Monthly Archives: September 2018

7 “nguyên tắc vàng” trong kinh doanh của tỷ phú Tadashi Yanai

Bước tiến của Uniqlo không đến từ đâu khác mà chính nhờ năng lực lãnh đạo tuyệt vời của nhà sáng lập Tadashi Yanai.

Có thể nói, Tadashi Yanai, nhà sáng lập Uniqlo, là một trong những doanh nhân thành công nhất trên thế giới khi biến cửa hàng khiêm tốn của cha mình trở thành thương hiệu đứng thứ 3 toàn cầu trong lĩnh vực thời trang.

Ngay từ những ngày đầu trên thương trường, vị tỷ phú này đã sớm học hỏi, tiếp thu và định hình “công thức kinh doanh” thành công cho mình, vốn vẫn thường được ông gọi là “23 Nguyên tắc quản trị” của Tadashi Yanai. Và, cốt lõi của những nguyên tắc trên có thể được bày tỏ thông qua 7 điều sau:

1. Khách hàng là “hạt nhân” của kinh doanh

Ưu tiên số một được đề cập đến trong các quy tắc của Yanai là: “Đáp ứng nhu cầu khách hàng và tạo khách hàng mới”. Mục tiêu này đã ăn sâu vào cung cách quản lý của ông ngay từ những ngày chỉ điều hành một cửa hàng duy nhất. Vị tỷ phú này lý giải: “Kinh doanh chỉ sống sót khi doanh nghiệp có khách hàng. Thế nên, khách hàng phải là hạt nhân trong mô hình kinh doanh. Đây là nguyên tắc căn bản của Uniqlo”.

Ông nói thêm: “Người làm kinh doanh phải biết đánh vào nhu cầu của khách hàng. Với tôi, Steve Jobs là tấm gương mẫu mực cho việc này. Trừ phi bạn mang lại sản phẩm vượt trên cả sự mong đợi của họ, khách hàng sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn”.

Tadashi Yanai – nhà sáng lập, CEO thương hiệu thời trang Uniqlo. Ảnh: Forbes.

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, ở Uniqlo không hề tồn tại khái niệm lưu kho từ 6 – 9 tháng như những nhà sản xuất khác. Thay vào đó, hàng hóa trữ lại được tính theo tuần và thậm chí là theo ngày. Nguyên do bởi khách hàng của Uniqlo có tác động trực tiếp đến quy trình sản xuất, vì những gì mà thương hiệu này làm ra đều hoàn toàn dựa vào nhu cầu từ người tiêu dùng.

Ngoài ra, không chỉ chất lượng quần áo mà cả dịch vụ khách hàng cũng được Uniqlo chăm sóc kỹ lưỡng. Mọi quá trình từ tuyển dụng, đào tạo cho đến từng chi tiết nhỏ trong cung cách phục vụ đều được Uniqlo triển khai một cách tỉ mỉ.

2. Doanh nghiệp thành công phải cống hiến cho xã hội

Đối với Yanai, giá trị của một doanh nghiệp gắn liền với điều mà doanh nghiệp ấy mang lại cho xã hội. Một cơ sở kinh doanh chỉ thuần túy theo đuổi lợi nhuận mà không có sự liên kết với cộng đồng chắc chắn sẽ bị đào thải. Yanai nhớ lại: “Khi kinh doanh tăng tốc, tôi nhận ra việc Uniqlo cần phải trở thành một tập thể có sự khát khao cống hiến cho cộng đồng, nếu không sẽ chẳng thể nào có thể phát triển bền vững”.

Thực tiễn triết lý trên, Uniqlo đã phối hợp cùng Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) để trao khoảng 20,3 triệu bộ quần áo cho người tị nạn, các bà mẹ có thai và cho con bú cũng như hàng loạt nạn nhân thảm họa tự nhiên trên thế giới từ năm 2007. Tadashi Yanai từng được Hiệp hội châu Á (Asia Society), một tổ chức phi lợi nhuận có quy mô toàn cầu, vinh danh với giải thưởng “Asia Game Changer” cho những hoạt động vì cộng đồng của mình.

