Monthly Archives: June 2018

7 doanh nhân thành công và cách vượt qua thất bại lớn nhất sự nghiệp

Ở thời điểm bước ngoặt nhiều doanh nhân đã đưa ra những quyết định có tính chất bước ngoặt, dẫn đến thành công.

7 doanh nhân thành công và cách vượt qua thất bại lớn nhất sự nghiệp

Mọi người đều vật lộn với những thất bại và chướng ngại vật trên con đường dẫn đến thành công. Đôi khi, một sự cố có thể dẫn bạn đến một bước ngoặt sự nghiệp.

Dưới đây là chia sẻ 7 doanh nhân thành công về cách nhanh chóng vượt qua thất bại để tiến tới thành công trên diễn đàn dành cho doanh nhân The Oracles.

1. Nhận thức rõ thất bại ở khoảnh khắc xác định

Dottie Herman, CEO của Douglas Elliman, một đế chế môi giới bất động sản:

Lúc 39 tuổi, tôi bắt đầu bị đau ngực khủng khiếp nhưng bỏ qua nó. 18 tháng sau, tôi phát hiện tôi bị tắc nghẽn 99,75% động mạch chính.

Vào thời điểm đó, tôi đang đàm phán với Prudential về khoản vay 72 triệu USD để mua công ty của riêng mình.

Khi tôi biết rằng tôi cần phẫu thuật ngay lập tức, tôi đã hỏi bác sĩ rằng ông ấy có nghĩ rằng việc động mạch của tôi bị tắc là một dấu hiệu tôi không nên mua.

Ông ấy hỏi lại: “Bạn có thích những gì bạn làm không?”. Tôi nói: “Đó là niềm đam mê của tôi”.

Sau đó, ông trả lời: “Cuối cùng, bạn phải thông qua việc mua, hoặc căng thẳng với việc không mua lại công ty, điều mà có thể sẽ làm cho tình trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn”.

Ông ấy đã đúng.

Sau khi phẫu thuật, tôi đến New York để kết thúc cuộc đàm phán.

Khi mọi thứ trở nên căng thẳng giữa các bên, tôi đã gạt một trong những nhân viên ngân hàng sang một bên và giải thích tình hình của tôi.

Nghe thấy sự chân thành trong giọng nói của tôi, Prudential biết rằng tôi là người có ý định mua thực sự và chúng tôi đã kết thúc giao dịch.

Đôi khi, một trở ngại không lường trước được sẽ cho bạn thấy khoảnh khắc quyết định.

Những thách thức lớn có thể buộc bạn phải tập trung quyết tâm để đạt được mục đích lớn hơn của mình.

2. Tin tưởng vào dự cảm của bạn về con người

Patrick Byrne, CEO của Overstock.com và tZERO:

Mọi người đều nói rằng họ học hỏi được nhiều điều từ những sai lầm của họ nhưng lại thường xuyên lặp lại chúng.

Trong quá khứ, tôi không tin vào dự cảm của mình về con người.

Một số giám đốc điều hành trong nhóm của tôi dường như tự quyết và tích cực làm việc chống lại các đồng nghiệp của họ.

Nhưng tôi đã lờ nó đi, nhưng dự cảm tôi hóa ra là đúng.

Bài học ở đây là gì? Tin vào bản thân hơn và không tha thứ cho những người ích kỷ và không trung thành.

Hãy nhớ rằng, không có sự bù đắp nào nếu ai đó là người nhân cách không tốt dù họ có kỹ năng tốt. Đó là một sai lầm rất lớn khi thuê họ.

3. Làm rõ ‘lý do tại sao’ trong tự thân

Mark Divine, chỉ huy Hải quân Hoa Kỳ SEAL, người sáng lập SEALFIT:

Thất bại kinh doanh của tôi thường xuất phát từ những hạn chế của bản thân hoặc không rõ ràng về “lý do tại sao”.

Trong liên doanh đầu tiên, nơi tôi điều hành một công ty sản xuất bia, “lý do tại sao” của tôi chỉ đơn giản là trở thành một doanh nhân và tạo ra bia miễn phí cho cuộc sống.

Điều đó nghe có vẻ khá hợp lý với tôi khi từ một lính Hải quân SEAL chuyển sang kinh doanh.

Nhưng “lý do” này có vẻ quá yếu để dẫn dắt tôi tránh khỏi sự hỗn loạn ban đầu khi bắt đầu một liên doanh mới.

Sự sa thải gây ra các vụ kiện và gián đoạn kinh doanh bởi lý do gia đình khi đối tác kinh doanh cũng chính là anh rể của tôi.

Bài học đau đớn tôi học được là: Hãy chắc chắn rằng “lý do” đằng sau phương châm kinh doanh của bạn là rất rõ ràng và phù hợp với tầm nhìn cho tương lai của bạn.

Trong công ty đào tạo hiện tại của tôi, chúng tôi dạy cho các nhà lãnh đạo cách làm rõ đặc điểm cá nhân của họ để sắp xếp chúng phù hợp với lĩnh vực kinh doanh.

4. Giết cái tốt để đạt được điều tuyệt vời

Kenny Rueter, đồng sáng lập Kajabi:

Điều tốt luôn là kẻ thù của điều tuyệt vời.

Thất bại lớn nhất của tôi là đã không lường trước được sự mất mát lớn như là một sự hy sinh cần thiết. Tôi đã phải chọn để cắt  bỏ một phần công ty “con đẻ” của mình để nó có thể phát triển.

