Monthly Archives: May 2017

Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến: Làm phần mềm cần 10-14h/ngày. Anh chị nào quen làm 5 – 6h ở những nơi khác thì đừng về Fsoft!

Đặt mục tiêu tỷ USD vào năm 2020, Chủ tịch Fsoft cho rằng “Chúng tôi thiếu đúng duy nhất là con người, còn mục tiêu 1 tỷ USD thì không xa xôi gì cả”.

Ngày 20/4, ‘bữa tiệc hàng năm’ của Bộ Công Thương mang tên Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2017, quy tụ các tên tuổi doanh nghiệp Việt làm xuất khẩu, đã diễn ra. FPT, với đại diện FPT Software (tên thường gọi là Fsoft) đến tham dự Diễn đàn với tư cách một đại diện trong ngành xuất khẩu và gia công phần mềm.

Trong phần tọa đàm, Chủ tịch đương nhiệm của Fsoft Hoàng Nam Tiến đã ‘hiến kế’ cho rằng làm phần mềm chính là con đường mà xuất khẩu Việt Nam có thể xem xét đến. Đồng thời, muốn làm được tốt, nhân lực Việt Nam cũng cần chuẩn bị cho mình 2 chữ “trẻ” và “khỏe”.

Xuất khẩu Việt hãy làm gia công phần mềm!

“Từ những sự thay đổi công nghệ trên thế giới, tôi cho rằng việc tập trung vào làm phần mềm, nghiên cứu phần mềm là một hướng đi hoàn toàn có thể lựa chọn” – ông Tiến nhấn mạnh.

Lý giải về nhận định của mình, ông Tiến cho rằng thị trường mà Fsoft đang tham gia được xem là “unlimited” trên thế giới (không có giới hạn về dung lượng thị trường)

“Thống kê 2016, thị trường phần mềm mà FPT có thể làm được lên đến 994 tỷ USD. Đây là thị trường mà chúng tôi hay gọi là “unlimited” (không có giới hạn). Vấn đề giới hạn là năng lực của chúng ta mà thôi”.

Theo lời mô tả của Chủ tịch bộ phận ‘đẻ trứng vàng’ cho FPT, thị trường gia công phần mềm này sẽ còn phình to ra trong tương lai. Ngay lúc này, không chỉ riêng tại Việt Nam mà nếu tính cả hàng triệu kỹ sư phần mềm tại Ấn Độ, Trung Quốc hay ở nhiều nước trên thế giới thì cũng không đáp ứng đủ nhu cầu thế giới.

Ông nói: “Đây là một trong số những ngành mà từ 10 -15 năm nữa sẽ luôn luôn thiếu nhân lực”. Đồng thời, “những khách hàng trong thị trường là những nước giàu nhất thế giới, như các nước Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức… đều cần”

So sánh với tất cả các ngành xuất khẩu chủ lực khác, như lúa gạo, da giày… ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh rằng việc có tên trên bản đồ một ngành có sức tăng trưởng dồi dào như gia công phần mềm chính là một điều hiếm có và may mắn với xuất khẩu Việt Nam.

Nhân lực cần “khỏe”: “Anh chị nào ở một số nơi mà quen làm có 5 – 6 tiếng/ngày thì đừng làm”

Ông Hoàng Nam Tiến cũng nói về yêu cầu của nguồn nhân lực nếu muốn ‘lên đỉnh’ thế giới trong ngành gia công phần mềm này:

“Việt Nam chúng ta có làm được không? Tôi xin trả lời là đến ngày hôm nay, với một trình độ đào tạo không được cao lắm nhưng chúng ta vẫn cho ra được những kỹ sư đáp ứng đủ nhu cầu thế giới”.

Để làm được điều này, nguồn nhân lực của Việt Nam cần đến 2 chữ là “trẻ” và “khỏe”.

Ở điểm “trẻ” thì theo ông Tiến, “ở độ tuổi như tôi ở công ty (48 tuổi – PV) đã được xem là già để làm phần mềm. Nhân sự trong ngành này nói chung là phải trẻ”.

Còn chia sẻ về yếu tố “khỏe”, vị Chủ tịch cũng chia sẻ về yêu cầu khắc nghiệt của nghề làm phần mềm là một ngày cần làm việc từ 10 -14 tiếng thì mới đảm đương được khối lượng công việc.

“Tôi rất xin lỗi nhưng không có ai mà làm 5 – 6 tiếng/ngày mà làm được phần mềm được đâu ạ. Anh chị nào ở môt số nơi mà quen làm 5 – 6 tiếng/ngày thì đừng về làm phần mềm ở Fsoft” – ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ thẳng thắn.

