Trong 40 năm qua, Nhật Bản đã đánh mất hơn 1.000 nhân viên trong lĩnh vực công nghệ vào tay các đối thủ châu Á khác, theo Nikkei Asian Review.
“Cuộc di cư” ra ngoài biên giới
Hơn 1.000 chuyên gia công nghệ Nhật Bản đã rời khỏi đất nước trong khoảng 4 thập kỷ qua và gia nhập các công ty khác tại châu Á, bao gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan… Con số này làm dấy lên mối quan ngại về khả năng cạnh tranh của đất nước mặt trời mọc trong thời đại tiến bộ công nghệ.
“Những chuyên gia với trình độ công nghệ cao đang giảm dần tại Nhật”, Ayano Fujiwara – nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu quốc gia Nhật Bản về Chính sách Khoa học và Công nghệ (NISTEP) cho biết. Theo đó, các nhà nghiên cứu ở Viện này đã theo dõi số lượng người chuyển việc từ năm 1976 – 2015 và cho biết, có 490 người nghỉ việc tại các hãng sản xuất máy móc thiết bị điện Nhật Bản và chuyển đến các công ty Hàn Quốc, 196 người chuyển đến các công ty Trung Quốc, 350 người chuyển đến làm việc cho các đối thủ nhỏ hơn ở Đài Loan và Thái Lan.
Cụ thể, kết quả phân tích dữ liệu lớn về bằng sáng chế công nghệ trong 40 năm qua đã chỉ ra nhiều cái tên từng xuất hiện trong các công ty Nhật Bản và sau đó xuất hiện ở các công ty của các nước khác. Con số hơn 1.000 chỉ là những chuyên gia cấp cao, đủ điều kiện được cấp bằng sáng chế.
Con số thực tế về những nhân viên công nghệ nhảy việc ra khỏi các công ty Nhật có thể còn cao hơn nhiều. Ít nhất 40% số chuyên gia nói trên đến Hàn Quốc và 30% đến Trung Quốc từ “mái nhà xưa” là 8 công ty lớn tại Nhật như Hitachi và Panasonic. Phần lớn trong số đó ở độ tuổi 40 hoặc trẻ hơn, và đều là những nhân viên công nghệ cấp cao, nhà nghiên cứu Fujiwara cho biết.
“Cuộc di cư” đến Trung Quốc và Hàn Quốc bắt đầu ồ ạt vào những năm 2000 – giai đoạn vỡ bong bóng dot-com (năm 2001), lợi nhuận của Hãng sản xuất chip nhớ Elpida Memory (trụ sở ở Tokyo, Nhật Bản) sụt giảm và đệ đơn phá sản vào năm 2012.
Thời điểm đó, một nhà sản xuất chip khác của Nhật là Renesas Electronics cũng phải cắt giảm nhân viên xuống còn một nửa. Trong bối cảnh này, nhiều kỹ sư mảng chip nhớ đã phải tìm việc ở nước ngoài. “Có vài nghìn kỹ sư Nhật ở Trung Quốc vào cuối những năm 2000”, một chuyên gia khẳng định và cho rằng con số trong báo cáo trên chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm.
Rò rỉ công nghệ – bài toán khó
Các hãng sản xuất Trung Quốc và Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Trong một thập kỷ qua, doanh thu của Samsung Electronics đã tăng gấp đôi, đạt khoảng 177 tỷ USD vào năm 2016, theo Hãng cung cấp thông tin và phân tích tài chính QUICK FactSet.
Nhà cung cấp thiết bị viễn thông Huawei Technologies cũng chứng kiến doanh thu tăng gấp 5 lần trong một thập kỷ qua. Cùng khoảng thời gian đó, doanh thu của các công ty Nhật ít thay đổi. Các hãng công nghệ lớn của Hàn Quốc có vẻ như đang chậm lại quá trình “săn” các kỹ sư Nhật, nhưng các đối thủ khác từ Trung Quốc và Đài Loan thì sẽ tiếp tục, nhà nghiên cứu Ayano Fujiwara nhận định.
Chính phủ Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ tình trạng chảy máu chất xám nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, bởi các công ty Nhật vốn không chỉ nổi tiếng ở công nghệ bán dẫn mà còn nhiều lĩnh vực khác, như sản xuất “siêu vật liệu” sợi carbon và các công cụ máy móc với độ tinh xảo cao.
Nhật Bản còn áp dụng hình thức chế tài những kỹ sư chuyển đến làm việc ở các công ty nước ngoài và làm rò rỉ thông tin về các công nghệ quan trọng. Nhưng theo một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thì “Nhật Bản không thể nắm bắt được đầy đủ về tình trạng chuyển đến các công ty nước ngoài của những kỹ sư này”.
Sự rò rỉ công nghệ bởi các cựu nhân viên có thể gây ra tác động nặng nề đối với một công ty. Hồi năm 2012, Nippon Steel (nay là Hãng thép Nippon và kim loại Sumitomo) đã kiện Posco – đối tác sản xuất thép đến từ Hàn Quốc – về việc đánh cắp bí mật công nghệ trong sản xuất thép chất lượng cao. Các cựu nhân viên của Nippon Steel được cho là đã góp phần vào vụ đánh cắp bí mật công nghệ này. Vụ kiện kết thúc vào năm 2015, theo đó, Posco phải nộp 30 tỷ yen (250 triệu USD) để Nippon Steel rút lại đơn kiện.
Trong thời đại của các thiết bị kết nối, nhu cầu về các chuyên gia công nghệ luôn tồn tại ở tất cả ngành công nghiệp tại châu Á cũng như mọi khu vực khác. “Dòng chảy nhân tài không chỉ đổ về các công ty châu Á mà còn đến các “ông lớn” phương Tây, như Google (Mỹ) và Bosch (Đức). Thực trạng này có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trong tương lai”, Chủ tịch Hãng dịch vụ tuyển dụng kỹ sư ngành sản xuất Meitec Next (trụ sở ở Tokyo) nói.
Shunsuke Mikami – Chủ tịch Công ty săn đầu người Genius cũng nhận xét: “Các kỹ sư chưa được hưởng đãi ngộ tốt tại Nhật, chúng ta cần tìm ra giải pháp để bù đắp cho họ tốt hơn, chẳng hạn như trả lương cao hơn”. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các chuyên gia công nghệ muốn tìm kiếm một môi trường làm việc mà giá trị của họ được đánh giá cao hơn.
Đồng thời, thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong giai đoạn toàn cầu hóa cũng không ngại ra nước ngoài làm việc như cha ông họ. Vì vậy, việc giữ chân nhân tài nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia chỉ bằng cách tăng cường giám sát đã không còn là giải pháp phù hợp đối với nước Nhật nói riêng và mọi quốc gia khác nói chung.