Monthly Archives: February 2019

Chuỗi bán lẻ nổi tiếng Nhật Bản sắp vào Việt Nam

MUJI dự kiến lập công ty con tại Việt Nam năm nay và khai trương cửa hàng đầu tiên ở TP HCM đầu năm sau.

Ryohin Keikaku – công ty mẹ của thương hiệu bán lẻ MUJI vừa thông báo, đã quyết định thành lập công ty TNHH MUJI Việt Nam để phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Theo kế hoạch, công ty này sẽ được thành lập vào tháng 8, có trụ sở chính tại TP HCM và do Ryohin Keikaku sở hữu 100% vốn. Cửa hàng đầu tiên của MUJI sẽ được khai trường vào đầu năm 2020 tại TP HCM.

MUJI là một chuỗi cửa hàng bán lẻ nổi tiếng khắp thế giới với đa dạng các loại sản phẩm từ đồ gia dụng, nội thất cho đến quần áo, mỹ phẩm với giá phải chăng… Hiện tại, thương hiệu này có 928 cửa hàng trên khắp thế giới, trong đó 454 cửa hàng tại Nhật Bản. Dù chưa có cửa hàng tại Việt Nam, các mặt hàng mỹ phẩm của MUJI qua đường xách tay rất được khách hàng ưa chuộng.

Một trong 454 cửa hàng của MUJI tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

“Việt Nam là quốc gia có dân số đông thứ ba tại Đông Nam Á và kinh tế đang tăng trưởng nhanh. Chúng tôi thấy đây là một thị trường trọng điểm tại ASEAN, với mức tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,1%”, Ryohin Keikaku lý giải về quyết định thành lập công ty tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Nhật hy vọng, với kinh nghiệm và bí quyết trên thị trường toàn cầu sẽ giúp MUJI vận hành các hàng mỗi ngày và tăng lượng khách hàng trong khu vực.


Grab cán mốc doanh thu 1 tỷ USD

CEO Anthony Tan cho biết, kế hoạch của Grab năm nay là bắt tay các đối tác lớn và mở rộng thêm dịch vụ.

Trả lời Nikkei mới đây, Anthony Tan – CEO, kiêm đồng sáng lập Grab cho biết, doanh thu năm ngoái của hãng công nghệ này đã tăng gấp đôi lên 1 tỷ USD và một số mảng kinh doanh tại các thị trường trưởng thành đã có lãi.

Tan chia sẻ, kế hoạch năm nay của Grab là “bắt tay cùng các đối tác lớn”. Năm ngoái, Grab đã tập trung vào xây dựng quan hệ với các doanh nghiệp trong khu vực và cả toàn cầu, bao gồm Toyota Motor, Microsoft, hãng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến Trung Quốc – Ping An Good Doctor và huy động được khoản đầu tư trị giá 3 tỷ USD.

Ông cho biết, Grab sẽ cùng Ping An ra mắt một dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến khắp Đông Nam Á năm nay và bán bảo hiểm trực tuyến cho người dùng ứng dụng, tài xế cùng với đối tác ZhongAn. Cùng với Toyota, Grab sẽ cung cấp một dịch vụ hỗ trợ phương tiện. Hãng công nghệ này đã bắt đầu dịch vụ phát video trực tuyến trên ứng dụng Grab nhờ mối quan hệ với đối tác Hooq – startup có trụ sở tại Singapore.

“Nhiều dịch vụ mới chưa được cung cấp ở quy mô này tại Đông Nam Á. Chúng tôi sẽ tận dụng vốn và tất cả nguồn lực của nhà đầu tư để mở rộng”, Tan cho hay.

CEO Grab – Anthony Tan trả lời phỏng vấn Nikkei hôm 20/2. Ảnh: Nikkei.

Sau khi tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á của Uber năm ngoái, Grab bắt đầu ra mắt nhiều dịch vụ mới, với hy vọng trở thành siêu ứng dụng. “Việc mở rộng Grab sẽ củng cố vị thế siêu ứng dụng tại Đông Nam Á của chúng tôi”, Tan nói. Hiện đối thủ lớn nhất của hãng là Go Jek – một startup có trụ sở tại Indonesia và cũng bắt đầu phát triển ra nước ngoài và tuyên bố muốn trở thành siêu ứng dụng từ năm ngoái.