Nói thêm về câu chuyện của Fsoft, ông Tiến thể hiện tham vọng to lớn của mình cũng như của Tập đoàn FPT trong ngành gia công phần mềm. Cụ thể, ông chia sẻ năm 2016 vừa qua, Fsoft chỉ làm được có 230 triệu USD trên tổng số gần 1000 USD dung lượng thị trường. Thế nhưng đến năm 2020, công ty này đã đạt mục tiêu đạt được tới mức rất cao là 1 tỷ USD.

Tuy nhiên theo ông, mục tiêu này là hoàn toàn khả thi. “Chúng tôi thiếu đúng duy nhất là con người, còn mục tiêu 1 tỷ USD thì không xa xôi gì cả” – ông Tiến nói.

Mỗi người Việt Nam đang trả cho Masan 2 USD một tháng

Mỗi người Việt Nam đang trả cho Masan 2 USD một tháng

Lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng con số này quá ít so với nhu cầu chi tiêu hàng tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay, mục tiêu đặt ra là phải để người Việt trả cho Masan 10 USD mỗi tháng.

  • Bá chủ mảng tương ớt sau thương vụ mua Cholimex, nhưng Masan lại đang thất thủ ở cả 2 mặt trận truyền thống là nước mắm & mì gói
  • KKR rót 250 triệu USD vào Masan Group và công ty con sản xuất thức ăn chăn nuôi
  • Sau FPT và Masan, Quỹ đầu tư TPG đầu tư mạnh vào Hệ thống trường Quốc tế Việt Úc

Bức tranh kinh tế 2017 – Những điều cần biết

Các doanh nghiệp đang hoạt động trong một môi trường khắc nghiệt với thị trường toàn cầu biến động từng giờ, nhiều bất ổn kinh tế liên quan đến chính trị làm phát sinh những rủi ro kinh doanh mới. Bên cạnh đó, tiến bộ công nghệ và làn sóng cải cách kinh tế mới từ các nước cũng mở ra những cơ hội chưa từng có cho các doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh.

Có lẽ chưa bao giờ, thành công trong tương lai của một doanh nghiệp lại phụ thuộc nhiều vào sự tương tác giữa các yếu tố bên ngoài và sự nhạy bén của doanh nghiệp trong việc đưa ra những thay đổi chiến lược kịp thời như hiện nay.

PGS.TS. Vũ Minh Khương (trường Chính sách công Lý Quang Diệu – ĐHQG Singapore) nhận định, khi doanh nghiệp đứng trước những đổi thay nhanh chóng được thúc đẩy bởi tiến bộ công nghệ và xu thế thời đại, song song đó là sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ, “căn bệnh tự mãn” chính là một trong những yếu tố gây ra tổn thất lớn. Và để phòng tránh hiệu quả “căn bệnh” này, các doanh nghiệp hàng đầu cần một loại vaccin đặc biệt, đó là sự lo lắng về tương lai và tầm nhìn thôi thúc phải làm nên những thành công lớn hơn nhiều trong tương lai.

Trên thực tế, khi chèo lái con tàu doanh nghiệp trước những con sóng đầy thách thức, các nhà điều hành doanh nghiệp năng động luôn đau đáu những câu hỏi: Triển vọng về những cơ hội do hội nhập kinh tế khu vực mang đến là gì? Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những thách thức nào trong năm 2017? Các nhà điều hành doanh nghiệp có thể bảo vệ hoạt động của họ trên lộ trình theo đuổi lợi nhuận và tăng trưởng như thế nào?

Hội thảo “Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp năm 2017” (The Economic Landscape of Business in 2017) với sự quy tụ của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia tư vấn và CEO hàng đầu Việt Nam, sẽ đưa ra những góc nhìn và lời giải đáp cho những câu hỏi trên theo 3 khía cạnh:

– Những xu thế chiến lược trong bức tranh kinh tế toàn cầu và Việt Nam

– Chiến lược tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam

– Nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức: Bài học từ những doanh nghiệp điển hình

Họp báo công bố Hội thảo “Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp năm 2017” hôm 27/2/2017

Hội thảo diễn ra lúc 14 – 19h, thứ Bảy ngày 15/4/2017 tại Hội trường Thống Nhất – TP.HCM. Trong số 500 khách tham dự là CEO doanh nghiệp, chuyên gia, học giả trong và ngoài nước, nhiều nhân vật đã được biết đến với uy tín cao trong lĩnh vực hoạt động của mình, như: PGS. TS. Vũ Minh Khương; GS. John Behzad (thuộc Đại học Công lập California, Hoa Kỳ); TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tiến sĩ kinh tế của Trường Đại học Quốc gia Australia (ANU); TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk); ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco); bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Traphaco; ông Mai Hữu Tín – nguyên Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam khoá IV (nhiệm kỳ 2011-2014), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư U&I…

