Hai tập đoàn dược phẩm lớn là Pfizer và Allergan hiện được cho là đã đạt một thỏa thuận sáp nhập vào ngày 22/11 vừa qua với tổng giá trị lên tới 150 tỷ USD để trở thành doanh nghiệp lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này.
Theo một nguồn tin của hãng Wall Street Journal, hội đồng quản trị của cả 2 công ty đã đi đến nhất trí vào ngày 22/11 và có thể sẽ công bố chính thức vào ngày 23/11. Trong đó, mỗi cổ phiếu của hãng Allergan, có trụ sở tại Ireland, sẽ đổi được 11,3 cổ phiếu của hãng Pfizer, cùng với đó là một khoản phí nhỏ để hoàn tất hợp đồng sáp nhập này.
Để tránh những rắc rối với các quy định chống độc quyền, công ty nhỏ hơn là Allergan sẽ ở vị trí người mua trong hợp đồng và Pfizer, công ty dược hàng đầu của Mỹ, sẽ là doanh nghiệp được đề nghị sáp nhập.
Nếu thành công, thương vụ Pfizer-Allergan sẽ là cuộc sáp nhập lớn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, thương vụ này cũng sẽ tạo nên nhiều tranh cãi trong dư luận, đặc biệt là những nhà chính trị tham gia bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Những thương vụ sáp nhập như trên có thể giúp các công ty Mỹ tận dụng được lợi thế thuế doanh nghiệp thấp tại nước ngoài trước tình hình mức thuế khá cao trong nước.
Giám đốc điều hành Ian Read của Pfizer, được dự đoán sẽ là người lãnh đạo doanh nghiệp sau vụ sáp nhập. Ông Read nổi tiếng là ngưới có quan điểm chống đối chính sách thuế doanh nghiệp quá cao tại Mỹ, khiến cho những tập đoàn như Pfizer mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ quốc tế.
Theo số liệu của hãng Evercore ISI, mức thuế dành cho Pfizer tại Mỹ vào khoảng 25%, mức cao nhất trong ngành dược phẩm. Hiện tại, mức thuế doanh nghiệp tại Mỹ bình quân vào khoảng 35%, thuộc hàng cao nhất thế giới, trong khi tại Ireland chỉ là 12,5%.
Năm 2014, Pfizer đã từng đề nghị sáp nhập với Astra Zeneca nhằm tận dụng lợi thế về thuế tại nước ngoài nhưng bị từ chối.
Nhiều chuyên gia dự đoán, vụ sáp nhập sẽ giúp Pfizer giảm mức thuế xuống còn dưới 20%, còn Allergan sẽ được giảm thuế xuống khoảng 15%.
Việc Pfizer và Allergan sáp nhập sẽ tạo nên một đế chế mới trong ngành dược phẩm. Năm 2014, doanh thu của Allergan là 13 tỷ USD, còn Pfizer là 50 tỷ USD. Ước tính ban đầu cho thấy doanh số của công ty sau sáp nhập sẽ vào khoảng 60 tỷ USD, tiếp tục bỏ xa hãng dược lớn thứ 2 tại Mỹ là Merck&Co có doanh số 40 tỷ USD.
Trong trường hợp thành công, thương vụ Pfizer-Allergan sẽ là vụ sáp nhập lớn nhất thế giới từ đầu năm đến nay, vượt qua thương vụ Anheuser-Busch InBev trị giá 107 tỷ USD trước đó.
Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã gia tăng các quy định về M&A nhằm hạn chế tình trạng lách luật tránh mức thuế quá cao tại Mỹ của các công ty, nhưng nhiều chuyên gia nhận định những quy đinh này khó có thể ngăn cản thương vụ của Pfizer.
Ngoài ra, hãng Pfizer cũng có thể hưởng lợi qua thương vụ trên nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng của Allergan. Gần đây, doanh số của Pfizer đã giảm tốc do gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ. Trong khi đó, Allergan lại đang phát triển nhanh chóng nhờ mảng sản phẩm thẩm mỹ và các loại sản phẩm botox dành cho thẩm mỹ viện.
Hãng Allergan dự báo thị trường sản phẩm cho thẩm mỹ có thể tăng gấp đôi lên 10,5 tỷ USD vào năm 2020. Hơn nữa, công ty cũng đang chuẩn bị đưa ra nhiều loại thuốc mới và ước tính doanh số có thể tăng thêm 15 tỷ USD trong vài năm tới.
Bên cạnh đó, việc sáp nhập cũng sẽ giúp khả năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm của cả 2 tập đoàn được nâng cao hơn.
Mặc dù vậy, thương vụ sáp nhập của Pfizer và Allegan vẫn cần chờ sự chấp thuận của các cơ quan chống độc quyền trên thế giới.
Sau khi Tổng thống Barack Obama thực hiện cải cách ngành y tế với Đạo luật chăm sóc sức khỏe mới (Obamacare), nhiều công ty dược phẩm, chủ yếu là những doanh nghiệp cỡ trung, đã tăng cường M&A nhằm gia tăng vị thế đàm phán với bệnh viện về giá thuốc.
Cả 2 tập đoàn trên dự kiến thỏa thuận M&A này có thể mất 9 tháng để được các cơ quan chấp thuận và đi đến ký kết cuối cùng.
Sau đó, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp sáp nhập Pfizer-Allergan có thể sẽ được tách làm 2. Một công ty chuyên phát triển các sản phẩm vẫn còn thời hạn bản quyền, doanh nghiệp khác sẽ kinh doanh những loại thuốc đã hết hoặc gần hết thời hạn bảo hộ bản quyền.