Tìm nhiều cách trở lại thị trường, Nokia dấn thêm một bước vào phân khúc cao cấp, một phân khúc chưa bao giờ là thế mạnh của thương hiệu vang bóng một thời này. Người dùng liệu sẽ cảm thấy “sốc” hay thích thú với một chiếc điện thoại Nokia giá cao?
Tìm khoảng trống
Lần đầu tiên nhìn vào chiếc điện thoại Nokia 8 vừa ra mắt, có lẽ người dùng sẽ không ấn tượng gì nhiều, vẫn bám theo triết lý thiết kế tối giản từ nhà sản xuất điện thoại Phần Lan nhiều lần chia sẻ. Nhưng có một điều mà bạn không thể bỏ qua, đó là mức giá ấn tượng lên đến 13 triệu đồng. Khác biệt với những chiếc điện thoại phổ thông như 3310, Nokia 3, Nokia 5 hay gần nhất là Nokia 6 (giá khoảng 5,5 triệu đồng), HMD Global lần này giới thiệu hẳn chiếc flagship đầu tiên của mình trong nỗ lực làm sống dậy thương hiệu Nokia trên thị trường điện thoại.
Xu hướng đẩy sản phẩm điện thoại lên cấp giá cao hơn không chỉ có ở Nokia. Hai hãng điện thoại chia đôi thị phần ở phân khúc cao cấp là Apple và Samsung mới đây cũng ra mắt những mẫu điện thoại mới, với mức giá được đẩy lên gần 1.000USD. Trong khi đó, ở phân khúc bình dân, Oppo mới đây cũng tiến lên phân khúc mới với sản phẩm F3 Plus có giá khoảng 10 triệu đồng sau khi khuấy đảo phân khúc tầm trung 7 triệu đồng. BKAV cũng tự định vị BPhone 2 vào phân khúc này dù rất khó khăn đối với một smartphone “Made in Vietnam”.
Vì sao Nokia lại tiến lên phân khúc cao cấp hơn? Theo ông Kyler Tan, Giám đốc Toàn quốc của HMD Global, Nokia 8 góp mặt vì Hãng nhìn thấy khoảng trống ở phân khúc điện thoại có mức giá từ 10-13 triệu đồng. “Phân khúc này không có nhiều sản phẩm, trong khi triết lý của Nokia là thiết kế điện thoại cho tất cả mọi người”, ông Kyler Tan cho biết. Trong khi đó, ông Juho Sarvikas, Giám đốc sản phẩm HMD Global, chia sẻ trên Bloomberg, cho biết đây là thời điểm hoàn hảo để ra mắt sản phẩm mà ông mô tả là một chiếc flagship. Theo dự báo, thị trường nửa sau của năm 2017 sẽ sôi động hơn nhờ sự xuất hiện của những sản phẩm mới, đặc biệt là iPhone 8 của Apple và Galaxy Note 8 của Samsung. Số liệu những năm trước cũng chứng minh quý III và quý IV là thời điểm tốt của giới kinh doanh smartphone khi người dùng mua sắm mạnh tay hơn vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch.
Tình hình bán hàng tốt có thể là một cơ hội cho Nokia mở rộng thêm phân khúc cao hơn, cho dù những con số không được cho biết cụ thể. Theo ông Kyler Tan, Việt Nam là một thị trường trọng điểm của Nokia và đã đạt được con số tăng trưởng mong muốn. Con số được ông Sarvikas nhắc đến là sản lượng hàng triệu máy Nokia dòng 3, 5 và 6.
Chiếc flagship đầu tiên của Nokia có cùng mức giá với các sản phẩm như HTC U Ultra, Sony XZs, hay Samsung C7 Pro. Mức giá 13 triệu đồng được nhận định là khá cao so với một thương hiệu mới góp mặt vào phân khúc cao cấp, ngay cả bản thân với thương hiệu một thời vang bóng như Nokia. Tuy nhiên, có thể nhận thấy giá bán Nokia 8 ở thị trường Việt Nam thấp hơn so với bản thương mại ở thị trường các quốc gia khác (khoảng 700USD), đồng thời cũng thấp hơn các sản phẩm điện thoại khác có cùng trang bị chip Snapdragon 835. Có lẽ, hơn ai hết, HMD Global hiểu rằng mức giá như vậy là thực sự khó cạnh tranh ở thị trường Việt Nam.