Nền tảng chính – cái đã thúc đẩy công ty của chúng tôi tăng trưởng trong bốn năm – đã gặp những sai sót cố hữu và thiếu sót không thể khắc phục. Tôi biết sẽ phải loại bỏ nó nhưng ý nghĩ phải phá hủy nó thật đáng sợ như địa ngục.

Nếu bạn thực sự theo đuổi điều tuyệt vời, bạn buộc phải chọn giữa những lựa chọn khó khăn.

Bạn cần phải có khả năng hy sinh và phải làm điều đó một cách nhanh chóng, vượt qua nỗi sợ để đổi lại sự tuyệt vời như một sự thay thế.

5. Thất bại giải phóng sức mạnh bên trong

Tom Shieh, Giám đốc điều hành của Crimcheck:

Một vài năm trước đây, tôi đặt niềm tin của tôi vào một quỹ đầu tư đầy triển vọng với một hồ sơ trình bày lợi nhuận nhất quán, một tài liệu với những con số trên giấy lấp lánh và đã được giá cao.

Nhưng chỉ một khoảng thời gian ngắn sau đó, quỹ tuyên bố phá sản. Tôi đã mất tất cả khoản đầu tư. Giá trị tài sản của tôi nhỏ hơn 0.

Tôi cảm thấy như bị nghiền nát, giống như kẻ hoàn toàn thất bại. Tôi không muốn ăn, không thể ngủ, và chân tay run rẩy không kiểm soát được. Những ý nghĩ bắt đầu đổ lỗi, có cảm giác tội lỗi, xấu hổ và hối hận cứ tự động lặp lại trong tâm trí của tôi.

Sau này, khi nhìn lại, kinh nghiệm này là một trong những món quà lớn nhất mà Chúa ban cho tôi.

Khi mọi thứ bên ngoài bị tước đi, bạn nhận ra rằng giá trị của bản thân không bị ràng buộc với giá trị thực của bạn.

Bạn nhận ra rằng giá trị của bạn thay thế mọi vật chất, có thể nhìn thấu và vượt qua những thứ vô hình, bạn trở nên năng động và tỉnh táo hơn.

Nếu trí óc của bạn không bị đẩy đến giới hạn nhất định, trí huệ của bạn sẽ không bao giờ được kích hoạt.

Nhìn lại, mất mọi thứ đã dạy cho tôi phải đào sâu hơn vào sức mạnh mà tôi chưa bao giờ nhận ra ở bên trong tôi.

6. Xem lại đối tác của bạn và giải quyết vấn đề

Joshua Harris, người sáng lập của Agency Growth Secrets; giảng viên dạy cho các doanh nhân cách sử dụng máy móc và trí tuệ nhân tạo để thu hút khách hàng:

Thất bại lớn nhất của tôi là thiết lập quan hệ đối tác mà không cần xem xét đạo đức kinh doanh của đối tác và theo dõi họ.

Tôi đã bán cả tấn dịch vụ nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào đối tác của tôi.

Ngay sau đó, doanh nghiệp của tôi phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng.

Cuối cùng, tôi phải rời khỏi quan hệ đối tác và hoàn toàn bắt đầu lại.

Điều này buộc tôi phải bán hàng tốt hơn bằng cách tập trung vào cách sản phẩm mà tôi sẽ cung cấp cho khách hàng theo mong muốn của họ.

Chẳng mấy chốc, tôi đã tạo ra các giải pháp giải quyết vấn đề, nhưng quan trọng hơn, chúng tôi có thể tự phân phối và đạt được lợi nhuận từ chúng.

7. Điều duy nhất bạn có thể kiểm soát là chính bạn

Craig Handley, đồng sáng lập và CEO của ListenTrust:

Hãy thực tế. Thất bại lớn nhất của tôi là trong cuộc sống cá nhân của tôi. Tôi có bốn đứa con 6, 8, 10 tuổi và 12 tuổi khi vợ tôi muốn ly hôn.

Đây là cách tôi khiến mọi thứ trở lại. Tôi ngay lập tức bắt đầu kiểm soát sự tức giận.

Nhân viên tư vấn của tôi đã bảo tôi tìm một thứ tôi yêu thích và chìm đắm vào trong đó.

Vì vậy, tôi bắt đầu viết nhạc một lần nữa, đó luôn là niềm đam mê của tôi.

Sự đau khổ tôi đã trải qua đã tạo ra một số bản nhạc và lời bài hát hay. Tôi làm việc trên những gì tôi có thể kiểm soát: chính bản thân tôi.

Tôi cũng tập trung vào những đứa con của mình – làm một người cha tuyệt vời, tập trung vào công việc của tôi và mục tiêu làm thế nào tôi có thể tạo ra một cái gì đó lớn hơn bản thân.

Chúng tôi vẫn ly dị, nhưng ly dị trở thành nguồn cảm hứng để tôi sống tốt hơn, yêu nhiều hơn, chiến đấu hết sức hơn, và trở thành một con người tốt hơn trong mọi khía cạnh.

Điều duy nhất bạn có thể kiểm soát trong mọi tình huống là bạn. Chiến đấu để trở thành phiên bản tốt nhất của bạn, và bạn sẽ trở nên tốt hơn ở mọi mặt.