Sản phẩm của Uniqlo hoàn toàn dựa vào nhu cầu từ người tiêu dùng. Ảnh: Finance.co.uk.

3. Luôn lạc quan và học hỏi từ thất bại

Như nhiều doanh nhân khác, CEO của Uniqlo cũng không mấy xa lạ với hai từ “thất bại”. Khi Uniqlo mở rộng thị trường sang nước ngoài, thương hiệu này đã gặp thất bại lớn ở Anh. Khi đó, Uniqlo dự định thành lập 21 cửa hàng tại thị trường này nhưng đã bị buộc phải đóng cửa vì mở rộng quá nhanh và quản lý yếu kém. Sau đó, Uniqlo thua tiếp tục ở thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Tuy vậy, vị tỷ phú này cho biết ông chưa bao giờ cảm thấy nản lòng. Triết lý sống của người đàn ông 68 tuổi này là “chín thất bại, một thành công” và mỗi trở ngại ập đến đều là những hạt giống thành công sau này.

Ông nói: “Người doanh nhân cần biết phân tích kỹ lưỡng những thông tin liên quan đến sự thành công lẫn thất bại của mình. Hãy ghi nhớ những điều đã học và thực tiễn chúng. Thành công sẽ không thể đến trong một sớm một chiều. Điều mà ta có thể làm là luôn luôn thay đổi và thách thức bản thân mà thôi”.

Thêm vào đó, Yanai tin rằng một mô hình kinh doanh lớn cần phải có “hy vọng vào tương lai”. Thế nên, ông thường khuyến khích nhân viên suy nghĩ tích cực và năng động hơn trong việc đầu tư. Vị CEO nói: “Bi quan thì có ích gì. Đừng thụ động trông chờ vào may mắn, nó sẽ chẳng đến đâu! Cũng đừng bi quan! Chẳng ai có thể đoán được tương lai cả. Thế thì, tại sao bạn lại không tự mình viết nên nó. Chính những cá nhân dám tự viết nên tương lai của mình mới là những người gặp nhiều may mắn”.

4. Tập trung vào những điều nhỏ nhặt nhất

“Thành công sẽ không thể đến trong một sớm một chiều. Điều mà ta có thể làm là luôn luôn thay đổi và thách thức bản thân mà thôi.”

Là một doanh nhân làm việc trong lĩnh vực thời trang, Yanai vô cùng kỹ tính. Vị CEO này luôn tập trung hoàn thiện ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất. Ông nói: “Sai một li, đi một dặm; lỗ hổng 1 mm có thể tạo nên sự khác biệt lớn theo thời gian. Bí quyết thành công nằm ở việc thực hiện và duy trì đều đặn những điều cơ bản nhất ngày này qua ngày khác”.

Một ví dụ điển hình cho điều này là việc mọi nhân viên làm việc trong cửa hàng của Uniqlo đều được đào tạo kỹ lưỡng và bài bản từ kỹ thuật gấp quần áo, kỹ năng trao quần áo cho đến cách trả lại thẻ tín dụng (theo phong cách Nhật, cần trả lại bằng 2 tay và mắt luôn nhìn thẳng vào khách hàng). Mọi động thái, cử chỉ của nhân viên cửa hàng đều được ghi hình và phân tích.

5. Biết tự phê bình

Đối với Yanai, việc tự phê bình đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ông cho hay: “Một doanh nhân cần phải biết tự nhận xét suy nghĩ, hành động lẫn chiến lược của bản thân để luôn có thể tự cải thiện cũng như làm mới mình”.

Thực hiện quan điểm này, Yanai thường tự đặt mình trên lập trường của một khách hàng khó tính. Ông lý giải: “Nhà phê bình khắt khe nhất chính là các khách hàng của bạn. Vì vậy, hãy đứng trên lập trường của họ và thử nhìn vào cửa hàng của mình rồi tự đánh giá xem nó có hấp dẫn hay không. Sau đó, hãy tiếp tục đi vào cửa hàng và nhìn xem sản phẩm có được trình bày bắt mắt không. Nhân viên bán hàng có đủ niềm nở, ân cần hay không”.

