Monthly Archives: May 2017

CEO 30 tuổi – 6 bằng sáng chế: Đừng để nghèo khó cản bước bạn

Xuất thân với bàn tay trắng, giờ đây Tony Hoàng đã có trong tay 6 bằng sáng chế khoa học và là CEO của một startup do anh sáng lập.

Tony Hoàng là người sáng lập kiêm CEO của Advanced Modular Instruments (AMI), một công ty chuyên cung cấp những công cụ nghiên cứu kỹ thuật số với tốc độ nhanh và hiệu quả cho các nhà khoa học. Tony đã thành lập công ty này vào tháng 12/2016, trong khi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ hóa học ở Đại học Albany (New York).

Tony là sinh viên có nhiều bằng sáng chế nhất của Đại học Albany, với 6 bằng sáng chế đang được thẩm định. Anh từng giành giải thưởng trị giá 17.000 USD trong cuộc thi ý tưởng kinh doanh Blackstone Launchpad của trường Albany. Tony còn được đề cử vào Danh sách “40 Under 40” của tạp chí kinh doanh Albany Business Review, và là người nhận giải thưởng Doanh nhân Khởi nghiệp Công nghệ năm 2017 của tạp chí này.

Dưới đây là tự thuật của Tony Hoàng:

Gia đình tôi di cư từ Huế sang Hoa Kỳ khi tôi chỉ mới 4 tuổi. Tôi thích thú với việc trở thành một nhà sáng chế từ khi xem chương trình “Bill Nye the Science Guy” (Nhà khoa học Bill Nye) trên kênh truyền hình PBS, và tìm sửa chữa lại các thiết bị điện tử bị hỏng mà bố mẹ tôi mua về tại các cửa hàng giá rẻ.

Từ những ngày thơ ấu thích mày mò và khám phá, giờ đây tôi đã có thể hiện thực hóa ý tưởng xây dựng một dự án sản xuất công nghệ cao. Tôi hiện đang thử nghiệm các sản phẩm đầu tiên của chúng tôi với khách hàng, nói chuyện với các nhà đầu tư và thậm chí có cơ hội giới thiệu công ty của mình tại hội nghị thượng đỉnh Forbes 30 Under 30 hồi năm 2016 ở Boston.

Nhớ lại hành trình kinh doanh của mình, tôi không thể không nghĩ đến tất cả những lời khuyên và sự cố vấn mà tôi đã nhận được, đặc biệt là từ chương trình Blackstone Laucnhpad và các giáo sư tại trường Albany. Ngoài ra, tôi cũng có nhiều động lực tự thân giúp tôi đạt được mục tiêu của mình. Tôi muốn câu chuyện của mình là một ví dụ tham khảo cho những sinh viên khác, những người đang có một ý tưởng tuyệt vời, nhưng lại cảm thấy thiếu các nguồn lực xung quanh để giúp họ thành công.

Dưới đây là một số điều cần nhớ:

1. Đừng để sự nghèo khó cản trở bạn

Gia đình tôi di cư sang Hoa Kỳ vào cuối những năm 80. Lúc mới đặt chân lên đất Mỹ, chúng tôi không có gì trong tay cả. Gia đình tôi sống qua ngày nhờ vào các khoản phúc lợi xã hội và tôi vẫn còn nhớ như in rằng khi còn nhỏ, tôi từng phải xếp hàng để chờ tới lượt đổi tem phiếu trợ cấp và nhận lại sữa bột.

Cha mẹ tôi luôn nhấn mạnh rằng việc học hành sẽ giúp tôi nên người, do đó tôi đã chăm chỉ nghiên cứu trong khi những đứa trẻ khác chỉ mải chơi. Tôi là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân.

Không chỉ dừng lại ở đó, tôi hiện đang hoàn thành bằng Tiến sĩ về hóa học. Tôi từng phá vỡ kỷ lục về bằng sáng chế thẩm định dành cho sinh viên tại Đại học Albany, và cũng đã khởi nghiệp một công ty công nghệ sinh học của riêng mình. Tôi làm được điều này không chỉ bởi vì tôi yêu khoa học mà còn vì tôi muốn con cháu họ Hoàng biết rằng chúng có thể làm bất cứ điều gì chúng muốn nếu có sự chăm chỉ và tập trung. Nền tảng gia đình và khát khao đạt thành tựu là động lực để tôi thành công.

