Không còn thời kỳ hoàng kim của 10 năm trước, thời trang Việt đang thoái trào khi các hãng thời trang nước ngoài liên tục vào Việt Nam.
Thời trang ngoại áp đảo
Thị trường thời trang đang sôi động và tạo ra xu hướng “thời trang nhanh” khi một loạt thương hiệu nước ngoài xuất hiện. Đầu tháng 9, H&M – hãng thời trang đến từ Thụy Điển mở cửa hàng tại TP.HCM. Trước đó, thương hiệu thời trang đến từ Tây Ban Nha Zara cũng đã “chào sân” bằng 2 cửa hàng, một tại TP.HCM, một tại Hà Nội.
Cửa hàng đầu tiên của Zara tại TP.HCM đạt doanh thu 5,5 tỷ đồng trong ngày khai trương, phá kỷ lục cửa hàng Zara có doanh thu ngày khai trương cao nhất ở nước ngoài.
Thành công của Zara khiến Tập đoàn Thời trang Inditex (sở hữu Zara, Bershka, Stradivarius, Massimo Dutti, Oysho) nghĩ đến việc đưa các nhãn hàng còn lại đến thị trường Việt Nam.
Thị trường đang xôn xao trước thông tin Stripe International Inc (Nhật Bản) mua lại Công ty Thời trang NEM. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tiệp – Giám đốc truyền thông NEM khẳng định: “Stripe International Inc chỉ góp vốn và hiện tại 2 bên vẫn đàm phán nên chưa thể công bố chi tiết về thương vụ”. Cũng theo ông Nguyễn Tiệp, NEM đã có kế hoạch phát triển ở thị trường nước ngoài từ lâu nhưng nội lực chưa đủ nên chưa triển khai. Vì thế, Công ty muốn thông qua sự hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài để đưa thương hiệu ra thế giới.
Thời trang ngoại vào Việt Nam nhiều bắt đầu từ năm 2015, khi hàng rào thuế quan của ngành may mặc được dỡ bỏ. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có gần 200 thương hiệu thời trang ngoại góp mặt tại Việt Nam. Ông Nguyễn Tiệp cho rằng, sự quan tâm của doanh nghiệp ngoại cũng như sự có mặt rầm rộ của các thương hiệu thời trang bình dân nước ngoài thời gian gần đây đã khẳng định thị trường thời trang Việt Nam đang rất hấp dẫn.
Theo số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thị trường may mặc nội địa có quy mô 4,5 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng 20%/năm. Trung bình mỗi năm người Việt chi khoảng 100.000 tỷ đồng cho quần áo. Kết quả khảo sát của Nielsen cho thấy, mức chi tiêu dành cho quần áo của người Việt đứng thứ ba sau thực phẩm và tiết kiệm, số người Việt mê hàng hiệu cũng đứng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Vùng vẫy trong thế khó
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có gần 200 thương hiệu thời trang ngoại góp mặt tại Việt Nam.
Thị trường hấp dẫn như vậy nhưng doanh nghiệp trong nước lại rất khó khăn nếu không muốn nói là thời trang Việt đang suy thoái. Khoảng 10 năm trước, Ninomaxx, Blue Exchange, Việt Thy, Foci, Sifa, PT 2000, Sea Collection, Đan Châu là những thương hiệu luôn được giới trẻ lựa chọn khi mua quần áo. Trong đó, Ninomaxx có chuỗi với trên 200 cửa hàng, Blue Exchange hơn 140 cửa hàng, Việt Thy, Foci có vài chục điểm bán. Thế nhưng khoảng 4 – 5 năm trở lại đây, các thương hiệu này đã dần thu hẹp kinh doanh.
Năm 2013, trước sức ép của thời trang ngoại, Công ty Thời trang Việt (Ninomaxx) đã thay đổi mô hình cửa hàng theo thiết kế one-stop shop Ninomaxx Concept đồng thời với việc cải tổ Công ty. Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn khi đó, ông Nguyễn Hữu Phụng – Chủ tịch HĐQT Ninomaxx cho biết, Công ty phải cải tổ từ sản phẩm, phân phối, dịch vụ khách hàng cho đến nhân sự.
Không chỉ chú trọng đến yếu tố thời trang, Ninomaxx còn tăng chất lượng sản phẩm đồng thời với việc xác định lại thương hiệu. Dù đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng trước sự thâm nhập ồ ạt của thời trang ngoại, Ninomaxx rất khó trở lại thời kỳ hoàng kim. Hiện tại, Ninomaxx chỉ còn khoảng 60 cửa hàng.
Một doanh nhân kinh doanh ngành may mặc cho rằng, thời trang Việt Nam đã đến hồi thoái trào. Điều này đã được báo trước khi Việt Nam chuẩn bị dỡ bỏ hàng rào thuế quan – lá chắn cuối cùng để bảo hộ hàng trong nước. Và hiện nay, sau khi Zara và H&M đặt nền tảng tại Việt Nam đã tạo ra làn sóng ưa thích “thời trang nhanh” từ các thương hiệu thời trang bình dân nước ngoài. Làn sóng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới khi Uniqlo và nhiều thương hiệu thời trang bình dân khác chuẩn bị ra mắt.
Khó là vậy nhưng theo ông Nguyễn Tiệp, cạnh tranh sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp thời trang Việt Nam thay đổi. Muốn tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải đủ năng lực cạnh tranh, phải khẳng định được thương hiệu và hình thành phong cách riêng. Hiện NEM đã xây dựng được 45 cửa hàng và sẽ thêm 5 cửa hàng vào cuối năm nay.
“Bằng việc hợp tác với doanh nghiệp ngoại, Công ty sẽ học hỏi công nghệ may mặc, quy trình quản lý của đối tác để nâng tầng thương hiệu. Thời gian tới, sản phẩm của NEM sẽ có mặt tại các thành phố lớn ở Việt Nam và ra nước ngoài”, ông Tiệp thông tin.
Bà Nguyễn Thị Điền – Tổng giám đốc Công ty An Phước cho biết, làn sóng thời trang nhanh từ nước ngoài chưa ảnh hưởng nhiều đến An Phước. Đó là vì thời trang nhanh đánh vào phân khúc khách hàng trẻ, ưa sự thay đổi trong khi phân khúc khách hàng của An Phước là thời trang trung niên.
Biết thị trường sẽ còn xuất hiện nhiều thương hiệu nước ngoài nên An Phước đã đầu tư máy móc, thiết bị, cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng đồng thời mở rộng mạng lưới phân phối. Từ đầu năm đến nay An Phước đã mở thêm 10 cửa hàng và hiện đã có 128 cửa hàng tại nhiều tỉnh – thành.