Cho dù Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo rõ việc hoàn thuế 3.500 tỉ đồng cho các doanh nghiệp xăng dầu nhưng Bộ Tài chính thừa nhận chưa thể có phương án nào truy thu khoản lãi mà các doanh nghiệp được hưởng.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 ngày hôm nay 26-3 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo việc hoàn thuế cho các doanh nghiệp (số tiền hoàn thuế xăng dầu năm 2015 là 3.500 tỉ đồng và còn tiếp tục hoàn- NV).
Trong số 3.500 tỉ đồng đã được hoàn, hầu hết là thuộc về các doanh nghiệp xăng dầu Nhà nước hoặc nhà nước có cổ phần chi phối (DNNN). Chỉ có 7,25% trong số này (254 tỉ đồng) là thuộc về các doanh nghiệp tư nhân đầu mối nhập khẩu.
Thủ tướng cho rằng phải xem xét rõ việc xử lý lợi nhuận của các DNNN trong vụ này ra sao theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Riêng 12 doanh nghiệp tư nhân được hoàn 7,25% tổng số thuế cũng phải tiếp tục điều tra làm rõ và công khai cho dân biết.
Xuất phát điểm của câu chuyện này là khi tìm hiểu các thông tin về cách thức tính thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế nhân sự kiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất đòi hỗ trợ thuế, báo chí phát hiện ra mức tính thuế nhập khẩu trong giá xăng dầu cơ sở mà Bộ Công thương đề xuất, quyết định, Bộ Tài chính thẩm định là thiếu chính xác. Bộ Công thương đã tính giá cơ sở tất cả các nguồn xăng dầu nhập khẩu trên mức thuế xăng dầu theo Biểu thuế ưu đãi nhập khẩu (MFN), cao hơn so với nhiều nguồn xăng dầu được nhập về Việt Nam từ các quốc gia trong ASEAN. Từ chênh lệch mức thuế này, ra đời mức giá cơ sở xăng dầu cao hơn giá nhập khẩu thực tế. Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu sau đó nộp lại các giấy tờ chứng minh xuất xứ để hưởng ưu đãi, hoàn thuế được hàng ngàn tỉ đồng, trong khi người dân bị thiệt do phải mua xăng dầu cao hơn giá vốn của doanh nghiệp.
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày hôm nay 26-3 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng công bố rằng, số thuế mà 23 doanh nghiệp được hoàn tính đến 24-3 là 3.475 tỉ đồng, bao gồm năm 2015 và từ đầu năm đến nay. Trong số này, có 10% là hoàn thuế giá trị gia tăng, phần còn lại là lợi nhuận của 11 DNNN (2794 tỉ đồng) và doanh nghiệp tư nhân.
Trước ý kiến của Thủ tướng và trước đó là công luận không đồng tình về số chênh lệch thuế, cho rằng lợi nhuận được hoàn chảy về túi của các doanh nghiệp do cách tính không phù hợp của cơ quan quản lý, ông Dũng cho rằng ngân sách không bị thiệt: “Khoản lợi nhuận của các doanh nghiệp sau khi trích lập các quỹ đã được nộp vào ngân sách theo Nghị quyết 78 của Quốc hội (về dự toán ngân sách 2015-NV). Người đứng đầu Bộ Tài chính cho rằng: “Nhưng rất khó thu hồi số tiền này”.
Vấn đề là ở chỗ, không phải cứ trích nộp lợi nhuận vào ngân sách là thu đúng. Số tiền hơn 3.500 tỉ đồng mà các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được lợi, cho dù có trích nộp về ngân sách thì cũng là gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Cho dù họ được hưởng lợi từ kẽ hở chính sách đi chăng nữa thì cũng không thể thu hồi được vì không có cơ sở pháp lý để “đòi” lại số tiền này.
Sau khi phát hiện cách tính thuế xăng dầu sai, Bộ Tài chính đã sửa sai bằng cách công bố mức tính thuế xăng dầu nhập khẩu trong giá cơ sở từ ngày 18-3 từ cách tính bình quân gia quyền. Theo đó, giá tính thuế xăng dầu nhập khẩu trong giá cơ sở hiện sẽ là 18%, thay cho mức 20% như trước đây.