Monthly Archives: November 2015

7 Phương Pháp Giúp Hoàn Thiện Bản CV Của Bạn

CV (curriculum vitae, resume) là một hình thức để bạn quảng cáo bản thân với nhà tuyển dụng. CV bao gồm các thông tin về kỹ năng, kinh nghiệm mà bạn có được, đó cũng là cơ sở để nhà tuyển dụng phỏng vấn bạn.

CV cũng giống như những tờ rơi quảng cáo, vì chúng được tạo ra nhằm cung cấp thông tin xác đáng nhất cho người đọc. Do đó, bản CV của bạn cần  phải thu hút được sự chú ý của nhà tuyển dụng bằng chính những thông tin về bản thân, công việc và kinh nghiệm. Nhà tuyển dụng chuyên nghiệp có thể chỉ mất vài giây lướt qua bản CV của bạn, vì vậy bạn cần phải làm thế nào để họ thấy được những kỹ năng mà bạn có thực sự phù hợp với công việc mà họ đang tuyển dụng.

Điều quan trọng là CV và đơn xin việc của bạn cần phải khớp nhau, và phù hợp với công việc mà bạn đang tìm kiếm. Dưới đây là một số cách để hoàn thiện bản CV của bạn.

1. Tạo ấn tượng tốt đầu tiên.

Phần đầu tiên của bản CV sẽ chỉ ra những giá trị nào mà bạn sẽ mang lại cho nhà tuyển dụng. Tiêu đề và phần tóm tắt có thể được sử dụng để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng bằng cách nhấn mạnh những thành tích xuất sắc, kinh nghiệm, chuyên môn và các tiêu chuẩn về nghề nghiệp của bạn.

Ví dụ:

  • Tiêu đề : Giám đốc Marketing thành thạo nghiệp vụ Merketing và PR
  • Tóm tắt: Giám đốc Marketing có bảy (7) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quảng cáo, quan hệ công chúng cho nhiều công ty đa quốc gia.

2. Phù hợp với đặc thù ngành nghề.​

Bạn không thể gửi cùng một bản CV cho nhiều công ty khác nhau để ứng tuyển vào các công việc khác nhau. Bạn nên thay đổi để phù hợp với từng công việc cụ thể. Khi tìm việc bạn nên tập trung vào chuyên ngành mục tiêu của ngành nghề, công ty hay loại hình dịch vụ đó.

3. Nêu bật chuyên môn, năng lực, kỹ năng và thành tích của bạn.

Nhấn mạnh những sở thích, kinh nghiệm, kỹ năng, thành tích của bạn cho nhà tuyển dụng biết. Cố gắng thêm những  đức tính cần thiết cho công việc để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng cần phải biết bạn có thích thú với công việc hay không, chuyên môn của bạn là gì và bạn là người như thế nào để từ đó xem bạn có phù hợp với công việc đó hay không.

4. Dễ đọc, dễ hiểu.

Nâng cao chất lượng của bản CV bằng cách sử dụng từ ngữ dễ đọc, dễ hiểu. Tránh sử dụng thuật ngữ, thành ngữ, từ rút gọn không cần thiết, vì chúng sẽ khiến việc đọc bản CV giống như việc giải mã hay dịch ngoại ngữ. Thông tin của bản CV phải dễ đọc và dễ hiểu.

Thay đổi theo những cách sau đây để tăng tính dễ đọc:

  • Chỉnh phông chữ, giãn chữ bằng cách rút gọn câu và tăng lề. Bạn có thể viết 2 trang nếu cần thiết.
  • Tổng hợp các vị trí công việc thay vì liệt kê từng công việc cụ thể.
  • Tránh trùng lặp thông tin.
  • Sử dụng một loại phông chữ và các định dạng chữ (in hoa, in nghiêng, in đậm,…) để phân biệt tiêu đề chính và tiêu đề phụ.
  • Cố gắng hạn chế những thông tin đọc giống như mô tả về công việc.

5. Định lượng hiệu suất công việc và mục tiêu.

Cố gắng định lượng hiệu quả công việc của bạn. Luôn luôn đề cập đến các con số, tiền bạc, và số phần trăm thay vì chỉ đề cập đến trách nhiệm công việc.

