Với mức chi dùng đến 13 tỷ đồng mỗi tháng cho thức ăn vặt, giới trẻ Việt Nam đang mở ra một xu thế mới cho các doanh nghiệp thực phẩm lớn như Sài Gòn Food, Vissan, Vĩnh Thành Đạt…
Nhập cuộc
Cuối tháng 10, Vissan – một “đại gia” trong ngành chế biến thực phẩm đã tung ra thị trường hàng chục sản phẩm ăn vặt như da heo chiên giòn, gà sấy rong biển, phá lấu… Trong đó, da heo chiên giòn là món ăn vặt mới nổi trên thị trường và đã được Công ty xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ông Nguyễn Ngọc An – Tổng giám đốc Công ty Vissan cho rằng thị trường thức ăn vặt rất tiềm năng và có sức hút không thua kém nhóm thực phẩm chế biến, món ăn tiện lợi.
Sau thời gian nghiên cứu và nắm bắt xu hướng, Vissan quyết định chế biến các món ăn vặt từ thịt gà, da heo, thịt heo… “Da heo chiên giòn, gà sấy rong biển và phá lấu là những món giới trẻ rất thích. Để đảm bảo an toàn, Công ty đã nhập nguyên liệu từ châu Âu, chế biến với nhiều vị khác nhau. Nhóm thức ăn vặt sẽ đem lại doanh thu tốt cho Công ty trong thời gian tới”, ông An cho biết.
Được biết đến với món cháo tươi dinh dưỡng, lẩu ăn liền…, nhưng từ khi có sự xuất hiện của thương hiệu cửa hàng tiện lợi nổi tiếng thế giới 7-Eleven, Công ty Sài Gòn Food đã nhanh chân trở thành nhà cung ứng thức ăn vặt cho đơn vị này. Để khai thác lĩnh vực mới, Sài Gòn Food đã đầu tư thêm nhà xưởng với diện tích 10.000m2, kho lạnh 3.000 tấn để sản xuất 100.000 suất ăn tươi mỗi ngày.
Trong nhà máy này có riêng một dây chuyền sản xuất thức ăn tươi, thức ăn vặt cho 7-Eleven. Hiện tại, Sài Gòn Food cung cấp khoảng 20 món ăn vặt như bắp xào, gỏi cuốn, bì cuốn, bò bía, hột vịt xào me… cho hệ thống 22 cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại TP.HCM. Cũng nhanh chân tham gia thị trường này là Công ty Vĩnh Thành Đạt với các món ăn vặt như trứng cút phá lấu, trứng gà tiềm, trứng vịt kho…
Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food cho rằng thức ăn vặt không chỉ thu hút giới trẻ mà cả những người lớn tuổi. Những món ăn vặt khi đưa vào chuỗi cửa hàng tiện lợi có giá cao hơn so với quán ăn hè phố nhưng bù lại đảm bảo chất lượng, khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc.
“Thị trường thức ăn vặt đầy hấp lực về lợi nhuận và doanh thu. Với năng lực sẵn có, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu cho ra những món mới phù hợp thị hiếu khách hàng”, bà Thanh Lâm cho biết.
Theo số liệu khảo sát của Hãng Nghiên cứu thị trường Decision Lab cuối năm 2017, bình quân mỗi tháng giới trẻ Việt Nam bỏ ra 13 tỷ đồng cho thức ăn vặt. Còn theo thống kê của Euromonitor, đến cuối năm 2017, Việt Nam có khoảng 149.000 điểm bán thức ăn đường phố, tính cả ki-ốt trên xe lưu động và ki-ốt cố định tại mặt tiền nhà, với doanh thu 46.900 tỷ đồng mỗi năm.
