Category Archives: Pages

Bạn muốn cải thiện doanh số bán hàng? Đây là 3 bài học không thể bỏ qua

Nếu bạn muốn cải thiện doanh số bán hàng, thì Cutco – một công ty kinh doanh dao bếp và dụng cụ cắt gọt với tuổi đời gần 70 năm – là một nơi rất đáng để học tập.

Theo tạp chí Inc., trong số 1,5 triệu nhân viên kinh doanh xuyên suốt chiều dài lịch sử của doanh nghiệp này, có một người sở hữu nghệ thuật bán hàng nổi bật hơn cả – John Ruhlin.

Điều gì đã giúp cho Ruhlin vượt trội hơn so với những đồng nghiệp của mình để có thể ghi tên vào lịch sử của Cutco?

Được biết, khi mới thực tập tại Cutco, Ruhlin đã từng có lần bán dao cho người bố của bạn gái mình: ông Paul Miller – một doanh nhân và luật sư ở địa phương. Ruhlin đã gợi ý ông Miller mua những con dao bỏ túi của Cutco để làm quà tặng cho khách hàng. Dù đã đồng ý, song Miller nói rằng, ông muốn mua dao gọt trái cây thay vì dao bỏ túi. Khi Ruhlin hỏi lý do, ông đã trả lời: “Phần lớn khách hàng của tôi là người đã lập gia đình, và vợ của họ thường xuyên phải dùng dao gọt. Từ rất lâu rồi, tôi đã học được rằng, nếu cậu biết chăm lo cho gia đình, thì mọi chuyện khác đều sẽ tự sắp xếp đâu vào đó”.

Khắc ghi bài học này, Ruhlin đã bắt đầu thay đổi phương pháp bán hàng của mình. Sau khi kết hợp nó với những chiến lược bán hàng mang đậm dấu ấn cá nhân và mục tiêu đặt khách hàng làm trọng tâm, công việc kinh doanh của anh phất lên một cách nhanh chóng. Sau này, Ruhlin còn trở thành nhà sáng lập và CEO của Ruhlin Group – công ty chuyên giúp các doanh nghiệp củng cố mối quan hệ thông qua việc sử dụng quà tặng. Đồng thời, anh cũng cho ra đời quyển sách về nghệ thuật tặng quà với nhan đề Giftology.

Nếu bạn muốn cải thiện doanh số bán hàng của mình, hãy xem qua 3 bài học dưới đây, được trích từ quyển sách của Ruhlin.

1. Hãy hào phóng

Sự hào phóng, rộng lượng là một phẩm chất mà chúng ta nên sở hữu trong cuộc sống cá nhân lẫn trong công việc. Con người vốn dĩ rất coi trọng sự hào phóng. Thế nên, nếu bạn cho đi một cách rộng rãi, thì người khác cũng sẽ đối xử với bạn một cách rộng lượng. 

Sau khi thành lập công ty của riêng mình, Ruhlin đã từng tham dự một buổi hội thảo của diễn giả nổi tiếng Cameron Herold. Với mong muốn được học hỏi nhiều hơn từ Herold, Ruhlin đã mời ông ăn tối và đi xem một trận đấu thể thao. Tuy nhiên, đến ngày hẹn của hai người, Ruhlin hay tin Herold đã rất mệt trong suốt tour hội thảo và chỉ muốn được nghỉ ngơi.

Biết được nhãn hiệu thời trang yêu thích của Herold là Brooks Brothers, Ruhlin đã mua hết tất cả những mẫu quần áo mới ra mắt trong bộ sưu tập mùa Thu tại cửa hàng, mỗi mẫu một bộ, và gửi đến tận phòng khách sạn của Herold. Khi Herold về đến phòng mình, ông đã choáng ngợp với hành động vô cùng chu đáo của Ruhlin. Dù chỉ giữ lại một vài món quà, song từ lúc đó trở đi, Herold đã luôn dành trọn thời gian cho Ruhlin, vào bất cứ khi nào Ruhlin cần.