Định lượng những thông tin sau:

  • Doanh thu, tỷ lệ tăng trưởng, số tiền gửi.
  • “Chịu trách nhiệm tìm kiếm nhiều khách hàng mới” hoặc “Tìm kiếm được X khách hàng mới trong X tháng”.
  • Giám sát trực tiếp 500 nhân viên.

6. Trình bày khả năng hoàn thành công việc.

Phản ánh những thành tích mà bạn đã đạt được, phác họa những giá trị mà bạn sẽ mang lại cho công ty. Sơ yếu lý lịch của bạn nên nhấn mạnh những thành tích đi kèm với ví dụ minh họa chính xác. Phần này nên được trình bày ngắn gọn.

7. Độ dài.

Bạn nên chú ý đến độ dài của bản CV. Nếu bạn có 7 năm kinh nghiệm đảm nhiệm các vị trí khác nhau, bạn nên viết CV trong 2 trang giấy. Nếu bạn có ít kinh nghiệm thì bạn chỉ trình bày trong 1 trang là hợp lý.

Mỗi ngày có hàng nghìn nhà tuyển dụng tìm kiếm ứng viên cho vị trí công việc của họ. Nếu bạn dành thời gian để hoàn thiện bản CV, bạn sẽ có nhiều cơ hội được tuyển dụng hơn. Hãy bắt đầu việc đó ngay từ hôm nay!

>> Submit CV để tìm kiếm cơ hội việc làm

>> Tìm kiếm cơ hội việc làm mới

>>Vị trí việc làm đang open tại hồ chí minh

nguon tindich

 

Top 10 nghề lương cao mà không cần bằng đại học ở Mỹ

Trang Business Insider đã giới thiệu những công việc không đòi hỏi bằng đại học nhưng được trả lương cao “ngất ngưởng” ở Mỹ.

>> Xem các vị trí việc làm lương cao

1. Quản lý vận tải, lưu kho và phân phối

Miêu tả công việc: Điều phối việc vận tải, lưu kho và phân phối hàng hóa cho các doanh nghiệp, tổ chức sao cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Lương trung bình hàng năm (2012): 81.830 USD
Số vị trí cần tuyển dự kiến (đến năm 2022): 29.100
Kinh nghiệm: 5 năm trở lên
Đào tạo tại chỗ: Không

2. Giám sát cảnh sát và thám tử cấp 1

Miêu tả công việc: Điều phối hoạt động của lực lượng cảnh sát.
Lương trung bình hàng năm (2012): 78.270 USD
Số vị trí cần tuyển dự kiến (đến năm 2022): 35.700
Kinh nghiệm: Dưới 5 năm
Đào tạo tại chỗ: Đào tạo trung hạn

3. Lắp đặt và sửa chữa thang máy

Miêu tả công việc: Lắp đặt, sửa chữa, bảo hành thang máy, thang cuốn…
Lương trung bình hàng năm (2012): 76.650 USD
Số vị trí cần tuyển dự kiến (đến năm 2022): 8.000
Kinh nghiệm: Không
Đào tạo tại chỗ: Học nghề

4. Vận hành lò phản ứng hạt nhân

Miêu tả công việc: Điều khiển, giám sát hoạt động, lưu trữ dữ liệu của lò phản ứng hạt nhân.
Lương trung bình hàng năm (2012): 74.990 USD
Số vị trí cần tuyển dự kiến (đến năm 2022): 2.300
Kinh nghiệm: Không
Đào tạo tại chỗ: Đào tạo dài hạn

5. Thám tử và điều tra tội phạm

Miêu tả công việc: Điều tra để tìm ra tội phạm trong các vụ án, ngăn ngừa tội ác.
Lương trung bình hàng năm (2012): 74.300 USD
Số vị trí cần tuyển dự kiến (đến năm 2022): 27.700
Kinh nghiệm: Dưới 5 năm
Đào tạo tại chỗ: Đào tạo trung hạn

6. Phi công thương mại

Miêu tả công việc: Điều khiển máy bay.
Lương trung bình hàng năm (2012): 73.280 USD
Số vị trí cần tuyển dự kiến (đến năm 2022): 14.400
Kinh nghiệm: Không
Đào tạo tại chỗ: Đào tạo trung hạn

