Monthly Archives: August 2016

5 “bí mật” đằng sau chặng đường xây dựng đế chế của Micheal Bloomberg

Năm 1981, ở tuổi 39, Bloomberg chính thức thất nghiệp khi mất đi công việc toàn thời gian duy nhất và cũng là công việc mình yêu thích nhất. Nhưng ông đã không quay đầu hay dừng lại mà đã nảy ra ý tưởng đáng giá nhiều tỷ đô.

Với xuất phát điểm chỉ là một nhân viên trông xe, Michael Bloomberg từng có 3 nhiệm kỳ liên tiếp làm thị trưởng thành phố New York. Ông cũng là người sáng lập và sở hữu 88% cổ phần Bloomberg LP, một tập đoàn truyền thông về tin tức và dịch vụ tài chính hàng đầu thế giới. Với khối tài sản 47,5 tỷ USD, Michael Bloomberg hiện là tỷ phú giàu thứ 8 thế giới ở tuổi 74 (theo Forbes).

Dưới đây là những chia sẻ về bí quyết tạo nên thành công của tỷ phú Michael Bloomberg – một người từng gây dựng nên tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới từ con số 0 tròn trĩnh, một thị trưởng thành phố New York với mức lương 1 USD mỗi năm và một nhà từ thiện nổi tiếng thế giới.

1. Chấp nhận rủi ro

Cuộc đời là quá ngắn ngủi để bạn lãng phí thời gian vào việc lo sợ mình sẽ thất bại!

Micheal Bloomberg

Ông Micheal Bloomberg. Ảnh: Getty Images / Bloomberg.

Năm 1981, ở tuổi 39, tôi chính thức thất nghiệp khi mất đi công việc toàn thời gian duy nhất và cũng là công việc mình yêu thích nhất. Tuy nhiên, tôi không thể quay đầu hay dừng lại bởi cuộc sống vốn dĩ vẫn tiếp tục. Chỉ ngay ngày hôm sau, tôi đã đưa ra một quyết định mạo hiểm mà hầu hết mọi người cho rằng nó sẽ thất bại: làm cho thông tin tài chính trở nên dễ dàng tiếp cận hơn ngay từ bàn làm việc của mỗi người. Thời điểm đó máy tính cá nhân vẫn là một thứ xa lạ với nhân viên văn phòng.

Năm 2001, một lần nữa khi tôi đang đấu tranh tư tưởng xem có nên chạy đua vào chức thị trưởng thành phố hay không, hầu hết mọi người đều khuyên tôi nên từ bỏ ý định này. Họ lo sợ tôi sẽ thất bại. Nhưng một người bạn của tôi đã nói rằng: “Nếu anh có thể khiến mọi người hiểu về anh chỉ bằng một bài diễn thuyết thì tại sao lại không thử chứ?”

Có lẽ đó là lời khuyên tốt nhất tôi từng nhận được. Để có thể thành công, bạn cần phải sẵn sàng chấp nhận thất bại và đủ can đảm để đối mặt với nó bất cứ lúc nào.

2. Tự tạo ra may mắn cho chính mình

Không thể phủ nhận rằng may mắn luôn đóng một vai trò quan trọng quyết định thành công. Nhưng nếu bạn làm việc chăm chỉ, may mắn cũng sẽ mỉm cười với bạn.

Cuộc đời là quá ngắn ngủi để bạn lãng phí thời gian vào việc lo sợ mình sẽ thất bại!

Khi bạn làm bất cứ một việc nào đó dù nó không phải là công việc trong mơ của bạn, hãy cố gắng làm việc chăm chỉ hết sức mình. Hãy là người đầu tiên đến văn phòng mỗi sáng và là người cuối cùng ra về buổi tối. Làm việc chăm chỉ sẽ mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn là bản CV của bạn.

3. Luôn kiên trì

Sự kiên trì luôn được đền đáp xứng đáng. Khi mới thành lập công ty, mỗi sáng tôi đều đi đến trung tâm thành phố, mua vài tách cà phê, sau đó mang chúng đến toà nhà Merrill Lynch và tiếp cận các khách hàng mục tiêu của mình.

“Xin chào, tôi là Mike Bloomberg. Tôi mang đến cho bạn một tách cà phê, liệu tôi có thể nói chuyện với bạn được không?” Đó là cách tôi bắt chuyện với họ. Ngay cả khi họ tò mò tự hỏi xem tôi là ai và tôi đến từ đâu, họ vẫn nhận lấy tách cà phê.