Người thành công quyết định những việc nhỏ nhặt khác chúng ta như thế nào?

Hàng trăm người thành công đã chia sẻ những thói quen giúp họ vượt trội hơn người khác. Và đó không phải là cái gì to tát phi thường.

Người thành công quyết định những việc nhỏ nhặt khác chúng ta như thế nào?

Mọi người đều có định nghĩa của riêng mình về thành công. Và hầu hết ai cũng muốn sống một cuộc sống trên mức trung bình. Nhưng sự thực là đa phần chúng ta đều không thực hiện được việc đó, và chỉ có một cuộc sống tầm thường, nhạt nhòa.

Hàng trăm người thành công đã chia sẻ những thói quen giúp họ vượt trội hơn người khác. Và đó không phải là cái gì to tát phi thường. Đó chỉ là những điều nhỏ nhặt, như thức dậy mỗi ngày lúc 4 giờ sáng và tập thể dục, hay ngồi thiền, hoặc tuân thủ nghiêm túc những gì đã liệt kê trong danh sách các việc cần làm.

Dưới đây là một số lựa chọn đơn giản khác nhưng lại giúp bạn thay đổi triệt để cuộc sống của mình.

Ngừng xem TV

Có thể bạn rất thích xem phim truyền hình hoặc các bộ phim bom tấn hấp dẫn mới tải xuống. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn dành toàn bộ thời gian đó mỗi tuần để học một cái gì đó, hay thường xuyên đến phòng gym, hoặc đọc xong một cuốn sách. Chắc chắn cả tâm trí và thể chất của bạn sẽ thay đổi đáng kể.

Ngừng uống rượu bia

Nếu bạn luôn dành thời gian để làm một ly cocktail sau khi hết giờ làm, hãy dành ra một phút để nghĩ xem thực sự mình đang làm gì khi nhâm nhi ly cocktail đó. Bạn có hoàn thành được việc gì không? Bạn đã mất bao nhiêu thời gian cho việc uống rượu? Hãy thử bỏ rượu bia trong 30 ngày mà xem.

Thay vì vùi mình vào thú vui “bê tha” này, hãy thử nghĩ xem cuộc sống bạn sẽ thay đổi ra sao nếu bạn đi dạo với người thân hoặc chú chó của mình, hay tập trung vào một dự án lớn mà bạn cứ luôn trì hoãn từ rất lâu rồi?

Bắt đầu đẩy tạ

Tất nhiên là công việc này cần phải làm hàng ngày. Những người thành công luôn ưu tiên sức khỏe và các hoạt động rèn luyện thân thể. Bạn không cần phải vật lộn với những bài cardio. Bồi dưỡng thêm cơ bắp chính là cách tốt nhất để cải thiện quá trình trao đổi chất và đốt calory trong cả ngày dài.

Ngừng hút thuốc

Đúng là dứt bỏ chất kích thích rất khó. Nhưng nếu muốn thành công, bạn phải là người sẵn sàng và có khả năng làm những việc còn khó hơn thế.

Chấp nhận rủi ro

Những người thành công không ngại thất bại bởi họ biết rằng qua đó họ sẽ học được một bài học và trưởng thành hơn. Trên thực tế, các chuyên gia tin rằng những người chấp nhận rủi ro sẽ thăng tiến nhanh hơn và là những người nắm bắt công nghệ dễ dàng hơn. Nếu bạn muốn thành công, hãy tìm kiếm những cơ hội cho phép mình được phát huy hết khả năng và đẩy mình đến cực điểm của mọi giới hạn.

Ngừng đổ lỗi cho người khác (hoặc số phận)

Những người có “điểm kiểm soát nội tại” thường cho rằng thành quả mà mình đạt được đều nhờ vào sự chăm chỉ và năng lực của chính mình. Họ cũng là những người thành công hơn trong cuộc sống. Khi bạn tin rằng chỉ có một mình bạn chịu trách nhiệm cho hoàn cảnh của mình, bạn sẽ tạo ra những sự thay đổi cần thiết để đạt được thành công. Nếu bạn chỉ ngồi một chỗ và đổ lỗi cho người khác, thì hoàn cảnh của bạn sẽ chẳng có gì khác.

Vì vậy nếu bạn không thích công việc của mình, hãy xin nghỉ. Nếu bạn thấy cô đơn, hãy tìm kiếm những người bạn mới. Nếu bạn buồn vì mình quá béo, hãy thuê một huấn luyện viên để giúp bạn tạo ra những thói quen đúng đắn. Bạn là người duy nhất có thể khiến cuộc sống của mình trở nên tốt hơn.

6 điều sếp mong muốn và kỳ vọng ở nhân viên

Vài điều về mong muốn, kỳ vọng ở nhân viên của cấp trên trong công việc do Phòng Tuyển dụng Công ty cung cấp nguồn nhân lực và việc làm CareerLink chia sẻ.

6 điều sếp mong muốn và kỳ vọng ở nhân viên

Có kế hoạch làm việc khoa học

Điều đầu tiên mà các nhà quản lý mong muốn là phong cách làm việc khoa học, chuyên nghiệp và hiệu quả. Theo đó, bạn nên dành thời gian để sắp xếp và xây dựng cho mình một kế hoạch làm việc khoa học.

Đầu tiên, bạn cần xác định được các công việc nên ưu tiên giải quyết trước dựa vào tính cấp thiết, thời hạn. Tiếp đó, bạn cần hoạch định được các kế hoạch cần làm trong thời gian tới.