6. Có tầm nhìn hướng xa

Từ những ngày mới kinh doanh, Yanai đã nhắm đến việc biến công ty của mình trở thành một doanh nghiệp toàn cầu. Hơn 10 năm trước, Uniqlo chỉ có xấp xỉ 100 cửa hàng tại Nhật Bản. Đến cuối tháng 8/2017, số cửa hàng trên toàn thế giới của Uniqlo đã đạt 1.920. Đáng chú ý hơn cả là việc Tadashi Yanai tuyên bố sẽ đưa Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, trở thành tập đoàn thời trang lớn nhất toàn cầu vào năm 2020 với doanh thu mỗi năm vào khoảng 41,7 tỷ USD.

Tadashi Yanai: Một doanh nhân cần phải biết tự nhận xét suy nghĩ, hành động lẫn chiến lược của bản thân để luôn có thể tự cải thiện cũng như làm mới mình. Ảnh: Fast Retailing.

Trong quá trình hướng đến mục tiêu ấy, Uniqlo đã quy định mọi hoạt động đều phải được tiến hành bằng tiếng Anh. Với một đất nước ít người biết tiếng Anh như Nhật Bản thì đây là một quyết định mạo hiểm. Ngoài ra, Uniqlo cũng thành lập nhiều trung tâm đào tạo ở New York, Thượng Hải, Paris và Singapore để xây dựng đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, thích nghi với thị trường thế giới.

7. Đột phá giới hạn của bản thân

Thích nghi với thay đổi là một trong những chủ đề chính trong bí quyết của Yanai. Vị tỷ phú này thường so sánh Uniqlo với một công ty công nghệ. Ông nói: “Thế giới này đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Cái mà chúng ta đang nói đến là một cuộc cách mạng công nghiệp hoàn toàn mới. Sự đột phá từng một thời là thuật ngữ chỉ dành cho lĩnh vực công nghệ cao, nhưng nay nó lại đang diễn ra ở cả những ngành công nghiệp khác, đơn cử như Amazon, Alibaba và Uber. Đây là lúc chúng ta cần thay đổi! Ngành công nghiệp may mặc, vốn gắn liền với nhân loại, nay đã lỗi thời và cơ hội để chúng ta cải tổ nó đang ở trước mắt. Thế nên, tôi thường căn dặn nhân viên phải biết vượt qua những hình mẫu hiện tại”.

Lê Duy

Muốn tìm nhân tài cho công ty, bất kỳ nhà lãnh đạo cũng không thể bỏ qua 3 nguyên tắc sau

Chọn đúng người là xuất phát điểm của sự xuất sắc trong quản lý. Có lẽ 95% thành công của bạn với tư cách nhà lãnh đạo nằm ở khả năng chọn đúng người làm việc cho bạn ngay từ đầu.

Muốn tìm nhân tài cho công ty, bất kỳ nhà lãnh đạo cũng không thể bỏ qua 3 nguyên tắc sau

Trong cuốn sách của mình, Từ tốt đến vĩ đại, tác giả Jim Collins cho rằng, về cơ bản, công việc đầu tiên liên quan đến quản lý là “chọn đúng người vào đội, chọn đúng người vào các vị trí trong đội và loại bỏ những người đang ngồi nhầm chỗ.”

Khi Lee Iacocca được đưa về để phục hồi Chrysler Corporation, công ty này đang ở trên bờ vực phá sản. Sau khi bảo đảm được một khoản bảo lãnh vay vốn trị giá 350 triệu đô-la để duy trì hoạt động của Chrysler đến khi ông có thể vực dậy nó, Iacocca đã rà soát lại ban quản lý cấp cao của Chrysler một cách có hệ thống, thay thế 35/36 Phó tổng giám đốc trong vòng 3 năm.