2. Xác định các cơ hội tiềm ẩn để học hỏi kỹ năng mới

Tôi lớn lên trong cảnh nghèo khó, và gia đình tôi luôn phải cân đong đo đếm tiền ăn uống hàng ngày. Nếu chúng tôi có phải mua bất cứ thứ gì không phải là thức ăn, chúng sẽ luôn là hàng second-hand, không bao giờ là đồ mới!

Bố mẹ tôi mua tất cả mọi thứ từ cửa hàng từ thiện Goodwill, và tôi đã phát triển khả năng sửa chữa nhờ vào những thiết bị điện tử hỏng mà bố mẹ mang về nhà. Tôi làm thế không phải vì tôi muốn sửa chữa chúng, mà vì muốn gia đình mình cảm thấy rằng hàng xóm có thứ gì, chúng tôi cũng có thứ đó.

Đó là những kỹ năng sau này đã giúp tôi định hình cách xây dựng các công cụ khoa học cho AMI mà tôi đang chờ được cấp bằng sáng chế. Những kỹ năng ấy đã cho tôi một lợi thế chiến lược trong sự nghiệp kinh doanh của mình, cũng như giúp tôi tiết kiệm rất nhiều trong quá trình trưởng thành của mình.

3. Hãy theo đuổi giấc mơ thời thơ ấu

Tôi vẫn nhớ khi mình còn nhỏ, thu nhập của gia đình tôi không khấm khá như những người hàng xóm, do vậy truyền hình cáp là lựa chọn nằm ngoài tầm với. Thay vào đó, bố sẽ chở tôi đến thư viện địa phương hàng ngày và tôi sẽ dành hàng giờ để đọc sách về khoa học và công nghệ. PBS và thẻ thư viện không chỉ là nguồn giải trí của tôi, mà còn là nguồn cảm hứng giúp tôi trở thành một nhà khoa học.

Bây giờ, không chỉ sắp hoàn thành tấm bằng tiến sĩ, tôi còn là nhà sáng lập của một công ty công nghệ sinh học.

Những gì tôi đã nhận ra dù bạn có nhiều nguồn lực trong tay tới đâu, thì ham muốn thành công của bản thân mới là thứ tạo ra điều khác biệt. Hãy độc lập. Hãy tự tin. Hãy sẵn sàng đi ngược lại các lề thói.

Albert Einstein đã từng nói, “Người nào đi theo đám đông thường không đi xa hơn đám đông. Nhưng người nào dám đi một mình có thể sẽ tìm thấy những nơi chưa ai từng đặt chân đến.”

5 thói quen phải có để bứt phá mọi lĩnh vực

Người giàu có khác nhau về ý tưởng, khác nhau về quy trình và thậm chí là cách tư duy của họ cũng không tương đồng, thế nhưng có một thứ cố định ở nhiều người giàu, chính là thói quen.

Xa rồi những ngày người giàu và thành công là những người đi làm thuê với mức lương cao, giàu theo cách truyền thống. Giờ đây, những người giàu trên thế giới đều tự làm việc cho chính bản thân mình, họ xây dựng ước mơ, mở mô hình kinh doanh và sẵn sàng đương đầu với thử thách.

Tất nhiên, mỗi người giàu lại có cách thức riêng để giàu, nhưng họ có những điểm chung mà người bình thường ít sở hữu. Nếu muốn biến giấc mơ thành hiện thực, xoá bỏ đói nghèo và trở thành người giàu, có lẽ bạn nên học tập theo những thói quen này, đưa nó vào một phần của cuộc sống.

1. Đọc thật nhiều

Nhiều người lấy ví dụ về những người giàu có ít đọc sách, bạn có nhận thấy họ là thiểu số không? Đại đa số người giàu đều đọc sách nếu không muốn nói là đọc rất nhiều. Không phải những cuốn chuyện ngôn tình 3 xu hay những loại tiểu thuyết sến sẩm mà giới trẻ hay đọc, người giàu đọc những cuốn sách thực tế hơn để hiểu hơn về thế giới cũng như những gì diễn ra xung quanh mình.