Ví dụ: Tuần hoặc tháng này cần triển khai công việc gì, gặp gỡ những đối tác nào, cần chuẩn bị tài liệu gì… tương tự đến các tháng tiếp theo để có thể chuẩn bị và hoàn thành tốt nhất.

Có mục tiêu, chiến lược phát triển công ty

Nhà quản lý còn kỳ vọng ở nhân viên những mục tiêu, chiến lược phát triển phòng ban và của cả công ty. Do đó, hãy chủ động dành thời gian “nghiên cứu” tài liệu chuyên ngành, cập nhật thông tin về xu hướng thị trường… để đưa ra các chiến lược kinh doanh, phát triển thương hiệu công ty phù hợp với công việc và vị trí bạn đang nắm giữ.

Ví dụ: Ở vị trí nhân viên Marketing bạn đề xuất các chiến lược PR, quảng cáo để tăng doanh thu bán hàng. Các kế hoạch này cần chi tiết, cụ thể, gồm những công việc gì, kinh phí, tổng thời gian thực hiện… để dễ dàng nhận được sự đánh giá cao của cấp trên.

Thay đổi, hoàn thiện hơn về các kỹ năng

Bên cạnh đó các nhà quản lý còn mong muốn nhìn thấy sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, hoàn thiện về mặt kỹ năng làm việc ở các nhân viên. Vì thế, bạn cần chủ động quan sát, học hỏi từ cấp trên cũng như đồng nghiệp để ngày càng làm việc hiệu quả hơn.

Ngoài ra, bạn cũng nên tham gia thêm các khóa học bổ trợ về kỹ năng chuyên môn cũng như kỹ năng mềm cần thiết cho công việc. Tin rằng với tinh thần cầu tiến trong công việc bạn sẽ xây dựng được ấn tượng tốt đẹp về năng lực và tinh thần trách nhiệm với cấp trên, giúp mở ra nhiều cơ hội thăng tiến trong tương lai.

Chủ động hơn trong công việc

Bạn cần chủ động hoàn thành tốt các công việc được giao, đảm bảo đúng thời hạn cũng như tập trung hơn trong công việc, sẵn sàng nhận các nhiệm vụ, công việc khó khăn. Thay vì chờ đợi được trao các cơ hội bạn có thể chia sẻ về sở thích, khả năng của mình và đề xuất, thuyết phục cấp trên cho bạn được thử sức trong dự án đó.

Sự nhiệt tình và năng nổ trong công việc không chỉ mở ra cho bạn nhiều cơ hội thử sức, rèn luyện bản thân, học hỏi được nhiều kinh nghiệm mà còn giúp bạn “ghi điểm” và nhận được đánh giá tích cực của cấp trên.

Sự đoàn kết trong tập thể

Cùng với những mong muốn về hiệu quả trong công việc các nhà quản trị nhân sự luôn mong muốn nhìn thấy sự đoàn kết trong tập thể. Vì thế, bạn nên chủ động xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, cởi mở trong giao tiếp, sẵn sàng tương trợ mọi người trong công việc.

Hãy dùng sự nhiệt tình, thái độ chân thành để thiết lập, xây dựng các mối quan hệ với đồng nghiệp. Điều này sẽ giúp bạn được nhận sự yêu mến, giúp đỡ tận tình của mọi người trong công việc sau này.

Tinh thần làm việc hăng say, nghiêm túc

Tinh thần làm việc luôn được đề cao ở bất kì ngành nghề nào, do đó nếu bạn có thể “vượt qua” những rào cản tâm lý này để làm việc hăng say, nghiêm túc, đi làm đúng lịch, đúng giờ, trang phục chỉnh tề… thì cũng sẽ góp phần đáp ứng kỳ vọng, tạo thiện cảm và gây ấn tượng tốt đẹp với cấp trên.

Hãy xây dựng cho mình những mục tiêu, kế hoạch làm việc khoa học để có thể làm việc hiệu quả nhất và nhận được nhiều sự tín nhiệm từ cấp trên.

(Theo Vietnamnet)

35 tuổi, bạn nên có bao nhiêu tiền trong tay?

Đến khi 35 tuổi thì số tiền tiết kiệm của bạn ít nhất nên cao gấp đôi tổng lương mỗi năm.

35 tuổi, bạn nên có bao nhiêu tiền trong tay?

Bạn là người đã đi làm và độc lập tài chính?

Bạn muốn có một khoản tiền tiết kiệm để phòng trừ những tình huống không đáng có?

Nhưng bạn phải chi quá nhiều tiền vào những khoản không-có-tên?

Bạn lại không kiểm soát được hành vi tiêu tiền của chính mình?

Đây chính là vấn đề của rất nhiều người, đặc biệt là của các bạn trẻ hiện nay. Tiết kiệm tiền lương là một vấn đề gì đó rất khó, phần nhiều là kiếm được đồng nào thì tiêu hết đồng ấy, cho đến khi cần tiền lại “tá hỏa” đi hỏi vay bạn bè, người thân. Nếu không rơi vào tình huống ấy thì chắc hẳn ai cũng ít nhất một lần chứng kiến một người bạn của mình như vậy.

