Monthly Archives: October 2017

Satya Nadella và con đường đưa Microsoft trở về ngôi bá chủ

Tiếp nhận Microsoft bảo thủ và lạc hậu từ tay Steve Ballmer, những thay đổi của Satya Nadella đã khiến cả thế giới thán phục.

Tất cả khởi đầu từ câu hỏi của ông tới 120.000 nhân viên Microsoft khi nhậm chức CEO: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Microsoft biến mất?”

CEO đầu tiên của Microsoft là Bill Gates, cũng là người đồng sáng lập công ty với Paul Allen. Gates đã thể hiện sự vượt trội trong ngành công nghiệp phần mềm suốt những năm 90 và đầu thế kỷ 21. Ông là CEO đầu tiên cho mọi người thấy rằng phần mềm đã trở thành hàng hoá có giá trị nhất trên thế giới.

Trong lịch sử chỉ có 3 người từng làm CEO của Microsoft. Kế nhiệm Bill Gates là Steve Ballmer, quản lý kinh doanh đầu tiên của Microsoft. Ông là người có năng suất và hiệu quả cao trong mảng tiếp thị sản phẩm. Tuy nhiên, Ballmer đã không thấy được sự suy giảm về uy tín và giá trị của công ty từ áp lực cạnh tranh của các đối thủ mới. Chỉ trong vài năm, xu hướng công nghệ đã chuyển qua mảng di động thay vì máy chủ.

Từ trái qua: Satya Nadella, Bill Gates và Steve Ballmer. Ảnh: Wired.

Dưới thời Ballmer, Microsoft đã không thích nghi kịp với những thay đổi và dần đánh mất vị thế của mình trước các đối thủ, đặc biệt là Apple. Những sai lầm của Ballmer trị giá hàng tỷ đô: thương vụ mua lại aQuantive và Nokia, bỏ lỡ tất cả các cuộc cách mạng nhạc số, mã nguồn mở, mạng xã hội, tìm kiếm… Microsoft trở thành một tập hợp hiếu chiến, bảo thủ và chậm thay đổi, cho đến khi Satya Nadella lên nắm quyền.

Satya Nadella sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ, là con duy nhất trong một gia đình trung lưu có cha làm trong chính phủ và mẹ là giáo viên. Ước mơ thời thơ ấu của ông là trở thành vận động viên bóng gậy. Mọi thứ thay đổi khi cha ông mang về từ Bangkok bộ máy tính Zilog Z80. Lúc đó ông 15 tuổi.

Hành trình của ông với Microsoft bắt đầu vào một ngày mưa tháng 11/1992. Chỉ vài năm sau đó, Microsoft bước vào thời kì đỉnh cao.

Xuyên suốt thời gian làm việc ở Microsoft, ông đã cố gắng mang lại những thay đổi cơ bản cho tập đoàn này. Tuy nhiên dưới cách nhìn của Steve Ballmer, các giải pháp này giống như khởi đầu của sự sụp đổ.

Thế nhưng những gì Nadella đã làm từ khi lên nắm quyền không chỉ vực dậy gã khổng lồ Microsoft (vào thời điểm cuối 2017, mức tăng trưởng đạt mốc 19%, cao nhất từ trước đến giờ) mà còn thay đổi bộ mặt của tập đoàn.

“Chúng ta đã bám vào các thành công trước đây quá lâu và ngành công nghiệp thì không quan tâm tới điều đó. Để tồn tại được thì phải hướng tới tương lai. Thành công trong quá khứ không có nghĩa lý gì cả.”

Satya Nadella

Microsoft vượt mặt các đối thủ trong việc trở thành mục tiêu hướng tới của các kĩ sư và nhà nghiên cứu đầy tham vọng. Vẫn có rất nhiều việc cần làm: lợi nhuận chính vẫn từ các sản phẩm máy tính cá nhân, các khoản thu từ dịch vụ đám mây vẫn còn khá thấp so với bên phần mềm, nhưng tổng quan thì có thể nói Microsoft đã trở lại.