2. Đừng chỉ tập trung vào bản thân mình

Trong quyển sách Networking Is Not Working, tác giả Derek Coburn đã chia sẻ về cách thức chuyển đổi từ trạng thái của một mối quan hệ 1.0 (hỏi người khác giúp gì được cho mình) sang mối quan hệ 2.0 (hỏi bản thân giúp gì được cho người khác) và cuối cùng là mối quan hệ 3.0 (tăng giá trị cho cả hai bên). Coburn cho biết, bằng cách sử dụng chiến lược này, ông đã có thể phát triển doanh nghiệp của mình hơn 300% chỉ trong vòng 18 tháng.

Tại sao phương pháp này lại hiệu quả như vậy? Mấu chốt nằm ở chỗ, chẳng ai muốn gặp bạn chỉ để nghe về bản thân bạn và nhu cầu của bạn. Họ cũng có những vấn đề của riêng mình. Vì thế, hãy quan tâm, hỏi han các khách hàng thân thiết hoặc tiềm năng của bạn xem họ đang cần điều gì, và xem xét những vấn đề mà họ muốn giải quyết.

Những người bán hàng giỏi nhất thường là những người đặt nhiều câu hỏi nhất. Chiến lược bán hàng của bạn nên xoáy vào việc thể hiện cho các khách hàng thấy công ty của bạn là giải pháp mà họ đang cần.

3. Hãy đối xử tử tế với người khác

Biết trân trọng người khác là một nghệ thuật ứng xử đơn giản nhưng hiệu quả mà bạn không nên bỏ qua. 

Có lần, Ruhlin từng gửi tặng một khách hàng tiềm năng 15 món quà trước khi người ấy đồng ý gặp anh. Điểm mấu chốt của phương pháp này không phải nằm ở số lượng hay giá trị của món quà. Chính việc đối phương chịu khó đào sâu tìm hiểu về sự quan tâm của một người mới là yếu tố ghi điểm. Sự quan tâm xuất phát từ chính bản thân của một người nào đó mới là yếu tố tạo nên sự khác biệt, chứ không phải là bản thân món quà.

Thành công trong kinh doanh hay buôn bán đều nằm ở yếu tố con người. Nếu bạn chịu khó tìm tòi và đặt nhu cầu của khách hàng lên hàng đầu, bạn sẽ gặt hái được thắng lợi lớn.

Tổng giám đốc MM Mega Market Việt Nam: “Việt Nam là thị trường quan trọng tại Đông Nam Á”

Mới đây, trong cuộc gặp phóng viên Báo Doanh Nhân Sài Gòn, ông Phidsanu Pongwatana – Tổng giám đốc MM Mega Market Việt Nam (MM VN) đã có những chia sẻ cởi mở về chiến lược kinh doanh của Công ty tại thị trường Việt Nam.

Các hoạt động của các trạm trung chuyển MM VN và chính sách đồng hành cùng nông dân, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển mô hình chuỗi sản xuất… Cùng với đó là kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết sắp đến.

* Ông có thể chia sẻ những điểm chính trong chiến lược kinh doanh của MM VN thời gian tới?

– Trước khi sang Việt Nam, tôi đã có trên 30 năm kinh nghiệm điều hành các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ ở khắp các thị trường trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Tôi nhận thấy được sự đầu tư bài bản của Tập đoàn TCC Thái Lan thông qua việc đồng hành với người nông dân Việt Nam, chuyển giao các công nghệ chăn nuôi từ khâu nuôi trồng đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ.

Chúng tôi xác định Việt Nam là thị trường quan trọng tại Đông Nam Á với tiềm năng trên 93 triệu dân, nên đã có kế hoạch phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Cụ thể là trong 3 năm, bắt đầu từ 2019, cứ mỗi năm chúng tôi sẽ mở thêm nhiều kho mới, trước hết là ở Hà Nội và TP.HCM. Đồng thời, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng các Flatform (nền tảng kết nối) để đồng hành với người tiêu dùng là 2 trạm trung chuyển thịt tại 2 thành phố này.

* Trải nghiệm đặc biệt mà MM VN muốn đem  lại cho khách hàng là gì, thưa ông?