Tôi tiếp tục quay lại nơi này, ngày qua ngày bắt chuyện và xây dựng mối quan hệ với các khách hàng tiềm năng của mình. Từ đó, tôi hiểu được nhu cầu của họ, biết được khách hàng cần gì và áp dụng vào các sản phẩm của mình. Ba năm sau khi bắt đầu Bloomberg LP, Merrill Lynch đã mua 20 cổng dữ liệu và trở thành khách hàng đầu tiên của chúng tôi.

4. Không ngừng học hỏi

Tôi cho rằng, trong tiếng Anh từ quan trọng nhất chính là “Why” (tại sao). Đó là một từ mang ý nghĩa gợi mở, giúp chúng ta học hỏi và mở rộng đầu óc. Dù bạn chọn lĩnh vực nào để khởi nghiệp kinh doanh, hãy cố gắng là một sinh viên suốt đời.

Tập đoàn truyền thông Bloomberg. Ảnh: Internet.

Trong cuộc sống, bạn sẽ gặp những người luôn cho rằng họ không cần phải học nữa vì họ đã có đủ kiến thức cần thiết. Từ yêu thích của họ là “Không” và họ đưa ra hàng trăm lý do để biện minh cho thất bại hay khuyên bạn nên bỏ cuộc.

Điều bạn cần làm là bỏ qua những người này, đừng nản lòng vì những lời nói của họ. Khi nào bạn còn muốn học hỏi và cải thiện bản thân, thì khi đó bạn sẽ góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

5. Biết cho đi

Bạn phải chịu trách nhiệm cho những thành công hay thất bại của chính mình nhưng bạn sẽ chỉ thành công thật sự khi bạn biết chia sẻ nó với người khác. Vào cuối mỗi ngày, hãy tự hỏi bản thân rằng: “Liệu mình có đang thay đổi cuộc sống của những người khác theo hướng tốt hơn hay không?”

Tôi vẫn còn nhớ khoản từ thiện đầu tiên mà tôi làm là đóng góp 5 USD cho trường cũ -Đại học Johns Hopkins, không lâu sau khi tốt nghiệp. Ngày hôm nay, tôi quay trở lại với một tấm chi phiếu lớn hơn nhưng vẫn với tinh thần năm xưa. Bạn không cần phải quá giàu có để biết cho đi. Bạn có thể đóng góp bằng sức lực, thời gian và tài năng của mình. Hãy cố gắng mở lòng với những người xung quanh và trao cơ hội cho họ khi bạn có thể!

Elon Musk: Từ đứa trẻ bị bắt nạt trở thành CEO quyền lực

Từng nhút nhát và thường xuyên bị bắt nạt ở trường, Elon Musk giờ đã trở thành CEO của SpaceX, Tesla, và đồng sáng lập OpenAI, phát triển nhiều công nghệ mới đình đám thế giới.

Elon Musk sinh ngày 28/6/1971 tại Pretoria, Nam Phi. Cha của Elon, ông Errol Musk cho biết: “Elon là cậu bé sống hướng nội. Khi bạn bè tới các bữa tiệc để giao lưu, ăn uống và trò chuyện về đủ thứ chuyện trên đời thì nó lại ngồi lỳ trong thư viện và đắm mình trong những quyển sách”.

Còn mẹ Elon, bà Maye Musk, là người mẫu, chuyên gia dinh dưỡng người Canada. Bà từng xuất hiện trên tạp chí Time và quảng cáo trên vỏ hộp ngũ cốc Super K.

Năm 1979, Errol và Maye Musk ly hôn. Elon khi đó 9 tuổi cùng em trai Kimbal quyết định sống cùng cha.

Năm 1983, ở tuổi 12, Elon Musk đã bán game đơn giản có tên Blastar của mình cho một tạp chí máy tính với giá 500 USD. Ông từng chia sẻ rằng ”đây chỉ một game không đáng kể nhưng còn hay hơn Flappy Bird”.

Thời gian ở trường là khoảng thời gian khó khăn với Elon. Trong một cuốn sách của mình, Elon từng kể ông đã phải nhập viện vì bị đẩy ngã cầu thang và đánh cho tới ngất.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Elon chuyển tới Canada cùng mẹ, em gái Tosca và em trai Kimbal. Ông theo học trường đại học Queen’s tại Kingston, Ontario trong 2 năm.

