Canh bạc đầu tư ‘Uber bất động sản’ của doanh nhân Mỹ gốc Việt

Hái quả ngọt từ 3 công ty công nghệ tài chính Mỹ, ông John Le bất ngờ về Việt Nam khởi nghiệp và thử sức trên một sân chơi còn kém minh bạch là thị trường nhà phố tại TP HCM.

Nhiều thập niên sống và làm việc tại Mỹ, doanh nhân Việt kiều – John Le chia sẻ chưa từng nghĩ đến việc dừng niềm đam mê khởi nghiệp bằng công nghệ vốn đã thấm vào máu thịt. Ông tốt nghiệp ngành Toán học và Khoa học thống kê tại Đại học California (UCLA). Kể từ khi ra trường đến nay, ông có 25 năm làm việc với hầu hết các ngân hàng thuộc Top Fortune 100 tại Bắc Mỹ và đã huy động hơn 35 triệu USD cho các công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ tài chính.

Trong các năm 1998-2008, John từng tham gia thành lập 3 công ty (LoanTrader, Portellus và Mozaik) hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ hiện đại để quản lý tài chính. Mô hình start-up quen thuộc của ông luôn đậm phong cách Mỹ. Đó là cùng với các đối tác xây dựng, phát triển ổn định một công ty non trẻ trên nền tảng công nghệ hiện đại, giúp doanh nghiệp gặt hái nhiều thành công, rồi sau đó chuyển nhượng lại để đi chinh phục những thử thách mới.

Năm 2009, ngành ngân hàng Việt Nam lần đầu tiên biết đến John ở mảng công nghệ tài chính TransUnion (Việt Nam), một công ty tín dụng quốc tế tư nhân được thành lập bởi TransUnion toàn cầu và Mozaik. Trong 2 thập niên khởi nghiệp, ông từng 2 lần nhận giải thưởng Ernst & Young Entrepreneur và một giải thưởng  “Orange County/San Diego Technology Fast 50” do Deloitte & Touche trao cho công ty LoanTrader với thành tích là công ty tăng trưởng nhanh nhất.

Song con đường bằng phẳng là công nghệ tài chính đầy thành công hơn 2 thập niên qua dường như chưa đủ giúp ông thỏa chí chinh phục và khám phá. John gây bất ngờ lớn khi âm thầm chọn một ngã rẽ không phải sở trường để khởi nghiệp tại thị trường Việt Nam là bất động sản.

canh-bac-dau-tu-uber-bat-dong-san-cua-doanh-nhan-my-goc-viet

Doanh nhân Mỹ gốc Việt, John Le đang đặt cược hàng triệu USD vào dự án khởi nghiệp theo mô hình “Uber bất động sản” tại Việt Nam. Ảnh: Vũ Lê

Năm 2015 ông chuyển hướng sang thị trường địa ốc thông qua phát triển Propzy – dự án khởi nghiệp mới nhất. Chứng kiến cách Uber (dịch vụ taxi hiện đại được quản lý bằng phần mềm thông minh) từng bước xâm nhập thị trường vận tải tại Việt Nam, John đã ấp ủ kế hoạch phát triển mô hình “Uber bất động sản” cho công ty non trẻ của mình.

Vị doanh nhân Việt kiều chia sẻ, với nền tảng hàng chục năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, am hiểu về việc thế chấp tài sản nhà đất tại Mỹ, ông nhắm đến thị trường nhà phố tại Việt Nam ước tính 24 triệu căn để khai thác. Năm 2015 John đầu tư một triệu USD vào Propzy.

Từ tháng 6 đến tháng 12/2015, ông ra mắt công nghệ mới phục vụ cho phân khúc văn phòng, căn hộ và nhà lẻ bán hoặc cho thuê trên nền tảng đăng tin miễn phí. Tháng 3/2016 mở rộng thị trường sang phân khúc dự án mới. Tất cả các sản phẩm bất động sản được tích hợp trên cùng một cổng thông tin, có thể tìm kiếm nhanh, chính xác nhưng bảo mật và hỗ trợ quy trình giao dịch an toàn từ khâu tìm kiếm đến tư vấn, giải quyết vướng mắc pháp lý, thậm chí kết nối ngân hàng, sang tên, ra giấy chứng nhận.