Họ coi những cuốn sách với nội dung giáo dục người đọc là bạn đồng hành, họ tích luỹ những kiến thức bên trong đó và rồi đôi khi áp dụng hoặc biến tấu nó trong đời thực.

Từ sách kinh doanh, những bài học thành công hay thậm chí là những cuốn sách hướng dẫn ăn ra sao cho khoẻ mạnh, nó đều giúp ích bạn trong quá trình gặt hái thành công. Thế giới quá rộng lớn, kiến thức như đại dương, hãy trang bị chính mình để chuẩn bị cho những điều sắp tới.

2. Nghiên cứu, tìm tòi công nghệ mới

Khi cả thế giới chạy đua công nghệ, nếu bạn muốn giàu bạn cần phải đi trước hoặc ít ra cũng phải bắt kịp thời đại. Đi trước có lẽ sẽ là điều phức tạp do tuỳ vào kiến thức cùng khả năng nghiên cứu mà chúng ta đôi lúc đi vào ngõ cụt. Thế nhưng, hiểu những công nghệ đang hiện hữu, áp dụng nó vào công việc hoặc sử dụng nó để giải quyết khó khăn sẽ là điều nên làm.

Đôi khi, có những ý tưởng được sinh ra nhưng rào cản công nghệ khiến nó nhanh chóng dập tắt, đừng để điều này xảy ra với bạn.

3. Biết về một thứ thôi là không đủ

Hãy nhìn những triệu phú hay tỷ phú trên thế giới, họ hiểu rất rõ những gì mình làm từ trong ra ngoài. Thế nhưng, đó không phải là tất cả, tầm hiểu biết của họ rộng hơn thế rất nhiều.

Nếu muốn giàu có, thành công đột phá, bạn phải hiểu thêm về cả những thứ có liên quan tới việc bạn đang làm. Nếu chỉ mãi hiểu về một thứ, làm về một thứ, sự giàu có của bạn luôn bị giới hạn. Thế nhưng, nếu hiểu biết nhiều, bạn có thể tận dụng nó để phát triển thêm chân nhánh, mở rộng mô hình kinh doanh, đây mới là thứ mang về cho bạn nguồn thu lớn.

4. Đừng theo đuổi tiền, hãy theo đuổi giấc mơ và tiền sẽ tự đến

Hãy nhìn những tỷ phú nổi tiếng như Warren Buffett, Bill Gates hay Mark Zuckerberg, liệu có thêm 1 tỷ hay 10 tỷ USD nữa có làm họ thoả mãn? Chắc chắn là không rồi, những gì họ nhắm tới lớn hơn rất nhiều, đó chính là quyền lực, sự ảnh hưởng xã hội cũng như khả năng thay đổi thế giới. Nếu làm việc chỉ nghĩ tới tiền, bạn sẽ không đi xa được đâu.

Hãy xây dựng giấc mơ của mình, cho dù nó là gì đi nữa. Nếu đạt được, hãy mở rộng nó và biến nó thành thứ có ích cho xã hội, cho cộng đồng. Hãy tạo ra những thứ có thể giúp ích cho mọi người và bạn có thể thoải mái thu tiền từ nó mà không cảm thấy tội lỗi.

5. Tối ưu hoá hết mức thời gian

Những câu chuyện về triệu phú, tỷ phú hay mô tả một người làm việc thâu đêm, quên ăn quên ngủ. Tất nhiên, bạn không cần phải làm những thứ đó, và có khi chưa chắc nó đã giúp bạn giàu hơn.

Thế nhưng, tối ưu hoá thời gian lại là chuyện khác. Khoảng thời gian của chúng ta đều giống nhau, sử dụng chúng ra sao để có hiệu quả lớn hơn là điều bạn cần làm. Đôi khi hãy tham lam một chút, tính toán một chút để có thể từ bỏ được những điều tiêu tốn quá nhiều thời gian mà hiệu quả không tương đồng. Một khi tối ưu hoá, làm chủ được thời gian bản thân, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống.

CEO 28 tuổi – Đồng sáng lập 3 chuỗi cà phê Việt

CEO tuổi 28 Nguyễn Hàm Tiến Thành có 8 năm khởi nghiệp, là đồng sáng lập 3 chuỗi F&B đình đám là Coffee Gemini, Coffee Bike và ETO Coffee.

