Có thể bạn đã từng nghe ai đó nói rằng đừng quá bận tâm về việc xây dựng quan hệ tốt với sếp, chỉ cần làm tốt công việc mà mình được giao là đủ.
Tuy nhiên, một lời khuyên hay được chia sẻ bởi các chuyên gia tư vấn nghề nghiệp là: làm cho bản thân mình trở thành người được tin cậy là chưa đủ, mà hãy biến mình trở thành người không ai thay thế được. Hãy nhớ rằng, chỉ được đánh giá là “kết quả công việc đạt yêu cầu” thì không đủ để cho bạn được thăng chức đâu.
Việc xây dựng quan hệ với sếp không phải chỉ là việc giao tiếp cá nhân, mà còn là cách bạn thể hiện mình trong công việc.
Để trở thành người không ai thay thế được trong mắt sếp, hãy thử xem xét 4 phương pháp sau đây:
1. Chủ động làm một việc quan trọng dù chưa được yêu cầu
Trong công việc, bạn sẽ rất dễ bị cuốn vào guồng quay của những việc phải làm hàng ngày, và không nghĩ tới chuyện gì khác ngoài làm đủ và kịp những việc đó. Một khi hoàn tất dự án cũ, bạn chuyển sang dự án tiếp theo với hy vọng sẽ được sếp khen ngợi về những gì đã hoàn thành và được hướng dẫn thêm cho dự án mới. Nhưng rốt cuộc là chả có gì xảy ra cả, và bạn bắt đầu thấy lo lắng cho con đường thăng tiến của mình.
Giải pháp ở đây là bạn cần chủ động tìm kiếm một việc nào đó nằm ngoài trách nhiệm hiện tại của bạn, nhưng có thể mang lại nhiều lợi ích cho công ty. Thông thường, các vị sếp sẽ để ý đến những nhân viên có nhiều ý tưởng, biết dám nghĩ dám làm một cách có hệ thống, ngay cả khi không ai yêu cầu.
Thách thức ở đây là bạn cần phải tìm một việc gì đó mà kỹ năng và thời gian của bạn đủ đáp ứng, nhưng nó có thể sẽ không khó khăn như bạn nghĩ đâu. Bạn có thể bắt đầu từ những việc đơn giản như tìm được cách sắp xếp lịch họp hiệu quả hơn, hay tìm ra được cách tiết kiệm chi phí cho bộ phận của bạn.
Sếp có thể sẽ không có thời gian đánh giá hết các dự án mà bạn tham gia, nhưng vị sếp nào cũng luôn chủ động tìm kiếm những người biết mang lại lợi ích cho công ty, và những người như thế sẽ có ngày được tưởng thưởng xứng đáng.
Có một điều bạn cần ghi nhớ, đó là khi đề xuất cải tiến một điều gì đó thì đừng trực tiếp công kích cách làm hiện hành. Bạn có thể đưa ra đề nghị một cách tế nhị kiểu như: “Tôi đang muốn xem xét cách chúng ta trả lời phản hồi của khách hàng trong thời gian gần đây, sếp nghĩ sao về chuyện này? Tôi có một vài ý tưởng để làm cho quy trình trở nên suôn sẻ hơn”.
Một khi nhận được sự ủng hộ của sếp, hãy bảo đảm là bạn làm đúng những gì đã hứa. Khi đó, bạn sẽ được mọi người xung quanh nhìn nhận một cách tích cực hơn, và có thêm cơ hội được đề bạt lên những vị trí cao cấp hơn.
2. Chủ động đào tạo đồng nghiệp và cấp dưới
Hãy thử dìu dắt và chỉ bảo tận tâm cho một nhân viên mới hay một nhân viên dưới quyền trong nhóm của mình. Lợi ích đầu tiên bạn đem lại là nhân viên đó sẽ được huấn luyện và tiến bộ nhanh hơn so với những gì sếp của bạn mong đợi. Thứ hai, điều đó sẽ giải phóng thời gian cho sếp đảm nhận các nhiệm vụ khác.
Một điều tuyệt vời nữa là kỹ năng lãnh đạo của bạn sẽ có cơ hội được tỏa sáng, thông qua việc chia sẻ các kinh nghiệm và giúp các nhân viên khác phát triển kỹ năng của mình.
Không phải ai cũng có khả năng lãnh đạo bẩm sinh, và không phải ai có kỹ năng lãnh đạo cũng có cơ hội để được thể hiện. Việc chủ động dìu dắt một thành viên trong nhóm là cách tuyệt vời để tự tạo cho mình cơ hội và gây được sự chú ý.
3. Làm thật giỏi những công việc đơn giản nhất
Chuyện này nghe hơi có vẻ ngớ ngẩn, đúng không? Nhưng bạn thử nghĩ lại xem, nếu làm không tốt những công việc đơn giản hàng ngày thì sẽ dẫn đến rất nhiều rắc rối, không chỉ cho bạn mà còn cho sếp và nguyên nhóm của bạn. Chỉ cần một vài sai sót nhỏ là có thể làm cả nhóm bị mắc kẹt tiến độ.
Hãy bảo đảm rằng bạn bảo đảm được sự chỉn chu và cầu toàn trong từng chi tiết nhỏ. Điều đó sẽ giúp sếp an tâm rằng bạn luôn đem lại sự hoàn hảo trong mỗi nhiệm vụ, dự án mà bạn được giao, và sếp chẳng cần mất nhiều công sức kiểm tra lại. Bằng cách đó, bạn sẽ có thể yêu cầu được tham gia những dự án nhiều thách thức hơn, và sếp sẽ không có bất kỳ e ngại nào trong việc giao phó chúng cho bạn.
4. Suy nghĩ trước một bước (nếu được 3 bước thì càng tốt)
Đây là một trong những món quà tuyệt vời nhất bạn có thể dành tặng cho sếp. Hãy chủ động nghĩ tới những gì sẽ diễn ra nối tiếp sau khi vai trò của bạn trong dự án đã kết thúc.
Quá nhiều người dần buông xuôi với dự án mà họ tham gia khi vai trò của họ gần hoàn tất, và đem lại kết quả không được hoàn hảo như kỳ vọng của những người đang chờ đợi. Là người biết suy nghĩ trước một bước, bạn không chỉ nghĩ cho mình mà còn cho những người sẽ nhận được kết quả công việc của bạn.
Bạn cần cho sếp thấy rằng mình là người có cái nhìn toàn cảnh. Hãy nghĩ ra cách để các công đoạn sau của dự án trở nên dễ dàng hơn. Chúng có thể là những sửa đổi nhỏ nhặt, nhưng nếu bạn có thể giảm tải phần việc của những người tiếp nối, bạn sẽ được cảm ơn vì điều đó.