Monthly Archives: May 2018

Thay vì nói ‘làm nhanh lên’ thì đây là cách một vị sếp nên thực hiện để nhân viên tăng tốc đến đích

Chỉ dựa vào câu nói “làm nhanh lên” với nhân viên là không thể nâng cao tốc độ công việc. Thay vào đó, hãy áp dụng 5 cách thúc đẩy nhân viên làm việc hiệu quả sau.

Thay vì nói 'làm nhanh lên' thì đây là cách một vị sếp nên thực hiện để nhân viên tăng tốc đến đích

Jack Welch, cựu chủ tịch tập đoàn General Electric từng chỉ ra rằng: “Tố chất quan trọng nhất của một nhân viên chính là tốc độ làm việc.” Dường như các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều cho rằng, trong trường hợp điều kiện như nhau thì tốc độ có thể chiến thắng đối thủ cạnh tranh của bạn.

Trên sân vận động, câu nói này rất chính xác, tốc độ hơn người có thể giúp bạn vượt qua hàng rào phòng ngự của đối phương, giành chiến thắng tuyệt đối. Nhưng tốc độ trong thể thao và trong kinh doanh không giống nhau.

Trong thể thao, bạn rất khó dạy vận động viên nâng cao tốc độ, vì tốc độ của con người là bẩm sinh và có giới hạn. Trên thương trường, tốc độ của con người lại có thể được nâng cao, bạn có thể dạy một người cách nâng cao tốc độ làm việc của họ.

Nhưng làm được điều này không phải đơn giản. Chỉ dựa vào câu nói “làm nhanh lên” với nhân viên là không thể nâng cao tốc độ công việc. Nếu bạn làm như vậy, bạn sẽ phải trả giá cho việc làm này đó chính là nhân viên của bạn bị ép buộc đến mức cạn kiệt sức lực, hoặc chất lượng công việc dần đi xuống. Đương nhiên vẫn còn có cách lựa chọn khác.

1. Đơn giản hóa thủ tục phê chuẩn văn bản, giảm các khâu trung gian

Cơ chế lãnh đạo có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm tốc độ công việc. Ví dụ, doanh nghiệp đang đẩy mạnh nghiên cứu để tạo ra sản phẩm mới, nâng cao sức cạnh tranh của công ty. Lúc này các kỹ sư đưa ra sự thay đổi cải tiến phương án hoặc dự toán phải được sự phê chuẩn của năm cấp quản lý.

Trường hợp này, cơ chế quản lý không thể đẩy nhanh được tốc độ làm việc, mà ngược lại, trở thành vật cản. Trong chế độ quản lý hiện nay, ít nhất một nửa thời gian nghiên cứu sản phẩm mới bị lãng phí bởi cơ chế quản lý như vậy. Không ít nhân tài trong doanh nghiệp phải chờ sau khi có chữ ký hoặc sự đồng ý của ai đó rồi mới có thể bắt đầu công việc, do vậy gây lãng phí thời gian vô ích.

Nhưng đẩy nhanh tốc độ công việc không có nghĩa là để lãnh đạo doanh nghiệp giao toàn quyền cho nhân viên, điều này không có giá trị đối với quản lý giám sát doanh nghiệp. Nhưng nếu một sáng kiến hay mãi không thể thành hiện thực, thì đối thủ cạnh tranh sẽ từng bước vượt trước bạn chiếm ưu thế trên thương trường.

Cơ hội bị mất, mà chế độ quản lý quan liêu của doanh nghiệp chính là thủ phạm. Nếu bạn là lãnh đạo của doanh nghiệp có thể đơn giản hóa trình tự thủ tục phê chuẩn văn bản, như vậy bạn có thể tranh thủ một vài giờ hoặc một vài tháng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp mình.

2. Quy định thời hạn cuối cùng hoàn thành công việc

Có rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đưa những việc không cần thiết vào bảng tiến độ làm việc của mình. Nếu một hạng mục công việc có thể hoàn thành trong ba tuần, thì họ sẽ đặt ra thời hạn bốn tuần vì họ cho rằng công việc thường xảy ra tình huống bất ngờ, nên cần tính đến các nhân tố có khả năng ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Nhưng đối với một tổ chức, nếu cứ máy móc sẽ không thể nâng cao tốc độ làm việc.