Dám từ bỏ 2 ngôi trường Đại học danh tiếng để theo đuổi đam mê kinh doanh; trải qua vô số khó khăn, áp lực cấm cản từ gia đình, chặng đường khởi nghiệp của CEO sinh năm 1989 Nguyễn Hàm Tiến Thành đã khẳng định một triết lý: Cuộc sống là một chuyến hành trình, thường khó khăn và đôi khi tàn nhẫn không ngờ. Nhưng chúng ta đều được chuẩn bị tốt cho nó nếu chúng ta biết nắm lấy tài năng của bản thân và cho phép chúng nảy nở.

28 tuổi, 8 năm khởi nghiệp với 5 công ty/dự án được sáng lập và hoạt động trên 12 tháng: Happy Media, Vlog Plus, Thik, Suki, Sướng. Tham gia đồng sáng lập 3 chuỗi F&B (ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống) là Coffee Gemini, Coffee Bike, ETO Coffee. Nguyễn Hàm Tiến Thành hay ông “Sướng”, Thành Happy, Thik.. là cái tên không còn xa lạ trong cộng đồng Startup Việt.

8 năm khởi nghiệp với vô số vấp ngã. Nhưng đôi khi, thành công không chỉ là cố gắng trở nên hoàn hảo mà là hành động để khiến ngay cả những sai lầm lớn nhất của bạn cũng trở nên đúng đắn, thành công không phải bữa tiệc một đêm mà là sự từng trải để chiêm nghiệm cả cuộc đời. Chính nhờ việc tổ chức nhiều sự kiện với nhiều đối tượng khác nhau mà sau này, CEO Nguyễn Hàm Tiến Thành lại có những kinh nghiệm và kỹ năng thực tế khó có thể học được từ một trường lớp nào trong việc tổ chức các không gian với quy mô nhỏ tại các quán cà phê hiện tại – Đem lại cho anh thu nhập 12 tỷ đồng mỗi năm.

* Được biết, anh Thành khởi nghiệp kinh doanh mà không nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình?

– Gia đình tôi cực kỳ phản đối. Số tiền khởi nghiệp là từ việc làm các công việc part-time như phát tờ rơi, gia sư, bán hàng online trên các trang rao vặt.. có khi làm 8 công việc trong một ngày. Từ đó mà mỗi tháng tích lũy được 5 – 10 triệu mới có thể tự đứng ra kinh doanh.

* “Ổn định” là một tiêu chí luôn được đề cao trong sự nghiệp. Tại sao anh không chọn chuyên tâm ở thương hiệu được đánh giá là khá thành công như Gemini Coffee?

– Với vai trò là người kiến tạo ra những cái mới. Khi sản phẩm đã ổn định, tôi có hai lựa chọn: Một là “chôn chân” ở đó và không bao giờ tạo ra những cái mới. Hai là tìm con đường, hướng đi mới để không ngừng sáng tạo và kiến tạo.

Trong thời gian đầu làm việc, tôi luôn thống nhất với các bạn đồng sáng lập khác về khoảng thời gian làm việc. Như ở Gemini Coffee, tôi thống nhất làm ở đó 9 tháng và thực tế thì chỉ cần 6 tháng là tôi đã sẵn sàng rời Gemini rồi. Sau đó lại tìm kiếm một thử thách mới. Thật ra điều này cũng thuộc về một phần cá tính.

* Việc mở hàng loạt Gemini, Coffee Bike hay sắp tới là ETO trong một thời gian ngắn như vậy dường như là một xu hướng?

– Xu hướng chuỗi là tất yếu. Khi bạn ra đường sẽ nhìn thấy vô vàn các nhãn hiệu, và đôi khi bạn chẳng nhớ cái tên đó là gì cả. Nhưng nếu đầu đường có quán X, giữa đường có quán X và cuối đường cũng có quán X, cả thành phố đó có khoảng 30 quán X thì người ta sẽ nhớ đến cái tên X nhiều hơn. Tác dụng của chuỗi đó là: Độ phủ thương hiệu và độ lọc thương hiệu.