Trước khi thời hạn này kết thúc, ông đã hoàn toàn thay thế được ban lãnh đạo của Chrysler Corporation bằng các nhà điều hành giàu kinh nghiệm và có tay nghề cao từ khắp nơi trên toàn nước Mỹ và trên thế giới. Với đúng người vào đúng vị trí, Chrysler đã trải qua một sự thay đổi đầy ấn tượng, chuyển lỗ thành lãi. Trong vòng chưa đầy 3 năm, Iacocca đã hoàn trả được toàn bộ khoản bảo lãnh vay vốn 350 triệu đô-la và đưa Chrysler Corporation trở lại vị trí.

Hãy suy nghĩ kỹ về công việc

Thuê đúng người từ đầu là chìa khóa để thành công trong quản lý. Bắt đầu bằng cách suy nghĩ kỹ về công việc, tốt nhất hãy phác thảo ra giấy. Viết ra một danh sách các đặc điểm và phẩm chất mà bạn muốn có ở một nhân viên lý tưởng cho từng công việc cụ thể. Đầu tiên, hãy tập trung vào các kết quả cụ thể, có thể đo lường được và các kết quả mà bạn mong đợi nhân viên mới đạt được.

Yếu tố thứ hai cần tìm kiếm là bộ kỹ năng cơ bản mà người đó phải có để đạt được những kết quả mà công việc đòi hỏi. Phỏng vấn một cách cẩn trọng để đảm bảo rằng các ứng viên sở hữu các kỹ năng bạn yêu cầu và chứng minh được chúng trong công việc trước đó. Như Peter Drucker nói: “Chỉ có thành quả trước đây mới dự báo chính xác nhất thành quả trong tương lai.”

Cuối cùng, hãy chú ý nhiều đến thái độ, tính cách và nhân cách của người mới khi xét đến các kỹ năng làm việc. Hãy chắc chắn rằng họ sẽ thoải mái với văn hóa của công ty bạn và tự làm việc hoặc làm việc nhóm hiệu quả. Nếu chọn những người có thái độ, tính cách đúng đắn và phù hợp, bạn có thể đào tạo và quản lý họ làm tốt công việc được giao.

Luật số 3

Với Luật số 3, bạn sẽ tăng khả năng tuyển dụng được những nhân viên tốt thậm chí với tỷ lệ thành công lên tới 90%.Dưới đây là cách thức hoạt động của quy luật này, theo sáu bước.

Đầu tiên, phỏng vấn ít nhất ba ứng viên cho một công việc. Thực tế này buộc bạn phải tư duy chậm, so sánh và đối chiếu những phẩm chất và đặc điểm của nhiều người khác nhau.

Thứ hai, phỏng vấn các ứng viên mà bạn hài lòng vào ba thời điểm khác nhau. Hãy nhớ rằng, một ứng viên sẽ luôn thể hiện mình tốt nhất trong cuộc phỏng vấn đầu tiên. Sau đó, có một sự suy giảm dần và con người thật của họ sẽ sớm lộ diện.

Thứ ba, phỏng vấn người bạn hài lòng ở ba nơi khác nhau. Vì một lý do nào đó, nhiều người sở hữu thứ gọi là “sự phức tạp của tắc kè hoa”. Họ xuất hiện theo một cách nào đó ở văn phòng của bạn trong cuộc phỏng vấn đầu tiên và sau đó có hành động và phản ứng khác khi bạn đưa họ đến các môi trường khác nhau.

Thứ tư, để ba người khác nhau trong nhóm của bạn phỏng vấn bất kỳ ứng viên ấn tượng nào mà bạn đã phỏng vấn. Trong rất nhiều trường hợp, một ứng viên mà bạn coi là lý tưởng đã bị những người trong đội của mình từ chối và hóa ra lý do của họ thật xác đáng.

Thứ năm, hãy kiểm chứng ít nhất ba lời giới thiệu của ứng viên. Bạn có thể hỏi những câu hỏi cụ thể như:

1. Ông/bà có thể cho tôi biết một số điểm mạnh hay điểm yếu của ứng viên này trong quá trình làm công việc này không?

2. Ông/bà có thể nói với tôi bất cứ điều gì để giúp tôi đưa ra quyết định tuyển dụng đúng đắn hơn không?

3. Ông/bà có tuyển dụng người này nữa nếu họ ứng tuyển không?