– Chúng tôi muốn khách hàng được trải nghiệm mô hình mua sắm tại các trung tâm hiện đại. Mô hình này trên thế giới đã phát triển, nhưng tại Việt Nam thì chưa có hoặc chưa đủ về các yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, tính ổn định của hàng hóa, tính tiện lợi và quan trọng là giá cả ưu đãi.

Khi đến MM VN, khách hàng không chỉ được mua sắm, mà còn được cảm nhận trải nghiệm hoàn toàn mới. Theo đó, chất lượng dịch vụ, sự đa dạng sản phẩm và an toàn thực phẩm là những yếu tố quan trọng mà MM VN sẽ mang đến cho khách hàng.

Cụ thể, chúng tôi có sự cải thiện lớn về hình ảnh, cách bài trí các trung tâm, nhằm đem đến không gian mua sắm hiện đại, thuận tiện cho khách hàng.

Về sản phẩm, chúng tôi sẽ phát triển mạnh nhiều mặt hàng như quần áo, dệt may, nhựa gia dụng, đồng thời tạo ra những nhóm sản phẩm có giá trị cạnh tranh trên thị trường.

Về an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng tôi sẽ đẩy mạnh kiểm soát bằng cách phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và đẩy mạnh áp dụng QR code.

*An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề được người tiêu dùng rất quan tâm. Vậy MM VN có chiến lược cụ thể gì cho vấn đề này?

– Nhiều năm qua chúng tôi luôn được đánh giá là đơn vị đảm bảo những yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vừa qua, chúng tôi đã vinh dự trở thành nhà cung cấp thực phẩm dùng để chế biến các món ăn cho hơn 200 vị nguyên thủ khắp thế giới trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.

Đó cũng là thành quả tất yếu của quá trình hợp tác bền vững giữa MM VN và nông dân. Chẳng hạn như xây dựng trạm trung chuyển thịt heo tại Đồng Nai, đồng hành với bà con nông dân trong suốt quá trình từ chăn nuôi đến chế biến và phân phối, để thịt heo thành phẩm tại MM VN luôn tươi ngon, an toàn.

Ngoài ra, MM VN đã triển khai ứng dụng dán mã QR (mã hóa các thông tin về sản phẩm), nhằm hỗ trợ khách hàng truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại di động thông minh.

* Nhân đây, ông có thể chia sẻ đôi điều về Trạm trung chuyển rau củ quả tại Đà Lạt, Trạm trung chuyển cá tại Cần Thơ, Trạm trung chuyển thịt heo tại Đồng Nai và Trạm trung chuyển trái cây tại Bến Tre?

– Trạm trung chuyển cá của MM VN tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là điển hình của việc hợp tác công – tư trong phát triển thủy sản bền vững, nhằm thiết lập chuỗi cung ứng cá tươi chất lượng cao cho thị trường Việt Nam và gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Trạm trung chuyển này đi vào hoạt động từ năm 2011, hiện cung cấp sản lượng gần 2.000 tấn/năm với hơn 400 mặt hàng thủy hải sản.

Được đưa vào vận hành từ năm 2005, đến nay Trạm trung chuyển rau quả Đà Lạt của MM VN được đánh giá là một trong những trạm trung chuyển đạt điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm rau quả ở Việt Nam. Với vùng nguyên liệu rộng 250ha, mỗi năm trạm trung chuyển này cung cấp hơn 12.000 tấn rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, MM VN đang hợp tác với gần 300 hộ nông dân để phát triển trạm trung chuyển này.

Trạm trung chuyển thịt heo tại Đồng Nai được MM VN hợp tác cùng nông dân Đồng Nai nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2017, hiện nay sản lượng cung cấp cho các trung tâm MM VN phía Nam mỗi tháng gần 400 tấn. Không chỉ kiểm soát trong suốt quá trình chăn nuôi, khâu giết mổ và vận chuyển, MM VN còn đầu tư các thiết bị hiện đại, các xe tải chuyên dụng để đảm bảo độ tươi sống, an toàn cho sản phẩm. 

