tốn kém), thay vì mở quá nhiều chi nhánh, nhưng chất lượng không tốt. Quả thật, với mỗi giao dịch họ tiếp cận tới từng khách hàng, từng cốc cà phê, từng khu dân cư một.

Ý nghĩa thương hiệu sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp xác định một cách dễ dàng hơn việc nào nên làm, việc nào không nên làm.

* Tại sao doanh nghiệp cần phải quan tâm đến “ý nghĩa thương hiệu”, thưa ông?

Khi đứng trước câu hỏi: “Tại sao thương hiệu của bạn tồn tại?”, việc tìm ra một câu trả lời có khả năng thuyết phục và thỏa mãn người tiêu dùng là không hề đơn giản.

Ý nghĩa thương hiệu rất quan trọng, bởi nó trả lời câu hỏi trên một cách khéo léo, qua đó đem về cho doanh nghiệp sự ủng hộ từ những nhóm đối tượng quan trọng (khách hàng, thị trường, cộng đồng,…)

Không chỉ vậy, ý nghĩa thương hiệu cũng chính là kim chỉ nam định hướng kinh doanh, là nguồn cảm hứng để doanh nghiệp mang lại cho cộng đồng những sản phẩm, dịch vụ hoàn thiện hơn. So với những con số khô khan về doanh thu và thị phần thì một ý nghĩa thương hiệu hay thể hiện rõ rệt hơn khả năng thấu hiểu sâu sắc và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, qua đó được đánh giá cao hơn nhiều.

* Vai trò của “ý nghĩa thương hiệu trong việc quyết định nhận thức và hành vi lựa chọn của người tiêu dùng như thế nào?

Ý nghĩa thương hiệu rõ ràng sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp xác định một cách dễ dàng hơn việc nào nên làm, việc nào không nên làm. Họ chỉ trả lời câu hỏi đơn giản “Liệu bước đi này có theo đúng định hướng nhận thức hay không?”, “Chúng ta có đang thảo luận trên cơ sở mối quan tâm của khách hàng hay không?” …

Bản thân ý nghĩa thương hiệu đã bao gồm ba vấn đề chính mà lãnh đạo doanh nghiệp cần quan tâm: (1) Thế mạnh của doanh nghiệp so với các đối thủ là gì? (2) Mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp là gì? (3) Người tiêu dùng/cộng đồng đang cần gì? Doanh nghiệp có thể giúp gì cho cuộc sống của họ?

* Những yếu tố nào doanh nghiệp cần quan tâm trong quá trình lựa chọn ý nghĩa thương hiệu?

Ý nghĩa thương hiệu hoàn toàn có thể bị lấy mất nếu như một thương hiệu thất bại trong việc cải tiến và thực hiện những giá trị mà họ cam kết.

Đầu tiên, doanh nghiệp cần định rõ họ quan tâm và muốn đóng góp vào lĩnh vực nào trong đời sống của người tiêu dùng, ví dụ như: y tế – sức khỏe, giáo dục, phát triển bền vững… Trong quá trình xem xét, sự nhạy bén và thấu hiểu thị trường sẽ cho thấy, liệu lĩnh vực mà doanh nghiệp quan tâm có tương đồng với mối quan tâm của người tiêu dùng hay không? Sau đó, doanh nghiệp cần đánh giá xem họ có đủ khả năng để đem lại những giá trị mà họ cam kết hay không. Một người lãnh đạo doanh nghiệp cần suy nghĩ một cách thấu đáo về mục đích kinh doanh của họ, bên cạnh lợi nhuận tài chính.

Khởi nguồn chiến lược Marketing

* Theo ông, việc xác định ý nghĩa thương hiệu nên nằm ở đâu trong quá trình hoạch định và triển khai chiến lược marketing?

Chiến lược marketing cần được xây dựng dựa trên ý nghĩa thương hiệu, bởi không giống như một chiến dịch truyền thông thay đổi qua từng năm, ý nghĩa thương hiệu gần như bất biến và gắn liền với thương hiệu. Tuy nhiên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tìm ra những ý kiến hoặc nguồn cảm hứng mới có khả năng làm rõ và tăng sức mạnh cho ý nghĩa ban đầu. Mục đích của marketing chính là nhằm đạt được ý nghĩa đó.

* Những mối quan tâm của xã hội không ngừng thay đổi, vậy cần điều chỉnh ý nghĩa thương hiệu như thế nào để giữ được tính thống nhất nhưng vẫn theo kịp xu thế?

Những thương hiệu thường đánh giá và điều chỉnh hoạt động kinh doanh vài năm một lần để phù hợp với thị trường và các xu hướng. Ý nghĩa của thương hiệu cũng có chu kỳ như vậy.