Một buổi sáng đi bộ trên đường Nguyễn Chí Thanh bắt gặp 4 quán Coffee Gemini. Ngày hôm đó bạn nhìn thấy thương hiệu Gemini 8 lần. Càng nhìn thấy nhiều độ “ám ảnh” càng tăng. Không phải ngẫu nhiên mà một con phố có thể có đến tới 3 – 4 cửa hàng cùng một thương hiệu. Câu chuyện là gì: Bạn nhìn vào thương hiệu đó 1 lần bạn không nhớ. Nhìn 5 lần có ấn tượng. Nhìn hàng trăm lần, ở mọi nơi từ quảng cáo truyền hình, trên tờ rơi, khi online Facebook… càng đi vào tâm trí khách hàng lâu hơn. Thương hiệu càng có độ phủ lớn và lặp lại càng nhiều dần dần sẽ trở thành tiềm thức.

Những tập đoàn họ đã làm thương hiệu từ cách đây 10, 20 năm, thậm chí là 30 năm, từ khi kênh phủ chủ yếu bằng truyền miệng như: “Nét như Sony”… Bởi vậy mới nói xu hướng chuỗi là tất yếu.

* Tham gia đồng sáng lập 3 chuỗi cà phê đình đám, điều khiến anh cảm thấy khăn nhất trong quản lý chuỗi? Có phải là vốn?

– Vốn thời gian đầu cũng là một khó khăn. Lúc đó cái gì cũng phải tiết kiệm nhưng đến nay vốn không còn là vấn đề nữa. Khó khăn nhất vẫn là quản trị tính đồng nhất và vận hành chuỗi. Việc quản trị từ 20 nhân viên tới 200 nhân viện trong hệ thống là hoàn toàn khác nhau. Đặc thù của nhân viên part-time là tính gắn bó và trung thành với một tổ chức không cao.

Bài toán đặt ra: Làm sao để ổn định và giữ được chất lượng dịch vụ. Như 14 Gemini Coffee phải là 14 điểm bán chất lượng tốt nhất và đồng nhất từ phong cách, đồ uống tới phục vụ. Bởi chúng tôi làm dịch vụ chứ không bán hàng. Khi làm F&B, dịch vụ tốt là cái lõi để khách hàng trân trọng bạn.

* Khi câu chuyện Coffee Bike được lan tỏa, nhiều người từng hỏi: “Tại sao anh lại chuyển từ Gemini sang Coffee Bike?”

– Thực ra, Coffee Bike phát triển, Gemini cũng hỗ trợ rất nhiều. Mối quan hệ giữa chúng tôi không còn là đối thủ cạnh tranh nữa, mà đã thành đối tác, thành những người bạn trên con đường phát triển Coffee Bike. Tất cả đều nhìn thấy: Kể cả 2 chuỗi có gộp lại với nhau thì vẫn là những thành phần quá nhỏ trên thị trường quá lớn như thế này. Cho nên chúng tôi không việc gì phải cạnh tranh với nhau cả.

Cũng hiếm có một mối quan hệ nào như 3 chuỗi cà phê: Gemini, Coffee Bike, ETO. Khi tôi phát triển bất cứ một chuỗi thương hiệu nào, tôi đều muốn nó trở thành đối tác, trở thành bạn để có thể giao lưu với nhau chứ không còn là đối thủ của nhau nữa.

* Có khi nào anh nghĩ mình sẽ chuyên tâm vào một thương hiệu và ngừng tìm kiếm, phát triển các thương hiệu mới không?

– Tôi nghĩ là mình vẫn còn trẻ, nên là cứ khám phá hết khả năng của bản thân thôi.

Dù đã 8 năm nhưng đối với tôi mọi thứ vẫn là bắt đầu khởi nghiệp. Và dù có là tỷ phú đi chăng nữa thì vẫn phải khởi nghiệp, vẫn phải liên tục cải tiến, đổi mới mình. Mục tiêu của 5 năm tới là giúp Gemini, Coffee Bike và ETO phát triển lên 500 điểm bán tại nhiều thị trường khác nhau. Sắp tới Gemini Coffee sẽ mở 3 điểm bán tại Mỹ. Lớn hơn, tôi muốn cả 3 chuỗi đều phải khẳng định tên tuổi, phải vận hành ít nhất trong vòng 15-20 năm. Rau nào sâu đấy, mỗi thị trường sẽ có những cái riêng mà doanh nghiệp phải linh hoạt. Như KFC ở Việt Nam, ở Châu Á thì có cơm đấy, thị trường khác không có cơm đâu. (Cười)

* Mảnh đất F&B quả thực rất “màu mỡ” và đã được hầu hết các “ông lớn” thâu tóm?