Tan cho rằng, mọi người đang xóa các ứng dụng khỏi smartphone vì chúng có quá nhiều. “Để ứng dụng có thể tồn tại, đặc biệt ở trang đầu tiên của smartphone là rất, rất quan trọng. Để làm được điều này, bạn phải cực phù hợp và bạn phải cung cấp các dịch vụ phù hợp với thành phố đó”, CEO Grab nói.

Bên cạnh đó, CEO này nói rằng, Grab sẽ chưa IPO năm nay. Công ty muốn tập trung vào việc triển khai các dịch vụ. “Đây là trọng tâm cho năm 2019”, CEO Grab nói.

Đồng thời, Đông Nam Á cũng vẫn là thị trường Grab tập trung và không tìm kiếm nơi nào khác. Tan cho rằng, khu vực này vẫn còn những cơ hội kinh doanh lớn như những người chưa được tiếp cận với ngân hàng sẽ là khách hàng tiềm năng cho các dịch vụ thanh toán di động của Grab.

Thành lập tại Malaysia năm 2012, hãng cung cấp dịch vụ đi chung xe này đã chuyển đến Singapore hai năm sau đó. Hiện Grab hoạt động tại 336 thành phố tại 8 quốc gia Đông Nam Á, cung cấp dịch vụ từ vận tải, giao nhận cho đến thanh toán. Công ty này cho biết, ứng dụng Grab đã có 138 triệu lượt tải.

Tú Anh / Nikkei

‘Kỳ lân’ giao món ăn của Hàn Quốc mua Vietnammm

Với thương vụ thâu tóm Vietnammm, “kỳ lân” sở hữu nền tảng giao món ăn lớn nhất Hàn Quốc sẽ cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ tại Việt Nam như GrabFood, Now.

“Kỳ lân” giao món ăn lớn nhất Hàn Quốc mua lại Vietnammm

MK News đưa tin Woowa Brothers – “kỳ lân” sở hữu nền tảng giao món ăn Baedal Minjok của Hàn Quốc, đã mua lại nền tảng đặt thức ăn trực tuyến Vietnammm tại Việt Nam.

Trang tin không nói Vietnammm sẽ đổi thương hiệu hay không và Woowa Brothers sẽ tiếp quản công việc kinh doanh thế nào.

Vào năm 2015, Vietnammm mua lại Foodpanda Việt Nam từ Rocket Internet – cái nôi sản xuất hàng loạt startup.

Vietnammm là website đặt thức ăn trực tuyến thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Việt Nam MM, thành viên của tập đoàn Takeaway, một trong những trang web đặt thức ăn trực tuyến lớn trên thế giới.

Dịch vụ đặt món và giao đồ ăn của Vietnammm đã trở thành một bộ phận của Woowa Brothers. Ảnh: Vietnammm.

Hoạt động từ năm 2011, Vietnammm là một trong những dịch vụ tiên phong ở thị trường giao món ăn trực tuyến Việt Nam. Tuy nhiên, những thương hiệu đến sau như Now (Foody) hay GrabFood đã chi phối thị trường nội địa trong khi Vietnammm chưa thể hiện sức bật rõ rệt.

Now, GrabFood, GoFood đối đầu một đối thủ đáng gờm

Một khảo sát gần đây về giao hàng thực phẩm của công ty nghiên cứu địa phương GCOMM cho thấy, 99% số người tham gia cuộc khảo sát nói họ đã sử dụng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến ít nhất ba lần trong một tháng. Theo đó kết quả khảo sát, 6 ứng dụng phổ biến nhất tại Việt Nam là GrabFood, Now, GoFood, LaLa, Vietnammm và Lixi.

Vào cuối năm 2018, Woowa Brothers tuyên bố kế hoạch ra mắt tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2019. Sau đó, đầu năm nay, hãng đã bắt đầu đăng tuyển và tìm nhân sự làm việc cho công ty tại TP HCM.

