Google đã chính thức bước sang tuổi 20, một chặng đường với rất nhiều kỷ niệm và cột mốc đáng nhớ.
Từ dự án nghiên cứu của hai sinh viên đại học Stanford đến một trong những công ty thành công nhất lịch sử nhân loại, không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng to lớn của Google đến cuộc sống mỗi chúng ta ngày nay. Để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 của Google, hãy nhìn lại những sản phẩm, cột mốc đáng nhớ nhất trong lịch sử “gã khổng lồ tìm kiếm”.
1. Google Search
Đây là nơi mọi thứ bắt đầu. Tuy công cụ tìm kiếm trên internet đã có từ lâu trước khi Google xuất hiện, song điểm khác biệt của Google nằm ở cách sắp xếp kết quả tìm kiếm. Thay vì dựa trên từ khóa như những bộ máy khác, Google sử dụng backlink, số lượng liên kết hướng đến bất kỳ nội dung trong một trang web cụ thể.
Theo Android Authority, tiền thân của Google Search được vận hành vào năm 1996 trên máy chủ đại học Stanford, nơi mà Larry Page và Sergey Brin, hai nhà đồng sáng lập của Google theo học, với tên gọi BackRub. Hai năm sau, khi nhận thấy sự vượt trội của thuật toán tìm kiếm, BackRub được đổi tên thành Google. Page và Brin cũng bắt đầu tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Google.
2. Google Doodle đầu tiên
Năm 1998, toàn bộ hoạt động của Google vẫn do Larry Page và Sergey Brin quản lý. Tháng 8/1998, cả 2 tạm “rời xa” Google để tham dự lễ hội Burning Man tổ chức tại Nevada.
Để người dùng biết rằng Google sẽ không được quản lý trong thời gian 2 nhà sáng lập đi chơi, Page và Brin đã thêm logo Burning Man vào chữ O màu vàng trong logo trên trang chủ, trở thành Doodle đầu tiên của Google.
Từ đó đến nay, hàng ngàn Doodle đã được tạo ra để kỷ niệm những ngày lễ, con người và cho chính Google.
Google và Doodle dường như là 2 phần không thể tách rời nhau. Đây cũng là điều thú vị khiến người ta thích truy cập Google mỗi ngày.
Bạn có thể xem kho lưu trữ những Doodle từng xuất hiện tại đây.
3. Google từng muốn bán mình, nhưng bị từ chối
Năm 1999, Google bắt đầu “tự lực cánh sinh”, lúc này Page và Brin có ý định bán thuật toán và thương hiệu Google cho một công ty khác đó là Excite, một trong những công cụ tìm kiếm lớn nhất thời bấy giờ với giá… 750.000 USD.
Thật may bởi Excite đã từ chối vì cho rằng 750.000 USD cao hơn so với giá trị của công ty.
Mọi thứ sau đó thì ai cũng biết, Google trở thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới với giá thị thị trường hiện là 825 tỷ USD.
4. Google AdWords
Khi Google Search bắt đầu thành công, cùng với việc bị Excite từ chối mua lại, Page và Brin đã nghĩ đến việc kiếm tiền từ Google.
Năm 2000, Google giới thiệu AdWords, nền tảng giúp các công ty, thương hiệu quảng bá sản phẩm của mình trong Google. Trong thời gian đầu, nhà quảng cáo chỉ cần trả khoản tiền “cứng” hàng tháng là được chèn quảng cáo ngay.
AdWords nhanh chóng trở thành cỗ máy kiếm tiền cực kỳ hiệu quả. Hiện AdWords và các công cụ quảng cáo có liên quan chiếm đến 86% tổng doanh thu của Google.
5. Google được sử dụng như một động từ
Trong tập 5 của series Buffy the Vampire Slayer phát sóng ngày 15/10/2002, nhân vật Willow hỏi Buffy: “Đã ‘Google’ cô ấy chưa?”
Chỉ là một câu thoại trong phim, nhưng đây chính là lần đầu tiên Google được sử dụng như một động từ, chỉ hành động tìm kiếm thông tin về một cái gì đó trên Google Search. Điều đó cho thấy sự phổ biến rộng lớn của Google tuy mới ra đời được 4 năm.
6. Yahoo ra giá 3 tỷ USD để mua lại Google
Năm 2002, Google kiếm được khoảng 240 triệu USD mỗi năm, con số không tưởng với một công ty chỉ mới 4 tuổi.
Nhưng 240 triệu USD của Google chẳng là gì so với doanh thu của Yahoo vào thời điểm đó: 837 triệu USD.
Nhận thấy tiềm năng của Google, Yahoo ngỏ ý muốn mua lại công ty với giá 3 tỷ USD. Đề nghị bị Page và Brin thẳng thừng từ chối, cả 2 tuyên bố sẽ không bán công ty với giá dưới 5 tỷ USD.
Thời điểm Yahoo ra giá cho thấy sự lớn mạnh của Google khi từ một công ty bị từ chối mua lại với giá chưa đầy 1 triệu USD đến thương vụ bạc tỷ chỉ trong 3 năm.