Thông thường nếu lãnh đạo cho rằng một hạng mục công việc cần 15 ngày mới có thể hoàn thành, thì việc định thời hạn 12 ngày là một việc làm sáng suốt, phù hợp. Không nên cho rằng nhân viên của bạn không thể hoàn thành công việc trong thời hạn đã định. Nếu bạn đặt ra thời hạn quá dài, nhân viên rất có khả năng càng dây dưa kéo dài, nếu đến thời hạn mà vẫn chưa hoàn thành công việc thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

3. Tuân thủ nghiêm ngặt thời gian biểu

Nếu bạn không thể kiên quyết áp dụng thời hạn cuối cùng lên từng người thì bất kỳ thời hạn cuối cùng nào cũng không có ý nghĩa. Nếu nhân viên cho rằng kéo dài thời gian một chút cũng không vấn đề gì thì coi như bạn rơi vào trường hợp như đã nói ở trên, thời hạn quy định không thực tế, đồng nghĩa với việc thời hạn cuối cùng không có tác dụng. Do đó, là lãnh đạo doanh nghiệp, bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt thời gian biểu, áp dụng một cách đầy đủ, trừ phi có biến cố lớn, nếu không nên kiên quyết từ chối kéo dài thời gian.

4. Bản thân lãnh đạo phải tiến hành công việc với tốc độ nhanh

Nhân viên thường căn cứ vào sự sắp xếp của cấp trên mà tiến hành sắp xếp và điều chỉnh thời gian và nhịp độ công việc của mình. Nếu bạn hi vọng nhân viên nâng cao tốc độ làm việc, vậy thì bạn cũng phải chiếu theo hoặc tăng tốc độ làm việc của mình.

Nếu bạn hi vọng xây dựng một doanh nghiệp có cách làm việc với tốc độ nhanh và linh hoạt thì bạn cũng cần phải làm việc nhanh và linh hoạt như vậy, thậm chí còn phải nhanh hơn. Nếu bản thân bạn không làm được như vậy thì không có lý do để kỳ vọng doanh nghiệp của bạn đạt tốc độ làm việc nhanh, linh hoạt được.

5. Các bộ phận phối hợp làm việc với nhau có thể nâng cao tốc độ công việc

Một nhóm 10 người làm một việc đương nhiên nhanh hơn rất nhiều so với một người. Nhưng thực tế tại sao đại đa số doanh nghiệp rất ít nhóm làm việc vì sao có rất nhiều người thích làm việc một mình?

Nguyên nhân chủ yếu là do lãnh đạo thường cho rằng không cần thiết đẩy nhanh tốc độ vì sẽ khiến cho nhịp độ công việc trong nội bộ doanh nghiệp hỗn loạn. Một nguyên nhân khác là: Họ không thích phương pháp nâng cao hiệu suất thông qua sự hợp tác làm việc của một nhóm.

Họ cho rằng mỗi người đều có đặc điểm làm việc riêng nên anh ta có thể hoàn thành công việc theo nhịp độ của mình. Khi đưa anh ta vào một nhóm, anh ta sẽ nghĩ cách giữ nhịp độ với nhóm. Trên thực tế sự lo lắng này nhiều khi không cần thiết.

Elon Musk nói phải từ bỏ thói quen này mới thành công

Thói quen này không chỉ là của riêng Elon Musk mà có lẽ nhiều người khác cũng từng mắc phải và rất khó để từ bỏ nó.

Elon Musk nói phải từ bỏ thói quen này mới thành công

Để có được sự giàu có và thành công như ngày hôm nay, Elon Musk đã phải lao động rất nghiêm túc và vất vả. Trong quãng thời gian mà nhà sáng lập Tesla nỗ lực hết sức để sản xuất đủ số lượng mẫu xe Model 3, Musk đã thức trắng nhiều đêm, thậm chí có những lúc ngủ luôn trên sàn nhà nơi làm việc.

Mặc dù là một doanh nhân có kinh nghiệm làm việc nhiều giờ liên tục và giỏi chịu áp lực công việc nhưng Musk thừa nhận rằng bản thân cũng phải nỗ lực để từ bỏ một thói quen xấu của mình. Đó là uống quá nhiều thức uống có chứa caffeine.

Musk chia sẻ: “Từng có khoảng thời gian tôi uống đến 8 lon coca không đường một ngày hoặc là một loại thức uống vớ vẩn nào đó. Tôi nghĩ bây giờ thì chỉ nên uống một đến hai cốc mỗi ngày, nghe có vẻ hợp lý hơn”.