Còn Trạm trung chuyển trái cây Bến Tre mới được MM đưa vào vận hành nhằm cung cấp nguồn trái cây an toàn, chất lượng cao cho hệ thống 19 Trung tâm MM VN trên toàn quốc, đồng thời phục vụ mục tiêu xuất khẩu trái cây Việt sang Thái Lan, Trung Quốc và các nước thuộc thị trường Đông Nam Á. Trạm trung chuyển trái cây Bến Tre dự kiến hợp tác với khoảng 100 hộ nông dân, tập trung ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, gồm Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long và Đồng Tháp.

* Cảm nghĩ của ông khi MM VN được vinh danh là “Doanh nghiệp vì nhà nông”?

– Chúng tôi rất tự hào khi những đóng góp của MM VN cho ngành nông nghiệp Việt Nam đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận. Từ trước đến nay, đội ngũ kỹ sư nông nghiệp của MM VN đều trực tiếp làm việc chặt chẽ với nông dân, các hợp tác xã từ lựa chọn giống, lên kế hoạch sản xuất, thu hoạch, vận chuyển trực tiếp đến các trạm trung chuyển. Những hộ nông dân tham gia hợp tác phải có nhật ký sản xuất, trong đó ghi chép lại chi tiết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian thu hoạch và phải thực hiện kiểm nghiệm định kỳ theo tiêu chuẩn của MM VN. 

Nhờ tiên phong phát triển mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững, 16 năm qua MM VN đã và đang tổ chức đào tạo cho hơn 20.000 nông dân, ngư dân, nhà sản xuất, cán bộ địa phương, trong đó nhiều nông dân đạt Chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt như VietGap,

GlobalGap đáp ứng được những yêu cầu của nông nghiệp thời kỳ hội nhập. Những kiến thức này giúp nông dân sản xuất hiệu quả, tăng tính cạnh tranh, đạt lợi nhuận cao hơn, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp khi tham gia thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu nông sản Việt Nam sang các thị trường quốc tế.

* Kế hoạch của MM VN trong việc chuẩn bị hàng hóa cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2019 sắp đến?

– Với dự báo sức mua tăng cao trong những tháng giáp Tết sắp đến, MM VN đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào và phong phú để phục vụ người tiêu dùng. Chúng tôi cũng cam kết mức giá không tăng so với ngày bình thường, chủng loại hàng hóa đa dạng đáp ứng nhu cầu về đặc sản của người dân ba miền. Đặc biệt, MM VN cũng nghiên cứu, chuẩn bị các hộp quà theo ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, nhằm đem lại may mắn trong ngày Tết.

Tỷ phú Lý Gia Thành: Tỉnh táo với tài chính của bản thân và chớ dại “đốt tiền” vào thứ này

Theo tạp chí Forbes, doanh nhân Lý Gia Thành – cựu Chủ tịch CK Hutchison Holdings và CK Asset Holdings – hiện vẫn dẫn đầu danh sách tỷ phú giàu nhất Hongkong, nắm giữ trong tay khối tài sản 34,9 tỷ USD. Ông luôn được giới kinh doanh kính trọng và đánh giá là một trong những nhà đầu tư có ảnh hưởng nhất ở châu Á.

Được mệnh danh là “siêu nhân kiếm tiền” của mảnh đất giao thoa Đông – Tây, Lý Gia Thành đã phải trải qua bao khổ cực từ nhỏ và tự thân trải nghiệm những góc tối của cuộc sống. Tuy đã “về hưu” nhưng ông vẫn trở thành cố vấn cho tập đoàn cũng như rất thích được chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân về tài chính và nghệ thuật sống cho thế hệ sau. Dưới đây là chia sẻ của ông về quan điểm tiền bạc và lối sống:

Tỉnh táo với nguồn tài chính của bản thân

– Bất kể thu nhập hằng tháng của bạn là bao nhiêu, hãy chia nó thành năm khoản chi nhỏ khác nhau. Bạn có thể phân theo mức độ 30%, 20%, 15%, 10% và 25% theo từng mục đích dưới đây:

1. Khoản tiền đầu tiên: chi phí sinh hoạt

Hãy sống đơn giản. Các bữa ăn trong ngày không cần quá cầu kỳ, chỉ cần đủ chất. Khi bạn vẫn còn trẻ, khỏe mạnh và thích ứng tốt, nạp vào cơ thể một lượng thức ăn vừa phải đã có thể đủ năng lượng làm việc trong một ngày dài. Không nên tốn quá nhiều tiền vào việc ăn uống linh đình, hội họp với bạn bè. Nên nhớ, ngoài ăn uống, bạn còn hóa đơn điện nước, điện thoại, dịch vụ khác… cần đến “sự góp mặt” của lương. Vì vậy, đây là khoản chi đầu tiên mà chúng ta cần lưu tâm nhất.