7. Googleple
Khi đã rủng tỉnh tiền, Page và Brin cần mở rộng quy mô hoạt động của Google. Lúc ấy các đội ngũ vẫn làm việc ở nhiều văn phòng trải dài trên San Francisco. Để tập trung lực lượng về một nơi, Google đã thuê một khu phức hợp tại Mountain View. Nơi đây được gọi vui là Googleplex và vẫn được duy trì làm trụ sở chính cho đến hiện nay.
8. Gmail
Dự án ban đầu có tên “Caribou”, được phát triển bí mật bởi Paul Buchheit, một kỹ sư tại Google. Ngay cả các nhân viên khác cũng không biết sự tồn tại của nó.
Sau khi hoàn tất, sản phẩm của Buchheit được sử dụng nội bộ với tên gọi Gmail. Năm 2004, Google cho thử nghiệm rộng rãi Gmail trước khi phát hành chính thức vào 7/7/2009 (Đúng vậy! Gmail được thử nghiệm trong 5 năm).
Hiện Gmail đang là dịch vụ email phổ biến nhất thế giới với 1,4 tỷ người dùng.
9. Google lên sàn chứng khoán
Tháng 8/2004, Google chính thức trở thành công ty đại chúng với giá cho mỗi cổ phiếu là 85 USD, giá trị vốn hóa đạt 1,9 tỷ USD. Sau 14 năm “lên sàn”, giá cổ phiếu của Google hiện vào khoảng 1.200 USD, giá trị vốn hóa thị trường là 825 tỷ USD.
Bằng việc lên sàn chứng khoán, Google buộc phải duy trì việc làm hài lòng các cổ đông, điều đó có thể thay đổi đáng kể cách hoạt động của một doanh nghiệp. Hiện nay tuy kiếm được rất nhiều tiền, Google vẫn dành thời gian thực hiện các dự án moonshot (dự án tham vọng, đột phá nhưng cơ hội thành công, có lợi nhuận thì không rõ ràng).
10. Google Maps
Đến năm 2005, sau khi thành công với dịch vụ tìm kiếm và email, Google quyết định “lấn sân” sang lĩnh vực định vị GPS với Google Maps.
Sử dụng Google Maps, người dùng có thể xem ảnh chụp vệ tinh trên cao, xem bản đồ và nhận chỉ đường chi tiết. Qua những bản cập nhật sau đó, bạn còn có thể làm nhiều thứ hơn với Maps: xem tình trạng giao thông, đánh giá địa điểm….
Google Maps hiện là một trong những ứng dụng phổ biến nhất trên smartphone, với đa số người dùng cho biết từng sử dụng nó ít nhất một lần.
11. Google mua lại YouTube
Năm 2004, một sự kiện đã trở thành cảm hứng cho một nhóm nhỏ lập trình viên tạo ra website nơi mọi người có thể chia sẻ video dễ dàng cho nhau. Website được đặt tên là YouTube, chỉ trong vài năm đã đạt 8 triệu lượt xem video mỗi ngày.
Năm 2006, Google mua lại YouTube với giá trị cổ phiếu tương đương 1,65 tỷ USD. Đây là thương vụ lớn nhất của Google vào thời điểm ấy.
Sau khi về tay Google, YouTube ngày càng lớn mạnh và phổ biến. Hiện YouTube là website được truy cập nhiều thứ hai trên internet, đứng sau chính công ty sở hữu nó: Google.
Tháng 5/2017, YouTube được định giá khoảng 160 tỷ USD, gấp gần 100 lần số tiền Google bỏ ra để mua nó.
12. Sự ra đời của Google Docs
Trong năm 2005 và 2006, Google đã mua lại hai công ty nhỏ, một công ty với sản phẩm là công cụ soạn thảo văn bản, công ty còn lại là công cụ tạo bảng tính, cả 2 đều dựa trên nền web.
Mùa hè năm 2006, Google phát hành 2 công cụ trên cho một nhóm nhỏ người dùng đăng ký trước, sau đó chính thức phát hành rộng rãi với tên Google Docs.
Hiện Google Docs là lựa chọn thay thế hoàn hảo, miễn phí so với những công cụ khác như Microsoft Word. Việc tích hợp vào Google Drive còn giúp Docs ngày càng mạnh mẽ, được nhiều người sử dụng hơn.
13. Phát hành chiếc điện thoại Android đầu tiên
Năm 2003, một nhóm lập trình viên đã tạo ra hệ điều hành Android với ý định tích hợp nó vào những chiếc camera kỹ thuật số. Sau đó 2 năm, Google mua lại công ty với giá trị (tin đồn) là 50 triệu USD, chuyển hướng sang phát triển Android cho thiết bị di động.
Sự ra đời của HTC Dream (hay T-Mobile G1) năm 2008 chính thức đặt nền móng cho Android trên smartphone. Chỉ vài năm sau đó, Android đã trở thành nền tảng di động phổ biến nhất thế giới.
Với mức giá 50 triệu USD, đây được xem là thương vụ “hời” nhất mà Google từng thực hiện.