Và, Musk cũng là một người nghiện cà phê nặng. Anh thừa nhận rằng: “Tôi từng uống quá nhiều cà phê đến nỗi thường xuyên cảm thấy bồn chồn. Uống nhiều caffeine quá cũng không tốt cho sức khỏe”.

Hiện tại, Musk cũng đã phải cắt giảm xuống một khẩu phần hợp lý hơn, chỉ uống 2 tách cà phê mỗi ngày. Nhưng tỷ phú công nghệ này không phải trường hợp duy nhất có thói quen không lành mạnh trong việc tiêu thụ caffeine.

Một khảo sát gần đây của Hiệp hội Cà phê quốc gia Hoa Kỳ cho thấy người Mỹ đang tiêu thụ cà phê ở mức cao nhất trong suốt 6 năm qua. Trong đó, có đến 64% người trưởng thành nói rằng họ đã uống một tách cà phê ngày hôm qua vào năm 2018. Số liệu này vào năm 2017 chỉ là 62%.

Trong khi đó, sự tiêu thụ soda không đường đã sụt giảm rõ rệt. Một cuộc thăm dò ý kiến ở Gallup chỉ ra rằng 24% người Mỹ uống nước ngọt không đường và 44% uống nước ngọt có đường. Tuy nhiên, đa số đều tỏ ra đang cố gắng tránh xa soda.

Mặc dù các chuyên gia y tế vẫn còn tranh cãi liệu cà phê thực sự có lợi cho sức khỏe song hầu hết đồng ý rằng uống quá nhiều caffeine sẽ gây hại cho cơ thể.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Y Boston cho rằng những người uống nước ngọt không đường mỗi ngày có nguy cơ bị đột quỵ hoặc mất trí nhớ cao gấp 3 lần trong vòng 10 năm tới.

Ngoài ra, chất làm ngọt nhân tạo mang tên aspartame trong hầu hết các loại nước uống không đường là nguyên nhân gây ra các tình trạng như đau nửa đầu, tâm trạng cáu gắt, hay lo lắng và mất ngủ.

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cũng cảnh báo về việc uống một lượng lớn caffeine. Nghiên cứu chỉ ra việc lệ thuộc vào cà phê sẽ dẫn đến một vòng lặp tai hại: mệt mỏi, uống nhiều cà phê, khó ngủ, ban ngày mệt mỏi, lại tiếp tục uống cà phê. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thậm chí uống một lượng nhỏ cà phê trong một thời gian ngắn cũng làm tăng đáng kể áp lực và lo lắng.

Tuy nhiên, những tín đồ cà phê như Elon Musk cũng không phải lăn tăn quá nhiều. Phân tích của Cơ quan Thực phẩm và An toàn châu Âu khẳng định rằng uống 4 tách cà phê thông thường mỗi ngày, tương đương với 400mg cà phê, là an toàn đối với một người lớn khỏe mạnh.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Bính và cơ nghiệp trăm tỷ từ cọng bún tươi

Với bà Nguyễn Thị Bính – Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thương mại dịch vụ Nguyễn Bính, thì điều khiến bà cảm thấy hài lòng nhất, đó là đã nối nghiệp ông cha và làm thăng hoa ngành nghề đã bao đời giúp người dân quê bà vượt qua nghèo đói: Nghề làm bún tươi.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Bính và cơ nghiệp trăm tỷ từ cọng bún tươi

Nỗ lực chuyên nghiệp hóa

Vừa rẽ vào hẻm nơi đặt xưởng sản xuất bún tươi khoảng 500 m2 của bà Bính tại quận Tân Bình, đã nghe rôm rả tiếng phân chia đơn giao hàng. Bà Bính luôn tay luôn chân, vừa nghe điện thoại vừa hướng dẫn địa chỉ giao hàng cho nhân viên.

Chứng kiến các cuộc nói chuyện của bà với nhân viên giao hàng mới thấy, ở bún Nguyễn Bính đang có những vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng cần sớm được giải quyết. Đó là làm sao đưa nghề sản xuất bún gia truyền theo lối công nghiệp.

Máy ép bún từng là thành quả đáng tự hào của bà Bính, bởi tự tay bà đã lên ý tưởng và thiết kế loại máy này. Nhưng vì bà không đăng ký bằng sáng chế, nên đến giờ, hầu như hàng trăm cơ sở sản xuất bún hiện có tại TP.HCM đều có một vài loại máy tương tự.

