Số dư tài khoản không giúp phân biệt người giàu với giới trung lưu. Sự khác biệt nằm trong tư duy.
Sau 25 năm, trải qua hàng trăm cuộc phỏng vấn với nhiều triệu phú, triệu phú tự thân Steve Siebold nhận ra một điều “bạn nghèo không phải vì thiếu ham muốn giàu có mà vì bạn tin mình không đủ khả năng trở thành triệu phú”.
Trong cuốn How rich people think (tạm dịch: Cách nghĩ của người giàu), Siebold đã viết: “Giàu có xuất phát từ cách bạn nghĩ và thứ bạn tin về việc kiếm tiền”. Và dưới đây là 6 thủ thuật tâm lý của người giàu về tiền bạc được CNBC trích dẫn từ cuốn sách trên:
1. Người giàu nghĩ rằng họ không thiếu tiền ngay cả khi họ không có đủ
“Người giàu không ngại dùng tiền người khác đầu tư cho tương lai. Nếu phát hiện ra một ý tưởng tuyệt vời nhưng không đủ khả năng tài chính, họ sẽ gọi vốn đầu tư để biến điều đó thành hiện thực”, Siebold viết.
Người giàu biết rằng bản thân không đủ khả năng chi trả mọi thứ họ muốn. Nhưng giới đầu tư luôn có sẵn tiền và những người này luôn tìm kiếm những khoản đầu tư béo bở. Người có tư tưởng làm giàu sẽ biết cách làm các khoản đầu tư này sinh lợi. Câu hỏi thực sự là “Thứ đó có đáng để mua, đầu tư hay theo đuổi không?”.
2. Người giàu luôn đặt ra mục tiêu đầy tham vọng
Trong khi tầng lớp trung lưu hạ kỳ vọng xuống thấp để không khiến bản thân thất vọng thì người giàu lại đặc biệt đẩy mức kỳ vọng lên cao và xem đó như một thử thách, Siebold nhận định.
“Người xưa có câu kết quả bạn đạt được có từ những gì bạn mong đợi, nhưng nhiều người lại quyết định sống một cuộc sống tầm thường chỉ vì không muốn bản thân thất bại”, Siebold viết. Một khi đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng, người giàu ngay lập tức tìm cách để đạt được chúng: “Người chiến thắng không chờ đợi mọi chuyện xảy ra. Họ tự tạo ra chúng”.
3. Người giàu nghĩ kiếm tiền như một trò chơi
Người giàu xem sống, kinh doanh, kiếm tiền như một trò chơi – và “đó là một trò chơi mà họ thích là người chiến thắng”, Siebold viết.
“Đây là lý do mà các triệu phú vẫn làm việc mỗi ngày để theo đuổi thành công tiếp theo. Tiền bạc đối với họ không khác gì một thước đo cho việc hoàn thành mục tiêu đề ra”. Chưa kể, cảm giác hứng khởi lúc “chơi game” thúc đẩy họ tiếp tục nâng mức kỳ vọng lên cao. “Càng hào hứng, họ càng làm việc chăm chỉ và càng thành công hơn”, Siebold lý giải.
4. Người giàu xem tiền như một người bạn
Người giàu xem tiền như một trong những đồng minh và bạn bè tốt nhất. “Đó là một người bạn đủ khả năng khiến họ ngon giấc mà không chút bận tâm, đau đớn về mặt thể xác, thậm chí còn có thể cứu mạng họ”, ông nói.
Trong khi người giàu tin rằng tiền bạc có thể giải quyết nhiều vấn đề và mua được sự bình yên trong tâm hồn thì tầng lớp trung lưu lại nhìn đồng tiền là thứ đại diện cho điều xấu xa không có hồi kết nhưng lại cần thiết mà họ phải chịu đựng như một phần cuộc sống”, Siebold nói.
5. Người giàu vượt qua sợ hãi
Siebold phân tích: “Điều tuyệt vời nằm ở nơi nỗi sợ không còn tồn tại trong bạn. Ở cấp độ nhận thức này, mọi việc dường như đều có thể xảy ra, những giấc mơ nghe có vẻ điên rồ phần lớn lại có thể thực hiện được theo cách đầy ngạc nhiên”.
Để đạt tới ngưỡng suy nghĩ này, bạn phải chấp nhận rời khỏi khu vực thoải mái. “Đó chính xác là những gì người giàu làm. Các nhà tư tưởng lớn sớm nhận ra rằng trở thành triệu phú không phải là điều dễ dàng, một trong số đó buộc bạn từ bỏ nhu cầu được thoải mái. Và người giàu học được cách cảm thấy thoải mái kể cả khi tình hình rối tung lên”.
6. Người giàu cho rằng giàu có là điều tự nhiên
Người giàu tin rằng sự thành công, đủ đầy và cảm giác hạnh phúc là những điều tự nhiên cần có trong cuộc sống. “Niềm tin này thúc đẩy người giàu hành xử theo cách gần như đảm bảo sự thành công của họ”.
Ở quan điểm đối lập, giới trung lưu cho rằng họ phải đấu tranh mới trở nên giàu có. “Số đông nghĩ rằng họ không xứng đáng với sự giàu có. Họ tự hỏi, tôi là ai mà trở thành một triệu phú?”.
Thay vì vậy, hãy thử hỏi “Tại sao không phải là tôi?”. Đó chính xác là điều mà người giàu đã và đang làm.