Mới đây, trong cuộc gặp phóng viên Báo Doanh Nhân Sài Gòn, ông Phidsanu Pongwatana – Tổng giám đốc MM Mega Market Việt Nam (MM VN) đã có những chia sẻ cởi mở về chiến lược kinh doanh của Công ty tại thị trường Việt Nam.
Các hoạt động của các trạm trung chuyển MM VN và chính sách đồng hành cùng nông dân, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển mô hình chuỗi sản xuất… Cùng với đó là kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết sắp đến.
* Ông có thể chia sẻ những điểm chính trong chiến lược kinh doanh của MM VN thời gian tới?
– Trước khi sang Việt Nam, tôi đã có trên 30 năm kinh nghiệm điều hành các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ ở khắp các thị trường trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Tôi nhận thấy được sự đầu tư bài bản của Tập đoàn TCC Thái Lan thông qua việc đồng hành với người nông dân Việt Nam, chuyển giao các công nghệ chăn nuôi từ khâu nuôi trồng đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ.
Chúng tôi xác định Việt Nam là thị trường quan trọng tại Đông Nam Á với tiềm năng trên 93 triệu dân, nên đã có kế hoạch phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Cụ thể là trong 3 năm, bắt đầu từ 2019, cứ mỗi năm chúng tôi sẽ mở thêm nhiều kho mới, trước hết là ở Hà Nội và TP.HCM. Đồng thời, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng các Flatform (nền tảng kết nối) để đồng hành với người tiêu dùng là 2 trạm trung chuyển thịt tại 2 thành phố này.
* Trải nghiệm đặc biệt mà MM VN muốn đem lại cho khách hàng là gì, thưa ông?
– Chúng tôi muốn khách hàng được trải nghiệm mô hình mua sắm tại các trung tâm hiện đại. Mô hình này trên thế giới đã phát triển, nhưng tại Việt Nam thì chưa có hoặc chưa đủ về các yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, tính ổn định của hàng hóa, tính tiện lợi và quan trọng là giá cả ưu đãi.
Khi đến MM VN, khách hàng không chỉ được mua sắm, mà còn được cảm nhận trải nghiệm hoàn toàn mới. Theo đó, chất lượng dịch vụ, sự đa dạng sản phẩm và an toàn thực phẩm là những yếu tố quan trọng mà MM VN sẽ mang đến cho khách hàng.
Cụ thể, chúng tôi có sự cải thiện lớn về hình ảnh, cách bài trí các trung tâm, nhằm đem đến không gian mua sắm hiện đại, thuận tiện cho khách hàng.
Về sản phẩm, chúng tôi sẽ phát triển mạnh nhiều mặt hàng như quần áo, dệt may, nhựa gia dụng, đồng thời tạo ra những nhóm sản phẩm có giá trị cạnh tranh trên thị trường.
Về an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng tôi sẽ đẩy mạnh kiểm soát bằng cách phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và đẩy mạnh áp dụng QR code.
*An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề được người tiêu dùng rất quan tâm. Vậy MM VN có chiến lược cụ thể gì cho vấn đề này?
– Nhiều năm qua chúng tôi luôn được đánh giá là đơn vị đảm bảo những yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vừa qua, chúng tôi đã vinh dự trở thành nhà cung cấp thực phẩm dùng để chế biến các món ăn cho hơn 200 vị nguyên thủ khắp thế giới trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.
Đó cũng là thành quả tất yếu của quá trình hợp tác bền vững giữa MM VN và nông dân. Chẳng hạn như xây dựng trạm trung chuyển thịt heo tại Đồng Nai, đồng hành với bà con nông dân trong suốt quá trình từ chăn nuôi đến chế biến và phân phối, để thịt heo thành phẩm tại MM VN luôn tươi ngon, an toàn.
Ngoài ra, MM VN đã triển khai ứng dụng dán mã QR (mã hóa các thông tin về sản phẩm), nhằm hỗ trợ khách hàng truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại di động thông minh.
* Nhân đây, ông có thể chia sẻ đôi điều về Trạm trung chuyển rau củ quả tại Đà Lạt, Trạm trung chuyển cá tại Cần Thơ, Trạm trung chuyển thịt heo tại Đồng Nai và Trạm trung chuyển trái cây tại Bến Tre?