Nếu người giới thiệu miễn cưỡng nhận xét về các ứng viên hoặc không trả lời câu hỏi 1 và 2, hãy đặt ra câu hỏi 3, đó là câu hỏi rất quan trọng. Nếu câu trả lời không phải là “Có” rõ ràng, bạn phải rất thận trọng về việc thuê ứng viên đó.

Mảnh ghép thứ sáu và cũng là cuối cùng được đưa ra là kiểm chứng nguồn tham khảo ba sâu. Đó là, đề nghị người được tham khảo cung cấp tên của những người khác mà ứng viên đã từng làm việc cùng để bạn có thể nói chuyện với họ. Khi phỏng vấn ba người khác không có tên trong hồ sơ của ứng viên, bạn có thể sẽ rất ngạc nhiên trước những gì biết được.

Công thức SWAN

Công thức SWAN đã được đưa ra vài năm trước đây bởi một nhà tuyển dụng điều hành John Swan. Nó là từ viết tắt hiệu quả mà bạn có thể sử dụng để cải thiện quá trình lựa chọn của mình. Nó gồm bốn chữ cái: S, W, A, N.

S là từ viết tắt của từ Smart (thông minh). Hãy thuê những người thông minh. Làm thế nào bạn biết được trí thông minh của một ứng viên? Câu trả lời rất đơn giản. Đặt câu hỏi! Những người thông minh có xu hướng tò mò nhiều hơn người bình thường.

Chữ W trong công thức viết tắt cho từ “Work hard” (làm việc chăm chỉ). Hãy tìm những người sẵn sàng làm việc chăm chỉ và những người có nền tảng cho thấy họ đã làm việc chăm chỉ trong nhiều giờ – cả tối lẫn cuối tuần – trong công việc trước đây.

A là viết tắt của từ Ambition (Tham vọng). Ứng viên thích hợp là người muốn tiến lên trong cuộc sống. Những người tham vọng sẵn sàng và háo hức được đào tạo hơn nữa; họ đã đọc, nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội để phát triển, cả về cá nhân lẫn công việc.

Cuối cùng, N là từ viết tắt của Nice (tốt bụng). Sự đáng yêu của ứng viên là một yếu tố quan trọng và đặc điểm này đặc biệt quan trọng đối với những người phải thường xuyên tiếp xúc với công chúng hoặc khách hàng. Như Leona Helmsley đã từng nói trong quảng cáo cho chuỗi khách sạn của cô ấy,”Chúng tôi không thuê người, đào tạo để họ lịch thiệp; chúng tôi chỉ thuê những người lịch thiệp.”

Uniqlo phổ biến như thế nào tại Việt Nam?

Uniqlo chính thức thông báo sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào mùa thu 2019. Uniqlo đã có mặt tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam sẽ là nước tiếp theo ở Đông Nam Á.

Zara và H&M đã mở cửa hàng tại Việt Nam vào năm 2017 và thu hút được rất nhiều khách hàng tới các cửa hàng tiên phong của họ. Chúng ta hãy cùng xem nhãn hiệu Uniqlo phổ biến tới đâu đối với người Việt và liệu rằng nhãn hiệu này có tạo được tiếng vang như vậy trong năm tới?

Về mức độ nhận diện nhãn hiệu, Uniqlo được nhận biết bởi người tiêu dùng nhiều thứ 4 sau Zara, H&M và Mango. Mức độ người tiêu dùng nhận biết nhãn hiệu này là khá cao dù rằng hãng vẫn chưa mở cửa hàng chính thức tại Việt Nam. Người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu Uniqlo chủ yếu thông qua Facebook, truyền miệng và các đại sứ thể thao của nhãn hiệu như Novak Djokovic, Roger Federer và Kei Nishikori. Ngoài ra, một phần không nhỏ người tiêu dùng đã mua hàng Uniqlo thông qua con đường nhập khẩu trực tiếp (hàng xách tay).

Uniqlo được nhận diện bởi nữ giới nhiều hơn nam giới. Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên khi nữ giới ở Việt Nam chi tiêu nhiều hơn cho thời trang. Những người có thu nhập cao hoặc từng đi du lịch nước ngoài biết đến nhãn hiệu này nhiều hơn.

