Mua cổ phiếu Berkshire Hathaway từ cách đây vài chục năm, nhiều người đã trở thành triệu phú hoặc thậm chí là tỷ phú nhờ tài đầu tư của Warren Buffett.
Trong khi đang lái xe chạy qua thành phố Omaha, bang Nebraska, Mỹ vào một đêm đông năm 1981, Ed Prendeville chợt nhớ ra Warren Buffett, một nhà đầu tư mà ông có đọc khi còn ở đại học, sống tại thị trấn Midwestern. Ông tự ghi nhớ trong đầu điều này và 2 năm sau đó, nhà kinh doanh xe lửa đồ chơi sưu tầm đã gom đủ tiền để mua cổ phiếu Berkshire Hathaway của Buffett với giá 1.300 USD/cổ phiếu.
Ông Prendeville đã được tưởng thưởng cho quyết định của mình, bởi kể từ đó cổ phiếu Berkshire đã liên tục tăng mạnh. “Đó là tấm vé an toàn của tôi”, nhà kinh doanh 64 tuổi này nói về số cổ phần của ông trong Berkshire Hathaway, mà giờ được giao dịch ở mức hơn 200.000 USD/cổ phiếu.
Trong 50 năm lãnh đạo Berkshire Hathaway, tỉ phú Warren Buffett đã lột xác một nhà máy dệt gặp khó khăn thành một tập đoàn đầu tư khổng lồ với 200 tỉ USD doanh thu và tạo ra một danh sách dài các triệu phú, thậm chí một số trở thành tỉ phú, nhờ mua vào cổ phiếu Berkshire.
Một trong số những cổ đông đó là Frank Fitzpatrick, một luật sư thuế. Ông đôi khi tự giới thiệu mình là “Frank 40 USD” vì lần đầu tiên ông mua vào cổ phiếu Berkshire là khi giá của nó chỉ 40 USD/cổ phiếu mà thôi.
Ông Fitzpatrich nhớ lại đã mua khoảng 200 cổ phiếu vào đầu năm 1976 với mức giá ấy rồi 14 tháng sau đó, ông đã bán lại với giá gấp đôi. Khi giá cổ phiếu Berkshire tiếp tục tăng, ông hối tiếc vì bán ra quá sớm. Ông đã mua lại với giá thậm chí còn cao hơn nhiều so với mức giá đã bán ra. Kể từ đó, “tôi luôn có thói quen tìm về với Berkshire”, ông nói.
Vào năm 1995, sau khi mua căn nhà bên bờ hồ ở Tahoe (Mỹ), Fitzpatrick cho biết gia đình ông đã tụ tập về đây để ăn mừng và cùng nói lời cảm ơn Warren Buffett. Cổ đông 72 tuổi này đã dùng số cổ phần tại Berkshire để rót vốn cho một tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục; số cổ phần còn lại thì ông cho biết sẽ để dành cho 2 đứa con của mình.
Những người nắm giữ cổ phiếu Berkshire lúc ban đầu đã dùng số cổ phiếu đó để trang trải chi phí ăn học của con cái, mua nhà cửa và dùng làm tài sản thế chấp để vay tiền. Hàng trăm triệu USD giá trị cổ phiếu Berkshire cũng đã được rót vào các dự án trường học, vào các tổ chức giáo dục cũng như các nghiên cứu y học.
Khi các nhà đầu tư lâu năm này ngày càng già đi theo Warren Buffett (hiện đã 85 tuổi), họ cũng nghĩ đến chuyện dùng số cổ phần Berkshire vào việc gì tốt nhất. Về phía Buffett, ông cam kết tặng gần như toàn bộ 62 tỉ USD giá trị tài sản cho từ thiện và đã cho đi hơn 25 tỉ USD. Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết dự kiến sẽ có “một tỉ lệ không nhỏ các cổ đông cá nhân lớn” sẽ làm giống như ông vậy.
Vị Chủ tịch Berkshire Hathaway có sức ảnh hưởng khác thường đối với cổ đông và sức ảnh hưởng này giúp giải thích cách suy nghĩ của nhiều cổ đông về khối tài sản của mình. Cho đến nay, Buffett vẫn sống trong ngôi nhà mà ông đã mua từ hồi năm 1958 với giá 31.500 USD. Ông thường ăn sáng chỉ tốn vài đô-la tại một cửa hàng McDonald’s gần văn phòng của ông và tự trả cho mình mức lương chỉ 100.000 USD. Ông thường xuyên tự lái xe vòng quanh thị trấn trên chiếc sedan hiệu Cadillac.
Giống như Buffett, các cổ đông của Berkshire cũng rất “khác thường”. Mùa xuân nào hàng chục ngàn cổ đông của Berkshire, từ các nhà quản lý quỹ, các nhà điều hành doanh nghiệp cho đến nông dân, đều tụ hội về Omaha để dự đại hội cổ đông thường niên của Berkshire. Và tại đây những cái tật, thói quen kỳ quặc của họ đều được bộc lộ.
Tại một tiệc tối hằng năm tổ chức bởi một nhóm cổ đông nhỏ bên lề Đại hội, hóa đơn nhà hàng thường được chia ra cho nhiều người. Các nhân viên pha chế rượu và phục vụ bàn tại Omaha đều nói các cổ đông của Berkshire đều là những người cho tiền boa rất… bủn xỉn, dù rằng là triệu phú, thậm chí tỉ phú.