– Trạm trung chuyển cá của MM VN tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là điển hình của việc hợp tác công – tư trong phát triển thủy sản bền vững, nhằm thiết lập chuỗi cung ứng cá tươi chất lượng cao cho thị trường Việt Nam và gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Trạm trung chuyển này đi vào hoạt động từ năm 2011, hiện cung cấp sản lượng gần 2.000 tấn/năm với hơn 400 mặt hàng thủy hải sản.
Được đưa vào vận hành từ năm 2005, đến nay Trạm trung chuyển rau quả Đà Lạt của MM VN được đánh giá là một trong những trạm trung chuyển đạt điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm rau quả ở Việt Nam. Với vùng nguyên liệu rộng 250ha, mỗi năm trạm trung chuyển này cung cấp hơn 12.000 tấn rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, MM VN đang hợp tác với gần 300 hộ nông dân để phát triển trạm trung chuyển này.
Trạm trung chuyển thịt heo tại Đồng Nai được MM VN hợp tác cùng nông dân Đồng Nai nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2017, hiện nay sản lượng cung cấp cho các trung tâm MM VN phía Nam mỗi tháng gần 400 tấn. Không chỉ kiểm soát trong suốt quá trình chăn nuôi, khâu giết mổ và vận chuyển, MM VN còn đầu tư các thiết bị hiện đại, các xe tải chuyên dụng để đảm bảo độ tươi sống, an toàn cho sản phẩm.
Còn Trạm trung chuyển trái cây Bến Tre mới được MM đưa vào vận hành nhằm cung cấp nguồn trái cây an toàn, chất lượng cao cho hệ thống 19 Trung tâm MM VN trên toàn quốc, đồng thời phục vụ mục tiêu xuất khẩu trái cây Việt sang Thái Lan, Trung Quốc và các nước thuộc thị trường Đông Nam Á. Trạm trung chuyển trái cây Bến Tre dự kiến hợp tác với khoảng 100 hộ nông dân, tập trung ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, gồm Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long và Đồng Tháp.
* Cảm nghĩ của ông khi MM VN được vinh danh là “Doanh nghiệp vì nhà nông”?
– Chúng tôi rất tự hào khi những đóng góp của MM VN cho ngành nông nghiệp Việt Nam đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận. Từ trước đến nay, đội ngũ kỹ sư nông nghiệp của MM VN đều trực tiếp làm việc chặt chẽ với nông dân, các hợp tác xã từ lựa chọn giống, lên kế hoạch sản xuất, thu hoạch, vận chuyển trực tiếp đến các trạm trung chuyển. Những hộ nông dân tham gia hợp tác phải có nhật ký sản xuất, trong đó ghi chép lại chi tiết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian thu hoạch và phải thực hiện kiểm nghiệm định kỳ theo tiêu chuẩn của MM VN.
Nhờ tiên phong phát triển mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững, 16 năm qua MM VN đã và đang tổ chức đào tạo cho hơn 20.000 nông dân, ngư dân, nhà sản xuất, cán bộ địa phương, trong đó nhiều nông dân đạt Chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt như VietGap,
GlobalGap đáp ứng được những yêu cầu của nông nghiệp thời kỳ hội nhập. Những kiến thức này giúp nông dân sản xuất hiệu quả, tăng tính cạnh tranh, đạt lợi nhuận cao hơn, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp khi tham gia thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu nông sản Việt Nam sang các thị trường quốc tế.
* Kế hoạch của MM VN trong việc chuẩn bị hàng hóa cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2019 sắp đến?
– Với dự báo sức mua tăng cao trong những tháng giáp Tết sắp đến, MM VN đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào và phong phú để phục vụ người tiêu dùng. Chúng tôi cũng cam kết mức giá không tăng so với ngày bình thường, chủng loại hàng hóa đa dạng đáp ứng nhu cầu về đặc sản của người dân ba miền. Đặc biệt, MM VN cũng nghiên cứu, chuẩn bị các hộp quà theo ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, nhằm đem lại may mắn trong ngày Tết.