Tỷ phú Lý Gia Thành – “siêu nhân kiếm tiền” giàu có bậc nhất Hong Kong đưa ra lời khuyên mà ai ai cũng nên ghi nhớ.

2. Khoản thứ hai: giao tiếp và mở rộng các mối quan hệ cá nhân

Mỗi tháng, hãy mời khoảng hai người ra ngoài ăn trưa/tối. Nhưng, bạn chỉ nên mời những người thông minh, nhạy bén hơn, giàu có hơn bạn, hoặc đã giúp đỡ mình trong sự nghiệp. Hãy chắc chắn rằng họ luôn làm việc chăm chỉ và có cái nhìn bao quát hơn bạn về các vấn đề trong xã hội. Làm điều này mỗi tháng và sau một năm, “cổ tức” bạn nhận được đó là sức ảnh hưởng, danh tiếng sẽ lan rộng và phát triển nhanh chóng.

3. Khoản thứ ba: học hỏi

Mỗi tháng hãy dành một số tiền để mua sách. Vì tiền luôn có giới hạn, nên bất cứ khi nào mua sách, hãy cố gắng đọc và “thẩm thấu” hết các bài học, chiến lược được cung cấp trong đó và truyền lại cho người khác theo cách của riêng bạn. Ngoài ra, cố gắng tiết kiệm tiền để tham dự một khóa đào tạo được nhiều người thành công tìm đến. Ví dụ, Warren Buffett từng tham dự khóa học nói trước công chúng của Dale Carnegie. Điều đó giúp bạn không chỉ có được kiến ​​thức, mà còn tìm ra những người bạn cùng chí hướng.

4. Khoản thứ tư: du lịch – đặc biệt là ở nước ngoài

Hãy cho phép bản thân đi du lịch ít nhất một lần trong năm. Du lịch sẽ tặng bạn thêm trải nghiệm. Sau một vài năm, đến nhiều quốc gia, gặp nhiều người, quan điểm về cuộc sống sẽ thay đổi đa chiều và giúp bạn trưởng thành hơn. Cũng nhờ vậy, mà có thể liên tục nạp năng lượng cũng như mài giũa cho bản thân.

5. Khoản thứ năm: đầu tư

Liên tục cố gắng gửi tiền tiết kiệm hằng tháng vào tài khoản ngân hàng. Sử dụng số tiền này cho vốn khởi nghiệp ban đầu – chẳng hạn như một doanh nghiệp nhỏ. Nếu có phá sản thì cũng chỉ mất đi ít tiền. Sau một vài năm, bạn có thể bắt đầu tiết kiệm cho mục đích lâu dài. Nó sẽ là khoản tiền đề phòng khi có khó khăn xảy đến và đảm bảo sự ổn định trong chất lượng cuộc sống của bạn.

– Ngay cả khi thu nhập hằng tháng của bạn tăng lên, vẫn phải tiếp tục làm việc chăm chỉ. Bạn nên cố gắng tìm một công việc bán thời gian, tốt nhất là bán hàng. Bán hàng là một thử thách, nhưng nó là một kỹ năng quan trọng để cải thiện cuộc sống. Bạn sẽ có khả năng đàm phán thành công trong các cuộc thương thảo cũng như gặp được người có giá trị vô cùng quý giá với bạn ví dụ như một nhà đầu tư nào đó hay đối tác làm ăn tin cậy.

