Doanh số bán hàng đã tăng 39% chỉ sau 2 tuần đầu tiên áp dụng phương pháp thêm chữ “bởi vì” vào cuộc hội thoại khi nhân viên sales giới thiệu sản phẩm cho khách hàng, một kết quả đáng kinh ngạc.
Bạn là dân sales và bạn đang cố gắng bán một sản phẩm nào đó, một chiếc ghế chẳng hạn. Chắc chắn bạn sẽ mời khách hàng của mình ngồi thử lên chiếc ghế và bắt đầu giới thiệu về những tính năng vượt trội của chiếc ghế như phần khung rộng và thoải mái, vải mềm, nhà sản xuất có thương hiệu…
Tuy nhiên, dù bạn có giới thiệu bao nhiêu thứ hay ho đi nữa thì hãy nhớ một từ tiếng Anh duy nhất luôn có sức thuyết phục trong mọi hoàn cảnh. Đó là BECAUSE – “Bởi vì”.
Để hiểu rõ hơn vì sao, chỉ một từ BECAUSE có thể quyết định thành công của việc bán hàng, hãy nghe chia sẻ của Vicki Kunkel – tác giả cuốn sách “8 nguyên tắc cơ bản để bán hàng thành công”.
Đó là câu chuyện tại một cửa hàng bán đồ nội thất, mặc dù các nhân viên bán hàng ở đây hết sức thân thiện và chuyên nghiệp, nhưng vị khách hàng khó tính vẫn nhất định không chịu mua hàng.
Vấn đề ở đây xuất phát từ cái mà các nhà tâm lý học gọi là phản ứng “mô hình hành vi cố định”, bao gồm một chuỗi nghiên cứu tâm lý của khách hàng thông qua phân tích các nguyên nhân tác động.
Theo Kunkel, nguyên nhân ảnh hưởng đến việc bán hàng xuất phát từ nhiều yếu tố như lời nói, giọng điệu, trang phục, cử chỉ, hành động, thậm chí tâm trạng của nhân viên bán hàng.
Một ví dụ điển hình của nghiên cứu mô hình hành vi cố định là khi nhìn thấy người đối diện ngáp, chúng ta thường ngáp theo, mặc dù khi đó ta không hề buồn ngủ hay mệt mỏi.
Quay trở lại câu chuyện ở cửa hàng nội thất, nguyên nhân ở đây chính là các nhân viên bán hàng không đủ hấp dẫn đối với một khách hàng đầu tiên, và những khách hàng sau đó cũng dần dần rời bỏ cửa hàng.
“Một nhân viên bán hàng nếu cố gắng quá sức để thuyết phục khách hàng sẽ tự biến anh ta trở thành một kẻ săn mồi. Và giống như một con thằn lằn, khách hàng sẽ trốn chạy khỏi kẻ săn mồi” – Kunkel giải thích.
Trong trường hợp này, nhân viên bán hàng cần phải thay bài giới thiệu sản phẩm đã nằm trong khuôn mẫu bằng một cách chủ động hơn, đó là đặt một loạt câu hỏi và trả lời với BECAUSE (bởi vì) cho khách hàng.
Chẳng hạn, nhân viên bán hàng có thể tươi cười và nói với vị khách rằng: “Tôi rất vinh dự được giới thiệu với ông/bà về sản phẩm này bởi vì đây là cửa hàng mới và chúng tôi luôn hướng đến khách hàng”.
Hay “Ông/bà sẽ vô cùng thích chiếc ghế này bởi vì nó được làm từ da Ý”. Hoặc “Chiếc bàn bằng kính này trông sẽ rất tuyệt vời nếu nó được đặt trong ngôi nhà của ông/bà bởi vì thiết kế của nó phù hợp với mọi gia đình”.
Kết quả áp dụng theo phương pháp này đã cho thấy, doanh số bán hàng của cửa hàng tăng 39% chỉ sau 2 tuần đầu tiên.
Cấu trúc của câu giới thiệu này luôn là “cái này… bởi vì…” nhằm đánh vào tâm lý tò mò bẩm sinh của mỗi người. Theo nghiên cứu năm 1978 của nhà tâm lý học đến từ Đại học Havard – Ellen Langer, phản ứng tò mò bẩm sinh này là hoàn toàn tự nhiên.
Một ví dụ thứ hai, khi bạn nói: “Thật xin lỗi đã làm phiền. Liệu tôi có thể sử dụng chiếc máy in Xerox trước được không bởi vì tôi đang rất gấp”. Chắc chắn, 94% số người được hỏi sẽ đồng ý trước lời đề nghị này.
Hay ví dụ thứ ba, bạn có thể nói: “Thật xin lỗi đã làm phiền, mong anh nhường chỗ cho tôi xếp hàng phía trước bởi vì tôi đang cần gấp vài bản photocopy”. Tất nhiên, mọi người đều vui vẻ nhường chỗ cho bạn.
“Thậm chí, ngay cả khi lý do bạn đưa ra hết sức vô lý và lãng xẹt, nhưng từ “bởi vì” vẫn đem lại hiệu ứng rất tốt. Hiệu ứng này khiến cho những điều ngớ ngẩn cũng trở nên có lý” – Kunkel giải thích.
Từ BỞI VÌ không chỉ giải thích lý do mà nó còn đánh trúng vào tâm lý tò mò của con người. BỞI VÌ mang nghĩa tích cực, nó dự báo hành động tiếp theo sẽ xảy ra và thu hút sự chú ý của người nghe.
Vì vậy, nếu là dân sales, tại sao bạn không sử dụng từ này để nói với khách hàng, bạn sẽ nhận lại kết quả ngoài mong đợi.