Tài xế giao món ăn của ứng dụng Baedal Minjok. Ảnh: Baedal Minjok.

Yonhap nhận định Woowa Brothers là một cái tên không hề tầm thường khi hội tụ cả ba yếu tố: sức mạnh tài chính, sức mạnh công nghệ và cả vị thế dẫn đầu thị trường Hàn Quốc hiện nay.

Nền tảng giao đồ ăn Beadal Minjok của Woowa Brothers đang dẫn đầu thị trường Hàn Quốc, chiếm hơn 50% thị phần trong nước, mặc dù phải cạnh tranh với hơn 40 đối thủ tại xứ kim chi.

Sau khi kêu gọi 320 triệu USD trong năm 2018, Woowa Brothers trở thành “kỳ lân” Hàn Quốc với mức định giá 2,6 tỉ USD. Công ty cho biết sẽ sử dụng số vốn mới để mở rộng ra thị trường nước ngoài và phát triển robot tự động.

Ra mắt từ năm 2010, Woowa Brothers đã nhận nhiều khoản đầu tư lớn, gồm 40 tỉ won (35,5 triệu USD) từ Goldman Sachs vào năm 2014; 57 tỉ won (51 triệu USD) từ Hillhouse Capital vào năm 2016 và 35 tỉ won (31 triệu USD) từ Naver. Tính cả vòng gọi vốn mới nhất, họ đã nhận khoảng 506 tỉ won (gần 450 triệu USD) từ các nhà đầu tư.

Tuệ An / Kinh tế & Tiêu dùng

Những ý tưởng kinh doanh hướng về lối sống xanh – sạch

Cuộc hành trình đi theo tiếng gọi của tự nhiên của những người như Chris, như Nhân, Hiên hay Tâm và nhiều người khác chỉ mới bắt đầu nhưng ý tưởng kinh doanh về lối sống xanh – sạch thực sự đã được khơi nguồn.

Họ chưa từng quen biết nhau, cũng không biết ai trong chúng ta nhưng họ có cùng chung một niềm khao khát: muốn dừng ngay những kiểu làm nông thu lợi từ cây trồng nhưng lại làm cho đất chết đi, còn nguồn nước bị ô nhiễm.

Họ là những người, theo từng cách riêng của mình, đã mang về thử nghiệm những mô hình nuôi trồng giúp tái sinh cho đất, cho nước và bầu không khí. Họ cũng là những người chấp nhận gặp tứ bề khó khăn khi làm những công việc đó. May mắn thay bên cạnh họ còn có những người bạn và cộng sự đầy nhiệt huyết giúp đỡ và cổ vũ.

Nhờ sự chung tay đó, những hoa tươi, quả ngọt đầu tiên sạch và an toàn cho sức khỏe con người đã được trao đến tay của cộng đồng người tiêu dùng, khích lệ mọi người nhích lại gần hơn với thiên nhiên, ăn sạch, uống sạch, dùng thực phẩm sạch. Và họ chính là những con người đang nỗ lực cải tạo mảnh đất trồng, làm cho chúng xanh trở lại, dù điều đó có thể mất rất nhiều thời gian.

Cuộc hành trình đi theo tiếng gọi của tự nhiên của những người như Chris, như Nhân, Hiên hay Tâm và nhiều người khác chỉ mới bắt đầu nhưng ý tưởng về lối sống xanh – sạch thực sự đã được khơi nguồn.

Cùng Hội An xanh

Hội An mở chợ phiên nông sản sạch lần đầu tiên vào một ngày đầu tháng 12/2018. Nhiều người đến đây bị thu hút bởi cảnh một người đàn ông nước ngoài giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường là ống hút bằng tre nứa, những chiếc giỏ đựng đồ đạc được ép từ mo cau, hộp đựng thực phẩm làm từ bã mía. Người đàn ông đó còn quay sang những gian hàng kế bên để quảng bá các loại rau, củ, quả sạch của nông dân, nhiệt tình và tự nhiên như thể đã quen hết người ta ở phiên chợ.

