Đến khi 35 tuổi thì số tiền tiết kiệm của bạn ít nhất nên cao gấp đôi tổng lương mỗi năm.
Bạn là người đã đi làm và độc lập tài chính?
Bạn muốn có một khoản tiền tiết kiệm để phòng trừ những tình huống không đáng có?
Nhưng bạn phải chi quá nhiều tiền vào những khoản không-có-tên?
Bạn lại không kiểm soát được hành vi tiêu tiền của chính mình?
Đây chính là vấn đề của rất nhiều người, đặc biệt là của các bạn trẻ hiện nay. Tiết kiệm tiền lương là một vấn đề gì đó rất khó, phần nhiều là kiếm được đồng nào thì tiêu hết đồng ấy, cho đến khi cần tiền lại “tá hỏa” đi hỏi vay bạn bè, người thân. Nếu không rơi vào tình huống ấy thì chắc hẳn ai cũng ít nhất một lần chứng kiến một người bạn của mình như vậy.
Mới đây, một trích dẫn đã được đăng trên trang tài chính Market Watch rút ra từ lời khuyên của Công ty đầu tư tài chính Fidelity có trụ sở ở Boston với nội dung: “Với một người 30 tuổi, kiếm được khoảng 50.000 USD mỗi năm, bạn cần có một tài khoản tiết kiệm là 50.000 USD. Đến khi 35 tuổi thì số tiền tiết kiệm của bạn ít nhất nên cao gấp đôi tổng lương mỗi năm.”
Liệu điều này có dễ thực thi? Mục tiêu này có xa vời với tất cả mọi người không?
Theo ý kiến của chuyên gia tài chính cấp cao Sonali Rodrigo, 34 tuổi, thuộc Tomorrow Financal Solutions với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và ngân hàng, rất ít người có thể thực hiện điều này vì phần nhiều còn phải lo chi trả đám cưới, tiền mua/thuê nhà, các chi phí sinh hoạt mỗi tháng, nuôi vài đứa con và có thể phải trải qua giai đoạn thất nghiệp.
Hơn nữa, không phải ai cũng xuất thân từ những gia đình khá giả nên một khi đã đi làm thì sẽ không nhận được chu cấp từ gia đình nữa.
Bà cũng cho biết: “Khá nhiều người đặt cho mình mốc tiết kiệm đến một độ tuổi nào đó và tỏ ra lo lắng khi bản thân không đạt mục tiêu. Vì thế, thay vì phải có được khoản tiết kiệm lớn gấp đôi tổng lương hàng năm ở tuổi 35, mọi người nên đặt mục tiêu thực tế hơn là có một quỹ khẩn cấp để dự phòng, bằng từ 3 đến 6 tháng lương.
Chẳng hạn, một người có lương 50.000 USD mỗi năm, nên để dành quỹ khẩn cấp từ 12.500 USD tới 25.000 USD. Hơn nữa, các mục tiêu tiết kiệm sẽ thay đổi khi bạn nhiều tuổi lên.”
Những năm 20 tuổi, bạn chưa vướng bận nhiều, bạn sống một mình hoặc chỉ tạm sống với ai đó, bạn có một công việc kiếm ra tiền, bạn có thể có tài chính độc lập.
Những năm 30, 40 tuổi, bạn bắt đầu phải lo đến cuộc sống chung của gia đình mình, không chỉ có một mình bạn nữa, mỗi ngày phải đối mặt với hàng tá tiền phí.
Chính vì thế, tiết kiệm tiền ở độ tuổi 30, 40 sẽ khó hơn ở độ tuổi 20.
Ở các quãng tuổi khác nhau, bạn nên lắng nghe lời khuyên tiết kiệm của chuyên gia:
– Ở độ tuổi 20, bạn nên cố gắng học hành tử tế để giảm bớt số nợ nần liên quan đến việc học. Tiết kiệm tiền càng sớm càng tốt. Trong giai đoạn này, nhiều bạn trẻ có xu hướng nhảy việc nhiều, vì thế có thể bỏ qua các khoản bảo hiểm hưu trí ở các công ty (bảo hiểm xã hội) nên hãy gom về một mối để không bỏ sót.
– Ở độ tuổi 30, bạn nên cố gắng tiết kiệm càng nhiều càng tốt, dù chỉ là vài trăm nghìn mỗi tháng. Bạn cũng nên tập trung giảm bớt số nợ của mình càng nhiều càng tốt vì bạn không biết mình sẽ cần đến quỹ khẩn cấp bất cứ lúc nào đâu.
– Ở độ tuổi 40, bạn nên suy nghĩ về việc mình có nên đầu tư vào lĩnh vực gì không. Bởi đây là độ tuổi phù hợp cho việc đầu tư và làm ra phần lớn tài sản của bạn.
Những quy tắc bạn cần tuần thủ khi tiết kiệm tiền bạc:
– Bạn không cần phải có một tổng số tiền tuyệt đối. Thay vào đó, bạn cần có một tỷ số cố định.
– Một tỷ số cố định có vai trò quan trọng là bởi tỷ số này sẽ tự động tương thích khi khoản thu nhập và chi phí của bạn tăng lên hoặc giảm đi mà không ảnh hưởng quá nhiều đến mức sống của bạn.
– Bạn cũng không cần phải tăng tỷ lệ tiết kiệm lên để chạy theo thu nhập. Tốt hơn là bạn nên tăng tỷ lệ tiết kiệm nếu bạn còn kha khá tiền sau khi đã chi trả hết mọi chi phí và hóa đơn bạn có.
– Cất trữ những tài sản quý giá là một ý hay để tiết kiệm. Bạn nên tích trữ vàng, bạc, kim cương hoặc bất kì thứ nào quý giá không bị ảnh hưởng bởi lạm phát.