Tuy nhiên, sản phẩm hay dịch vụ có thể bị thay đổi rất nhiều, thậm chí loại bỏ hoàn toàn, dựa trên sở thích của khách hàng và nhu cầu kinh doanh, còn ý nghĩa của thương hiệu thì không. Cách giải thích và áp dụng ý nghĩa thương hiệu qua mỗi thời kỳ có thể khác nhau, nhưng bản chất của ý nghĩa đó thì không thay đổi. Coca-Cola là một điển hình, ý nghĩa của thương hiệu này vẫn luôn chỉ xoay quanh hai chữ “hạnh phúc” trong suốt bao nhiêu năm qua. Tuy nhiên, qua thời gian họ cũng luôn đổi mới, mở rộng: hạnh phúc là sẻ chia, là kết nối, là thể hiện cảm xúc… Nó cũng giống như bản chất của con người không thay đổi, nhưng chúng ta có thể luôn tiến bộ để trở thành một con người tốt hơn.

* Trong một chiến dịch marketing, việc những đối thủ cạnh tranh bắt chước sản phẩm của nhau là không hiếm. Ý nghĩa thương hiệu liệu có thể bị sao chép, vay mượn như vậy không? Điều gì khiến một ý nghĩa thương hiệu trở nên độc đáo và duy nhất?

Cũng như bất kỳ một yếu tố nào khác trong marketing (vị trí, dòng sản phẩm, màu sắc chủ đạo …), ý nghĩa thương hiệu hoàn toàn có thể bị lấy mất nếu như một thương hiệu thất bại trong việc cải tiến và thực hiện những giá trị mà họ cam kết. Có ba yếu tố mà doanh nghiệp cần theo sát để bảo vệ ý nghĩa thương hiệu khỏi các đối thủ.

Không giống như một chiến dịch truyền thông thay đổi qua từng năm, ý nghĩa thương hiệu gần như bất biến và gắn liền với thương hiệu.

1. Sự liên tục. Nó thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong việc thực hiện ý nghĩa thương hiệu mà họ đã đề ra. Chính khách hàng sẽ đánh giá việc doanh nghiệp có “thống nhất một cách đáng tin cậy” hay họ luôn “thay đổi xoành xoạch” và không tập trung vào ý nghĩa ban đầu.

2. Sự nhạy bén trong tầm nhìn. Để giữ được sự liên tục, tầm nhìn của doanh nghiệp cũng luôn phải nhạy bén trước những thay đổi dù nhanh hay chậm của khách hàng. Sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động của người tiêu dùng khởi nguồn từ những kiến thức mới, những biến động trong cuộc sống và cả tác động từ những đối thủ cạnh tranh. Doanh nghiệp sẽ thất bại nếu như không cập nhật và bám lấy những đánh giá không còn chính xác.

3. Hiện thực hóa ý nghĩa thương hiệu. Điều tệ nhất một doanh nghiệp có thể làm là liên tục tuyên truyền về sứ mệnh của họ, nhưng không thể hiện bằng hành động hoặc “nói một đằng làm một nẻo”. Sau khi đã thu hút được người tiêu dùng về ý nghĩa của thương hiệu, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải thực hiện nó.

* Ý nghĩa thương hiệu có thể được truyền tải qua những kênh truyền thông như thế nào, thưa ông?

Nếu chúng ta chỉ in ý nghĩa thương hiệu lên những tờ rơi, banner quảng cáo mà không giải thích chúng cho người tiêu dùng thì không có ý nghĩa gì cả. Lý tưởng nhất là chúng ta tìm cách truyền tải một cách khách quan, tức là từ các khách hàng đã trực tiếp sử dụng sản phẩm hoặc tương tác với nội bộ doanh nghiệp truyền miệng, lan tỏa tiếp tới bạn bè của họ.

Trong quá trình truyền thông, doanh nghiệp phải làm việc thông qua những cơ quan, đối tác khác nhau, điều đó chắc chắn sẽ khiến luồng thông tin trở nên phức tạp và khó kiểm soát. Một vài lưu ý sau đây sẽ giúp cho việc truyền thông được rõ ràng và mạch lạc hơn.

1. Tạo ra một bộ hướng dẫn về ý nghĩa thương hiệu. Vạch ra cụ thể ý nghĩa mà doanh nghiệp hướng đến, đặt nó trong những tình huống khác nhau. Viết ra cụ thể sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp không bị chệch hướng.

2. Thường xuyên trao đổi về ý nghĩa thương hiệu. Nếu không giao tiếp với nhau hiệu quả, việc hiểu lầm và diễn đạt sai là không thể tránh khỏi. Trao đổi đều đặn về ý nghĩa thương hiệu không chỉ giúp tăng sự thấu hiểu mà còn tạo điều kiện phát triển những ý tưởng mới trong những chiến dịch truyền thông sau.

3. Làm một tấm gương thực hiện ý nghĩa thương hiệu. Việc này có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Ban điều hành, lãnh đạo doanh nghiệp nên chủ động dẫn dắt quá trình này. Ví dụ như khi lựa chọn đồ ăn lành mạnh làm ý nghĩa của thương hiệu, lãnh đạo doanh nghiệp nên trở thành một hình mẫu, hạn chế ăn đồ ăn vặt, tạo niềm tin và tác động tốt đến nội bộ thương hiệu.

* Xin cảm ơn ông!