Tốt nghiệp thủ khoa Trường Kinh doanh Nanyang – Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU), đang là Giám đốc Phát triển nhân tài, phụ trách nhân sự 20 thị trường tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn British American Tobacco, Phạm Vũ Minh Đan (Alexis) đã khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định về nước làm Giám đốc Khối Quản trị nguồn nhân lực Techcombank.
Được hỏi về quyết định này, Minh Đan trả lời bằng cách đặt câu hỏi: “Tại sao không”? Câu trả lời ngắn gọn và chứa đầy hàm ý đã thể hiện tính cách của chị: Luôn nghĩ khác, cách làm khác để mọi việc tốt hơn, hiệu quả hơn.
* Theo một hướng tiếp cận khác, câu hỏi là: Vì sao Techcombank có thể làm chị “xiêu lòng”?
– Tôi nghĩ, dù làm cho bất cứ công ty nào, nội, hay đa quốc gia thì mục đích quan trọng nhất vẫn là gia tăng giá trị của bản thân thông qua sự đóng góp cho doanh nghiệp và lớn hơn là cộng đồng.
Trong 13 năm làm việc cho một công ty đa quốc gia, tôi đã học hỏi được rất nhiều. Đến thời điểm này tôi cảm thấy đã sẵn sàng để sử dụng những kiến thức và kinh nghiệm đó cho một tổ chức có tầm nhìn phát triển lâu dài và bền vững. Vậy thì sao lại không phải là một công ty nội?
* Nhưng tại sao lại là Techcombank?
– Có ba lý do chính. Thứ nhất, tôi chỉ có thể đóng góp được nhiều nhất trong môi trường coi trọng việc đầu tư vào phát triển con người và thực sự tạo điều kiện cho mình làm việc đó. Techcombank chính là môi trường như vậy. Ý chí và kỳ vọng đầu tư phát triển nhân lực được thể hiện rất mạnh mẽ từ những người đứng đầu ngân hàng này.
Điều rất mừng là sau một thời gian làm việc tại Techcombank, tôi đã nhận được sự ủng hộ để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhân lực trở thành lợi thế cạnh trạnh vượt trội của Techcombank thông qua những chương trình lớn và dài hạn, những quyết định đầu tư mạnh mẽ cho phát triển nhân lực chứ không chỉ dừng ở sự hô hào. Đó là lý do thứ hai để tôi tin quyết định lựa chọn Techcombank là đúng đắn.
Điểm cuối cùng khiến tôi quyết định “kết duyên” với Techcombank là cơ hội rất lớn để có thể góp phần xây dựng một ngân hàng Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế.
* Với cương vị là Giám đốc Nhân sự trong gần một năm qua, nói một cách ngắn gọn, chị đóng vai trò như thế nào trong guồng máy hơn 7.000 cán bộ, nhân viên của Techcombank?
– Là cầu nối! Như tôi đã nói, ý chí và kỳ vọng về xây dựng đội ngũ của lãnh đạo Techcombank là rất lớn, nhưng phải có người truyền tải được ý chí, thông điệp này đến đội ngũ quản lý cấp trung và sâu xa hơn nữa là đến từng cán bộ, nhân viên. Tôi cảm thấy đây là cơ hội rất tốt để mình đóng góp vào sự phát triển của Techcombank.
* Ở thời điểm này, so với lúc bắt đầu làm việc tại Techcombank, chị đánh giá ngân hàng này như thế nào?
– Ấn tượng ban đầu là tốt và sau gần một năm chỉ là tốt hơn. Techcombank đã đầu tư rất mạnh cho đào tạo nhân lực và cải thiện lương bổng, phúc lợi xã hội cho cán bộ, nhân viên. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình được tin tưởng.
Mỗi năm, Techcombank có một mục tiêu bám theo các giá trị cốt lõi. Năm 2015 được Ban lãnh đạo Techcombank lựa chọn là Năm phát triển nhân lực. Techcombank đặt ra giải thưởng có ý nghĩa cả về tinh thần và vật chất với tên gọi là WeGrow, có thể hiểu là chúng tôi tạo điều kiện cho bạn phát triển năng lực và chúng ta cùng “lớn lên”, cùng chinh phục những đỉnh cao mới. Giải thưởng này dành cho những quản lý cấp trung làm tốt công tác phát triển nguồn nhân lực dựa trên những tiêu chí đánh giá cụ thể và khách quan.
Ở Techcombank, không chỉ phát triển bản thân, cán bộ cấp quản lý còn có nhiệm vụ phát triển đội ngũ tại đơn vị mình. Như vậy để thấy rằng, phát triển nhân lực là mục tiêu lớn của Ngân hàng. Mặc dù đây là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, nhưng tại Techcombank, khi bạn làm tốt, bạn còn nhận được những phần thưởng rất lớn.
Đơn cử như với giải thưởng WeGrow năm nay, 7 giải thưởng với mỗi giải là một chuyến đi Pháp 10 ngày kết hợp với xem Euro 2016. Đó là một sự khích lệ và động viên rất lớn để khuyến khích, đẩy mạnh phát triển nhân lực ở từng đơn vị, lớn hơn là phát triển nhân lực của cả Ngân hàng.