– Mỗi năm có đến 8.000 – 20.000 điểm bán F&B được mở ra tại Việt Nam. Trong đó hầu hết là điểm bán nhỏ lẻ do một vài cá nhân lập ra. Đó là lý do vì sao đối thủ chính của chúng tôi không phải là các chuỗi mà chính là các điểm bán nhỏ lẻ.

F&B là một thị trường đầy tiềm năng. Kể cả 10 năm nữa bạn mới bắt đầu gia nhập thị trường này thì nó cũng vẫn còn rất “màu mỡ”. Chỉ có điều câu chuyện, thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hay thậm chí là bạn có đủ may mắn để cạnh tranh hay không. Theo tôi, đây mới chính là thời điểm tốt nhất để khai thác mảnh đất F&B chứ không phải là 5 năm trước.

* Một lời khuyên của anh dành cho những bạn trẻ đang muốn khởi nghiệp?

1. Đừng nghĩ theo cách mình nghĩ, đừng làm theo cách mình muốn mà hãy làm theo điều khách hàng muốn, đó là điều tôi nhận ra sau 20 quán cà phê.

2. Khởi nghiệp thường có 2 chiều hướng: Một là, đánh giá quá cao năng lực bản thân sinh ra ảo tưởng, bất chấp. Hai là, đánh giá quá thấp năng lực bản thân dẫn đến nảy sinh tâm lý không dám làm, sợ thất bại.

Dù bạn là start-up hay là nhân viên làm thuê, bạn cũng cần định vị đúng năng lực và mong muốn của bản thân. Tự mình đánh giá sai sẽ khiến bản thân bị “lắp” vào những cái không phù hợp.

3. Có động lực để làm những việc nhỏ nhất. Không cần phải khởi nghiệp hay vận hành doanh nghiệp vài chục, vài trăm người, chỉ cần bạn chiến thắng bản thân mình mỗi ngày: Dậy sớm mỗi ngày, thể dục mỗi ngày, học Tiếng Anh mỗi ngày, tạo dựng mối quan hệ mới mỗi ngày, đọc một cuốn sách mỗi ngày.. Thói quen nhỏ sẽ rèn luyện những kỹ năng lớn để khi gặp một sự việc cần quyết định thì bạn đã có sẵn bản lĩnh để đối mặt.

Giả dụ, nếu bạn không học Tiếng Anh, công ty bạn hoạt động 5 năm, năm thứ 6 bạn tìm được một đối tác người Anh rất lớn có thể khiến công ty bạn đổi đời. Nhưng vì ngoại ngữ kém mà bạn mất hợp đồng đó… bạn nghĩ sao? Đó chính là nhân quả, là gieo gặt. Những việc làm nhỏ nhất ngày hôm nay có thể giúp bạn đổi đời bất kỳ lúc nào đó trong tương lai! Biết đâu được!

“Mười năm trồng cây trăm năm trồng người” – Giáo dục không phải chỉ là việc học ở trường mà việc giáo dục tự thân – tự mình giáo dục mình là điều tôi đã theo đuổi 10 năm nay, trước cả khi tôi bắt đầu khởi nghiệp.

Bởi vậy, “cháy hết mình với hiện tại” là câu nói nhiều người cho rằng sáo rỗng nhưng chính là chân lý đối với tôi hiện tại.

* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện rất thú vị! 

Bà Mai Hương Nội từ nhiệm chức danh Thành viên HĐQT tập đoàn Vingroup

Bà Mai Hương Nội từ nhiệm chức danh Thành viên HĐQT tập đoàn Vingroup

Từ nhiệm Thành viên HĐQT tập đoàn Vingroup nhưng bà Mai Hương Nội vẫn giữ chức danh Phó Tổng giám đốc tập đoàn.

Tập đoàn VINGROUP – Công ty Cổ phần (mã chứng khoán VIC ) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc chấm dút tư cách thành viên HĐQT và bổ nhiệm thành viên HĐQT thay thế.

