Sự xuất hiện thêm nhiều thương hiệu bán lẻ cộng với việc mở chuỗi khiến nhân sự ngành này càng trở nên thiếu hụt. Điều đáng quan tâm là vẫn chưa có nơi đào tạo nhân sự bài bản cho lĩnh vực này.
Tìm kiếm nhân lực cho ngành bán lẻ đang trở nên sôi động khi các doanh nghiệp (DN) bán lẻ liên tục mở thêm các điểm bán. Cụ thể, ngày 28/7 tại Nha Trang, Lotte Mart thứ 13 đã chính thức hoạt động. Đầu tháng 7, Trung tâm Điện máy và Nội thất Thiên Hoà đã khai trương trung tâm thứ 7 tại TP.HCM.
Vào giữa tháng 6/2016, Aeon đã mở trung tâm thương mại thứ 4 trong kế hoạch mở 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Trước đó, trong tháng 4, Trần Anh cũng đã khai trương đại siêu thị tại Thái Bình. Theo kế hoạch công bố từ đầu năm, trong quý III/2016, DN này sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động 5 đại siêu thị. Điện máy Xanh thì liên tục mở siêu thị và hiện 119 siêu thị của thương hiệu này đã có mặt tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Thiếu hụt nguồn cung
Sự sôi động của thị trường khiến nhân lực của ngành này trở nên thiếu hụt. Số liệu từ Công ty L&A, nhu cầu tuyển dụng các vị trí quản lý ngành hàng, mua hàng, dịch vụ khách hàng, kiểm soát tài chính… tăng nhanh so với cùng kỳ năm trước. Lý do cho sự tăng nhanh này là việc mở rộng các điểm bán đang “hút” một lượng không nhỏ người lao động, đặc biệt là ở cấp quản lý.
Số liệu này cũng trùng với kết quả nghiên cứu nhu cầu tuyển dụng lao động tại Việt Nam do Navigos Search công bố hồi tháng 1/2016. Theo đó, xu hướng mở các cửa hàng tiện ích ngày càng nhiều do vậy cơ hội cho các vị trí mới tốt nghiệp đại học cũng sẽ dồi dào hơn. Các vị trí quản lý trong ngành hàng tiêu dùng nhanh tiếp tục được tìm kiếm vì nhân sự ngành này vẫn luôn thiếu hụt. Tại TP.HCM, ngành chăm sóc sức khỏe, ngành tiêu dùng, bán lẻ, tài chính – ngân hàng… trong top 10 ngành hàng trả lương cao nhất.
2015 là năm mà ngành bán lẻ chứng kiến sự thay đổi nhân sự nhiều nhất so với trước. Trong đó, sự ra mắt của hệ thống bán lẻ VinMart đã thu hút một lượng không nhỏ quản lý cấp trung và cao từ các đơn vị khác. Theo một đại diện siêu thị tại TP.HCM, hàng loạt vị trí cấp trung và cao của các DN bán lẻ được “chiêu dụ” về VinMart với mức lương cao gấp đôi so với mức mà họ đang hưởng.
Nghiên cứu của Talentnet công bố hồi năm 2015 cho thấy, nhu cầu tuyển dụng cao của ngành bán lẻ rơi vào nhóm nhân sự cấp cao và trung cấp (từ vị trí quản lý trở lên). Sự thiếu hụt nhân sự gần như có ở tất cả các lĩnh vực như quản lý mua hàng, quản lý ngành hàng, dịch vụ khách hàng…
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Tấn Hoàng Hậu – Giám đốc Marketing Trung tâm Điện máy và Nội thất Thiên Hòa cho rằng, ngành bán lẻ đang thiếu nhân sự trầm trọng, nhất là nhóm quản lý cấp trung và cao cấp. Nguyên nhân chính là tại Việt Nam hiện nay không có trường đào tạo nhân sự về ngành bán lẻ. Hơn nữa, ngành bán lẻ đòi hỏi rất cao về độ nhạy bén cũng như khả năng hiểu rõ thị trường, nhưng để đáp ứng những yêu cầu này, phải có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành.
Chưa có nơi đào tạo
Thực tế cho thấy, các trường đại học hiện chưa có chuyên khoa đào tạo ngành bán lẻ. Muốn có đội ngũ nhân sự giỏi, các DN bán lẻ phải tự đào tạo. Ông Hồ Quốc Nguyên – Giám đốc Quan hệ Công chúng Big C Việt Nam cho rằng, hiện vẫn chưa có trường đại học, cao đẳng đào tạo chính quy, bài bản về ngành bán lẻ. Hầu hết những quản lý cấp cao thành công trong ngành bán lẻ đều từ quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm qua thực tế làm việc tại các DN bán lẻ lớn tại Việt Nam.
Ngay như Saigon Co.op, đơn vị bán lẻ có mạng lưới bán lẻ lớn nhất Việt Nam (82 siêu thị Co.opmart, 2 đại siêu thị Co.opXtra, 96 cửa hàng Co.op Food) nhưng cũng phải tự đào tạo. Các nhân sự giỏi, các lãnh đạo của Saigon Co.op đều được đào tạo từ thực tế tại các siêu thị Co.opmart và các chương trình đào tạo của Saigon Co.op cũng như qua các chuyến đào tạo ngắn ngày ở nước ngoài.
Ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết, để có nhân sự đáp ứng được yêu cầu, Saigon Co.op đã thành lập trung tâm đào tạo với đội ngũ giảng viên riêng. Tất cả 15.000 nhân viên của Saigon Co.op, từ nhân viên bán hàng, thu ngân, dịch vụ… cho đến quản lý cấp cao đều qua chương trình đào tạo của trung tâm. Các nhân sự được tuyển dụng trước khi trở thành nhân viên chính thức phải qua các khóa đào tạo tại trung tâm này (thời gian đào tạo tùy theo từng vị trí).
Trong khi đó, để có đội ngũ nhân sự giỏi, từ năm 2012, Hệ thống siêu thị Big C đã kết hợp với các viện đào tạo tổ chức các khóa học chuyên ngành bán lẻ. Chương trình đào tạo của DN này được thực hiện với hai hình thức xen kẽ vừa học lý thuyết vừa thực hành nghiệp vụ và đảm trách một vị trí quản lý tại siêu thị hay bộ phận hỗ trợ.
Để chiêu mộ được đội ngũ học viên, Big C đài thọ tất cả kinh phí, từ đào tạo, nhận trợ cấp thực tập hàng tháng, trợ cấp tiền ăn trưa, trợ cấp chi phí đi lại, chi phí lưu trú cho các ứng viên từ các tỉnh vào học tại TP.HCM, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn 24/24 và một số chế độ ưu đãi khác. Thế nhưng, mỗi khóa học (1 năm), Big C chỉ tuyển chọn được khoảng 40 – 50 người đúng yêu cầu.
Ông Võ Hoàng Anh cho rằng, lương là yếu tố đầu tiên để người lao động quyết định nơi làm việc nhưng để họ gắn bó thì cần nhiều yếu tố khác như chế độ phúc lợi, môi trường làm việc, khả năng thăng tiến… Saigon Co.op đã xác định nhân lực là vấn đề quan trọng nhất nên đầu tư mạnh cho khâu này. Đó cũng chính là lý do để Saigon Co.op cấu trúc lại nhiều mặt, trong đó, cải cách cơ chế lương, sắp xếp lại công việc cho hợp lý hơn… sẽ được áp dụng trong thời gian ngắn sắp tới.