Các nhà băng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tài sản thuộc top đầu khu vực, song tốc độ tăng vốn được đánh giá là chưa tương ứng với việc mở rộng hoạt động, theo The Banker.
Tạp chí The Banker vừa công bố danh sách 100 ngân hàng Đông Nam Á năm nay. Theo đó, tài sản của 19 ngân hàng Việt đã tăng 15,66% so với năm ngoái. Dù lượng tài sản chỉ đóng góp phần nhỏ trong cả danh sách, với 7,46%, tỷ lệ này đã cao hơn nhiều so với năm ngoái (6,21%).
Ngân hàng Việt có tăng trưởng tài sản mạnh nhất là VP Bank với 35,02%. Theo sau là SCB và Shinhan Bank Vietnam với lần lượt 34,22% và 33,32%.
Tốc độ này tại Việt Nam được dự báo còn tăng. Ngoài GDP tăng cao và ổn định, tỷ lệ tiếp cận ngân hàng tại đây vẫn thuộc hàng thấp nhất khu vực. Chỉ 30,86% người trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng, theo số liệu năm 2014.
Campuchia là quốc gia có tốc độ tăng tài sản lớn nhất khu vực với 30,4%. Nước này chỉ có một đại diện trong danh sách là ACLEDA Bank, với tài sản đóng góp 0,1% tổng. Thống trị danh sách về giá trị tài sản là các nhà băng Malaysia, Singapore và Thái Lan, đóng góp gần 75% tổng.
Dù vậy, tăng trưởng tài sản không đồng nghĩa với tăng lợi nhuận. Trên thực tế, với hệ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) 0,8% và lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROC) 12,19%, Việt Nam chỉ đứng phía cuối bảng xếp hạng về mặt này.
Đứng đầu về lợi nhuận là các nhà băng Indonesia, với hai chỉ số này lần lượt là 2,7% và 25,31%.
Xếp hạng của The Banker dựa trên vốn cấp I của các ngân hàng. Đứng đầu là DBS Bank của Singapore, theo sau là OCBC và United Overseas Bank cũng của quốc đảo này. Đại diện có thứ hạng cao nhất của Việt Nam trong danh sách là VietinBank – xếp thứ 25, tụt 2 bậc so với năm ngoái.
The Banker nhận xét các ngân hàng Việt Nam mở rộng hoạt động mà không tăng vốn với tốc độ tương ứng. Vốn cấp I của các nhà băng tại đây chỉ tăng 4,54% – thấp nhất trong các quốc gia được theo dõi.
Bên cạnh đó, dù các ngân hàng trong nước thuộc nhóm lợi nhuận thấp nhất, tình hình này đang được cải thiện. Lợi nhuận trước thuế của các nhà băng đã tăng 6%, mạnh nhì trong danh sách, sau Singapore (10,9%).
Danh sách 100 ngân hàng Đông Nam Á của The Banker
The Banker xếp hạng theo vốn cấp I, tổng tài sản và lợi nhuận trước thuế, tính theo đơn vị triệu USD.