Theo đó, công ty chấm dứt tư cách thành viên Hội đồng quản trị đối với bà Mai Hương Nội theo đơn từ chức gửi đến tập đoàn.

Bà Mai Hương Nội sinh năm 1969 là Thành viên HĐQT của Vingroup từ năm 2012. Ngoài chức danh là Thành viên HĐQT Vingroup, bà Mai Hương Nội còn giữ chức danh Phó Tổng giám đốc tập đoàn.

Vingroup đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Việt Quang làm thành viên Hội đồng quản trị thay thế. Ông Quang sẽ là Thành viên HĐQT mới theo nhiệm kỳ còn lại của Hội đồng quản trị hiện tại.

Nhân viên sẽ cống hiến hết mình cho công việc nếu nhà quản lý nắm được những nguyên tắc cơ bản này

Cách cư xử và thái độ của nhà quản lý sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và năng suất làm việc của nhân viên. Để tăng hiệu suất trong công việc cũng như khuyến khích tinh thần sáng tạo của nhân viên, nhà quản lý nhất định phải nắm được những nguyên tắc cơ bản dưới đây.

1. Tìm hiểu và quan tâm tới nhân viên của bạn

Nhà quản lý nên học cách quan tâm tới nhân viên trong thời gian làm việc tại văn phòng cũng như cuộc sống bên ngoài của họ. Đôi khi một lời động viên, sự quan tâm hay hỏi han cũng sẽ giúp thắt chặt mối quan hệ giữa nhà quản lý và nhân viên.

Điều này sẽ giúp cho nhân viên cảm thấy được trân trọng và hơn hết là sự sự cảm thông và chia sẻ cuộc sống như những người đồng nghiệp. Đừng chỉ biết xây dựng mối quan hệ: sếp, nhân viên và công việc bởi trong chúng ta ai cũng muốn được tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ như những người bạn.

2. Đưa ra những sự khích lệ khi nhân viên làm tốt

Khuyến khích và thúc đẩy những thế mạnh của nhân viên cũng là một cách hiệu quả giúp nhà quản lý gia tăng năng suất làm việc mà vẫn mang lại nhiều lợi ích cho nhân viên của mình. Bất cứ khi nào nhân viên của bạn đề xuất những ý tưởng sáng tạo, hãy lắng nghe và đưa ra sự khích lệ hợp lý để mang lại hiệu quả tốt nhất cho công việc.

Một món quà nhỏ hay lời tán dương trước tập thể cũng là yếu tố khích lệ quan trọng giúp nhân viên hiểu rằng những thành quả của họ được tôn trọng và sẽ nỗ lực cống hiến hơn nữa trong công việc.

3. Xây dựng quy trình làm việc nhóm và vui chơi tập thể

Làm việc nhóm cũng là một cách hiệu quả tăng cường tính đoàn kết và sự hỗ trợ trong công việc của mỗi cá nhân. Nhà quản lý nên đặc biệt đánh giá cao kết quả của team cũng như những cá nhân xuất sắc tiêu biểu trong nhóm. Điều này sẽ giúp cho nhân viên cảm thấy được đánh giá cao bởi những nỗ lực và sự cống hiến của họ trong công việc.

Ngoài công việc, để giúp nhân viên luôn có tinh thần sáng tạo và năng lượng khi làm việc, nhà quản lý cũng nên đặc biệt quan tâm tới đời sống sinh hoạt cũng như các hoạt động tập thể thường xuyên để giúp nhân viên tăng cường tính đoàn kết và giải trí sau những giờ làm việc.

4. Cố gắng lắng nghe những lời thật lòng của nhân viên

Nhân viên sẽ thực sự thoải mái nếu họ dám thẳng thắn chia sẻ với nhà quản lý rằng họ bị quá sức khi làm việc hay áp lực công việc quá lớn. Đây cũng là cách sẽ giúp cho nhà quản lý nắm bắt được khối lượng công việc cũng như mong muốn của nhân viên để đưa ra sự điều chỉnh hợp lý trong cả cách làm việc và vấn đề sắp xếp thời gian.

Đặc biệt, nhà quản lý cũng cần xây dựng một không gian làm việc thoải mái với chế độ nghỉ ngơi hợp lý để nhân viên có đủ sự sáng tạo và đam mê để cống hiến trong công việc.