Ông Hoàng Tùng, người sáng lập chuỗi Pizza Home đã có những chia sẻ về sự “bành trướng” của trà sữa cũng như khả năng tồn tại của mô hình kinh doanh này.
* Gần đây, mô hình kinh doanh trà sữa nhượng quyền nở rộ. Theo ông vì sao?
– Đầu tiên là nhu cầu về trà sữa của thị trường rất lớn, đặc biệt thu hút khách hàng là giới trẻ. Giới trẻ cũng chính là nhóm khách hàng tiềm năng mà các thương hiệu có thể khai thác.
Yếu tố thứ hai chính là mức chi phí để đầu tư một cửa hàng trà sữa khá vừa phải, nằm trong điều kiện, khả năng kinh tế của nhiều người.
Tiếp đó, giá bán của loại hình đồ uống này khá tốt, dao động 40.000-80.000 đồng mỗi ly. Khách hàng văn phòng gọi nhiều khiến doanh số/đơn hàng rất khả thi tạo nên tính khả quan trong doanh số cửa hàng so với mức đầu tư.
Cuối cùng, công thức làm trà sữa ngày càng trở nên dễ dàng so với ngành nghề khác. Mọi người có thể trải qua một khóa học ngắn là có thể nắm bắt được công thức tạo nên những loại trà sữa ưa chuộng. Chính điều này cũng giúp cho nhiều người có thể dễ dàng tạo ra sản phẩm, từ đó tự tin kinh doanh trà sữa.
* Năm 2010, trà sữa đã vào Việt Nam, và cũng như nhiều trào lưu kinh doanh khác nhưng đến năm 2017, cũng chính trà sữa lại trở lại tương đối mạnh mẽ, vì sao? Theo ông thì đâu là điểm khác biệt giữa hai giai đoạn?
– Thời gian đầu, khi trà sữa mới du nhập, cũng như bất cứ món đồ mới nào khi mới vào thị trường, nó sẽ cần phải có thời gian để thích ứng. Những món đồ ăn/đồ uống rất phổ biến ở nước ngoài những chưa chắc đã có thể điều khiển được khẩu vị của người dân bản địa và trở thành một phần của văn hóa ẩm thực bản địa. Bánh burger là một ví dụ rõ ràng cho chuyện này.
Ban đầu, trà sữa cũng vấp phải rào cản về thói quen tiêu dùng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là những “ông lớn” trong ngành trà sữa cũng chưa vào thị trường một cách mạnh mẽ. Điều đó khiến cho quá trình đưa sản phẩm vào đời sống người dân không nhanh chóng được.
Tuy nhiên, sau khi thấy được tiềm năng thị trường, một loạt ông lớn đã nhảy vào thị trường trà sữa. Và khi có được lực đẩy từ các ông lớn thì mức đáp ứng của thị trường là rất mạnh.
Theo tôi, điểm khác biệt chủ yếu của hai giai đoạn đó là sự tham gia của những tay chơi lớn, những thương hiệu trà sữa quốc tế vào thị trường này.
* Từng làm khởi nghiệp về cà phê và nhiều loại hình đồ ăn uống khác, ông thấy làm nhượng quyền trà sữa có những ưu nhược điểm gì so với làm những loại hình trên?
– Mức giá của nhượng quyền trà sữa khá tốt nếu so với việc nhận nhượng quyền của những thương hiệu quốc tế như McDonald’s, KFC, Lotteria… Ngoài ra, mức cam kết về vốn đầu tư và những điều kiện khác theo tôi cũng dễ dàng hơn so với việc nhận nhượng quyền từ những ông lớn về đồ ăn uống quốc tế.
Điều này thực ra cũng dễ hiểu, bởi những thương hiệu trà sữa nổi tiếng cũng chỉ có tuổi đời rất nhỏ so với các ông lớn kể trên, chưa kể tín nhiệm về thương hiệu ở mức độ toàn cầu cũng không thể nào sánh bằng.
Tuy nhiên, nhược điểm cũng từ đó mà ra. Đó là có thể những thương hiệu trà sữa bán nhượng quyền cũng chưa thực sự có quy trình, quy chuẩn và hành lang pháp lý đủ mạnh như những ông lớn quốc tế, mà việc một nhãn hàng trà sữa gần đây có tới vài đơn vị đều tự nhận là đơn vị nhận nhượng quyền chính hãng tại Việt Nam là rủi ro chúng ta đều có thể thấy rõ.
Ông Hoàng Tùng, người sáng lập chuỗi Pizza Home. |
* Vậy mức độ rủi ro khi đầu tư làm trà sữa nhượng quyền so với các loại hình khác thì ra sao?
– Rõ ràng, xu hướng kinh doanh ngành trà sữa đang lên. Nhu cầu thị trường cũng đang rất lớn và sự sôi động là điều ai cũng có thể cảm nhận thấy được. Tại thời điểm này, đúng là kinh doanh trà sữa hay đầu tư trà sữa nhượng quyền có mức độ rủi ro thấp hơn nhiều so với các loại hình hàng quán khác.
Khi thị trường bùng nổ thì ai cũng có “quả ngọt”. Nhưng nhìn xa hơn, khi thị trường dần ổn định, cơn sốt qua đi thì sẽ có sự thanh lọc dần. Chỉ có những thương hiệu đủ mạnh, sản phẩm tốt mới tồn tại và phát triển được. Những thương hiệu không đáp ứng được hai điều trên sẽ dần bị thải loại.
* Theo ông, trà sữa có “chìm” một lần nữa trong tương lai gần hay sẽ còn tiếp tục tồn tại?
– Nhiều người cho rằng cơn sốt trà sữa là nhất thời nhưng nếu nhìn rộng ra trên bình diện khu vực thì đây sẽ là xu hướng phát triển “dài hơi”. Những thương hiệu ẩm thực lớn trên thế giới cũng đã để mắt đến việc kinh doanh trà sữa, có động thái cho món trà sữa vào menu hoặc phát triển thương hiệu trà sữa riêng, điều này cho thấy tiềm năng thực sự của dòng sản phẩm này.
Theo tôi, trà sữa sẽ không chết yểu như những trên ngắn hạn kiểu mỳ cay 7 cấp độ hay chè khúc bạch. Nó sẽ là xu hướng phát triển dài hạn và sẽ trở thành một phần thói quen tiêu dùng ẩm thực của người Việt, đặc biệt là giới trẻ
* Nếu thời điểm hiện tại được đầu tư nguồn lực, ông sẽ làm trà sữa chứ?
– Dĩ nhiên tôi sẽ tham gia ngành trà sữa khi có đủ nguồn lực. Bản chất của một người kinh doanh sẽ rất hứng thú và muốn có một phần trong một làn sóng kinh doanh đang đi lên. Trà sữa là một làn sóng như vậy.