Thế giới biết đến “kỳ tích Nhật Bản” sau thế chiến thứ hai, khi quốc gia này từ nước bại trận vươn lên thành nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thành công đó đến từ tinh hoa của người Nhật, điều không …
Nhật Bản tự cho mình là một dân tộc đặc biệt, vì vậy, bất cứ người nào sinh ra là một người Nhật thì họ sẽ ở trong vòng màu nhiệm đó, còn nếu không, bạn sẽ không thể có nó. Việc coi mình là đặc biệt hoang đường này, theo cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu , đã tạo cho họ một sức mạnh đáng gờm với tư cách một quốc gia, một tập đoàn, hay một đội nhóm trong bất kỳ nơi làm việc nào.
“Không có quốc gia nào ở châu Á có thể tương xứng với họ, kể cả người Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, hay những người dân Đông Nam Á”, ông nói. Dù từng là thủ tướng của một trong những con rồng Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, ông Lý Quang Diệu vẫn thừa nhận người Nhật vượt trội hơn hẳn so với người dân Singapore.
Lời đánh giá của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng được một người Nhật khác, là Nobuo Hizaki, Giám đốc điều hành công ty Nichison, khẳng định lại khi ông này cho rằng khả năng làm việc của nhân công của Singapore chỉ bằng 70% so với người Nhật, và phải mất 10-15 năm nữa mới có thể gần được bằng họ.
“Công nhân Nhật Bản lành nghề hơn và đa năng hơn, linh động hơn và dễ thích nghi hơn, và họ ít khi đổi việc hoặc nghỉ việc vô tổ chức. Họ chấp nhận yêu cầu học tập và rèn luyện suốt đời. Tất cả các công nhân đều coi họ là lao động trí óc, không phải lao động bàn giấy hay lao động chân tay. Các kỹ thuật viên, các nhóm lãnh đạo và các giám thị đều sẵn sàng xắn tay áo lên làm việc”, cố Thủ tướng Singapore tổng kết.
Sự thành công của người Nhật cũng đến từ khả năng làm việc nhóm, phối hợp nhịp nhàng “và khít khao như những viên mẫu xếp hình Lego”. Theo đánh giá của người từng đứng đầu chính phủ Singapore, nếu một chọi một, nhiều người Trung Quốc có thể tương xứng với người Nhật, nhưng trong một nhóm, đặc biệt là đội nhóm sản xuất trong xí nghiệp, thì rất khó đánh bại người Nhật Bản.
Thay vì chỉ nghĩ đến việc làm tròn bổn phận của mình, người Nhật sẵn sàng làm thay đồng nghiệp chỉ để công việc được hoàn thành. Họ thực hiện kỷ luật một cách vô cùng chính xác, như luôn để điều hòa nhiệt độ không dưới 25 độ C, tắt điện mỗi khi ra khỏi khu vực làm việc, hợp tác tối đa với các quản lý của mình.
Nội dung được trích từ cuốn sách Hồi Ký Lý Quang Diệu: Từ Thế Giới Thứ Ba Vươn Lên Thứ Nhất do nhà xuất bản Alpha Books phát hành trên toàn quốc. Cuốn sách là những câu chuyện tổng kết về những sự kiện xảy ra sau những năm độc lập đầu tiên của quốc gia này, được kể lại bởi chính nhà kiến tạo quốc gia Lý Quang Diệu, cho thấy chặng đường và những quyết sách đã đưa Singapore đi từ ngưỡng cận kề diệt vong lên thành một trong những nước có mức sống cao nhất thế giới sau 30 năm.
Nguồn: Trí Thức Trẻ