“Giờ tôi khôn hơn rồi, nên sẽ làm bằng sáng chế ngay từ khi bắt đầu thuê thợ hoàn thành ý tưởng”, bà Bính chia sẻ rồi khẳng định, thị trường vẫn tiếp tục phát triển rất tốt trong thời gian tới, với những thương hiệu uy tín như Nguyễn Bính.

Hiện tính cả những đơn vị sản xuất chưa đăng ký, thì có hàng trăm cơ sở sản xuất bún đang hoạt động tại TP.HCM. Mỗi ngày, trên 1.200 tấn bún được cung ứng ra thị trường, trong đó, của riêng Nguyễn Bính là 10 tấn, mang lại doanh thu không dưới 40 tỷ đồng mỗi năm.

“Đến bây giờ, khi mọi công đoạn sản xuất gần như đã tự động hết, chỉ còn việc giao hàng, mà nhiều khi đến vài ngày tôi không được ngủ. Tôi muốn sống và làm việc hết năng lực. Làm như thế nhưng vẫn không có tiền dư, bởi tôi liên tục có sáng kiến mới”, bà Bính cười.

Được đào tạo bài bản chuyên ngành cơ khí điện công nghiệp, chế tạo máy và đó là một lợi thế để bà chủ thương hiệu bún tươi Nguyễn Bính “đánh liều” dùng nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cải tiến sản xuất. Bà đã từng dành 3 ngày 2 đêm liền không ngủ, nghỉ để phác họa ý tưởng máy ép bún rồi thuê thợ chế tạo.

“Tôi không đăng ký bản quyền sáng chế nên hầu như cơ sở nào cũng có máy ép bún tương tự. Nhưng, bí quyết tạo nên sự khác biệt của Nguyến Bính chính là chất lượng sợi bún”, bà Bính tự hào và kể rằng, cùng với máy ép bún, bà đã đưa vào sử dụng nồi hơi luộc bún. Làm thế, vừa tiết kiệm trên 20% chi phí nguyên liệu, vừa đảm bảo chất lượng từng lợi bún đều, đẹp và an toàn, chất lượng hơn. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, bà thậm chí tìm cách cải tiến, nâng công suất lò hơi lên gấp 3 lần mức ban đầu, đạt 700 kg/giờ.

Ở Nguyễn Bính, mọi công đoạn, từ cho gạo vào bồn ngâm, đến khi cho ra từng bịch bún đóng gói sẵn đều được tự động hóa. Chỉ cách đây hơn 2 năm, điều này vẫn chỉ là ý tưởng.

Số lượng khách hàng thường xuyên của Nguyễn Bính hiện đã lên khoảng 1.000 người, kể cả sỉ và lẻ, từ những sạp hàng ở chợ truyền thống đến các chuỗi siêu thị, trường học quốc tế…

Khi ấy, sau khi hoàn thành bản thiết kế phác thảo cho dây chuyền đổ gạo vào bồn, vo gạo và ngâm, bà Bính vẫn không thể tìm ra thợ nhận gia công. Họ cho đó là điều… hoang tưởng. Chỉ đến khi một người thợ bảo trì thấy bà phiền muộn mới quyết thử và thành công.

Đến công đoạn cuối cùng, đóng gói bún tự động lại càng gian nan hơn. Bà Bính đã tiêu tốn 300 triệu đồng thuê công ty cơ khí hoàn thành ý tưởng nhưng không thành công. Bà phải tinh chỉnh lại thiết kế rồi thuê gia công lần hai và tiếp tục thất bại. May mắn biết đến sản phẩm tương tự của một nhóm sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM, bà Bính đã bắt tay hợp tác và điều chỉnh mẫu thiết kế, cho ra đời hai máy đóng gói tự động vào cuối năm 2016.

Dù bà Bính không tiết lộ về công suất, nhưng có tin cho rằng, nếu hoạt động liên tục, chiếc máy ấy có thể đóng gói 1,25 tấn bún mỗi giờ.

Nhưng không dừng lại ở đó, bà Bính cho biết, đang hoàn thành bản thảo thiết kế mẫu máy đa năng, tích hợp mọi công đoạn sản xuất bún mà không cần rửa lại bằng nước sạch. Song song đó, giữa năm nay, trong danh sách các loại bún của Nguyễn Bính sẽ có thêm một loại sản phẩm với giá cao hơn, khoảng 15.000 đồng/kg thay vì chỉ nằm mức trung bình 10.000 đồng/kg như hiện tại.