Khi nói đến Uniqlo, người tiêu dùng thường nghĩ đến “chất lượng tốt” và ít nghĩ đến những từ khóa như “thời trang” hoặc “dành cho giới trẻ”. So sánh giữa hình ảnh của Uniqlo tại Việt Nam và Nhật Bản nơi Uniqlo ra đời, có hai sự khác biệt lớn. Một là Uniqlo ít được coi là có “giá cả phải chăng” tại Việt Nam, nơi thường được biết đến là nơi ưa chuộng hàng giá rẻ. Hai là nhãn hiệu Uniqlo chưa được biết đến bởi “công nghệ cải tiến”, dù những công nghệ cải tiến quần áo của Uniqlo như AIRism hoặc HEATTECH được biết đến khá rộng rãi ở nước ngoài. Điều này ngụ ý rằng tên nhãn hiệu Uniqlo đã được biết đến tại Việt Nam nhưng những tính năng của nhãn hiệu vẫn chưa được biết đến rộng rãi.

Uniqlo hiện có 3.500 cửa hàng trên toàn thế giới, trong đó bao gồm gần 200 cửa hàng ở Đông Nam Á. Đây là một trong những thương hiệu tốt nhất mà người Việt Nam đang chờ đợi. Tương tự như với Zara và H&M, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi những triển vọng lâu dài của nhãn hiệu này tại Việt Nam vào năm tới.

Adobe, Microsoft bắt tay tạo ‘ngành công nghiệp mới’ với trí tuệ nhân tạo

Đây là tuyên bố của CEO Adobe, ông Shantanu Narayen, trên kênh CNBC.

Cụ thể, hai hãng công nghệ Mỹ đang tận dụng công nghệ AI để thúc đẩy phát triển mảng quản lý quan hệ khách hàng, tạo ra một “danh mục và ngành công nghiệp mới”.

Ông Narayen cho biết: “Đây là điểm khiến quan hệ đối tác giữa Adobe và Microsoft có giá trị lớn, bởi vì chúng tôi nghĩ chúng tôi đang thực sự tạo ra một danh mục và ngành công nghiệp hoàn toàn mới, xoay quanh việc quản lý trải nghiệm khách hàng và thúc đẩy sự tham gia của kỹ thuật số”.

Adobe vừa báo cáo doanh thu và lợi nhuận quý 3/2018 hôm 14.9 cao hơn kỳ vọng của Phố Wall. Hãng có doanh thu tăng trưởng 21% so với năm ngoái trong phân khúc đám mây trải nghiệm mới. Sau tin này, cổ phiếu Adobe tăng khoảng 2,4% lên 274,96 USD.

Ông Shantanu Narayen. Ảnh: CNBC.

Phân khúc đám mây trải nghiệm mới là mảng kinh doanh dựa vào công nghệ đám mây, thúc đẩy khả năng AI và máy học của Adobe Sensei để giải quyết nhiều vấn đề về quản lý khách hàng. Doanh thu từ phân khúc ra mắt vào năm 2017 hiện vượt xa mảng đám mây tài liệu của Adobe.

Ông Narayen nói rằng Adobe và Microsoft là hai đối tác hợp tác hiệu quả với nhau, vì nền tảng đám mây Azure của Microsoft cho phép giới doanh nghiệp “xử lý dữ liệu theo tốc độ họ muốn”, và giải pháp doanh nghiệp của Adobe cho phép nhiều công ty “thu hút khách hàng đến và tham gia vào nền tảng”.

“Chúng tôi tiếp tục suy nghĩ về nội dung, dữ liệu và cách nội dung, dữ liệu đến với nhau thực sự là hướng điều kỳ diệu này diễn ra. Tất cả xoay quanh việc dữ liệu đúng được phân phối dựa trên trí tuệ. Tôi nghĩ đây là cách tiếp cận khác biệt đáng kể mà Adobe đi tiên phong”, sếp Adobe chia sẻ.