Sau đó ông hoàn thành khóa học tại trường Pennsylvania, sở hữu 2 tấm bằng chuyên ngành vật lý và kinh tế.

Khi học tại trường Pennsylvania, Musk cùng bạn học Adeo Ressi thuê một căn hộ 10 phòng ngủ và biến nó thành một câu lạc bộ đêm. Đây là một trong những dự án kinh doanh đầu tiên của ông.

Sau khi tốt nghiệp, Elon quyết định theo học tiếng sĩ tại trường đại học Stanford. Tuy nhiên, trước khi nhập học 2 ngày, ông đã quyết định hoãn việc học và thử vận may với cơn bùng nổ dot-com. Đến giờ, ông vẫn chưa bắt đầu khóa học tại Stanford.

Musk và em trai Kimbal (trong ảnh) đã mượn 28.000 USD từ cha để mở Zip2, công ty web chuyên hướng dẫn du lịch cho các từ báo như New York Times và Chicago Tribune.

Khi Zip2 bắt đầu thành công, Elon gần như sống luôn ở văn phòng. Cuối cùng, Zip2 được Compaq mua lại với giá 341 triệu USD bằng tiền mặt và cổ phiếu, mang về cho Elon 22 triệu USD.

Năm 1999, Elon dùng 10 triệu USD có từ việc bán Zip2 để thành lập X.com, một công ty ngân hàng trực tuyến. Khoảng 1 năm sau đó, X.com sáp nhập với Confinity, một công ty tài chính khởi nghiệp do Peter Thiel đồng sáng lập, tạo thành một công ty mới có tên PayPal. Elon trở thành CEO của PayPal.

Cuối năm 2000, Elon Musk có kỳ nghỉ dài đầu tiên. Khi ông còn đang ngồi trên máy bay tới Australia, hội đồng quản trị PayPal đã quyết định sa thải ông và đưa Thiel lên thay. “Đó là vấn đề với kỳ nghỉ”, Elon Musk chia sẻ với tạp chí Fortune nhiều năm sau đó. Dù không còn là CEO của PayPal, Elon vẫn là cổ đông cá nhân lớn nhất. Năm 2002, khi eBay mua lại PayPay với giá 1,5 tỷ USD, Elon bỏ túi 165 triệu USD.

Trước khi bán PayPay, Elon Musk vô cùng bận rộn với tham vọng “điên cuồng” là đưa chuột hoặc cây cối lên sao hỏa. Thậm chí ông còn cố mua một quả tên lửa đã ngừng hoạt động từ thời Liên Xô để phục vụ mục đích đó. Nhưng người bán hàng Nga muốn bán với giá trên 8 triệu USD/quả tên lửa và Elon cho rằng ông có thể tự chế tạo với giá rẻ hơn.

Đầu năm 2002, Elon Musk thành lập công ty Space Exploration Technologies, hay còn gọi là SpaceX. Mục tiêu của ông là xây dựng quy trình để giảm khoảng 1/10 chi phí cho các chuyến đi vào vào không gian.

Sản phẩm đầu tiên của Space là tên lửa Falcon 1 và 9.

Và sau đó là tàu vũ trụ SpaceX Dragon, được đặt tên theo bài hát “Puff the Magic Dragon”. Cái tên là đòn trả đũa của Elon cho những kẻ từng nói rằng SpaceX không bao giờ đưa được tàu vũ trụ vào không gian.

Mục tiêu dài hạn của SpaceX là đưa con người lên sao Hỏa với mức giá vừa túi tiền. Elon cho biết SpaceX sẽ không thực hiện IPO (niêm yết cổ phiếu lần đầu) cho tới khi “cỗ máy vận chuyển cư dân sao Hỏa” của ông bay đều đặn ổn định.

Cùng lúc với dự án SpaceX, năm 2004, Elon Musk đầu tư 70 triệu USD vào Tesla Motors, công ty xe điện đồng sáng lập bởi Martin Eberhard.

Elon Musk giữ vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty. Ông đã giúp phát triển xe điện Tesla Roadster, dòng xe đầu tiên của công ty, ra mắt vào năm 2006.

Cũng trong năm 2006, Elon thành lập công ty năng lượng mặt trời SolarCity nhằm mục đích đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu. Ông cấp vốn cho em họ Peter và Lyndon Rive để đưa SolarCity lên đỉnh thành công.

