Những ngày qua, giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng giảm mạnh. Là nước thu ngân sách phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu thô, giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, diễn biến trên của giá dầu vừa tác động tiêu cực, nhưng cũng có những tác động tích cực.
Giá dầu xuống dưới 40 USD/thùng
Phiên giao dịch ngày 24-8 chứng kiến sự trồi sụt không liên tục của giá dầu xoay quanh mốc 39 USD/thùng. Đầu giờ chiều 24-8, giá dầu WTI (West Texas Intermediate – dầu thô được dùng làm dầu chuẩn để tính giá các loại dầu thô khác trên thế giới) ở mức hơn 39 USD/thùng, giảm so với giá đóng cửa ngày 23-8 (40,22 USD/thùng). Tuy nhiên, đến hơn 15h cùng ngày, giá dầu đã xuống mức 38,98 USD/thùng. Và chỉ nửa giờ sau, khoảng 16h, giá dầu lại lên 39,03 USD/thùng, giảm 1,19 USD/thùng so với mức giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 23-8. Mức giá 39,03 USD/thùng so với 1 tuần trước đã giảm 6,7% và giảm 18,5% so với 1 tháng trước. Cùng thời điểm này năm 2014, giá dầu đang ở mức 93,34 USD/thùng, so với giá dầu hiện nay đã giảm đến 58,3%.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là nguồn cung rất dồi dào từ Mỹ. Nước này đã gia tăng sản lượng khai thác hàng ngày, khiến giá dầu thô tại thị trường này và thế giới tiếp tục đà trượt giá xuống mức thấp nhất trong 6 năm gần đây.
Là nước xuất khẩu dầu thô, khoảng 20% nguồn thu ngân sách phụ thuộc vào mặt hàng này nên với diễn biến giá cả trên, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2015, do đơn giá bình quân giảm tới 47,8% nên trị giá xuất khẩu dầu thô của cả nước chỉ đạt 2,46 tỷ USD; giảm 47,1% so với cùng kỳ năm ngoái (tương ứng giảm 2,18 tỷ USD).
Hồi đầu năm 2015, trước xu hướng giảm của giá dầu thế giới, nhiều ý kiến cho rằng giá dầu năm nay sẽ dao động ở mức 100 USD/thùng. Các kịch bản về diễn biến giá dầu cũng được đặt ra, trong đó thấp nhất là 40 USD/thùng. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh từng cho biết, giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng thì Việt Nam mất gần 1.000 tỷ đồng. Nếu chạm ngưỡng 40 USD/thùng, Việt Nam sẽ giảm thu gần 70.000 tỷ đồng. Nếu tính đến tác động từ tăng trưởng kinh tế, thu thuế… thì phần hụt thu sẽ còn 11.500 tỷ đồng. Như vậy, với diễn biến giá dầu trong những ngày gần đây, ngân sách nước ta đã hụt thu đáng kể.
Vẫn có lợi
Tại cuộc hội thảo liên quan đến giá dầu, TS Lương Văn Khôi – Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia – Bộ KH-ĐT) đã đưa ra nhiều kịch bản tác động khi giá dầu giảm. Theo đó, khi giá dầu ở mức 40 USD/thùng, GDP cả năm vẫn tăng 0,61 điểm %, xuất khẩu tăng 3,44 điểm %, nhập khẩu tăng 2,15 điểm %. Bên cạnh đó, lạm phát năm 2015 cũng giảm 1,1 điểm%. Tuy nhiên, với kịch bản này, thu thuế và dự trữ ngoại hối sẽ giảm mạnh.
Ở khía cạnh khác, giá dầu giảm sẽ mang lại lợi ích cho các nước mới nổi, đang phát triển ở châu Á. Việt Nam đang phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, khoảng 7-8 triệu tấn/năm nên giá bán lẻ dầu có cơ hội giảm, kích thích sản xuất trong nước tăng trưởng, góp phần tăng GDP và giảm gánh nặng cho người dân.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế – Tài chính, Bộ Tài chính) cho hay, trong dài hạn, giá dầu giảm, giá đầu vào cho nhiều ngành sản xuất giảm, thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nhìn rộng hơn nữa, giá dầu giảm sẽ kích thích sản xuất trong nước, từ đó thu thuế tăng lên. Nhiều nền kinh tế khác trên thế giới như: Mỹ, EU, Nhật Bản… cũng được cải thiện, sẽ tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tăng cường xuất khẩu.
Theo vị chuyên gia này, giá thành khai thác dầu thô tại một số mỏ ở Việt Nam trung bình là 20 USD/thùng, mức cao nhất là 35-40 USD/thùng. Vì vậy, với mức giá 40 USD/thùng thì dầu thô bán ra vẫn có lãi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, đặc biệt là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cần có phương án sản xuất hợp lý khi giá dầu giảm để không bị lỗ.