Ngoài ra, ước vọng kinh doanh ngoài biên giới của thương hiệu này có thể sẽ được hiện thực hóa qua một loại bột sản xuất bún để nhiều người có thể tự tay tạo nên những sợi bún dai và bóng màu trắng ngà. Bà Bính đang bắt tay vào thực hiện những kế hoạch ấy, cũng như sẽ đầu tư khoảng 50 tỷ đồng xây dựng một nhà xưởng 10.000 m2 tại huyện Củ Chi.

“Khi có đất xây, tôi sẽ tiến đến hoàn thiện quy trình theo tiêu chuẩn châu Âu, không phải châu… ta như bây giờ”, bà Bính cười lớn.

Thăng hoa nghề tổ

Bà Bính vốn là người quê gốc Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), nơi có nghề làm bún nổi tiếng. Khi chưa tròn 18 tuổi, vào năm 1987, bà một mình tới Long Thành, Đồng Nai theo học trung cấp. Để mưu sinh, bà sẵn sàng đi làm thuê, từ rửa bát, bưng bê, đến chặt mía…, cốt chỉ để có tiền đóng học và được ăn no một bữa mỗi ngày, với cơm chan nước mắm hoặc “canh đại dương”. Thậm chí, để có thể tồn tại nơi đất khách, có lúc bà học làm thợ cắt tóc, lại có khi học nghề bán thịt ở chợ. Riết rồi thấy nhọc công nhọc sức mà chẳng kiếm được bao lăm, bà quyết định quay về với nghề tổ của ông cha.

Kể lại câu chuyện về những ngày đầu nối nghề tổ làm bún kéo dài đã 3 đời, bà Bính liên tục nghẹn ngào và bảo rằng, đến lúc này, chẳng còn điều gì có thể ngăn cản sự phát triển thương hiệu bún tươi Thủ Đức – Nguyễn Bính như kỳ vọng của những thế hệ trước. Công ty của bà Bính, sau 18 năm gắn bó với tổ nghề, được định giá trên 100 tỷ đồng.

“Ông cụ (cha bà Bính) mừng lắm, khi hay tin tôi trở về nghề tổ, rồi đi chặt tre, làm phên phơi bún và gửi tàu hỏa vào Nam cho con gái. Nhưng chỉ khoảng 3 tháng sau, ông mất…”, bà Bính sụt sịt kể rồi nói rằng, những thanh nan tre ấy đáng giá lắm với bà, bởi nhờ nó, bà có thêm quyết tâm nối nghiệp và làm thăng hoa nghề tổ ở trời Nam xa xôi.

Mỗi lần nhớ đến lời căn dặn của cha, rằng “Con ạ! Nghề mình đỏ lửa là có tiền. Không bao giờ đói. Bố cũng nhờ nghề này mà nuôi được 9 đứa con”, bà lại như được an ủi, mọi đau đớn, vất vả được xoa dịu. Chuyện đôi bàn tay “sưng to như quả chuối” vì vác gạo, vo gạo, xốc gạo, ép sợi, ra sọt… đều chẳng “nghĩa lý” gì.

Khó khăn, nhưng bà nỗ lực để vượt qua. 18 năm làm nghề, dễ có đến 3 lần bà đối mặt với nguy cơ trắng tay. Lúc bị tịch thu đồ nghề, lúc lại bị chê bún xấu màu, nợ ngân hàng 300 triệu đồng… “Biến đau thương thành hành động” trở thành câu cửa miệng cũng như quan điểm sống của bà Bính. Và đời đã không phụ những người kiên trì làm bún như bà.

Tiếng lành đồn xa. Số lượng khách hàng thường xuyên của Nguyễn Bính hiện đã lên khoảng 1.000 người, kể cả sỉ và lẻ, từ những sạp hàng ở chợ truyền thống đến các chuỗi siêu thị, trường học quốc tế… Từng có một công ty Thái Lan đặt vấn đề hợp tác và định giá thương hiệu Nguyễn Bính khoảng 100 tỷ đồng. Con số ấy đến nay có lẽ đã tăng hơn ít nhiều.

“”Nhưng mọi việc phải được cân nhắc”, bà chủ thương hiệu bún tươi Thủ Đức Nguyễn Bính mỉm cười. Có lẽ, bà đã có thể tự hào về những gì mà mình đã làm được. Nghề tổ làm bún của quê lụa Hà Tây đã “thăng hoa” ở phương Nam xa xôi.

Học cách người thông minh đối phó với những kẻ khó ưa

Dưới đây là cách cách cư xử phù hợp với những kẻ khó ưa mà người thông minh làm.

