Cô gái bỏ học thành CEO chuỗi cửa hàng thời trang

Sau 5 năm nếm trải thành công chóng vánh cũng như thất bại cay đắng, Nguyễn Thùy Nguyên Sa đang là giám đốc điều hành hệ thống 9 cửa hàng thời trang, đạt lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm.

Bỏ mặc tất cả khuyên ngăn của gia đình và bạn bè, Nguyễn Thùy Nguyên Sa quyết định bỏ học để theo đuổi đam mê kinh doanh khi đang là sinh viên năm thứ hai chuyên ngành thiết kế thời trang. Vào năm 2011, nhận thấy thị trường thời trang nam giới rất tiềm năng, đặc biệt các sản phẩm áo sơ mi theo phong cách Hàn Quốc đang là trào lưu, Sa quyết định lựa chọn thời điểm này để khởi nghiệp.

Từ cô gái bị chê trách “thất học” và cũng chưa từng qua trường lớp đào tạo về kinh doanh, nhưng sau 5 năm trong nghề, Sa đang là giám đốc điều hành hệ thống 9 cửa hàng với lợi nhuận trung bình khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, ở thời kỳ phát triển tốt nhất cách đây ba năm, số lượng cửa hàng có lúc lên đến 32 trên khắp cả nước, mang về hơn 10 tỷ đồng lợi nhuận.

Chia sẻ về quãng thời gian khởi nghiệp, cô chủ 8x cho biết: “Thỉnh thoảng tôi nhìn vào thành quả hiện tại mà vẫn chưa tin được những điều mình đã trải qua. Đó thực sự là hành trình có thể dựng thành một bộ phim bởi quá nhiều ngọt ngào lẫn đắng cay”.

co-gai-bo-hoc-thanh-ceo-chuoi-cua-hang-thoi-trang

Chỉ sau 5 năm khởi nghiệp với số vốn chưa đầy 30 triệu, Nguyên Sa đang sở hữu hai thương hiệu thời trang tại TP HCM.

Mơ ước sở hữu thương hiệu thời trang mang tên chính mình, bắt đầu từ khoản vay 20 triệu đồng của mẹ với lời hứa nếu thất bại cũng không trả thiếu một đồng, kèm thêm 7 triệu tiền bán chiếc xe máy, Sa đánh liều đầu tư vào lô hàng 100 áo sơ mi tự thiết kế. Trong 6 tháng đầu tiên, một mình cô xoay xở mọi việc lớn nhỏ từ chọn chất liệu vải, cắt may sản phẩm đến làm mẫu chụp ảnh và đăng bài quảng cáo trên các website thương mại điện tử. Không ngại cực khổ, Sa chở những bao tải cồng kềnh bằng xe điện đi cách nhà hơn chục cây số chỉ để chắt chiu thêm vài đồng bạc lẻ chi phí đóng nút áo. Cô kể mình làm việc điên cuồng bất kể giờ giấc, gác lại tất cả những cuộc vui cùng bạn bè để tập trung thời gian thiết kế sản phẩm.

“Khó khăn lớn nhất lúc chập chững kinh doanh không phải là tiền bạc hay những vất vả chân tay mà vì sự nghi ngờ của gia đình, cộng với tâm lý chưa có thành quả gì nên tôi cứ âm thầm làm và động viên bản thân cố gắng”, Nguyên Sa tâm sự.

Không lâu sau đó, cửa hàng đầu tiên ra đời trong căn phòng ván ép có diện tích chưa đầy 5m2. Nhìn ánh mắt của những vị khách đầu tiên ngạc nhiên về không gian cửa hàng và hài lòng về chất lượng sản phẩm, cô chủ 8x mừng rơi nước mắt. Những mẫu thiết kế phá cách, phối màu sinh động của Sa đánh đúng vào thị hiếu khách hàng nên doanh thu nhanh chóng vượt ngoài mong đợi. Nhẩm tính trung bình mỗi ngày đều đặn thu về hơn 1 triệu đồng, cô quyết tìm mặt bằng ở nơi sầm uất hơn để dời cửa hàng. Chỉ trong mùa Tết đầu tiên sau khi thành lập thương hiệu, lợi nhuận bất ngờ đạt 200 triệu đồng là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của cô gái trẻ. Công việc kinh doanh phát triển như diều gặp gió, Sa bắt đầu mò mẫm tìm hiểu về hình thức nhượng quyền và cho khai trương thêm 3 cửa hàng ngay năm đó.

Tuy nhiên, cũng từ đây những biến cố bắt đầu ập đến dồn dập. Để tiết kiệm chi phí, Sa chuộng thuê những căn hộ cũ mà không quan tâm đến vấn đề an toàn. Toàn bộ sản phẩm trong kho chìm vào bể nước khi mái nhà bị thủng trong một trận mưa lớn. Gần như mất trắng tài sản, Sa vớt vát những lô vải ít hư hỏng để tiếp tục sản xuất và lấy lại lòng tin của khách hàng.

Hai năm sau, khi số lượng cửa hàng đạt đến đỉnh điểm 32 thì những cuộc cạnh tranh thương hiệu, nhái kiểu dáng bắt đầu xuất hiện. Những áp lực chất chồng liên tục, cùng với việc suy sụp tinh thần, không còn điểm tựa gia đình do vừa li hôn khiến cô chủ của hệ thống thời trang bình dân lớn bậc nhất Sài Gòn lúc bấy giờ bắt đầu tuột dốc không phanh. Sa ủy quyền toàn bộ công việc cho một người bạn thân tín điều hành. Sau 3 tháng, nhận thấy tình hình hoạt động ngày càng tệ, cô sực tỉnh và tiếp tục lao vào công cuộc gầy dựng lại thương hiệu từ việc tiếp cận nhân viên, chăm sóc khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Tưởng chừng những khó khăn đã dừng lại, nhưng lần tái hợp với chồng một năm sau đó một lần nữa đẩy mọi thứ vào bế tắc. Sa chia sẻ rằng vì bảo vệ thương hiệu mà bản thân phải xâu xé quá nhiều nên giao công việc cho chồng tiếp quản để lui về nội trợ, nếu anh thất bại cũng sẵn lòng đón nhận. Tuy nhiên, kết quả không như cô mong muốn.

“Tôi quyết định chia tay lần nữa và trở thành mẹ đơn thân. Khi đó, tôi nghĩ mình sẽ bỏ hết tất cả, mang theo con và 100 triệu còn lại trong tài khoản ngân hàng để chạy trốn”, Sa nghẹn ngào nói về những sai lầm của mình khi chọn bạn đồng hành trong kinh doanh.

Nguyên Sa thừa nhận khuyết điểm lớn nhất của mình là thiếu quyết đoán và không phân định rõ ràng giữa công việc và tình cảm gia đình. Ngoài ra, hệ thống cửa hàng phát triển quá nhanh khi nền móng chưa vững vàng cũng là một trong những lý do dẫn đến vấp ngã liên tiếp.

Đúc rút kinh nghiệm và đứng lên từ những thất bại, hiện Sa đang xây dựng thêm một thương hiệu thời trang dành cho nữ. Mặc dù nhận thấy thị trường kinh doanh thời trang dần bão hòa, nhưng cô cho biết mình vẫn còn đam mê và tin tưởng thương hiệu mới sẽ có những thế mạnh riêng về giá tiền và thiết kế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.