* Ngân hàng là một lĩnh vực có tính cạnh tranh rất cao, cho nên để giữ được người giỏi thì đãi ngộ tốt là điều kiện cần, nhưng chưa đủ…
– Rất đúng. Tôi bắt đầu từ đãi ngộ vì đãi ngộ là điều kiện đầu tiên để có nhân sự tốt. Ở Techcombank, ngoài những phần thưởng tài chính, người lao động còn có cơ hội học hỏi để nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp với những mục tiêu rất cụ thể. JobCat – viết tắt của Job Categorization – Dự án Phân nhóm công việc và Phát triển năng lực cán bộ, nhân viên là một dự án rất lớn đã được Techcombank bắt đầu từ cuối 2014.
Sau khi đánh giá lại hơn 7.000 vị trí công việc trong toàn bộ Ngân hàng thông qua việc tổ chức kiểm tra năng lực nhân viên từng vị trí, chúng tôi sẽ lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng riêng biệt cho từng vị trí công việc với những tiêu chí và những nhóm kỹ năng riêng theo thời hạn cụ thể, gồm 3 tháng, 6 tháng, hay một năm…
Năm nay, chúng tôi tập trung triển khai dự án JobCat với đội ngũ bán hàng trực tiếp. Đã có hơn 3.000 nhân viên được kiểm tra năng lực, đồng loạt nhiều nhân viên tham gia các lớp đào tạo mỗi tháng. Dự kiến đến năm 2016, dựa trên nền tảng đã thực hiện được, đối với đội ngũ bán hàng trực tiếp đã tham gia đào tạo, chúng tôi có kế hoạch mời nhà tư vấn nước ngoài đánh giá các chương trình đào tạo đã thực hiện, để bổ sung và tiếp tục đào tạo nhân lực theo chuẩn khu vực, hệ thống hóa, xây dựng lộ trình nghề nghiệp, đồng thời tiếp tục triển khai dự án JobCat với hơn 3.000 vị trí công việc ở các khối còn lại.
Qua đó để thấy rằng, khi vào làm việc tại Techcombank, ở bất cứ vị trí nào, bạn cũng đều có cơ hội phát triển năng lực bản thân và được trọng dụng tương xứng với những chính sách thu hút nhân tài. Techcombank dĩ nhiên muốn giữ nhân sự lâu dài, nhưng tôi muốn ngay cả khi một người có lý do riêng nào đó mà chuyển công tác, khi nhìn lại họ sẽ thấy rất rõ mình đã trưởng thành như thế nào trong những năm tháng làm việc với chúng tôi.
Ví von một chút thì Techcombank giống một chàng trai có bản lĩnh sẽ giữ cô gái mình yêu bằng cách chứng tỏ anh ta là người bạn trai tốt nhất của cô ấy, và cô ấy sẽ thấy không thể hạnh phúc với ai hơn vậy! (cười)
* Nếu nói một cách thật ngắn gọn về chiến lược dùng người của Techcombank thì chị sẽ nói gì?
– Techcombank tạo điều kiện cho bạn thành công và đạt được những điều bạn muốn trong cả sự nghiệp lẫn cuộc sống.
* Từng có kinh nghiệm làm việc ở các nước khác trong khu vực, chị nhìn thấy những cơ hội và thách thức nào về thị trường nhân lực khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay?
– Với tôi, hội nhập nói chung và AEC nói riêng mang lại nhiều cơ hội hơn là thách thức. Với AEC, những người làm công tác nhân sự như tôi có khả năng tuyển được nhân sự tốt từ Thái Lan, Malaysia, Singapore… với mức giá hợp lý.
Nhưng điều quan trọng hơn là khi thị trường lao động mở cửa, thì chính người lao động Việt Nam sẽ có động lực lớn hơn để tự hoàn thiện mình. Họ hiểu rằng tới đây các nhà tuyển dụng sẽ không quan tâm đến việc bạn là người nước nào.
Nếu có người khác gắn bó với tổ chức hơn, làm việc hiệu quả hơn bạn thì chắc chắn cơ hội sẽ không dành cho bạn nữa. Ngược lại, cánh cửa sang các thị trường khác đã mở, nhưng nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc thì dù có chấp nhận đồng lương rẻ, bạn cũng không có việc. Đó là sức ép lớn, nhưng là sức ép tích cực.
* Hơi riêng tư một chút nhé, chị là một phụ nữ có bảng thành tích học tập và công tác rất “khủng”, làm việc năng động, sáng tạo và lịch làm việc dày đặc. Chị có còn thời gian cho gia đình không?
– Khác với nhiều người là tôi không ngại lộ tuổi! (cười). Tôi 32 tuổi, chưa lập gia đình, có lẽ là do chưa đến duyên thôi, chứ không phải vì nấu ăn vụng nhé! Dù làm tốt cả việc chung lẫn việc riêng, nhưng hiện tại tôi ít khi phải nấu ăn, vì mẹ tôi nấu ăn ngon lắm. Thú thật, đấy là một trong những lý do kéo tôi về Việt Nam và ở cùng với gia đình.
Trông tôi có vẻ rất hiện đại, phải không? Thế mà tôi lại chỉ thích món ăn Việt thôi! Cách suy nghĩ trong làm việc của tôi có thể gần với người phương Tây, nhưng trong cuộc sống, tôi rất Việt Nam.