Học cách người thông minh đối phó với những kẻ khó ưa

Chúng ta không sống trong một thế giới hoàn hảo. Có những người khiến chúng ta điên lên, và ngược lại chính chúng ta cũng khiến một số kẻ điên lên.

Có lúc bạn tự hỏi mình có nên học cách yêu quý tất cả mọi người mà bạn gặp hay không. Theo ông Robert Sutton – giáo sư khoa học quản lý của ĐH Stanford, thì việc xây dựng một nhóm toàn là những cạ cứng là điều không thể.

Đó cũng là lý do tại sao người thông minh phải tìm cách cư xử phù hợp với những người mà họ không thích. Dưới đây là cách mà họ đã làm.

1. Họ chấp nhận chuyện mình không yêu quý được tất cả mọi người

Đôi khi chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta sẽ yêu quý tất cả những người mà mình gặp, nhưng việc gặp phải những người mà bạn không ưa là điều không thể tránh khỏi. Người thông minh luôn biết điều này. Họ cũng hiểu rằng những xung đột hay bất đồng là do sự khác biệt về các giá trị.

Người mà bạn không thích bản chất không phải là người xấu. Lý do mà bạn không thể hòa hợp với họ là do các bạn có những giá trị khác biệt, và sự khác biệt đó tạo ra sự phán xét.

Một khi bạn chấp nhận sự thật rằng không phải ai cũng yêu quý mình và bạn cũng sẽ không yêu quý được tất cả mọi người do sự khác biệt về giá trị thì những cảm xúc tiêu cực cũng sẽ không còn nữa.

2. Họ chịu đựng (hoặc lờ đi) những người mà họ không thích

“Bạn cần những người có quan điểm khác biệt và không ngại tranh luận” – giáo sư Suttons nói. “Họ là những người ngăn cả nhóm làm những điều ngu ngốc”.

Có thể sẽ không dễ dàng nhưng hãy chịu đựng họ. Họ thường là những người thách thức chúng ta, nhắc nhở chúng ta về những tầm nhìn mới và giúp đưa cả nhóm tới thành công.

Hãy nhớ rằng, bạn cũng không hoàn hảo và mọi người cũng đang chịu đựng bạn.

3. Họ xử sự với những người họ không ưa một cách văn minh

Bất kể cảm xúc của bạn như thế nào thì khi bạn ứng xử hòa nhã với họ, họ cũng sẽ đáp lại như thế với bạn. Nếu bạn thô lỗ với họ, họ cũng sẽ không ngại ngần mà vứt bỏ mọi sự lịch thiệp và thô lỗ lại với bạn.

“Tập luyện một khuôn mặt ngoại giao là rất quan trọng. Bạn cần phải thể hiện một cách chuyên nghiệp và tích cực” – Ben Dattner, nhà tâm lý học, tác giả cuốn “The Blame Game” nhận định.

4. Họ xem lại kỳ vọng của mình

Việc có những kỳ vọng không thực tế về người khác không phải chuyện hiếm. Chúng ta có thể mong đợi người khác hành động giống như mình, hoặc nói những điều mà chính chúng ta sẽ nói trong trường hợp đó.

Tuy nhiên, điều đó là không thực tế. “Ai cũng có những đặc điểm tính cách đã được ăn sâu – yếu tố quyết định phần lớn phản ứng của họ” – Alan A. Cavaiola, giáo sư tâm lý học ĐH Monmouth, Mỹ cho hay. “Kỳ vọng người khác hành xử giống mình sẽ khiến bạn thất vọng nhiều hơn”.

Nếu một người trong tình huống nào cũng luôn mang lại cho bạn một cảm giác giống nhau thì bạn hãy điều chỉnh kỳ vọng của mình về người đó. Cách này giúp bạn chuẩn bị tâm lý và hành vi của họ sẽ không khiến bạn ngạc nhiên. Người thông minh luôn làm điều này, nên không phải lúc nào họ cũng bị ngạc nhiên về hành động của người mà họ không thích.

5. Họ giấu cảm xúc vào trong và chỉ tập trung vào bản thân

Quan trọng là bạn học cách xử lý với sự thất vọng của mình khi bạn tiếp xúc với người mà bạn không ưa. Thay vì nghĩ về việc người đó khó chịu đến mức nào, hãy tập trung vào việc tại sao bạn lại phản ứng như vậy.

Đôi khi cái mà chúng ta không thích ở người khác lại là cái mà chúng ta không thích ở bản thân mình. Hãy xác định những nguyên nhân có thể làm cảm xúc của bạn thêm phức tạp.

