Báo cáo về “Những thách thức trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt tại các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam” cho thấy thực trạng khan hiếm nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt tại các doanh nghiệp (DN) ngoại.
Theo đó, 41% số người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết, trong vòng 12 tháng qua, họ không tìm được đủ số lượng nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt cho DN mình.
Bên cạnh 56% ý kiến tham gia khảo sát cho rằng họ gặp phải thách thức lớn nhất đến từ sự cạnh tranh gay gắt về mức lương thưởng của các đối thủ cùng ngành thì hầu hết các DN ngoại tại Việt Nam cũng cho biết, hiện nay họ vẫn phải đưa tiếng Anh vào trong top 3 yếu tố quan trọng nhất trong việc tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt.
Trong khi đó, tại Singapore, tiếng Anh được coi là kỹ năng thành thạo đương nhiên đối với đội ngũ nhân sự này. Chỉ có 2% người tham gia tại Singapore cho rằng tiếng Anh là yếu tố quan trọng khi đưa ra quyết định tuyển dụng, trong khi tỷ lệ này tại Việt Nam lại lên đến 31%. Thậm chí tại Nhật Bản – đất nước vốn bị xem là hạn chế trong việc sử dụng ngoại ngữ thì lại có đến 61% người tham gia hài lòng với khả năng tiếng Anh của nhân sự cấp quản lý người Nhật.
Thiếu kỹ năng lãnh đạo cũng đang là một nhược điểm của nhân sự cấp quản lý người Việt. Điều này thể hiện rõ trong báo cáo khi chỉ có 9% người tham gia khảo sát hài lòng về kỹ năng lãnh đạo của nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt và đây cũng là kỹ năng nhận được sự hài lòng thấp nhất.
>> Tố chất cần thiết của nhà nhân sự giỏi
Để cải thiện chất lượng nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt, 48% DN tham gia khảo sát đã lựa chọn các nội dung liên quan đến kỹ năng lãnh đạo để đưa vào chương trình đào tạo nhân sự. Trong đó, “vừa học vừa làm” dưới sự giám sát của quản lý là hình thức đào tạo phổ biến nhất với 57% DN lựa chọn.
Chia sẻ về kết quả của cuộc khảo sát này tại Việt Nam cũng như tại Nhật Bản, Thái Lan và Singapore, bà Nguyễn Thị Vân Anh cho hay: “Tình trạng thiếu nhân sự cấp trung và cấp cao ở các công ty nước ngoài không chỉ diễn ra tại Việt Nam, qua khảo sát này, có thể thấy đây là vấn đề mang tính khu vực. Theo chúng tôi, DN cần tiếp tục xây dựng những chương trình liên quan đến “Thương hiệu nhà tuyển dụng” và “Gắn kết nhân viên”, trong đó bao gồm các giải pháp có liên quan đến con người, không phân biệt giới tính và địa lý. Vì đây là nguồn lực quý giá nhất đối với việc xây dựng một doanh nghiệp thành công và phát triển lâu dài trong nền kinh tế có sự thách thức lớn về nguồn lực như hiện nay”.