7. Nhân viên điều phối điện lực

Miêu tả công việc: Điều phối, điều tiết, phân bổ điện hoặc hơi nước.
Lương trung bình hàng năm (2012): 71.690 USD
Số vị trí cần tuyển dự kiến (đến năm 2022): 3.600
Kinh nghiệm: Không
Đào tạo tại chỗ: Đào tạo dài hạn

8. Giám sát nhân viên phi bán lẻ cấp 1

Miêu tả công việc: Trực tiếp giám sát và điều phối hoạt động của nhân viên bán hàng không phải thuộc lĩnh vực bán lẻ.
Lương trung bình hàng năm (2012): 70.060 USD
Số vị trí cần tuyển dự kiến (đến năm 2022): 50.300
Kinh nghiệm: Dưới 5 năm
Đào tạo tại chỗ: Không

9. Nông dân và quản lý nông nghiệp

Miêu tả công việc: Điều hành các cơ sở sản xuất nông sản, nuôi gia súc…
Lương trung bình hàng năm (2012): 69.300 USD
Số vị trí cần tuyển dự kiến (đến năm 2022): 150.200
Kinh nghiệm: 5 năm trở lên
Đào tạo tại chỗ: Không

10. Vận hành nhà máy điện

Miêu tả công việc: Kiểm soát hệ thống phát và phân phối điện.
Lương trung bình hàng năm (2012): 66.130 USD
Số vị trí cần tuyển dự kiến (đến năm 2022): 12.900
Kinh nghiệm: Không
Đào tạo tại chỗ: Đào tạo dài hạn

 

Bí quyết phỏng vấn thành công ngoài mong đợi

Là một người xin việc, bạn đang bán hàng thương hiệu cá nhân của bạn cho nhà tuyển dụng, hy vọng họ sẽ trao cho bạn một vai trò trong tổ chức.

Một bản CV ấn tượng kèm theo những lời giới thiệu tiềm năng có thể đủ để giúp bạn giành chỗ cho một cuộc phỏng vấn – nhưng chúng sẽ không giúp bạn có được một công việc.

Một khi bạn đang ở trong chiếc ghế nóng phỏng vấn, đây là lúc bạn thực sự “bán” bản thân mình cho nhà tuyển dụng.

“Trên nhiều phương diện, quảng cáo cũng có thể áp dụng tương tự khi ứng tuyển cho một công việc,” Sharon Napier, Giám đốc điều hành hãng quảng cáo Partners + Napier cho biết.

“Như các nhà tiếp thị, chúng ta đang bán những thương hiệu cho người tiêu dùng, hy vọng các thương hiệu mà chúng ta đã xây dựng, cách chúng ta đã định vị nó và những gì chúng ta nói về nó sẽ thuyết phục người tiêu dùng nhặt sản phẩm vào giỏ mua hàng của họ, hay hỏi bạn bè về nó hoặc tìm hiểu trực tuyến về sản phẩm”, cô giải thích. “Là một người xin việc, bạn đang bán thương hiệu cá nhân của mình cho nhà tuyển dụng, hy vọng họ sẽ trao cho bạn một vai trò trong tổ chức.”

Cả quảng cáo và ứng tuyển một công việc đều xoay quanh việc xây dựng thương hiệu một cách thông minh và nghệ thuật thuyết phục, CEO này nhấn mạnh thêm.

Để bán mình thành công trong một cuộc phỏng vấn việc làm, bạn sẽ cần phải làm 5 điều:

1. Hiểu rõ thương hiệu của bạn

“Hãy nghĩ về Red Bull, Dove, hay Chipotle”, Napier nói. “Các thương hiệu thành công nhất hiểu rõ về chính bản thân chúng: Mục đích, sứ mệnh và những giá trị.” Tương tự như vậy, nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những người hiểu và sống với thương hiệu cá nhân bởi đây là thứ thể hiện rõ nét nhất niềm đam mê của một người.

 

2. Hãy là một người kể chuyện

Cũng như với việc quảng cáo các thương hiệu, thuật kể chuyện là rất quan trọng trong một cuộc phỏng vấn. “Hãy nghĩ về cuộc phỏng vấn như một cơ hội để kể câu chuyện thương hiệu cá nhân của bạn”, cô nói. “Các ứng viên nên trình bày những thuộc tính của họ một cách rành mạch, bằng cách tạo ra những phát biểu mạnh mẽ nhất. Hãy tưởng tượng. Hãy nhiệt tình. Trên tất cả, hãy trung thực và câu chuyện có thể xác thực.”

