Chi phí bảo hiểm cho trái phiếu Chính phủ Venezuela đã lên cao kỷ lục, dẫn tới những lo ngại về khả năng đất nước Nam Mỹ phụ thuộc nhiều vào dầu lửa này có thể sẽ trở thành quốc gia đầu tiên vỡ nợ vì giá dầu giảm sâu.
Hãng tin CNBC cho biết, phí hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng (CDS) – một loại chứng khoán phái sinh được sử dụng để phòng ngừa rủi ro vỡ nợ của một quốc gia hay doanh nghiệp – của Venezuela đang tăng chóng mặt . Điều này cho thấy giới đầu tư đang ngày càng tin rằng Venezuela sẽ mất khả năng trả nợ.
Nguy cơ vỡ nợ của Venezuela xuất hiện khi nước này cùng lúc trầy trật đương đầu với lệnh trừng phạt của Mỹ, suy thoái kinh tế và siêu lạm phát. Trong bối cảnh như vậy, những sai lầm trong quản lý kinh tế và giá dầu sụt giảm 50% đang “chung sức” dồn Venezuela vào bước đường cùng.
Nhà phân tích trái phiếu Neil Mehta thuộc công ty Market cảnh báo rằng “sắp xảy ra vụ vỡ nợ cấp quốc gia đầu tiên vì giá dầu giảm sâu”. Theo ông Mehta, giá CDS của Venezuela hiện nay cho thấy khả năng vỡ nợ của nước này lên tới 96% trong 5 năm tới và 69% trong vòng 12 tháng tới.
“Triển vọng của Venezuela không được tốt. Chắc chắn là thị trường đang nghĩ đến khả năng vỡ nợ của nước này”, ông Mehta cho biết.
Năm 2014, nền kinh tế Venezuela suy giảm 4% trong khi lạm phát ở ngưỡng trung bình 62%. “Giá dầu giảm sâu càng khiến tình hình kinh tế của Venezuela thêm bi đát. Nhiều khả năng nước này sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ”, ông David Rees đến từ công ty nghiên cứu Capital Economics nhận xét.
Venezuela sắp bước vào giai đoạn trả nợ bận rộn nhất trong năm giữa lúc dự trữ ngoại hối cạn dần. Trong tháng 10-11 năm nay, nước này sẽ phải trả 4 tỷ USD nợ đáo hạn, bao gồm cả nợ của Chính phủ và nợ của công ty dầu lửa quốc doanh Petróleos de Venezuela (PDVSA).
Không chỉ riêng Venezuela mà nhiều nước xuất khẩu dầu lửa khác cũng đang phải đối mặt với áp lực tài chính. Tuy vậy, nền kinh tế không được đa dạng hóa của Venezuela và bất ổn chính trị ở nước này khiến Venezuela trở thành quốc gia dễ tổn thương nhất. Doanh thu từ dầu chiếm khoảng 95% kim ngạch xuất khẩu và ngành dầu khí chiếm khoảng GDP của Venezuela.
Ông Nicholas Watson, Phó chủ tịch công ty nghiên cứu Teneo Intelligence, nói rằng nhiều khả năng Venezuela sẽ trả được nợ đáo hạn trong năm nay, nhưng năm tới sẽ là một câu chuyện khác.
“Chính phủ Venezuela không muốn rơi vào cảnh vỡ nợ. Đó sẽ là một thảm họa đối với họ”, ông Watson nói.
Cuộc bầu cử vào cuối năm nay là lý do khiến Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đặc biệt không muốn xảy ra vỡ nợ, bởi họ muốn bảo vệ quyền lực của mình trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ của cử tri xuống thấp. Tuy vậy, việc đẩy mạnh chi tiêu công trước thềm bầu cử có thể khiến tình hình tài chính của Venezuela xấu đi trong năm tới.
“Năm 2016 sẽ là một vấn đề khác. Xét tới tình trạng bi đát hiện nay của nền kinh tế Venezuela, rất khó để đưa ra bất kỳ dự báo dài hạn nào. Chính phủ nước này luôn chỉ nghĩ trước mắt”, ông Watson nhận định.
Venezuela vỡ nợ lần gần đây nhất vào tháng 7/1998 đối với một khoản nợ trái phiếu nội địa trị giá 270 triệu USD. Trước đó, vào năm 1997, giá dầu thế giới giảm mạnh đã khiến lĩnh vực xuất khẩu của Venezuela thất thu. Tương tự, giá dầu sụt giảm cũng khiến Nga lâm cảnh vỡ nợ vào năm 1998.
Theo ông Watson, lần này, Venezuela có khả năng vỡ nợ cao hơn bất kỳ quốc gia Nam Mỹ nào xét trong ngắn và trung hạn, thậm chí so với quốc gia “liên tục vỡ nợ” Ecuador hay Argentina. Ecuador, một nước phụ thuộc vào dầu lửa khác, đã vỡ nợ vào năm 1998 và 2008. Argentina thì vỡ nợ lần gần đây nhất vào đầu năm 2014.
Tuy vậy, ông Watson cho rằng, một vụ vỡ nợ của Venezuela sẽ không có ảnh hưởng rộng lớn tới thị trường toàn cầu, bởi “đây sẽ là một cú đâm xe từ từ, không gây bất ngờ khi xảy ra”.