Mới đây, một trích dẫn đã được đăng trên trang tài chính Market Watch rút ra từ lời khuyên của Công ty đầu tư tài chính Fidelity có trụ sở ở Boston với nội dung: “Với một người 30 tuổi, kiếm được khoảng 50.000 USD mỗi năm, bạn cần có một tài khoản tiết kiệm là 50.000 USD. Đến khi 35 tuổi thì số tiền tiết kiệm của bạn ít nhất nên cao gấp đôi tổng lương mỗi năm.”

Liệu điều này có dễ thực thi? Mục tiêu này có xa vời với tất cả mọi người không?

Theo ý kiến của chuyên gia tài chính cấp cao Sonali Rodrigo, 34 tuổi, thuộc Tomorrow Financal Solutions với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và ngân hàng, rất ít người có thể thực hiện điều này vì phần nhiều còn phải lo chi trả đám cưới, tiền mua/thuê nhà, các chi phí sinh hoạt mỗi tháng, nuôi vài đứa con và có thể phải trải qua giai đoạn thất nghiệp.

Hơn nữa, không phải ai cũng xuất thân từ những gia đình khá giả nên một khi đã đi làm thì sẽ không nhận được chu cấp từ gia đình nữa.

Bà cũng cho biết: “Khá nhiều người đặt cho mình mốc tiết kiệm đến một độ tuổi nào đó và tỏ ra lo lắng khi bản thân không đạt mục tiêu. Vì thế, thay vì phải có được khoản tiết kiệm lớn gấp đôi tổng lương hàng năm ở tuổi 35, mọi người nên đặt mục tiêu thực tế hơn là có một quỹ khẩn cấp để dự phòng, bằng từ 3 đến 6 tháng lương.

Chẳng hạn, một người có lương 50.000 USD mỗi năm, nên để dành quỹ khẩn cấp từ 12.500 USD tới 25.000 USD. Hơn nữa, các mục tiêu tiết kiệm sẽ thay đổi khi bạn nhiều tuổi lên.”

Những năm 20 tuổi, bạn chưa vướng bận nhiều, bạn sống một mình hoặc chỉ tạm sống với ai đó, bạn có một công việc kiếm ra tiền, bạn có thể có tài chính độc lập.

Những năm 30, 40 tuổi, bạn bắt đầu phải lo đến cuộc sống chung của gia đình mình, không chỉ có một mình bạn nữa, mỗi ngày phải đối mặt với hàng tá tiền phí.

Chính vì thế, tiết kiệm tiền ở độ tuổi 30, 40 sẽ khó hơn ở độ tuổi 20.

Ở các quãng tuổi khác nhau, bạn nên lắng nghe lời khuyên tiết kiệm của chuyên gia:

– Ở độ tuổi 20, bạn nên cố gắng học hành tử tế để giảm bớt số nợ nần liên quan đến việc học. Tiết kiệm tiền càng sớm càng tốt. Trong giai đoạn này, nhiều bạn trẻ có xu hướng nhảy việc nhiều, vì thế có thể bỏ qua các khoản bảo hiểm hưu trí ở các công ty (bảo hiểm xã hội) nên hãy gom về một mối để không bỏ sót.

– Ở độ tuổi 30, bạn nên cố gắng tiết kiệm càng nhiều càng tốt, dù chỉ là vài trăm nghìn mỗi tháng. Bạn cũng nên tập trung giảm bớt số nợ của mình càng nhiều càng tốt vì bạn không biết mình sẽ cần đến quỹ khẩn cấp bất cứ lúc nào đâu.

– Ở độ tuổi 40, bạn nên suy nghĩ về việc mình có nên đầu tư vào lĩnh vực gì không. Bởi đây là độ tuổi phù hợp cho việc đầu tư và làm ra phần lớn tài sản của bạn.

Những quy tắc bạn cần tuần thủ khi tiết kiệm tiền bạc:

– Bạn không cần phải có một tổng số tiền tuyệt đối. Thay vào đó, bạn cần có một tỷ số cố định.

– Một tỷ số cố định có vai trò quan trọng là bởi tỷ số này sẽ tự động tương thích khi khoản thu nhập và chi phí của bạn tăng lên hoặc giảm đi mà không ảnh hưởng quá nhiều đến mức sống của bạn.

– Bạn cũng không cần phải tăng tỷ lệ tiết kiệm lên để chạy theo thu nhập. Tốt hơn là bạn nên tăng tỷ lệ tiết kiệm nếu bạn còn kha khá tiền sau khi đã chi trả hết mọi chi phí và hóa đơn bạn có.

– Cất trữ những tài sản quý giá là một ý hay để tiết kiệm. Bạn nên tích trữ vàng, bạc, kim cương hoặc bất kì thứ nào quý giá không bị ảnh hưởng bởi lạm phát.

Bí quyết thiết lập sự tự tin một cách nhanh chóng để được nể trọng

Để chứng tỏ sự nghiêm túc và được người khác nể trọng, bạn phải chú ý đến diện mạo, phong cách trò chuyện và ngôn ngữ cơ thể của mình.

Bí quyết thiết lập sự tự tin một cách nhanh chóng để được nể trọng

Dù bạn là người thông minh, suy nghĩ thấu đáo và đáng tin cậy, không có nghĩa là mọi người hiểu đúng về bạn như vậy.
Nếu bạn muốn bạn bè, đồng nghiệp nể trọng mình, bạn phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về hình ảnh cá nhân mình đang tạo ra, từ cách ăn mặc, phong cách trò chuyện đến ngôn ngữ cơ thể.

