Quan điểm về mức tăng lương tối thiểu được Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội – Bùi Sỹ Lợi đưa ra khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Mùa thu, diễn ra ngày 27/8 tại Thanh Hóa.
– Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp hai lần về tăng lương tối thiểu vùng nhưng chưa thể thống nhất do các bên bất đồng quan điểm. Xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
– Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) muốn tăng lương dưới 10%, trong khi Tổng Liên đoàn lao động thì muốn hơn 16%. Hai bên đều có lý cả. Mức tăng hơn 16% là để đẩy nhanh tiến độ đảm bảo tiền lương tối thiểu bằng với mức sống tối thiểu của người lao động, theo Bộ luật Lao động. Trong khi mức dưới 10% là để đảm bảo giá thành hàng hoá sản phẩm phù hợp, doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Vấn đề ở đây là nếu chúng ta nâng lương quá cao lên thì lợi bất cập hại. Người lao động được cải thiện mức sống tốt hơn nhưng doanh nghiệp sẽ rất khó khăn vì giá thành sản phẩm đội lên. Trước đây, quan điểm của tôi là tăng khoảng 12%, nhưng trong bối cảnh này, tôi cho rằng điều chỉnh ở mức 10% là thích hợp.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng Việt Nam đang đi nhanh so với các nước về tính toán nhu cầu của người lao động. Ảnh: Thanh Thanh |
– Lý do vì sao ông lại thay đổi ý kiến như vậy?
– Qua phân tích các chỉ số nửa đầu năm nay, như chỉ số giá tiêu dùng CPI không quá 2%, chúng tôi thấy rằng nếu nâng mức tăng lương tối thiểu của 2016 là 10% thì có thể đảm bảo cho các doanh nghiệp tồn tại, giữ được việc làm cho người lao động, đảm bảo phát triển ổn định.
Người lao động có thể thiệt một chút nhưng ở mức 10% cũng đã đảm bảo phần nào nhu cầu và lộ trình là đến năm 2018, lương tối thiểu mới đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Mức này theo tôi sẽ đảm bảo được sự hài hoà lợi ích của 3 chủ thể: người lao động, chủ sử dụng và Nhà nước.
– Ông có thể nói rõ hơn cơ sở cho con số 10%?
– Phân tích kỹ ta thấy 8 tháng đầu năm, lạm phát là 2%, nhưng phải dự phòng chỉ số này cuối năm tăng, có thể khoảng 4%. Trong khi mức tăng năng suất lao động khoảng 3,7-4% , và tôi cho rằng phải thêm 2% để khuyến khích tăng năng suất lao động, để khẳng định tiền lương là đòn bẩy tăng năng suất. Như vậy, 10% là hợp lý. Người lao động và giới chủ phải chia sẻ để cùng phát triển.
– Một điều dư luận quan tâm là các nghiên cứu, tính toán về tiền lương chưa được công khai kịp thời, ông nói gì về điều này?
– Tôi cho rằng nên mở rộng thành phần tham gia trong Hội đồng tiền lương quốc gia. Có những chuyên gia, các nhà kinh tế hiểu biết về tiền lương. Cũng nên có đại diện một số doanh nghiệp, người lao động. Như vậy, trong hội đồng sẽ tăng thêm tiếng nói, tăng phản biện, tác động lẫn nhau để có thể quyết định một mức lương mà xã hội chấp nhận được.
Ngoài ra, trong các đề xuất dự thảo về tăng tiền lương, tôi cho rằng, nếu lấy được nhiều ý kiến sẽ rất tốt để tham khảo. Nếu tôi là Hội đồng tiền lương, tôi sẽ lấy ý kiến của tất cả những người có liên quan, kể cả cơ quan truyền thông. Còn việc tiếp thu, phân tích sẽ do Hội đồng quyết định.
– Đang có ý kiến cho rằng cách tính nhu cầu sống tối thiểu chưa chính xác, dẫn tới những đề xuất mức tăng tiền lương luôn chênh nhau lớn. Quan điểm của ông ra sao?
– Nhu cầu sống tối thiểu của các quốc gia hoàn toàn khác nhau. Một số nước trên thế giới xác định, tiền lương tối thiểu là đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và 50% nhu cầu khẩu ăn theo. Nhưng Việt Nam đang tính là nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và 70% nhu cầu của người ăn theo, tức là ta tính toán cao hơn các nước trong khu vực. Như vậy là Việt Nam đi nhanh hơn.
Một đất nước năng suất lao động đang thấp, tiền lương đang thấp mà an sinh xã hội đi trước một bước thì chắc chắn sẽ có tác động. Chúng ta phải lưu ý điều này.
Tôi cũng cho rằng, cần phải tính lại. Hiện nay, người lao động Việt Nam cần gánh thêm khẩu ăn theo bao nhiêu là đủ? Nếu gánh cao quá trong khi năng suất lao động thấp thì sẽ có điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, làm tăng trưởng chậm lại.