– Luôn cố gắng thể hiện giá trị của bạn và trở thành người làm việc hiệu quả. Mở rộng mạng lưới giao tiếp. Tăng giá trị của mình bằng cách đầu tư vào chính bản thân. Khi bạn trở nên tuyệt vời hơn, mọi người sẽ bắt đầu chú ý và thu nhập cũng sẽ tăng lên, từ đó tạo ra được một khoản tiền tiết kiệm dành cho việc mua nhà, xe hơi và giáo dục chất lượng cao cho con cái. Luôn đầu tư vào học tập, kỹ năng mềm, đi du lịch, tìm trải nghiệm và phấn đấu vì tương lai. Biết đâu bất ngờ, sau vài năm đi làm, bạn sẽ được đào tạo chuyên sâu và có cơ hội tham gia các dự án lớn hơn.

Lời khuyên về nghệ thuật sống

– Có một câu nói nổi tiếng của trường Harvard: Tương lai của một người được quyết định bằng cách họ dành thời gian rảnh của mình từ 10g tối đến 12g đêm. Sử dụng khung giờ này để tìm tòi, suy nghĩ, rút kinh nghiệm cho bản thân và tham gia vào các cuộc nói chuyện có mục đích gây dựng sự nghiệp. Nếu bạn kiên trì những hoạt động này, thành công sẽ đến gõ cửa vào một ngày không xa.

– Không phải lo lắng về nghèo khó và những vấp ngã khi còn trẻ. Bạn vẫn còn thời gian để đầu tư vào chính mình, nâng cao sự khôn ngoan và tầm vóc cao hơn người khác. Cố gắng tích lũy kinh nghiệm để có thể phân biệt giữa những gì là quan trọng và đáng để đầu tư. Muốn thoát nghèo, trước tiên các bạn trẻ nên suy nghĩ kỹ về mức độ cần thiết cho một khoản chi để tránh những tiếc nuối sau khi “vung tiền quá trán” mà không đem lại lợi ích cho bản thân.

– Không chi tiêu quá nhiều vào quần áo, giày dép hoặc vật chất xa hoa. Bạn có thể mua nhiều thứ yêu thích khi trở nên giàu có. Nhưng, hãy dành ra một khoản tiền nhỏ và mua quà cho những người thân yêu của bạn. Giải thích cho họ lý do tại sao bạn phải tiết kiệm và nói về mục tiêu, ước mơ và kế hoạch đầu tư trong tương lai.

– Khi bạn nghèo, hãy cứ đối xử tốt với người khác. Đừng chờ đền ơn. Còn khi giàu có, đừng khoe khoang. Mọi chi tiêu lúc ấy, hãy coi nó là một bí mật.

– Khi công việc đã ổn định, hãy theo đuổi ước mơ của bạn. Đã đến lúc tự sải đôi cánh và nắm lấy mơ ước của mình rồi! Có thể sử dụng số tiền còn lại để thực hiện những dự định ấp ủ từ lâu. Hãy chắc chắn rằng bạn sống một cuộc sống thật đặc biệt và không phải là bản sao của bất cứ ai!

– Đừng sống trong những sai lầm trong quá khứ. Không nên buồn phiền hay cứ đắm chìm mãi trong một quyết định sai hoặc tình huống đáng tiếc nào xảy đến mà chúng ta không thể thay đổi được. Mọi người đều phải mắc lỗi, điều quan trọng là những gì chúng ta học được từ những sai lầm. Khi bạn bỏ lỡ cơ hội, đừng băn khoăn – không phải mọi cơ hội đều dành cho bạn.

– Khả năng mỉm cười khi bạn bị hiểu lầm là rất hiếm – nhưng đó lại là dấu hiệu của một sự giáo dục tốt. Khi bị một ai đó đổ lỗi hay phân biệt đối xử, bạn mỉm cười bình tĩnh, đó là dấu hiệu của sự rộng lượng. Nếu bị lợi dụng và bạn mỉm cười, đó là dấu hiệu của sự cởi mở. Luôn nở nụ cười trước mọi khó khăn, thách thức sẽ giúp bạn trở nên lạc quan hơn và dễ dàng cân bằng mọi chuyện, dù cho nó là chuyện bất ngờ.

Tương lai nào cho kinh tế nền tảng Việt Nam?

Trong thời đại công nghệ số, việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực đời sống đang là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội.