Tuy nhiên, tình hình ở Tesla lại không được khả quan. Dưới sự quản lý của Eberhard, Tesla đốt nhiều tiền hơn lợi nhuận thu về. Năm 2007, Elon thực hiện cải tổ và sa thải Eberhard.

Năm 2008, khủng hoảng tài chính ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc kinh doanh của Elon. Ông đã đầu tư 40 triệu USD vào Tesla và phải cho vay thêm 40 triệu USD để cứu công ty khỏi phá sản. Trong năm này, ông trở thành CEO của Tesla.

Tuy nhiên, đầu tư vào SpaceX, Tesla, và SolarCity, khiến Musk cháy túi. Ông mô tả năm 2008 là “năm tồi tệ nhất cuộc đời” bởi Tesla liên lục thua lỗ, còn SpaceX gặp trục trặc với việc phóng tên lửa Falcon 1. Năm 2009, Musk phải sống bằng các khoản vay cá nhân.

Cùng thời gian đó, Elon ly hôn với Justine Musk, người có với ông 6 đứa con.

Nhưng tới giáng sinh năm 2008, Musk có 2 tin tốt: SpaceX ký hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD với NASA để vận chuyển hàng lên vũ trụ và Tesla cuối cùng cũng tìm được thêm nhà đầu tư bên ngoài. Mọi thứ bất ngờ tiến triển theo hướng tốt.

Tháng 6/2010, Tesla thực hiện IPO và huy động được 226 triệu USD, trở thành công ty xe hơi đầu tiên niêm yết cổ phiếu kể từ sau Ford năm 1956. Trong đợt IPO này, Musk đã bán cổ phần trị giá 15 triệu USD của mình để cải thiện tình hình tài chính.

Cuộc sống cá nhân của Musk là câu chuyện khá kỳ quặc. Năm 2008, ông bắt đầu hẹn hò với diễn viên Talulah Riley. Họ kết hôn vào năm 2010 và ly hôn năm 2012. Tháng 7/2013, họ tái hôn và tới tháng 12/2014, Musk lại đệ đơn ly hôn nhưng sau đó lại rút đơn. Tháng 3/2016, Riley đệ đơn ly hôn.

Dù vậy, việc kinh doanh của Musk lại thành công rực rỡ. Cuối năm 2015, SpaceX 24 lần bay vào vũ trụ để thực hiện các nhiệm vụ như vận chuyển hàng hóa cho Trạm Vũ trụ Quốc tế, thiết lập nhiều kỷ lục.

Không chỉ dừng lại ở đó, Musk còn thiết kế Hyperloop, hệ thống vận chuyển có thể đưa bạn từ Los Angeles đến San Francisco chỉ trong 30 phút. Tuy nhiên, ông chưa thành lập một công ty riêng để phát triển công nghệ đặc biệt này.

Cuối 2015, Musk cho thành lập OpenAI, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên thực hiện các nghiên cứu để đảm bảo rằng trí thông minh nhân tạo không hủy diệt nhân loại.

Musk cũng phát triển dòng xe không người lái của Tesla.

Tháng 6/2016, Musk tiết lộ kế hoạch Tesla mua lại SolarCity, đưa hai ý tưởng tiên tiến của ông về dưới một mái nhà.

Các thiên đường thuế thế giới ngày càng rót nhiều tiền vào Việt Nam

Ngoài đầu tư trực tiếp, các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài còn tăng cường góp vốn, sở hữu cổ phần trong hàng nghìn công ty Việt.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút gần 13 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 47% so với cùng kỳ. Tổng số dự án thực hiện là 1.408, trong đó số vốn đăng ký là 8,7 tỷ USD và vốn bổ sung đạt 4,3 tỷ USD.

Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí quán quân khi rót thêm hơn 4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên gần 49 tỷ. Tuy nhiên, cuộc đua đang có sự vươn lên mạnh mẽ của các nhóm nước, vùng lãnh thổ nổi danh là các “thiên đường thuế” như British Virgin Islands, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Cayman, Bermuda, Panama, Jersey, Luxembourg, New Zealand, Bahamas, Panama, tiểu bang Delaware (Mỹ), Thụy Sỹ, Ireland…

cac-thien-duong-thue-the-gioi-ngay-cang-rot-nhieu-tien-vao-viet-nam

Cùng các dự án FDI, nhà đầu tư ngoại cũng đẩy mạnh góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt. Ảnh minh họa: Bloomberg

Cụ thể, sau 7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư Singapore đã vượt qua Nhật Bản vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn số 2 vào Việt Nam với số vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, phân bổ cho 152 dự án. Cùng kỳ, các doanh nghiệp tại đây đứng số 8 với vốn đầu tư 358 triệu USD. Lũy kế, quốc đảo này đã rót 32 tỷ USD vào Việt Nam.