 

3. Hiểu khán giả của bạn

Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Hãy tìm hiểu về công ty bạn ứng tuyển, ngành nghề hoạt động và ai là người có thể phỏng vấn bạn. Hãy tìm hiểu phong cách và văn hóa của họ. Tìm hiểu những tin tức mới nhất của họ, Napier đề xuất. “Bạn sẽ không tạo ra một chiến dịch quảng cáo mà không hề biết bất cứ điều gì về người tiêu dùng của mình đúng không?”, CEO này chia sẻ.

 

4. Hãy phô diễn, đừng nói

Sử dụng những ví dụ để minh họa cho câu chuyện bạn đang chia sẻ là điều cần nhớ. “Ví dụ, một điều quan trọng khi ứng tuyển là phải có phong cách làm việc hợp tác. Nhưng nếu bạn chỉ nói rằng bạn có tinh thần hợp tác, điều này có vẻ hơi sáo rỗng, giống như bạn đang nói suông và khó thuyết phục”, Napier giải thích. “Nhưng nếu bạn nói bạn là đội trưởng của đội bóng rổ, hoặc bạn là một phần không thể thiếu để hoàn thành một dự án rất lớn nào có thể được xác thực, điều này còn có giá trị hơn nhiều so với chỉ nói rằng tôi là người có tinh thần hợp tác.”

 

5. Tìm kiếm sự phù hợp thương hiệu

Việc hiểu rõ thương hiệu cá nhân của bạn là rất quan trọng khi đánh giá một vị trí hoặc công ty. Napier đề xuất bạn hãy tự vấn bản thân: Liệu các công việc phù hợp với tôi cả về mức độ tình cảm và lý trí? Liệu nhiệm vụ và công ty này có đồng bộ với những điểm mạnh và niềm tin của tôi không? “Nếu không, hãy tục tìm kiếm. Việc không phù hợp giữa các thương hiệu sẽ tạo ra một kết quả nghèo nàn.”

9 dấu hiệu cho thấy nhân viên đang bị quá tải

Những nhà quản lý doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ có thể vì quá tâm huyết với việc đưa công ty của mình đi đến thành công mà quên đi rằng mình đang vô tình tạo ra một áp lực quá lớn cho đội ngũ nhân sự, vốn vẫn còn khá mỏng trong giai đoạn đầu khi doanh nghiệp mới được thành lập.

Theo Anita Campbell – TGĐ của Small Business Trends LLC, những nhân viên đang làm việc hiệu quả có thể trở thành những nhân viên bị quá tải và căng thẳng, dẫn đến suy giảm hiệu quả nếu họ không được quan tâm, điều chỉnh cường độ làm việc hợp lý cũng như tạo điều kiện để làm việc trong một môi trường làm việc khỏe mạnh.

Campbell khuyên các nhà quản lý nên lưu ý đến những tín hiệu cảnh báo sau đây có thể tạo ra một môi trường làm việc kém lành mạnh và những nhân viên bị quá tải.

1. Biểu hiện cảm xúc mạnh

Sếp có thể cho rằng ở công sở, cảm xúc và công việc không thể liên quan với nhau, nhưng nên nhớ rằng nhân viên vẫn là những con người. Campbell khuyên các nhà quản lý nên để ý đến những biểu hiện cảm xúc mạnh của nhân viên khi họ đang làm việc như tỏ ra lo lắng, lớn tiếng với đồng nghiệp hoặc thậm chí bật khóc.

Trong những trường hợp như vậy, sếp cần lắng nghe, trấn an và quan tâm đến nhân viên. Cố gắng tìm hiểu việc gì đang xảy ra với nhân viên thay vì tạo thêm áp lực cho họ.

Ngay cả khi nhân viên đang khóc thì cũng đừng tìm cách ngăn chặn điều đó, và nhất là không nên vì thế mà xem họ như những người không chuyên nghiệp.

2. Thiếu tinh thần làm việc đồng đội

Để nhân viên gắn kết với nhau đòi hỏi phải có sự tin tưởng lẫn nhau. Mỗi nhân viên cần phải suy nghĩ và phát ngôn như là một thành viên của một nhóm với tinh thần cởi mở và xây dựng. Một nhóm mạnh phải là một nhóm có những thành viên biết quan tâm đến suy nghĩ và cảm xúc của nhau.