Theo Business Insider, một số bí quyết sau (được tổng hợp từ nhiều nghiên cứu khoa học và từ các chuyên gia) sẽ giúp một người thể hiện sự nghiêm túc, thiết lập sự tin cậy một cách nhanh chóng, từ đó có được sự nể trọng của người khác:

1. Đi làm sớm

Những người thức dậy sớm sẽ nhận được sự tin cậy nhiều hơn.

Nghiên cứu từ Trường kinh doanh Michael G. Foster thuộc Đại học Washington cho thấy, những nhân viên đến văn phòng sớm sẽ được nhà quản lý nhận định là tận tâm hơn và được đánh giá hiệu suất làm việc cao hơn so với những nhân viên đi làm trễ, bất chấp việc những nhân viên đi làm trễ cũng ra về trễ hơn người khác.

Vì vậy có thể nói, các nhà quản lý đều có xu hướng “thiên vị buổi sáng”. Nên nếu bạn cảm thấy mình làm việc hiệu quả hơn từ 10h sáng đến 6h chiều thay vì từ 9h sáng đến 5h chiều, hãy xem xét việc nói chuyện trước với người quản lý và “đánh cược” với sự thiên vị này từ họ.

2. Nói “Không” khi cần thiết

Những người thành công rất thành thạo kỹ năng… từ chối. Trên thực tế, khi nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi gửi yêu cầu phỏng vấn đến một loạt các chuyên gia về sáng tạo, phục vụ cho việc viết một cuốn sách, một phần ba người từ chối và nói rằng họ không có thời gian.

Bạn thậm chí cũng có thể nói “Không” với sếp mình trong trường hợp cần thiết, miễn sao nói đúng cách.

Ví dụ, nếu sếp giao bạn phụ trách một phần việc mới trong khi bạn đã bị quá tải bởi các phần việc hiện tại, chuyên gia về việc làm Lynn Taylor gợi ý nên nói rằng: “Tôi sẽ rất vui khi được làm phần việc này, nhưng điều đó có nghĩa là tôi sẽ phải hoãn phần việc đang làm đến ngày mai, bởi vì tôi sẽ phải dành 3 tiếng đồng hồ tiếp theo để hoàn thành nó. Anh/chị có muốn tôi hoãn nó lại không?”.

Nói chung, điều quan trọng là đừng đồng ý mù quáng với mọi lời yêu cầu, dù thoạt trông nó có vẻ như “không thể từ chối được”.

3. Đơn giản hóa cách viết lách

Khi cần phải viết lách trong quá trình làm việc, hãy hạn chế việc sử dụng những từ ngữ bóng bẩy, dài dòng.

Một nghiên cứu hồi năm 2012 của Đại học Princeton về vấn đề sử dụng từ ngữ dài dòng quá mức cần thiết cho thấy, việc sử dụng những từ đao to búa lớn một cách vụng về thường khiến mọi người nghĩ rằng bạn kém thông minh.

Theo đó, các nhà nghiên cứu đã chọn một luận án xã hội học mang tính trừu tượng với nhiều từ ngữ dài và tạo ra một phiên bản rút gọn, đơn giản hơn bằng cách thay thế những từ dài từ 9 ký tự trở lên bằng những từ ngắn hơn. Sau đó họ yêu cầu 35 sinh viên Đại học Stanford đọc cả 2 luận án để đánh giá về mức độ thông minh của tác giả và độ khó hiểu của nội dung.

Kết quả cho thấy, phiên bản rút gọn được cho là ít phức tạp hơn, và tác giả của nó được đánh giá là thông minh hơn.

4. Đeo kính

Nếu đeo kính, bạn sẽ trông kém hấp dẫn hơn, nhưng thông minh hơn.

Trong một nghiên cứu nhỏ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Vienna cho 76 người tham gia nhìn vào 78 hình ảnh khuôn mặt, gồm những khuôn mặt không đeo kính, đeo kính có vành và đeo kính không vành, rồi đánh giá họ theo một số đặc điểm, bao gồm trí thông minh và độ hấp dẫn.

Kết quả, những người đeo kính, có vành hoặc không có vành, được xem là thông minh hơn những người không đeo kính. Tuy nhiên, những người không đeo kính lại được đánh giá là hấp dẫn hơn.

5. Chứng tỏ mình vừa ấm áp vừa có năng lực

Các nhà tâm lý học ở Đại học Princeton đã đưa ra một học thuyết cho rằng mọi người thường nhận xét người khác dựa trên sự ấm áp và năng lực của họ.

Theo đó, nếu bạn có thể cho thấy bản thân là người ấm áp, tức là thân thiện và không tranh đua, thì mọi người sẽ cảm thấy họ có thể tin tưởng bạn. Nếu bạn trông có vẻ có năng lực, chẳng hạn như có học vấn cao, khả năng kinh tế tốt…, mọi người có khuynh hướng tôn trọng bạn hơn.

Chuyên gia tâm lý học ở Đại học Harvard – Amy Cuddy nói rằng, điều quan trọng là chứng tỏ sự ấm áp trước, sau đó mới chứng minh năng lực, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh. Bà viết trong một cuốn sách của mình rằng: “Ở khía cạnh tiến hóa, việc đánh giá xem một người có xứng đáng được tin tưởng hay không có ảnh hưởng quan trọng đến sự sống còn của chúng ta”.