Christopher Dunn (Chris) đúng là quen hết những người làm trang trại ở Hội An. Hơn 3 năm qua, Chris hướng dẫn nông dân ở đây trồng nông sản sạch và hỗ trợ họ thiết lập các nông trại hữu cơ, rồi cùng họ ra chợ phiên bán hàng.

Những người mua hàng đều thấy an tâm hơn khi nghe Chirs và các ông chủ trang trại giải thích cho người mua về cách thức họ đã làm đất, trồng rau và chăm sóc rau để có những bó rau, củ quả sạch. Và đến lượt mình, họ kể lại chuyện đã gặp cho người hàng xóm, người bà con và từ bao giờ họ đã trở thành sứ giả truyền đi thông điệp sống lành mạnh và góp phần hình thành thói quen tiêu dùng thực phẩm sạch ở người dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó chủ tịch UBND thành phố Hội An, chia sẻ chợ phiên ưu tiên cho các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch, hàng thủ công và bất ngờ thay, cư dân địa phương của ông còn tự giác thay túi nilon khi đi chợ bằng túi giấy.

Mục đích rõ ràng của chợ phiên đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, đặc biệt là người đang đeo bám với mảng rau củ quả sạch cho cộng đồng. Anh Nguyễn Văn Nhân – một kỹ sư nông nghiệp mới ngoài 30 tuổi và hiện là chủ trang trại Rơm Vàng chuyên trồng các loại nông sản hữu cơ – cho biết anh đưa sản phẩm của Rơm Vàng vào chợ phiên này là nhằm tìm kiếm thêm đối tác để phân phối nông sản và đưa các sản phẩm hữu cơ, an toàn đến gần hơn với người dân bằng các mức giá hợp lý.

“Tôi bán nông sản tại chợ phiên với các mức giá thấp để người dân dễ mua. Trên thực tế, giá thành các loại nông sản hữu cơ bán trên thị trường hiện nay khá cao so với các sản phẩm cùng loại do các chi phí từ giống, cơ sở vật chất, vận hành cao nên khó tiếp cận người tiêu dùng”, anh Nhân chia sẻ.

Sự sát cánh bên những nhà nông ở Hội An của Chris ở các chợ phiên nông sản sạch không chỉ giúp hình thành một chuỗi cung ứng rau, thực phẩm an toàn địa phương và ít gây tác hại đến môi trường mà còn khẳng định một xu hướng sống trân trọng môi trường và bảo vệ nó. Đó cũng là điều cả thế giới này đều mong muốn.

Vườn đom đóm của Tâm

Với mong muốn góp sức tạo ra những bữa ăn sạch cho cộng đồng, Hồ Thị Minh Tâm đã chọn kết hợp việc mở phòng trọ theo kiểu homestay và tự trồng rau để chế biến các món ăn sạch cho khách trọ. Vì niềm yêu thích đó, cô gái ở tuổi 25 này đã rời bỏ công việc có mức lương 20 triệu đồng mỗi tháng ở TP.HCM để lên Đà Lạt. Chỉ vài tháng ở đó, Tâm đã mến phố núi, phải lòng cuộc sống mộc mạc giản dị nơi đây.

Cô cũng mang sự mộc mạc và giản dị đó vào không gian nội thất của những căn phòng trọ và biến mảnh vườn quanh nhà trọ xanh tươi hơn với nhiều loại rau trái. Cô đã tìm được khu đất có căn nhà vách gỗ bỏ không trong 20 năm của một cặp vợ chồng nhà giáo. Khu đất rộng 600m2 và Tâm chỉ dùng 80m2 để dựng lại nhà còn lại trồng hoa hồng, anh đào và cây bơ, rau theo phương pháp thuận tự nhiên để tự cung cấp cho những bữa ăn của mình và khách trọ.

Tâm đặt tên homestay của mình là Vườn đom đóm với ước mong sẽ mang lại cho khách những sự trải nghiệm sống thú vị tại miền quê vùng núi ở Đà Lạt. Cô dùng thân cây già héo, vỏ trái cây làm phân bón hữu cơ cho đất và tạo đường thoát nước thải hợp theo quy chuẩn để không gây ô nhiễm môi trường.