Khi nhận vai trò CEO, Nadella biết sẽ phải thực hiện một cuộc cải tổ toàn diện Microsoft, không chỉ trong các chiến lược, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh mà cả văn hóa làm việc đã ăn sâu trong gốc rễ tập đoàn. Microsoft đã ngủ quên trên chiến thắng quá lâu, đây là lúc thức tỉnh và nhìn về tương lai

Nadella trong mắt các nhân viên là một người tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Với Satya, bất kể người đưa ra ý kiến là ai, nhân viên nhỏ hay quản lý cấp cao, ông sẽ nghe tất cả những gì họ nói một cách chăm chú, khiến mọi người cảm thấy đóng góp của mình rất quan trọng. Trong buổi họp đầu tiên với ban điều hành sau khi nhận chức CEO, ông tập trung vào vấn đề văn hóa công ty thay vì các đối tác làm ăn, cho thấy rõ quyết tâm thay đổi Microsoft từ bên trong.

Tính cách của một tập thể được định hướng bởi người đứng đầu, và khi đó là một người ân cần, chân thành và đáng tin cậy như Nadella, nhân viên Microsoft dần trở nên đoàn kết trong công việc và thoải mái khi chia sẻ ý kiến hơn. Nhân viên thậm chí có thể thoải mái đem sản phẩm của các đối thủ lên chỗ làm hay phòng họp. Đây là điều không bao giờ được chấp nhận dưới thời Bill Gates hay Ballmer.

Còn trong lĩnh vực kinh doanh, phương châm của Nadella là “Hợp tác trong những gì có thể hợp tác, cạnh tranh trong những gì có thể cạnh tranh”. Hành động đầu tiên của ông là gặp gỡ những khách hàng đã chuyển qua sử dụng sản phẩm của đối thủ. Thoát ra khỏi giới hạn của tập đoàn là cách Nadella vận hành Microsoft.

Ngày nay, sản phẩm của Microsoft hiện diện trên nền tảng các công ty cả đối tác lẫn cạnh tranh: Minecraft trên Xbox và Playstation, Office chạy trên hệ điều hành của các đối thủ, Linux được hỗ trợ trên nền tảng đám mây Azure của Microsoft. Ông nói trong buổi phỏng vấn trên Today’s Vision: “Chúng tôi sẽ tập trung vào những sản phẩm và dịch vụ mà chỉ Microsoft có thể cung cấp”.

Thương vụ mua lại Minecraft của Nadella được giới chuyên môn đánh giá cao. Ảnh: Wired.

Khó khăn lớn nhất Nadella phải đối mặt là chuyển đổi Microsoft từ chỗ Windows là trung tâm và các doanh nghiệp phải sử dụng phần mềm có bản quyền, sang thế giới của điện toán đám mây, di động và trí tuệ nhân tạo, nơi mô hình chuyển từ bản quyền sang thuê bao.

Với kinh nghiệm của mình, ông nhận ra rằng kiến trúc mà Microsoft dùng để xây dựng các sản phẩm như Xbox Live, Bing hoặc MSN không còn phụ thuộc vào những thứ họ bán cho các doanh nghiệp. Họ chủ yếu xây dựng hạ tầng đám mây cho các tài sản trực tuyến của mình. Nadella đã phải thuyết phục nhóm điều hành Bing không tập trung vào mảng máy chủ nữa. Ông không mang theo bất cứ ai từ nhóm mình vào Bing. Theo ông, đây là sự chuyển đổi lớn của tập đoàn và nó phải đến từ bên trong.

Tuy nhiên, các thay đổi Microsoft đi kèm với việc sa thải hàng nghìn người. Một số báo cáo cho biết khoảng 30.000 nhân viên đã bị sa thải, chủ yếu ở mảng sản xuất và bán hàng Nokia. Satya công bố khoản đầu tư 7,2 tỉ USD để mua Nokia của Balmer đang gây thua lỗ. Năm 2016, quyền sở hữu thương hiệu Nokia được bán cho liên minh HMD Global và Foxconn.