Sau đó, bạn có thể dự đoán, kìm nén, thậm chí thay đổi phản ứng của mình. Nên nhớ rằng, thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của bản thân bao giờ cũng dễ hơn là yêu cầu người khác thay đổi.

6. Họ dừng lại và thở sâu

Theo Kathleen Bartle – một nhà tư vấn xung đột, việc dừng lại và hít thở sâu sẽ giúp bạn bình tĩnh và bỏ qua sự phán xét. “Hít thở sâu ngăn bạn phản ứng thái quá, cho phép bạn có một tâm trí và trái tim cởi mở hơn”.

7. Họ nói lên nhu cầu của mình

Nếu ai đó khiến bạn khó chịu, hãy bình tĩnh cho họ biết rằng cách nói chuyện hay cách hành xử của họ là vấn đề với bạn. Hãy tránh trách móc, thay vào đó hãy nói rằng “khi bạn… thì tôi cảm thấy…”.

Ví dụ như hãy thử nói: “Khi bạn cắt lời tôi trong cuộc họp, tôi cảm thấy giống như bạn không coi trọng sự đóng góp của tôi”.

Sau đó, hãy đợi một lúc để nhận phản hồi của họ. Biết đâu họ không nhận ra rằng bạn chưa nói xong, hoặc họ thấy quá phấn khích với ý tưởng của bạn đến mức nhảy ngay vào giữa cuộc hội thoại của bạn.

8. Họ tạo khoảng cách với người mình không thích

Người thông minh sẽ tạo khoảng cách giữa mình và người mà họ không thích. Nếu ở công sở, hãy đi sang một phòng khác hoặc ngồi ở cuối bàn họp.

Khi có khoảng cách và sự đồng cảm, bạn có thể sẽ tương tác với cả những người mà bạn thích và không thích một cách tự nhiên. Tất nhiên, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu những kẻ mà chúng ta không ưa khuất khỏi tầm mắt mình, nhưng tiếc là cuộc sống không đơn giản như thế.

Cửa hàng tiện lợi vào cuộc đua mới

Mô hình cửa hàng tiện lợi cạnh tranh khốc liệt khi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đua nhau mở chuỗi, đầu tư công nghệ, tăng cường dịch vụ để tìm chỗ đứng vững chắc tại thị trường bán lẻ Việt Nam.

Cửa hàng tiện lợi vào cuộc đua mới

Với tốc độ tăng trưởng gần 12%/ năm và quy mô có thể lên tới gần 180 tỷ USD vào năm 2020, ngành bán lẻ Việt Nam sôi động hơn bao giờ hết. Đặc biệt, mô hình cửa hàng tiện lợi cạnh tranh khốc liệt khi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đua nhau mở chuỗi, đầu tư công nghệ, tăng cường dịch vụ để tìm chỗ đứng vững chắc tại thị trường bán lẻ được xếp thứ 6 toàn cầu về chỉ số phát triển này.

Tăng tốc về quy mô để chiếm thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ liên tục mở cửa hàng mới. Mô hình cửa hàng tiện lợi được dự báo sẽ cạnh tranh không khoan nhượng khi thị trường bán lẻ Việt Nam là hấp lực đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Cuối tháng 3/2018, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đưa vào hoạt động cửa hàng tiện lợi Satrafood thứ 170 tại quận 2, TP.HCM. Trong 3 tháng đầu năm 2018, Satra đã khai trương 13 cửa hàng Satrafood, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động thêm 60 cửa hàng trong năm nay.

Phong phú về loại hình cửa hàng tiện lợi là Saigon Co.op. Hiện đơn vị này có 210 cửa hàng Co.op Food, 76 cửa hàng Co.op Smile và phát triển thêm mô hình cửa hàng Cheers. Năm 2018, Saigon Co.op đặt mục tiêu mở thêm 170 Co.op Food, 150 cửa hàng Co.opSmile, 50 cửa hàng tiện lợi Cheers đồng thời với việc kết nối đa phương tiện với các hình thức mua sắm khác.