Khu Vườn đom đóm của Tâm chẳng mấy chốc thu hút nhiều du khách – những người đang tìm kiếm sự trải nghiệm an yên của vùng núi đồi. Tâm còn nhận được sự đồng hành của người bạn trai và vài người bạn thân – những người tạo dựng Vườn đom đóm – nơi khách cùng ăn uống, trò chuyện với chủ nhà trong thời gian lưu trú.

Tâm cũng tìm cách gây quỹ từ cộng đồng (crowdfunding), bán trước sản phẩm, dịch vụ tương lai theo gói để có thêm nguồn vốn thực hiện kế hoạch của mình. Theo đó, mỗi người trong cộng đồng góp vào 200.000 đồng, đổi lại cho một đêm tại Vườn đom đóm hoặc sẽ nhận rau sạch vào mùa thu hoạch kế tiếp. Sự ủng hộ của cộng đồng và cơ hội nhiều người Việt Nam sẽ được thưởng thức những món ăn sạch đúng nghĩa và tham gia bảo vệ môi trường chính là động lực nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê của Tâm.

Ngồi trên bãi đất 1.200m2 đang được cày xới của mình ở Tân Ngãi, Vĩnh Vong, Trần Minh Hiên nhìn sang các ruộng vườn bà con đang trồng rau, lúa trong vùng, thấy ai cũng xịt thuốc trừ sâu, không thì dùng phân bón vô cơ. Hiên chợt nghĩ liệu mình có vội vàng quá không khi mang mô hình cộng đồng hỗ trợ nông nghiệp Community-Supported Agriculture (CSA) về miền quê của mình lúc này.

Hiên, năm nay 30 tuổi, đã rời Malaysia khi đang làm việc ở một trường đại học với mức lương 1.500 đô la Mỹ để về Việt Nam làm nông nghiệp cộng đồng. Anh mong ước cùng với cộng đồng gầy dựng ngành nông nghiệp sạch theo mô hình CSA.

Hiên kể lại, sau 3 tháng làm việc ở nước ngoài, anh đã dần quen với nhịp sống ở đó rồi tập tành đi chợ nấu ăn và bỗng nhận ra việc ăn chay không chỉ giúp mình bảo vệ sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nhưng để làm được điều đó cần phải có nguồn thực phẩm sạch, đủ dinh dưỡng. Và anh tình cờ biết đến CSA khi cùng dùng bữa trưa với một đồng nghiệp.

Hiên thấy hay nên tìm hiểu thêm về mô hình CSA. Anh đã tìm đến các nhà nông đang áp dụng CSA ở Malaysia và dành thời gian hỏi chuyện về cách họ trồng trọt và bán hàng. CSA đã khiến chàng kỹ sư trẻ tuổi sững sờ bởi cách thức tổ chức và bán hàng theo mô hình này không quá khó và bắt đầu thấy mình đứng ngồi không yên với ý nghĩ về một CSA ở Việt Nam.

Tâm sự với vị sếp người Pháp – cũng là một người ăn chay – về ý tưởng của mình, Hiên ngạc nhiên khi cô ủng hộ mình, dù cô biết rằng điều này sẽ khiến nhân viên của cô sớm rời công việc để đi theo tiếng gọi của CSA. Người sếp còn giúp Hiên gặp gỡ các nhà nông đang làm CSA mà cô quen biết để Hiên học hỏi thêm kinh nghiệm.

Hiên cũng nhận được sự khuyến khích của ba mẹ khi anh kể cho họ nghe về ý tưởng của mình, về chuyện thực hiện giấc mơ trên mảnh đất quê hương. Rồi Hiên trở về Việt Nam thật, chỉ với hành trang là kiến thức về CSA và số tiền không nhiều dành dụm được sau thời gian làm việc ở xứ người.