Nadella tin rằng để có thể tồn tại lâu dài, Microsoft cần tập trung vào điện toán đám mây, lượng tử, cảm ứng, thực tế ảo hỗn hợp và trí tuệ nhân tạo (AI). Tập đoàn đang đẩy mạnh việc nghiên cứu để trở thành tổ chức đầu tiên đưa công nghệ lượng tử ra thị trường trong vòng 3 đến 5 năm nữa.

Thực tế ảo sẽ đang là mục tiêu hướng đến của Microsoft. Ảnh: Wired.

Về mảng trí tuệ nhân tạo, hai bước đi gần đây của Satya cho thấy Microsoft đang cạnh tranh với DeepMind của Google và một số đối thủ khác như dự án phi lợi nhuận OpenAI. Vào tháng 7/2017, tập đoàn tuyên bố mở trung tâm nghiên cứu tri tuệ nhân tạo ở Redmond, phục vụ việc tìm hiểu về xử lý ngôn ngữ, lý luận và nhận thức – một động thái rõ ràng cho quyết tâm phát triển toàn diện lĩnh vực này. Cũng trong tháng này, Harry Shum, người đứng đầu nhóm Nghiên cứu và Trí tuệ Nhân tạo của Microsoft, vừa công bố bộ vi xử lý chuyên sâu dành cho HoloLen. Công bố này được đưa ra chỉ vài tháng sau khi Google thông báo về một dịch vụ đám mây có khả năng cung cấp truy cập vào một vi xử lý AI được thiết kế để huấn luyện và thực thi mạng lưới nơron sâu.

Về HoloLens, Microsoft chia ra làm hai loại: thực tế ảo (không gian ảo hoàn toàn) và thực tế tăng cường (các lớp ảnh ảo phủ lên không gian thật). Nadella cho biết tập đoàn đang nhìn nhận HoloLens như một giao diện tự nhiên mới, có thể ứng dụng trong y học, dịch vụ hậu cần, bán lẻ và game. Minecraft, được mua bởi Microsoft vào năm 2014, là game bán chạy thứ 2 mọi thời đại.

Vẫn còn rất nhiều thứ Satya Nadella phải làm để có thể thay đổi hẳn văn hóa bảo thủ, chậm tiến của Microsoft, khắc phục các hậu quả do Ballmer để lại cũng như đưa tập đoàn trở lại vị trí dẫn đầu trên đường đua công nghệ. Tuy nhiên với một người như Nadella, không có gì là không thể.

Cố thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ ra điều người Nhật vượt trội tất cả các quốc gia châu Á, riêng Singapore mất 10-15 năm mới gần bằng họ

Thế giới biết đến “kỳ tích Nhật Bản” sau thế chiến thứ hai, khi quốc gia này từ nước bại trận vươn lên thành nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thành công đó đến từ tinh hoa của người Nhật, điều không …