Dựa trên kinh tế nền tảng (Platform Economy), nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã đạt được những bước tiến nhanh chóng với sự ra đời của hàng loạt mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Tuy nhiên bên cạnh đó sự phát triển của kinh tế nền tảng vẫn còn đang gặp nhiều thách thức đến từ cơ chế quản lý.

Kinh tế nền tảng đang khẳng định được vị thế

Trong thập kỷ qua mô hình kinh tế nền tảng (Platform Economy) phát triển mạnh mẽ trên thế giới và thâm nhập sâu rộng vào Việt Nam trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực như tài chính ngân hàng, dịch vụ, chăm sóc sức khoẻ, cung ứng lao động,… Có thể hiểu kinh tế nền tảng là hoạt động kinh tế và xã hội dựa trên các hạ tầng nhất định và thường được hiểu là các hạ tầng kỹ thuật số.

Dựa trên mục đích sử dụng có thể chia kinh tế nền tảng thành hai loại gồm: nền tảng giao dịch (transaction platform) được sử dụng để tối ưu hóa giao dịch giữa những người tiêu dùng và người bán (Uber, Grab, Amazon, Ebay…); nền tảng sáng tạo (innovation platform) thực hiện vai trò là nền móng phát triển nên các nền tảng kinh doanh và hình thành hệ sinh thái giữa các nền tảng thế hệ sau đó (Apple App Store, Google Play…).

So sánh tăng trưởng của mô hình Kinh tế chia sẻ và truyền thống (Đơn vị tính: tỉ USD). Ảnh: VnEconomy.

Năm nền tảng sáng tạo lớn nhất là Microsoft, Oracle, Intel, SAP và Salesforce được định giá lên tới 911 tỉ đô la Mỹ; Trong khi đó các nền tảng tích hợp giữa giao dịch và sáng tạo như Apple, Google, Facebook, Amazon, Alibaba và XiaoMi có giá lên đến 2.000 tỉ đô la.

Kinh tế nền tảng giúp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tiết kiệm được các chi phí giao dịch trung gian, thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm hàng hóa mới dựa trên nền tảng sáng tạo sẵn có. Chính vì vậy kinh tế nền tảng nhận được sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ từ người dùng và doanh nghiệp nhận được lợi ích từ nó. Tuy nhiên với cơ quan quản lý thì sự phát triển của kinh tế nền tảng vẫn đan xen những thuận lợi và thách thức khác nhau.

Các nhà quản lý vẫn lúng túng với kinh tế nền tảng

Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế nền tảng đã đưa các nhà quản lý vào một thế khó khăn nhất định. Trong đó sự xuất hiện của các hình thức sản xuất, kinh doanh hoàn toàn mới khiến các nhà chính sách lúng túng trong việc định danh và quản lý những hoạt động kinh tế này. Đây cũng là bài toán mà hầu hết các quốc gia gặp phải, bao gồm cả các nước phát triển.

Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp ra đời của Grab và Uber. Tại Việt Nam, sự xuất hiện của hình thức vận tải mới này cũng gây ra sự bối rối cho cơ quan quản lý. Bộ GTVT vẫn công nhận Uber – Grab là bên thứ ba nhưng gắn với một hình thái cung cấp dịch vụ vận tải có sẵn – vận tải theo hợp đồng mà cụ thể là hợp đồng điện tử. Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 84/2014/NĐ-CP cũng tiếp tục đưa ra quy định gắn phù hiệu với xe hợp đồng và đã gặp phải những phản ứng trái chiều từ dư luận.

Hay ví dụ về hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh online đang gây nhiều “đau đầu” cho các nhà quản lí chính sách về vấn đề thu thuế. Thương mại điện tử đem lại sự thuận lợi cho người dùng và kích thích tiêu dùng khi khách hàng có thể mua sắm từ bất kỳ đâu. Tuy nhiên chính điều này lại gây khó khăn với các cơ quan quản lý do giao dịch thương mại điện tử khó nhận dạng, khó kiểm chứng thông tin và khó truy thu thuế. Các hình thức thu thuế đối với kinh doanh online hiện nay vẫn chỉ phụ thuộc và sự tự giác của chủ cửa hàng mà chưa có hình thức gì để truy thu thuế hiệu quả.