6. Kiểm soát những hành động thể hiện sự bồn chồn

Những thói quen thể hiện sự bồn chồn như xoa nắn tay có thể là một cách để tự xoa dịu bản thân, nhưng nó cũng thể hiện sự căng thẳng và thiếu quyền lực, chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Tonya Reiman – tác giả cuốn The Power of Body Language (tạm dịch: Sức mạnh của ngôn ngữ cơ thể) cho biết.

Cựu đặc vụ FBI Joe Navarro gợi ý cách đơn giản, đó là vẫn có thể giữ những thói quen này, nhưng thực hiện chúng một cách chậm lại. Cách làm này vẫn mang lại lợi ích tương tự (giúp xoa dịu bản thân) nhưng sự lo lắng của bạn sẽ không bị phơi bày quá lộ liễu.

7. Nói nhanh hơn

Bạn không cần nói quá nhanh đến mức mọi người không thể hiểu được, nhưng hãy tránhviệc  kéo dài mọi câu nói, mọi từ và mọi âm tiết.

Theo một nghiên cứu vào năm 1975 được xuất bản trên tạp chí Language and Speech, các nhà nghiên cứu của Đại học Brigham Young cho 28 sinh viên đại học nghe những đoạn thu âm của 6 người nhưng đã được xử lý lại cho nhanh hơn hoặc chậm hơn mức thông thường.

Cuối cùng, những sinh viên tình nguyện đã xếp hạng mức độ năng lực cao nhất cho những người nói nhanh và ngược lại, đánh giá mức năng lực thấp nhất cho những người nói chậm.

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy việc nói nhanh cũng là một cách để giành phần thắng khi tranh luận, ít nhất là ở Mỹ. Một nghiên cứu hồi năm 1991 được xuất bản trên tạp chí Personality and Social Psychology Bulletin gợi ý lý do là vì mọi người sẽ có ít thời gian hơn để suy nghĩ nghiêm túc về lập trường của bạn.

8. Để mọi người nói về bản thân họ

Trong cuốn sách Đắc nhân tâm (tựa đề tiếng Anh: How to Win Friends and Influence People), tác giả Dale Carnegie đã tiết lộ một bí mật để khiến người khác thích mình: đơn giản là lắng nghe và khuyến khích họ nói về chính họ.

Nhiều kết quả nghiên cứu cũng ủng hộ quan điểm này của ông.

Các chuyên gia ở Đại học Harvard khám phá ra rằng, nói về chính mình cũng mang đến cảm giác thỏa mãn giống như cách mà thức ăn, tiền bạc, và tình dục mang lại cho một người. Theo nghiên cứu này, mọi người thậm chí còn có được sự hài lòng khi nói về chính họ ngay cả khi… không có người lắng nghe.

9. Chú ý cách ăn mặc

“Vẻ bề ngoài là bộ lọc đầu tiên của chúng ta. Điều này luôn đúng trong mọi trường hợp”, theo Sylvia Ann Hewlett – tác giả cuốn sách Executive Presence: The Missing Link Between Merit And Success (tạm dịch: Dáng vẻ bề ngoài: Mối tương quan bị bỏ qua giữa giá trị thật và thành công).

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Princeton cho biết, chỉ trong khoảng 100 mili giây, chúng ta đã để lại ấn tượng đầu tiên cho người khác, bằng thời gian cái đập cánh của một con chim ruồi. Nhưng tin tốt là, ấn tượng này bao gồm cả cách ăn mặc, cách chải chuốt… cộng lại, chứ không phải chỉ từ các yếu tố riêng lẻ như kiểu tóc hoặc quần áo.

Một số nghiên cứu cho thấy việc ăn mặc trang trọng hơn có thể khiến cho bạn vừa cảm thấy mình quyền lực hơn, đồng thời cũng vừa khiến người khác cảm thấy bạn quyền lực hơn. Trong một nghiên cứu năm 2014 được xuất bản trên tạp chí Journal of Experimental Psychology, những người đàn ông mặc com-lê hoặc đồ xuề xòa hơn được cho tham gia vào những cuộc đàm phán giả định cùng với một đối tác. Kết quả cho thấy, những người thành công hơn là những người mặc com-lê khi đàm phán.

Bạn không cần phải luôn mặc com-lê khi đi làm. Thay vào đó, hãy chú ý đến cách ăn mặc của những người thể hiện tốt nhất tại công ty/tổ chức của bạn hoặc lĩnh vực bạn hoạt động, sau đó chọn lọc và tổng hợp lại để chọn ra phong cách phù hợp nhất với mình.

10. Làm chủ cái bắt tay

Một cái bắt tay chặt và chắc là phương tiện để khẳng định sự hiện diện của bạn một cách hiệu quả.

Trên đường đi hoặc trong sảnh tiệc, hãy điều chỉnh vai của mình thẳng và hướng đến người mà mình đang hoặc sắp trò chuyện.

Khi bắt tay người đối diện, bạn phải giữ ánh nhìn thẳng vào mắt họ, bắt tay chặt và chắc, khuỷu tay gần như tạo thành một góc vuông. Và đừng quên cười để chứng tỏ thành ý và sự tôn trọng đối với người đang bắt tay với mình.