Ở một doanh nghiệp thiếu văn hóa tập thể và tinh thần làm việc đồng đội, gánh nặng công việc lên mỗi nhân viên chắc chắn sẽ tăng thêm và khả năng họ bị quá tải hay căng thẳng sẽ cao hơn.

3. Đi muộn về sớm

Nếu một số nhân viên có biểu hiện như thế thì những nhân viên khác sẽ chịu áp lực công việc lớn hơn và chất lượng dịch vụ khách hàng có thể bị giảm sút.

Trong trường hợp này, Campbell khuyên nhà quản lý cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, giúp nhân viên điều chỉnh thời gian làm việc theo hướng tối ưu nhất, vừa đảm bảo chất lượng công việc, vừa đáp ứng được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho nhân viên.

4. Đổ lỗi cho nhau

Khi làm việc thường xuyên trong tình trạng quá tải, nhân viên sẽ có thể mắc sai lầm cao hơn, dẫn đến việc đổ lỗi cho nhau.

Campbell khuyên nhà quản lý nên cùng nhân viên phân tích nguyên nhân gốc rễ của những sai sót, thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm trong quy trình làm việc hoặc phối hợp giữa các nhân viên, từ đó giúp họ giảm tải trong công việc.

5. Thiếu thời gian cho cuộc sống cá nhân

Khi có nhiều nhân viên ta thán về tình trạng này thì đó là biểu hiện của sự quá tải mà họ có thể đang gặp trong công việc.

Campbell cho rằng, nhà quản lý có thể khắc phục tình trạng này bằng cách tạo điều kiện cho nhân viên làm việc từ xa hoặc theo thời gian linh hoạt, làm việc tập trung một số ngày nhất định trong tuần và làm việc ở nhà những ngày còn lại. Một số công ty cũng có thể xây dựng chính sách cân bằng công việc với đời sống cho nhân viên.

6. Nghỉ ốm thường xuyên

Tình trạng làm việc căng thẳng thường xuyên chắc chắn sẽ dẫn đến các vấn đề về sức khỏe, từ các vấn đề về tiêu hóa, thần kinh cho đến tim mạch.

Campbell khuyên các nhà quản lý nên tạo điều kiện để nhân viên có thể nghỉ trưa lâu hơn và có cơ hội di chuyển trong ngày, tham gia một vài hoạt động thể thao, giải trí nhẹ hoặc thư giãn ở một góc không gian yên tĩnh bên ngoài văn phòng.

7. Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc tăng cao

Vào một ngày nào đó, sếp chợt nhận ra có khá nhiều gương mặt mới hoặc thiếu vắng những nhân viên giỏi nhất. Nguyên nhân có thể là vì áp lực công việc cao khiến nhân viên nghỉ việc thường xuyên.

Trong trường hợp này, Campbell khuyên các nhà quản lý nên tạo điều kiện để nhân viên có thể tham gia những chuyến du lịch ngắn cùng với nhau, kéo dài thời gian nghỉ phép, bù thêm ngày nghỉ khi nhân viên tham gia một số dự án lớn và phải làm việc kéo dài trong một thời gian liên tục, tạo ra những ngày trang phục thoải mái ở công sở, xem xét lại các chính sách phúc lợi và đền bù, cung cấp cho nhân viên những bữa ăn trưa miễn phí mỗi tuần một lần.

8. Sự hài lòng của khách hàng giảm sút

Khi nhân viên không phục vụ tốt khách hàng thì đó có thể là một dấu hiệu của việc họ đang bị quá tải hoặc cũng có thể đó là một cách gián tiếp để họ phản đối chính sách làm việc của doanh nghiệp.

Campbell khuyên các nhà quản lý nên cởi mở trao đổi với nhân viên để tìm hiểu nguyên nhân. Bên cạnh đó, cần xem xét lại tuyên bố sứ mệnh của doanh nghiệp để đảm bảo rằng các nhân viên đều hiểu và thực hiện nhất quán sứ mệnh phục vụ khách hàng.

