Rất nhiều nhân viên cảm thấy việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với sếp sao mà khó quá! Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống này chưa khi sếp nói “Đây là quyết định cuối cùng!” Thế nhưng tận sâu đáy lòng bạn cảm thấy ấm ức và muốn nói với sếp rằng đó chưa phải là giải pháp tốt nhất…
Thế đó, có đến hàng ngàn lý do làm nảy sinh mâu thuẫn giữa sếp và nhân viên. Quản lý nhân viên là việc các sếp thường làm: phân công công việc, đánh giá thành tích và quản lý nhân viên dưới quyền. Vậy bạn đã bao giờ nghe đến một việc hoàn toàn ngược lại: “quản lý sếp”? Đó là cả một nghệ thuật giúp bạn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và bền vững với sếp.
Hãy là nhân viên xuất sắc để tiến tới xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với sếp. Chẳng có sếp nào than phiền một nhân viên làm việc xuất sắc cả. Vì thế, bạn hãy làm việc thật tốt để được sếp đánh giá cao năng lực của bạn. Sau khi được sếp tín nhiệm, bạn sẽ dễ dàng đề xuất với sếp cách giải quyết các vấn đề phát sinh.
Thể hiện chính kiến của bạn một cách thuyết phục. Bạn nên nghiên cứu cẩn thận và thấu đáo các vấn đề trước khi báo cáo với sếp. Các sếp thường không muốn nghe báo cáo về một vấn đề xảy ra mà không có một đề xuất giải quyết nào. Hãy cho sếp thấy bạn đang cố gắng tìm ra phương cách giải quyết vấn đề chứ không chỉ đơn thuần là báo cáo vấn đề đó. Để trình bày ý kiến của bạn một cách thuyết phục, bạn nên tập trung vào những mục tiêu chiến lược của công ty.
Tận dụng kế sách “Mọi người cùng thắng”. Tâm lý chung của con người là chẳng ai muốn thua cuộc trong một cuộc tranh luận. Vì vậy, khi tranh luận với sếp bạn nên hướng đến giải pháp “mọi người cùng thắng”: sếp có quan điểm đúng và tôi cũng vậy. Mỗi ý kiến đều có ưu điểm và nhược điểm riêng, vì vậy bạn hãy thảo luận với sếp để tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề phát sinh.
Kiềm chế cảm xúc bản thân. Không gì có thể nhấn chìm sự nghiệp của bạn nhanh bằng sự tức giận thái quá. Đừng bao giờ “trút giận” khi bạn đang bực tức với sếp. Hãy đợi sau khi “hạ hỏa” bạn sẽ trình bày những quan điểm mà bạn bất đồng với sếp trước đây.
Sếp là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Bạn nghĩ rằng ý kiến đóng góp của bạn sẽ rất hữu ích cho công ty, nhưng sếp lại đánh giá là không khả thi? Bạn nên tôn trọng ý kiến của sếp vì sếp bạn là người chịu trách nhiệm cuối cùng và có tầm nhìn rộng hơn bạn. Có thể, bạn sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm thú vị khi quan sát cách sếp giải quyết vấn đề.