Tuy nhiên nếu xem xét mục tiêu ra đời của kinh tế nền tảng mà cụ thể là nền tảng giao dịch là tối thiểu hóa về mặt chi phí giao dịch và tăng sự tiện ích của quá trình giao dịch thì dường những chính sách quản lý hiện nay đang triệt tiêu đi những lợi ích này.

Nguyên nhân là do mặt dù các loại hình kinh tế mới được xây dựng dựa trên những nền tảng mới của thời kỳ cách mạng 4.0 nhưng tư duy chính sách của những nhà quản lý vẫn dựa trên cách thức quản lý các loại hình kinh tế truyền thống. Thay vì xây dựng chính sách quản lý mới cho ngành nghề kinh doanh mới thì các nhà quản lý đang tìm cách chuyển những ngành nghề này về những loại đã có sẵn để thuận tiện cho việc quản lý, qua đó làm triệt tiêu những lợi ích mà những nền tảng công nghệ này mang lại. Đây cũng là điểm nghẽn quan trọng nhất trong sự phát triển của kinh tế nền tảng tại Việt nam.

Sự phát triển của nền tảng giao dịch cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều hình thức sản xuất, kinh doanh hoàn toàn mới sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới.

Triển vọng nào cho kinh tế nền tảng ở Việt Nam?

Tại Việt Nam, kinh tế nền tảng vẫn chủ yếu là nền tảng giao dịch và được phát triển dựa trên các nền tảng sáng tạo đã có sẵn của thế giới. Trong khi đó các nền tảng sáng tạo chưa thực sự phát triển do quá trình phát triển nền tảng sáng tạo đòi hỏi chi phí cao cho R&D (Research and Development). Sự phát triển của nền tảng giao dịch cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều hình thức sản xuất, kinh doanh hoàn toàn mới sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới. Và để có thể đón đầu xu hướng phát triển của kỷ nguyên số, tư duy quản lý cũng cần bắt đầu được thay đổi để có thể quản lý dựa trên chính những nền tảng công nghệ này thay cho các phương pháp truyền thống như hiện nay.

Amazon sẽ trực tiếp bán các sản phẩm của Apple

Dù là trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới, người dùng trước đây không thể tìm mua các sản phẩm Apple thông qua Amazon.

Thực tế, Apple chưa từng bán bất kỳ thiết bị nào của họ thông qua website hay ứng dụng Amazon. Nếu có sản phẩm nào xuất hiện, đó chắc chắn là do một đơn vị khác kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử này.

Tuy nhiên theo Phone Arena, thực tế này sẽ sớm thay đổi khi Amazon và Apple đã bắt tay hợp tác, mang các sản phẩm thương hiệu “táo khuyết” trực tiếp lên sàn thương mại trực tuyến lớn nhất thế giới. Như vậy, người dùng sẽ được mua iPhone Xs, Xs Max, Xr, Apple Watch Series 4 hay iPad Pro mới cùng nhiều thiết bị mới tại đây.

iPhone cùng nhiều sản phẩm khác của Apple sẽ được kinh doanh trực tiếp trên Amazon. Ảnh: AFP.

Theo dự kiến, Amazon sẽ bắt đầu bán thiết bị Apple trong vài tuần tới, bắt đầu tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Ấn Độ.

Sự hợp tác này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Với Amazon, hãng sẽ được phép đăng tải các sản phẩm của Apple để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm đang tới gần. Còn về phần “táo khuyết”, đơn vị sẽ hưởng lợi về doanh số đối với các thiết bị được đăng bán trên Amazon, nơi có lượng truy cập và đơn hàng khổng lồ.

Tuy nhiên, người dùng sẽ không thể tìm thấy loa thông minh Home Pod của Apple trong số sản phẩm kinh doanh trực tiếp tại Amazon. Nguyên nhân bởi thiết bị này đang cạnh tranh trực tiếp với Echo, loa thông minh đang dẫn đầu ngành hàng của Amazon và cũng do chính công ty này sản xuất. Không chỉ Home Pod, dòng Google Home cũng không được kinh doanh.