Thêm vào đó, việc Adobe mua lại hãng Magento với giá 1,68 tỉ USD hồi tháng 5 cho phép hãng này tiếp tục thâm nhập nhiều hơn vào mảng quản lý quan hệ khách hàng. Thương vụ giúp Adobe có nền tảng thương mại điện tử làm việc với đám mây trải nghiệm, tăng lợi thế của hãng trước Salesforce, công ty có dịch vụ tiếp thị và bán hàng dựa trên đám mây.

CEO Vietjet: ‘Đừng sợ công nghệ 4.0 sẽ khiến bạn mất việc’

Công nghệ 4.0 giúp tăng năng suất lao động, tạo thêm việc làm ở lĩnh vực sáng tạo, gia tăng giá trị cho cộng đồng xã hội, theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) tại Hà Nội, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng giám đốc Vietjet đã có bài phát biểu trước hơn 1.000 CEO, lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Là một trong những phụ nữ ảnh hưởng nhất thế giới do Tạp chí Forbes bình chọn, nữ tỷ phú cũng là diễn giả duy nhất đại diện cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong phần thảo luận và trao đổi về kinh nghiệm kinh doanh thành công tại diễn đàn mang tầm vóc thế giới này.

Phát biểu về công nghệ 4.0, CEO Vietjet nhìn nhận công nghệ chỉ là công cụ, phương tiện để hiện thực hóa ước mơ của con người. Vì thế đừng e ngại công nghệ 4.0 làm mất đi công ăn việc làm mà nên đón nhận xu hướng, ứng dụng vào thực tiễn để tăng năng suất lao động, tạo ra việc làm ở các lĩnh vực sáng tạo và văn minh hơn. Cuộc cách mạng này sẽ giải phóng con người khỏi lao động chân tay, tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn, mang tới nhiều giá trị hơn cho bản thân người lao động, cho doanh nghiệp, cộng đồng cùng xã hội.

Nữ tỷ phú nêu ra ví dụ về Vietjet dù ra đời trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn đặt mục tiêu hoạt động với tinh thần dẫn đầu xu thế và tạo ra những cái mới. Mặc dù thời điểm ấy, thị trường chưa có khái niệm Cách mạng Công nghệ 4.0 nhưng hãng hàng không đã lựa chọn ứng dụng công nghệ số hóa và tự động hóa cao nhất vào hoạt động doanh nghiệp của mình.

Vietjet lựa chọn ứng dụng công nghệ số hóa và tự động hóa cao nhất vào hoạt động doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu.

Bằng những thay đổi dịch vụ hàng không và phương thức phục vụ trong ngành đặc thù này, hãng đã góp phần tạo nên những tiến bộ tích cực trên thị trường. Nhớ lại 5-7 năm trước, vé máy in bằng giấy, thanh toán bằng tiền mặt, check-in thủ công, hóa đơn chứng từ cuối tháng…. Nhưng hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là tất cả mọi người ở bất cứ đâu trên khắp vùng miền, trên thế giới đều có thể đặt vé, thanh toán, check – in… Khách hàng còn có thể mua các dịch vụ cùng với vé máy bay, mua suất ăn, hành lý, mua khách sạn, mua dịch vụ vận chuyển ô tô… ngay trên điện thoại. Nhờ đó, giấc mơ mọi người đều được đi máy bay ngày càng trở nên thực tế.

“Chúng tôi mang đến sự thay đổi không chỉ cho người Việt, thị trường nội địa. Nhiều khách hàng của chúng tôi tới từ Đài Loan, Hàn Quốc, Myanmar… cũng là những người lần đầu tiên đi máy bay”, CEO Vietjet chia sẻ.

Hãng còn hướng tới những khách hàng không biết tiếng Anh, thậm chí không biết đọc, biết viết. Chỉ với một điện thoại thông minh và những hướng dẫn đơn giản, khách hàng đã có thể dễ dàng thực hiện các thủ tục và có chuyến bay tốt đẹp.