Bắt đầu vào thập niên 1970, khi tiếng tăm của Buffett bắt đầu nổi lên thì danh sách cổ đông của Berkshire cũng dài ra. Chỉ riêng Portland, bang Oregon đã có tới hàng trăm triệu phú Berkshire. Họ giàu lên là nhờ một nhà quản lý tài sản ở đó. Người này đã nhìn thấy trước được “tiền đồ” của Berkshire nên đã mua vào cổ phiếu thay mặt cho các khách hàng của mình từ thập niên 1970.
Nhà quản lý tài sản ấy là Mark Holloway. Holloway đã “khám phá” ra Buffett vào đầu những năm 1970 sau khi Ben Graham, một nhà đầu tư giá trị huyền thoại cũng là người đã dẫn dắt Buffett, đề nghị họ gặp nhau. Ông Buffett lúc ấy không có thời gian, nhưng Holloway cho biết ông đã bắt đầu mua cổ phiếu Berkshire cho chính mình và cho các khách hàng của công ty ông.
Các khách hàng cho biết giá ở mức thấp chỉ khoảng 400 USD/cổ phiếu và tính trung bình họ đã nhận được chưa tới 12 cổ phiếu mỗi người. Thế nhưng, bao nhiêu đó cũng đủ để đưa họ trở thành triệu phú. Holloway cho biết ông đang quản lý khoảng 50 triệu USD giá trị tài sản của ông và tiền của khách hàng.
Các cổ đông muốn bán cổ phiếu luôn nhìn vào mức áp thuế thu nhập quá cao do giá cổ phiếu Berkshire tăng quá mạnh. Trong khi đó, nếu cho tiền làm từ thiện thì lại được miễn thuế và được khấu trừ thuế tài sản thừa kế. “Làm từ thiện là một cách thông minh cũng là một cách làm rất ý nghĩa”, Andy Kilpatrick, tác giả của cuốn sách dài 1.286 trang về Berkshire, nói.
Jim Halperin, một cổ đông đã thành lập công ty đấu giá các đồng tiền quý hiếm, lần đầu tiên mua cổ phiếu Berkshire là vào năm 1995 khi chúng được giao dịch ở mức khoảng 30.000 USD/cổ phiếu. Nhưng nay giá trị cổ phiếu mà ông nắm giữ hiện trị giá khoảng 19 triệu USD.
Ông Halperin, 62 tuổi, cho biết ông càng quyết tâm làm từ thiện, nhất là từ năm 2006 khi Bufett tặng hầu hết tài sản của mình chủ yếu cho một quỹ từ thiện do Bill Gates, nhà đồng sáng lập hãng phần mềm Microsoft, điều hành. Halperin tặng khoảng 25% lợi nhuận hằng năm của ông cho các trường hợp từ thiện ở địa phương. Ông cùng vợ cũng dự định sẽ cho hết phần số tài sản triệu đô của mình.
Hồi tháng 3, vợ chồng Bill và Ruth Scott – những cư dân của Omaha đã cùng tham gia vào Giving Pledge, một chiến dịch do Bill Gates và Warren Buffett cùng thực hiện để kêu gọi các tỉ phú trên thế giới tặng ít nhất phân nửa số tài sản của mình cho từ thiện.
Ông Scott đã dành cả đời mình làm việc tại Berkshire và vì thế tích góp đủ số cổ phiếu để trở nên cực kỳ giàu có. “Ruth là một cô gái nông thôn. Cô ấy thích so sánh một đống tiền giống như một đống phân bón. Cả hai thứ này sẽ chẳng có ích gì trừ phi bạn rải chúng đi khắp nơi”, vợ chồng ông Scott đã viết cho Buffett như thế.
Ông Prendeville, người đã quyết định gom tiền mua cổ phiếu Berkshire sau khi lái xe qua Omaha, hiện đang ở New Jersey và kiếm sống bằng nghề kinh doanh tàu lửa đồ chơi. Ông cho biết khi lợi nhuận nhờ kinh doanh tàu lửa đồ chơi tăng lên, ông đã đầu tư gần như từng xu một vào cổ phiếu Berkshire. Ông để dành một số ít vào tài khoản cho con mình và một số bỏ vào tài khoản nghỉ hưu cho ông. Hai đứa con trai của ông lớn lên rất mê lái xe đua, một sở thích xa xỉ mà ông Prendeville có lẽ không thể nào kham nổi nếu không có số cổ phiếu Berkshire. Chiếc xe thể thao Hyundai của ông dán một dòng chữ đề là “Chúng tôi tin vào Berkshire Hathaway”.
Năm 2007, ông được chẩn đoán bị ung thư ruột kết. Nếu không có cổ phiếu Berkshire, ông Prendeville cho biết sẽ khó có thể thanh toán nổi các khoản chi phí điều trị sử dụng công nghệ tiên tiến (công ty bảo hiểm của ông từ chối bán bảo hiểm y tế trong trường hợp này). “Tôi hoàn toàn có thể viết séc chi trả cho khoản điều trị”, ông nói.
Ông Prendeville chưa có kế hoạch tạo lập quỹ từ thiện của riêng mình nhưng cho biết ông đang suy nghĩ đến việc đó. “Nơi nào mà một đồng USD của tôi rót vào sẽ tạo nên sự khác biệt nhất nhỉ?. Thật là không dễ dàng chút nào”, ông nói.