Ngày nay việc toàn cầu hoá các quy trình hoạt động của doanh nghiệp càng trở lên phức tạp với rất nhiều các yếu tố và thông số liên kết với nhau. Mặc dù mỗi doanh nghiệp đều có những cơ hội và thách thức riêng, nhưng nếu bạn tập trung nghiên cứu vào bất kỳ một doanh nghiệp nào bạn sẽ thấy rằng các quy trình cơ bản của tất cả các doanh doanh nghiệp là khá giống nhau.
Điều này là khởi nguồn cho việc phát triển hệ thống ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp – đôi khi còn được gọi là hệ thống quản trị doanh nghiệp tổng thể) làm thay đổi cách thức vận hành mà các doanh nghiệp đã sử dụng từ nhiều thập kỷ trước. SAP là một hệ thống ERP như vậy, nó không chỉ giúp các doanh nghiệp chuyển đổi cách thức mà còn giúp đạt được sự vượt trội trong việc vận hành.
Công việc cơ bản của một tư vấn SAP là dựa trên những thực tiễn tốt nhất theo ngành, lĩnh vực để đưa vào trong doanh nghiệp và bổ sung thêm các giá trị theo đặc thù của các doanh nghiệp tương ứng. Các yếu tố chính và quan trọng nhất để xác định sự thành công của một người làm tư vấn SAP ERP là sự hiểu biết về các quy trình kinh doanh trong doanh nghiệp. Điều quan trọng đối với người làm tư vấn SAP ERP là hiểu rõ các quy trình cụ thể và làm thế nào để các chức năng, nghiệp vụ, quy trình liên kết và tích hợp được với nhau.
Có hai nhóm tư vấn chính trong việc triển khai hệ thống ERP của SAP là tư vấn nghiệp vụ (Functional Consultant) và tư vấn công nghệ (Technical Consultant). Nhóm tư vấn nghiệp vụ tương tác chặt chẽ với khách hàng để nghiên cứu và nắm được quy trình, tìm ra cái mấu chốt của doanh nghiệp và đối chiếu với các yêu cầu từ phía khách hàng. Họ sắp xếp tất cả các khía cạnh với nhau và thực hiện phân tích GAP (một phương pháp và công cụ phân tích về hiệu quả trong doanh nghiệp) và chuẩn bị làm theo mô hình AS/IS TO BE (một mô hình phân tích và mô phỏng hay được dùng trong lĩnh vực ERP) để phù hợp với các yêu cầu kinh doanh.
Sau khi nhóm tư vấn nghiệp vụ thực hiên xong các bước trên và khách hàng phê duyệt mô hình thiết kế mới, họ sẽ làm việc với nhóm tư vấn công nghệ về việc phát triển và tuỳ biến các module để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Quá trình này được gọi là quá trình chuyển giao kiến thức và thông qua quá trình này các tư vấn nghiệp vụ sẽ giúp các tư vấn công nghệ thiết kế lộ trình phát triển. Các tư vấn nghiệp vụ thì tuỳ biến các gói theo từng module trong SAP để phù hợp với yêu cầu kinh doanh của khách hàng trong khi các tư vấn công nghệ thì thực hiện công đoạn lập trình, viết mã và chuyển đổi dữ liệu.
Có rất nhiều module trong SAP như SD – bán hàng và phân phối, FI – Tài chính kế toán, CO – kiểm soát, CRM – quản trị quan hệ khách hàng, MM – quản lý nguyên vật liệu, HR – nhân sự,…các module này tương ứng với hầu hết các nghiệp vụ trong phần lớn các lĩnh vực chủ yếu của các doanh nghiệp. Các tư vấn làm việc trong cùng module hay trong các module khác nhau để đảm bảo việc tích hợp các quy trình đương trơn tru, thông suốt.
Nghề tư vấn SAP ERP là một sự lựa chọn lớn, tiềm năng và ngày càng có nhu cầu lớn. Sự phát triển của thị trường ngày càng lớn đồng nghĩa với việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt và doanh nghiệp cũng ngày một tăng trưởng và lớn hơn do đó công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp ngày các khó khăn, phức tạp và ERP chính là một xu hướng tất yếu và là một công cụ đắc lực để các nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp sử dụng để ra tăng hiệu quả quản lý và tạo ưu thế cạnh tranh.
Ngoài kiến thức về quy trình, nghiệp vụ kinh doanh, các tư vấn SAP còn phải có kiến thức và hiểu biết về gói phần mềm trong ERP. SAP là một sản phẩm rất linh hoạt và được thị trường đánh giá rất cao và ghi nhận từ trước tới nay. SAP phát triển rất nhiều giải pháp và khẳng định vị trí số một cho các lĩnh vực công nghiệp chuyên biệt như bán lẻ, xăng dầu,…
Khi đã có đủ kiến thức về chuyên môn và kinh nghiệm thực tế từ các dự án, các tư vấn sẽ trở thành các chuyên gia tư vấn SAP ERP. Lúc này công việc của các chuyên gia tư vấn sẽ ở cấp độ cao hơn như tư vấn cho doanh nghiệp theo nhu cầu phát triển và thay đổi hoạt động kinh doanh ở giai đoạn cuối và giúp doanh nghiệp phát triển giải pháp, cập nhật và các công việc liên quan. Trong trường hợp có một quy trình kinh doanh hoặc một tình huống cụ thể mà có thể không xử lý được với các tính năng hiện có của SAP thì chuyên gia sẽ đề nghị doanh nghiệp về việc phát triển các sản phẩm đi kèm (add-on) để giải quyết những vấn đề đó.
Mặc dù thị trường SAP có vẻ “hồng hào” và đầy hứa hẹn, nhưng có những thời điểm lĩnh vực này cũng khá khó khăn cũng như nghề tư vấn SAP ERP. Do đó để trở thành một tư vấn hay một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này đòi hỏi bạn phải tìm hiểu rõ các thông tin cần thiết về nghề, về lĩnh vực và những đặc thù, thuận lợi, khó khăn. Chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết, đầu tư thời gian và thậm chí là tiền bạc để học tập và nghiên cứu và tìm cho mình một môi trường để học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm và thêm vào đó là sự nhiệt huyết và say mê với nghề nghiệp và công việc.