Ngay từ ngày đầu cất cánh, Vietjet đã tập trung đầu tư và ứng dụng công nghệ mới vào mọi hoạt động, từ thương mại, dịch vụ, an toàn khai thác, quản lý điều hành bay, quản lý kỹ thuật, quản lý tài chính… Hãng đầu tư đội bay hiện đại với xu hướng công nghệ mới nhất đảm bảo điều hành an toàn, chính xác, kịp thời đồng thời đem đến trải nghiệm bay thoải mái và thú vị cho hành khách. Sự tham gia thị trường của Vietjet cũng kích thích những thay đổi tích cực đối với thị trường hàng không, ngành hàng không và giao thông nói chung. Cụ thể là việc liên tục xây mới, mở rộng các sân bay, thay đổi phương thức quản lý, khởi động các dự án đào tạo, kỹ thuật, sản xuất linh kiện, thay đổi chính sách và ngày càng tiệm cận với thế giới phẳng, toàn cầu hoá.

Vietjet sẽ tập trung ứng dụng công nghệ 4.0 để phục vụ khách hàng trong giai đoạn sắp tới.

“Bằng những cách cụ thể và giản dị, chúng tôi trở thành đơn vị đi đầu trong xu thế số hóa, tự động hóa cùng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đảm bảo mục tiêu kết nối tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo”, CEO Vietjet nói.

Cùng với việc tập trung đầu tư cho công nghệ, Vietjet nỗ lực và kiên trì từng bước thay đổi những thói quen về nhận thức và tiêu dùng. Mục tiêu tiếp theo của hãng là ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ khách hàng hài lòng nhất.

Vietjet hướng tới xây dựng hãng hàng không phục vụ mọi nhu cầu tiêu dùng của hành khách, kết hợp thương mại điện tử và các hệ thống phân phối hàng tiêu dùng, logistics. Điều này có được nhờ sự hợp tác hiệu quả từ những đối tác toàn cầu và trong nước như Google, Facebook, Amazon, FPT, VNPT, Viettel, cùng hợp tác phát triển thương mại điện tử, các dự án Big Data, nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain và các giải pháp công nghệ tiên tiến.

“Chúng tôi gọi đó là Consumer Airlines – hãng hàng không phục vụ mọi yêu cầu tiêu dùng của con người”, vị CEO nhấn mạnh.

Vietjet xây dựng và kết nối mạng bay toàn cầu thông qua hệ thống liên danh (interlines) với các hãng hàng không khác. Đối tác được lựa chọn là những hãng hàng không hàng đầu trên thế giới ở khu vực Trung Đông, châu Mỹ, châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu… Khách hàng có thể bay tới bất cứ quốc gia nào trên thế giới qua hệ thống công nghệ kết nối tự động và những chuẩn mực về khai thác, vận hành, an toàn, an ninh và dịch vụ đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế của các hãng hàng không lớn này.

Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã truyền cảm hứng cho các doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp tại hội nghị trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Hà Nội.

Nữ tỷ phú đánh giá nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, doanh nghiệp Việt nói riêng và ASEAN nói chung hoàn toàn tự tin về nội lực, bất chấp những thách thức và hạn chế của môi trường xung quanh. Việt Nam có nhiều thuận lợi khi sở hữu thị trường dân số đông, trẻ, tỷ lệ sử dụng Internet cao. Tuy nhiên, vẫn còn thách thức có thể tiếp tục tới từ chính sách quản lý, hạ tầng viễn thông và Internet cần phát triển kịp nhu cầu của nền kinh tế. Nhưng thách thức lớn nhất, quan trọng nhất với doanh nghiệp và những người lãnh đạo là bản thân các doanh nghiệp và doanh nhân phải chịu đổi mới, dẫn đầu xu thế cách mạng 4.0 để nắm bắt những cơ hội cho doanh nghiệp của mình, tạo ra giá trị cho nền kinh tế.

“Đừng tiết kiệm giấc mơ. Hãy mơ những giấc mơ to lớn và biến hoài bão thành hiện thực bằng hành động mỗi ngày, mang tinh thần số hóa và tự động hóa của cuộc cách mạng 4.0 vào đời sống, vào mỗi quy trình vận hành doanh nghiệp”, nữ tỷ phú khuyến khích những doanh nhân khởi nghiệp.