Tháng 7/2016, John ra mắt ứng dụng dành riêng cho các nhà môi giới dùng trên smartphone, cho phép môi giới quản lý và thực hiện các giao dịch bất động sản theo phương thức mới tương tự Uber. Chỉ cần chọn đặt lệnh mua/bán, khách hàng được hỗ trợ quy trình giao dịch khép kín, có thể theo dõi từng khâu như người dùng taxi quan sát xe di chuyển và minh bạch thông tin tuyệt đối. Cộng đồng môi giới có thể chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau tìm kiếm và phục vụ khách hàng thông qua cổng thông tin mới này.

canh-bac-dau-tu-uber-bat-dong-san-cua-doanh-nhan-my-goc-viet-1

Vấn đề đặt ra cho start-up là làm cách nào có thể thay đổi thói quen giao dịch nhà đất truyền thống của người dân đồng thời tạo nên nguồn hàng hóa, thông tin bất động sản khổng lồ trong thời gian ngắn để lôi kéo khách hàng tìm đến địa chỉ này giao dịch. Ảnh: Vũ Lê

Mục tiêu đầu tiên của John là đánh chiếm thị trường nhà phố trên cả nước thông qua cộng đồng kết nối lớn, tích hợp và ứng dụng công nghệ hiện đại, quy trình giao dịch an toàn. Tròn một năm đầu tư vào dự án khởi nghiệp, vị doanh nhân này hội tụ được 500 nhà môi giới chuyên nghiệp về đầu quân cho công ty, chuyển giao và kết nối 800 giao dịch thành công cho khách hàng. Sau thị phần nhà phố tại TP HCM, ông tính đến việc sẽ mở đường ra Hà Nội và lan sang những tỉnh thành khác.

John tiết lộ giai đoạn tiếp theo phát triển mô hình “Uber bất động sản” từ cuối năm 2016 đến 2018, ông cùng các đối tác sẽ rót thêm vốn, nâng tổng số tiền đầu tư cho mô hình khởi nghiệp lên mức 3- 5 triệu USD. Thời gian thu hồi vốn ước tính khoảng 2-3 năm. Tuy nhiên, chặng đường phía trước đang chờ đón vị doanh nhân này không trải đầy hoa hồng. Bởi lẽ những thách thức dành cho ông rất lớn.

Khảo sát của VnExpress, số lượng cổng thông tin bất động sản tại thị trường Việt Nam khá dày đặc và có cấu trúc cũng như cách hoạt động na ná nhau, không có sự cam kết minh bạch thông tin hay bảo đảm một quy trình giao dịch an toàn. Các làn sóng đầu tư vào công nghệ bất động sản tại Việt Nam đa phần ghi nhận bề nổi thời gian đầu, càng về sau càng mờ nhạt. Khá nhiều cổng thông tin sau một vài năm ra mắt chỉ hoạt động cầm chừng, không hiệu quả và không đủ sức đi đường dài.

Trong khi đó, môi giới bất động sản, đặc biệt là cò nhà đất địa phương ở lĩnh vực nhà phố, có đặc tính chỉ sống chết vì hoa hồng (phí môi giới). Có giao dịch, có hoa hồng thì mới duy trì lượng môi giới gắn kết lâu dài. Chỉ cần ế khách, rỗng túi từ 3-4 tuần đến vài tháng, môi giới đã bắt đầu xê dịch, tìm hướng đầu quân công ty mới.

Một chuyên gia có thâm niên gần 20 năm quan sát và tư vấn đầu tư bất động sản tại TP HCM đánh giá, canh bạc mà John đang chơi đặt ra 4 câu hỏi. Thứ nhất, làm cách nào lôi kéo được môi giới có thâm niên dạn dày kinh nghiệm gắn kết lâu dài cùng chia sẻ lợi nhuận.

Thứ hai, làm cách nào trong một thời gian ngắn có thể phát triển một cổng thông tin dữ liệu cực lớn với đầy đủ nguồn hàng hóa bất động sản đa dạng ở nhiều phân khúc, đủ sức lôi kéo người tiêu dùng tìm đến địa chỉ này để giao dịch.

Thứ ba, làm cách nào để sống còn (chứ chưa tính đến lời lãi) trong khi doanh nghiệp sẽ chỉ sống bằng mức phía hoa hồng chi sẻ theo tỷ lệ tương tự như Uber (công ty 20%, môi giới 80%) và không có thêm nguồn thu nào khác từ các hoạt đông quảng cáo. Thứ tư, làm cách nào thay đổi được thói quen của người Việt Nam vốn ưa thích giao dịch nhà đất theo cách truyền thống, âm thầm trong nhiều thập niên qua.

Tuy nhiên, đáp lại những hoài nghi, John chia sẻ ông có cơ sở khoa học để đặt cược vào dự án khởi nghiệp này. Đó là cộng đồng người dùng internet tại Việt Nam đang được mở rộng hơn bao giờ hết và cơn khát minh bạch thông tin tại thị trường bất động sản Việt Nam đang bức thiết. “Điều tích cực nhất tôi có thể tự hào là thông qua dự án này, khách hàng giao dịch bất động sản có thể chạm đến được những chuẩn mực an toàn, được bảo vệ và được tiếp cận thông tin xác thực nhất”, ông nói.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.