Hiên nói đã vấp phải muôn vàn khó khăn ban đầu, vì thực tế ở Việt Nam khác xa với những gì anh mường tượng trước đó. Hiên nhìn thấy nhiều nông dân xung quanh anh dùng hóa chất quá liều lượng để diệt trừ sâu bọ, bón phân không khoa học trên những cánh đồng trồng lúa, vườn rau của họ. Anh không dùng bất cứ loại hóa chất nào nhưng mảnh đất của anh lại đang bị ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, từ nguồn nước tưới tiêu nên phải bỏ nhiều thời gian để cải tạo lại đất.

Hiên đang tìm sự trợ giúp của các nhà khoa học về việc cải tạo đất hữu hiệu hơn để thuyết phục những nhà nông chân đất láng giềng cùng làm. “Việc nào khởi đầu cũng gian nan, nhưng không sao, miễn mình có đủ tâm huyết và động lực để theo đuổi”, Hiên quả quyết.

Gieo mầm sạch – “tui trước, anh sau”

Và đây, những nông dân thứ thiệt ở miền Tây Nam bộ đang chọn cách làm nông nghiệp sạch theo kiểu “tui đã làm rồi đây, được vầy nè, anh làm thử coi”. Con đường dọn dẹp những thứ thực phẩm bẩn, phân bón, thuốc hóa học theo cách đặc sệt miền Nam này còn lắm gập ghềnh nhưng “mầm sạch” được gieo trên ruộng nhà mình, nhà nhiều người… đã đâm chồi nảy lá.

Sau 2 năm sản xuất dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGap (tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) rồi chuyển hướng lên phương pháp trồng hữu cơ, anh Trần Thanh Tiền (ngụ xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) giờ đã gầy dựng cho mình thương hiệu dưa lưới Việt Nông Xanh. Loại dưa lưới này đang được bán khắp các cửa hàng kinh doanh nông sản, trái cây sạch ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ và siêu thị Tứ Sơn ở thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Anh Tiền kể lại khởi sự làm nông nghiệp sạch ban đầu năng suất rất kém, mẫu mã sản phẩm cũng xấu nên thương lái chê không mua. Nhìn qua những nhà xung quanh, thấy bà con vẫn giữ lối sản xuất có sử dụng phân bón, thuốc hóa học và thương lái hè nhau mua. Anh không khỏi chạnh lòng, nhưng rồi phải tìm cách để cải thiện tình hình.

Tự làm nông nghiệp sạch đã khó, thuyết phục bà con làm theo thì “khó còn khó hơn”. Anh Tiền tâm sự để thuyết phục nông dân, thì phải chứng minh bằng những trường hợp cụ thể. Ví dụ, một ruộng sản xuất trong nhà lưới thì dịch bệnh và côn trùng sẽ không có, tức không phải sử dụng phân thuốc hóa học. Nếu làm ngược lại thì sẽ phải sử dụng phân bón và thuốc rất nhiều.

Là một giáo viên đã về hưu, bà Hồ Thị Kim Gương (ngụ xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) không chọn cho mình cuộc sống an nhàn bên con cháu mà quyết định nối nghiệp ông bà bằng việc dấn thân vào con đường sản xuất nông nghiệp. Và bà Gương chọn con đường sản xuất lúa gạo sạch với thương hiệu gạo Đồng An được thị trường đón nhận ngày càng nhiều hơn.

Bà Gương nói rằng: “Thấy tôi làm lúa theo phương pháp mới, không phun thuốc hóa học, mọi người xung quanh nói tôi sao dại quá, không thể sản xuất được với điều kiện như vậy. Chỉ có bón phân, phun thuốc hóa học thì may ra cây lúa mới phát triển được, chứ việc canh tác theo hướng quay về tự nhiên thì chẳng có một hạt gạo để mà ăn”.

Mặc cho nhiều lời chê bai, bà Gương vẫn quyết tâm làm gạo sạch. Bởi bà giáo nghĩ rằng con người sống nhờ đất, đã lấy của đất rất nhiều, khiến đất suy kiệt dinh dưỡng, năng suất lúa những năm gần đây không còn cao nữa.

“Vì vậy, tôi nghĩ cần phải làm một điều gì đó để cho đời tốt lành hơn. Và tôi quyết định làm lúa gạo sạch”, bà Gương quả quyết. Và ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên vào tháng 3/2017, mẫu gạo được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 TP.HCM kiểm tra cho kết quả 100% không có hàm lượng chất gây hại trong gạo.