9. Ý kiến của nhân viên không được lắng nghe

Các nhà quản lý không nhất thiết phải áp dụng tất cả ý kiến đề xuất của nhân viên. Nhưng nếu không lắng nghe nhân viên, các nhà quản lý sẽ làm cho một số nhân viên giỏi trở nên bất mãn và rời bỏ công ty. Khi đó, áp lực công việc sẽ nặng nề hơn đối với những nhân viên ở lại.

Campbell khuyên các nhà quản lý nên tiếp thu tất cả các ý kiến của nhân viên và giải thích lý do vì sao doanh nghiệp không hoặc chưa triển khai một vài đề xuất nào đó của họ.

Cuộc đua khốc liệt giữa P&G và Unilever: Kẻ thu hẹp, người mở rộng

Procter & Gamble (P&G) là tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới với tổng doanh thu năm 2014 đạt 80 tỷ USD và khoảng 200 nhãn hiệu. Trong khi đó, công ty Unilever đứng ngay sau P&G với doanh thu 57 tỷ USD và 400 nhãn hiệu.

Cả hai doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu trong mảng sản phẩm tiêu dùng cá nhân và gia đình. Tuy nhiên, hãng Unilever còn tham gia kinh doanh trong ngành thực phẩm và giải khát, còn P&G lại dần rút lui khỏi mảng kinh doanh này từ năm 2011.

Hiện tại, chiến lược kinh doanh của hai tập đoàn lớn này trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng có vẻ đang trái ngược khi P&G đặt mục tiêu giảm số thương hiệu mà hãng nắm giữ xuống 100 trong năm nay, còn Unilever lại muốn tăng số nhãn hàng mà hãng sở hữu.

Rõ ràng, tập đoàn P&G đang trong quá trình tái cơ cấu sau nhiều năm mở rộng và thu hẹp số thương hiệu sản phẩm. Trái ngược lại, Unilever lại đang tăng cường mở rộng kinh doanh nhằm bắt kịp vị trí số 1 của đối thủ truyền kiếp trong ngành.

* * Xem các việc làm hot ngành FMCG

P&G: Lý thuyết Pareto

Theo lý thuyết Pareto, 80% doanh thu của công ty thường đến từ 20% dòng sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp. Năm 2014, tập đoàn P&G đã được trải nghiệm lý thuyết này khi 80 trong 200 nhãn hàng của họ đem lại 86% doanh số và hơn 95% lợi nhuận.

Trước tình hình khoảng 100-120 thương hiệu sản phẩm không đem lại nhiều lợi nhuận cho P&G, công ty đã thực hiện chương trình “củng cố thương hiệu” để thoát khỏi tình trạng này.

Theo đó, tập đoàn đã bán, sáp nhập hoặc phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) nhằm thu hẹp số thương hiệu sản phẩm mà hãng nắm giữ. Tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng số 1 thế giới này cho biết sẽ cố gắng hoàn thành chương trình củng cố thương hiệu trong năm nay và sẽ tập trung vào những nhãn hàng đem lại nhiều lợi nhuận cũng như có tiềm năng phát triển nhất.

Chương trình củng cố thương hiệu này của P&G không phải là động thái cắt giảm cấu trúc hoạt động hay tái cơ cấu tăng trưởng và lợi nhuận. Theo nhiều chuyên gia, quyết định này của P&G sẽ chỉ khiến doanh số của công ty suy giảm khoảng 14% nhưng lại giải phóng được nguồn lực từ những thương hiệu sản phẩm này.

Quan trọng hơn, kế hoạch này của P&G sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận do tập đoàn không còn phải chịu gánh nặng từ những thương hiệu hoạt động không hiệu quả nữa.

Theo dự kiến, P&G cuối cùng thực tế sẽ chỉ sở hữu 65 nhãn hiệu hoạt động trong 10 loại sản phẩm.

Theo dự kiến, công ty cuối cùng thực tế sẽ chỉ sở hữu 65 nhãn hiệu hoạt động trong 10 loại sản phẩm. Tập đoàn tuyên bố rằng họ là doanh nghiệp đứng đầu về thương hiệu của 7 trong 10 loại sản phẩm trên và đứng thứ 2 về 3 loại còn lại.

Ngoài ra, công ty cũng sẽ đủ khả năng để tập trung phát triển thị trường theo phân khúc vị trí địa lý. Tập đoàn P&G dự đoán 5 thị trường đứng đầu của mỗi loại sản phẩm trên sẽ đem lại 54-98% lợi nhuận cho công ty trong phân khúc kinh doanh đó.