Theo lãnh đạo Saigon Co.op, năm nay người tiêu dùng sẽ được chứng kiến tốc độ phát triển mạnh mẽ của các mô hình bán lẻ hiện đại quy mô vừa và nhỏ của Saigon Co.op là Co.op Food, Co.op Smile và Cheer. Mô hình cửa hàng tiện lợi được dự báo sẽ cạnh tranh không khoan nhượng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Nhưng, tăng tốc nhanh nhất về số lượng là hệ thống cửa hàng tiện lợi Vinmart+ của Vingroup. Chỉ sau 3 năm gia nhập thị trường, đến nay Vinmart+ đã có hơn 1.000 cửa hàng và số lượng cửa hàng đang ngày càng tăng. Việc phủ rộng hệ thống nhanh chóng đã giúp Vinmart+ có được những vị trí đẹp khi nằm ở mặt tiền hoặc tầng dưới các chung cư, tiện lợi cho việc mua sắm của khách hàng.

cua-hang-tien-loi-5-1636-1524545811.jpg

Ra đời sau nhưng Bách hóa Xanh của Thế Giới Di Động cũng liên tục mở rộng chuỗi cửa hàng. Tính đến giữa tháng 4/2018, đã có 361 cửa hàng Bách hóa Xanh tại TP.HCM. Công ty đặt mục tiêu đạt 1.000 cửa hàng đến hết năm 2018, chiếm 10% thị phần bán lẻ trong vòng vài năm tới.

Trong khi doanh nghiệp trong nước gia tăng số lượng điểm bán thì doanh nghiệp ngoại cũng tăng cường sự hiện diện trên thị trường. Trong đó, FamilyMart có hơn 130 cửa hàng, và dự kiến sẽ mở thêm 50 cửa hàng trong năm nay. 7-Eleven Nhật Bản vào Việt Nam giữa năm 2017 đang nuôi tham vọng sẽ mở 300 cửa hàng trong vòng 3 năm và phát triển 1.000 cửa hàng sau 10 năm. Trước đó, hàng loạt thương hiệu bán lẻ lớn như FamilyMart, Bsmart, Circle K đã phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi với số lượng đáng kể.

Mới ra mắt cách nay chưa lâu, “tân binh” GS25 đến từ Hàn Quốc đặt mục tiêu mở 2.500 cửa hàng GS25 tại thị trường Việt Nam trong 10 năm tới. Theo bà Nguyễn Hồng Trang – CEO Công ty TNHH GS25 Việt Nam (liên doanh giữa Tập đoàn GS Retail – Hàn Quốc và Sơn Kim Land), muốn bán lẻ thành công bắt buộc phải mở rộng chuỗi.

Việc phát triển chuỗi cửa hàng là xu thế tất yếu nhằm gia tăng sự nhận biết thương hiệu và khả năng cạnh tranh trên thị trường, cũng là cách để tiết giảm chi phí quản lý, từ đó gia tăng doanh số và lợi nhuận. Chuỗi cửa hàng được xây dựng rộng khắp với mật độ cao tại những vị trí đông dân cư sẽ là cách tốt nhất để chiếm lĩnh thị phần.

Thị trường có nhiều cơ hội để phát triển nên một thương hiệu chuyên về mô hình đại siêu thị là Lotte Mart cũng đã hướng đến phân khúc này bằng sự ra mắt cửa hàng tiện lợi Speed L tại tòa nhà Pico Plaza trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM.

Đánh giá về xu hướng phát triển mô hình cửa hàng tiện lợi, ông Nguyễn Anh Đức – Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng đây là xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu mua nhanh, sử dụng nhanh và thời gian mở cửa nhiều hơn cửa hàng truyền thống. Đó cũng là phân khúc Saigon Co.op đang tập trung nguồn lực để hướng đến nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu này của người tiêu dùng và cũng là cách để Saigon Co.op đa dạng hóa phân khúc bán lẻ.

Theo nghiên của hãng tư vấn A.T.Kearney (Mỹ), Việt Nam hiện đứng thứ 6 toàn cầu về chỉ số phát triển thị trường bán lẻ, trong đó cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đang rất “nóng”. Còn theo Nielsen Việt Nam, kênh thương mại hiện đại đang có sự dịch chuyển tích cực, đặc biệt là các cửa hàng nhỏ trong hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng trong vài năm qua.

Theo báo cáo phân tích tình hình phát triển thị trường bán lẻ tại Việt Nam giai đoạn 2018 – 2021 của Công ty bất động sản Savills Việt Nam, năm 2017, doanh số bán lẻ tại Việt Nam đạt gần 129 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2016, khá cao so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Việc ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt Nam sử dụng internet cũng như xu hướng thanh toán bằng thẻ tín dụng, cùng sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu sẽ là những thành tố quan trọng thúc đẩy thị trường bán lẻ phát triển.