Hội thảo là sự quy tụ và tương tác giữa các chuyên gia kinh tế, học giả và doanh nhân để có một cái nhìn tổng thể về Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp 2017, từ đó đúc kết những kinh nghiệm, những nghiên cứu để trình các nhà hoạch định chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Thông qua Hội thảo, các bên sẽ cùng xem xét tình hình hiện tại của nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Việt Nam để tìm ra những phương thức giúp doanh nghiệp Việt bảo vệ hoạt động và duy trì sự tăng trưởng bền vững trước bối cảnh đầy thách thức hiện nay.

Tìm hiểu thêm thông tin Hội thảo và đăng ký tham dự tại địa chỉ: http://buctranhkinhte.uel.edu.vn/

Kinh phí tham dự:

– Trước ngày 25/3/2017: 500.000 đ/khách tham dự (Đăng ký và chuyển khoản)

– Từ ngày 26/3/2017 – 5/4/2017: 700.000 đ/khách tham dự (Đăng ký và chuyển khoản)

– Từ ngày 6/4/2017 – 14/4/2017: 1.000.000 đ/khách tham dự (Có thể đóng tiền trực tiếp tại Hội thảo)

11 nơi dễ tìm việc nhất thế giới năm 2017

Một khảo sát mới đây của ManpowerGroup Outlook về tình hình việc làm trên toàn cầu cho biết, có 39 trong số 43 quốc gia dự định tăng đáng kể số lượng nhân viên. Phần lớn các quốc gia này đến từ khu vực Đông Âu và châu Á.

Dưới đây là 11 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong năm 2017, theo kết quả khảo sát trên.

1. Đài Loan

Đài Loan được xem là một trong những nơi tốt nhất trên thế giới dành cho người nước ngoài muốn phát triển sự nghiệp. Vùng lãnh thổ này đang trên đà phát triển, được đánh giá sớm trở thành trung tâm về công nghệ và tài chính của khu vực.

2. Nhật Bản

Nhật Bản được đánh giá có mức độ tin cậy cao nhất trong việc tuyển dụng nhân sự trên thế giới nhờ vào nền văn hóa làm việc nguyên tắc, môi trường làm việc cường độ cao, sôi động ở những thành phố lớn như Tokyo.

3. Slovenia

Trong khi các nhà tuyển dụng Tây Âu dè dặt hơn trong việc thuê thêm nhân sự so với các khu vực khác, thì tại Nam Âu, các công ty lại tăng cường mở rộng việc làm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

4. Ấn Độ

Ấn Độ là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Quốc gia này đang thuê thêm nhân sự làm việc trong các lĩnh vực như dịch vụ chuyên nghiệp và sản xuất.

5. Hungary

Hungary hiện là đất nước có chi phí sinh hoạt thấp nhất ở châu Âu. Đây cũng là nơi mà thị trường việc làm tương đối sôi động, đặc biệt là trong năm 2017.

6. Mỹ

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc cũng là lúc các công ty nước này bắt đầu mở rộng quy mô nhân sự trở lại, Bussines Insider nhận định.

7. Romania

Romania đang trở thành điểm đến thu hút các công ty muốn mở rộng quy mô kinh doanh ở châu Âu vì chi phí sinh hoạt rẻ, tiền lương cho nhân viên tương đối thấp nhưng bù lại, chất lượng cuộc sống và văn hóa của nước này lại vô cùng phong phú.

8. Hong Kong

Được đánh giá là một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới nhưng Hong Kong đóng vai trò quan trọng trong việc là trung tâm tài chính của châu Á. Đồng thời, nơi này được xem như một cửa ngõ cho các dịch vụ tài chính ở Trung Quốc.

9. Bulgaria

Trong những năm gần đây, Bulgaria đã có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Các công ty ở nước này cũng đang mở rộng lực lượng lao động trên nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm dịch vụ chuyên nghiệp và khai thác mỏ.

10. Guatemala

Khu vực tư nhân hiện chi phối nền kinh tế của Guatemala và tạo ra khoảng 85% GDP cho nước này. Các công ty tại đây đang xem xét kế hoạch phát triển nhân sự trong những quý tiếp theo.

11. New Zealand

Không chỉ nổi tiếng với phong cảnh tự nhiên hùng vĩ và đứng hàng đầu thế giới về xếp hạng chất lượng cuộc sống, New Zealand hiện còn mở ra nhiều cơ hội cạnh tranh về việc làm cho người dân trong nước cũng như nước ngoài.