Vốn từ Hong Kong (Trung Quốc) cũng tăng mạnh tới 40% lên một tỷ USD trong 7 tháng đầu năm và xếp số 5 trong số quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Luỹ kế đến nay, nhà đầu tư Hong Kong đã rót khoảng 15,8 tỷ USD thực hiện hơn 1.064 dự án tại Việt Nam. Hong Kong có lợi thế nhờ sự bảo mật thông tin và thuế suất nên thường được các doanh nghiệp và nhà đầu tư Anh ưa chuộng.

Trong khi đó, hòn đảo nhỏ bé – cũng là thiên đường thuế nổi tiếng – British Virgrin Islands đã đầu tư khoảng 447 triệu USD trong khoảng thời gian nêu trên, nâng tổng số vốn tại Việt Nam lên 19,4 tỷ USD. Nhà đầu tư từ quần đảo Cayman cũng bỏ khoảng 285 triệu USD, Luxembourg là 207 triệu USD, nâng số vốn luỹ kế lần lượt đạt 6,7 tỷ và 2 tỷ USD. Cái tên khá bất ngờ là Samoa cũng ghi nhận các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư khoảng 6 tỷ USD vào Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, 7 tháng đầu năm, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là thu hút được nhiều vốn nhất với khoảng 9,12 tỷ USD đăng ký và cấp mới. Tiếp đó là lĩnh vực bất động sản và các chuyên môn khoa học công nghệ.

Ngoài đầu tư trực tiếp, làn sóng góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp của Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Theo cơ quan quản lý, từ 1/7/2015 đến nay, đã có khoảng 3.141 doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với giá trị khoảng 2.9 tỷ USD. Lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, vận tải hàng không… thu hút nhất. Singapore là quốc gia dẫn đầu về lượng vốn góp.

Một số dự án lớn được cấp phép trong 7 tháng đầu năm 2016

Dự án LG Display Hải Phòng, cấp phép ngày 15/4/2016, tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display (Hàn Quốc), đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại, đồng hồ thông minh, máy tính bảng…

Dự án Thành phố Amata Long Thành, tổng vốn đăng ký 309,3 triệu USD do nhà đầu tư Thái Lan bỏ vốn với mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị dịch vụ theo quy hoạch tại Đồng Nai.

Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung, tổng vốn đăng ký 300 triệu USD, do Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đầu tư với mục tiêu tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao (CPC851) tại Hà Nội.

Dự án nhà máy điện gió Hàn Quốc – Trà Vinh (giai đoạn 2), tổng vốn đầu tư đăng ký 247,6 triệu USD với mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng gió.

Dự án Midtown, tổng vốn 225,62 triệu USD do nhà đầu tư đến từ Cayman Islands với mục tiêu kinh doanh bất động sản tại TP HCM.

Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt Sông Đuống, tổng vốn đăng ký 224,3 triệu USD, do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Hà Nội.

Bạch Dương

10 điều cần thể hiện trong hồ sơ xin việc

Nhà tuyển dụng thường chỉ mất khoảng 10 giây để xem xét sơ lược nội dung hồ sơ xin việc của bạn. Vì vậy, nếu không muốn bị chìm lẫn trong hàng đống hồ sơ của các ứng viên khác, bạn phải thu hút được sự chú ý của họ trong vòng 10 giây ngắn ngủi đó”, chuyên gia nhân sự Liz Ryan – nhà sáng lập, CEO của Công ty Human Workplace cho biết.

Theo Liz Ryan, để làm được điều đó, hồ sơ xin việc của bạn nên thể hiện được 10 điều sau đây:

1. Chuyên môn

“Tôi có thể làm mọi thứ” không phải là một thông điệp nên đưa vào hồ sơ xin việc. Nội dung đầu tiên phải được thể hiện trong hồ sơ chính là lĩnh vực chuyên môn chính xác của bạn.

Nếu thành thạo nhiều lĩnh vực khác nhau, bạn có thể thiết kế nhiều phiên bản hồ sơ sao cho phù hợp nhất với những vị trí muốn ứng tuyển ở mỗi công ty cụ thể.