Tờ giấy chứng thực chất lượng đó đã giúp bà giáo về hưu thêm sự tự tin và bà quyết định mở rộng diện tích sản xuất từ 0,4ha lên trên 50ha.

4 kiểu người “đẩy” doanh nhân đến thành công

Muốn thành công, các doanh nhân hãy để 4 kiểu người này “bao vây” mình, theo Entrepreneur.

Nhà đầu tư thiên thần Gerard Adams – triệu phú tự thân ở tuổi 24 – cho biết, làm việc chăm chỉ và có mục tiêu rõ ràng là những yếu tố cần thiết để thành công, tuy nhiên, những người chúng ta tiếp xúc thường xuyên cũng có tác động không nhỏ đến sự thành công đó.

Gerard Adams cho biết: “Bạn là sự tổng hợp của tất cả những người bạn đã và đang tiếp xúc. Họ có ảnh hưởng lớn đến cách bạn suy nghĩ và hành động mỗi ngày. Vì vậy, hãy dành thật nhiều thời gian cho những người có khả năng truyền cảm hứng, giúp đỡ và thúc đẩy bạn thành công. Thành công trong kinh doanh cũng giống như trong mọi lĩnh vực khác, chẳng hạn, một cầu thủ chỉ có thể thành công nếu xung quanh anh ta là những người có tinh thần đồng đội cao”.

Gerard Adams cho rằng, doanh nhân nên để mình bị “bao vây” bởi 4 kiểu người sau đây:

1. Chăm chỉ

Kiểu người này có khả năng thúc đẩy tinh thần làm việc của những người xung quanh họ.

Việc so sánh thành công của người này với thành công của người khác chẳng khác nào so sánh quả táo với quả cam. Điều chúng ta có thể làm là so sánh nỗ lực của bản thân với nỗ lực của những người làm việc chăm chỉ.

2. Có thái độ tích cực

Khi làm bất kỳ việc gì, chúng ta cũng dễ dàng đạt được hiệu quả cao nếu ở trong trạng thái hạnh phúc.

Thái độ tiêu cực dẫn đến một tinh thần làm việc trì trệ và không thể đem lại cảm hứng giúp chúng ta đổi mới và thành công. Những người có suy nghĩ và thái độ tiêu cực có thể triệt tiêu sự sáng tạo và mọi nỗ lực của bạn, trường hợp xấu nhất có thể gây nguy hại cho “sức khỏe” của cả doanh nghiệp.

Ngược lại, những người có thái độ tích cực sẽ giúp bạn dễ dàng thành công. Do đó, nếu muốn công ty hoạt động hiệu quả, hãy mang sự hạnh phúc đến nơi làm việc để duy trì nhuệ khí và tạo điều kiện cho tất cả mọi người đồng lòng hướng về phía trước.

3. Thích đặt câu hỏi

Là doanh nhân, chúng ta nên liên tục đặt câu hỏi về công việc kinh doanh và về chính bản thân mình. Như Albert Einstein đã từng nói: “Điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi”.

Những người có “sở thích” đặt nhiều câu hỏi sẽ tiếp cận vấn đề hoặc ý tưởng dưới một góc nhìn mới mẻ, và những câu hỏi của họ có thể dẫn đến những thay đổi mang tính đột phá.

4. Thích mơ mộng

Người không có tinh thần doanh nhân sẽ gọi giới doanh nhân là “những kẻ mơ mộng”. Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu rằng thiết lập mục tiêu và nỗ lực làm việc có thể giúp chúng ta biến những điều không thể thành có thể.

Để duy trì và phát triển tinh thần này, chúng ta phải để mình bị “bao vây” bởi những người có cùng chí hướng như vậy – những người có thể thậm chí không hoạt động cùng lĩnh vực nhưng biết sống có mục tiêu. Nhìn thấy sự nỗ lực để đạt được mục tiêu của họ sẽ giúp bạn có thêm động lực đạt được mục tiêu của riêng mình.