11. Biết về những thứ đang diễn ra trên thế giới

Nhà phát triển game bán chạy nhất Valve thích thuê kiểu nhân viên “T-shaped” – những người có hiểu biết sâu về một lĩnh vực cụ thể đồng thời có sự quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác. Đây cũng là hình mẫu mà nhân viên ở các ngành nghề khác nên noi theo.

“Dù làm việc ở ngành nghề nào, bạn cũng nên theo dõi những thay đổi hằng ngày trong ngành nghề đó để có thể nói về chúng một cách thông minh”, Roberta Matuson – tác giả cuốn Suddenly in Charge: Managing Up, Managing Down, Succeeding All Around (tạm dịch: Bí quyết quản lý để luôn thành công).

Tuy nhiên, bạn cũng cần phải biết các kiến thức nền tảng về những lĩnh vực khác, như khoa học, công nghệ và các kiến thức văn hóa phổ biến.

Chúng ta có thể bắt đầu học hỏi bằng cách tìm đọc những cuốn sách thú vị đã hoặc sắp xuất bản trên thị trường.

12. Chuẩn bị kỹ càng mọi thứ

Đừng làm mọi thứ theo kiểu tùy cơ ứng biến, ít nhất là trong công việc.

Hãy chuẩn bị kỹ càng các loại tài liệu và lập luận vững chắc trước khi trình bày một ý tưởng nào đó. Đây chính là yếu tố thể hiện năng lực trí tuệ của bạn, theo Sylvia Ann Hewlett.

13. Kể cho mọi người nghe những câu chuyện

Những con số cụ thể có khả năng tạo ấn tượng, nhưng nó không đủ để kết nối mọi người với nhau.

Kinh nghiệm từ TED Talks (nơi tập hợp những bài diễn thuyết được ghi hình tại các sự kiện của tổ chức phi lợi nhuận TED hay tại các sự kiện độc lập TEDx diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới) cho thấy: các bài thuyết trình thành công nhất thường bao gồm 65% các câu chuyện và 25% các con số, phần còn lại là sự giải thích hoặc củng cố quan điểm dựa vào kinh nghiệm cá nhân của người diễn thuyết.

Sheryl Sandberg đã nhận ra điều này trước khi thực hiện bài diễn thuyết TED Talk vô cùng đột phá của mình vào năm 2010.

Sandberg nói với phóng viên rằng: “Ban đầu tôi đã dự định sẽ trình bày bài nói của mình với toàn những số liệu thống kê và những sự kiện thực tế mà không chêm thêm bất cứ quan điểm cá nhân nào vào”.

Nhưng trước khi Sandberg lên sân khấu, một người bạn đã cản lại và nói rằng, hãy quên những khuôn khổ giáo điều đi, và nghĩ về một số trải nghiệm cá nhân để làm sinh động bài diễn thuyết của mình. Sheryl Sandberg chợt nhớ ra lúc rời khỏi nhà hôm đó, cô con gái đã giật mạnh chân mẹ và “mè nheo” để mẹ đừng đi.

Tại sao không kể về câu chuyện đó? Người bạn của Sheryl Sandberg nói. Sandberg nghe theo lời khuyên và đã thực hiện bài diễn thuyết với nhiều ví dụ sinh động tương tự và nhanh chóng tạo ra một “phong trào kể chuyện” để làm tăng tính thuyết phục và sự tin tưởng cho người nghe.

14. Chú ý giọng điệu

Giọng điệu khi nói cũng quan trọng không kém nội dung câu nói. Nếu bạn kết thúc câu bằng giọng điệu cao hơn lúc bắt đầu, quan điểm của bạn sẽ trở nên không chắc chắn đối với người nghe, mặc dù bạn không cố tình tỏ ra như vậy. 57% trong số 700 chuyên gia được khảo sát cho rằng, họ nghĩ việc lên giọng sẽ càng làm cho luận điểm của bạn kém tin cậy hơn.

“Việc lên giọng không có chỗ đứng trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp. Vì thế, nếu bạn muốn có một sự nghiệp tốt, đơn giản là đừng bao giờ lên giọng với người khác”, Bernard Marr nói.

Phụ nữ được cho rằng thường có xu hướng lên giọng hơn nam giới. Tuy nhiên nhà nghiên cứu về diễn thuyết Susan Sankin cho rằng, việc lên giọng sẽ phá hoại hình ảnh chuyên nghiệp của bạn, dù cho bạn có giới tính nào.

15. Tự tin và khiêm tốn

Bậc thầy về giao tiếp – đồng tác giả của cuốn sách Heart, Smarts, Guts, and Luck: What It Takes to Be an Entrepreneur and Build a Great Business (tạm dịch Trái tim, Trí tuệ, Bản năng, và May mắn: Cần gì để trở thành doanh nhân và xây dựng doanh nghiệp thành công?) – Anthony K. Tjan cho rằng, muốn được người khác tôn trọng, bạn phải “kết hôn” với sự khiêm tốn để đạt được sự tự tin như mong muốn.

Nghe thì có vẻ như mâu thuẫn, nhưng thật ra là “bạn cần phải có đủ tự tin để làm chủ được sự tôn trọng của người khác dành cho mình, nhưng cũng phải kết hợp hài hòa với sự khiêm tốn”. Vì “khiêm tốn là con đường dẫn đến sự tôn trọng, và tự tin chính là chìa khóa để làm chủ và phát huy tối đa sự tôn trọng ấy”, theo Anthony K.Tjan.