Rõ ràng, tập đoàn P&G có kế hoạch tập trung vào những thế mạnh của mình, đó là vị thế đứng đầu tại các thị trường và khu vực. Kế hoạch cải tổ của P&G nếu kết hợp với vị trí số 1 tại nhiều thị trường dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của công ty.

Như vậy, chiến lược của P&G thời điểm hiện nay không phải là cắt giảm quy mô như nhiều lo ngại của nhà đầu tư mà là tập trung vào những thế mạnh cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận.

Unilever: Tái cơ cấu mảng kinh doanh cốt lõi

Giám đốc điều hành Paul Polman của Unilever đã tuyên bố vào năm 2014 rằng công ty đang nhắm đến các thương hiệu sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và có khả năng mua lại những ngãn hàng này, đặc biệt là những sản phẩm thuộc dòng cao cấp.

Trước đó, báo cáo hoạt động kinh doanh của Unilever cũng cho thấy công ty đang sử dụng khoản tài chính thu được từ mảng kinh doanh thực phẩm để tài trợ cho việc mở rộng lĩnh vực sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.

Trong báo cáo cuối năm 2014, ông Polman cũng cho biết các hoạt động sáp nhập và mua lại mảng kinh doanh sản phẩm chăm sóc sắc đẹp là một trong những ưu tiên hàng đầu của Unilever năm 2015.

Rõ ràng, Unilever đang có tham vọng bắt kịp vị trí số 1 của đối thủ P&G, hiện đang là một trong những công ty đứng đầu trong mảng kinh doanh chăm sóc sắc đẹp.

Trong năm 2014, Unilever không có thương vụ sáp nhập lớn nào tại mảng chăm sóc sức khỏe cá nhân và thị phần lĩnh vực sản phẩm chăm sóc tóc và da của hãng đã bị suy giảm. Tuy nhiên, đầu năm 2015, tập đoàn đã thực hiện 3 vụ mua lại và sáp nhập (M&A) và nhiều chuyên gia dự đoán Unilever sẽ còn tiếp tục các thương vụ M&A trong năm 2015.

Đầu năm 2015, Unilever đã thực hiện 3 vụ mua lại và sáp nhập, nhiều chuyên gia dự đoán tập đoàn sẽ còn tiếp tục các thương vụ M&A trong năm 2015.

Tuy nhiên, động thái mở rộng kinh doanh mảng chăm sóc cá nhân của Unilever đi cùng với quyết định suy giảm hoạt động của hãng này khỏi mảng thực phẩm và giải khát. Trong năm 2014, Unilever đã bán 7 thương hiệu sản phẩm có tăng trưởng chậm và cho biết những nhãn hàng không cốt lõi của công ty sẽ được tách ra thành một doanh nghiệp hoạt động riêng.

Giám đốc điều hành Polman cũng tuyên bố rằng tập đoàn sẽ tập trung vào những hoạt động kinh doanh cốt lõi, đồng thời tái cơ cấu danh mục đầu tư vào các thương hiệu.

Những tuyên bố trên cho thấy việc mở rộng cấu trúc hoạt động kinh doanh là một mục tiêu quan trọng của Unilever nhưng tái cơ cấu và tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi có ưu tiên cao hơn.

Phân khúc kinh doanh thực phẩm đã đem lại mức lợi nhuận trước thuế khả quan cho Unilever nhưng tăng trưởng doanh thu của công ty lại giảm tốc những năm gần đây. Nhiều chuyên gia cho rằng phân khúc kinh doanh thực phẩm đang bị dịch chuyển dần khỏi mảng kinh doanh cốt lõi của Unilever và tập đoàn đang chuyển trọng tâm sang mảng mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cao cấp.

Nếu so sánh P&G và Unilever, dù chiến lược của 2 tập đoàn này không giống nhau nhưng mục tiêu chung đều là thúc đẩy tăng trưởng và lợi nhuận. Trong khi P&G cắt giảm số thương hiệu sản phẩm của mình thì Unilever tái cơ cấu mảng kinh doanh cốt lõi, hay nói cách khác, dù chiến lược có khác biệt nhưng phương hướng của 2 nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng hàng đầu thế giới này đều giống nhau.