Thị trường rộng mở
Theo ước tính của các công ty nghiên cứu thị trường, đến năm 2020, thị trường thức ăn vặt sẽ tăng gần gấp đôi so với năm 2015 (518 triệu USD), lên 1 tỷ USD. Theo nghiên cứu của Decision Lab, với khoảng 14,4 triệu người Việt thuộc thế hệ Z (sinh năm 1995 trở về sau) dễ thích nghi với lối sống hiện đại, cập nhật nhanh xu hướng dẫn đến thói quen ăn uống, khẩu vị của nhóm đối tượng này có những bước đột phá.
Thực tế thị trường cho thấy thức ăn vặt tăng trưởng mạnh thời gian qua. Ông Trương Chí Thiện – Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết trong 2 năm 2017 và 2018, doanh thu nhóm hàng thức ăn vặt tăng cao với sức tăng trưởng hơn 100% nên Công ty phải đầu tư, mở rộng nhà máy để tăng sản lượng.
Thời gian đầu, sản phẩm hướng đến sự tiện lợi cho bà nội trợ, nhưng sau đó trở thành món ăn vặt cho giới trẻ, dân văn phòng. Tương tự, ông Phạm Thanh Hùng – Phó tổng giám đốc Công ty Ba Huân cho biết, những món ăn vặt do Công ty sản xuất, bán tại hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị như chân gà chua cay, xiên que, xúc xích, bánh flan omega 3… có doanh số khá tốt.
Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, ngành này gần đây phát triển mạnh vì các doanh nghiệp đã đáp ứng được vấn đề vệ sinh thực phẩm – nỗi lo lớn nhất của người tiêu dùng đối với thức ăn đường phố. Sức tiêu thụ thực phẩm tươi tại hệ thống 7-Eleven đang tăng, và tại các cửa hàng có mặt bằng rộng, doanh thu từ các món ăn vặt khá tốt. Từ 50 món ban đầu trong ngày khai trương hồi tháng 6/2016, đến nay, Sài Gòn Food cung cấp gần 100 món ăn tươi (từ thức ăn vặt đến thức ăn văn phòng) cho chuỗi 22 cửa hàng 7-Eleven.
Trong vai trò một nhà tư vấn nhượng quyền thương hiệu, bà Nguyễn Phi Vân – thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á cho rằng, có nhiều yếu tố để các công ty phát triển món ăn vặt. Đó là hiện nay, Việt Nam quá dư thừa các nhà hàng cao cấp khai thác nguồn khách có thu nhập cao, trong khi lượng người có thu nhập trung bình rất lớn.
Và mặc dù số lượng điểm bán thức ăn đường phố khá nhiều nhưng những chuỗi có thương hiệu chỉ chiếm 0,59% – một tỷ lệ rất nhỏ so với nhiều lãnh thổ và các nước châu Á. Chẳng hạn như tại Đài Loan, tỷ lệ này là 30%, Philippines là 21%, Singapore là 10%, Hong Kong là 5%… “Thị trường còn nhiều khoảng trống cho nhóm khách hàng này để khai thác. Và món ăn vặt nếu phát triển một cách bài bản sẽ dễ dàng thu hút khách hàng và sinh lợi cao”, bà Nguyễn Phi Vân nhận định.
Theo báo cáo “Những bước chuyển trong ngành hàng thực phẩm” do Nielsen Việt Nam công bố, thực phẩm là một trong 3 nhóm ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2017 tại Việt Nam. Báo cáo này cũng cho biết các nhà sản xuất rất chủ động trong việc giới thiệu sản phẩm mới đến người tiêu dùng và thực tế, trong năm 2017 đã có hơn 2.000 sản phẩm mới được các nhà sản xuất thực phẩm tung ra thị trường.
Tuy nhiên, không quá 15% trong số này thành công như mong đợi. “Nhà sản xuất nào có thể cho thấy những nỗ lực nhằm xây dựng hình ảnh “tốt cho sức khỏe” để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thì đó sẽ là người chiến thắng trên thị trường”, ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc cấp cao Bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ của Nielsen Việt Nam đánh giá.