14. Ra mắt trình duyệt Google Chrome
Tháng 9/2008 là khoảng thời gian bận rộn của Google, không chỉ với việc tung ra thiết bị Android đầu tiên mà còn là sự ra đời của trình duyệt mà sau này thống trị thế giới: Google Chrome.
Vào thời gian đó, điểm nổi bật của Chrome so với đối thủ chính là Omnibar, thanh địa chỉ và tìm kiếm được gộp thành một thay vì hai phần riêng biệt như các trình duyệt khác. Một giao diện đơn giản, cập nhật liên tục với những tính năng đột phá giúp Chrome trở thành sản phẩm không thể thiếu, trở thành tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp web.
Khi phát hành Chrome, Google đã thành lập được 10 năm với mức vốn hóa thị trường là 150 tỷ USD.
15. Đạt 1 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày
Năm 2009, Google đã “thống trị” mảng tìm kiếm trên internet với thị phần tại Mỹ là 65%. Đó cũng là lúc đánh dấu cột mốc quan trọng của Google: một tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày.
Hiện nay Google xử lý khoảng 40.000 lượt tìm kiếm mỗi giây, tức 3,5 tỷ lần mỗi ngày và 1,2 nghìn tỷ lần mỗi năm.
16. Ra mắt Nexus One
Tháng 1/2010, Google trình làng Nexus One, smartphone chạy Android hợp tác sản xuất cùng HTC. Đây là thiết bị đầu tiên của Google trong nỗ lực phát triển smartphone mang thương hiệu Google. Dòng Nexus được duy trì đến năm 2015, với 2 sản phẩm cuối cùng là Nexus 5X do LG sản xuất và Nexus 6P do Huawei (Trung Quốc) sản xuất.
Tuy đã được thay thế bằng dòng Pixel, nhưng Nexus vẫn là điểm khởi đầu cho mọi tham vọng phần cứng của Google.
17. Android Market trở thành Google Play
Kho ứng dụng đầu tiên của Android không phải Google Play mà là Android Market. Khi nhận thấy Android ngày càng phổ biến và sự hiện diện của Google trên smartphone cũng càng rộng lớn, cửa hàng trực tuyến chỉ dành cho “Android” là quá hạn hẹp.
Năm 2012, Google quyết định kết hợp Android Market với hai sản phẩm là Google Music và Google eBookstore thành một, đặt tên cho nó là Google Play.
Hiện tại, với Google Play bạn có thể truy cập tất cả nội dung số của Google như ứng dụng, phim, chương trình TV, sách báo, âm nhạc,… Chỉ trong năm 2017, Google đã kiếm hơn 20 tỷ USD từ Google Play.
18. Hướng tới tương lai với Google Glass
Trước năm 2012, Google đã có vài dự án moonshot khác nhau, nổi bật nhất là dự án xe tự lái, mà sau này trở thành công ty riêng mang tên Waymo.
Dù vậy không có sản phẩm moonshot nào gặp nhiều sóng gió như Google Glass, chiếc kính với màn hình hiển thị phía trước. Được giới thiệu tại hội nghị I/O 2012, Glass được đánh giá là bước khởi đầu của tương lai.
Đột phá là vậy, nhưng không nhiều người thực sự “mặn mà” với tương lai của Glass, sự riêng tư là vấn đề được quan tâm nhất. Glass đã “đi trước thời đại” quá nhiều, quá sớm.
19. Alphabet ra đời
Năm 2015, Google quyết định tái cấu trúc lại chính mình. Một công ty mới ra đời mang tên Alphabet, đóng vai trò là công ty mẹ của Google bên cạnh việc quản lý các dự án moonshot đã và đang trong quá trình thực hiện.
Việc tái cấu trúc không ảnh hưởng nhiều đến người dùng, song nó đã phục vụ các cổ đông muốn biết tình hình tài chính thực sự của Google mà không có những dự án moonshot, đặc biệt là sau những tranh cãi xung quanh Google Glass.
Cùng với việc tái cấu trúc công ty, Google cũng có logo mới được dùng đến hiện nay:
20. “OK Google”
Năm 2016, hai dấu mốc mới được Google thiết lập: trợ lý ảo Assistant lần đầu xuất hiện trên dòng loa thông minh Google Home, và dòng smartphone Google Pixel ra đời.
Kể từ đó, “OK Google” đã trở thành câu lệnh quen thuộc. Với câu nói trên, người dùng có thể kích hoạt, yêu cầu Assistant làm nhiều nhiệm vụ như trả lời câu hỏi, thêm ghi chú, cảnh báo thời tiết, phát nhạc hay những tác vụ khác.
Bộ máy tìm kiến được Page và Brin tạo ra tại Stanford năm 1998 giờ đã có tên và giọng nói của riêng mình (thậm chí là cơ thể nếu tính cả Google Home).
20 năm nữa, mọi thứ sẽ như thế nào?
Không có lý do gì để Google dừng lại. Mọi thứ tại Google vẫn sẽ tiếp tục, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa trong 20 năm tới.
Bạn nghĩ rằng trong 20 năm tiếp theo Google sẽ như thế nào?