Nhật Bản tự cho mình là một dân tộc đặc biệt, vì vậy, bất cứ người nào sinh ra là một người Nhật thì họ sẽ ở trong vòng màu nhiệm đó, còn nếu không, bạn sẽ không thể có nó. Việc coi mình là đặc biệt hoang đường này, theo cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu , đã tạo cho họ một sức mạnh đáng gờm với tư cách một quốc gia, một tập đoàn, hay một đội nhóm trong bất kỳ nơi làm việc nào.
“Không có quốc gia nào ở châu Á có thể tương xứng với họ, kể cả người Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, hay những người dân Đông Nam Á”, ông nói. Dù từng là thủ tướng của một trong những con rồng Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, ông Lý Quang Diệu vẫn thừa nhận người Nhật vượt trội hơn hẳn so với người dân Singapore.
Lời đánh giá của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng được một người Nhật khác, là Nobuo Hizaki, Giám đốc điều hành công ty Nichison, khẳng định lại khi ông này cho rằng khả năng làm việc của nhân công của Singapore chỉ bằng 70% so với người Nhật, và phải mất 10-15 năm nữa mới có thể gần được bằng họ.
“Công nhân Nhật Bản lành nghề hơn và đa năng hơn, linh động hơn và dễ thích nghi hơn, và họ ít khi đổi việc hoặc nghỉ việc vô tổ chức. Họ chấp nhận yêu cầu học tập và rèn luyện suốt đời. Tất cả các công nhân đều coi họ là lao động trí óc, không phải lao động bàn giấy hay lao động chân tay. Các kỹ thuật viên, các nhóm lãnh đạo và các giám thị đều sẵn sàng xắn tay áo lên làm việc”, cố Thủ tướng Singapore tổng kết.
Sự thành công của người Nhật cũng đến từ khả năng làm việc nhóm, phối hợp nhịp nhàng “và khít khao như những viên mẫu xếp hình Lego”. Theo đánh giá của người từng đứng đầu chính phủ Singapore, nếu một chọi một, nhiều người Trung Quốc có thể tương xứng với người Nhật, nhưng trong một nhóm, đặc biệt là đội nhóm sản xuất trong xí nghiệp, thì rất khó đánh bại người Nhật Bản.
Thay vì chỉ nghĩ đến việc làm tròn bổn phận của mình, người Nhật sẵn sàng làm thay đồng nghiệp chỉ để công việc được hoàn thành. Họ thực hiện kỷ luật một cách vô cùng chính xác, như luôn để điều hòa nhiệt độ không dưới 25 độ C, tắt điện mỗi khi ra khỏi khu vực làm việc, hợp tác tối đa với các quản lý của mình.
Nội dung được trích từ cuốn sách Hồi Ký Lý Quang Diệu: Từ Thế Giới Thứ Ba Vươn Lên Thứ Nhất do nhà xuất bản Alpha Books phát hành trên toàn quốc. Cuốn sách là những câu chuyện tổng kết về những sự kiện xảy ra sau những năm độc lập đầu tiên của quốc gia này, được kể lại bởi chính nhà kiến tạo quốc gia Lý Quang Diệu, cho thấy chặng đường và những quyết sách đã đưa Singapore đi từ ngưỡng cận kề diệt vong lên thành một trong những nước có mức sống cao nhất thế giới sau 30 năm.
Nguồn: Trí Thức Trẻ

SỨC MẠNH CỦA ÍT HƠN

Áp dụng nguyên lý 80/20 vào cuộc sống và công việc như thế nào? Làm thế nào để bạn sống được nhiều hơn với ít thứ hơn? Dưới đây là 10 gợi ý dành cho bạn.
1. Nhận biết những gì thiết yếu, rồi loại bỏ số còn lại
Thay vì tập trung vào mọi thứ, đơn giản là lựa chọn chỉ tập trung vào những vấn đề quan trọng nhất, và bơ đi mà sống. Nếu đơn giản làm được việc, hãy giữ mọi thứ đơn giản.
2. Tạo ra tối đa kết quả với tối thiểu nỗ lực
Tất cả chúng ta đều muốn ba đầu sáu tay chăm lo chu toàn mọi việc. Nhưng thực tế không như thế. Thay vì dàn trải bản thân quá mỏng, tập trung vào số ít thiết yếu giúp bạn đạt được những mục tiêu ý nghĩa nhất.
3. Đặt giới hạn
Nguyên lý Parkinson phát biểu “Công việc tự mở rộng ra để lấp đầy lượng thời gian được ấn định cho nó”. Nếu cho bạn 3 tiếng để ôn bài, bạn sẽ ôn đủ 3 tiếng. Nếu cho bạn 6 tiếng để ôn bài, bạn sẽ kéo dài đến 6 tiếng. Bạn phải đặt giới hạn cho bản thân. Cốt lõi của phân thứ tự ưu tiên là quyết định không làm điều gì đó. Những gì bạn KHÔNG làm mở ra những gì bạn CÓ THỂ làm. Nếu mọi việc đều là số dzách, bắt-buộc-phải-làm, bạn đã chưa đặt ưu tiên cho bất cứ thứ gì.
4. Mỗi lần chỉ một việc
Không phải ai cũng thiên tài như Tony Stark vừa điều hành cuộc họp cổ đông bằng 5 thứ tiếng, vừa làm người tình thỏa mãn qua sex phone, vừa xây dựng bộ áo giáp mới cho Iron Man. Não chúng ta chỉ có khả năng thực sự tập trung mỗi lần một việc. Bạn nghĩ bạn đang làm đa nhiệm, sự thực là bạn đang chuyển đổi liên tục sự chú ý từ việc này sang việc nọ. Mỗi lần chuyển tập trung, tâm trí bạn lại phải tốn thời gian nạp lại thông tin cần thiết để hoạt động hiệu quả.
5. Không quá 3-4 việc cùng lúc
Thay vì cố làm 30-40 việc cùng lúc và tăng khả năng thất bại thảm hại, hãy hạn chế dự án đang chạy không quá 3- 4 việc sẽ giúp bạn bảo tồn năng lượng, cho phép bạn thực hiện các mục tiêu quan trọng nhất của mình một cách nhanh chóng rồi chuyển sang việc kế.
6. Thiết lập 3 việc quan trọng nhất mỗi ngày
Mỗi ngày, có vài việc bạn có thể hoàn thành để tiến một bước dài tới đích những kế hoạch quan trọng nhất của bạn. Đó là những việc quan trọng nhất (Most Important Tasks – MITs).
Để đạt tối đa hiệu quả mỗi ngày, hãy tạo một danh sách từ 2-3 MIT vào đêm trước (hoặc sáng ấy). Khi bạn xắn tay áo lên làm việc, mục tiêu của bạn đã rõ: hoàn thành MIT nhanh nhất có thể – trừ phi có việc khẩn cấp, những việc khác có thể chờ vì chúng ít quan trọng hơn. Youtube, Facebook, Email…hãy hoãn cái sự sung sướng đó lại.
Một khi bạn đã hoàn thành được MIT, thời gian còn lại trong ngày là phần thưởng thêm. Hãy tự vỗ vai mình – bạn đã làm xong những việc đóng góp to lớn nhất vào và sự sung sướng của bạn hôm nay.
7. Gộp các việc tương tự nhau lại để bảo toàn sự tập trung
Mỗi lần bạn chuyển đối tượng tập trung, bạn mất một đống điểm năng suất. Để tránh bị tổn thất, bạn cần tìm ra giải pháp để ít mất tập trung hơn. Gộp nhóm là tổng hợp các việc tương tự rồi giải quyết một lượt cho tiện. Ví dụ như việc kiểm tra e-mail – 5 phút kiểm tra một lần làm bạn liên tục chuyển tập trung và gây thiệt hại năng suất. Kiểm tra và hồi âm tại thời điểm được ấn định trong ngày (10.00 và 15:00), bạn có thể hoàn thành được một lượng việc giống nhau trong thời gian ít hơn.
8. Cài đặt thói quen tích cực dễ nhất khi bạn bắt đầu nhỏ, rồi xây thêm dựa trên đà thành công ban đầu
Khi tạo thói quen tích cực, hầu hết mọi người đều phạm sai lầm cố gắng thay đổi quá nhiều thứ cùng một lúc. Thiết lập hoặc thay đổi thói quen đều cần ý chí, mà ý chí là tài nguyên rất giới hạn. Ý chí vốn không xài được trong dài hạn. Dàn trải năng lượng ý chí quá mỏng sẽ khiến bạn không duy trì được thói quen.
Để đạt kết quả tốt nhất, hãy tập trung cài đặt hoặc thay đổi mỗi lần một thói quen, và bắt đầu nhỏ đến bự, từ thấp đến cao. Nếu bạn muốn chống đẩy 100 cái, hãy bắt đầu tập 1 cái. Mỗi ngày, thêm một cái. Nếu bạn muốn dậy sớm lúc 06:00, mỗi ngày hãy tập dậy sớm hơn 1 phút. Xây dựng theo đà sẽ dễ giữ được thói quen bền lâu.
Bất kể bạn làm gì, hãy chỉ tập trung vào MỘT (và chỉ một) thói quen một lần. Luyện tập thói quen đó cho đến khi nó trở thành bản năng, mà không cần phải suy nghĩ hay vận ý chí để thực hiện mỗi ngày. Và chỉ sau khi đó, bạn mới nên chọn một thói quen khác để cài đặt.
9. Tối giảm những cam kết hiện tại của bạn, và đừng ngại nói “không” với những cam kết mới

Trừ phi bạn ý thức tối giảm những cam kết hiện tại, còn không danh sách cam kết sẽ phình to to to to ra cho đến khi bạn ngạt thở và ngất xỉu. Thật dễ bị cám dỗ nói “đồng ý” với mọi thứ để tỏ ra dễ thương lấy lòng mọi người. Rất ít người thích cảm giác từ chối yêu cầu giúp đỡ hoặc thất hứa, khiến cho “đồng ý” trở thành phản hồi mặc định của ta với những yêu cầu bên ngoài.

Steve Jobs nói đúng: “Thời gian của bạn là hữu hạn nên đừng sống cuộc đời của người khác”. Sẽ tử tế hơn rất nhiều nếu bạn thẳng thắn ngay từ đầu với mọi người về những ưu tiên hiện tại của bạn. Tôi bận học nên không đi chơi được. Tôi bận tập thể dục nên không đi nhậu đâu. Tôi phải về với gia đình nên không làm quá giờ nữa.
Cam kết “nửa vời” không giúp ích cho ai. Hoặc bạn “làm đầy đủ” hoặc “không làm.” Đừng gánh vác trọng trách thế giới trên vai.

7 Lời khuyên của tổng thống Obama dành cho các quản lý tương lai

 
1. Đừng bao bọc bản thân bởi những người nói đâu làm đó:
Cách tốt nhất để biết giới hạn khả năng của mình là đừng bao giờ chỉ bao quanh mình với những người luôn nói “yes”. Những người luôn thách thức bạn, luôn đặt câu hỏi và bất đồng quan điểm với bạn sẽ giúp bạn nhận ra những hạn chế của một vấn đề, mở rộng cách nhìn nhận một sự việc nào đó.
2. Luôn có tinh thần đua tranh:
Để đạt được thành tích cao nhất, điều kiện không thể thiếu là tinh thần cạnh tranh. Một phòng ban sẽ chậm phát triển hơn nếu ở đó mọi người thiếu đi tinh thần và động lực đua tranh với nhau.
3. Luyện tập thể thao hàng ngày:
Ở vị trí lãnh đạo càng cao, bạn gánh vác càng nhiều trách nhiệm lẫn căng thẳng. Lúc này, một cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai, một tinh thần minh mẫn là điều kiện quan trọng giúp bạn đảm đương được những trọng trách. Dù bận rộn với lịch trình của một tổng thống, Obama vẫn duy trì chế độ tập luyện hàng ngày từ 7:30 đến 8:30.
4. Tối giảm những lựa chọn trong cuộc sống:
Song song trách nhiệm và áp lực là những quyết định quan trọng mà bạn phải lựa chọn khi ở vị trí lãnh đạo. Không phải ngẫu nhiên mà bên trong tủ đồ của Steve Job chỉ có 1 kiểu mẫu áo thun màu đen duy nhất. Càng ít lựa chọn không cần thiết, bạn càng bớt mệt mỏi và dành thời gian và tâm trí cho những quyết định quan trọng hơn.
5. Chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình:
Hiển nhiên rằng không phải tất cả quyết định của chúng ta luôn luôn đúng. Nhất là khi càng nhiều quyết định nằm trong tay bạn, sẽ có những lúc bạn mắc phải sai lầm. Tuy nhiên, một người quản lý giỏi sẽ luôn tin và chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình, không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác hoặc viện dẫn lý do.
6. Lắng nghe nhân viên của bạn, ngay cả những người ở vị trí thấp nhất:
Có câu nói rằng chỉ mất 2 năm để học cách nói nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn để học cách lắng nghe. Trong các cuộc họp, Tổng thống Obama không bao giờ là người nói nhiều nhất vì ông luôn muốn lắng nghe ý kiến, cách suy luận của các nhân viên, ngay cả những người ở vị trí thấp nhất.
7. Nghỉ ngơi thư giãn khi bạn có thời gian:
Trong bài phỏng vấn, trả lời cho câu hỏi “Nếu có một ngày mà mọi người không biết ông là tổng thống Mỹ, ông sẽ làm gì?”, Obama muốn được trở lại quê hương Hawaii, nơi ông đã sinh ra và dành cả ngày để tận hưởng bãi biển tuyệt đẹp nơi ấy.
✓ Vậy là tổng thống Barack Obama đã chính thức kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 của mình tại Nhà Trắng. Ông được vinh danh như một nhà lãnh đạo tài ba, thể hiện qua những thay đổi tích cực của nước Mỹ sau hơn 7 năm điều hành cường quốc với hơn 322 triệu dân.
✓ Phong cách lãnh đạo của ông nổi tiếng thế giới qua những bài học sâu sắc trên đấu trường chính trị. Trong một bài phỏng vấn mang tựa đề Obama’s Way, ông đưa những lời khuyên quý giá cho các nhà quản lý tương lai đúc rút từ thực tế và kinh nghiệm lãnh đạo tuyệt vời của mình.
✓ Đừng bao giờ để áp lực công việc đè nặng bản thân quá sức, hãy luôn dành thời gian cho gia đình và nghỉ ngơi đúng lúc.

6 lời khuyên để bắt đầu đi tìm một công việc mơ ước

1. Nắm rõ điểm mạnh của bạn
Theo Lisa, kể cả khi bạn rõ mình mạnh ở đâu, tốt hơn hết bạn vẫn nên làm một bài test về tính cách cá nhân. Những bài kiểm tra như Myers-Briggs hay DISC có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng và nó sẽ giúp bạn trau dồi phong cách học tập để có thể áp dụng tại nơi làm việc.
“Ngay cả khi bạn nghĩ mình biết tất cả mọi thứ về bản thân, kết quả kiểm tra sẽ giúp bạn suy nghĩ về năng lực và đam mê của mình theo các hướng khác. Những bài kiểm tra như này giúp bạn mở rộng tầm suy nghĩ của mình và không chỉ khám phá những chủ đề thú vị mà còn các nhiệm vụ, kĩ năng và hoạt động khiến bạn cảm thấy tự tin.”
2. Tìm hiểu những thứ bạn không mong muốn ở một công việc
Có lẽ bạn đều đã từng trải qua kì thực tập tồi tệ? Đừng bỏ qua những kí ức đó. Mà hãy thử nhớ lại xem, tại sao đó lại là một trải nghiệm kinh khủng như vậy. Liệu có phải do sếp của bạn quá nhỏ nhen? Hay do công việc không đủ hứng thú để bạn tiếp tục? Bất kể lí do là gì thì đó cũng chính là những gì mà bạn muốn tránh cho công việc tương lai. Hãy nghĩ nó như là một bản thử nghiệm nhưng bị lỗi.
“Những công việc ban đầu là rất quan trọng, không chỉ bởi đó là kinh nghiệm mà còn giúp bạn tìm ra bạn không muốn làm gì. Nếu bạn quan tâm đến một ngành nghề nào đó, việc quan trọng là tìm hiểu xem công việc đó như thế nào và bạn có thích nó không. Nếu không thì bạn nên cân nhắc lại.”
3. Nghiên cứu kĩ càng về một ngành nghề nhất định
Một khi bạn đã xác định được ngành nghề mình muốn, hãy tìm hiểu mọi thứ về nó mà bạn có thể. Đối với ngành xuất bản, có thể bao gồm bản quyền, biên tập, thậm chí cả nghệ thuật. Đối với ngành thời trang, bạn cần biết tất cả mọi thứ từ đuôi áo đến thiết kế rồi marketing. Vấn đề chính là mọi sự nghiệp đều bắt nguồn từ một điểm nào đó.
4. Thiết lập các mối quan hệ
Quen biết ai đó làm việc bên trong công ty có thể rất hữu ích, ngoài ra nó còn tạo cảm giác thân quen khi làm việc. “Học về văn hóa làm việc ở các công ty khác nhau là điều rất tuyệt vời và biết đến sự khác nhau giữa các công ty khác nhau.” Tất nhiên để đạt được điều này không hề dễ dàng, đây là việc đòi hỏi sự tập luyện cũng như kiên nhẫn. Lisa gợi ý rằng bạn có thể bắt đầu từ những việc bé nếu muốn học cách xã giao trong một công ty. “Nói chuyện với một đồng nghiệp bạn chưa gặp bao giờ trong phòng ăn của văn phòng, tình nguyện chuyển bài thuyết trình cho nhóm khác, hay tham gia các buổi ăn uống nhỏ sau giờ làm mà bạn vẫn hay bỏ qua.”
Ngay khi bạn gặp một đồng nghiệp nào đó, hãy làm quen với họ ngay. Hỏi thông tin liên lạc của họ và bất cứ thông tin nào giúp bạn nhớ lại về cuộc đối thoại để chuẩn bị cho lần gặp mặt trong tương lai. Lisa cho biết: “Tôi luôn cảm thấy ấn tượng mỗi khi có ai nhận ra tôi và nhớ chi tiết về cuộc nói chuyện trước đó. Đó là một cách hoàn hảo để gây ấn tượng với ai đó mà không bị lố.”
5. Hoàn thiện kĩ năng viết và gửi email
Đừng sợ khi phải hoàn thành một hợp đồng mới bằng cách gửi mail cho đối tác của bạn. Theo Lisa, nguyên tắc cơ bản là đừng làm phí thời gian của bất kì ai. Đây là một số lời khuyên của Lisa cho một email ngắn gọn mà vẫn rõ ràng:
– Tỏ ra thân thiện, nhưng vẫn chuyên nghiệp
– Kiểm tra lại xem có lỗi không trước khi gửi
– Đi thẳng vào vấn đề bạn muốn đề cập đến, đừng lan man
– Đừng hỏi những câu quá ngớ ngẩn và hiển nhiên mà bạn có thể tìm thấy trên Google
– Thể hiện một vài nét tính cách của bạn
– Tạo một liên kết chính xác tới công ty
– Đặt chủ đề sáng tạo và ấn tượng cho email
Và một vấn đề cũng quan trọng không kém là thời điểm bạn gửi email. Bởi mọi người thường khá bận rộn vào buổi sáng, bạn nên gửi vào giờ ăn trưa hay đầu giờ chiều lúc họ thường nghỉ ngơi. Và cuối cùng, sau 3 lần gửi vẫn chưa nhận được phản hồi, đừng cố đeo bám nữa.
6. Làm chủ buổi phỏng vấn
Có lẽ phần quan trọng nhất của buổi phỏng vấn là những gì bạn đã làm trước khi bước vào phòng xin việc. Hãy làm nghiên cứu trước để thể hiện bạn rất tháo vát và đáng tin. Chuẩn bị trước những câu hỏi dể bị hỏi. Và đừng quên chỉnh sửa lại các trang cá nhân trên mạng xã hội của bạn. Lisa cho biết trước khi phỏng vấn bất kì ứng cử viên nào, cô thường xem qua các tài khoản xã hội của họ.
Theo cô, đó là cách tốt nhất để biết được tính cách, khiếu hài hước, khả năng viết lách cũng như tính thẩm mỹ của một người. “Những trạng thái bạn đăng, sản phẩm bạn thích, và những người xung quanh bạn sẽ đưa ra được đồng nghiệp tiềm năng mà bạn muốn làm cùng – chính những điều này tạo nên con người bạn.”
Theo: Tri Thức Trẻ