Monthly Archives: October 2017

10 điều ‘dân văn phòng’ cần tránh mỗi buổi sáng khi đến văn phòng

 

 
1. Đến muộn
Đến muộn có thể nói là sai lầm thường gặp phải nhất của dân công sở, những lý do thì có thể vô vàn, từ con quấy, tắc đường cho tới bị… cún tha mất giày. Thế nhưng, thời gian có mặt tại văn phòng là thước đo quan trọng trong quá trình đánh giá nhân viên của lãnh đạo.
Thống kê mới đây của Huffington Post cho thấy quản lý thường đánh giá nhân viên đến muộn là kém nghiêm túc và mặc dù hiệu quả công việc của họ có cao thế nào đi chăng nữa, trong mắt đội ngũ quản lý, họ luôn là một kẻ không tuân thủ.
Thêm vào đó, đừng nghĩ bạn làm thêm giờ vì đến muộn có thể trung hoà được tội lỗi ban đầu, điều này hoàn toàn không đúng. Quy định được xây dựng để tuân thủ và đến sớm hơn vài phút so với thời gian quy định sẽ giúp bạn có được ngày làm việc dài, hiệu quả hơn.
2. Không chào hỏi các đồng nghiệp
Mặc dù đây là tác phong cơ bản tại bất kì đâu, thế nhưng một bộ phận không nhỏ giới văn phòng đã “quên” rằng họ cần chào hỏi đồng nghiệp của mình, nếu tốt hơn cả hãy chúc đồng nghiệp có được một ngày làm việc hiệu quả. Tất nhiên, bạn cần làm điều này cẩn thận không những để tăng sự gắn kết giữa bản thân với đồng nghiệp mà nó còn tạo nên bầu không khí ấm cúng trong môi trường làm việc.
Nếu như bạn là quản lý và bạn không chào cấp dưới của mình khi tới văn phòng, sẽ chẳng có ai nể phục bạn. Tất nhiên, khi không có được sự nể phục, đừng mong chờ đội ngũ nhân sự sẽ sẵn sàng lăn xả trong mọi tình huống công việc được bạn giao phó.
Một câu chào hỏi không tốn quá nhiều thời gian, hãy gắn kết với đồng nghiệp và để họ thấy sự hiện diện của bạn, đừng xuất hiện như một cái bóng vô hình trên văn phòng.
3. Uống cafe quá sớm
Nghe có vẻ thật nực cười nhưng bộ đôi công sở và cafe đã đi vào tiềm thức của bất kì ai, mọi người luôn muốn uống một tách cafe trước khi làm việc để tỉnh táo và tập trung hơn. Tất nhiên, điều này hoàn toàn chính xác thế nhưng thời điểm uống một cốc cafe lại rất quan trọng.
Một nghiên cứu cho hay cơ thể con người tiết ra hóc môn giúp tái tạo năng lượng, hóc môn này hoạt động mạnh nhất vào thời điểm từ 8 giờ sáng cho tới 9 giờ sáng. Đây sẽ là bình năng lượng giúp bạn duy trì các hoạt động của mình trong ngày.
Việc uống một cốc cafe vào khoảng thời gian này sẽ kìm hãm khả năng sản sinh năng lượng tự nhiên của cơ thể và khiến chúng ta bị phụ thuộc quá nhiều vào cafeine. Nghiên cứu cho thấy khoảng thời gian hợp lý nhất để uống cafe là sau 9 giờ 30 sáng.
Nếu bạn nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi trong buổi sáng, hãy thử đổi khung giờ uống cafe của mình để thấy sự khác biệt.
4. Trả lời tất cả các email khi vừa tới văn phòng
Ngay khi vừa tới văn phòng, bạn mở hòm thư và trả lời tất cả các email được gửi từ tối hôm trước. Mặc dù vậy, điều này không thật sự hiệu quả.
Trong nghiên cứu của Michael Kerr, một diễn giả kinh tế nổi tiếng, thì trong 10 phút đầu tiên, hãy chọn lọc những email có nội dung quan trọng nhất sau đó phân loại các email còn lại.
Cái đích của bạn chính là một bản kế hoạch ngắn về trả lời email, ưu tiên những email quan trọng và tập trung giải quyết những email quan trọng trước, những đầu việc nhỏ hơn có thể để lại phía sau.
Việc trả lời toàn bộ email vào buổi sáng cũng làm cho bạn trở thành tâm điểm cho những đầu việc sắp tới. Trả lời theo thứ tự sẽ giúp bạn phân tách công việc trong ngày, tránh quá tải cũng như đạt hiệu quả cùng sự tập trung cao độ. Thứ tự ưu tiên trả lời email sẽ là email của sếp, các email có nội dung quan trọng và sau đó là những email còn lại.
5. Làm việc ngay mà không có kế hoạch
Trong 10 phút ban đầu, tại sao lại mở máy tính, lấy tài liệu làm việc luôn mà không xây dựng kế hoạch làm việc trong ngày cho bản thân? Chỉ với 10 phút, bạn có thể nhanh chóng xây dựng một thời gian biểu trong ngày với các đầu việc cụ thể. Cách thức này giúp bạn tự đánh giá được hiệu quả làm việc vào cuối ngày cũng như nó sẽ giúp bạn không bỏ lỡ bất kì đầu việc quan trọng nào.
Bạn có thể tự đặt giờ cho những đầu việc của mình trên điện thoại và nếu như bạn làm xong một đầu việc sớm hơn, bạn có thể sử dụng khoảng thời gian rảnh rỗi này để làm những công việc khác như đọc báo chẳng hạn.
Lưu ý rằng bạn nên hẹn giờ cả cho những buổi họp và cần tính trước để tránh tình trạng đứt quãng khi làm việc. Giả dụ như bạn đang thống kê sổ sách, dự tính cho mình 2 giờ để hoàn thiện và khi vừa làm được 30 phút thì cuộc họp tới. Sau khi họp, quá trình làm việc ban đầu sẽ bị đứt quãng dẫn tới việc tốn thêm thời gian xem xét lại những gì đã làm.
6. Việc dễ làm trước
Đi làm không giống với việc giải một đề thi khi bạn ưu tiên làm những câu dễ trước và để lại câu khó.
Quá trình làm việc kéo dài trong 8 giờ hoặc nhiều hơn khiến cơ thể sớm mệt mỏi, chính vì thế thay vì làm những đầu việc đơn giản trước, hãy dành toàn bộ năng lượng cho những công việc khó nhằn nhất ngày.
Một khi đã hoàn thành xong những đầu việc khó, phần năng lượng còn lại đủ để vận hành não bộ hoàn thiện những đầu việc nhẹ nợ hơn.
7. Làm quá nhiều việc cùng lúc
Vào mỗi buổi sáng, khi hóc môn sản sinh năng lượng hoạt động, bạn có cảm giác mình như là siêu nhân với năng lượng vĩnh cửu và sẵn sàng làm nhiều đầu việc cùng lúc. Mặc dù vậy, giống với đầu mục 6, thay vì làm quá nhiều việc cùng lúc, hãy tập trung vào những đầu việc khó nhất để tối ưu hoá năng lượng bản thân sau đó thực hiện những công việc dễ hơn.
Có thể làm nhiều việc cùng lúc sẽ khiến bạn oai hơn trong mắt đồng nghiệp, thế nhưng đừng quên hiệu quả công việc mới là thước đo đánh giá chứ không phải là vài phút hào nhoáng của bản thân.
8. Bận tâm tới những suy nghĩ tiêu cực
Bước chân trái ra ngoài cửa, vừa ra ngoài đã giẫm phải túi rác hay ra đường bị va quệt giao thông? Hãy bỏ ngay những suy nghĩ đó khỏi đầu khi tới văn phòng vì một khi bạn còn bận tâm đến nó, nó sẽ còn tiêu tốn thời gian của bạn. Chưa kể tới việc bạn sẽ muốn giải toả và kể chúng với đồng nghiệp để rổi đến cuối ngày tất cả mọi người chẳng làm được gì.
Thay vào đó, bạn có thể xếp những suy nghĩ tiêu cực vào một ngăn riêng trong não bộ sau đó chia sẻ hoặc nghĩ về chúng trong giờ nghỉ trưa hay sau khi kết thúc giờ làm. Hãy để một ngày làm việc nghiêm túc và tập trung nhất có thể.
9. Chuyện họp và hành
Nghe có vẻ ngược đời khi mà khoảng thời gian bắt đầu một ngày làm việc thường được sử dụng cho những cuộc họp, tất nhiên về lý thuyết đây là điều đúng khi mà đó là khoảng thời gian ít vướng bận nhất của toàn bộ đội ngũ nhân sự. Mặc dù vậy, nếu bạn đã đi họp bạn sẽ hiệu chúng mệt mỏi ra sao, để dành khoảng thời gian nhiều năng lượng nhất trong ngày để họp chẳng khác gì với việc bạn mua một chiếc xe thể thao để đi khi đường tắc.
Nếu bạn là quản lý, hãy để những buổi họp vào cuối ngày, khi lịch đã lên, vắng mặt là điều không thể chấp nhận. Buổi họp cuối ngày sẽ giúp không ai phí phạm năng lượng để đạt hiệu quả tốt hơn cho những đầu việc phức tạp.
10. Làm việc không theo lịch
Khi tới văn phòng, bạn thấy bàn làm việc của mình thật bừa bộn, thế nhưng bạn vẫn cần uống một cốc cafe hay đi lấy tài liệu mà sáng nào bạn cũng làm. Phải làm gì trong trường hợp này?
Theo Charles Duhigg, tác giả cuốn “Sức mạnh của thói quen” thì những công việc phát sinh nên để sau và hãy hoàn thiện các hoạt động mỗi ngày trước tiên. Giả sử bạn quen với việc đến văn phòng, đánh giày, đánh răng, đọc báo, uống cafe… thì hãy thực hiện nó trước, bạn có thể dọn dẹp chiếc bàn bày bừa của mình sau.
Lý do ư? Làm việc theo thói quen hoặc theo lịch giúp bạn đỡ phải suy nghĩ xem nên làm gì trước hay sau, điều này đồng nghĩa với giảm năng lượng sử dụng cho não bộ, kéo dài năng suất một ngày.
Tất nhiên, những thói quen này được hình thành theo khoảng thời gian dài làm việc, hãy chọn cho mình những thói quen phù hợp để bắt đầu ngày làm việc mới, hạn chế những công việc tiêu tốn năng lượng quá nhiều ví dụ như… chống đẩy trước khi làm việc vì nó có thể đốt sạch năng lượng cả ngày của bạn.
-Sưu tầm-

Tỷ phú đa phần học kĩ thuật và bắt đầu với nghề sales

Nếu bạn muốn thành tỷ phú hoặc người giàu có, có lẽ đã đến lúc học thêm về kĩ thuật tại trường hoặc kiếm một công việc sale để tập luyện dần.
Thống kê mới đây từ công ty Aaron Wallis Sales với danh sách 100 người giàu nhất hành tinh của Forbes cho thấy họ chủ yếu học về kĩ thuật và làm những công việc liên quan tới kĩ thuật để giàu.
Trong số 100 người giàu nhất nhất có 75 người có bằng đại học và trong số 75 người này có 22 người học kĩ thuật. 53 người trong số 100 người này tự mở mô hình kinh doanh riêng (không kế thừa từ gia đình) và 19% bắt đầu với công việc sales trong khi 17% bắt đầu với nghề “lướt sóng” chứng khoán.
Dưới đây là thống kê cụ thể về ngành học của 100 người giàu nhất hành tinh:
1. Kĩ thuật – 22 người
2. Kinh doanh – 16 người
3. Tài chính & kinh tế – 11 người
4. Luật – 6 người
5. Khoa học máy tính – 4 người
Và dưới đây là những công việc đầu tiên của họ:
1. Sales – 10 người
2. Chơi chứng khoán – 9 người
3. Phát triển phần mềm – 5 người
4. Kĩ sư – 5 người
5. Chuyên viên phân tích – 4 người
Rob Scott, đại diện của nhóm thống kê phát biểu: Chúng ta có thể thấy đa phần những người giàu đều tốt nghiệp, có một tấm bằng và nếu muốn theo con đường học tập thành tài, bạn có thể theo chân họ”.
Theo Trí Thức Trẻ

Kinh doanh trực tuyến: Tầm nhìn dài hạn trên hành trình chông gai

Trong vòng một năm qua, hàng loạt trang web bán hàng trực tuyến đã phải đóng cửa do hoạt động không có hiệu quả. Tuy nhiên, mức tăng trưởng hấp dẫn của thương mại điện tử Việt Nam (35%) tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đổ tiền vào ngành này.

Hàng loạt cái tên mới gia nhập thị trường trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa các tên tuổi lớn vẫn khốc liệt. Ngoài chất lượng sản phẩm và dịch vụ, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có chiến lược dài hạn để sống sót trên thương trường đầy sóng gió này.

Thương mại điện tử Việt Nam đang được các chuyên gia nhìn nhận là đầy tiềm năng khi số người sử dụng Internet đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, sự thách thức với các doanh nghiệp nội địa là không nhỏ bởi ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào lĩnh vực này. Chưa kể thị trường đang bước sang giai đoạn tăng tốc, sự chênh lệch về hạ tầng kỹ thuật cùng mức chi tiêu của người tiêu dùng ở các địa phương ngày càng gia tăng và có thể dẫn đến nhiều sự thách thức mới.

Thị trường kẻ đến, người đi

Giữa tháng 6 vừa qua, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã tham gia vào thị trường thương mại điện tử bằng việc khai trương sàn giao dịch https://badasa.com.vn. Vietnam Post muốn sàn kinh doanh trực tuyến này là nơi gắn kết giữa các nhà sản xuất, nhà cung cấp các dòng sản phẩm chuyên biệt, đặc sản thuộc nhiều ngành nghề và người tiêu dùng trên mọi vùng miền đất nước.

Giao diện trang thương mại điện tử của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.

Người mua và người bán sẽ giao dịch trực tiếp qua sàn badasa.com.vn, còn Vietnam Post sẽ cung cấp dịch vụ chuyển hàng và thu tiền trên toàn quốc thông qua việc tận dụng hệ thống phương tiện vận chuyển gồm sáu toa tàu đường sắt Bắc-Nam, 1.500 ô tô chuyên dụng mà công ty này đang quản lý và vận hành.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đánh giá việc Vietnam Post vận hành sàn trực tuyến là một bước đi nhanh nhạy của doanh nghiệp nhằm bắt kịp với xu hướng thương mại điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Vietnam Post, cho biết công ty có lợi thế về dịch vụ chuyển phát, thanh toán, thu tiền cùng lực lượng nhân sự đông đảo có mặt tại khắp các vùng miền từ đô thị đến nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, Vietnam Post lại là một gương mặt mới trong lĩnh vực thương mại điện tử, do đó, cần học hỏi và tích lũy những bài học kinh nghiệm cùng cơ hội kinh doanh trong quá trình vận hành các dịch vụ chính của mình hiện nay, trong đó có dịch vụ chuyển phát hàng hóa cho các doanh nghiệm thương mại điện tử.

Gia nhập thị trường Việt Nam hơn một năm, trang thương mại điện tử Shopee.vn, trực thuộc công ty công nghệ đình đám của Singapore là Garena (vừa đổi tên thành SEA), cho biết đã có hơn 5 triệu lượt cài đặt phần mềm ứng dụng và đạt mốc 4 triệu sản phẩm được bày bán hồi tháng 8 vừa qua. Shopee không tiết lộ con số doanh thu trong một năm hoạt động tại Việt Nam nhưng cho biết đây là thị trường đứng thứ ba trong khu vực về mức tăng trưởng, chỉ sau Indonesia và Đài Loan. Tại bảy quốc gia và vùng lãnh thổ mà Shopee đang có mặt, tổng giá trị giao dịch hàng hóa đã vượt qua con số 3 tỉ đô la Mỹ và nền tảng thương mại điện tử này đã có hơn 40 triệu lượt cài đặt ứng dụng.

Shopee có hơn 5 triệu lượt cài đặt phần mềm ứng dụng và đạt mốc 4 triệu sản phẩm được bày bán hồi tháng 8 vừa qua.

Để cạnh tranh, Shopee đã đưa ra chính sách miễn phí vận chuyển với các đơn hàng có giá trị trên 180.000 đồng trên toàn quốc. Để kiểm soát chất lượng hàng hóa, Shopee dựa trên hệ thống đánh giá (thông qua sự bình chọn) của người mua dành cho người bán, sau đó lọc ra danh sách các cửa hàng bán hàng hóa có uy tín. Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử này cũng làm việc với các thương hiệu lớn, các nhà cung cấp hàng hóa chính hãng, hàng hóa có sự bảo đảm cho người sử dụng. Ngoài ra, Shopee.vn còn tổ chức ngày mua sắm trực tuyến thường niên vào ngày 9-9 với nhiều mặt hàng được giảm giá và khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng.

Trước khi Shopee tham gia thị trường, tập đoàn VinGroup cũng đã đổ một số vốn khá lớn vào lĩnh vực thương mại điện tử bằng việc mở trang web adayroi.vn và mua lại công ty chuyển phát Hợp Nhất để gia tăng tính tiện ích cho trang web này. Khoản đầu tư vào các dự án kể trên không được VinGroup tiết lộ.

Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nhận định trong làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam, thương mại điện tử là một lĩnh vực được ưu tiên lựa chọn bởi tiềm năng và độ phát triển của thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều gương mặt mới xuất hiện thì cũng có không ít doanh nghiệp đã rời đi. Ví dụ, tập đoàn VNG đã bán trang web 123mua.vn cho FPT; Công ty Quảng cáo trực tuyến 24h đã ngừng trang Deca.vn do hoạt động không có hiệu quả; Lingo.vn cũng phải đóng cửa sau khi tiêu hết tiền của nhà đầu tư nước ngoài và không còn vốn để tái đầu tư; Lazada đã chọn cách bán cổ phần chi phối cho “người khổng lồ” Alibaba để tiếp tục mục tiêu bành trướng ở Đông Nam Á.

Thị trường khó lường

Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc NextTech Group, kể rằng công ty của ông bước chân vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam ở giai đoạn đầu tiên, vào năm 2004, nhưng hiện tại chỉ còn duy trì trang ChợĐiệnTử.vn và đã dừng trang eBay.vn. Trang eBay.vn là dự án hợp tác giữa NextTech và sàn thương mại điện tử lớn của Mỹ eBay.com, nhưng hiện tại eBay Đông Nam Á đang đuối sức, không tiếp tục rót vốn đầu tư vào khu vực này.

Chodientu.vn vẫn được duy trì trong khi eBay.vn đã dừng hoạt động.

Ông Bình cho biết trong vài năm gần đây có nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính tham gia vào thị trường thương mại điện tử, chịu lỗ lớn trong giai đoạn ban đầu để đạt mục tiêu thu hút khách hàng, chiếm thị phần. Chính điều này khiến cho cuộc đua tranh trên thị trường những năm gần đây ngày càng trở nên khốc liệt, những doanh nghiệp không còn tiền đầu tư phải rời “sân chơi”.

Theo ông Bình, các doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn là những doanh nghiệp chấp nhận lỗ lớn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những doanh nghiệp đang có mặt trên thị trường sẽ là những cái tên có thể tồn tại đến cuối cuộc chơi. Bởi vì, đã có nhiều doanh nghiệp trong 1-2 năm đầu tiên được đầu tư vốn rất nhiều nhưng sau đó đã phải đóng cửa. Thực tế cho thấy thị trường kinh doanh trực tuyến luôn tồn tại những yếu tố bất ngờ, và những doanh nghiệp mạnh nhất hiện nay cũng khó lường hết những thử thách trước mắt. Đây là cuộc đua đường dài của những đối thủ có tiềm lực tài chính và nguồn nhân lực mạnh mẽ.

Theo ông Bình, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đi sau, phát triển chậm hơn các quốc gia phát triển ở châu Á nên doanh nghiệp nếu không có chiến lược dài hạn và tối ưu hóa nguồn lực thì sẽ chết. “Hiện tổng chi phí đầu tư vào thương mại điện tử của NextTech Group trong 15 năm qua mới khoảng 4 triệu đô la, ít hơn nhiều so với một số sàn thương mại điện tử. Tổng doanh số của sàn trong năm 2016 là 250 triệu đô la, NextTech là doanh nghiệp nội địa hiếm hoi kinh doanh hòa vốn và còn có lãi trên thị trường. Từ năm 2014, công ty đã chủ động trong việc thu – chi tài chính, nhà đầu tư nước ngoài đã ngừng cấp vốn từ năm 2012”, ông Bình nói.

Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam còn nhiều tiềm năng, bởi doanh thu mới chiếm 3% trong tổng doanh thu của thị trường bán lẻ.

Những lối đi riêng

Ông Bình cho biết quan điểm của NextTech là không tham gia vào cuộc chơi giảm giá sản phẩm để thu hút khách hàng. Công ty không đầu tư quá nhiều tiền cho Chợđiệntử.vn mà tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho thương mại điện tử, theo đuổi một mục tiêu lớn hơn là phát triển hệ sinh thái cho hoạt động kinh doanh trực tuyến và hướng mạnh ra thị trường nước ngoài.

Trong năm năm qua NextTech đã xây dựng được hệ sinh thái thương mại điện tử, bao gồm hệ thống mua bán xuyên biên giới Weshop ở bảy nước ở Đông Nam Á, Trung Quốc và Mỹ; cổng thanh toán Ngân lượng.vn; phát triển ví điện tử trên thiết bị di động Vimo.vn; cung cấp dịch vụ quét thẻ thanh toán trên các thiết bị di động Mpos; hình thành trang web cho vay trực tuyến Vaymượn.vn; mở cổng chuyển phát hàng hóa Shipchung.vn phục vụ người bán hàng trực tuyến; đầu tư hệ thống lưu kho và hoàn tất đơn hàng Boxme.vn để người bán hàng không phải lo về dịch vụ hậu cần…

Mới đây NextTech còn hợp tác với Booking.com của Mỹ và một số đối tác để mở trang web 12trip.vn chuyên về đặt phòng khách sạn trong và ngoài nước, cung cấp dịch vụ cho phép trả góp khi đi du lịch… “NextTech đã không chỉ làm sàn kinh doanh mà còn tìm cách đa dạng hóa giải pháp cho thương mại điện tử. Đây là cách công ty tìm hướng đi riêng để tồn tại và phát triển,” ông Bình nói.

Trong một năm qua, Garena đã đầu tư một khoản tiền khá lớn (không được tiết lộ) vào Shopee.vn. Theo ông Pine Kyaw, Giám đốc Shopee Việt Nam, so với các quốc gia khác, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam còn nhiều tiềm năng, bởi doanh thu mới chiếm 3% trong tổng doanh thu của thị trường bán lẻ. Trong khi đó con số này của Trung Quốc là 15% và con số trung bình của các quốc gia trên thế giới là 7%.

Pine Kyaw

Ông Pine Kyaw, Giám đốc Shopee Việt Nam.

Mục tiêu trước mắt của Shopee là góp phần thúc đẩy thị trường chung phát triển mạnh lên chứ chưa chú trọng nhiều vào việc cạnh tranh giành giật thị phần và doanh thu.

Ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DKT – nhà cung cấp giải pháp cho hơn 40.000 doanh nghiệp khai thác cơ hội kinh doanh từ thương mại điện tử – cho rằng ba yếu tố quan trọng khi khởi nghiệp trong lĩnh vực này là xuất phát nhanh, cải tiến liên tục và triệt để. Vốn đầu tư là yếu tố quan trọng nhất, nhưng không phải là duy nhất quyết định sự thành công với thương mại điện tử. “Để khởi nghiệp trong lĩnh vực này, đầu tiên nhà khởi nghiệp phải xác định được đối tượng khách hàng, tính ưu việt trong sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, cần phải lựa chọn các kênh bán hàng và có sự đầu tư phù hợp theo từng thời điểm, từng chiến lược và có sự cập nhật liên tục. Việc nâng cấp sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp có thể trụ vững trong môi trường này”, ông Tuyến nói.

Bên cạnh đó, yếu tố mang tính quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp là sự trải nghiệm về sản phẩm, quy trình mua hàng và chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng cần được tối ưu hóa thống nhất từ kênh trực tiếp đến kênh trực tuyến (xu hướng O2O – online to offline). Đó sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp thành công trong sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh trực tuyến hiện nay.

Techcombank chính thức thông qua thương vụ bán Techcom Finance

HĐQT ngân hàng đã phê duyệt Hợp đồng và các tài liệu liên quan về việc mua/bán chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH MTV Tài Chính Kỹ Thương. Tuy nhiên giá trị chưa được tiết lộ.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa thông báo thông tin Hội đồng quản trị ngân hàng đã phê duyệt Hợp đồng và các tài liệu liên quan về việc mua/bán chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH MTV Tài Chính Kỹ Thương (Techcom Finance – TCF) theo Nghị quyết của HĐQT ngày 28/9/2017.

Trước đó, hãng tin của Hàn Quốc đưa tin, Lotte Card Co., một thành viên của Lotte Group dự kiến mua lại 100% vốn của công ty Techcom Finance, tổ chức tài chính đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép phát hành thẻ tín dụng (giấy phép phát hành thẻ tín dụng), từ Techcombank.

Trong khi đó, tờ The Investor cho hay, Lotte Group sẽ mua lại toàn bộ cổ phần công ty con của Techcombank với giá thỏa thuận ước tính hàng chục tỷ won (hàng chục triệu USD).

Techcombank đã mua lại Công ty Tài chính cổ phần Hóa Chất Việt Nam (VCFC) và đổi tên thành Techcom Finance vào tháng 6/2015. Năm 2014, trước khi trở thành công ty con của Techcombank, lợi nhuận trước thuế của VCFC đạt gần 13 tỷ đồng, chỉ bằng 1/8 lợi nhuận trước thuế của năm 2013, nguyên nhân là công ty phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 100 tỷ đồng, so với mức 470 triệu của năm 2013.

Năm 2016, Techcom Finance ghi nhận tổng doanh thu thuần 33 tỷ đồng, chi phí hoạt động 6 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 28 tỷ đồng tiếp tục giữ ở mức ổn định.

Các hãng smartphone Trung Quốc đang “qua mặt” Apple như thế nào?

Các dòng điện thoại giá rẻ Trung Quốc đang có nhiều cơ hội “cất cánh” tại Đông Nam Á, vì giá của iPhone X vượt xa tầm với của nhiều người.

Với giá 999 USD, iPhone X vượt xa tầm tay của hầu hết người tiêu dùng ở châu Á.

Một buổi sáng cuối tuần tại trung tâm mua sắm MBK Center ở Bangkok, hàng loạt tín đồ công nghệ trẻ tuổi đã đến đây để đi mua sắm. Chỉ vài ngày trước đó, Apple đã công bố dòng điện thoại mới nhất của mình là iPhone X tại đây. Dù đã tạo được tiếng vang trên toàn thế giới, nhưng với giá khởi điểm là 999 USD thì chắc chắn dòng điện thoại cao cấp sẽ gặp khó khăn trong việc tìm khách hàng ở Châu Á.

Trong khi các dòng điện thoại iPhone và Samsung Galaxy dẫn đầu thị trường smartphone toàn cầu tính theo doanh số, thị trường smartphone tại Đông Nam Á lại hoàn toàn khác hẳn. Tại khu vực 600 triệu dân này, các thương hiệu Trung Quốc đang ngày càng lấn sân mạnh mẽ – cứ 5 chiếc smartphone được bán ra tại Đông Nam Á thì lại có 1 chiếc là của các thương hiệu Trung Quốc.

Trong MBK Center, các cửa hàng điện thoại nằm kề nhau san sát, và luôn nghĩ ra đủ cách để lôi kéo khách hàng trẻ đến với những sản phẩm mới nhất. Một chủ cửa hàng tại đây là Suwimol Khongsiriphaiboon đã bắt đầu bán smartphone mang nhãn hiệu Oppo và Vivo từ cách đây 3 năm, sau khi làm quen với các thương hiệu này ở Trung Quốc.

Các nhân viên bán hàng quảng cáo smartphone Vivo và Asus tại một trung tâm mua sắm ở Jakarta vào ngày 13/9. Ảnh: Shinya Sawai.

Cả hai thương hiệu này được sản xuất bởi tập đoàn BBK Electronics ở Quảng Đông, và cho đến gần đây thì cả hai đều không tên tuổi gì ở Thái Lan. Nhưng ngày nay, bà Suwimol nói rằng Vivo và Oppo nằm trong số những sản phẩm bán chạy nhất tại cử hàng của bà. Các thương hiệu Trung Quốc, bao gồm Oppo, Vivo và Huawei, chiếm khoảng một nửa trong tổng số 70 điện thoại mà cửa hàng của Suwimol bán ra mỗi tháng. Việc người Thái Lan chuyển sang mua smartphone Trung Quốc đã nhanh hơn nhiều so với dự kiến của Suwimol. “Oppo và Vivo hiện nay là những thương hiệu rất phổ biến, nhờ những mẫu quảng cáo hiệu quả có sự góp mặt của các diễn viên nổi tiếng Thái Lan”, bà nói.

Những dòng sản phẩm cao cấp nhất của các thương hiệu Trung Quốc có giá khoảng 500 USD, được trang bị camera 20 megapixel và màn hình độ phân giải cao. Tại cửa hàng của Suwimol, mẫu điện thoại V5Plus của Vivo có giá 12.000 baht (362 USD), chỉ bằng một nửa giá của Galaxy S7.

Sự tăng trưởng của các thương hiệu Trung Quốc

Sự trỗi dậy của smartphone Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Thái Lan. Tại Việt Nam, thị phần của Oppo đã vượt ngưỡng 20%, đứng thứ hai chỉ sau Samsung. Người tiêu dùng ở các thị trường mới nổi, vốn có ngân sách hạn hẹp, ngày càng thấy các thương hiệu Trung Quốc là một sự lựa chọn hấp dẫn.

Ngọc Lan, sinh viên năm cuối tại một trường đại học ở TPHCM, đang tìm kiếm một chiếc điện thoại thông minh phù hợp với ngân sách 3 triệu đồng. “Các dòng smartphone giá cả phải chăng, chẳng hạn như Oppo, có nhiều điểm tương tự các điện thoại iPhone và Samsung về mặt hình dáng, kích thước, phong cách và màu sắc”, Ngọc Anh nhận xét.

Tại Việt Nam, thị phần của Oppo đã vượt ngưỡng 20%, đứng thứ hai chỉ sau Samsung. Ảnh: YouTube.

Sự trỗi dậy nhanh chóng của các thương hiệu Trung Quốc đã làm thay đổi hoàn toàn thị trường smartphone Đông Nam Á. Theo công ty nghiên cứu IDC, tổng số smartphone bán ra tại 6 nước đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á đã đạt 101,3 triệu chiếc trong năm 2016, tăng 4,3% so với năm trước. Samsung, nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, cũng đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á với 23% thị phần. Nhưng ở vị trí thứ hai và thứ tư lại là 2 công ty Trung Quốc: Oppo và Huawei. Tổng thị phần của Oppo, Huawei và Vivo đã lên tới 21%.

Thị trường đã thay đổi mạnh chỉ trong vài năm. Năm 2012, Samsung là hãng có thị phần lớn nhất Đông Nam Á với 37% thị phần, cao hơn gấp đôi so với thương hiệu đứng thứ 2 là BlackBerry. Apple đứng hạng 3 với 11% thị phần. Tới năm 2016, theo dữ liệu của nhà phân tích Jensen Ooi của IDC Châu Á Thái Bình Dương, Apple đã tụt xuống vị trí thứ 6 với thị phần 4,5%.

“Những thương hiệu Trung Quốc không còn thua kém Samsung hay Apple nữa, họ đã thành công trong việc tạo dựng tên tuổi trên thị trường”, Ooi nói. Ông cũng lưu ý rằng hầu hết các smartphone bán chạy ở khu vực Đông Nam Á đều có giá 200-400 USD. Thương hiệu Xiaomi của Trung Quốc gần đây đã cho ra mắt một chiếc smartphone cực mỏng là Mi Mix 2, có màn hình kéo ra đến sát rìa và camera có độ phân giải cao. Giá của mẫu smartphone mới này là 3.299 NDT (504 USD), bằng một nửa so với iPhone X.

Những bước tiến này cho thấy lợi thế cạnh tranh của thương hiệu Trung Quốc trong thị trường smartphone, vốn đang bắt đầu có xu hướng hàng hoá hoá (commoditization): không còn nhiều khác biệt về chức năng, chất lượng và các yếu tố khác giữa các thương hiệu cạnh tranh.

Vẫn còn nhiều tiềm năng

Các công ty smartphone Trung Quốc đã khôn khéo phát triển các chiến lược tiếp thị phù hợp với người tiêu dùng Đông Nam Á. Mark Xing, giám đốc điều hành của Oppo Thái Lan, cho biết chiến lược quảng cáo của công ty tập trung vào chất lượng chụp ảnh, và chủ yếu hướng đến những người tiêu dùng nữ trong độ tuổi từ 15 đến 30. “Mong muốn của họ là được nhìn đẹp và quyến rũ hơn trong ảnh”, Xing nói.

Các chiến dịch marketing khôn khéo đã giúp Oppo nâng cao hình ảnh của mình ở Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác. Ảnh: Hiroshi Kotani

Chiến lược của Xing đã mang lại kết quả: nữ giới chiếm 60% người dùng Oppo ở Thái Lan, và Oppo Thái Lan cho biết họ ngày càng thấy nhiều cửa hàng điện thoại thông minh địa phương đến tiếp cận công ty. Hai năm trước đây, có chưa tới 2.000 cửa hàng tại Thái Lan có bán điện thoại Oppo, giờ đây con số này đã vượt quá 10.000.

Các công ty smartphone Trung Quốc cũng có nhiều chiến thuật bán lẻ khá mạnh tay. Tại cửa hàng của Suwimol tại Bangkok, khách hàng mua Vivo V5Plus sẽ được tặng tai nghe không dây, bộ sạc xe hơi, vỏ bảo vệ và tấm bảo vệ màn hình.

Sự cạnh tranh giữa các công ty Trung Quốc cũng đang tăng lên. Xiaomi, hiện đang bán trực tiếp qua kênh online tại Malaysia, bắt đầu đưa sản phẩm của họ ra các cửa hàng bán lẻ vào tháng 5 vừa qua để cạnh tranh với Oppo và Vivo. Xiaomi đã mở cửa hàng kinh doanh bán lẻ đầu tiên tại Penang, và đang có kế hoạch mở cửa hàng tại Kuala Lumpur vào cuối năm nay, nhằm cho phép những người trung thành với thương hiệu này (còn gọi là “Mi fan”) dùng thử các thiết bị gia dụng thông mnih.

Tại thị trường lớn nhất Đông Nam Á la Indonesia, do các thay đổi luật lệ gần đây, những sản phẩm smartphone được bán tại đây phải đáp ứng yêu cầu có 30% linh kiện nội địa. Nhiều hãng smartphone nước ngoài đã giải quyết vấn đề này bằng cách ủy thác sản xuất cho các công ty địa phương.

Apple đôi lúc đã bị buộc phải trì hoãn việc mở bán các mẫu iPhone mới ở Indonesia do không đáp ứng được yêu cầu này. Dòng iPhone 6s, được bán ra từ tháng 9/2015 ở Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác, đã không được tung ra ở Indonesia cho đến tận năm nay. Để tránh gặp lại rắc rối này, Apple có kế hoạch mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển phần mềm ở Indonesia, có thể là vào tháng 10.

Theo công ty nghiên cứu thị trường GfK, tổng doanh số smartphone tại 7 nền kinh tế mới nổi của châu Á (trong đó có Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Ấn Độ) sẽ đạt 234 triệu chiếc vào năm 2017, tăng 11% so với năm ngoái. Sự trỗi dậy của các thương hiệu Trung Quốc cho thấy họ sẵn sàng và có thể đáp ứng nhu cầu này.

Có nhiều khả năng dòng sản phẩm iPhone mới nhất sẽ khó mà thu hút được người tiêu dùng Indonesia và các nước Đông Nam Á khác, khi mà các thương hiệu Trung Quốc đã bám rễ mạnh mẽ tại đây. Các sản phẩm iPhone mới cho thấy rõ ràng rằng Apple quyết tâm tiếp tục muốn giữ vị trí dẫn đầu về mặt công nghệ, nhưng cái giá cao đi kèm sẽ khiến Apple khó mà lấy lại thị phần ở Đông Nam Á.

Trở lại MBK Center, một nhóm thanh niên trẻ tuổi đang đi chơi vào hôm thứ Bảy cho biết tất cả bọn họ đều đang dùng iPhone 6, được ra mắt cách đây 3 năm. Lúc đó do còn là sinh viên, họ đã phải xin tiền bố mẹ để mua. Bây giờ những người này đã đi làm, và họ sẽ phải tự bỏ tiền ra mua điện thoại riêng của mình. Khi được hỏi liệu họ có mua iPhone X khi nó xuất hiện tại thị trường Thái Lan trong những tháng tới, tất cả những người này cho biết iPhone X là quá đắt so với ngân sách của họ.

Lê Trang / Nikkei