Thích thú và hào hứng với nhà sản xuất điện thoại phổ thông hẳn nhiên là có, nhưng khiến khách hàng móc hầu bao là chuyện rất khó.
Chuyện tiến lên phân khúc cấp cao chưa bao giờ là dễ dàng. Sony và HTC là 2 bài học điển hình cho nỗ lực cạnh tranh về sản phẩm cao cấp với Apple và Samsung nhưng chưa thực sự thành công. Thích thú và hào hứng với nhà sản xuất điện thoại phổ thông hẳn nhiên là có, nhưng khiến khách hàng móc hầu bao là chuyện rất khó.
Phép thử của Nokia
Trong bối cảnh thị trường phủ kín mọi phân khúc, thêm một hãng điện thoại chen chân vào phân khúc cấp cao cũng là điều thú vị, bởi vì phân khúc tầm trung thì nhiều người mua, dễ làm, sản phẩm nhiều. Đi lên phân khúc cao cấp thì khách hàng dĩ nhiên khó tính hơn nhiều, cho dù túi tiền rộng rãi hơn.
Nokia từ trước đến nay gắn liền với những sản phẩm nằm ở phân khúc nhóm dưới chứ không phải ở nhóm trên. Chất lượng phần cứng chưa bao giờ bị nghi ngờ là một lợi thế lớn của Nokia, nhưng ở thị trường này, mức giá và sức mạnh marketing mới là yếu tố quyết định quan trọng nhất.
Sản phẩm Nokia 8 lần này được HMD Global nhắm trực tiếp đến giới trẻ yêu mạng xã hội. Điện thoại Nokia 8 có chức năng chụp ảnh và quay phim đồng thời cả 2 camera trước và sau, trên màn hình được chia làm đôi. Hãng đặt tên cho chức năng mới là Bothie và kỳ vọng sẽ trở thành xu hướng thay thế cho selfie với những người dùng thích livestream trên mạng xã hội.
Chức năng này ghi điểm cho một nỗ lực sáng tạo mới của Nokia trên thị trường điện thoại. Việc nhắm đến giới trẻ vốn có khả năng mua sắm “mạnh tay” cũng là một toan tính của Nokia. Dù vậy, thực tế chức năng này cũng chưa hẳn có gì đảm bảo vị trí cho Nokia trong tương lai vì những phần mềm đều có khả năng sao chép.
Trong khi đó, đại diện HMD Global cho biết chiến lược marketing cụ thể trong thời gian tới sẽ là tiếp cận nhiều hơn với những người hâm mộ trung thành của thương hiệu Nokia, như tổ chức những buổi trải nghiệm. Khác với khách hàng của Samsung được giảm giá nhờ nhiều phụ kiện, Nokia mới đây đưa ra chương trình giảm giá trực tiếp trên sản phẩm 2 triệu đồng với người đã từng sử dụng điện thoại Nokia ở các siêu thị điện thoại lớn. Rõ ràng, với mức giá 11 triệu đồng (sau khi giảm) thì Nokia 8 bỗng nhiên hấp dẫn hơn nhiều.
Dù vậy, trao đổi thêm với đại diện của HMD Global, Hãng chưa chia sẻ thêm nhiều hướng đi khác để thúc đẩy doanh số. Bắt đầu bước vào phân khúc cao cấp, chưa có bằng chứng nào để nói rằng Nokia sẽ làm tốt hay không ở phân khúc này và theo cách nào, nhưng thách thức thì có thể thấy rõ. Việc quảng bá với 2 nhóm khách hàng mục tiêu rõ ràng là khác hẳn nhau. Kinh nghiệm này có lẽ Samsung, hãng sản xuất điện thoại trải rộng phân khúc, nắm rõ nhất. Thêm nữa, người tiêu dùng cũng chưa có cơ hội sử dụng chiếc điện thoại flagship của Nokia để đặt sự tin tưởng của mình vào đó.
Ở góc độ khác, Nokia 8 mới chỉ là sản phẩm đầu tiên giúp Nokia “chuyển mình” lên phân khúc cao hơn. “Chúng tôi chắc chắn sẽ góp mặt trong tương lai gần khi nhu cầu người dùng cuối xuất hiện cho phân khúc đó”, ông Kyler Tan cho biết. Xem ra, người dùng Việt Nam cần kiên nhẫn thêm với một thương hiệu có quá nhiều hoài niệm như Nokia.