2. Những tố chất phù hợp với công việc

Nhà tuyển dụng không có nhiều thời gian, vì vậy ngay trong phần đầu của hồ sơ, ngoài việc nêu rõ chuyên môn của mình, bạn còn phải khiến họ tò mò về những tố chất phù hợp với công việc mà bạn sở hữu. Nhờ đó, họ sẽ duy trì sự hào hứng và muốn xem tiếp đến những phần nội dung phía sau.

3. Sự khác biệt

Đừng chỉ giấu mình sau bằng cấp hoặc những tờ chứng nhận vô tri mà hãy cho nhà tuyển dụng biết bạn là ai bằng cách cố gắng thể hiện những nét tính cách khác biệt của mình trong nội dung hồ sơ xin việc.

4. Kỹ năng ngôn ngữ

Dù tốt hơn hay xấu hơn, hồ sơ xin việc cũng sẽ giúp chuyển tải đến nhà tuyển dụng kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của bạn. Hãy dùng ngôn ngữ phù hợp với công ty bạn muốn ứng tuyển (tiếng bản địa, tiếng Anh…) để viết hồ sơ.

Trên thực tế, nhiều nhà quản lý rất coi trọng kỹ năng viết của ứng viên. Do đó, nếu được chuyển tải một cách độc đáo và hiệu quả, hồ sơ của bạn sẽ nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhà tuyển dụng.

5. Sự hiểu biết về lĩnh vực đang ứng tuyển

Hãy liên tục chỉnh sửa hồ sơ cá nhân sao cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn hiểu rõ về lĩnh vực mình sắp hoạt động. Chẳng hạn, đừng chuyển tải thông điệp “Tôi rất am hiểu về lĩnh vực hành chính” khi ứng tuyển vào một công ty sản xuất nước giải khát đóng chai, đó không phải là một chiến lược tốt.

6. Một câu chuyện thú vị

Quá trình làm việc của bạn phải được thể hiện một cách ấn tượng. Nếu có thiện cảm với bạn, bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng sẽ đặt ra câu hỏi: “Câu chuyện của ứng viên này là gì?”. Vì vậy, hãy kể cho họ câu chuyện về quá trình làm việc của bạn với đầy đủ 3 phần: mở đầu, nội dung trọng tâm và kết thúc.

Nếu thấy xuất hiện những khoảng trống trong câu chuyện này, hãy điền vào những nội dung như “Nghỉ phép”, “Các dự án cá nhân” hoặc “Hoạt động tư vấn độc lập”…

7. Sở hữu nền tảng kiến thức nhà tuyển dụng cần

Nhà quản lý thường chú trọng việc bạn có sở hữu những nền tảng kiến thức mà họ cần hay không. Vì vậy, nếu tốt nghiệp đúng chuyên ngành họ cần hoặc từng tham gia các khóa học có liên quan đến vị trí đang ứng tuyển, hãy khéo léo lồng ghép những chi tiết đó vào câu chuyện bạn kể trong hồ sơ.

8. Sự kiểm soát sự nghiệp

Chỉ cần đọc hồ sơ của bạn, nhà tuyển dụng sẽ biết được bạn có đang tin rằng bản thân đang kiểm soát tốt sự nghiệp hay không. Dù có những giai đoạn sự nghiệp bị gián đoạn hoặc có những thay đổi lớn, bạn cũng phải khiến họ tin rằng bạn đang là thuyền trưởng chỉ huy con tàu sự nghiệp của mình chứ không phải là người bị phụ thuộc vào những con sóng may rủi.

9. Sự thông minh

Khả năng tư duy của bạn sẽ thể hiện rõ ràng trong hồ sơ xin việc. Hãy lựa chọn và sử dụng từ ngữ thật kỹ lưỡng. Điều này được ví như cách bạn chọn một bài hát ấn tượng nhất để biểu diễn trong một buổi hòa nhạc vậy. Khi đến tay nhà tuyển dụng, hồ sơ xin việc sẽ trở thành “người đại diện” cho bạn, giúp họ biết bạn là người có tư duy sắc sảo hay chỉ là người suy nghĩ hời hợt.

10. Những thành tích quan trọng

Không nên trình bày tất cả những thành tích đã đạt được trong quá khứ mà chỉ nên trình bày những thành tích quan trọng và có liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển.