Monthly Archives: January 2018

Startup: Ít tiền, nhiều thách thức, làm sao phát triển bền vững?

Là một startup, vấn đề cần giải quyết xem chừng như vô hạn nhưng nguồn lực thì giới hạn. Mai Trường Giang – TGĐ Công ty CP Khuông Việt đã chia sẻ những bài học rút ra từ hành trình khởi nghiệp của mình.

Startup: Ít tiền, nhiều thách thức, làm sao phát triển bền vững?

Là một startup, vấn đề cần giải quyết xem chừng như vô hạn nhưng nguồn lực thì giới hạn.

Những câu hỏi muôn thuở kiểu như: startup – không tiền, có nên nghiên cứu thị trường? Làm sao tránh bẫy khi phát triển nóng? Làm sao xây dựng tinh thần sáng tạo trong doanh nghiệp?… luôn xuất hiện trong đầu những nhà sáng lập. Giải quyết sao đây?

Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ những bài học rút ra từ hành trình chông gai nhưng có phần may mắn của bản thân.

Nghiên cứu thị trường là việc bắt buộc

Khi mới đưa bánh su Chewy Junior về Việt Nam, trong 6 tháng đầu, lượng bánh chúng tôi bán được rất khiêm tốn mặc dù ai thử qua cũng khen ngon. Thu không đủ chi, nguồn vốn tích lũy và vay mượn lần lượt vơi dần rồi cạn hẳn. Tôi thật sự lo lắng, và rơi vào khủng hoảng.

Câu hỏi đặt ra là: Vấn đề nằm ở đâu?

Tôi bắt đầu thực hiện khảo sát khách hàng, và phát hiện ra kích thước bánh quá to so với hành vi tiêu dùng của người Việt. Người Singapore có thể ăn nguyên một cái bánh to, do vậy ai mua phần người ấy. Người Việt thì khác, chúng ta chuộng văn hóa chia sẻ, và với những món bánh ngọt tráng miệng như bánh su, người dùng sẽ thích hơn nếu họ có thể mua một set bánh dùng chung cùng đồng nghiệp, bạn bè, người thân.

Từ khảo sát đó, tôi tiến hành giảm kích thước bánh xuống còn 1/3 so với ban đầu – không cần phải cắn nhiều lần khi ăn. Nhờ sự thay đổi này, mọi thứ chuyển biến tích cực. Dòng tiền từ âm sang dương và Chewy Junior đã có mặt từ Nam ra Bắc.

Bạn thấy đấy, vì “cắm đầu” làm, không khảo sát thị trường mà tôi suýt phải đóng cửa startup đầu tiên của mình. Bài học này, tôi rất thấm và đang áp dụng cho chuỗi thực phẩm mới của mình.

Kể lại câu chuyện cũ, tôi muốn nhấn mạnh rằng, dù doanh nghiệp bạn chỉ là một startup mới chập chững bước vào thị trường thì khảo sát thị trường vẫn là điều bắt buộc phải làm. Nếu không, bạn sẽ bước đi vô định. Hên thì thành công, xui thì thất bại, mà dù thất bại hay thành công, bạn vẫn không nhận ra được lý do dẫn đến kết quả ấy chính là sự thiếu hiểu biết về thị trường.

Lúc này đây, hẳn bạn sẽ băn khoăn, không có tiền, làm sao mua được dữ liệu thị trường? Nhưng dù có tiền đi nữa thì câu hỏi tiếp theo sẽ là mua dữ liệu ở đâu? Đừng quá lo lắng! Bạn không cần phải có tiền để làm khảo sát. Bạn, ở vai trò người sáng lập, hãy đích thân đi khảo sát để thật sự hiểu khách hàng đánh giá về sản phẩm của mình như thế nào.

7 năm trước, khi tôi mới bước chân vào kinh doanh, khảo sát trực tuyến chưa phổ biến. Tuy nhiên ngày nay, nhờ các công cụ này, việc khảo sát thuận tiện hơn rất nhiều. Tuy vậy, lời chia sẻ của tôi cho nhà sáng lập là vẫn nên dành thời gian để có khảo sát cho riêng mình.

Bạn có thể có lý do: “Tôi bận quá, không có thời gian đi khảo sát”. Vậy hãy cứ làm và trông chờ vào may mắn. Làm đúng ngay từ đầu, dù chậm, vẫn tốt hơn là làm nhanh và quay lại điểm bắt đầu để điều chỉnh.

Cái bẫy khi phát triển nóng

Khi sản phẩm của bạn đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng, doanh thu sẽ tăng lên vùn vụt. Từ trạng thái ngấp nghé bờ vực phá sản, rồi sống lại và phát triển mạnh mẽ, chúng ta dễ chủ quan. Trong giai đoạn này, có 2 sai lầm startup dễ mắc phải, đó là bài toán quản trị nhân sự và quản trị dòng tiền.

Hãy hiểu thế này: Lúc mới bắt đầu, bạn chỉ có một cửa hàng, quản lý 3 – 4 con người. Dù cửa hàng thành công thế nào thì cái bạn có mới chỉ là một chút niềm tin thương hiệu từ khách hàng, kinh nghiệm vận hành một cửa hàng, quy trình sản xuất sản phẩm. Khi công ty mở rộng, nhiều cửa hàng xuất hiện, đồng nghĩa nhân viên tăng lên. Hàng loạt bài toán đặt ra: làm sao tuyển người, tuyển người rồi đào tạo ra sao, đào tạo xong làm sao giữ chân họ? Rồi, hệ thống hậu cần tổ chức như thế nào cho tối ưu? Làm sao đảm bảo chất lượng đồng nhất giữa các cửa hàng?…

Tất cả những câu hỏi đó, khi lần đầu tiên đặt ra, bạn sẽ không dễ tìm được câu trả lời, và sai lầm là chuyện khó tránh. Một ví dụ nhỏ: Khách ăn ở cửa hàng này thấy chất lượng bánh khác với cửa hàng kia. Sự so sánh và không hài lòng xuất hiện. Đây là lúc chuỗi cửa hàng dễ rơi vào khủng hoảng nhất.

Nhân sự là cái nền của doanh nghiệp. Bạn phải có cái nền vững thì chuyện mở rộng mới đỡ rủi ro. Tương tự như một ngôi nhà, cái móng phải thật vững thì ngôi nhà mới có thể xây lên cao được. Hãy quan sát các chuỗi F&B: Khi vào Việt Nam, họ có hơn một năm để chuẩn bị từ nhà cung cấp, mặt bằng, và dĩ nhiễn, không thể không kể đến nhân sự.

Sai lầm thứ hai các nhà sáng lập thường vấp phải đó là thiếu kiến thức về tài chính. Bạn không cần phải là một chuyên gia về tài chính để khởi nghiệp, nhưng ít ra bạn phải biết đọc báo cáo tài chính, biết báo cáo lời – lỗ của từng cửa hàng theo từng ngày, và lý giải được tại sao lời lỗ.

Trong ngành ẩm thực, hiểu được cấu trúc chi phí của sản phẩm trong ngành là yếu tố tiên quyết để đảm bảo thành công. Ở đây có 2 từ khóa cần quan tâm. Thứ nhất là “cấu trúc chi phí”. Thứ hai là “trong ngành”, nghĩa là cấu trúc đó cần đặt trong bối cảnh của ngành mà bạn đang kinh doanh.

Ví dụ: chi phí để sản xuất thành phẩm (CoGS – Cost of Goods sold) của bạn là 50%, tức bạn cần 5 đồng nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm có giá bán 10 đồng; chi phí nhân sự 25%; chi phí marketing 5%. Với cửa hàng đầu tiên, nhờ tận dụng mặt bằng của gia đình, bạn có lời. Thế nhưng khi mở rộng cửa hàng thứ hai, phải trả tiền mặt bằng, tự nhiên lợi nhuận giảm sút, thậm chí thua lỗ. Bạn rơi vào cái bẫy định giá do chính mình đưa ra ban đầu. Lúc này, bạn muốn tăng giá sản phẩm. Được không? Không ai cấm bạn tăng giá, nhưng rất có thể khách hàng sẽ bỏ đi.

Do vậy, hiểu cấu trúc chi phí sẽ giúp doanh chủ quản trị tốt doanh nghiệp của mình. Nhưng chỉ hiểu như vậy chưa đủ, mà còn cần đặt cấu trúc chi phí trong mối tương quan với các doanh nghiệp cùng ngành. Nếu CoGS của bạn 50%, trong khi mức chung của ngành là 30%, bạn sẽ khó sống khi đối thủ bắt đầu cạnh tranh. Dĩ nhiên, để hiểu cấu trúc chi phí trong ngành, bạn phải là một người rất am hiểu về ngành đó hoặc có cộng sự lấp “khoảng trống” này của bạn.

Bước tiếp theo, bạn cần chuẩn hóa cấu trúc này và chia sẻ thông tin với các cấp quản lý. Để làm gì? Thứ nhất, để từ bộ máy lãnh đạo xuống từng cấp phòng ban cùng thấu hiểu những chỉ số kinh doanh mà doanh nghiệp phải đạt được nếu muốn tồn tại và phát triển. Nhờ vậy, sẽ tăng sự minh bạch, giảm rủi ro trong quản lý và truyền động lực để cả hệ thống vận hành, đưa doanh nghiệp đi lên.

Ngoài ra, việc chuẩn hóa thông tin tạo tiền đề để người lãnh đạo bàn giao công việc cho cấp quản lý làm thay mình dần dần. Điều này cũng tạo không gian cho nhân viên phát triển – một yếu tố cần thiết để giữ chân nhân tài. Và mặt khác, người lãnh đạo cũng có thêm thời gian để nghĩ những vấn đề xa hơn – đúng với vị trí CEO họ đang ngồi.

Những quy luật, công thức cơ bản người làm kinh doanh phải biết

Đừng ra kinh doanh nếu không biết các quy luật, công thức cơ bản, cho dù không phải là chuyên gia tài chính.

Những quy luật, công thức cơ bản người làm kinh doanh phải biết

Ngay cả người bán hàng rong cũng biết tính làm sao để thu phải nhiều hơn chi. Vì vậy, đừng ra kinh doanh nếu không biết các quy luật, công thức cơ bản, cho dù không phải là chuyên gia tài chính.

Quy luật cung – cầu

Cho dù làm ngành nghề gì thì muốn thành công phải có sự nhạy bén trong kinh doanh (business sense). Ngành nghề gì cũng thế, càng có nhiều cầu thì càng hấp dẫn, ai cũng muốn nhảy vào, tạo nên sự cạnh tranh khiến cung đôi khi vượt quá cầu.

Để giành giật khách hàng, số đông doanh nghiệp hay chọn chiến lược cạnh tranh về giá thay vì tạo ra sự khác biệt, vì giảm giá thì dễ làm hơn, đỡ phải đau đầu suy nghĩ cách làm sao để khác biệt. Thế nên mới có nhiều “đại dương đỏ” với lượng cá có hạn nhưng quá nhiều người câu, dẫn đến cuộc chiến phá giá gay gắt.

Không có loại sản phẩm hay dịch vụ nào dễ làm, ít tốn công sức và đem lại thành công cho tất cả mọi người! Không nắm quy luật cung – cầu thì cũng như ra trận mà không có vũ khí.

Ví dụ về việc cho thuê nhà kiểu Airbnb: Nếu trong khu vực bạn muốn đầu tư có nhiều khách tìm thuê nhà (cầu nhiều) mà chưa nhiều người cho thuê (cung ít) thì đây là cơ hội tốt cho bạn. Nhưng nếu đã có nhiều đối thủ cạnh tranh trong cùng khu vực thì bạn nên cân nhắc và tính toán xem lượng khách hàng tiềm năng có đủ nhiều cho tất cả mọi người hay không.

Tuy nhiên, nếu bạn tự tin về gu thẩm mỹ (biết cách trang trí nhà mình cho bắt mắt để hút khách) cũng như dịch vụ khách hàng siêu tốt của mình thì cơ hội vẫn dành cho bạn – khách vẫn sẽ tìm đến bạn nếu bạn đưa ra mức giá thuê hợp lý.

Công thức ROI và chi phí cơ hội

Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ và quyết định đơn giản thì chênh lệch thu – chi là đủ dùng. Tuy nhiên công thức này bị hạn chế khi đụng đến các quyết định có liên quan đến máy móc, công nghệ, những tài sản có thể khấu hao, vì chi phí ban đầu để mua những thứ này thường không rẻ và chỉ tính được hiệu quả kinh tế về lâu dài.

ROI (Return On Investment), còn gọi là tỷ suất hoàn vốn, là chỉ số mà bất cứ người kinh doanh nào cũng cần biết. Nói một cách dễ hiểu, tìm chỉ số ROI là việc trả lời câu hỏi nếu bỏ ra 1 đồng thì tôi sẽ có thêm mấy đồng nữa. Ví dụ, lãi suất tiết kiệm ngân hàng cũng là một chỉ số ROI.

ROI giúp bạn ra những quyết định về đầu tư, chi tiêu. Khi bạn muốn chi cái gì mà chưa biết cái đó sẽ mang lại cho bạn bao nhiêu thì hãy dành ít phút ngồi tính ROI trước đã. Ví dụ như đứng trước quyết định có nên đầu tư vào hệ thống camera và khóa thông minh hay không, tôi tính ROI và thấy nó giúp tôi hoàn vốn nhanh hơn so với việc thuê tiếp tân hay bảo vệ hằng tháng.

Công thức tính: ROI = lợi nhuận ròng / chi phí đầu tư (%). Trong trường hợp chi quá nhiều, thu không đủ bù chi thì lợi nhuận bị âm, lúc đó ROI cũng sẽ âm.

Ví dụ: Nếu ROI là 20% nghĩa là 100 đồng tôi bỏ ra sẽ mang lại cho tôi thêm 20 đồng, nếu ROI là -20% nghĩa là 100 đồng tôi bỏ ra đầu tư sẽ khiến tôi mất thêm 20 đồng nữa vì kinh doanh kém.

Để tính lợi nhuận ròng trong công thức ROI, cần biết doanh thu dự kiến và chi phí đầu tư là bao nhiêu.

Ví dụ trong việc cho thuê nhà qua Airbnb: Chi phí đầu tư là tổng chi phí mặt bằng (nếu là nhà thuê lại), nội thất, trang thiết bị (TV, máy lạnh, tủ lạnh…), cơ sở vật chất (dầu gội, sữa tắm, giấy vệ sinh…), điện, nước, phí vệ sinh, phí bảo vệ, phí quản lý, thuế… Nói chung có bao nhiêu chi phí phải tính hết vào và chọn mức khấu hao hợp lý. Về doanh thu dự kiến thì chỉ nên chọn tỷ lệ kín phòng (occupancy rate) khoảng 66% (2/3) là mức trung bình an toàn, vì ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ (seasonality), luôn có mùa cao điểm và thấp điểm. Như vậy, doanh thu dự kiến cả năm của bạn sẽ xấp xỉ bằng giá thuê 1 đêm x 20 ngày/tháng (66% số ngày của một tháng) x 12 tháng. Sau đó bạn chỉ cần áp dụng công thức ROI ở trên để cân nhắc về quyết định đầu tư của mình.

Tuy nhiên, doanh thu thực tế sẽ khác doanh thu dự kiến, do 2 yếu tố trong công thức: giá thuê 1 đêm và tỷ lệ kín phòng. Khi đang mùa thấp điểm hoặc mới bắt đầu kinh doanh Airbnb, bạn nên giảm giá để tăng tỷ lệ kín phòng và kiếm được càng nhiều “bình luận” (review) càng tốt. Khi đã trở thành “điểm được ưa thích” (superhost) hoặc đến mùa cao điểm, khi mà tỷ lệ kín phòng đã tương đối tốt (>80%), bạn có thể tăng giá để cải thiện doanh thu.

Nhưng giá là con dao 2 lưỡi, bạn phải luôn giữ nó ở mức ngang giá thị trường hoặc thấp hơn nếu không muốn tỷ lệ kín phòng bị suy giảm. Vì cho dù nhà bạn có tuyệt vời thế nào, số đông vẫn sẽ không chấp nhận trả cao hơn mức giá thị trường chung. Tăng giá (cao hơn thị trường) mùa cao điểm hoặc giữ nguyên mức giá trong mùa thấp điểm đều đưa đến nguy cơ mất khách hàng. Ở đây, bạn cần biết và hiểu khái niệm chi phí cơ hội, đó là giá trị kinh tế mà bạn bị mất khi không giảm giá kịp thời, vì khách không thuê phòng thì bạn vẫn phải trả tiền mặt bằng (nếu là nhà thuê lại) và những chi phí cố định khác.

Bên cạnh ROI, chi phí cơ hội cũng là một khái niệm hữu ích được sử dụng trong lý thuyết lựa chọn. Chi phí cơ hội của một lựa chọn thay thế được định nghĩa như chi phí do đã không lựa chọn cái thay thế “tốt nhất kế tiếp”.

Với vai trò là “superhost” trong cho thuê nhà qua Airbnb, người viết chia sẻ ví dụ minh họa cho các định nghĩa và công thức trên như sau:

Bạn thuê một căn nhà có 10 phòng, giá thuê nguyên căn là 60 triệu đồng/tháng (chi phí cố định). Các loại chi phí khác (chi phí biến đổi) vào khoảng 10 triệu đồng/tháng nếu khai thác hết công suất. Khi áp dụng tỷ lệ kín phòng an toàn 66% thì tổng chi phí = 60 + (10 x 66%) = 67 triệu đồng/tháng, tương đương 804 triệu đồng/năm.

Giá thuê trung bình trên Airbnb cho loại phòng này là 500 ngàn đồng/đêm.

Doanh thu dự kiến = 500.000 x 30 ngày x 10 phòng x 66% = 100 triệu đồng/tháng, tương đương 1.200 triệu đồng/năm.
Lợi nhuận ròng = 1.200 – 804 = 396 triệu đồng/năm.
ROI = 396 / 804 = 49%

Nghĩa là, cứ mỗi 1 đồng đầu tư, bạn có thêm 0,49 đồng.

Đến mùa thấp điểm, tỷ lệ kín phòng giảm còn 30%, dẫn đến doanh thu tháng đó còn 500.000 x 30 ngày x 10 phòng x 30% = 45 triệu, trong khi bạn vẫn phải trả 60 + (10 x 30%) = 63 triệu đồng chi phí hằng tháng.

Nếu không muốn lỗ (63 – 45) = 18 triệu đồng trong tháng đó, bạn có thể:

1/ Điều chỉnh giá thuê xuống còn 300.000 (tương đương -40%) nhưng tỷ lệ kín phòng lên 90% (tuy là mùa thấp điểm nhưng các khách hàng sẽ chọn bạn nếu giá của bạn tốt nhất). Doanh thu sẽ là 300.000 x 30 ngày x 10 phòng x 90% = 81 triệu, tuy ít hơn doanh thu tháng dự kiến (100 triệu) nhưng vẫn mang lại lợi nhuận là 81 – (60 + 10 x 90%) = 12 triệu đồng.

2/ Điều chỉnh giá thuê xuống còn 400.000 (tương đương -20%) nhưng tỷ lệ kín phòng lên 60%. Doanh thu sẽ là 400.000 x 30 ngày x 10 phòng x 60% = 72 triệu, tuy ít hơn doanh thu tháng dự kiến (100 triệu) nhưng vẫn mang lại lợi nhuận là 72 – (60 + 10 x 60%) = 6 triệu đồng.

Chênh lệch kinh tế giữa việc không giảm giá với việc giảm giá 40% (chi phí cơ hội) = 18 triệu (lỗ nếu không giảm giá) + 12 triệu (lãi dự kiến nếu giảm giá 40%) = 30 triệu đồng.

Chênh lệch kinh tế giữa việc không giảm giá với việc giảm giá 20% (chi phí cơ hội) = 18 triệu (lỗ nếu không giảm giá) + 6 triệu (lãi dự kiến nếu giảm giá 20%) = 24 triệu đồng.

Rõ ràng là nếu bạn không giảm giá khi tỷ lệ kín phòng quá thấp (<50%), bạn sẽ phải trả những chi phí cơ hội cao hơn nhiều so với khoản lỗ mà bạn nhìn thấy được.

Hơn nữa, với cùng một mức doanh thu, chủ nhà cho thuê với giá thấp nhưng có tỷ lệ kín phòng cao sẽ có nhiều review hơn người cho thuê với giá cao nhưng tỷ lệ kín phòng thấp, vì số review luôn tỷ lệ thuận với tỷ lệ kín phòng. Và bạn thừa biết là trên Airbnb, càng nhiều review sẽ càng có nhiều khách đến với bạn hơn.

Khởi nghiệp kinh doanh ẩm thực: Đi tìm công thức thành công

Những trải nghiệm của CEO Pizza Home về công thức thành công khi kinh doanh

Khởi nghiệp kinh doanh ẩm thực: Đi tìm công thức thành công

Tôi không tự coi mình là một chuyên gia trong lĩnh vực chuỗi nhà hàng hay đồ ăn nhanh, nhưng tôi cũng đã có một số trải nghiệm cá nhân và tìm hiểu sâu trong lĩnh vực này. Đây là một vài chia sẻ theo quan điểm cá nhân.

1.”Bếp ăn của thế giới” cần thương hiệu mạnh

Vừa rồi khi hàng loạt thương hiệu chuỗi lớn sa lầy như Burger King, The KAfe v.v… thì hàng loạt bài báo đã cảnh báo việc về độ nóng của chuỗi và đưa ra nhiều “khuyến nghị”.

Thực ra, kinh doanh chuỗi nhà hàng fastfood nói riêng và kinh doanh chuỗi nói chung không sa lầy hay hết thời. Thực ra, kinh doanh chuỗi là xu hướng của thế giới và ở nước ta, nó mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu

Cha đẻ của Marketing hiện đại, GS Phillip Kotler, khi đến Việt Nam đã đưa ra một gợi ý cho slogan của Du lịch Việt Nam: “Việt Nam – Bếp ăn của thế giới”. Đây là một ý tưởng xuất sắc.

Tuy nhiên, ngoài việc tự hào về sự phong phú của ẩm thực Việt, hay tự hào đồ ăn Việt là lành, là ngon, là v.v… thì hãy thực tế, chúng ta cần phải những thương hiệu ẩm thực mạnh nếu thực sự muốn Việt Nam thành “bếp ăn của thế giới”.

2. Cách tạo thương hiệu trong lĩnh vực F&B?

Cách thức để tạo thành thương hiệu ẩm thực mạnh? Câu trả lời là: Xây dựng chuỗi là con đường hiệu quả bậc nhất để có được những thương hiệu ẩm thực mạnh.

Một vài thương hiệu ẩm thực mua nhượng quyền từ những thương hiệu lớn quốc tế đang gặp khó, nhưng theo tôi, nguyên nhân đến từ việc khác chứ không phải đến từ mô hình vận hành theo chuỗi.

Bởi ngoài sự khó khăn của Burger King, chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều thương hiệu Việt đã và đang phát triển chuỗi thành công trong thời gian gần đây. Chúng ta có thể kể ra hàng loạt cái tên đình đám như chuỗi thương hiệu nhà hàng của Golden Gate, Red Sun, Highland Coffee, Cộng, Urban Station, The Coffee House. Đó là chưa kể đến những thương hiệu khác như Bánh mỳ Minh Nhật, The Kafe, Phở Ông Hùng, Món Huế v.v…

3. Chuỗi F&B là Đại sứ Văn hóa

Vậy nguyên nhân không đến từ mô hình vận hành theo chuỗi. Trên thực tế, mô hình vận hành theo chuỗi là xu hướng từ lâu của thế giới mà chúng ta tất yếu sẽ phát triển theo xu hướng đó.

Xây dựng chuỗi là con đường hiệu quả bậc nhất để có được những thương hiệu ẩm thực mạnh.

Những thương hiệu ẩm thực quốc tế mạnh nhất đều ở dạng chuỗi. Và những thương hiệu ẩm thực đó đôi khi trở thành một đại sứ giới thiệu văn hóa quốc gia một cách cực kỳ hiệu quả đến những quốc gia khác.

Chúng ta thấy được tinh thần Mỹ trong các quán McDonald’s hay Burger King. Chúng ta cảm được văn hóa Hàn Quốc khi bước vào Lotteria hay BBQ Chicken. Chúng ta nhớ về Thái Lan khi ăn đồ ăn ở Thai Express v.v…

4. Phát triển chuỗi bằng nhượng quyền

Làn sóng nhượng quyền những thương hiệu ẩm thực quốc tế phát triển khá rầm rộ trong vòng 10 năm trở lại đây. Đó là một mô hình tạo nên sức mạnh của ngành công nghiệp fast food trong suốt thế kỷ 20. Bản chất công cụ nhượng quyền giúp giảm tải độ rủi ro hơn rất nhiều so với việc một công ty tự đứng ra xây dựng quy trình và phát triển chuỗi với một thương hiệu hoàn toàn mới.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi thì việc mua nhượng quyền cũng có những rủi ro đi kèm.

Đó là:

– Mức giá để mua nhượng quyền tại 1 quốc gia chắc chắn là không rẻ;

– Áp lực phải mở rộng đủ điểm bán theo đúng hợp đồng nhượng quyền (thường thì bên mua nhượng quyền sẽ phải cam kết mở được bao nhiêu điểm trong thời gian bao nhiêu tháng)

5. Rủi ro khi kinh doanh F&B

Ngoài ra, còn những rủi ro khác của ngành F&B phải đối mặt như:

– Mức giá thuê nhà ở những vị trí đắc địa tại TP.HCM và Hà Nội là khá cao.

– Thời gian thuê nhà không dài.

– Nhân sự ít khi coi phục vụ trong nhà hàng là 1 nghề nghiêm túc.

– Chi phí vận chuyển một số nguyên liệu thực phẩm từ công ty mẹ sang Việt Nam rất cao dẫn đến mức giá của một số chuỗi “fast food” quốc tế tại Việt Nam quá cao so với nhu cầu của người tiêu dùng.

Đây là những điểm mà bất cứ thương hiệu “fast food” khi mua nhượng quyền quốc tế đều phải đối mặt khi kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, còn có một nguyên nhân khác nữa, rất hiển nhiên nhưng nhiều người không chú ý, xin viết kỹ ở phần dưới.

6. Sản phẩm chất lượng là không đủ…

Làm sản phẩm ngon hơn chưa chắc đã kinh doanh tốt hơn. Rất nhiều người khởi nghiệp trong lĩnh vực ăn uống bởi khi bước vào một nhà hàng nào đó, chứng kiến nhà hàng đông nghịt khách và sau khi thử món ăn thì thấy món ăn của nhà hàng đó sao cũng tầm thường, mình làm còn ngon hơn.

Và thế là bạn về nhà, nung nấu ý tưởng và một quán ăn ra đời. Sau đó, rất nhiều trường hợp phải âm thầm đóng cửa với lời trách móc, tại sao mình làm ngon hơn “nó”, sạch hơn “nó” mà “nó” đông khách thế trong khi mình chẳng có khách?

Nếu một ngày nào đó, bạn tìm ra được một công thức làm bán burger ngon hơn BigMac của McDonald’s thì cũng đừng vội nghĩ là bạn đã nắm trong tay vũ khí để có thể tạo dựng được một thương hiệu như McDonald’s.

Làm sản phẩm ngon hơn chưa chắc đã kinh doanh tốt hơn. Không khó để bạn có thể làm cánh gà ngon hơn KFC nhưng sẽ là cực kỳ khó để bạn có thể xây dựng được một thương hiệu tầm vóc quốc tế như KFC, như McDonald’s hay Burger King.

7. Quy trình tổng thể tạo thành sức mạnh

Việc mua nhượng quyền và đưa sản phẩm mới vào một thị trường mới như Việt Nam không dễ thành công. Tuy nhiên, nhượng quyền kinh doanh là một trong những cách thức tốt và phù hợp với nhiều người muốn kinh doanh.

Nói đơn giản, nhiều người thích kinh doanh nhưng không có kinh nghiệm về quản lý hệ thống, không có kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu, không có kinh nghiệm về chế tạo sản phẩm. Việc mua nhượng quyền từ một thương hiệu tốt với hệ thống quản trị và hỗ trợ đào tạo tốt sẽ giúp người mua nhượng quyền có nhiều khả năng kinh doanh thành công.

Dĩ nhiên, việc nhận nhượng quyền không phải lúc nào cũng mang tới trái ngọt. Nhưng tôi nghĩ rằng việc một số thương hiệu mua nhượng quyền từ những thương hiệu quốc tế đang có những khó khăn tại thị trường Việt chủ yếu nằm ở sản phẩm.

8. Tại sao các ông lớn quốc tế gục ngã?

Vậy tại sao với thương hiệu mạnh, nguồn lực hùng hậu và tài chính vững vàng mà Burger King giờ có dấu hiệu chậm lại, còn McDonald’s dường như không thể đạt được tốc độ như đã tuyên bố khi mở cửa hàng đầu tiền tại Việt Nam?

Chuyên gia phân tích là bởi: “chuỗi mở rộng quá mức”, “phí thuê nhà cao”, “quy trình không linh hoạt”.

Nguyên nhân từ giá nhà cao ư? Vậy tại sao Lotteria cũng thuê những địa điểm giá cũng đắt ngang ngửa với Burger King mà Lotteria vẫn làm ăn tốt?

Nguyên nhân từ “mở rộng quy mô quá mức” ư? Hãy xem thử Buger King có tổng cộng bao nhiêu điểm bán? Những thương hiệu có nhiều cửa hàng nhất là KFC, Pizza Hut hay Highland vẫn hoạt động ngon lành, đâu có vấn đề gì về “mở rộng quy mô”?

Hay nguyên nhân từ “quy trình thiếu linh hoạt”? Thực tế trong kinh doanh chuỗi, quy trình “chặt chẽ” là yếu tố sống còn chứ không phải là “linh hoạt”. Burger King là thương hiệu hoạt động đa quốc gia với hàng nghìn điểm bán, quy trình của Burger King là niềm mơ ước của rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh chuỗi, đó là điểm mạnh nhất chứ không phải điểm yếu.

9. Chuyện của tôi: Bắt trend burger

Năm 2013, khi tín hiệu ông lớn McDonald’s sẽ gia nhập thị trường Việt Nam ngày một rõ ràng, đó cũng là lúc tôi mở ra một thương hiệu Maxi Burger, kinh doanh bánh burger với suy nghĩ rằng khi McDonald’s vào đến thị trường Việt thì ông lớn này sẽ “đào tạo thị trường” và sẽ có một lượng lớn người dân sẽ khoái khẩu với món bánh burger.

Sản phẩm phù hợp thị hiếu thói quen ẩm thực của người dân vẫn là yếu tố lõi, quan trọng bậc nhất tạo nên sự thành công của một thương hiệu phát triển theo chuỗi.

Thương hiệu của tôi tập trung làm bánh cỡ to nhất (to gấp rưỡi bánh cỡ to nhất trên menu của Burger King) với mức giá chỉ bằng loại bánh cỡ lớn của Burger King. Cửa hàng của tôi nhỏ xíu nằm trong trung tâm thương mại (TTTM) Royal City, ngay sát cửa hàng to đùng của Carl Jr’s, 1 trong 5 thương hiệu bán bánh burger lớn nhất nước Mỹ.

Sau vài tháng, Carl Jr’s đóng cửa. Sau gần 2 năm, thương hiệu burger của tôi cũng ngừng kinh doanh trong TTTM.

Bài học tôi rút ra là kể cả thương hiệu mạnh đến mấy, chuỗi vận hành chuẩn đến mấy nhưng sản phẩm mới là yếu tố then chốt. Kể cả với sự góp mặt của ông lớn McDonald’s, bánh burger vẫn không là món ăn khoái khẩu và thường nhật của người dân Việt.

Thế nên khi sức mua không đủ lớn, thị trường quá nhỏ thì việc những thương hiệu với sản phẩm lõi là bánh burger như Burger King hay McDonald’s gặp khó là chuyện đương nhiên.

Sản phẩm phù hợp thị hiếu thói quen ẩm thực của người dân vẫn là yếu tố lõi, quan trọng bậc nhất tạo nên sự thành công của một thương hiệu phát triển theo chuỗi.

Đó là lý do những chuỗi burger chững lại nhưng những chuỗi bánh mỳ Việt đang nở rộ và tăng trưởng với tốc độ phi mã.

Chủ tịch VNG: Phải mạnh dạn bước ra thế giới

Internet đã trở thành một phần không thể tách rời của rất nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế Việt Nam. Doanh nghiệp (DN) phải chấp nhận thực tế là trên nền Internet, Việt Nam và thế giới không còn ranh giới, trở thành sân chơi chung, vậy phải hành xử thế nào trong thị trường đó?

Chủ tịch VNG: Phải mạnh dạn bước ra thế giới

Những lo lắng khi mở cửa Internet 20 năm trước đã trở thành hiện thực. Bây giờ chúng ta có rất nhiều tranh luận: quản lý DN nước ngoài thế nào, như Uber, grab chẳng hạn. Điều này rất khó, ngay cả Mỹ cũng chưa có câu trả lời là hành xử như thế nào với các DN Internet. Theo tôi, trong 10 năm tới vai trò của Internet sẽ vượt xa tầm ảnh hưởng của nội dung số (tin tức, xem phim, quảng cáo…), những trận chiến thuộc về những ngành mới, mà Uber, Grab đang là những ví dụ nóng hổi trên thị trường. Các DN nội dung số không thể nói “làm sao tui khổ quá, không được bình đẳng với DN nước ngoài”.

Bản chất sâu xa của Internet ngoài việc liên quan đến khái niệm mở cửa là thay đổi mô hình kinh doanh. Một tranh cãi nóng hổi gần đây là chuyện Google, Facebook đặt máy chủ ở Việt Nam. Theo tôi nên nhìn vấn đề sâu hơn, Việt Nam không thể nào cấm cửa các dịch vụ lớn của nước ngoài.

Sẽ luôn có sự mâu thuẫn giữa các DN Internet công nghệ và các ngành nghề kinh doanh truyền thống, mâu thuẫn đó là quá trình phát triển bình thường của kinh tế xã hội. Ngày hôm nay có thể tranh luận nhưng 10 – 20 năm nữa nó đã trở thành chuyện bình thường, cho dù hiện tại DN trong nước phải cạnh tranh vật vã.

Ngay các nước phát triển cũng chưa có giải pháp để kiểm soát quyền lực của các công ty Internet như Google, Facebook, Amazon, Alibaba… Mỹ chỉ mới điều trần quốc hội, tại châu Âu thì các tòa án kinh tế đang tìm cách kiểm soát, cân bằng từ thuế đến các quy định về kiểm soát dữ liệu, đảm bảo thông tin cá nhân, thì tôi nghĩ Việt Nam cũng đừng quá lo về các vấn đề này. Chúng ta có lợi thế là đi sau, sẽ tìm cách học hỏi thêm. Điều quan trọng là tiếp tục tháo gỡ càng nhiều rào cản cho các DN nếu muốn hội nhập, tận dụng.

Mười năm tới sự thay đổi của Internet sẽ khủng khiếp hơn nội dung số hay thông tin hiện nay, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến khoảng 40-50% GDP thay vì hiện tại mới 2-3% GDP. Thậm chí DN phải chấp nhận thực tế là sẽ có sự tham gia của rất nhiều DN nước ngoài bởi VN là một thị trường hấp dẫn. Khi nhà đầu tư vào sẽ tạo ra dịch vụ công nghệ mới thì mọi người cùng hưởng lợi.

Doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư nhiều vào những lĩnh vực mới sẽ chiếm 40 – 50% GDP trong 10 năm tới. DN trong nước chắc chắn sẽ phải cạnh tranh với các DN nước ngoài vào Việt Nam, nhưng thị trường rất rộng lớn. Với các dịch vụ nội địa thì DN trong nước vẫn có lợi thế trong việc bám sát và hiểu rõ khách hàng của mình. Mặt khác, hiện DN Internet Việt Nam ra thế giới còn chậm. Các DN thành công ở thị trường quốc tế vẫn mang tính thời điểm và may mắn chứ chưa mang tính tổng thể với chiến lược lâu dài.

Vậy khi Internet đã mở thì phải mạnh dạn bước ra thế giới. Dù khó vẫn phải mở rộng thị trường, gia tăng năng lực của chính mình.

“Please use it confidential”

Application letter with high confidentiality notice is not quite strange to headhunters.

 

The truth is that most senior level candidates always want to keep their job search confidential and maintain it until shortlisted. The unwillingness to share about their job searching is included but not limited to their personal information (even their name and their current company). This attitude tends to be common in both junior and mid-level as well.

 

Clearly, if you agree to be candidate, you put yourself at risk with your current company. Or if you pursue a career in a specialized industry/field, moving to other company in the same industry, especially competitors, shouldn’t be public during hiring process.

Therefore, should headhunting industry make a change? “Keep candidates information confidential” with client until shortlisted and client should be responsible for saving information of these candidates during hiring process.

 

I’d be very interested to your opinion.